Cục thuế tỉnh Thái Bình đã hỗ trợ giải đáp vướng mắc thuế ngày 19/06 về rất nhiều điểm mới cần quan tâm của chính sách thuế. Tham khảo bản tin dưới đây
Câu 1: Năm 2014, công ty tôi bị lỗ, năm 2015 công ty có lãi thì có được bù trừ với số lỗ của năm 2014 không?
Trả lời:
Tại Điều 9, Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 của Chính phủ quy định và hướng dẫn thi hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp quy định:
“Điều 9. Xác định lỗ và chuyển lỗ
1. Lỗ phát sinh trong kỳ tính thuế là số chênh lệch âm về thu nhập tính thuế chưa bao gồm các khoản lỗ được kết chuyển từ các năm trước chuyển sang.
2. Doanh nghiệp sau khi quyết toán thuế mà bị lỗ thì chuyển toàn bộ và liên tục số lỗ vào thu nhập (thu nhập chịu thuế đã trừ thu nhập miễn thuế) của những năm tiếp theo. Thời gian chuyển lỗ tính liên tục không quá 5 năm, kể từ năm tiếp sau năm phát sinh lỗ.
…”
Căn cứ quy định trên, năm 2014 công ty bạn phát sinh lỗ, năm 2015 công ty phát sinh lãi thì được chuyển toàn bộ và liên tục số lỗ trên vào thu nhập (thu nhập chịu thuế đã trừ thu nhập miễn thuế) của năm 2015 và các năm tiếp theo (nếu có) nhưng thời gian chuyển lỗ không quá 05 năm kể từ năm 2015.
Câu 2: Công ty tôi có khoản tiền nhàn rỗi muốn cho doanh nghiệp khác vay có bắt buộc phải chuyển khoản không? Công ty tôi có phải xuất hóa đơn đối với khoản lãi tiền vay nhận được không?
Trả lời:
Tại Khoản 2, Điều 3, Thông tư số 09/2015/TT-BTC ngày 29/01/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn giao dịch tài chính của doanh nghiệp theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 222/2013/NĐ-CP ngày 31/12/2013 của Chính phủ về thanh toán bằng tiền mặt quy định:
“2. Khi thực hiện giao dịch góp vốn và mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp vào doanh nghiệp khác, các doanh nghiệp sử dụng các hình thức sau:
a) Thanh toán bằng Séc;
b) Thanh toán bằng ủy nhiệm chi – chuyển tiền;
c) Các hình thức thanh toán không sử dụng tiền mặt phù hợp khác theo quy định hiện hành.”
Tại Khoản 1, Điều 4, Thông tư số 09/2015/TT-BTC quy định:
“Điều 4. Hình thức thanh toán trong giao dịch vay, cho vay và trả nợ vay lẫn nhau giữa các doanh nghiệp không phải là tổ chức tín dụng
1. Các doanh nghiệp không phải tổ chức tín dụng (là các doanh nghiệp không thành lập, tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng) khi thực hiện các giao dịch vay, cho vay và trả nợ vay lẫn nhau sử dụng các hình thức thanh toán được quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư này.”
Căn cứ quy định trên và nội dung câu hỏi của bạn, trường hợp đơn vị bạn có tiền nhàn rỗi cho doanh nghiệp khác vay bắt buộc phải sử dụng hình thức thanh toán không sử dụng tiền mặt.
