- a) Khái niệm (Đoạn 11):
– Gian lận: Là hành vi cố ý do một hay nhiều người trong Ban quản trị (BQT)/Ban Giám đốc (BGĐ), các nhân viên hoặc bên thứ ba thực hiện bằng các hành vi gian dối để thu lợi bất chính hoặc bất hợp pháp (Ví dụ về hành vi gian lận như giả mạo hồ sơ, cố ý không ghi chép các giao dịch, hoặc cố ý cung cấp các giải trình sai cho KTV…)
– Các yếu tố dẫn đến rủi ro có gian lận: Là các sự kiện hoặc điều kiện phản ánh một động cơ hoặc áp lực phải thực hiện hành vi gian lận hoặc tạo cơ hội thực hiện hành vi gian lận.
- b) Trách nhiệm của các bên đối với gian lận:
b.1) Trách nhiệm của BGĐ/BQT đơn vị được kiểm toán (Đoạn 04):
BGĐ đơn vị có trách nhiệm ngăn ngừa (đặc biệt là giảm bớt các cơ hội thực hiện hành vi gian lận) và phát hiện gian lận, kể cả cam kết tạo ra văn hóa trung thực và hành vi có đạo đức trong đơn vị.
BQT đơn vị có trách nhiệm giám sát hoạt động của BGĐ và phải xem xét khả năng xảy ra hành vi khống chế kiểm soát hoặc hành động gây ảnh hưởng không thích hợp đến quy trình lập và trình bày BCTC, ví dụ việc BGĐ cố gắng điều chỉnh kết quả kinh doanh để các nhà phân tích hiểu không đúng về hiệu quả hoạt động và khả năng sinh lời của đơn vị được kiểm toán.
b.2) Trách nhiệm của KTV và DNKT (Đoạn 05-08):
Khi thực hiện kiểm toán, KTV chịu trách nhiệm đạt được sự đảm bảo hợp lý rằng liệu BCTC, xét trên phương diện tổng thể, có còn sai sót trọng yếu do gian lận hoặc nhầm lẫn hay không. Do những hạn chế vốn có của kiểm toán nên có rủi ro khó tránh khỏi là kể cả khi cuộc kiểm toán đã được lập kế hoạch và thực hiện theo quy định của CMKiT thì KTV vẫn có thể không phát hiện được một số sai sót có ảnh hưởng trọng yếu đến BCTC, đặc biệt là các sai sót do gian lận. Rủi ro có sai sót trọng yếu do gian lận cao hơn rủi ro có sai sót trọng yếu do nhầm lẫn, vì gian lận có thể được thực hiện một cách tinh vi, được tổ chức chặt chẽ, có hành động che dấu, có sự thông đồng của nhiều người, nhiều cấp…
- c) Các yêu cầu đối với KTV và DNKT (Đoạn 12-43, A7-A67):
– Thái độ hoài nghi nghề nghiệp: KTV phải luôn duy trì thái độ hoài nghi nghề nghiệp trong suốt cuộc kiểm toán. Kể cả khi KTV đã biết về tính trung thực và chính trực của BGĐ/BQT của đơn vị được kiểm toán thì KTV vẫn phải nhận thức được khả năng có thể tồn tại sai sót trọng yếu do gian lận, liên tục đặt câu hỏi xem các thông tin và bằng chứng kiểm toán thu được có dấu hiệu của sai sót trọng yếu do gian lận hay không, xem xét độ tin cậy của các thông tin được sử dụng làm bằng chứng kiểm toán và kiểm soát việc lập và duy trì các thông tin đó.
CMKiT không yêu cầu KTV phải xác minh tính xác thực của các tài liệu và KTV cũng không được đào tạo để trở thành chuyên gia và cũng không được coi là chuyên gia trong việc xác minh tính xác thực đó. Tuy nhiên, khi xác định được các vấn đề làm KTV tin rằng một tài liệu có thể không xác thực hoặc các điều khoản trong tài liệu đã bị chỉnh sửa mà không được thông báo thì KTV có thể điều tra thêm bằng các thủ tục như xác nhận trực tiếp với bên thứ ba hoặc sử dụng chuyên gia để xác minh tính xác thực của tài liệu đó.
