Cục thuế tỉnh Thái Bình đã hỗ trợ giải đáp vướng mắc thuế ngày 25/05 về rất nhiều điểm mới cần quan tâm của chính sách thuế. Tham khảo bản tin dưới đây
Câu hỏi 1: Công ty tôi có đặt in hóa đơn là phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ, do sơ suất làm mất 1 quyển chưa sử dụng mà chưa làm thông báo phát hành. Trường hợp này xử lý thế nào? Hướng khắc phục?
Trả lời:
Tại Điểm 4 Điều 3 Thông tư 39/2014/TT-BTC ngày 31/03/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 và Nghị định số 04/2014/NĐ-CP ngày 17/01/2014 của Chính phủ quy định về hoá đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ quy định loại và hình thức hóa đơn như sau:
“4. Các chứng từ được in, phát hành, sử dụng và quản lý như hóa đơn gồm phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ, phiếu xuất kho hàng gửi bán đại lý (mẫu số 5.4 và 5.5 Phụ lục 5 ban hành kèm theo Thông tư này).”
Tại Khoản 1, Điều 9, Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/03/2014 quy định như sau:
“Điều 9. Phát hành hoá đơn của tổ chức kinh doanh
1. Tổ chức kinh doanh trước khi sử dụng hoá đơn cho việc bán hàng hoá, dịch vụ, trừ hóa đơn được mua, cấp tại cơ quan thuế, phải lập và gửi Thông báo phát hành hoá đơn (mẫu số 3.5 Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư này), hoá đơn mẫu cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp.”
Căn cứ quy định trên, phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ được sử dụng và quản lý như hóa đơn. Trường hợp đơn vị bạn làm mất 01 quyển Phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ chưa sử dụng và chưa gửi Thông báo phát hành hóa đơn cho Cơ quan thuế thì đơn vị bạn không phải làm thủ tục báo cáo cơ quan thuế về việc mất Phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ. Nếu đơn vị bạn có nhu cầu sử dụng số lượng Phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ chưa sử dụng còn lại thì đơn vị phải lập và gửi Thông báo phát hành hoá đơn và Hoá đơn mẫu cho Cơ quan thuế quản lý trực tiếp.
Câu hỏi 2: Công ty tôi là doanh nghiệp xây dựng có thuê ngoài dịch vụ máy xúc máy ủi của cá nhân để phục vụ SXKD, tiền trả dịch vụ thuê máy tính theo số ca máy và tổng số tiền dưới 100 triệu. Để chi phí thuê máy được tính là chi phí hợp lý của Doanh nghiệp thì Doanh nghiệp chỉ cần lập bảng kê theo mẫu 01/TNDN có đúng không?
Trả lời:
Tại Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế TNDN (đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 2 Điều 6 Thông tư số 119/2014/TT-BTC; Điều 1 Thông tư số 151/2014/TT-BTC; Điều 4, Thông tư số 96/2015/TT-BTC) quy định như sau:
“Điều 6. Các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế
…
2. Các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế bao gồm:
…
2.4. Chi phí của doanh nghiệp mua hàng hóa, dịch vụ (không có hóa đơn, được phép lập Bảng kê thu mua hàng hóa, dịch vụ mua vào theo mẫu số 01/TNDN kèm theo Thông tư số 78/2014/TT-BTC) nhưng không lập Bảng kê kèm theo chứng từ thanh toán cho người bán hàng, cung cấp dịch vụ trong các trường hợp:
…
– Mua tài sản, dịch vụ của hộ, cá nhân không kinh doanh trực tiếp bán ra;
– Mua hàng hóa, dịch vụ của cá nhân, hộ kinh doanh (không bao gồm các trường hợp nêu trên) có mức doanh thu dưới ngưỡng doanh thu chịu thuế giá trị gia tăng (100 triệu đồng/năm).
Bảng kê thu mua hàng hóa, dịch vụ do người đại diện theo pháp luật hoặc người được ủy quyền của doanh nghiệp ký và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực. Doanh nghiệp mua hàng hóa, dịch vụ được phép lập Bảng kê và được tính vào chi phí được trừ. Các khoản chi phí này không bắt buộc phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt. Trường hợp giá mua hàng hóa, dịch vụ trên bảng kê cao hơn giá thị trường tại thời điểm mua hàng thì cơ quan thuế căn cứ vào giá thị trường tại thời điểm mua hàng, dịch vụ cùng loại hoặc tương tự trên thị trường xác định lại mức giá để tính lại chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.”
