Bài viết dưới đây trích dẫn các quy định liên quan về Kinh phí công đoàn và tình huống thường gặp để độc giả có thể nghiên cứu và áp dụng.
Hỏi: Theo quy định của pháp luật, những đối tượng nào có nghĩa vụ đóng kinh phí công đoàn?
Trả lời:
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 26 Luật Công đoàn năm 2012 và Điều 4 Nghị định 191/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết về tài chính công đoàn thì đối tượng đóng kinh phí công đoàn là cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp mà không phân biệt cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đó đã có hay chưa có tổ chức công đoàn cơ sở, bao gồm:
- Cơ quan nhà nước (kể cả Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn), đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân.
- Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp.
- Đơn vị sự nghiệp công lập và ngoài công lập.
- Doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế thành lập, hoạt động theo Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư.
- Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thành lập, hoạt động theo Luật hợp tác xã.
- Cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam có liên quan đến tổ chức và hoạt động công đoàn, văn phòng điều hành của phía nước ngoài trong hợp đồng hợp tác kinh doanh tại Việt Nam có sử dụng lao động là người Việt Nam.
- Tổ chức khác có sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về lao động.
Hỏi: Doanh nghiệp chưa thành lập tổ chức công đoàn có phải đóng kinh phí công đoàn không?mức đóng như thế nào?
Trả lời:
Khoản 2 Điều 26 Luật Công đoàn năm 2012 quy định: “Kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động”.
Điều 4 Nghị định 191/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ quy định: “Đối tượng đóng kinh phí công đoàn theo quy định tại Khoản 2 Điều 26 Luật công đoàn là cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp mà không phân biệt cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đó đã có hay chưa có tổ chức công đoàn”.
Điều 5 Nghị định 191/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ quy định: “Mức đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động”. Quỹ tiền lương này là tổng mức tiền lương của những người lao động thuộc đối tượng phải đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
Riêng đối với đơn vị thuộc lực lượng vũ trang, quỹ tiền lương là tổng mức tiền lương của những cán bộ, công nhân viên chức quốc phòng, lao động làm việc hưởng lương trong các nhà máy, doanh nghiệp, đơn vị cơ sở trong Quân đội nhân dân; cán bộ, công nhân, viên chức, lao động làm việc hưởng lương trong các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị khoa học-kỹ thuật, sự nghiệp và phục vụ trong Công an nhân dân.
Theo đó, tất cả các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thuộc đối tượng được quy định tại Điều 4 Nghị định 191/2013/NĐ-CP đều có nghĩa vụ trích nộp kinh phí công đoàn bằng 2% quỹ lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động (Số tiền KPCĐ phải nộp = Tổng số tiền lương của tất cả người lao động tham gia BHXH x 2%), cho dù cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đó chưa có tổ chức công đoàn.
Hỏi: Phương thức đóng kinh phí công đoàn thực hiện như thế nào?
Trả lời: Theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 191/2013/NĐ-CP của Chính phủ thì phương thức đóng kinh phí công đoàn được cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện mỗi tháng một lần, cùng thời điểm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động.
Đối với tổ chức, doanh nghiệp nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp trả tiền lương theo chu kỳ sản xuất, kinh doanh thì đóng kinh phí công đoàn theo tháng hoặc quý một lần cùng với thời điểm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động trên cơ sở đăng ký với tổ chức công đoàn.
Hỏi: Công đoàn cơ sở được phân phối nguồn thu tài chính công đoàn như thế nào?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 26 Luật Công đoàn năm 2012 và khoản 1 Điều 5 Quy định về quản lý tài chính, tài sản công đoàn, thu, phân phối nguồn thu và thưởng, phạt thu, nộp tài chính công đoàn (ban hành kèm theo Quyết định số: 1908/QĐ-TLĐ ngày 19/12/2016 của Đoàn Chủ tịch TLĐ Lao động Việt Nam), nguồn thu tài chính công đoàn bao gồm:
– Thu đoàn phí công đoàn (do đoàn viên công đoàn đóng);
– Thu kinh phí công đoàn (do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng);
– Ngân sách nhà nước cấp hỗ trợ;
– Nguồn thu khác từ hoạt động văn hóa, thể thao, hoạt động kinh tế của Công đoàn; từ đề án, dự án, chương trình do Nhà nước giao; từ viện trợ, tài trợ của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài; lãi tiền gửi ngân hàng, kho bạc (nếu có), tiền thanh lý, nhượng bán tài sản; tiền thu hồi các khoản chi sai chế độ từ nguồn tài chính công đoàn đã quyết toán và được cấp có thẩm quyền phê duyệt…
* Theo quy định tại khoản 1, khoản 4 Điều 21, Điều 22 Quy định về quản lý tài chính, tài sản công đoàn, thu, phân phối nguồn thu và thưởng, phạt thu, nộp tài chính công đoàn (ban hành kèm theo Quyết định số: 1908/QĐ-TLĐ ngày 19/12/2016 của Đoàn Chủ tịch TLĐ Lao động Việt Nam); Quy định nguyên tắc xây dựng và giao dự toán tài chính công đoàn năm 2017 (Ban hành kèm theo Quyết định số 1699/QĐ- TLĐ ngày 18 tháng 10 năm 2016 của Đoàn chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam); Hướng dẫn 1616/HD-TLĐ ngày 19/10/2016 về xây dựng dự toán tài chính công đoàn năm 2017 của Tổng Liên đoàn; Nghị quyết 7b/NQ-TLĐ ngày 21/01/2016 Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam khóa XI về Công tác tài chính công đoàn trong tình hình mới, thì CĐCS được phân phối nguồn thu tài chính công đoàn như sau:
Công đoàn cơ sở được sử dụng theo tỷ lệ % trên tổng số thu kinh phí công đoàn (từ nguồn thu 2% kinh phí công đoàn do đơn vị trích nộp) và tổng số thu đoàn phí công đoàn (từ nguồn thu đoàn phí do đoàn viên công đoàn đóng) theo hướng dẫn hàng năm của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và được sử dụng 100% tổng số thu khác của đơn vị theo quy định của pháp luật và TLĐ Lao động Việt Nam.
