Giải đáp vướng mắc thuế Cục thuế tỉnh Thái Bình – Ngày 29/05/2018

275

Cục thuế tỉnh Thái Bình đã hỗ trợ giải đáp vướng mắc thuế ngày 29/05 về rất nhiều điểm mới cần quan tâm của chính sách thuế. Tham khảo bản tin dưới đây

Câu 1: Cán bộ nghỉ hưu trong tháng 10/2016, khi quyết toán lương năm 2016 phát sinh thêm khoản lương phải trả cho cán bộ trên. Cơ quan chi trả thực hiện chi trả phần lương 2016 phát sinh thêm của cán bộ nghỉ hưu vào năm 2017 đồng thời đã thu 10% thuế TNCN trên tổng thu nhập phát sinh chi trả. Vậy hồ sơ, thủ tục quyết toán thuế TNCN đã nộp cho cơ quan thuế sẽ được quyết toán như thế nào? Cơ quan chi trả quyết toán với cơ quan thuế hay người có thu nhập quyết toán với cơ quan thuế?

Trả lời:                                            

Tại Tiết a.3 Khoản 1; Tiết 3a, Điểm a, Khoản 3 Điều 21 Thông tư số 92/2015/TT-BTC ngày 15/6/2015 của Bộ Tài chính quy định nguyên tắc khai thuế, khai quyết toán thuế TNCN như sau:

“a.3) Tổ chức, cá nhân trả thu nhập thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công có trách nhiệm khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân và quyết toán thuế thu nhập cá nhân thay cho các cá nhân có uỷ quyền không phân biệt có phát sinh khấu trừ thuế hay không phát sinh khấu trừ thuế. Trường hợp tổ chức, cá nhân không phát sinh trả thu nhập thì không phải khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân.”  

 a.3) Khai quyết toán thuế

Cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công có trách nhiệm khai quyết toán thuế nếu có số thuế phải nộp thêm hoặc có số thuế nộp thừa đề nghị hoàn hoặc bù trừ vào kỳ khai thuế tiếp theo trừ các trường hợp sau:

– Cá nhân có số thuế phải nộp nhỏ hơn số thuế đã tạm nộp mà không có yêu cầu hoàn thuế hoặc bù trừ thuế vào kỳ sau.

…”

Tại Tiết b2, Điểm b Khoản 1 Điều 16 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính (đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 6 Điều 24 Thông tư số 92/2015/TT-BTC ngày 15/6/2015 của Bộ Tài chính) quy định:

b.2) Hồ sơ khai quyết toán thuế

           b.2.1) Tổ chức, cá nhân trả thu nhập đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công không phân biệt có phát sinh khấu trừ thuế hay không phát sinh khấu trừ thuế khai quyết toán thuế theo các mẫu sau:

– Tờ khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân mẫu số 05/KK-TNCN ban hành kèm theo Thông tư này.

 – Bảng kê mẫu số 05-1/BK-TNCN ban hành kèm theo Thông tư này.

 – Bảng kê mẫu số 05-2/BK-TNCN ban hành kèm theo Thông tư này.

 – Bảng kê mẫu số 05-3/BK-TNCN ban hành kèm theo Thông tư này.”

Tại Số thứ tự 30, Nhóm 05 – Doanh nghiệp khấu trừ thuế đối với tiền lương, tiền công, Phụ lục số 02, Thông tư số 92/2015/TT-BTC quy định: Mẫu số:05-2/BK-QTT-TNCN, Tên mẫu biểu: Phụ lục bảng kê chi tiết cá nhân thuộc diện tính thuế theo thuế suất từng phần (Kèm theo tờ khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân mẫu số 05/QTT-TNCN).

Tại Tiết b2, Điểm b, Khoản 3 Điều 21 Thông tư số 92/2015/TT-BTC ngày 15/6/2015 của Bộ Tài chính quy định:

“b.2) Hồ sơ khai quyết toán

b.2.1) Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công không thuộc trường hợp được uỷ quyền cho tổ chức, cá nhân trả thu nhập quyết toán thuế thay thì khai quyết toán thuế trực tiếp với cơ quan thuế theo mẫu sau:

– Tờ khai quyết toán thuế mẫu số 02/QTT-TNCN ban hành kèm theo Thông tư số 92/2015/TT-BTC.