Tại Điểm b, Khoản 1, Điều 16, Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính (đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 3 Điều 5 Thông tư số 119/2014/TT-BTC; Điểm a, Khoản 7, Điều 3, Thông tư số 26/2015/TT-BTC) quy định như sau:
“b) Người bán phải lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ, bao gồm cả các trường hợp hàng hoá, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hoá, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động (trừ hàng hoá luân chuyển nội bộ, tiêu dùng nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất).
…”
Căn cứ quy định trên và nội dung câu hỏi của bạn, trường hợp đơn vị bạn thuê ngoài dịch vụ máy xúc, máy ủi của cá nhân nhằm phục vụ sản xuất kinh doanh, trả tiền theo số lượng ca máy, để chi phí thuê máy được tính vào phi phí hợp lý khi tính thuế TNDN:
- Nếu cá nhân, hộ kinh doanh cho thuê máy xúc, máy ủi có tổng doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm thì đơn vị bạn lập bảng kê mẫu 01/TNDN kèm theo chứng từ thanh toán cho người bán. Khi lập Bảng kê thu mua hàng hóa, dịch vụ cần tuân thủ theo đúng quy định tại Điểm 2.4 Khoản 2 Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC nêu trên.
- Nếu cá nhân, hộ kinh doanh cho thuê máy xúc, máy ủi có tổng doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở lên thì người cho thuê phải lập và giao hóa đơn cho đơn vị bạn.
Câu hỏi 3: Công ty tôi thành lập tháng 03/2016, đi vào hoạt động SXKD và phát sinh doanh thu từ quý 3/2016. Năm 2018, công ty tôi đầu tư máy móc thiết bị phục vụ SXKD để sản xuất bê tông thương phẩm bán trong nước, thuế GTGT còn được khấu trừ trên tờ khai 01/GTGT quý 1/2018 là 800 triệu đồng. Công ty tôi muốn xin hoàn số thuế GTGT còn được khấu trừ có được không? Thủ tục gồm những gì?
Trả lời:
Tại Khoản 1, Điều 18, Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính (đã được sửa đổi, bổ sung theo Thông tư số 119/2014/TT-BTC ngày 25/8/2014, Thông tư số 151/2014/TT-BTC ngày 10/10/2014, Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/02/2015 và Khoản 3 Điều 1 Thông tư số 130/2016/TT-BTC ngày 12/8/2016 của Bộ Tài chính ) quy định đối tượng và trường hợp được hoàn thuế như sau:
“1. Cơ sở kinh doanh nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thuế nếu có số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ hết trong tháng (đối với trường hợp kê khai theo tháng) hoặc trong quý (đối với trường hợp kê khai theo quý) thì được khấu trừ vào kỳ tiếp theo.
…”
Căn cứ quy định trên, đơn vị bạn đi vào hoạt động SXKD và phát sinh doanh thu từ quý 3/2016. Năm 2018, đơn vị bạn đầu tư máy móc thiết bị phục vụ SXKD, số thuế GTGT còn được khấu trừ trên tờ khai 01/GTGT quý 1/2018 là 800 triệu đồng thì đơn vị bạn không thuộc trường hợp được hoàn thuế GTGT. Số thuế GTGT đầu vào chưa khấu trừ hết được khấu trừ dần vào các kỳ tính thuế tiếp theo.
Câu hỏi 4: Năm 2016, Công ty tôi do sai sót trong kê khai, hạch toán đã nộp thừa tiền thuế GTGT, tiền thuê đất. Vậy số tiền nộp thừa của năm 2016 có được bù trừ với số thuế phải nộp năm 2018 không? Cách sửa chữa và xử lý nghiệp vụ kế toán trên sổ sách kế toán năm 2016 như thế nào?
