[ Kiểm toán CPA] Nguyên tắc đạo đức cơ bản trong chuẩn mực đạo đức kế toán,kiểm toán

230

Kế toán viên, kiểm toán viên chuyên nghiệp phải tuân thủ các nguyên tắc đạo đức cơ bản sau (đoạn 100.5 và các Chương từ 110 – 150):

2.1. Tính chính trực: Phải thẳng thắn, trung thực trong tất cả các mối quan hệ chuyên môn và kinh doanh;

Nguyên tắc về tính chính trực yêu cầu tất cả kế toán viên, kiểm toán viên chuyên nghiệp phải thẳng thắn và trung thực trong tất cả các mối quan hệ chuyên môn và kinh doanh. Tính chính trực cũng yêu cầu việc hành xử một cách công bằng và đáng tin cậy.

Kế toán viên, kiểm toán viên chuyên nghiệp không được để bị gắn tên với các báo cáo, tờ khai, thông báo hoặc các thông tin khác mà họ cho rằng các thông tin đó:

  • Có sai sót trọng yếu hoặc gây hiểu nhầm;
  • Được đưa ra một cách thiếu thận trọng; hoặc
  • Bỏ sót hoặc che đậy những thông tin cần thiết mà việc bỏ sót hoặc che đậy đó có thể dẫn tới việc thông tin bị hiểu nhầm.

Khi kế toán viên, kiểm toán viên chuyên nghiệp nhận thấy họ đang bị gắn tên với các thông tin này, họ phải tiến hành các bước cần thiết để chấm dứt việc bị gắn tên với các thông tin đó.

Kế toán viên, kiểm toán viên chuyên nghiệp được coi là không vi phạm quy định nêu trên, nếu họ cung cấp một báo cáo có kết luận không phải là chấp nhận toàn phần để mô tả cho những vấn đề  nêu trên.

2.2. Tính khách quan: Không cho phép sự thiên vị, xung đột lợi ích hoặc bất cứ ảnh hưởng không hợp lý nào chi phối các xét đoán chuyên môn và kinh doanh của mình;

Nguyên tắc về tính khách quan yêu cầu tất cả kế toán viên, kiểm toán viên chuyên nghiệp không để sự thiên vị, xung đột lợi ích hoặc ảnh hưởng không hợp lý của những đối tượng khác chi phối các xét đoán chuyên môn hay kinh doanh của mình.

Kế toán viên, kiểm toán viên chuyên nghiệp có thể gặp những tình huống ảnh hưởng tới tính khách quan. Việc xác định và chỉ rõ tất cả các tình huống đó là không khả thi. Kế toán viên, kiểm toán viên chuyên nghiệp không được thực hiện hoạt động chuyên môn hoặc cung cấp dịch vụ chuyên môn nếu gặp phải một tình huống hoặc một mối quan hệ tạo ra sự thiên vị hoặc ảnh hưởng không hợp lý đến xét đoán chuyên môn của mình liên quan đến dịch vụ đó.

2.3. Năng lực chuyên môn và tính thận trọng: Thể hiện, duy trì sự hiểu biết và kỹ năng chuyên môn cần thiết nhằm đảm bảo rằng khách hàng hoặc chủ doanh nghiệp được cung cấp dịch vụ chuyên môn có chất lượng dựa trên những kiến thức mới nhất về chuyên môn, pháp luật và kỹ thuật, đồng thời hành động một cách thận trọng và phù hợp với các chuẩn mực nghề nghiệp và kỹ thuật được áp dụng;

Nguyên tắc về năng lực chuyên môn và tính thận trọng yêu cầu tất cả kế toán viên, kiểm toán viên chuyên nghiệp phải:

(a) Duy trì kiến thức và kỹ năng chuyên môn ở mức cần thiết để đảm bảo cung cấp dịch vụ chuyên môn đạt chất lượng cho khách hàng hoặc chủ doanh nghiệp;

(b) Hành động thận trọng theo các quy định tại chuẩn mực nghề nghiệp và kỹ thuật phù hợp khi cung cấp các hoạt động hoặc dịch vụ chuyên môn.

– Để cung cấp dịch vụ chuyên môn đạt chất lượng, kế toán viên, kiểm toán viên chuyên nghiệp phải thực hiện các xét đoán hợp lý khi áp dụng kiến thức và kỹ năng chuyên môn trong việc thực hiện dịch vụ đó. Năng lực chuyên môn được hình thành thông qua 2 giai đoạn: Đạt được năng lực chuyên môn và duy trì năng lực chuyên môn.

– Việc trì năng lực chuyên môn đòi hỏi kế toán viên, kiểm toán viên chuyên nghiệp phải hiểu và nắm được những kiến thức mới nhất về kỹ thuật, chuyên môn và ngành nghề kinh doanh có liên quan. Việc cập nhật kiến thức chuyên môn giúp kế toán viên, kiểm toán viên chuyên nghiệp phát triển và duy trì khả năng cung cấp dịch vụ đạt chất lượng trong môi trường làm việc chuyên nghiệp.