Tại Khoản 3, Điều 1, Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/2/2015 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung điểm a Khoản 8 Điều 4 (đã được sửa đổi, bổ sung tại Điều 8 Thông tư số 151/2014/TT-BTC ngày 10/10/2014 của Bộ Tài chính) như sau:
“ 3. Sửa đổi, bổ sung điểm a Khoản 8 Điều 4 (đã được sửa đổi, bổ sung tại Điều 8 Thông tư số 151/2014/TT-BTC ngày 10/10/2014 của Bộ Tài chính) như sau:
“a) Dịch vụ cấp tín dụng gồm các hình thức:
– Cho vay;
…”
Tại Tiết 2.1, Điểm 2, Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính quy định:
“2.1. Tổ chức nộp thuế theo phương pháp khấu trừ thuế bán hàng hoá, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT, đối tượng được miễn thuế GTGT thì sử dụng hóa đơn GTGT, trên hoá đơn GTGT chỉ ghi dòng giá bán là giá thanh toán, dòng thuế suất, số thuế GTGT không ghi và gạch bỏ…”
Căn cứ quy định trên, đơn vị bạn cho doanh nghiệp khác vay tiền thì khi nhận được lãi tiền vay phải lập hóa đơn GTGT, dòng giá bán là giá thanh toán, dòng thuế suất, số thuế GTGT không ghi và gạch bỏ.
Câu 3: Doanh nghiệp đang được gia hạn nộp thuế GTGT của hoạt động SXKD, không bị tính tiền chậm nộp do NSNN chưa thanh toán tiền công trình. Vậy khi đơn vị xin hoàn thuế GTGT cho dự án đầu tư thì có phải nộp số thuế GTGT còn nợ trên vào NSNN không?
Trả lời:
Tại Điều 14, Thông tư số 99/2016/TT-BTC ngày 29/6/2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý hoàn thuế giá trị gia tăng quy định như sau:
“Điều 14. Xác định số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt còn nợ được bù trừ với số tiền thuế giá trị gia tăng được hoàn
1. Cơ quan thuế có trách nhiệm xác định số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt và các khoản thu khác còn nợ ngân sách nhà nước (sau đây gọi là tiền thuế nợ) để thực hiện bù trừ với số tiền thuế giá trị gia tăng được hoàn của người nộp thuế.
2. Tiền thuế nợ của người nộp thuế phải bù trừ (không bao gồm tiền thuế nợ đang thực hiện thủ tục để xoá nợ, tiền thuế nợ được nộp dần theo quy định tại Điều 32, 39 Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế), bao gồm:
a) Tiền thuế nợ do ngành Thuế quản lý trên Hệ thống ứng dụng quản lý thuế;
b) Tiền thuế nợ (trừ tiền phí, tiền lệ phí hải quan) do cơ quan hải quan cung cấp theo Quy chế trao đổi thông tin và phối hợp công tác giữa cơ quan hải quan và cơ quan thuế;
c) Tiền thuế nợ Ngân sách nhà nước theo văn bản đề nghị của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
3. Sau khi đã bù trừ theo quy định tại khoản 2 Điều này, trường hợp người nộp thuế là doanh nghiệp trụ sở chính vẫn có số thuế còn được hoàn trả nhưng có Chi nhánh hạch toán phụ thuộc có số tiền thuế nợ quá hạn trên 90 ngày do cơ quan thuế quản lý trên Hệ thống ứng dụng quản lý thuế thì cơ quan thuế phải tiếp tục thực hiện bù trừ. Trường hợp nhiều Chi nhánh hạch toán phụ thuộc có số tiền thuế nợ thì thứ tự bù trừ ưu tiên cho khoản nợ có hạn nộp xa nhất của Chi nhánh.
Trường hợp Chi nhánh hạch toán phụ thuộc có số thuế còn được hoàn thì phải thực hiện bù trừ với số tiền thuế nợ quá hạn trên 90 ngày của doanh nghiệp trụ sở chính.
…
5. Trường hợp người nộp thuế có văn bản đề nghị cơ quan thuế trích số tiền thuế được hoàn nộp thay tiền thuế nợ ngân sách ngân sách nhà nước cho người nộp thuế khác, cơ quan thuế xác định số tiền thuế được hoàn bù trừ với số tiền thuế nợ của người nộp thuế khác (sau khi bù trừ số tiền thuế nợ của người nộp thuế quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này).”