– Phụ lục mẫu số 02-1/BK-QTT-TNCN ban hành kèm theo Thông tư số 92/2015/TT-BTC nếu có đăng ký giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc.

– Bản chụp các chứng từ chứng minh số thuế đã khấu trừ, đã tạm nộp trong năm, số thuế đã nộp ở nước ngoài (nếu có). Cá nhân cam kết chịu trách nhiệm về tính chính xác của các thông tin trên bản chụp đó. Trường hợp tổ chức trả thu nhập không cấp chứng từ khấu trừ thuế cho cá nhân do tổ chức trả thu nhập đã chấm dứt hoạt động thì cơ quan thuế căn cứ cơ sở dữ liệu của ngành thuế để xem xét xử lý hồ sơ quyết toán thuế cho cá nhân mà không bắt buộc phải có chứng từ khấu trừ thuế.”

Căn cứ các quy định nêu trên và nội dung bạn hỏi, trường hợp cán bộ nghỉ hưu trong tháng 10/2016, khi quyết toán lương năm 2016 cơ quan chi trả lương cho cán bộ nghỉ hưu phát sinh năm 2017 và đã thực hiện khấu trừ 10% thuế TNCN trên tổng thu nhập trả cho cá nhân năm 2017, thì:

– Khi quyết toán thuế TNCN năm 2017, Cơ quan chi trả thực hiện kê khai số tiền đã trả và khấu trừ 10% thuế TNCN trên bảng kê mẫu 05-2/BK-QTT-TNCN kèm theo tờ khai Quyết toán thuế TNCN mẫu 05/QTT-TNCN.

– Đối với cá nhân nhận thu nhập thực hiện khai quyết toán thuế theo mẫu 02/QTT-TNCN nếu có số thuế phải nộp thêm hoặc có số thuế nộp thừa đề nghị hoàn.

Câu 2: Trường hợp Doanh nghiệp trả thu nhập từ tiền lương cho người lao động hết tháng 12/2016, nhưng đến tháng 01/2017 người lao động không còn làm ở doanh nghiệp và trong năm 2017 doanh nghiệp không trả khoản thu nhập nào cho cá nhân này, thì năm 2017 doanh nghiệp có phải quyết toán thuế TNCN cho người lao động đã nghỉ việc không?

Trả lời:

Tại Tiết a.3, Điểm a, Khoản 1 Điều 21 Thông tư số 92/2015/TT-BTC ngày 15/6/2015 của Bộ Tài chính quy định:

“a.3) Tổ chức, cá nhân trả thu nhập thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công có trách nhiệm khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân và quyết toán thuế thu nhập cá nhân thay cho các cá nhân có uỷ quyền không phân biệt có phát sinh khấu trừ thuế hay không phát sinh khấu trừ thuế. Trường hợp tổ chức, cá nhân không phát sinh trả thu nhập thì không phải khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân.”

Căn cứ quy định nêu trên, trường hợp Doanh nghiệp trả thu nhập cho người lao động hết tháng 12/2016, đến tháng 01/2017 người lao động không còn làm ở doanh nghiệp và trong năm 2017 doanh nghiệp không trả khoản thu nhập nào cho người lao động đã nghỉ việc thì Doanh nghiệp không phải khai Quyết toán thuế TNCN năm 2017 đối với người lao động đã nghỉ việc.

Câu 3: Trường hợp người lao động của công ty ký hợp đồng lao động trên 3 tháng, nhưng nghỉ việc giữa năm, khi quyết toán thuế TNCN năm 2017 sẽ kê khai như thế nào?