–  Sự thận trọng bao gồm trách nhiệm hành động phù hợp với các yêu cầu của công việc một cách cẩn thận, kỹ lưỡng và kịp thời.

– Kế toán viên, kiểm toán viên chuyên nghiệp phải tiến hành các bước thích hợp để đảm bảo rằng các nhân viên thuộc quyền quản lý về mặt chuyên môn của họ được đào tạo và giám sát thích hợp.

– Khi thích hợp, kế toán viên, kiểm toán viên chuyên nghiệp phải thông báo cho khách hàng, chủ doanh nghiệp hoặc đối tượng sử dụng dịch vụ hoặc hoạt động của họ biết về các hạn chế vốn có của các dịch vụ hoặc hoạt động đó.

2.4. Tính bảo mật: Phải bảo mật thông tin có được từ các mối quan hệ chuyên môn và kinh doanh, vì vậy, không được tiết lộ bất cứ thông tin nào cho bên thứ ba khi chưa được sự đồng ý của bên có thẩm quyền, trừ khi có quyền hoặc nghĩa vụ phải cung cấp thông tin theo yêu cầu của pháp luật hoặc cơ quan quản lý hoặc tổ chức nghề nghiệp, và cũng như không được sử dụng thông tin vì lợi ích cá nhân của kế toán viên, kiểm toán viên chuyên nghiệp hoặc của bên thứ ba;

Nguyên tắc về tính bảo mật yêu cầu kế toán viên, kiểm toán viên chuyên nghiệp không được:

(a) Tiết lộ các thông tin có được từ mối quan hệ chuyên môn và kinh doanh ra ngoài doanh nghiệp kế toán, kiểm toán hay doanh nghiệp, tổ chức nơi họ làm việc khi chưa có sự đồng ý của người có thẩm quyền, trừ khi có quyền hoặc nghĩa vụ phải công bố theo quy định của pháp luật hoặc hướng dẫn của tổ chức nghề nghiệp;

(b) Sử dụng những thông tin mật có được từ mối quan hệ chuyên môn và kinh doanh để phục vụ lợi ích cá nhân hay lợi ích của bên thứ ba.

– Kế toán viên, kiểm toán viên chuyên nghiệp phải duy trì sự bảo mật thông tin ngay cả trong môi trường ngoài công việc, phải cảnh giác với rủi ro tiết lộ thông tin một cách không cố ý, đặc biệt đối với các đối tác thân thiết trong công việc kinh doanh hoặc đối với thành viên có quan hệ gia đình gần gũi hoặc trực tiếp.

– Kế toán viên, kiểm toán viên chuyên nghiệp phải (i) duy trì sự bảo mật thông tin có được từ khách hàng tiềm năng hoặc đơn vị nơi họ có khả năng được tuyển dụng trong tương lai và (ii) phải duy trì sự bảo mật thông tin trong nội bộ doanh nghiệp kế toán, kiểm toán hoặc doanh nghiệp, tổ chức nơi họ làm việc.

– Kế toán viên, kiểm toán viên chuyên nghiệp phải tiến hành các bước hợp lý để đảm bảo rằng các nhân viên thuộc quyền quản lý của họ, những người cung cấp ý kiến tư vấn hoặc hỗ trợ họ cũng tôn trọng trách nhiệm bảo mật của kế toán viên, kiểm toán viên chuyên nghiệp đó.

– Việc tuân thủ các nguyên tắc về tính bảo mật vẫn cần thiết ngay cả sau khi kế toán viên, kiểm toán viên chuyên nghiệp đã kết thúc mối quan hệ với khách hàng hay chủ doanh nghiệp. Khi một kế toán viên, kiểm toán viên chuyên nghiệp thay đổi đơn vị làm việc hay tiếp nhận một khách hàng mới thì họ có thể sử dụng các kinh nghiệm làm việc trước đó nhưng không được sử dụng hay tiết lộ bất kỳ thông tin mật nào thu thập được hoặc nhận được từ các mối quan hệ chuyên môn hay kinh doanh trước đó.

