[ Kiểm toán CPA] Nguy cơ và biện pháp bảo vệ quy định trong CMĐĐ áp dụng cho kế toán viên,kiểm toán viên

841

Có rất nhiều tình huống và mối quan hệ có thể làm phát sinh nguy cơ không tuân thủ các nguyên tắc đạo đức cơ bản. Bản chất và mức độ nghiêm trọng của các nguy cơ là khác nhau tùy thuộc vào việc liệu nguy cơ này phát sinh trong quá trình cung cấp dịch vụ cho: (i) Khách hàng kiểm toán hay không và liệu khách hàng đó có phải là đơn vị có lợi ích công chúng hay không; (ii) Khách hàng sử dụng dịch vụ đảm bảo mà không phải là khách hàng kiểm toán hay không; (iii) Khách hàng sử dụng dịch vụ phi đảm bảo hay không.

2.1. Phân loại các nguy cơ và các trường hợp có thể làm phát sinh nguy cơ:

Các nguy cơ được phân loại như sau:

  • Nguy cơ do tư lợi;
  • Nguy cơ tự kiểm tra;
  • Nguy cơ về sự bào chữa;
  • Nguy cơ từ sự quen thuộc;
  • Nguy cơ bị đe dọa.

Ví dụ về các trường hợp có thể làm phát sinh nguy cơ do tư lợi, bao gồm:

  • Thành viên nhóm thực hiện dịch vụ đảm bảo có lợi ích tài chính trực tiếp tại khách hàng sử dụng dịch vụ đảm bảo;
  • Doanh nghiệp kế toán, kiểm toán quá phụ thuộc vào phí dịch vụ từ khách hàng;
  • Thành viên nhóm thực hiện dịch vụ đảm bảo có quan hệ kinh doanh mật thiết với khách hàng sử dụng dịch vụ đảm bảo;
  • Doanh nghiệp kế toán, kiểm toán quá quan tâm tới khả năng bị mất khách hàng quan trọng;
  • Thành viên nhóm kiểm toán có thương lượng với khách hàng kiểm toán về cơ hội làm việc tại một vị trí cụ thể tại khách hàng kiểm toán này;
  • Doanh nghiệp kiểm toán cung cấp dịch vụ đảm bảo trên cơ sở có thỏa thuận về phí tiềm tàng;
  • Kế toán viên, kiểm toán viên hành nghề phát hiện có sự nhầm lẫn đáng kể khi đánh giá kết quả một dịch vụ chuyên môn do chính thành viên của doanh nghiệp kế toán, kiểm toán nơi họ làm việc đã cung cấp trước đó.

Ví dụ về các trường hợp có thể làm phát sinh nguy cơ tự kiểm tra, bao gồm:

  • Doanh nghiệp kiểm toán đưa ra báo cáo dịch vụ đảm bảo về hiệu quả hoạt động của hệ thống tài chính sau khi thiết kế và triển khai hệ thống đó;
  • Doanh nghiệp kiểm toán chuẩn bị thông tin tài chính là đối tượng dịch vụ đảm bảo;
  • Thành viên nhóm thực hiện dịch vụ đảm bảo năm trước liền kề hoặc hiện đang là Giám đốc, nhân sự cấp cao của khách hàng đó;
  • Thành viên nhóm thực hiện dịch vụ đảm bảo năm trước liền kề hoặc hiện đang là nhân sự chủ chốt của khách hàng sử dụng dịch vụ đảm bảo, có thể gây ảnh hưởng đáng kể tới đối tượng dịch vụ đảm bảo;
  • Doanh nghiệp kiểm toán đồng thời thực hiện dịch vụ khác cho khách hàng sử dụng dịch vụ đảm bảo có thể gây ảnh hưởng trực tiếp tới thông tin về đối tượng dịch vụ đảm bảo.

Ví dụ về các trường hợp có thể làm phát sinh nguy cơ về sự bào chữa, bao gồm:

  • Doanh nghiệp kiểm toán giúp quảng bá các loại cổ phiếu của khách hàng kiểm toán;
  • Kiểm toán viên hành nghề là người bào chữa đại diện cho khách hàng kiểm toán trong vụ kiện hoặc khi giải quyết các tranh chấp với bên thứ ba.