Trả lời:
Về số thuế GTGT, tiền thuê đất nộp thừa:
Tại Điều 33, Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật quản lý thuế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế và Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22/7/2013 của Chính phủ quy định như sau:
“Điều 33. Xử lý số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa
1. Tiền thuế, tiền chậm nộp và tiền phạt được coi là nộp thừa khi:
a) Người nộp thuế có số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đã nộp lớn hơn số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt phải nộp đối với từng loại thuế có cùng nội dung kinh tế (tiểu mục) quy định của mục lục ngân sách nhà nước trong thời hạn 10 (mười) năm tính từ ngày nộp tiền vào ngân sách nhà nước. Đối với loại thuế phải quyết toán thuế thì người nộp thuế chỉ được xác định số thuế nộp thừa khi có số thuế đã nộp lớn hơn số thuế phải nộp theo quyết toán thuế.
b) Người nộp thuế có số tiền thuế được hoàn theo quy định của pháp luật về thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường, thuế thu nhập cá nhân (trừ trường hợp nêu tại điểm a khoản này).
2. Người nộp thuế có quyền giải quyết số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa theo thứ tự quy định sau:
a) Bù trừ tự động với số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt còn nợ hoặc còn phải nộp của cùng loại thuế theo hướng dẫn tại khoản 1 Điều 29 Thông tư này (trừ trường hợp nêu tại điểm b khoản 1 Điều này).
b) Bù trừ tự động với số tiền phải nộp của lần nộp thuế tiếp theo của từng loại thuế có cùng nội dung kinh tế (tiểu mục) quy định của mục lục ngân sách nhà nước (trừ trường hợp nêu tại điểm b khoản 1 Điều này). Trường hợp quá 06 (sáu) tháng kể từ thời điểm phát sinh số tiền thuế nộp thừa mà không phát sinh khoản phải nộp tiếp theo thì thực hiện theo hướng dẫn tại điểm c khoản này.
c) Người nộp thuế có số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa theo hướng dẫn tại điểm b khoản 1 Điều này và người nộp thuế có số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa quy định tại điểm a khoản này sau khi thực hiện bù trừ theo hướng dẫn tại điểm a, điểm b khoản này mà vẫn còn số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa thì người nộp thuế gửi hồ sơ đề nghị hoàn thuế đến cơ quan thuế trực tiếp quản lý để được giải quyết hoàn thuế theo hướng dẫn tại Chương VII Thông tư này.
….
d) Hồ sơ hoàn thuế, thủ tục giải quyết hồ sơ hoàn thuế, thủ tục hoàn trả tiền thuế bù trừ với khoản thu NSNN được thực hiện theo hướng dẫn tại Chương VII Thông tư này…”
Căn cứ theo quy định trên, năm 2016 đơn vị bạn được xác định là nộp thừa tiền thuế GTGT, tiền thuê đất thì được bù trừ tự động với số tiền thuế còn nợ hoặc còn phải nộp của cùng loại thuế trong các thời kỳ tiếp theo.
Sau khi bù trừ tự động với số thuế của cùng loại thuế theo hướng dẫn tại Điểm a, Điểm b, Khoản 2, Điều 33, Thông tư số 156 /2013/TT-BTC mà năm 2018 vẫn còn số thuế nộp thừa của năm 2016. Đơn vị bạn muốn bù trừ với các loại thuế khác thì làm thủ tục hoàn thuế kiêm bù trừ với các khoản phải nộp ngân sách nhà nước theo hướng dẫn tại Chương VII, Thông tư số 156/2013/TT-BTC.
Về điều chỉnh sai sót:
Tại Khoản 3, Điều 27, Luật Kế toán số 88/2015/QH13 ngày 20/11/2015 của Quốc hội quy định như sau:
…
3. Trường hợp phát hiện sổ kế toán có sai sót sau khi báo cáo tài chính năm đã nộp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì phải sửa chữa trên sổ kế toán của năm đã phát hiện sai sót và thuyết minh về việc sửa chữa này.”
Tại Điểm 3, Mục V- hướng dẫn kế toán chuẩn mực “Thay đổi chính sách kế toán, ước tính kế toán và các sai sót”, Thông tư số 20/2006/TT-BTC ngày 20/3/2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn kế toán thực hiện sáu (06) chuẩn mực kế toán ban hành theo Quyết định số 12/2005/QĐ-BTC ngày 15/02/2005 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định như sau:
“3- Sai sót và kế toán ảnh hưởng do điều chỉnh sai sót
3.1- Sai sót
(1) Sai sót có thể phát sinh từ việc ghi nhận, xác định giá trị, trình bày hoặc thuyết minh các khoản mục trên báo cáo tài chính.
(2) Sai sót bao gồm: Sai sót do tính toán, áp dụng sai chính sách kế toán, bỏ quên, hiểu hoặc diễn giải sai các sự việc và gian lận.
