Giải đáp vướng mắc thuế Cục thuế tỉnh Thái Bình – Ngày 11/03/2013

260

Cục thuế tỉnh Thái Bình đã hỗ trợ giải đáp vướng mắc thuế ngày 11/03 về rất nhiều điểm mới cần quan tâm của chính sách thuế. Tham khảo bản tin dưới đây

Câu hỏi 1: Công ty tôi có phát sinh khoản chi phí hoa hồng  môi giới để có hợp đồng xuất khẩu hàng hóa. Vậy khi trả chi phí này cần có chứng từ gì để được tính vào chi phí hợp lý?

          Trả lời:

          Khoản 1, Điều 6 Thông tư số 123/2012/TT-BTC ngày 27/7/2012 của Bộ Tài Chính quy định doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:

  1.  Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp;
  2.  Khoản chi có đủ hoá đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.

        Theo quy định trên, để Chi phí hoa hồng môi giới được tính vào chi phí SXKD khi xác định thu nhập chịu thuế thì phải có hoá đơn, chứng từ hợp pháp và không vượt mức khống chế theo quy định tại Tiết 2.19, Khoản 2, Điều 6 Thông tư số 123/2012/TT-BTC.

       – Trường hợp Công ty chi trả hoa hồng môi giới cho khách hàng là các tổ chức kinh doanh:

       + Hợp đồng môi giới: trong đó quy định cụ thể về khoản chi môi giới phục vụ cho sản xuất, kinh doanh hàng hoá của đơn vị.

       + Hoá đơn GTGT do khách hàng xuất cho Công ty với thuế suất thuế GTGT 10%.

       + Chứng từ giao, nhận tiền.

       – Trường hợp Công ty chi hoa hồng môi giới cho các cá nhân:

       + Hợp đồng môi giới: trong đó quy định cụ thể về khoản chi môi giới phục vụ cho sản xuất, kinh doanh hàng hoá của đơn vị.

       + Chứng từ giao, nhận tiền.

       + Chứng từ khấu trừ thuế TNCN do Công ty xuất cho khách hàng mỗi lần chi trả hoa hồng cho khách hàng nếu số tiền chi trả từ 1 triệu đồng trở lên.

          Câu hỏi 2: Công ty tôi sử dụng dưới 200 lao động và có doanh thu trên 20 tỷ đồng thì có thuộc đối tượng được giảm 30% số thuế TNDN phải nộp năm 2012 không?

          Trả lời:

          Tiết a, Khoản 1, Điều 1 Thông tư số 140/2012/TT-BTC ngày 21/8/2012 của Bộ Tài Chính hướng dẫn Nghị định số 60/2012/NĐ-CP ngày 30/7/2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Nghị quyết số 29/2012/QH13 của Quốc hội về ban hành một số chính sách thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho tổ chức và cá nhân quy định giảm 30% số thuế TNDN phải nộp năm 2012 đối với:

          Doanh nghiệp nhỏ và vừa, bao gồm cả hợp tác xã (sau đây gọi chung là doanh nghiệp nhỏ và vừa).

          Khoản 2, Điều 1 Thông tư số 140/2012/TT-BTC quy định:

          Doanh nghiệp nhỏ và vừa quy định tại điểm a Khoản 1 Điều này là doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chí về vốn hoặc lao động theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 56/2009/NĐ-CP ngày 30 tháng 6 năm 2009 của Chính phủ về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa…

          Khoản 1, Điều 3 Nghị định số 56/2009/NĐ-CP ngày 30/6/2009 của Chính phủ về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa quy định:

           Doanh nghiệp nhỏ và vừa là cơ sở kinh doanh đã đăng ký kinh doanh theo quy định pháp luật, được chia thành ba cấp: siêu nhỏ, nhỏ, vừa theo quy mô tổng nguồn vốn (tổng nguồn vốn tương đương tổng tài sản được xác định trong bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp) hoặc số lao động bình quân năm (tổng nguồn vốn là tiêu chí ưu tiên), cụ thể như sau:

Quy mô

 

