[ Kiểm toán CPA] Chuẩn mực số 3400 – Kiểm tra thông tin tài chính tương lai

223
  1. a) Mục tiêu: Khi thực hiện hợp đồng dịch vụ kiểm tra thông tin tài chính tương lai, kiểm toán viên và doanh nghiệp kiểm toán phải thu thập đầy đủ bằng chứng thích hợp về việc:

(a) Liệu các giả định về ước tính tốt nhất được Ban Giám đốc sử dụng làm cơ sở lập thông tin tài chính tương lai không phải là không hợp lý và nếu sử dụng các giả định mang tính giả thuyết thì các giả định đó có nhất quán với mục đích cung cấp thông tin hay không;

(b) Liệu thông tin tài chính tương lai có được lập một cách thích hợp dựa trên các giả định hay không;

(c) Liệu thông tin tài chính tương lai có được trình bày một cách thích hợp và tất cả các giả định trọng yếu có được thuyết minh đầy đủ hay không, bao gồm việc trình bày rõ ràng đó là những giả định về ước tính tốt nhất hay giả định mang tính giả thuyết;

(d) Liệu thông tin tài chính tương lai có được lập trên cơ sở nhất quán với thông tin tài chính quá khứ và áp dụng các chính sách kế toán thích hợp hay không.

  1. b) Mục đích lập thông tin tài chính tương lai: Thông tin tài chính tương lai có thể bao gồm báo cáo tài chính, một hoặc một số yếu tố của báo cáo tài chính và có thể được lập:

(a) Như công cụ quản lý nội bộ, ví dụ, để hỗ trợ việc đánh giá một khoản đầu tư vốn; hoặc

(b) Cho mục đích phát hành cho bên thứ ba.

  1. c) Mức độ đảm bảo của kiểm toán viên về thông tin tài chính tương lai: Thông tin tài chính tương lai liên quan đến các sự kiện và hành động chưa xảy ra và có thể không xảy ra. Mặc dù có thể có các bằng chứng chứng minh cho các giả định được sử dụng làm cơ sở lập thông tin tài chính tương lai, nhưng các bằng chứng này thường hướng đến tương lai và do vậy, về bản chất, các bằng chứng này mang tính suy đoán, khác với các bằng chứng thường có trong cuộc kiểm toán thông tin tài chính quá khứ. Do đó, kiểm toán viên không đưa ra kết luận về việc liệu có đạt được những kết quả thể hiện trong thông tin tài chính tương lai hay không.
  2. d) Chấp nhận hợp đồng dịch vụ: Trước khi chấp nhận hợp đồng dịch vụ về kiểm tra thông tin tài chính tương lai, kiểm toán viên cần xem xét các vấn đề sau:
  • Mục đích sử dụng thông tin;
  • Thông tin được phát hành rộng rãi hay bị giới hạn;
  • Bản chất của các giả định là giả định về ước tính tốt nhất hay giả định mang tính giả thuyết;
  • Thông tin bao gồm những yếu tố nào;
  • Thông tin cho giai đoạn nào.

Kiểm toán viên không được chấp nhận hợp đồng hoặc phải rút khỏi hợp đồng khi nhận thấy các giả định không thực tế hoặc khi kiểm toán viên cho rằng các thông tin tài chính tương lai không phù hợp cho mục đích sử dụng.

– Kiểm toán viên phải thống nhất với đơn vị được kiểm tra (khách hàng) về các điều khoản trên hợp đồng dịch vụ về kiểm tra thông tin tài chính tương lai. Để đảm bảo lợi ích của cả hai bên, kiểm toán viên nên gửi hợp đồng tới đơn vị được kiểm tra (khách hàng) để tránh những hiểu nhầm có liên quan đến hợp đồng.

  1. e) Hiểu biết về hoạt động kinh doanh: Kiểm toán viên phải có hiểu biết đầy đủ về hoạt động kinh doanh của đơn vị được kiểm tra (khách hàng) để có thể đánh giá liệu đã xác định được tất cả các giả định quan trọng cần thiết để lập thông tin tài chính tương lai hay chưa.
  2. f) Các thủ tục kiểm tra:Khi xác định nội dung, lịch trình và phạm vi các thủ tục kiểm tra, kiểm toán viên phải xem xét các vấn đề sau:

(a) Khả năng xảy ra sai sót trọng yếu;

(b) Hiểu biết về đơn vị được kiểm tra (khách hàng) thông qua các hợp đồng dịch vụ trước đây;

(c) Năng lực của Ban Giám đốc đơn vị liên quan đến việc lập thông tin tài chính tương lai;

(d) Mức độ ảnh hưởng của các xét đoán của Ban Giám đốc đơn vị đối với thông tin tài chính tương lai;

(e) Tính đầy đủ và độ tin cậy của các dữ liệu cơ sở.