Ví dụ về các trường hợp có thể làm phát sinh nguy cơ từ sự quen thuộc, bao gồm:

  • Thành viên nhóm thực hiện hợp đồng dịch vụ có quan hệ gia đình gần gũi hoặc trực tiếp với Giám đốc, nhân sự cấp cao của khách hàng;
  • Thành viên nhóm thực hiện hợp đồng dịch vụ có quan hệ gia đình gần gũi hoặc trực tiếp với nhân sự chủ chốt có ảnh hưởng đáng kể đối với đối tượng dịch vụ đảm bảo;
  • Giám đốc, nhân sự cấp cao có ảnh hưởng đáng kể tới đối tượng dịch vụ đảm bảo hiện tại là thành viên BGĐ phụ trách tổng thể hợp đồng dịch vụ;
  • Kế toán viên, kiểm toán viên hành nghề nhận quà biếu hoặc nhận sự ưu đãi từ khách hàng, trừ trường hợp có giá trị nhỏ;
  • Nhân sự cấp cao của doanh nghiệp kiểm toán cung cấp dịch vụ trong nhiều năm cho khách hàng sử dụng dịch vụ đảm bảo.

Ví dụ về các trường hợp có thể làm phát sinh nguy cơ bị đe dọa, bao gồm:

  • Doanh nghiệp kế toán, kiểm toán bị khách hàng đe dọa chấm dứt hợp đồng dịch vụ;
  • Khách hàng kiểm toán đe dọa sẽ không ký hợp đồng dịch vụ phi đảm bảo khác nếu doanh nghiệp kiểm toán không đồng ý với khách hàng về cách thức xử lý kế toán cho một giao dịch cụ thể;
  • Doanh nghiệp kế toán, kiểm toán bị khách hàng đe dọa khởi tố;
  • Doanh nghiệp kế toán, kiểm toán bị áp lực giảm phạm vi công việc một cách không hợp lý nhằm giảm phí;
  • Kế toán viên, kiểm toán viên hành nghề chịu sức ép phải đồng ý với nhân viên của khách hàng có chuyên môn cao hơn trong một lĩnh vực cụ thể;
  • Kế toán viên, kiểm toán viên hành nghề bị lãnh đạo doanh nghiệp mình đe dọa sẽ không thăng chức trừ khi phải đồng ý với cách xử lý không phù hợp các nghiệp vụ kế toán của khách hàng.

2.2. Các biện pháp bảo vệ

Các biện pháp bảo vệ có thể loại trừ hoặc làm giảm nguy cơ xuống mức có thể chấp nhận được gồm hai loại:

  • Các biện pháp bảo vệ do tổ chức nghề nghiệp quy định, do pháp luật và các quy định có liên quan điều chỉnh;
  • Các biện pháp bảo vệ được xây dựng trong môi trường làm việc.

Đoạn 100.14 Phần A Chuẩn mực này đưa ra một số ví dụ về các biện pháp bảo vệ do tổ chức nghề nghiệp quy định, do pháp luật và các quy định có liên quan điều chỉnh.

Kế toán viên, kiểm toán viên hành nghề phải sử dụng xét đoán chuyên môn để xác định phương pháp hợp lý nhất nhằm xử lý với các nguy cơ cao hơn mức có thể chấp nhận được, bằng cách áp dụng biện pháp bảo vệ để loại trừ hay làm giảm các nguy cơ đó xuống mức có thể chấp nhận được bằng việc từ chối thực hiện hoặc rút khỏi hợp đồng cung cấp dịch vụ. Khi thực hiện các xét đoán của mình, kế toán viên, kiểm toán viên hành nghề phải xem xét liệu một bên thứ ba phù hợp và có đầy đủ thông tin, sau khi xem xét các sự kiện và tình huống có sẵn cho kế toán viên, kiểm toán viên hành nghề tại thời điểm đó, có thể kết luận một cách tương đối chắc chắn rằng, sau khi áp dụng các biện pháp bảo vệ, các nguy cơ đó sẽ bị loại trừ hoặc làm giảm xuống mức có thể chấp nhận được và các nguyên tắc đạo đức cơ bản không bị vi phạm hay không. Khi xem xét vấn đề này, cần phải xem xét đến các yếu tố như mức độ nghiêm trọng của nguy cơ, tính chất của hợp đồng cung cấp dịch vụ và cơ cấu tổ chức của doanh nghiệp kiểm toán.