Khu vực

DN siêu nhỏ Doanh nghiệp nhỏ Doanh nghiệp vừa
Số lao động Tổng nguồn vốn Số lao động Tổng nguồn vốn Số lao động
I. Nông, lâm nghiệp và thủy sản 10 người trở xuống 20 tỷ đồng trở xuống từ trên 10 người đến 200 người từ trên 20 tỷ đồng đến 100 tỷ đồng từ trên 200 người đến 300 người
II. Công nghiệp và xây dựng 10 người trở xuống 20 tỷ đồng trở xuống từ trên 10 người đến 200 người từ trên 20 tỷ đồng đến 100 tỷ đồng từ trên 200 người đến 300 người
III. Thương mại và dịch vụ 10 người trở xuống 10 tỷ đồng trở xuống từ trên 10 người đến 50 người từ trên 10 tỷ đồng đến 50 tỷ đồng từ trên 50 người đến 100 người

          Căn cứ quy định trên trường hợp đơn vị có tổng nguồn vốn (không phải doanh thu) thể hiện trên Bảng cân đối kế toán ngày 31/12/2011 hoặc số lao động sử dụng thường xuyên bình quân năm 2011 đáp ứng các tiêu chí của doanh nghiệp vừa và nhỏ nêu tại Khoản 1, Điều 3 Nghị định số 56/2009/NĐ-CP thì thuộc đối tượng được giảm 30% số thuế TNDN phải nộp năm 2012.

          Câu hỏi 3: Trường hợp người lao động có con học xong lớp 12, đang ôn thi đại học. Khoảng thời gian từ khi tốt nghiệp cấp 3 đến khi có thẻ sinh viên có được tính giảm trừ gia cảnh không?

          Trả lời:

          Tiết 3.1.4.a, Điểm 3, Mục I, Phần B Thông tư số 84/2008/TT-BTC ngày 30/9/2008 của Bộ Tài Chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế TNCN và hướng dẫn thi hành Nghị định số 100/2008/NĐ-CP ngày 08/9/2008 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật thuế TNCN quy định người phụ thuộc bao gồm các đối tượng sau:

  1. Con: con đẻ, con nuôi, con ngoài giá thú, cụ thể:

              – Con dưới 18 tuổi (được tính đủ theo tháng).

          …- Con đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề, không có thu nhập hoặc có thu nhập nhưng không vượt quá mức quy định tại điểm 3.1.5 dưới đây.

          Tiết 3.1.7.a, Điểm 3, Mục I, Phần B Thông tư số 84/2008/TT-BTC ngày 30/9/2008 của Bộ Tài Chính quy định về hồ sơ chứng minh người phụ thuộc đối với đối tượng là con như sau:

          …Con đang theo học đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp hoặc học nghề (kể cả con đang học ở nước ngoài) cần có các giấy tờ sau:

          + Bản sao Giấy khai sinh hoặc bản sao sổ hộ khẩu

          + Bản sao Thẻ sinh viên hoặc bản khai có xác nhận của nhà trường hoặc các giấy tờ khác chứng minh đang theo học tại các trường học đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp hoặc học nghề…

          Căn cứ quy định trên và nội dung ý kiến hỏi, người lao động đăng ký người phụ thuộc là con thì thời gian tính giảm trừ gia cảnh được tính đủ đến 18 tuổi, trường hợp con tiếp tục theo học đại học, cao đẳng… thì thời gian tính giảm trừ được tính tiếp từ thời gian con nhập học (nếu có đầy đủ hồ sơ nêu ở trên). Do đó, khoảng thời gian từ khi tốt nghiệp cấp 3 đến khi nhập học nếu người con đã trên 18 tuổi thì không được tính giảm trừ gia cảnh khi tính thuế TNCN.

          Câu hỏi 4: Công ty tôi có trả trợ cấp thôi việc cho người lao động. Vậy khoản trợ cấp này có phải tính vào thu nhập chịu thuế khi tính thuế TNCN không?

          Trả lời:

          Tiết 2.2.4, Điểm 2, Mục II, Phần A Thông tư số 84/2008/TT-BTC ngày 30/9/2008 của Bộ Tài Chính quy định các khoản phụ cấp, trợ cấp được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công bao gồm:

          Các khoản trợ cấp theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội và Bộ Luật lao đông:

          … đ. Các khoản trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thất nghiệp.

          Căn cứ quy định trên, trường hợp công ty chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động theo đúng quy định của Bộ Luật lao động thì được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNCN. Trường hợp đơn vị trả trợ cấp thôi việc vượt mức quy định thì phần vượt mức quy định phải tính vào thu nhập chịu thuế khi tính thuế TNCN.

          Câu hỏi 5: Tiền thưởng cho người lao động có sáng kiến cải tiến trong quá trình sản xuất có được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN không?