Tại Tiết a.3, Điểm a, Khoản1 và Tiết a.4, Điểm a, Khoản 3 Điều 21 Thông tư số 92/2015/TT-BTC ngày 15/6/2015 của Bộ Tài chính quy định:

“a.3) Tổ chức, cá nhân trả thu nhập thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công có trách nhiệm khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân và quyết toán thuế thu nhập cá nhân thay cho các cá nhân có uỷ quyền không phân biệt có phát sinh khấu trừ thuế hay không phát sinh khấu trừ thuế. Trường hợp tổ chức, cá nhân không phát sinh trả thu nhập thì không phải khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân”

a.4) Uỷ quyền quyết toán thuế

a.4.1) Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công ủy quyền cho tổ chức, cá nhân trả thu nhập quyết toán thuế thay trong các trường hợp sau:

– Cá nhân chỉ có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký hợp đồng lao động từ 03 (ba) tháng trở lên tại một tổ chức, cá nhân trả thu nhập và thực tế đang làm việc tại đó vào thời điểm uỷ quyền quyết toán, kể cả trường hợp không làm việc đủ 12 (mười hai) tháng trong năm.

– Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký hợp đồng lao động từ 03 (ba) tháng trở lên tại một tổ chức, cá nhân trả thu nhập và thực tế đang làm việc tại đó vào thời điểm uỷ quyền quyết toán, kể cả trường hợp không làm việc đủ 12 (mười hai) tháng trong năm, đồng thời có thu nhập vãng lai ở các nơi khác đã được đơn vị trả thu nhập khấu trừ thuế 10% mà không có yêu cầu quyết toán đối với phần thu nhập này.

– Cá nhân là người lao động được điều chuyển từ tổ chức cũ đến tổ chức mới trong trường hợp tổ chức cũ thực hiện chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi doanh nghiệp. Cuối năm người lao động có ủy quyền quyết toán thuế thì tổ chức mới phải thu lại chứng từ khấu trừ thuế TNCN do tổ chức cũ đã cấp cho người lao động (nếu có) để làm căn cứ tổng hợp thu nhập, số thuế đã khấu trừ và quyết toán thuế thay cho người lao động.”

Tại Tiết b2, Điểm b Khoản 1 Điều 16 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính (đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 6 Điều 24 Thông tư số 92/2015/TT-BTC ngày 15/6/2015 của Bộ Tài chính) quy định:

b.2) Hồ sơ khai quyết toán thuế

         b.2.1) Tổ chức, cá nhân trả thu nhập đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công không phân biệt có phát sinh khấu trừ thuế hay không phát sinh khấu trừ thuế khai quyết toán thuế theo các mẫu sau:

            – Tờ khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân mẫu số 05/KK-TNCN ban hành kèm theo Thông tư này.

– Bảng kê mẫu số 05-1/BK-TNCN ban hành kèm theo Thông tư này.

 – Bảng kê mẫu số 05-2/BK-TNCN ban hành kèm theo Thông tư này.

 – Bảng kê mẫu số 05-3/BK-TNCN ban hành kèm theo Thông tư này.”

Tại Số thứ tự 29, Nhóm 05 – Doanh nghiệp khấu trừ thuế đối với tiền lương, tiền công, Phụ lục số 02, Thông tư số 92/2015/TT-BTC quy định: Mẫu số:05-1/BK-QTT-TNCN, Tên mẫu biểu: Phụ lục bảng kê chi tiết cá nhân thuộc diện tính thuế theo biểu luỹ tiến từng phần (Kèm theo tờ khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân mẫu số 05/QTT-TNCN).

Tại Tiết b.2, Điểm b, Khoản 1; Khoản 2, Điều 25 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính quy định:

Điều 25. Khấu trừ thuế và chứng từ khấu trừ thuế

1. Khấu trừ thuế

Khấu trừ thuế là việc tổ chức, cá nhân trả thu nhập thực hiện tính trừ số thuế phải nộp vào thu nhập của người nộp thuế trước khi trả thu nhập, cụ thể như sau:

b) Thu nhập từ tiền lương, tiền công

b.1) Đối với cá nhân cư trú ký hợp đồng lao động từ ba (03) tháng trở lên thì tổ chức, cá nhân trả thu nhập thực hiện khấu trừ thuế theo Biểu thuế luỹ tiến từng phần, kể cả trường hợp cá nhân ký hợp đồng từ ba (03) tháng trở lên tại nhiều nơi.

b.2) Đối với cá nhân cư trú ký hợp đồng lao động từ ba (03) tháng trở lên nhưng nghỉ làm trước khi kết thúc hợp đồng lao động thì tổ chức, cá nhân trả thu nhập vẫn thực hiện khấu trừ thuế theo Biểu thuế luỹ tiến từng phần.