– Sai sót do tính toán là sai sót do tính nhầm dẫn đến việc ghi nhận sai, như tính nhầm giá trị tài sản, khoản phải thu, nợ phải trả, khoản chi phí, …
– Áp dụng sai chính sách kế toán là sai sót do hiểu sai chuẩn mực kế toán nên vận dụng sai chính sách kế toán, hoặc chuẩn mực kế toán mới đã có hiệu lực nhưng doanh nghiệp vẫn áp dụng chuẩn mực cũ;
– Bỏ quên không ghi nhận một hoặc một vài giao dịch kinh tế nào đó như mua TSCĐ nhưng bỏ quên chưa ghi sổ TSCĐ; bán hàng nhưng chưa ghi nhận doanh thu và khoản phải thu,….
– Hiểu hoặc diễn giải sai các sự việc là sai sót do hiểu sai các sự việc, như: Theo quy định thì TSCĐ đã khấu hao hết giá trị nhưng vẫn tiếp tục được sử dụng vào sản xuất, kinh doanh thì không được trích khấu hao nhưng doanh nghiệp hiểu sai lại đánh giá lại và tiếp tục trích khấu hao.
– Gian lận là sai sót do cố ý gây ra, như: Thu tiền của người mua hàng không nộp quỹ mà sử dụng cho cá nhân; lấy tiền công quỹ, hàng tồn kho sử dụng cho cá nhân,…
(3) Thông tư này chỉ hướng dẫn kế toán đối với các trường hợp sai sót trọng yếu hoặc các sai sót không trọng yếu nhưng do cố ý trình bày tình hình tài chính, kết quả hoạt động kinh doanh hay các luồng tiền theo một hướng khác làm ảnh hưởng đến báo cáo tài chính (Các trường hợp sai sót ngoài 2 trường hợp nêu trên được điều chỉnh vào năm hiện tại).
3.2 – Nguyên tắc điều chỉnh sai sót
(1) Những sai sót của năm hiện tại được phát hiện trong năm đó phải được điều chỉnh trước khi công bố báo cáo tài chính.
(2) Sai sót trọng yếu của các năm trước phải được điều chỉnh bằng cách điều chỉnh hồi tố kể từ năm có sai sót phát sinh, trừ khi không thể xác định được ảnh hưởng của sai sót của từng năm hay ảnh hưởng lũy kế của sai sót.
…
(3) Doanh nghiệp không được điều chỉnh vào cột “Năm nay” trên “Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh” của năm hiện tại khi điều chỉnh ảnh hưởng do sai sót trọng yếu trong các năm trước mà chỉ được thực hiện bằng cách trình bày lại số liệu trên cột thông tin so sánh (Cột “Năm trước”) của “Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh” năm hiện tại.
(4) Khi thực hiện việc điều chỉnh số dư đầu năm do điều chỉnh sai sót trọng yếu trên các Tài khoản ở Sổ kế toán tổng hợp, Sổ kế toán chi tiết, ngoài việc diễn giải nội dung kinh tế của nghiệp vụ kinh tế, doanh nghiệp còn phải ghi rõ lý do việc điều chỉnh là do sai sót phát sinh từ các năm trước.
(5) Khi không thể xác định được ảnh hưởng của sai sót đến từng năm hoặc ảnh hưởng luỹ kế của sai sót thì doanh nghiệp phải điều chỉnh hồi tố sai sót kể từ năm sớm nhất mà doanh nghiệp xác định được ảnh hưởng của sai sót.
(6) Sai sót không trọng yếu của các năm trước được sửa chữa bằng cách điều chỉnh phi hồi tố vào báo cáo tài chính năm hiện tại.
…”
Căn cứ quy định trên, trường hợp đơn vị bạn sai sót trong ghi sổ kế toán của năm 2016 thì căn cứ vào thực tế tại đơn vị, thực hiện điều chỉnh sai sót theo hướng dẫn tại Điểm 3, Mục V Thông tư số 20/2006/TT-BTC ngày 20/3/2006 của Bộ trưởng Bộ Tài chính nêu trên.
Bản tin này chỉ mang tính chất tham khảo, không phải ý kiến tư vấn cụ thể cho bất kì trường hợp nào.
Đăng kí để nhận bản tin từ Gonnapass