          Trả lời:

          Tiết 2.7, Khoản 2, Điều 6 Thông tư số 123/2012/TT-BTC ngày 27/7/2012 của Bộ Tài Chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế TNDN số 14/2008/QH12 và hướng dẫn thi hành Nghị định số 124/2008/NĐ-CP ngày 11/12/2008, Nghị định số 122/2011/NĐ-CP ngày 27/12/2011 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật thuế TNDN quy định các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế bao gồm:

          Chi thưởng sáng kiến, cải tiến mà doanh nghiệp không có quy chế quy định cụ thể về việc chi thưởng sáng kiến, cải tiến, không có hội đồng nghiệm thu sáng kiến, cải tiến.

          Căn cứ quy định trên, trường hợp đơn vị có quy chế quy định về việc chi thưởng sáng kiến, có thành lập hội đồng nghiệm thu sáng kiến cải tiến thì khoản tiền thưởng mà đơn vị chi trả cho người lao động có sáng kiến cải tiến trong quá trình SXKD được tính vào chi phí hợp lý khi tính thuế TNDN.

          Câu hỏi 6: Số tiền thuê đất phát sinh năm 2013 không vượt quá 02 lần số thuế phải nộp năm 2010 thì có được giảm 50% tiền thuê đất không?

          Trả lời:

          Tiết a, Khoản 1, Điều 6 Thông tư số 16/2013/TT-BTC ngày 08/2/2013 của Bộ Tài Chính hướng dẫn thực hiện việc gia hạn, giảm một số khoản thu Ngân sách Nhà nước theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07 tháng 01 năm 2013 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu quy định đối tượng áp dụng giảm tiền thuê đất bao gồm:

          Tổ chức kinh tế (bao gồm cả các đơn vị sự nghiệp có thu, hợp tác xã), hộ gia đình, cá nhân được nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê hàng năm từ trước ngày 31/12/2010, sử dụng đất đúng mục đích, trong năm 2011 thuộc diện phải điều chỉnh đơn giá thuê đất theo quy định tại Nghị định số 121/2010/NĐ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2010 của Chính phủ và số tiền thuê đất phát sinh năm 2013, năm 2014 tăng hơn 2 lần so với số tiền thuê đất phát sinh năm 2010…

          Căn cứ quy định trên, trường hợp đơn vị thuộc đối tượng phải điều chỉnh đơn giá thuê đất theo quy định tại Nghị định số 121/2010/NĐ-CP ngày 03/12/2010 của Chính phủ mà năm 2013 phát sinh số tiền thuê đất phải nộp không vượt quá 02 lần số tiền thuê đất phát sinh năm 2010 thì không thuộc đối tượng được giảm 50% tiền thuê đất năm 2013, 2014.

          Câu hỏi 7: Công ty tôi có mua 1 xe ô tô cũ của cá nhân (không có hóa đơn). Công ty đã đăng ký và hạch toán vào TSCĐ của công ty. Nay công ty muốn bán chiếc xe đó thì có phải xuất hóa đơn GTGT không? Thuế suất là bao nhiêu?

          Trả lời:

          Tiết b, Khoản 1, Điều 14 Thông tư số 153/2010/TT-BTC ngày 28/9/2010 của Bộ Tài Chính quy định nguyên tắc lập hóa đơn như sau:

          Người bán phải lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ…

          Điều 11, Thông tư số 06/2012/TT-BTC ngày 11/1/2012 của Bộ Tài Chính quy định thuế suất 10% áp dụng đối với:

          Thuế suất 10% áp dụng đối với hàng hóa dịch vụ không được quy định tại Điều 4, Điều 9 và Điều 10 Thông tư này.

          Căn cứ quy định trên, khi công ty bán ô tô (đã thuộc quyền sở hữu của đơn vị) thì phải lập và giao hóa đơn GTGT cho người mua, thuế suất thuế GTGT là 10%.

          Câu hỏi 8: Khi trả lại một phần hàng hóa, bên bán căn cứ vào chứng từ nào để giảm trừ doanh thu, thuế GTGT của hàng bán?

          Trả lời:

          Tiết 2.8, Điểm 2, Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư số 153/2010/TT-BTC ngày 28/9/2012 của Bộ Tài Chính quy định:

          Tổ chức, cá nhân mua hàng hoá, người bán đã xuất hoá đơn, người mua đã nhận hàng, nhưng sau đó người mua phát hiện hàng hoá không đúng quy cách, chất lượng phải trả lại toàn bộ hay một phần hàng hoá, khi xuất hàng trả lại cho người bán, cơ sở phải lập hoá đơn, trên hoá đơn ghi rõ hàng hoá trả lại người bán do không đúng quy cách, chất lượng, tiền thuế GTGT.