Việc phân phối nguồn thu được thực hiện theo hướng tăng tỷ lệ kinh phí công đoàn cơ sở, mỗi năm tăng 1% để đạt mức 70 % vào năm 2020 và 75% vào năm 2025. Theo đó, tỷ lệ kinh phí được sử dụng tại CĐCS năm 2017 là 67% /tổng số thu kinh phí công đoàn (từ nguồn thu 2% kinh phí công đoàn do đơn vị trích nộp), 60%/ tổng số thu đoàn phí công đoàn (từ nguồn thu đoàn phí do đoàn viên công đoàn đóng) và 100% tổng số thu khác.
Lưu ý: Đối với cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chưa thành lập công đoàn cơ sở
Công đoàn cấp trên được phân cấp thu kinh phí công đoàn khi nhận được kinh phí của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng, được sử dụng 67% tổng số thu để chi cho hoạt động tuyên truyền, phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở, ký thỏa ước lao động tập thể, bảo vệ, chăm lo cho người lao động tại các đơn vị này. Cuối năm số kinh phí sử dụng cho các hoạt động trên chưa hết được chuyển thành tích lũy và trả lại cho công đoàn cơ sở sau khi công đoàn cơ sở của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được thành lập.
Hỏi: Pháp luật quy định như thế nào đối với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ đóng kinh phí công đoàn?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 24c Nghị định số 88/2015/NĐ-CP ngày 07/10/2015 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22/8/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo Hợp đồng, thì hành vi vi phạm quy định về đóng kinh phí công đoàn được xử lý như sau:
– Phạt tiền với mức từ 12% đến dưới 15% tổng số tiền phải đóng kinh phí công đoàn tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
+ Chậm đóng kinh phí công đoàn;
+ Đóng kinh phí công đoàn không đúng mức quy định;
+ Đóng kinh phí công đoàn không đủ số người thuộc đối tượng phải đóng.
– Phạt tiền với mức từ 18% đến 20% tổng số tiền phải đóng kinh phí công đoàn tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động không đóng kinh phí công đoàn cho toàn bộ người lao động thuộc đối tượng phải đóng.
– Biện pháp khắc phục hậu quả:
Chậm nhất 30 ngày, kể từ ngày có quyết định xử phạt, người sử dụng lao động phải nộp cho tổ chức công đoàn số tiền kinh phí công đoàn chậm đóng, đóng chưa đủ hoặc chưa đóng và số tiền lãi của số tiền kinh phí công đoàn chưa đóng, chậm đóng theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm.
Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp vi phạm quy định về đóng kinh phí công đoàn, có thể bị tổ chức Công đoàn khởi kiện ra toà án theo quy định của Luật Công đoàn năm 2012 và Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
Biên soạn: Nguyễn Việt Anh – Tư vấn viên Sưu tầm
Đăng kí để nhận bản tin từ Gonnapass Email Address
Bản tin này chỉ mang tính chất tham khảo, không phải ý kiến tư vấn cụ thể cho bất kì trường hợp nào.
Đăng kí để nhận bản tin từ Gonnapass
Liên hệ tư vấn dịch vụ Kế toán – Thuế – Đào tạo: Ms Huyền – 094 719 2091
Tham khảo dịch vụ tư vấn từng lần – giải quyết các nỗi lo rủi ro thuế
Mọi thông tin xin liên hệ:
Công ty TNHH Gonnapass
Phòng 701, tầng 7, toà nhà 3D Center, số 3 Duy Tân, P Dịch Vọng Hậu, Q Cầu Giấy, TP Hà Nội
Email: hotro@gonnapass.com
Facebook: https://www.facebook.com/gonnapassbeyondyourself/
Group Facebook chia sẻ mẫu biểu: https://www.facebook.com/groups/congvanketoan
Group Zalo chia sẻ miễn phí: https://zalo.me/g/xefwrd200
Website: https://gonnapass.com
Hotline/ Zalo : 0888 942 040