2. Chứng từ khấu trừ

a) Tổ chức, cá nhân trả các khoản thu nhập đã khấu trừ thuế theo hướng dẫn tại khoản 1, Điều này phải cấp chứng từ khấu trừ thuế theo yêu cầu của cá nhân bị khấu trừ. Trường hợp cá nhân ủy quyền quyết toán thuế thì không cấp chứng từ khấu trừ.  

b) Cấp chứng từ khấu trừ trong một số trường hợp cụ thể như sau:

b.2) Đối với cá nhân ký hợp đồng lao động từ ba (03) tháng trở lên: tổ chức, cá nhân trả thu nhập chỉ cấp cho cá nhân một chứng từ khấu trừ trong một kỳ tính thuế.

Ví dụ 16: Ông R ký hợp đồng lao động dài hạn (từ tháng 9/2013 đến tháng hết tháng 8/2014) với công ty Y. Trong trường hợp này, nếu ông R thuộc đối tượng phải quyết toán thuế trực tiếp với cơ quan thuế và có yêu cầu Công ty cấp chứng từ khấu trừ thì Công ty sẽ thực hiện cấp 01 chứng từ phản ánh số thuế đã khấu trừ từ tháng 9 đến hết tháng 12/2013 và 01 chứng từ cho thời gian từ tháng 01 đến hết tháng 8/2014. ”

Tại Tiết b2, Điểm b Khoản 3 Điều 21 Thông tư số 92/2015/TT-BTC ngày 15/6/2015 của Bộ Tài chính quy định:

“b.2) Hồ sơ khai quyết toán

b.2.1) Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công không thuộc trường hợp được uỷ quyền cho tổ chức, cá nhân trả thu nhập quyết toán thuế thay thì khai quyết toán thuế trực tiếp với cơ quan thuế theo mẫu sau:

– Tờ khai quyết toán thuế mẫu số 02/QTT-TNCN ban hành kèm theo Thông tư số 92/2015/TT-BTC.

– Phụ lục mẫu số 02-1/BK-QTT-TNCN ban hành kèm theo Thông tư số 92/2015/TT-BTC nếu có đăng ký giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc.

– Bản chụp các chứng từ chứng minh số thuế đã khấu trừ, đã tạm nộp trong năm, số thuế đã nộp ở nước ngoài (nếu có). Cá nhân cam kết chịu trách nhiệm về tính chính xác của các thông tin trên bản chụp đó. Trường hợp tổ chức trả thu nhập không cấp chứng từ khấu trừ thuế cho cá nhân do tổ chức trả thu nhập đã chấm dứt hoạt động thì cơ quan thuế căn cứ cơ sở dữ liệu của ngành thuế để xem xét xử lý hồ sơ quyết toán thuế cho cá nhân mà không bắt buộc phải có chứng từ khấu trừ thuế.”

Căn cứ các quy định nêu trên và nội dung bạn hỏi, trường hợp người lao động ký hợp đồng lao động trên 3 tháng, nhưng nghỉ việc giữa năm thì người lao động đã nghỉ việc tại công ty không thuộc truờng hợp được uỷ quyền quyết toán thuế. Khi quyết toán thuế TNCN năm 2017:

– Công ty thực hiện kê khai trên bảng kê mẫu 05-1/BK-QTT-TNCN kèm theo tờ khai Quyết toán thuế TNCN mẫu 05/QTT-TNCN (theo Thông tư số 92/2015/TT-BTC 15/6/2015 của Bộ Tài chính, đồng thời cấp chứng từ khấu trừ thuế TNCN cho người lao động.