2.3. Các biện pháp bảo vệ ở cấp độ doanh nghiệp kế toán, kiểm toán và cho từng hợp đồng cụ thể

Ví dụ về các biện pháp bảo vệ được xây dựng trong môi trường làm việc ở cấp độ doanh nghiệp kế toán, kiểm toán, bao gồm:

  • Lãnh đạo doanh nghiệp kế toán, kiểm toán nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ các nguyên tắc đạo đức cơ bản;
  • Lãnh đạo doanh nghiệp kiểm toán yêu cầu các thành viên nhóm thực hiện dịch vụ đảm bảo hành động vì lợi ích của công chúng;
  • Chính sách, thủ tục thực hiện và giám sát chất lượng hợp đồng dịch vụ;
  • Quy định bằng văn bản về sự cần thiết của việc: (i) Xác định các nguy cơ ảnh hưởng đến việc tuân thủ các nguyên tắc đạo đức cơ bản; (ii) Đánh giá mức độ nghiêm trọng của các nguy cơ này; và (iii) Áp dụng các biện pháp bảo vệ để loại trừ hoặc làm giảm các nguy cơ xuống mức có thể chấp nhận được, hoặc từ chối thực hiện hay rút khỏi hợp đồng dịch vụ có liên quan khi không có hoặc không thể áp dụng các biện pháp bảo vệ thích hợp;
  • Chính sách và thủ tục nội bộ quy định bằng văn bản yêu cầu sự tuân thủ các nguyên tắc đạo đức cơ bản;
  • Chính sách và thủ tục hỗ trợ cho việc xác định các lợi ích hoặc các mối quan hệ giữa doanh nghiệp kế toán, kiểm toán hoặc giữa các thành viên nhóm thực hiện hợp đồng dịch vụ và khách hàng;
  • Chính sách và thủ tục để giám sát và quản lý (nếu cần), sự phụ thuộc vào doanh thu từ một khách hàng riêng lẻ;
  • Sử dụng thành viên BGĐ và các nhóm thực hiện hợp đồng dịch vụ khác nhau với cơ chế báo cáo riêng để thực hiện dịch vụ phi đảm bảo cho khách hàng đang sử dụng dịch vụ đảm bảo;
  • Chính sách và thủ tục nghiêm cấm các thành viên không phải là thành viên nhóm thực hiện hợp đồng dịch vụ gây ảnh hưởng không phù hợp đến kết quả của hợp đồng dịch vụ;
  • Trao đổi kịp thời về các chính sách và thủ tục của doanh nghiệp kế toán, kiểm toán cũng như bất kỳ sự thay đổi trong các chính sách và thủ tục này đến BGĐ và nhân viên chuyên nghiệp, và thực hiện đào tạo, tập huấn đầy đủ về các chính sách và thủ tục này;
  • Phân công một lãnh đạo cấp cao chịu trách nhiệm giám sát sự vận hành thích hợp hệ thống kiểm soát chất lượng của doanh nghiệp kế toán, kiểm toán;
  • Thông báo cho các thành viên BGĐ và nhân viên chuyên nghiệp về danh sách các khách hàng sử dụng dịch vụ đảm bảo và các đơn vị có liên quan mà doanh nghiệp kiểm toán phải duy trì tính độc lập;
  • Cơ chế kỷ luật nhằm nâng cao sự tuân thủ các chính sách và thủ tục;
  • Chính sách và thủ tục công khai để khuyến khích và tạo điều kiện cho nhân viên trao đổi thông tin với các cấp quản lý trong doanh nghiệp kế toán, kiểm toán về các vấn đề liên quan đến việc tuân thủ các nguyên tắc đạo đức cơ bản mà họ quan tâm.

