Theo quy định hiện nay, số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản có thể được ghi nhận là chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp. Số tiền này được phân bổ cho các năm khai thác tương ứng. Tuy nhiên, số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản vượt mức thực tế phát sinh của năm thì không được trừ
Hướng dẫn chi tiết
Trích công văn số 634/TCT-CS:
…nếu Công ty CP Khai thác khoáng sản Tây Ninh được quyền khai thác khoáng sản hợp pháp theo quy định của pháp luật và Công ty đã nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo quy định tại Nghị định số 203/2013/NĐ-CP ngày 28/11/2013 của Chính phủ thì Công ty được phân bổ khoản tiền cấp quyền khai thác khoáng sản này vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN theo thời hạn khai thác được cấp phép…
Trích công văn 13000/CT-TTHT
Trường hợp của Công ty nộp bổ sung tiền cấp quyền khai thác khoáng sản năm 2018-2022 khi có sự điều chỉnh của cơ quan nhà nước có thẩm quyền dẫn đến thay đổi tổng số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản doanh nghiệp phải nộp thì tổng số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản sau điều chỉnh còn lại chưa phân bổ sẽ phân bổ cho số năm khai thác còn lại kể từ năm có quyết định điều chỉnh của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản thực tế phát sinh của năm xác định theo nguyên tắc phân bổ nêu trên được tính vào chi phí được trừ vào kỳ tính thuế doanh nghiệp thực nộp, có chứng từ nộp ngân sách nhà nước.
Trường hợp, nếu trong cùng một kỳ tính thuế, doanh nghiệp vừa nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản phân bổ còn nợ của các kỳ trước, vừa nộp số phân bổ của năm hiện tại thì tính vào chi phí theo thứ tự phần nộp cho khoản nợ trước, phần nộp cho khoản phát sinh của năm hiện tại sau.
Trích công văn số 2571/TCT-CS:
Thực hiện theo quy định nêu trên có phát sinh vướng mắc đối với trường hợp nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản hàng năm do doanh nghiệp phải hoàn thành việc nộp vào nửa đầu thời hạn cấp phép nên trong những năm thuộc nửa cuối thời hạn cấp phép doanh nghiệp không phát sinh khoản tiền nộp ngân sách nhà nước để tính vào chi phí được trừ, trong khi những năm đầu thì phát sinh chi phí lớn.
Cơ sở pháp lý
2.34. Số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản vượt mức thực tế phát sinh của năm.
Trường hợp nộp một lần, mức thực tế phát sinh của năm được xác định trên cơ sở tổng số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản phân bổ cho số năm khai thác còn lại.
Trường hợp nộp hàng năm, mức thực tế phát sinh là số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản của năm mà doanh nghiệp đã nộp Ngân sách Nhà nước.
- Dự thảo thông tư sửa đổi có nội dung hướng dẫn về tiền cấp quyền khai thác khoáng sản không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp như sau: “234. Số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản vượt mức thực tế phát sinh của năm. Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp xác định bằng tổng số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản phải nộp phân bổ đều cho số năm khai thác.”
Tại Điều 11 Nghị định 203/2013/NĐ-CP ngày 28/11/2013 của Chính phủ quy định phương thức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với trường hợp nộp nhiều lần thì lần đầu thu khi có thông báo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; các lần sau thu hàng năm liên tục (trước ngày 31 tháng 3 các năm tiếp theo) và hoàn thành việc thu trước khi giấy phép hết hạn 5 năm.
Tại khoản 4 Điều 12 Nghị định số 67/2019/NĐ-CP ngày 31/7/2019 quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản quy định như sau: “4. Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp xác định bằng tổng số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản phải nộp phân bổ cho số năm khai thác. Điều kiện xác định khoản chi được trừ thực hiện theo quy định của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp.”