– Kiểm toán viên phải thu thập Thư giải trình của Ban Giám đốc đơn vị về mục đích sử dụng thông tin tài chính tương lai, tính đầy đủ của các giả định quan trọng và sự xác nhận của Ban Giám đốc đơn vị về trách nhiệm của họ đối với thông tin tài chính tương lai.

  1. g) Trình bày và thuyết minh: Khi đánh giá việc trình bày và thuyết minh thông tin tài chính tương lai, ngoài việc phải xem xét các yêu cầu pháp luật và các quy định hoặc các chuẩn mực nghề nghiệp, kiểm toán viên còn phải xem xét liệu:

(a) Thông tin tài chính tương lai có được trình bày đầy đủ và không gây hiểu nhầm hay không;

(b) Chính sách kế toán có được trình bày rõ ràng trên phần thuyết minh thông tin tài chính tương lai hay không;

(c) Các giả định có được trình bày đầy đủ, thích hợp trên phần thuyết minh thông tin tài chính tương lai hay không. Các thuyết minh cần trình bày rõ ràng liệu các giả định của Ban Giám đốc đơn vị là giả định về ước tính tốt nhất hay là giả định mang tính giả thuyết. Khi các giả định được lập đối với những vấn đề trọng yếu và có mức độ không chắc chắn cao thì cần phải thuyết minh đầy đủ về sự không chắc chắn này và độ nhạy cảm của kết quả do sự không chắc chắn đó gây ra;

(d) Ngày lập thông tin tài chính tương lai có được trình bày hay không. Ban Giám đốc đơn vị cần xác nhận rằng các giả định là phù hợp tại ngày lập thông tin, cho dù các thông tin làm cơ sở để lập các giả định này có thể được tổng hợp trong cả một giai đoạn;

(e) Trường hợp thông tin tài chính tương lai được trình bày dưới dạng một khoảng số liệu (ví dụ doanh thu có thể đạt được từ X đồng đến Y đồng) thì căn cứ để xây dựng các số liệu trong khoảng đó có được trình bày rõ ràng và lựa chọn trên cơ sở không thiên lệch và không gây hiểu nhầm hay không;

(f) Bất kỳ sự thay đổi nào trong chính sách kế toán so với thông tin tài chính quá khứ gần nhất có được thuyết minh cùng với lý do và ảnh hưởng của sự thay đổi đến thông tin tài chính tương lai hay không.

  1. h) Báo cáo kiểm tra về kiểm tra thông tin tài chính tương lai: Báo cáo kiểm tra về kiểm tra thông tin tài chính tương lai (sau đây gọi tắt là “báo cáo kiểm tra”) do kiểm toán viên lập phải bằng văn bản và bao gồm các yếu tố sau:

(a) Số hiệu và tiêu đề báo cáo kiểm tra: Báo cáo kiểm tra phải ghi rõ số hiệu phát hành báo cáo kiểm tra của doanh nghiệp kiểm toán hoặc chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán theo từng năm (số đăng ký chính thức trong hệ thống văn bản của doanh nghiệp hoặc chi nhánh);

(b) Người nhận báo cáo kiểm tra: Báo cáo kiểm tra phải chỉ rõ người nhận báo cáo kiểm tra tùy theo từng hợp đồng dịch vụ. Người nhận báo cáo kiểm tra là những người mà báo cáo được lập cho họ sử dụng, thường là các cổ đông, Ban quản trị hoặc Ban Giám đốc của đơn vị hoặc có thể là các nhà đầu tư tiềm năng, các cơ quan quản lý và các bên quan tâm khác… tùy thuộc vào mục đích của việc lập thông tin tài chính tương lai;

(c)Mở đầu của báo cáo kiểm tra: Mở đầu của báo cáo kiểm tra phải nêu rõ:

(i)      Tên thông tin tài chính tương lai được kiểm tra;

