- a) Khái niệm (Đoạn 09):
Trọng yếu: Là thuật ngữ dùng để thể hiện tầm quan trọng của một thông tin hoặc số liệu kế toán) trong BCTC. Thông tin được coi là trọng yếu có nghĩa là nếu thiếu thông tin đó hoặc thiếu tính chính xác của thông tin đó sẽ ảnh hưởng đến các quyết định kinh tế của người sử dụng BCTC;
Mức trọng yếu: Là một mức giá trị do KTV xác định tùy thuộc vào tầm quan trọng và tính chất của thông tin hay sai sót được đánh giá trong hoàn cảnh cụ thể. Mức trọng yếu là một ngưỡng, một điểm chia cắt chứ không phải là nội dung của thông tin cần phải có. Tính trọng yếu của thông tin phải được xem xét cả trên phương diện định lượng và định tính;
Mức trọng yếu thực hiện: Là một mức giá trị hoặc các mức giá trị do KTV xác định ở mức thấp hơn mức trọng yếu đối với tổng thể BCTC nhằm giảm khả năng sai sót tới một mức độ thấp hợp lý để tổng hợp ảnh hưởng của các sai sót không được điều chỉnh và không được phát hiện không vượt quá mức trọng yếu đối với tổng thể BCTC. Trong một số trường hợp, “mức trọng yếu thực hiện” có thể hiểu là mức giá trị hoặc các mức giá trị do KTV xác định thấp hơn mức hoặc các mức trọng yếu của một nhóm các giao dịch, số dư tài khoản hoặc thông tin thuyết minh trên BCTC.
- b) Yêu cầu
b.1/ Xác định mức trọng yếu và mức trọng yếu thực hiện khi lập kế hoạch kiểm toán (Đoạn 10-11, A2-A12): Khi lập chiến lược kiểm toán tổng thể, KTV phải xác định mức trọng yếu đối với tổng thể BCTC. Nếu đơn vị được kiểm toán có một số nhóm giao dịch, số dư tài khoản hoặc thông tin thuyết minh (nếu xét riêng lẻ) có sai sót với mức thấp hơn mức trọng yếu đối với tổng thể BCTC nhưng có thể ảnh hưởng đến quyết định kinh tế của người sử dụng BCTC, thì KTV phải xác định mức trọng yếu áp dụng cho từng nhóm giao dịch, số dư tài khoản hay thông tin thuyết minh.
KTV phải xác định mức trọng yếu thực hiện cho mục đích đánh giá các rủi ro có sai sót trọng yếu và xác định nội dung, lịch trình, phạm vi các thủ tục kiểm toán tiếp theo trong quá trình kiểm toán.
b.2/ Sửa đổi mức trọng yếu trong quá trình kiểm toán (Đoạn 12-13, A13): KTV phải sửa đổi mức trọng yếu đối với tổng thể BCTC và mức trọng yếu cho các nhóm giao dịch, số dư tài khoản hay thông tin thuyết minh khi có thêm thông tin trong quá trình kiểm toán mà có thể dẫn đến việc thay đổi mức trọng yếu hoặc các mức trọng yếu so với mức xác định trước đó.
Nếu KTV kết luận rằng việc áp dụng một mức trọng yếu thấp hơn mức trọng yếu đã xác định trước đó là phù hợp thì KTV phải xác định xem có cần sửa đổi mức trọng yếu thực hiện, và xem nội dung, lịch trình và phạm vi của các thủ tục kiểm toán tiếp theo có còn phù hợp hay không.
b.3/ Phương pháp xác định mức trọng yếu (A3-A9)
Công thức: Mức trọng yếu = Tiêu chí x Tỷ lệ %
* Xác định tiêu chí:
Các tiêu chí phù hợp thông thường được lựa chọn có thể là: Lợi nhuận trước thuế; Tổng doanh thu; Lợi nhuận gộp; Tổng chi phí; Tổng vốn chủ sở hữu; Giá trị tài sản ròng.
Việc xác định tiêu chí phụ thuộc vào nhu cầu thông tin của đại bộ phận đối tượng sử dụng thông tin tài chính (nhà đầu tư, ngân hàng, công chúng, cơ quan quản lý…). Xác định tiêu chí còn ảnh hưởng bởi các yếu tố như:
(1) Các yếu tố của BCTC (ví dụ: tài sản, các khoản nợ, nguồn vốn, doanh thu, chi phí), các thước đo hoạt động theo khuôn khổ về lập và trình bày BCTC (ví dụ: tình hình tài chính, kết quả hoạt động, dòng tiền);
(2) Các khoản mục trên BCTC mà người sử dụng có xu hướng quan tâm (Ví dụ: Để đánh giá kết quả tài chính, người sử dụng có xu hướng tập trung vào lợi nhuận, doanh thu hoặc tài sản thuần. Đối với các tổ chức niêm yết trên thị trường chứng khoán, người sử dụng BCTC chủ yếu quan tâm đến lợi nhuận sau thuế. Đối với những công ty kinh doanh lỗ hoặc đạt gần điểm hòa vốn, tổng doanh thu hoặc tổng tài sản là tiêu chí phù hợp. Đối với công ty đang có vấn đề về khả năng thanh toán nợ, người sử dụng BCTC tập trung vào vốn chủ hữu như sự đảm bảo cho các khoản nợ của họ, hoặc tổng tài sản/tài sản ngắn hạn. Đối với các tổ chức hoạt động phi lợi nhuận, người sử dụng BCTC quan tâm chủ yếu đến tổng tiền tài trợ hoặc tổng chi phí…)
(3) Đặc điểm hoạt động kinh doanh, đặc điểm ngành nghề của đơn vị (Ví dụ: Đối với đơn vị nhỏ: Khi lợi nhuận trước thuế từ hoạt động kinh doanh liên tục của một đơn vị hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận thường xuyên ở mức thấp, có thể do chủ doanh nghiệp đồng thời là Giám đốc đã thu lại phần lớn lợi nhuận trước thuế dưới dạng tiền lương và các khoản thu nhập khác thì tiêu chí lựa chọn để xác định mức trọng yếu là lợi nhuận trước tiền lương, các khoản thu nhập khác và thuế có thể sẽ phù hợp hơn. Đối với đơn vị trong lĩnh vực công, tổng chi phí hoặc chi phí thuần (chi phí trừ thu nhập) có thể là tiêu chí phù hợp cho hoạt động của từng chương trình. Khi đơn vị hoạt động trong lĩnh vực công có quản lý tài sản công, tài sản có thể là tiêu chí phù hợp để xác định mức trọng yếu. Hoặc đối với những đơn vị mà doanh thu được xác định trên cơ sở tỷ lệ % xác định trên tổng chi phí thực tế thì tổng chi phí phát sinh sẽ là cơ sở phù hợp để xác định mức trọng yếu).