 – Người lao động thực hiện khai quyết toán thuế theo mẫu 02/QTT-TNCN theo Thông tư số 92/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính, hồ sơ quyết toán thuế nộp tại Chi cục Thuế quản lý địa bàn nơi cá nhân cư trú (nơi đăng ký thường trú hoặc tạm trú).

Câu 4: Công ty tôi chi trả hoa hồng môi giới cho cá nhân người Việt Nam môi giới bán sản phẩm cho đơn vị thì số hoa hồng này được tính như tiền lương, tiền công và khai quyết toán thuế trong bảng kê 05-2 có đúng không?

Tại Điểm c Khoản 2, Điều 2 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày15/8/2013 của Bộ Tài chính Hướng dẫn thực hiện Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân và Nghị định số 65/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân quy định các khoản thu nhập chịu thuế:

2. Thu nhập từ tiền lương, tiền công

Thu nhập từ tiền lương, tiền công là thu nhập người lao động nhận được từ người sử dụng lao động, bao gồm:

….

c) Tiền thù lao nhận được dưới các hình thức như: tiền hoa hồng đại lý bán hàng hóa, tiền hoa hồng môi giới; tiền tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học, kỹ thuật; tiền tham gia các dự án, đề án; tiền nhuận bút theo quy định của pháp luật về chế độ nhuận bút; tiền tham gia các hoạt động giảng dạy; tiền tham gia biểu diễn văn hoá, nghệ thuật, thể dục, thể thao; tiền dịch vụ quảng cáo; tiền dịch vụ khác, thù lao khác.”

Tại Điểm i Khoản 1 Điều 25 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày15/8/2013 của Bộ Tài chính quy định khấu trừ thuế đối với một số trường hợp khác:

“i) Khấu trừ thuế đối với một số trường hợp khác

Các tổ chức, cá nhân trả tiền công, tiền thù lao, tiền chi khác cho cá nhân cư trú không ký hợp đồng lao động (theo hướng dẫn tại điểm c, d, khoản 2, Điều 2 Thông tư này) hoặc ký hợp đồng lao động dưới ba (03) tháng có tổng mức trả thu nhập từ hai triệu (2.000.000) đồng/lần trở lên thì phải khấu trừ thuế theo mức 10% trên thu nhập trước khi trả cho cá nhân.

…”

Tại Tiết b2, Điểm b Khoản 1 Điều 16 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính (đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 6 Điều 24 Thông tư số 92/2015/TT-BTC ngày 15/6/2015 của Bộ Tài chính) quy định:

b.2) Hồ sơ khai quyết toán thuế

         b.2.1) Tổ chức, cá nhân trả thu nhập đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công không phân biệt có phát sinh khấu trừ thuế hay không phát sinh khấu trừ thuế khai quyết toán thuế theo các mẫu sau:

            – Tờ khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân mẫu số 05/KK-TNCN ban hành kèm theo Thông tư này.

– Bảng kê mẫu số 05-1/BK-TNCN ban hành kèm theo Thông tư này.

 – Bảng kê mẫu số 05-2/BK-TNCN ban hành kèm theo Thông tư này.

 – Bảng kê mẫu số 05-3/BK-TNCN ban hành kèm theo Thông tư này.”

Tại Số thứ tự 30, Nhóm 05 – Doanh nghiệp khấu trừ thuế đối với tiền lương, tiền công, Phụ lục số 02, Thông tư số 92/2015/TT-BTC quy định: Mẫu số:05-2/BK-QTT-TNCN, Tên mẫu biểu: Phụ lục bảng kê chi tiết cá nhân thuộc diện tính thuế theo thuế suất từng phần (Kèm theo tờ khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân mẫu số 05/QTT-TNCN).

Căn cứ quy định nêu trên và nội dung hỏi, trường hợp Công ty bạn chi trả tiền hoa hồng môi giới cho cá nhân người Việt Nam không ký hợp đồng lao động (môi giới bán sản phẩm cho đơn vị) thì khi trả tiền hoa hồng môi giới từ hai triệu (2.000.000) đồng/lần trở lên, công ty phải khấu trừ thuế theo mức 10% trên thu nhập trước khi trả cho cá nhân. Khi quyết toán thuế TNCN, Công ty thực hiện kê khai tiền hoa hồng môi giới đã trả trên bảng kê mẫu 05-2/BK-QTT-TNCN kèm theo tờ khai Quyết toán thuế TNCN mẫu 05/QTT-TNCN gửi Cơ quan thuế quản lý.

