Đề thi CPA Môn Kế toán 2019 Có đáp án tham khảo

425

Gonnapass xin gửi lại sưu tầm Đề thi CPA Môn Kế toán và Đáp án tham khảo môn Kế toán năm 2019 của kỳ thi kế toán và kiểm toán viên Việt Nam (CPA) do Bộ Tài chính tổ chức để các bạn tự ôn thi.

Tóm tắt

Đề chẵn

Câu 1 (2 điểm):

Công ty cổ phần thương mại Bình Minh tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ, có tài liệu sau:

Ngày 1/3/2018, công ty nhập khẩu một thiết bị dùng cho bộ phận bán hàng trị giá 15.000 USD, chưa thanh toán. Thuế suất thuế nhập khẩu và thuế GTGT đều là 10%. Tỷ giá thực tế mua/bán tại ngày giao dịch lần lượt là 22.710/22.780 VND/USD, tỷ giá tính thuế bằng tỷ giá bán. Phí nhập khẩu thanh toán bằng tiền tạm ứng 3.300.000đ, đã bao gồm thuế GTGT 10%. Chi phí lắp đặt và chạy thử chi bằng tiền mặt 3.000.000đ. Phụ tùng được tặng kèm theo thiết bị có giá trị hợp lý 500 USD. Thời gian sử dụng dự kiến của thiết bị là 10 năm, khấu hao theo phương pháp đường thẳng, đã bàn giao để sử dụng. Xác định giá trị ghi nhận ban đầu của các tài sản trong tình huống này (nếu rõ phân loại tài sản theo các chỉ tiêu được trình bày trên báo cáo tài chính) và tính khấu hao năm 2018 (biết giá trị thanh lý ước tính là 2.000.000đ).

Ngày 1/11/2019, công ty trao đổi ngang giá thiết bị trên lấy một lô hàng hóa (nhập vào kho), giá trị trao đổi chưa thuế là 300.000.000đ, thuế GTGT 10%, chi phí vận chuyển thiết bị và hàng hóa chi bằng tiền mặt lần lượt là 2.000.000đ và 1.500.000đ. Xấc định giá trị lô hàng hóa, thu nhập, chi phí phát sinh từ hoạt động trao đổi tài sản của công ty Bình Minh (bỏ qua thuế thu nhập doanh nghiệp). Cho biết ảnh hưởng của hoạt động trao đổi này đến các chỉ tiêu thuộc báo cáo kết quả hoạt động năm 2019 (nêu rõ tên chỉ tiêu, mức độ ảnh hưởng: +/-, số tiền).

Câu 2 (2 điểm):

Anh/chị hãy trình bày cách thức ghi nhận các trường hợp sau đây của đơn vị:

(Giả định đến cuối tháng 2 năm N+1, báo cáo tài chính năm n của doanh nghiệp chưa được phát hành)

  1. Khoản chi 150 triệu đồng phát sinh trong giai đoạn nghiên cứu xây dựng phần mềm quản lý, 300 triệu đồng phát sinh trong giai đoạn triển khai kết quả nghiên cứu thử nghiệm (biết kết quả thử nghiệm thành công và bàn giao đưa vào sử dụng).
  2. Chi phí đào tạo nhân viên phát sinh trong giai đoạn trước hoạt động của doanh nghiệp mới thành lập (đem lại lợi ích kinh tế tương lai cho doanh nghiệp).
  3. Công ty dừng việc thuê hai sàn của tòa nhà (20 phòng), không tiến hành nâng cấp trước khi bán, các hoạt động bán đã bắt đầu được thực hiện như quảng cáo, ký kết các hợp đồng với sàn giao dịch bất động sản.
  4. Công ty phát sinh một tài sản thuê tài chính, số thuế GTGT đầu vào của tài sản thuê tài chính không được khấu trừ, tiền thuế GTGT đầu vào được thanh toán cùng với từng lần trả tiền thuê.
  5. Doanh thu và chi phí của hợp đồng xây dựng trong trường hợp hợp đồng xây dựng quy định nhà thầu được thanh toán theo tiến độ kế hoạch.
  6. Tháng 1/N+1, công ty may xuất khẩu A&B bị cháy một phân xưởng sản xuất chính, dự định tổn thất về nhà xưởng là 4.000 triệu đồng, về hàng tồn kho là 1.500 triệu đồng.
  7. Tháng 2/N+1, giá trị thị trường của khoản đầu tư vốn góp liên doanh của công ty bị giảm do tình hình kinh doanh bất ổn.
  8. Tháng 1/N+1, công ty có thông tin khách hàng A phá sản, chủ doanh nghiệp bỏ trốn, khoản nợ phải thu của khách hàng A là 500 triệu đồng.

