- a) Khái niệm (Đoạn 11):
Hành vi không tuân thủ: Là các hành vi bỏ sót hay vi phạm của đơn vị được kiểm toán, bất kể cố ý hay vô ý, trái với pháp luật và các quy định hiện hành. Các hành vi này bao gồm các giao dịch do đơn vị thực hiện dưới danh nghĩa của đơn vị hoặc do Ban quản trị, Ban Giám đốc hoặc nhân viên thực hiện thay mặt đơn vị. Hành vi không tuân thủ không bao gồm các vấn đề mang tính cá nhân (không liên quan đến hoạt động kinh doanh của đơn vị) do Ban quản trị, Ban Giám đốc hoặc nhân viên của đơn vị gây ra;
Pháp luật và các quy định: Là những văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan có thẩm quyền ban hành (Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ và cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; văn bản liên tịch của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, Hội đồng Nhân dân và Uỷ ban Nhân dân các cấp và các cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật); các văn bản do cấp trên, tổ chức nghề nghiệp, doanh nghiệp và tổ chức quy định không trái với pháp luật mà đơn vị được kiểm toán phải tuân thủ.
Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền mà KTV có trách nhiệm phải báo cáo: Là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (nếu đơn vị được kiểm toán là công ty đại chúng, tổ chức phát hành chứng khoán, tổ chức kinh doanh chứng khoán, quỹ đầu tư chứng khoán), Ngân hàng Nhà nước (nếu đơn vị được kiểm toán là tổ chức tín dụng), Cục Quản lý và giám sát Bảo hiểm (nếu đơn vị được kiểm toán là doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, môi giới bảo hiểm) và các cơ quan, tổ chức khác theo quy định pháp lý có liên quan.
- b) Trách nhiệm:
b.1) Trách nhiệm của BGĐ/BQT đơn vị được kiểm toán (Đoạn 03, A1-A6):
Trách nhiệm của BGĐ đơn vị, dưới sự giám sát của BQT, là đảm bảo rằng các hoạt động của đơn vị được thực hiện theo pháp luật và các quy định, bao gồm việc tuân thủ các điều khoản của luật và các quy định về các số liệu và thuyết minh được trình bày trên BCTC. BGĐ có trách nhiệm thiết kế và thực hiện các KSNB để ngăn ngừa, phát hiện và xử lý những hành vi không tuân thủ pháp luật và các quy định trong đơn vị.
b.2) Trách nhiệm của KTV và DNKT (Đoạn 04-08, A1-A6):
Thực hiện các quy định của CMKiT sẽ giúp KTV phát hiện các sai sót trọng yếu của BCTC do hành vi không tuân thủ pháp luật và các quy định, tuy nhiên, KTV không có trách nhiệm ngăn ngừa và không thể kỳ vọng KTV phát hiện hành vi không tuân thủ của đơn vị được kiểm toán đối với tất cả các luật và quy định có liên quan.
KTV sẽ rất khó nhận biết các hành vi không tuân thủ nếu như hành vi đó ít liên quan đến các sự kiện và giao dịch phản ánh trong BCTC, hoặc hành vi không tuân thủ có liên quan đến các hành động nhằm che giấu, như sự cấu kết, giả mạo, cố tình bỏ sót giao dịch, BGĐ khống chế kiểm soát hoặc cố ý giải trình sai với KTV, hoặc một hành động có được coi là hành vi không tuân thủ pháp luật và các quy định hay không hoàn toàn phụ thuộc vào phán quyết của tòa án.
CMKiT phân biệt trách nhiệm của KTV liên quan đến việc xem xét tính tuân thủ pháp luật của đơn vị đối với 2 nhóm pháp luật và các quy định sau:
Nhóm 1 – Pháp luật và các quy định có ảnh hưởng trực tiếp đến các số liệu, thuyết minh trên BCTC (ví dụ, pháp luật về kế toán, thuế…): KTV có trách nhiệm thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp về việc tuân thủ các luật và quy định này.