Câu 5: Tiền lương tăng ca (làm thêm giờ) có được tính vào thu nhập miễn thuế khi tính thuế TNCN không?

Tại Tiết i, Khoản 1, Điều 3 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày15/8/2013 của Bộ Tài chính Hướng dẫn thực hiện Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân và Nghị định số 65/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân quy định các khoản thu nhập được miễn thuế như sau:

“i) Thu nhập từ phần tiền lương, tiền công làm việc ban đêm, làm thêm giờ được trả cao hơn so với tiền lương, tiền công làm việc ban ngày, làm việc trong giờ theo quy định của Bộ luật Lao động. Cụ thể như sau:

i.1) Phần tiền lương, tiền công trả cao hơn do phải làm việc ban đêm, làm thêm giờ được miễn thuế căn cứ vào tiền lương, tiền công thực trả do phải làm đêm, thêm giờ trừ (-) đi mức tiền lương, tiền công tính theo ngày làm việc bình thường.

Ví dụ 2: Ông A có mức lương trả theo ngày làm việc bình thường theo quy định của Bộ luật Lao động là 40.000 đồng/giờ.

– Trường hợp cá nhân làm thêm giờ vào ngày thường, cá nhân được trả 60.000 đồng/giờ thì thu nhập được miễn thuế là: 

60.000 đồng/giờ – 40.000 đồng/giờ = 20.000 đồng/giờ

…”

Căn cứ quy định nêu trên và nội dung bạn hỏi, trường hợp người lao động làm việc tăng ca (làm thêm giờ) được trả cao hơn so với tiền lương, tiền công làm việc trong giờ theo quy định của Bộ luật Lao động thì phần tiền lương, tiền công trả cao hơn do phải làm thêm giờ được miễn thuế thu nhập cá nhân theo quy định tại Tiết i, Khoản 1, Điều 3 Thông tư số 111/2013/TT-BTC.

Câu 6: Doanh nghiệp cử cán bộ đi công tác nước ngoài thì chi phí đi lại, nghỉ ngơi, sinh hoạt có được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế Thu nhập doanh nghiệp?

Tại Khoản 1 và Điểm 2.9, Khoản 2 Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính (đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 2 Điều 6 Thông tư số 119/2014/TT-BTC, Điều 1 Thông tư số 151/2014/TT-BTC và Điều 4, Thông tư số 96/2015/TT-BTC) quy định như sau:

Điều 6. Các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế

1. Trừ các khoản chi không được trừ nêu tại Khoản 2 Điều này, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:

a) Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

b) Khoản chi có đủ hoá đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.

c) Khoản chi nếu có hoá đơn mua hàng hoá, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.

Chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt thực hiện theo quy định của các văn bản pháp luật về thuế giá trị gia tăng.

          2. Các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế bao gồm:

2.9. Chi  phụ cấp tàu xe đi nghỉ phép không đúng theo quy định của Bộ Luật Lao động.

Chi phụ cấp cho người lao động đi công tác, chi phí đi lại và tiền thuê chỗ ở cho người lao động đi công tác nếu có đầy đủ hóa đơn, chứng từ được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế. Trường hợp doanh nghiệp có khoán tiền đi lại, tiền ở, phụ cấp cho người lao động đi công tác và thực hiện đúng theo quy chế tài chính hoặc quy chế nội bộ của doanh nghiệp thì được tính vào chi phí được trừ khoản chi khoán tiền đi lại, tiền ở, tiền phụ cấp.

Trường hợp doanh nghiệp cử người lao động đi công tác (bao gồm công tác trong nước và công tác nước ngoài) nếu có phát sinh chi phí từ 20 triệu đồng trở lên, chi phí mua vé máy bay mà các khoản chi phí này được thanh toán bằng thẻ ngân hàng của cá nhân thì đủ điều kiện là hình thức thanh toán không dùng tiền mặt và tính vào chi phí được trừ nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:

– Có hóa đơn, chứng từ phù hợp do người cung cấp hàng hóa, dịch vụ giao xuất.