          Trường hợp người mua là đối tượng không có hoá đơn, khi trả lại hàng hoá, bên mua và bên bán phải lập biên bản ghi rõ loại hàng hoá, số lượng, giá trị hàng trả lại theo giá không có thuế GTGT, tiền thuế GTGT theo hoá đơn bán hàng (số ký hiệu, ngày, tháng của hoá đơn), lý do trả hàng và bên bán thu hồi hóa đơn đã lập.

          Căn cứ quy định trên, trường hợp người mua là đối tượng sử dụng hóa đơn thì khi xuất trả lại một phần hàng hóa, người mua lập hóa đơn  trên hoá đơn ghi rõ hàng hoá trả lại người bán do không đúng quy cách, chất lượng, tiền thuế GTGT. Hóa đơn này là căn cứ để người mua, người bán điều chỉnh doanh số, thuế GTGT của hàng mua vào, bán ra.

          Trường hợp người mua là đối tượng không có hóa đơn, thì khi trả lại hàng, 02 bên lập biên bản ghi rõ loại hàng hoá, số lượng, giá trị hàng trả lại theo giá không có thuế GTGT, tiền thuế GTGT theo hoá đơn  số…, ngày, tháng, năm, lý do trả hàng và bên bán thu hồi hóa đơn đã lập. Biên bản này được lưu giữ cùng hóa đơn bán hàng để làm căn cứ điều chỉnh doanh số, thuế GTGT của người bán.

          Câu hỏi 9: Công ty có mua thực phẩm, rau củ quả ở chợ về chế biến nhưng không có hóa đơn. Đơn vị đã tính vào chi phí và lập Bảng kê số 01/TNDN. Như vậy, khoản chi phí này có được tính vào chi phí hợp lý khi tính thuế TNDN không?

          Trả lời:

          Tiết 2.4, Khoản 2, Điều 6 Thông tư số 123/2012/TT-BTC ngày ngày 27/7/2012 của Bộ Tài Chính quy định các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế bao gồm:

          Chi phí của doanh nghiệp mua hàng hoá, dịch vụ không có hoá đơn, được phép lập Bảng kê thu mua hàng hoá, dịch vụ mua vào (theo mẫu số 01/TNDN kèm theo Thông tư này) nhưng không lập Bảng kê kèm theo chứng từ thanh toán cho người bán hàng, cung cấp dịch vụ trong các trường hợp: mua hàng hoá là nông sản, lâm sản, thủy sản của người sản xuất, đánh bắt trực tiếp bán ra; mua sản phẩm thủ công làm bằng đay, cói, tre, nứa, lá, song, mây,  rơm, vỏ dừa, sọ dừa hoặc nguyên liệu tận dụng từ sản phẩm nông nghiệp của người sản xuất thủ công không kinh doanh trực tiếp bán ra; mua đất, đá, cát, sỏi của người dân tự khai thác trực tiếp bán ra; mua phế liệu của người trực tiếp thu nhặt; mua đồ dùng, tài sản của hộ gia đình, cá nhân đã qua sử dụng trực tiếp bán ra và một số dịch vụ mua của cá nhân không kinh doanh.

          Bảng kê thu mua hàng hoá, dịch vụ do người đại diện theo pháp luật hoặc người được uỷ quyền của  doanh nghiệp ký và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực. Trường hợp giá mua hàng hoá, dịch vụ trên bảng kê cao hơn giá thị trường tại thời điểm mua hàng thì cơ quan thuế căn cứ vào giá thị trường tại thời điểm mua hàng, dịch vụ cùng loại hoặc tương tự trên thị trường xác định lại mức giá để tính lại chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.

          Căn cứ quy định trên, đơn vị chỉ được lập Bảng kê thu mua hàng hoá, dịch vụ mua vào (mẫu số 01/TNDN) kèm theo chứng từ thanh toán cho người bán khi mua hàng hóa là nông, lâm, thủy sản của người sản xuất trực tiết, đánh bắt trực tiếp bán ra để tính vào chi phí hợp lý khi tính thuế TNDN.