– Thảo luận nhóm kiểm toán: Cuộc thảo luận này phải đặc biệt tập trung vào nội dung và cách thức mà BCTC của đơn vị được kiểm toán dễ có sai sót trọng yếu do gian lận, kể cả việc gian lận đó có thể xảy ra như thế nào.
– Thủ tục đánh giá rủi ro và các hoạt động liên quan: Khi thực hiện thủ tục đánh giá rủi ro và các hoạt động liên quan nhằm tìm hiểu về đơn vị được kiểm toán và môi trường hoạt động của đơn vị, bao gồm kiểm soát nội bộ, KTV phải thực hiện các thủ tục để thu thập thông tin nhằm xác định rủi ro có sai sót trọng yếu do gian lận, bao gồm các thủ tục: Phỏng vấn BGĐ, BQT và các đối tượng khác trong đơn vị được kiểm toán; Đánh giá các mối quan hệ bất thường hoặc ngoài dự kiến đã được xác định trong quá trình thực hiện thủ tục phân tích và các thông tin khác đã thu thập có cho thấy dấu hiệu về rủi ro có sai sót trọng yếu do gian lận hay không; Đánh giá các yếu tố dẫn đến rủi ro có gian lận (động cơ, áp lực hoặc cơ hội dẫ đến gian lận)….
– Xác định và đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu do gian lận: KTV phải xác định và đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu do gian lận ở cấp độ BCTC và ở cấp độ cơ sở dẫn liệu của các nhóm giao dịch, số dư tài khoản và thông tin thuyết minh, đồng thời, luôn phải giả định rằng có rủi ro có gian lận trong việc ghi nhận doanh thu để đánh giá xem loại doanh thu nào, giao dịch hoặc cơ sở dẫn liệu nào liên quan đến doanh thu mà có thể dẫn đến các rủi ro đó. KTV phải coi các rủi ro có sai sót trọng yếu do gian lận đã được đánh giá là các rủi ro đáng kể và phải tìm hiểu các kiểm soát của đơn vị liên quan đến các rủi ro đó.
– Biện pháp xử lý đối với rủi ro có sai sót trọng yếu do gian lận đã được đánh giá:
+ Biện pháp xử lý tổng thể – áp dụng đối với rủi ro có sai sót trọng yếu do gian lận đã được đánh giá ở cấp độ BCTC: Bao gồm: Nâng cao thái độ hoài nghi nghề nghiệp; Phân công và giám sát nhân sự dựa trên kiến thức, kỹ năng và năng lực của các cá nhân sẽ được giao trách nhiệm chính trong cuộc kiểm toán; Đánh giá việc lựa chọn và áp dụng các chính sách kế toán của đơn vị, đặc biệt là chính sách liên quan đến các ước tính và xét đoán chủ quan và các giao dịch phức tạp, có dấu hiệu gian lận trong việc lập BCTC; Thay đổi hoặc bổ sung một số yếu tố không thể dự đoán trước được khi lựa chọn nội dung, lịch trình và phạm vi của các thủ tục kiểm toán.
+ Thủ tục kiểm toán – áp dụng đối với rủi ro có sai sót trọng yếu do gian lận ở cấp độ cơ sở dẫn liệu đã được đánh giá: Gồm thiết kế, thực hiện các thủ tục kiểm toán tiếp theo có nội dung, lịch trình và phạm vi tương ứng với kết quả đánh giá rủi ro.
KTV phải luôn coi rủi ro BGĐ khống chế kiểm soát là loại rủi ro có sai sót trọng yếu do gian lận và là rủi ro đáng kể và phải thiết kế, thực hiện các thủ tục kiểm toán để: Kiểm tra tính thích hợp của các bút toán ghi sổ và các điều chỉnh khác trong khi lập BCTC; Soát xét các ước tính kế toán để xem có sự thiên lệch hay không và đánh giá xem các tình huống phát sinh sự thiên lệch (nếu có) có thể hiện rủi ro có sai sót trọng yếu do gian lận hay không; Đánh giá lý do kinh tế đối với các nghiệp vụ quan trọng phát sinh ngoài quá trình kinh doanh bình thường của đơn vị, hoặc KTV xét đoán thấy có biểu hiện bất thường; Các thủ tục khác (nếu cần)…
– Đánh giá bằng chứng kiểm toán: KTV phải đánh giá các thủ tục phân tích thực hiện ở giai đoạn cuối cuộc kiểm toán để xem có dấu hiệu cho thấy có rủi ro về sai sót trọng yếu do gian lận mà chưa được phát hiện trước đó hay không.