Nhóm 2- Pháp luật và các quy định khác không có ảnh hưởng trực tiếp đến các số liệu, và thuyết minh trên BCTC nhưng hành vi không tuân thủ pháp luật và các quy định này có thể có ảnh hưởng trọng yếu đến BCTC (ví dụ, việc tuân thủ các điều khoản trong giấy phép hoạt động, tuân thủ các yêu cầu về năng lực tài chính, hoặc tuân thủ yêu cầu về môi trường): KTV chỉ có trách nhiệm giới hạn trong việc thực hiện các thủ tục kiểm toán cụ thể để phát hiện các hành vi không tuân thủ pháp luật và các quy định có thể có ảnh hưởng trọng yếu đến BCTC.
- c) Xem xét về tính tuân thủ pháp luật và các quy định (Đoạn 12-17, A7-A12)
Khi lập kế hoạch và thực hiện kiểm toán, KTV và DNKT phải có thái độ thận trọng nghề nghiệp, phải chú ý đến hành vi không tuân thủ pháp luật dẫn đến sai sót ảnh hưởng trọng yếu đến BCTC. Nếu luật pháp quy định hoặc một hợp đồng kiểm toán có yêu cầu phải báo cáo về việc tuân thủ những điều khoản nhất định của các quy định pháp luật, KTV và DNKT phải lập kế hoạch để kiểm tra việc tuân thủ của đơn vị được kiểm toán về những điều khoản này.
– Để lập kế hoạch kiểm toán, KTV phải có sự hiểu biết chung về khuôn khổ pháp luật và các quy định liên quan đến hoạt động và ngành nghề kinh doanh của đơn vị được kiểm toán; phải nắm được cách thức, biện pháp mà đơn vị thực hiện để đảm bảo tuân thủ pháp luật và các quy định đó.
– KTV phải tiến hành các thủ tục cần thiết để xác định hành vi không tuân thủ pháp luật và các quy định khác có thể ảnh hưởng trọng yếu đến BCTC, bao gồm:
+ Phỏng vấn BGĐ/BQT đơn vị được kiểm toán về việc tuân thủ pháp luật và các quy định;
+ Kiểm tra các văn bản, tài liệu trao đổi giữa đơn vị được kiểm toán với các cơ quan cấp phép hoặc cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị cấp trên (nếu có).
– KTV phải yêu cầu BGĐ/BQT cung cấp giải trình bằng văn bản về việc đơn vị đã thông báo cho KTV về toàn bộ hành vi không tuân thủ, hoặc nghi ngờ không tuân thủ pháp luật và các quy định mà đơn vị đã biết và cần xem xét ảnh hưởng trong quá trình lập BCTC.
- d) Các thủ tục kiểm toán khi phát hiện hoặc nghi ngờ có hành vi không tuân thủ pháp luật và các quy định (Đoạn 18-21, A13-A18)
– Khi nhận biết được thông tin liên quan đến hành vi không tuân thủ hoặc nghi ngờ không tuân thủ pháp luật và các quy định, KTV phải tìm hiểu về bản chất, hoàn cảnh xuất hiện hành vi và những thông tin bổ sung để đánh giá ảnh hưởng có thể có đến BCTC, bao gồm: Khả năng xảy ra hậu quả về tài chính, thậm chí dẫn đến rủi ro buộc đơn vị được kiểm toán phải ngừng hoạt động; Sự cần thiết phải giải trình hậu quả về tài chính trong phần Thuyết minh BCTC; Mức độ ảnh hưởng đến tính trung thực và hợp lý của BCTC…
– Nếu nghi ngờ có hành vi không tuân thủ, KTV phải thảo luận với BGĐ/BQT đơn vị. Nếu BGĐ/BQT không cung cấp được thông tin chứng minh rằng đơn vị đã tuân thủ pháp luật và các quy định và KTV xét đoán thấy ảnh hưởng của việc nghi ngờ có hành vi không tuân thủ pháp luật đối với BCTC là trọng yếu thì KTV phải cân nhắc sự cần thiết của việc tham khảo ý kiến chuyên gia tư vấn pháp luật.
– Nếu không thể thu thập được đầy đủ thông tin để xoá bỏ nghi ngờ về hành vi không tuân thủ pháp luật và các quy định, KTV và DNKT phải đánh giá ảnh hưởng của việc thiếu bằng chứng thích hợp đối với ý kiến kiểm toán.