Căn cứ quy định trên và nội dung câu hỏi của bạn, trường hợp doanh nghiệp bạn đang nợ thuế GTGT của hoạt động SXKD nhưng không bị tính tiền chậm nộp do NSNN chưa thanh toán tiền công trình thì khi có phát sinh hoàn thuế GTGT của dự án đầu tư, đơn vị được thực hiện hoàn bù trừ với số thuế đơn vị còn nợ NSNN.
Câu 4: Cơ quan tôi là đơn vị sự nghiệp, tài sản của cơ quan là do nguồn vốn ngân sách bỏ ra. Năm 2016, chúng tôi ký hợp đồng cho thuê địa điểm đặt trạm phát sóng. Nay người mua yêu cầu chúng tôi lên cơ quan thuế lấy hóa đơn thì mới thanh toán tiền. Vậy chúng tôi có thuộc trường hợp được mua hóa đơn lẻ của cơ quan thuế không? Nếu không thì phải làm thế nào để người mua được tính vào chi phí đối với khoản tiền thuê này?
Trả lời:
Tại Điều 16, Luật số 09/2008/QH12 của Quốc hội về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước quy định:
“Điều 16. Sử dụng tài sản nhà nước
1. Tài sản nhà nước tại cơ quan nhà nước phải được sử dụng đúng mục đích, công năng, tiêu chuẩn, định mức, chế độ và bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm.
2. Cơ quan nhà nước không được sử dụng tài sản nhà nước vào mục đích cá nhân, cho thuê hoặc thực hiện hoạt động kinh doanh khác.”
Tại Khoản 1, Điều 13, Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2010 và Nghị định số 04/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ quy định về hoá đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ quy định:
“Điều 13. Cấp hoá đơn do Cục Thuế đặt in
1. Cơ quan thuế cấp hoá đơn cho các tổ chức không phải là doanh nghiệp, hộ và cá nhân không kinh doanh nhưng có phát sinh hoạt động bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ cần có hóa đơn để giao cho khách hàng.
Trường hợp tổ chức không phải là doanh nghiệp, hộ và cá nhân không kinh doanh bán hàng hoá, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng hoặc thuộc trường hợp không phải kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng thì cơ quan thuế không cấp hoá đơn.”
Tại Điều 4, Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC (đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 2 Điều 6 Thông tư số 119/2014/TT-BTC và Điều 1 Thông tư số 151/2014/TT-BTC) như sau:
“Điều 6. Các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế
1. Trừ các khoản chi không được trừ nêu tại Khoản 2 Điều này, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:
…
2. Các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế bao gồm:
…
2.4. Chi phí của doanh nghiệp mua hàng hóa, dịch vụ (không có hóa đơn, được phép lập Bảng kê thu mua hàng hóa, dịch vụ mua vào theo mẫu số 01/TNDN kèm theo Thông tư số 78/2014/TT-BTC) nhưng không lập Bảng kê kèm theo chứng từ thanh toán cho người bán hàng, cung cấp dịch vụ trong các trường hợp:
…”
Căn cứ quy định trên, trường hợp đơn vị bạn là đơn vị sự nghiệp (tài sản của cơ quan là do nguồn vốn ngân sách bỏ ra) ký hợp đồng cho thuê địa điểm đặt trạm phát sóng là không phù hợp với quy định tại Điều 16, Luật quản lý và sử dụng tài sản nhà nước số 09/2008/QH12 nên cơ quan thuế không thực hiện cấp hóa đơn cho đơn vị bạn. Người mua căn cứ Hợp đồng thuê kèm theo chứng từ thanh toán cho người bán lập Bảng kê mẫu số 01/TNDN (ban hành kèm theo Thông tư số 78/2014/TT-BTC) để tính vào chi phí được trừ.
Bản tin này chỉ mang tính chất tham khảo, không phải ý kiến tư vấn cụ thể cho bất kì trường hợp nào.
Đăng kí để nhận bản tin từ Gonnapass