– Doanh nghiệp có quyết định hoặc văn bản cử người lao động đi công tác.

– Quy chế tài chính hoặc quy chế nội bộ của doanh nghiệp cho phép người lao động được phép thanh toán khoản công tác phí, mua vé máy bay bằng thẻ ngân hàng do cá nhân là chủ thẻ và khoản chi này sau đó được doanh nghiệp thanh toán lại cho người lao động.

Trường hợp doanh nghiệp có mua vé máy bay qua website thương mại điện tử cho người lao động đi công tác để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thì chứng từ làm căn cứ để tính vào chi phí được trừ là vé máy bay điện tử, thẻ lên máy bay (boarding pass) và chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt của doanh nghiệp có cá nhân tham gia hành trình vận chuyển. Trường hợp doanh nghiệp không thu hồi được thẻ lên máy bay của người lao động thì chứng từ làm căn cứ để tính vào chi phí được trừ là vé máy bay điện tử, quyết định hoặc văn bản cử người lao động đi công tác và chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt của doanh nghiệp có cá nhân tham gia hành trình vận chuyển.

…”

 Căn cứ quy định nêu trên và nội dung bạn hỏi, trường hợp Doanh nghiệp cử người lao động đi công tác nước ngoài, có phát sinh các khoản chi phí đi lại, nghỉ ngơi, sinh hoạt thì được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp nếu đáp ứng quy định tại Khoản 1 và Điểm 2.9 Khoản 2 Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC nêu trên.

Câu 7Về hồ sơ Đăng ký người phụ thuộc là cha vợ, mẹ vợ hết độ tuổi lao động gồm những thủ tục gì?

 Tại Điểm d, Điểm đ, Điểm g Khoản 1 Điều 9 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày15/8/2013 của Bộ Tài chính Hướng dẫn thực hiện Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân và Nghị định số 65/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân quy định:

“d) Người phụ thuộc bao gồm:

d.3) Cha đẻ, mẹ đẻ; cha vợ, mẹ vợ (hoặc cha chồng, mẹ chồng); cha dượng, mẹ kế; cha nuôi, mẹ nuôi hợp pháp của người nộp thuế đáp ứng điều kiện tại điểm đ, khoản 1, Điều này.

…”

“đ) Cá nhân được tính là người phụ thuộc theo hướng dẫn tại các tiết d.2, d.3, d.4, điểm d, khoản 1, Điều này phải đáp ứng các điều kiện sau:

đ.2) Đối với người ngoài độ tuổi lao động phải không có thu nhập hoặc có thu nhập bình quân tháng trong năm từ tất cả các nguồn thu nhập không vượt quá 1.000.000 đồng.”

“g) Hồ sơ chứng minh người phụ thuộc

g.3) Đối với cha đẻ, mẹ đẻ, cha vợ, mẹ vợ (hoặc cha chồng, mẹ chồng), cha dượng, mẹ kế, cha nuôi hợp pháp, mẹ nuôi hợp pháp hồ sơ chứng minh gồm:

– Bản chụp Chứng minh nhân dân.

– Giấy tờ hợp pháp để xác định mối quan hệ của người phụ thuộc với người nộp thuế như bản chụp sổ hộ khẩu (nếu có cùng sổ hộ khẩu), giấy khai sinh, quyết định công nhận việc nhận cha, mẹ, con của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.”

Căn cứ quy định nêu trên và nội dung bạn hỏi, trường hợp bạn đăng ký giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc là cha vợ, mẹ vợ hết độ tuổi lao động thì hồ sơ chứng minh người phụ thuộc gồm: Bản chụp Chứng minh nhân dân; Giấy tờ hợp pháp để xác định mối quan hệ của người phụ thuộc với người nộp thuế. Đồng thời, cha vợ, mẹ vợ bạn phải đáp ứng điều kiện về thu nhập quy định tại Tiết đ.2, Điểm đ, Khoản 1, Điều 9 Thông tư số 111/2013/TT-BTC nêu trên.