– Sau đây là những trường hợp mà kế toán viên, kiểm toán viên chuyên nghiệp được yêu cầu hoặc có thể được yêu cầu cung cấp thông tin mật hoặc việc cung cấp thông tin là thích hợp:

(a) Việc cung cấp thông tin được pháp luật cho phép và được khách hàng hoặc chủ doanh nghiệp chấp thuận;

(b) Việc cung cấp thông tin theo yêu cầu của pháp luật, ví dụ: Cung cấp tài liệu hoặc chứng cứ khác trong quá trình tố tụng hoặc cung cấp thông tin cho cơ quan có thẩm quyền thích hợp về một hành vi vi phạm pháp luật đã bị phát hiện;

(c) Có quyền hoặc nghĩa vụ chuyên môn phải cung cấp, mà quyền và nghĩa vụ này không bị cấm theo quy định của pháp luật, nhằm:

(i) Tuân thủ quy trình soát xét chất lượng của tổ chức nơi họ là thành viên hoặc tổ chức nghề nghiệp;

(ii) Cung cấp thông tin cho quá trình chất vấn hoặc kiểm tra của tổ chức nghề nghiệp nơi họ là thành viên hoặc cơ quan có thẩm quyền;

(iii) Bảo vệ quyền lợi của kế toán viên, kiểm toán viên chuyên nghiệp trong quá trình tố tụng; hoặc

(iv) Tuân thủ các quy định của chuẩn mực về chuyên môn và yêu cầu về đạo đức.

– Khi quyết định có nên cung cấp thông tin mật hay không, kế toán viên, kiểm toán viên chuyên nghiệp cần xem xét các vấn đề sau:

(1) Liệu quyền lợi của các bên, bao gồm cả bên thứ ba mà quyền lợi của họ có thể bị ảnh hưởng, có bị tổn hại hay không nếu khách hàng hoặc chủ doanh nghiệp đồng ý để kế toán viên, kiểm toán viên chuyên nghiệp cung cấp thông tin;

(2) Liệu kế toán viên, kiểm toán viên chuyên nghiệp có biết và có chứng cứ rõ ràng, trong điều kiện thực tế cho phép về các thông tin liên quan hay không. Khi không có chứng cứ rõ ràng cho các sự kiện, không có đầy đủ thông tin hoặc không có đủ bằng chứng cho các kết luận, kế toán viên, kiểm toán viên chuyên nghiệp phải sử dụng xét đoán chuyên môn để xác định hình thức cung cấp thông tin, nếu quyết định cung cấp;

(3) Cách thức công bố thông tin phù hợp và đối tượng tiếp nhận thông tin đó;

(4) Liệu đối tượng tiếp nhận thông tin có phải là đối tượng phù hợp không.

  • Tư cách nghề nghiệp: Phải tuân thủ pháp luật và các quy định có liên quan, tránh bất kỳ hành động nào làm giảm uy tín nghề nghiệp của mình.

Nguyên tắc về tư cách nghề nghiệp yêu cầu kế toán viên, kiểm toán viên chuyên nghiệp phải tuân thủ pháp luật và các quy định có liên quan và tránh bất kỳ hành vi nào mà họ biết hoặc cần phải biết rằng sẽ làm giảm uy tín nghề nghiệp của mình. Đó là các hành vi khiến cho bên thứ ba phù hợp và có đầy đủ thông tin, sau khi xem xét các sự kiện và tình huống sẵn có cho kế toán viên, kiểm toán viên chuyên nghiệp tại thời điểm đó, có thể kết luận một cách tương đối chắc chắn rằng những hành vi đó có ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín nghề nghiệp.

Kế toán viên, kiểm toán viên chuyên nghiệp phải tránh làm giảm uy tín nghề nghiệp khi quảng bá về bản thân và công việc của mình. Kế toán viên, kiểm toán viên chuyên nghiệp phải trung thực, thẳng thắn và không được:

  • Cường điệu về các dịch vụ mà họ có thể thực hiện, về trình độ hay kinh nghiệm của bản thân; hoặc
  • Đưa ra những thông tin, giới thiệu làm mất uy tín hay đưa ra những so sánh không có căn cứ về công việc của các bên khác.

Bản tin này chỉ mang tính chất tham khảo, không phải ý kiến tư vấn cụ thể cho bất kì trường hợp nào.

Đăng kí để nhận bản tin từ Gonnapass

Liên hệ tư vấn dịch vụ Kế toán – Thuế – Đào tạo: Ms Huyền – 094 719 2091

Tham khảo dịch vụ tư vấn từng lần – giải quyết các nỗi lo rủi ro thuế

Mọi thông tin xin liên hệ:

Công ty TNHH Gonnapass

Phòng 701, tầng 7, toà nhà 3D Center, số 3 Duy Tân, P Dịch Vọng Hậu, Q Cầu Giấy, TP Hà Nội

Email: hotro@gonnapass.com

Facebook: https://www.facebook.com/gonnapassbeyondyourself/

Group Facebook chia sẻ mẫu biểu: https://www.facebook.com/groups/congvanketoan

Group Zalo chia sẻ miễn phí: https://zalo.me/g/xefwrd200

Website: https://gonnapass.com

Hotline/ Zalo : 0888 942 040

avatar
hien

Nếu bạn thích bài viết, hãy thả tim và đăng ký nhận bản tin của chúng tôi

Ý kiến bình luận

You cannot copy content of this page