          Trường hợp đơn vị nếu mua thực phẩm, rau, củ, quả tại các cửa hàng, hộ kinh doanh ở chợ (không phải người sản xuất trực tiếp) thì phải yêu cầu người bán xuất hóa đơn để tính vào chi phí hợp lý khi tính thuế TNDN.

          Câu hỏi 10: Công ty tôi có mở TK tại nhiều ngân hàng thương mại khác nhau. Cuối kỳ, đơn vị đánh giá lại chênh lệch tỷ giá các khoản nợ phải thu, phải trả như thế nào?

          Trả lời:

          Khoản 2, Điều 3 Thông tư số 179/2012/TT-BTC ngày 14/10/2012 của Bộ Tài Chính quy định về ghi nhận, đánh giá, xử lý các khoản chênh lệch tỷ giá hối đoái trong doanh nghiệp quy định:

          Đối với việc đánh giá lại số dư ngoại tệ cuối kỳ kế toán thì thực hiện theo tỷ giá mua vào của Ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp mở tài khoản công bố tại thời điểm lập báo cáo tài chính.

          Căn cứ quy định trên, trường hợp đơn vị có các khoản nợ phải thu, phải trả có nguồn gốc ngoại tế thì cuối kỳ đánh giá lại số dư theo tỷ giá mua vào của Ngân hàng thương mại nơi đơn vị mở tài khoản công bố tại thời điểm lập BCTC.

          Câu hỏi 11: Người lao động trong thời gian học việc, thử việc (không có hợp đồng lao động) có thu nhập trên 01 triệu/tháng và dưới 04 triệu/tháng thì có phải khấu trừ thuế TNCN trước khi chi trả không?

          Trả lời:

          Điều 1, Thông tư số 113/2011/TT-BTC ngày 04/8/2011 của Bộ Tài Chính sửa đổi, bổ sung Thông tư số 62/2009/TT-BTC ngày 27/3/2009, Thông tư số 02/2010/TT-BTC ngày 11/01/2010 và Thông tư số 12/2011/TT-BTC ngày 26/01/2011 quy định:

          Các tổ chức, cá nhân chi trả tiền hoa hồng đại lý bán hàng hoá; tiền lương, tiền công, tiền dịch vụ khác, tiền chi khác cho cá nhân thực hiện các dịch vụ có tổng mức trả thu nhập từ 1.000.000 đồng/lần trở lên thì thực hiện khấu trừ thuế trước khi trả thu nhập cho cá nhân theo hướng dẫn sau:

          – Áp dụng mức khấu trừ theo tỷ lệ 10% trên thu nhập trả cho các cá nhân có mã số thuế và 20% đối với cá nhân không có mã số thuế, trừ các trường hợp Bộ Tài chính đã có văn bản hướng dẫn mức tạm khấu trừ riêng (như tiền hoa hồng đại lý bảo hiểm, tiền hoa hồng đại lý xổ số).

          Tổ chức ký hợp đồng lao động, hợp đồng dịch vụ với các cá nhân, tổ chức ký hợp đồng lao động, hợp đồng dịch vụ có trách nhiệm thông báo cho các cá nhân về tỷ lệ khấu trừ nêu trên để cá nhân làm thủ tục xin cấp mã số thuế…

          Căn cứ quy định trên, đơn vị có lao động học việc, thử việc (không ký hợp đồng lao động) có thu nhập trên 01 triệu mỗi lần chi trả thì thực hiện khấu trừ thuế TNCN trước khi chi trả theo tỷ lệ 10% trên thu nhập trả cho cá nhân (đối với cá nhân có mã số thuế) và tỷ lệ 20% đối với cá nhân không có mã số thuế.

Bản tin này chỉ mang tính chất tham khảo, không phải ý kiến tư vấn cụ thể cho bất kì trường hợp nào.

Đăng kí để nhận bản tin từ Gonnapass


Liên hệ tư vấn dịch vụ Kế toán – Thuế – Đào tạo: Ms Huyền – 094 719 2091
Mọi thông tin xin liên hệ:
Công ty TNHH Gonnapass
Phòng 701, tầng 7, toà nhà 3D Center, số 3 Duy Tân, P Dịch Vọng Hậu, Q Cầu Giấy, TP Hà Nội
Email: hotro@gonnapass.com
Website: https://gonnapass.com
Hotline/ Zalo : 0888 942 040
avatar
admin

Nếu bạn thích bài viết, hãy thả tim và đăng ký nhận bản tin của chúng tôi

Ý kiến bình luận

You cannot copy content of this page