Bài viết tóm tắt các bước xử lý vi phạm khi thanh tra lao động tại doanh nghiệp và ví dụ minh họa về biên bản thanh tra lao động
1/ Trình tự, thủ tục xử phạt
1.1. Lập biên bản vi phạm hành chính về pháp luật lao động:
Để có thể xử phạt các hành vi vi phạm pháp luật lao động của người sử dụng lao động, người lao động, trong quá trình thanh tra, thanh tra viên hoặc công chức đang thi hành công vụ phải lập biên bản vi phạm hành chính về pháp luật lao động tại doanh nghiệp. Biên bản phải ghi rõ các hành vi vi phạm tương ứng với các điều khoản được quy định trong văn bản pháp luật và phải có đầy đủ chữ ký của đại diện bên vi phạm và của người lập biên bản. Trong trường hợp bên vi phạm không ký vào biên bản thì phải ghi rõ lý do.
1.2. Ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính:
Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính, người có thẩm quyền xử phạt ra quyết định xử phạt. Trong quyết định phải ghi rõ thời hạn doanh nghiệp phải thực hiện việc nộp phạt là 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định.
1.3. Ra quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt:
Hết thời hạn 10 ngày mà doanh nghiệp không thực hiện việc nộp phạt, thì người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt. Biện pháp cưỡng chế theo quy định tại Điều 86 và Điều 88 Luật Xử lý vi phạm hành chính.
2/ Hình thức xử phạt
Cá nhân, tổ chức vi phạm bị áp dụng các hình thức xử phạt sau đây:
2.1. Hình thức xử phạt chính:
– Cảnh cáo;
– Phạt tiền;
2.2. Hình thức xử phạt bổ xung:
Tước quyền sử dụng các loại giấy phép, chứng chỉ hành nghề.
Ngoài ra bên vi phạm còn có thể bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả.
3/ Thời hiệu xử phạt
Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm pháp luật lao động là một năm.
Thời điểm để tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được quy định như sau:
- Đối với vi phạm hành chính đã kết thúc thì thời hiệu được tính từ thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm.
- Đối với vi phạm hành chính đang được thực hiện thì thời hiệu được tính từ thời điểm phát hiện hành vi vi phạm.
Trong thời hạn được quy định tại điểm a và điểm b mà cá nhân, tổ chức cố tình trốn tránh, cản trở việc xử phạt thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được tính lại kể từ thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, cản trở việc xử phạt.
4/ Thẩm quyền xử phạt
Thẩm quyền xử phạt hành vi vi phạm hành chính về pháp luật lao động là Chánh thanh tra Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã; Chánh thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội; Thanh tra viên lao động; Trưởng đoàn thanh tra lao động cấp Bộ; Trưởng đoàn thanh tra lao động cấp sở và một số người có thẩm quyền được quy định tại Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 8 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và các văn bản sửa đổi bổ sung
Biên soạn: Trần Thị Thanh Thảo – Tư vấn viên
Bản tin này chỉ mang tính chất tham khảo, không phải ý kiến tư vấn cụ thể cho bất kì trường hợp nào.
Đăng kí để nhận bản tin từ Gonnapass