(4) Cơ cấu vốn chủ sở hữu và cách thức đơn vị huy động vốn (Ví dụ: Nếu đơn vị hoạt động kinh doanh chủ yếu bằng nguồn vốn vay thì người sử dụng BCTC có thể quan tâm nhiều hơn đến tài sản và quyền của chủ nợ đối với tài sản này hơn là quan tâm đến lợi nhuận của đơn vị; hoặc đối với các đơn vị hoạt động dựa trên tài sản như các quỹ đầu tư, tiêu chí phù hợp là tài sản thuần);
(5) Khả năng thay đổi tương đối của tiêu chí đã được xác định. Thông thường KTV nên lựa chọn những tiêu chí mang tính tương đối ổn định qua các năm.
Khi xác định mức trọng yếu, KTV cần phải cân nhắc đến các số liệu về kết quả hoạt động kinh doanh và tình hình tài chính của các kỳ trước, các số liệu về kết quả hoạt động kinh doanh và tình hình tài chính lũy kế đến kỳ này, và kế hoạch hay dự đoán cho kỳ hiện tại, được điều chỉnh khi có biến động lớn theo từng trường hợp của đơn vị được kiểm toán (ví dụ, một giao dịch hợp nhất kinh doanh lớn; các khoản thu nhập/chi phí bất thường; các khoản tiền thưởng cho Ban Giám đốc dựa trên lợi nhuận trước thưởng, v.v..) và những thay đổi liên quan trong ngành nghề hay môi trường kinh doanh mà đơn vị đang hoạt động (Ví dụ: Lợi nhuận trước thuế của Công ty ABC năm 2013 là 1.000 triệu VND, trong đó bao gồm lãi từ thanh lý TSCĐ là 300 triệu VND. KTV cần loại bỏ phần lãi này trước khi sử dụng lợi nhuận trước thuế làm tiêu chí xác định mức trọng yếu).
* Xác định tỷ lệ % cho tiêu chí lựa chọn
KTV phải sử dụng xét đoán chuyên môn khi xác định tỷ lệ % áp dụng cho tiêu chí đã lựa chọn. Tỷ lệ % và tiêu chí được lựa chọn thường có mối liên hệ với nhau, như tỷ lệ % áp dụng cho mức lợi nhuận trước thuế từ hoạt động kinh doanh liên tục thường cao hơn tỷ lệ % áp dụng cho doanh thu do số tuyệt đối của doanh thu là lợi nhuận trước thuế thường chênh lệch nhau đáng kể và KTV có xu hướng cân bằng mức trọng yếu cho từng bộ phận trên BCTC dù áp dụng bất kì tiêu chí nào. Việc xác định tỷ lệ % cao hay thấp sẽ ảnh hưởng đến khối lượng công việc kiểm toán được thực hiện mà cụ thể số mẫu cần phải kiểm tra, phụ thuộc vào đánh giá về rủi ro có sai sót trọng yếu của KTV (Ví dụ: Khi kiểm toán Công ty ABC, KTV lựa chọn lợi nhuận trước thuế (sau khi đã loại trừ yếu tố bất thường) làm tiêu chí xác định mức trọng yếu, giá trị là 700 triệu VND. Tỷ lệ % được lựa chọn là 10%. Khi đó, mức trọng yếu đối với tổng thể BCTC là 700 x 10% = 70 triệu VND).
Bản tin này chỉ mang tính chất tham khảo, không phải ý kiến tư vấn cụ thể cho bất kì trường hợp nào.
Đăng kí để nhận bản tin từ Gonnapass
Liên hệ tư vấn dịch vụ Kế toán – Thuế – Đào tạo: Ms Huyền – 094 719 2091
Tham khảo dịch vụ tư vấn từng lần – giải quyết các nỗi lo rủi ro thuế
Mọi thông tin xin liên hệ:
Công ty TNHH Gonnapass
Phòng 701, tầng 7, toà nhà 3D Center, số 3 Duy Tân, P Dịch Vọng Hậu, Q Cầu Giấy, TP Hà Nội
Email: hotro@gonnapass.com
Facebook: https://www.facebook.com/gonnapassbeyondyourself/
Group Facebook chia sẻ mẫu biểu: https://www.facebook.com/groups/congvanketoan
Group Zalo chia sẻ miễn phí: https://zalo.me/g/xefwrd200
Website: https://gonnapass.com
Hotline/ Zalo : 0888 942 040