(ii)      Tên đơn vị lập thông tin tài chính tương lai;

(iii)     Giai đoạn lập thông tin tài chính tương lai;

(iv)     Ngày lập và số trang của thông tin tài chính tương lai được kiểm tra;

(v)      Tên gọi các thành phần của thông tin tài chính tương lai;

(d) Trách nhiệm của Ban Giám đốc đơn vị: Báo cáo kiểm tra phải bao gồm một mục có tiêu đề là “Trách nhiệm của Ban Giám đốc” (hay một thuật ngữ thích hợp khác)”. Báo cáo kiểm tra không nhất thiết phải đề cập một cách cụ thể là “Ban Giám đốc” mà sẽ sử dụng thuật ngữ thích hợp, tùy thuộc vào cơ cấu tổ chức của đơn vị được kiểm tra, ví dụ “Ban quản lý dự án”,“Ban Giám hiệu”…; Đoạn này trong báo cáo kiểm tra mô tả trách nhiệm của những người chịu trách nhiệm đối với việc lập và trình bày thông tin tài chính tương lai [trên cơ sở khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính có liên quan], kể cả các giả định làm cơ sở lập thông tin tài chính tương lai đó. Trong một số trường hợp cần thiết, kiểm toán viên có thể bổ sung thêm vào đoạn này các trách nhiệm của Ban Giám đốc đơn vị liên quan đến việc lập và trình bày thông tin tài chính tương lai theo quy định của pháp luật hoặc do bản chất của dự án, của đơn vị được kiểm tra hoặc theo các điều khoản đã thỏa thuận cụ thể trong hợp đồng giữa hai bên;

(e)      Trình bày mục đích và/hoặc giới hạn đối tượng sử dụng thông tin tài chính tương lai (nếu có): Đối với trường hợp báo cáo kiểm tra về thông tin tài chính tương lai dạng dự tính: thông tin tài chính tương lai được lập cho mục đích cụ thể [nêu rõ mục đích] và sử dụng các giả định bao gồm cả các giả định mang tính giả thuyết về các sự kiện trong tương lai chưa chắc chắn sẽ xảy ra và các hành động mà Ban Giám đốc đơn vị cũng chưa chắc chắn sẽ thực hiện thì báo cáo cần phải cảnh báo cho người đọc rằng thông tin tài chính tương lai không được sử dụng cho mục đích khác ngoài các mục đích đã được nêu trên báo cáo;

(f)       Trách nhiệm của kiểm toán viên: Báo cáo kiểm tra phải bao gồm một mục có tiêu đề là “Trách nhiệm của Kiểm toán viên”, trong đó nêu rõ trách nhiệm của kiểm toán viên là kiểm tra và đưa kết luận về thông tin tài chính tương lai dựa trên kết quả của cuộc kiểm tra; Báo cáo kiểm tra phải nêu rõ rằng công việc kiểm tra đã được tiến hành theo các chuẩn mực Việt Nam về hợp đồng dịch vụ đảm bảo, các chuẩn mực nghề nghiệp, pháp luật và các quy định có liên quan áp dụng cho việc kiểm tra thông tin tài chính tương lai. Báo cáo kiểm tra cũng phải giải thích rằng các chuẩn mực và quy định đó yêu cầu kiểm toán viên phải tuân thủ chuẩn mực và các quy định về đạo đức nghề nghiệp, phải lập kế hoạch và thực hiện cuộc kiểm tra để đạt được mức độ đảm bảo có giới hạn về việc thông tin tài chính tương lai có được lập một cách thích hợp dựa trên các giả định và được trình bày phù hợp với [khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính có liên quan] hay không;

(g) Kết luận của kiểm toán viên: Báo cáo kiểm tra phải bao gồm một mục có tiêu đề là “Kết luận của Kiểm toán viên” và phải nêu rõ về các nội dung sau đây:

  • Kết luận đảm bảo dạng phủ định về việc liệu các giả định có cung cấp được một cơ sở không phải là không hợp lý cho thông tin tài chính tương lai hay không. Đoạn này phải nêu rõ trên cơ sở kiểm tra các bằng chứng chứng minh cho các giả định, liệu có bất kỳ sự kiện nào để kiểm toán viên cho rằng các giả định không cung cấp được một cơ sở hợp lý cho thông tin tài chính tương lai hay không;
  • Kết luận về việc liệu thông tin tài chính tương lai có được lập một cách thích hợp dựa trên các giả định và có được trình bày phù hợp với khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính có liên quan hay không;
  • Đoạn nhấn mạnh liên quan đến khả năng đạt được các kết quả mà thông tin tài chính tương lai phản ánh. Đoạn này phải nêu rõ kết quả thực tế có thể khác với thông tin tài chính tương lai do các sự kiện được dự kiến có thể không diễn ra như mong đợi và sự khác biệt có thể là trọng yếu. Tương tự, trường hợp thông tin tài chính tương lai được trình bày dưới dạng một khoảng số liệu, báo cáo có thể nêu rõ rằng không có sự đảm bảo nào về việc kết quả thực tế sẽ nằm trong khoảng đó;

(h) Ngày lập báo cáo kiểm tra: Phải là ngày mà các thủ tục kiểm tra đã hoàn thành và phải là ngày cùng hoặc sau ngày lập thông tin tài chính tương lai;

(i)       Tên và địa chỉ doanh nghiệp kiểm toán;

(j) Chữ ký, họ và tên của kiểm toán viên và đóng dấu: Thực hiện theo quy định và hướng dẫn về chữ ký, họ và tên của kiểm toán viên và đóng dấu trong báo cáo dịch vụ đảm bảo có giới hạn tại đoạn 69(m) và đoạn A183 của Chuẩn mực Việt Nam về hợp đồng dịch vụ đảm bảo số 3000 – Hợp đồng dịch vụ đảm bảo ngoài dịch vụ kiểm toán và soát xét thông tin tài chính quá khứ.

– Khi kiểm toán viên cho rằng việc trình bày và thuyết minh thông tin tài chính tương lai là không đầy đủ, kiểm toán viên phải đưa kết luận ngoại trừ hoặc kết luận trái ngược trong báo cáo kiểm tra về thông tin tài chính tương lai, hoặc rút khỏi hợp đồng nếu cần thiết. Ví dụ, thông tin tài chính tương lai có thể không trình bày đầy đủ các kết quả có thể mang tính nhạy cảm cao đối với các giả định.

– Khi kiểm toán viên cho rằng một hoặc một số giả định quan trọng không cung cấp được một cơ sở hợp lý cho thông tin tài chính tương lai dựa trên các giả định về ước tính tốt nhất, hoặc một hoặc một số giả định quan trọng không cung cấp được một cơ sở hợp lý cho các thông tin tài chính tương lai dựa trên các giả định mang tính giả thuyết, kiểm toán viên phải đưa ra kết luận trái ngược về thông tin tài chính tương lai, hoặc rút khỏi hợp đồng.

– Khi việc kiểm tra chịu ảnh hưởng của các điều kiện không cho phép áp dụng một hoặc một số thủ tục được cho là cần thiết trong một số hoàn cảnh cụ thể, thì kiểm toán viên phải rút khỏi hợp đồng hoặc từ chối đưa ra kết luận và mô tả về hạn chế phạm vi kiểm tra trên báo cáo kiểm tra về thông tin tài chính tương lai.

Bản tin này chỉ mang tính chất tham khảo, không phải ý kiến tư vấn cụ thể cho bất kì trường hợp nào.

Đăng kí để nhận bản tin từ Gonnapass

Liên hệ tư vấn dịch vụ Kế toán – Thuế – Đào tạo: Ms Huyền – 094 719 2091

Tham khảo dịch vụ tư vấn từng lần – giải quyết các nỗi lo rủi ro thuế

Mọi thông tin xin liên hệ:

Công ty TNHH Gonnapass

Phòng 701, tầng 7, toà nhà 3D Center, số 3 Duy Tân, P Dịch Vọng Hậu, Q Cầu Giấy, TP Hà Nội

Email: hotro@gonnapass.com

Facebook: https://www.facebook.com/gonnapassbeyondyourself/

Group Facebook chia sẻ mẫu biểu: https://www.facebook.com/groups/congvanketoan

Group Zalo chia sẻ miễn phí: https://zalo.me/g/xefwrd200

Website: https://gonnapass.com

Hotline/ Zalo : 0888 942 040

avatar
hien

Nếu bạn thích bài viết, hãy thả tim và đăng ký nhận bản tin của chúng tôi

Ý kiến bình luận

You cannot copy content of this page