– KTV và DNKT phải phân tích hậu quả của việc không tuân thủ pháp luật liên quan đến khía cạnh khác của cuộc kiểm toán, nhất là đối với độ tin cậy vào các giải trình bằng văn bản.
đ) Báo cáo về phát hiện hoặc nghi ngờ có hành vi không tuân thủ (Đoạn 22-28, A19-A20):
– Báo cáo với BQT đơn vị:
+ KTV phải thông báo với BQT những vấn đề liên quan đến hành vi không tuân thủ pháp luật và các quy định mà KTV nhận thấy trong quá trình kiểm toán, trừ khi các vấn đề đó rõ ràng là không đáng kể. Đối với hành vi không tuân thủ là do cố ý và trọng yếu thì phải thông báo vấn đề này cho BQT ngay khi có thể.
+ Nếu nghi ngờ BGĐ hoặc BQT có liên quan đến hành vi không tuân thủ, KTV phải thông báo với cấp cao hơn trong đơn vị, như Đại hội đồng cổ đông, Ban kiểm soát. KTV có thể cần tham khảo ý kiến chuyên gia tư vấn pháp luật để xác định xem cấp nào cần được thông báo.
– Báo cáo (với người sử dụng BCKT) về hành vi không tuân thủ trong BCKT:
+ Nếu KTV kết luận hành vi không tuân thủ có ảnh hưởng trọng yếu nhưng không được phản ánh đúng trong BCTC thì KTV phải đưa ra ý kiến kiểm toán dạng ngoại trừ hoặc ý kiến trái ngược về BCTC.
+ Nếu BGĐ hoặc BQT ngăn cản KTV thu thập bằng chứng kiểm toán để đánh giá hành vi không tuân thủ ảnh hưởng trọng yếu đến BCTC thì KTV phải đưa ra ý kiến kiểm toán dạng ngoại trừ hoặc từ chối đưa ra ý kiến về BCTC do hạn chế phạm vi kiểm toán.
+ Nếu do hạn chế phạm vi kiểm toán mà KTV không thể xác định liệu hành vi không tuân thủ có xảy ra hay không thì KTV phải đánh giá mức độ ảnh hưởng của vấn đề này đến ý kiến kiểm toán.
– Báo cáo về hành vi không tuân thủ cho cơ quan có thẩm quyền
+ Nếu phát hiện có hành vi không tuân thủ pháp luật và các quy định: KTV phải có trách nhiệm báo cáo với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, thông báo với đại diện chủ sở hữu của đơn vị được kiểm toán (Chủ tịch công ty, Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên và đại diện chủ sở hữu khác (nếu có) theo quy định của pháp luật) và các đối tượng bên ngoài đơn vị được kiểm toán (nếu có).
+ Nếu nghi ngờ có hành vi không tuân thủ pháp luật và các quy định: KTV phải thực hiện các thủ tục kiểm toán bổ sung để làm rõ nghi ngờ, đồng thời phải xác định xem KTV có trách nhiệm báo cáo về các nghi ngờ này với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, thông báo với đại diện chủ sở hữu và các đối tượng bên ngoài đơn vị được kiểm toán hay không.
Bản tin này chỉ mang tính chất tham khảo, không phải ý kiến tư vấn cụ thể cho bất kì trường hợp nào.
Đăng kí để nhận bản tin từ Gonnapass
Liên hệ tư vấn dịch vụ Kế toán – Thuế – Đào tạo: Ms Huyền – 094 719 2091
Tham khảo dịch vụ tư vấn từng lần – giải quyết các nỗi lo rủi ro thuế
Mọi thông tin xin liên hệ:
Công ty TNHH Gonnapass
Phòng 701, tầng 7, toà nhà 3D Center, số 3 Duy Tân, P Dịch Vọng Hậu, Q Cầu Giấy, TP Hà Nội
Email: hotro@gonnapass.com
Facebook: https://www.facebook.com/gonnapassbeyondyourself/
Group Facebook chia sẻ mẫu biểu: https://www.facebook.com/groups/congvanketoan
Group Zalo chia sẻ miễn phí: https://zalo.me/g/xefwrd200
Website: https://gonnapass.com
Hotline/ Zalo : 0888 942 040