KTV phải đánh giá sai sót đã xác định (nếu có) có phải là biểu hiện của gian lận hay không và đánh giá tác động của sai sót đó đối với các khía cạnh khác của cuộc kiểm toán, đặc biệt là tính tin cậy của các giải trình của BGĐ. KTV phải luôn lưu ý rằng gian lận thường không phải là cá biệt. Nếu xác định được một sai sót mà KTV tin rằng sai sót đó liên quan đến gian lận và có sự tham gia của BGĐ (đặc biệt là lãnh đạo cấp cao), thì KTV phải xem xét lại đánh giá của mình về rủi ro có sai sót trọng yếu do gian lận và ảnh hưởng của sai sót đó tới nội dung, lịch trình, phạm vi các thủ tục kiểm toán, độ tin cậy của các bằng chứng đã thu thập được trước đó, …
Khi KTV khẳng định BCTC có sai sót trọng yếu, hoặc không thể kết luận được BCTC có sai sót trọng yếu do gian lận hay không thì KTV phải đánh giá các tác động đối với cuộc kiểm toán theo quy định của CMKiT số 450 và số 700.
– KTV không thể tiếp tục HĐKT: KTV phải cân nhắc việc không tiếp tục thực hiện HĐKT trong các tình huống như: Đơn vị không thực hiện biện pháp phù hợp để xử lý gian lận; KTV nhận thấy có rủi ro đáng kể do gian lận mang tính trọng yếu và lan tỏa; hoặc KTV lo ngại về năng lực hoặc tính chính trực của BGĐ hoặc BQT…Khi đó, KTV phải xác định trách nhiệm nghề nghiệp và trách nhiệm pháp lý có liên quan, nếu cần thiết thì phải xin ý kiến chuyên gia tư vấn pháp luật. Trường hợp rút khỏi HĐKT thì KTV phải trao đổi với BGĐ/BQT đơn vị và báo cáo với đối tượng đã chỉ định thực hiện cuộc kiểm toán hoặc cơ quan quản lý có thẩm quyền (nếu có quy định).
– Trao đổi với BGĐ/BQT đơn vị được kiểm toán và cơ quan quản lý, cơ quan pháp luật có liên quan: Nếu xác định được hành vi gian lận hoặc thu thập được thông tin cho thấy có thể có hành vi gian lận thì KTV phải trao đổi kịp thời với cấp quản lý thích hợp của đơn vị và xác định trách nhiệm báo cáo với cơ quan quản lý liên quan (nếu có). KTV có thể phải xin ý kiến của chuyên gia tư vấn pháp luật để xác định sự cần thiết phải báo cáo về các gian lận với cơ quan quản lý, cơ quan pháp luật có liên quan.
Nếu xác định được hoặc có nghi ngờ hành vi gian lận có liên quan đến BGĐ, các nhân viên giữ vai trò quan trọng trong kiểm soát nội bộ hoặc những người khác mà hành vi gian lận dẫn đến sai sót trọng yếu trong BCTC thì KTV phải trao đổi kịp thời với BQT.
Bản tin này chỉ mang tính chất tham khảo, không phải ý kiến tư vấn cụ thể cho bất kì trường hợp nào.
Đăng kí để nhận bản tin từ Gonnapass
Liên hệ tư vấn dịch vụ Kế toán – Thuế – Đào tạo: Ms Huyền – 094 719 2091
Tham khảo dịch vụ tư vấn từng lần – giải quyết các nỗi lo rủi ro thuế
Mọi thông tin xin liên hệ:
Công ty TNHH Gonnapass
Phòng 701, tầng 7, toà nhà 3D Center, số 3 Duy Tân, P Dịch Vọng Hậu, Q Cầu Giấy, TP Hà Nội
Email: hotro@gonnapass.com
Facebook: https://www.facebook.com/gonnapassbeyondyourself/
Group Facebook chia sẻ mẫu biểu: https://www.facebook.com/groups/congvanketoan
Group Zalo chia sẻ miễn phí: https://zalo.me/g/xefwrd200
Website: https://gonnapass.com
Hotline/ Zalo : 0888 942 040