Ví dụ về các biện pháp bảo vệ được xây dựng trong môi trường làm việc ở cấp độ hợp đồng cụ thể, bao gồm:

  • Chỉ định một kế toán viên, kiểm toán viên chuyên nghiệp khác không tham gia vào dịch vụ phi đảm bảo để soát xét lại các công việc mà nhóm dịch vụ đó đã làm và đưa ra ý kiến tư vấn, nếu cần thiết;
  • Chỉ định một kiểm toán viên chuyên nghiệp không phải là thành viên nhóm thực hiện dịch vụ đảm bảo để soát xét lại các công việc mà nhóm dịch vụ đó đã làm và đưa ra ý kiến tư vấn, nếu cần thiết;
  • Tham khảo ý kiến tư vấn từ bên thứ ba độc lập như thành viên BGĐ không tham gia trực tiếp điều hành, tổ chức nghề nghiệp hoặc một kế toán viên, kiểm toán viên chuyên nghiệp khác;
  • Thảo luận với BQT của khách hàng các vấn đề đạo đức;
  • Thông tin cho BQT của khách hàng về tính chất và mức phí của dịch vụ cung cấp;
  • Mời một doanh nghiệp kế toán, kiểm toán khác thực hiện hoặc thực hiện lại toàn bộ hoặc một phần của hợp đồng dịch vụ;
  • Luân chuyển nhân sự cấp cao của nhóm thực hiện dịch vụ đảm bảo.

2.4. Các biện pháp bảo vệ mà khách hàng đang áp dụng

Tùy thuộc vào tính chất hợp đồng dịch vụ, kế toán viên, kiểm toán viên hành nghề có thể dựa vào những biện pháp bảo vệ mà khách hàng đang áp dụng. Tuy nhiên, kế toán viên, kiểm toán viên hành nghề không thể chỉ phụ thuộc vào biện pháp bảo vệ đó để làm giảm các nguy cơ xuống mức có thể chấp nhận được.

Ví dụ về các biện pháp bảo vệ trong hệ thống và các thủ tục của khách hàng, bao gồm:

  • Khách hàng yêu cầu nhân sự khác ngoài BGĐ tham gia vào việc thông qua hoặc phê duyệt việc bổ nhiệm doanh nghiệp kế toán, kiểm toán thực hiện cung cấp dịch vụ;
  • Khách hàng có đội ngũ nhân viên giàu kinh nghiệm và năng lực chuyên môn có thể đưa ra được các quyết định quản lý;
  • Khách hàng vận hành các thủ tục nội bộ để đảm bảo sự lựa chọn khách quan trong việc thực hiện những hợp đồng dịch vụ phi đảm bảo;
  • Khách hàng có cơ cấu quản trị doanh nghiệp phù hợp để kiểm soát và trao đổi về các dịch vụ được cung cấp với doanh nghiệp kế toán, kiểm toán.

Bản tin này chỉ mang tính chất tham khảo, không phải ý kiến tư vấn cụ thể cho bất kì trường hợp nào.

Đăng kí để nhận bản tin từ Gonnapass

Liên hệ tư vấn dịch vụ Kế toán – Thuế – Đào tạo: Ms Huyền – 094 719 2091

Tham khảo dịch vụ tư vấn từng lần – giải quyết các nỗi lo rủi ro thuế

Mọi thông tin xin liên hệ:

Công ty TNHH Gonnapass

Phòng 701, tầng 7, toà nhà 3D Center, số 3 Duy Tân, P Dịch Vọng Hậu, Q Cầu Giấy, TP Hà Nội

Email: hotro@gonnapass.com

Facebook: https://www.facebook.com/gonnapassbeyondyourself/

Group Facebook chia sẻ mẫu biểu: https://www.facebook.com/groups/congvanketoan

Group Zalo chia sẻ miễn phí: https://zalo.me/g/xefwrd200

Website: https://gonnapass.com

Hotline/ Zalo : 0888 942 040

avatar
hien

Nếu bạn thích bài viết, hãy thả tim và đăng ký nhận bản tin của chúng tôi

Ý kiến bình luận

You cannot copy content of this page