Cục thuế tỉnh Thái Bình đã hỗ trợ giải đáp vướng mắc thuế ngày 12/10 về rất nhiều điểm mới cần quan tâm của chính sách thuế. Tham khảo bản tin dưới đây
Câu 1:
Công ty tôi xuất khẩu túi PP. Trong hợp đồng ghi khách hàng phải thanh toán cho người bán cả phần chi phí trục in (là công cụ để sản xuất ra túi PP). Tuy nhiên khi khai báo hải quan, công ty tôi chỉ khai báo số lượng, đơn giá hàng xuất khẩu đối với túi PP không bao gồm giá trị trục in, và kê khai thuế GTGT với thuế suất 0% cho giá trị túi PP mà không có giá trị của trục in. Xin hỏi phần tiền trục in có chịu thuế GTGT không? nếu có thì áp dụng thuế suất như thế nào?
Trả lời:
Tại Điều 7; Điều 9; Điều 11 và Khoản 2 Điều 16 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Luật Thuế giá trị gia tăng và Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Thuế giá trị gia tăng quy định:
“Điều 7. Giá tính thuế
1. Đối với hàng hóa, dịch vụ do cơ sở sản xuất, kinh doanh bán ra là giá bán chưa có thuế GTGT...
22. Giá tính thuế đối với các loại hàng hóa, dịch vụ quy định từ khoản 1 đến khoản 21 Điều này bao gồm cả khoản phụ thu và phí thu thêm ngoài giá hàng hóa, dịch vụ mà cơ sở kinh doanh được hưởng.
…
Điều 9. Thuế suất 0%
1. Thuế suất 0%: áp dụng đối với hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu …
2. Điều kiện áp dụng thuế suất 0%:
a) Đối với hàng hoá xuất khẩu:
– Có hợp đồng bán, gia công hàng hoá xuất khẩu; hợp đồng uỷ thác xuất khẩu;
– Có chứng từ thanh toán tiền hàng hoá xuất khẩu qua ngân hàng và các chứng từ khác theo quy định của pháp luật;
– Có tờ khai hải quan theo quy định tại khoản 2 Điều 16 Thông tư này…
Điều 11. Thuế suất 10%
Thuế suất 10% áp dụng đối với hàng hoá, dịch vụ không được quy định tại Điều 4, Điều 9 và Điều 10 Thông tư này.
…
Điều 16. Điều kiện khấu trừ, hoàn thuế đầu vào của hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu
…
2. Tờ khai hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu đã làm xong thủ tục hải quan theo hướng dẫn của Bộ Tài chính về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu.
… ”
Căn cứ quy định trên, trường hợp Công ty bạn ký hợp đồng bán túi PP cho khách hàng nước ngoài, hợp đồng quy định khách hàng phải trả cả tiền trục in cho Công ty bạn (khoản này không nằm trong giá trị túi PP); trên tờ khai hải quan chỉ thể hiện số lượng, giá trị đối với túi PP, không có giá trị tiền trục in thì giá trị trục in mà Công ty bạn được hưởng thuộc đối tượng chịu thuế GTGT với mức thuế suất áp dụng là 10%.
Câu 2:
Từ ngày 01/11/2018, Nghị định 119/2018 có hiệu lực, nếu Doanh nghiệp đã dùng hóa đơn điện tử thì có được dùng song song với hóa đơn giấy hay không?
Trả lời:
Tại Khoản 3 Điều 14; Khoản 3 Điều 20; Khoản 1 Điều 35 và Khoản 1 Điều 36 Nghị định số 119/2018/NĐ-CP ngày 12/09/2018 của Chính phủ quy định về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa dịch vụ quy định:
“Điều 14. Đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế
…
3.Kể từ thời điểm sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế, doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác, hộ, cá nhân kinh doanh phải thực hiện hủy những hóa đơn giấy còn tồn chưa sử dụng (nếu có) theo quy định.”
…
Điều 20. Đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế
…
3. Kể từ thời điểm sử dụng hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế, doanh nghiệp, tổ chức kinh tế phải thực hiện hủy những hóa đơn giấy còn tồn chưa sử dụng (nếu có).
…
Điều 35. Hiệu lực thi hành
- Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 11 năm 2018.
…
1. Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế đã thông báo phát hành hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế hoặc đã đăng ký áp dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì được tiếp tục sử dụng hóa đơn điện tử đang sử dụng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.
…”
Căn cứ quy định trên, kể từ thời điểm sử dụng hoá đơn điện tử, doanh nghiệp bắt buộc phải hủy những hóa đơn giấy còn tồn chưa sử dụng, không được sử dụng đồng thời cả hoá đơn điện tử và hoá đơn giấy.
Câu 3:
Hiện nay, Tổng cục thuế đã hỗ trợ phần mềm HTKK rất tiện lợi, hiệu quả, giúp ích cho doanh nghiệp hiểu và thực hiện tốt chính sách thuế. Tuy nhiên, đơn vị thực hiện khai thuế qua tổ chức T-van, sau khi kê khai xong, NNT xuất sang file XML và lại phải gửi qua một đơn vị cung cấp dịch vụ mới gửi cho Cục Thuế được, gửi như vậy nhiều khi rất vướng mắc, NNT (người nộp thuế) lại phải mất thêm khoản phí cho đơn vị dịch vụ. Xin hỏi: Làm cách nào để NNT sử dụng chữ ký số gửi trực tiếp hồ sơ khai thuế qua mạng cho cơ quan thuế?
Trả lời:
Chữ ký số được sử dụng để ký điện tử vào các file tài liệu, khi đó trong môi trường mạng tài liệu mới có giá trị pháp lý như việc ký và đóng dấu trên bản in giấy. Để hồ sơ khai thuế của NNT gửi đến CQT qua môi trường mạng có giá trị pháp lý thì bắt buộc NNT phải thực hiện sử dụng chữ ký số để ký vào file XML kết xuất từ phần mềm HTKK. Chữ ký số ngoài việc dùng kê khai, nộp thuế còn được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau như Khai bảo hiểm, khai tờ khai hải quan, ký hóa đơn điện tử, kê khai thuế, nộp thuế … nhằm giảm thiểu chi phí của NNT.
Do NNT sử dụng dịch vụ gửi hồ sơ khai thuế qua các đơn vị trung gian (các đơn vị T-VAN) dẫn đến việc phải trả thêm các khoản phí dịch vụ cho đơn vị T-VAN.
Từ khi triển khai dịch vụ Kê khai, nộp thuế điện tử, Tổng cục Thuế đã xây dựng cổng thông tin điện tử cho phép NNT thực hiện việc kê khai trực tiếp và hoàn toàn miễn phí (không qua tổ chức trung gian).
NNT có nhu cầu chuyển từ hình thức gửi tờ khai điện tử qua tổ chức T-VAN sang hình thức gửi tờ khai trực tiếp đến CQT thì NNT thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Đăng ký hủy dịch vụ gửi tờ khai trên website của đơn vị trung gian (T-VAN).
Bước 2: Truy cập vào trang web của Tổng cục Thuế theo địa chỉ http://nhantokhai.gdt.gov.vn và thực hiện đăng ký sử dụng dịch vụ của cơ quan thuế.
Các hồ sơ khai thuế mà NNT đã gửi đến cơ quan thuế qua đơn vị T-VAN vẫn có thể tra cứu được trên website của Tổng cục Thuế.
Bản tin này chỉ mang tính chất tham khảo, không phải ý kiến tư vấn cụ thể cho bất kì trường hợp nào.
Đăng kí để nhận bản tin từ Gonnapass