 Câu 8: Người lao động được điều chuyển từ tổ chức cũ sang tổ chức mới trong cùng một tập đoàn thì có được ủy quyền Quyết toán thuế TNCN không?

Trả lời:

 Tại tiết a. 4.1 Điểm a, Khoản 3, Điều 21 Thông tư số 92/2015/TT-BTC ngày 15/6/2015 của bộ Tài chính Sửa đổi, bổ sung Điều 16 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22/7/2013 của Chính phủ quy định như sau:

a.4) Uỷ quyền quyết toán thuế

a.4.1) Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công ủy quyền cho tổ chức, cá nhân trả thu nhập quyết toán thuế thay trong các trường hợp sau:

– Cá nhân là người lao động được điều chuyển từ tổ chức cũ đến tổ chức mới trong trường hợp tổ chức cũ thực hiện chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi doanh nghiệp. Cuối năm người lao động có ủy quyền quyết toán thuế thì tổ chức mới phải thu lại chứng từ khấu trừ thuế TNCN do tổ chức cũ đã cấp cho người lao động (nếu có) để làm căn cứ tổng hợp thu nhập, số thuế đã khấu trừ và quyết toán thuế thay cho người lao động.”

Căn cứ công văn số 801/TCT –TNCN  ngày 02/3/2016 của Tổng cục Thuế hướng dẫn quyết toán thuế TNCN như sau:

“+ Trường hợp tổ chức trả thu nhập thực hiện việc tổ chức lại doanh nghiệp (chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi) và người lao động được điều chuyển từ tổ chức cũ đến tổ chức mới (tổ chức được hình thành sau khi tổ chức lại doanh nghiệp), nếu trong năm người lao động không có thêm thu nhập từ tiền lương, tiền công tại một nơi nào khác thì được uỷ quyền quyết toán cho tổ chức mới quyết toán thuế thay đối với cả phần thu nhập tổ chức cũ chi trả. Trường hợp điều chuyển người lao động giữa các tổ chức trong cùng một hệ thống như: Tập đoàn, Tổng công ty, Công ty mẹ – con, Trụ sở chính và chi nhánh thì cũng được áp dụng nguyên tắc ủy quyền quyết toán thuế như đối với trường hợp tổ chức lại doanh nghiệp.”

Căn cứ các quy định trên, trường hợp người lao động được điều chuyển từ tổ chức cũ sang tổ chức mới trong cùng một tập đoàn, thì người lao động được ủy quyền quyết toán thuế cho tổ chức chi trả thu nhập nếu người lao động không có thu nhập vãng lai hoặc có thu nhập vãng lai ở các nơi khác đã được đơn vị trả thu nhập khấu trừ thuế 10% mà không có yêu cầu quyết toán đối với phần thu nhập này. Khi quyết toán thuế, tổ chức mới phải thu lại chứng từ khấu trừ thuế TNCN do tổ chức cũ đã cấp cho người lao động (nếu có) để làm căn cứ tổng hợp thu nhập, số thuế đã khấu trừ và quyết toán thuế thay cho người lao động.

Bản tin này chỉ mang tính chất tham khảo, không phải ý kiến tư vấn cụ thể cho bất kì trường hợp nào.

Đăng kí để nhận bản tin từ Gonnapass


Liên hệ tư vấn dịch vụ Kế toán – Thuế – Đào tạo: Ms Huyền – 094 719 2091
Mọi thông tin xin liên hệ:
Công ty TNHH Gonnapass
Phòng 701, tầng 7, toà nhà 3D Center, số 3 Duy Tân, P Dịch Vọng Hậu, Q Cầu Giấy, TP Hà Nội
Email: hotro@gonnapass.com
Website: https://gonnapass.com
Hotline/ Zalo : 0888 942 040
avatar
admin

Nếu bạn thích bài viết, hãy thả tim và đăng ký nhận bản tin của chúng tôi

Ý kiến bình luận

You cannot copy content of this page