Câu 3 (2 điểm):

Công ty cổ phần ABC có kỳ kế toán năm kết thúc 31/12:

Trích Số dư ngày 31/12/2018 của 1 số tài khoản: Đơn vị tính: đồng.

– TK 128 – Đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (TK 1282): 980.000.000 (1.000 trái phiếu XYZ, mệnh giá 1.000.000 đồng/trái phiếu, đầu tư vào ngày phát hành 31/12/2018, thời hạn 2 năm, lãi trái phiếu 10%/năm và nhận khi đáo hạn).

– TK 41111 – Cổ phiếu phổ thông có quyền biểu quyết: 80.000.000.000 (8.000.000 cổ phiếu ABC, mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu); không có cổ phiếu ưu đãi.

– TK 4112 – Thặng dư vốn cổ phần: 51.502.000

– TK 419 – Cổ phiếu quỹ: 0

– TK 343 – Trái phiếu phát hành: 0

Trích tình hình phát sinh trong năm 2019:

  1. Đầu quý 3, phát hành 10.000 trái phiếu thường ABC, mục đích dùng cho kinh doanh, thời hạn 5 năm, mệnh giá 1.000.000 đồng/trái phiếu, giá phát hành (thu tiền gửi ngân hàng) 1.020.000 đồng/trái phiếu, lãi trái phiếu 10%/năm, (trả lãi định kỳ hàng năm – kỳ đầu vào quý 3/2020). Chi phí phát hành đã trả 10.000.000 đồng (ghi nhận vào chi phí, không phân bổ dần).
  2. Tháng 10, chuyển tiền gửi ngân hàng mua lại 200.000 cổ phiếu ABC và nắm giữ làm cổ phiếu quỹ, mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu, giá mua 25.000 đồng/cổ phiếu, chi phí giao dịch 4.000.000 đồng.
  3. Ngày 31/12/2019:

– Giả sử có bằng chứng đáng tin cậy về tổn thất trái phiếu XYZ, mức tổn thất là 60.000 đồng/trái phiếu. Kế toán xử lý tổn thất tài sản theo quy định;

– Quyết định hủy bỏ 100.000 cổ phiếu quỹ ABC.

Yêu cầu:

  1. Tại thời điểm cuối năm tài chính 2019 (31/12/2019): thuyết minh số liệu để xác định:

– Giá trị ghi sổ tài sản đầu tư liên quan trái phiếu XYZ ngày 31/12/2019;

– Giá trị ghi sổ trái phiếu thường ABC tại ngày 31/12/2019 và “Chi phí đi vay” liên quan phát hành trái phiếu ABC trong năm 2019. (Biết rằng công ty áp dụng phương pháp phân bổ đường thẳng).

  1. Trình bày Báo cáo tình hình tài chính – Ngày 31/12/2019 (Bảng cân đối kế toán – cột “Số cuối năm” và cột “Số đầu năm”) về các chỉ tiêu liên quan tình hình trích số dư đầu năm 2019 và tình hình Nợ phải trả về phát hành trái phiếu thường ABC.

Câu 4 (2 điểm):

Ngày 1/1/2018, công ty A mua lại 70% tài sản thuần của công ty B với giá mua là 15 tỷ đồng và đạt được quyền kiểm soát công ty B. Báo cáo tình hình tài chính riêng của công ty A và công ty B tại ngày 1/1/2018 như sau: Đơn vị tính: triệu đồng

Khoản mục Công ty A Công ty B
Giá trị ghi sổ Giá trị hợp lý
Tiền 20.000 13.000 13.000
Đầu tư vào công ty con 15.000
TSCĐ: 1.000 4.000 5.000
–         Nguyên giá 2.000 4.000 5.000
–         Hao mòn lũy kế (1.000)
Tài sản thuần khác 11.000
Cộng tài sản thuần 47.000 17.000 18.000
Vốn CSH:
–        Vốn cổ phần 40.000 15.000 15.000
–        Lợi nhuận sau thuế CPP 7.000 2.000 2.000
–        Chênh lệch đánh giá lại TS 1.000
Cộng VCSH 47.000 17.000 18.000

Yêu cầu:

1/ Xác định lợi ích của công ty A và cổ đông không kiểm soát trong giá trị hợp lý của TS thuần của B tại ngày mua.

2/ Xác định lợi thế TM

3/ Thực hiện bút toán loại trừ khoản đầu tư của công ty mẹ vào công ty con tại ngày mua và bút toán tách lợi ích cổ đông không kiểm soát tại ngày mua. Xác định lợi ích cổ đông không kiểm soát tại ngày mua.

(Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp của cả mẹ và con đều là 20%)

Câu 5 (2 điểm):

Tại công ty HP sản xuất sản phẩm Y phải qua 2 giai đoạn chế biến liên tục có tài liệu sau:

  1. Chi phí sản xuất trong tháng 5/N tập hợp được như sau: Đơn vị tính: Triệu đồng
Bên Nợ TK PX 1 PX 2 Cộng
TK 621 64.200 14.000 78.200
TK 622 21.000 7.920 28.920
TK 627 33.600 19.800 53.400
Cộng 118.800 41.720 160.520
  1. Kết quả sản xuất trong tháng:

– Phân xưởng 1: Sản xuất hoàn thành 2.000 bán thành phẩm Y, chuyển sang PX 2 tiếp tục chế biến 1.400 bán thành phẩm Y và nhập kho 600 bán thành phẩm Y. Sản phẩm dở dang cuối kỳ là 200 với mức độ hoàn thành về chi phí chế biến là 50% và chi phí vật liệu trực tiếp là 70%.

– Phân xưởng 2: Nhận 1.400 bán thành phẩm Y từ PX 1 chuyển sang, tiếp tục chế biến, cuối tháng hoàn thành 600 thành phẩm Y, còn lại 100 sản phẩm dở dang với mức độ hoàn thành về chi phí chế biến là 60% và về chi phí vật liệu trực tiếp là 100%.

  1. Cả 2 phân xưởng không có sản phẩm dở dang đầu kỳ.

Yêu cầu: Tính giá thành bán thành phẩm Y và thành phẩm Y tháng 5/N?

Đề lẻ

Câu 1 (2 điểm):

  1. Nêu sự khác biệt khi trình bày Báo cáo kết quả hoạt động đối với các chỉ tiêu thu nhập, chi phí từ việc bán tài sản cố định (TSCĐ phục vụ cho sản xuất kinh doanh) và bán Bất động sản đầu tư. Giải thích cho sự khác biệt này.
  2. Nêu sự khác biệt giữa phương pháp ghi nhận khoản chi phí khấu hao máy móc thiết bị cho thuê hoạt động và chi phí khấu hao máy móc thiết bị dùng cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Giải thích lý do cho sự khác biệt này. Chi phí khấu hao của hai hoạt động này ảnh hưởng đến chỉ tiêu nào của Báo cáo kết quả hoạt động?
  3. Nêu sự khác biệt giữa phương pháp ghi nhận kế toán trường hợp xuất hàng tồn kho để khuyến mại, quảng cáo không thu tiền, không kèm theo điều kiện khác và trường hợp xuất hàng tồn kho để khuyến mại, quảng cáo kèm điều kiện khách hàng phải mua sản phẩm, hàng hóa.
  4. Có tình huống sau: Công ty X chuyên bán 2 mặt hàng kem đánh răng (KĐR) và bàn chải đánh răng (BC). Giá gốc và giá bán của 1 cây KĐR lần lượt là 20 và 40, của BC lần lượt là 10 và 14. Trong chương trình khuyến mại, một khách hàng mua 4 cây KĐR sẽ được tặng kèm 1 BC, số tiền phải trả (chưa gồm thuế GTGT): 160. Doanh thu ghi nhận cho KĐR và BC là bao nhiêu?
  5. Nêu sự khác biệt giữa nguyên tắc ghi nhận kế toán TSCĐ vô hình hình thành trong quá trình hợp nhất kinh doanh có tính chất mua lại trong trường hợp đáp ứng định nghĩa và tiêu chuẩn ghi nhận là TSCĐ vô hình và trường hợp không đáp ứng. Cho ví dụ minh họa 2 trường hợp này.

Câu 2 (2 điểm):

Anh/chị hãy trình bày cách thức ghi nhận các trường hợp sau đây của doanh nghiệp trong năm tài chính N:

(Giả định đến cuối tháng 2 năm N+1, báo cáo tài chính năm N của doanh nghiệp chưa được phát hành)

  1. Chi phí sản xuất chung cố định trong trường hợp mức sản phẩm thực tế sản xuất ra thấp hơn công suất bình thường.
  2. Các chi phí phát sinh sau ghi nhận ban đầu của một dây chuyền sản xuất để cải tiến bộ phận của dây chuyền sản xuất dẫn đến làm tăng đáng kể chất lượng sản phẩm sản xuất ra.
  3. Công ty dừng việc cho thuê hai sàn của tòa nhà (20 phòng), và nâng cấp để cho mục đích bán, các hoạt động bán đã bắt đầu được thực hiện như quảng cáo, ký kết các hợp đồng với sàn giao dịch chứng khoán.
  4. Công ty phát sinh một tài sản thuê tài chính, số thuế GTGT đầu vào của tài sản thuê tài chính không được khấu trừ, tiền thuế GTGT đầu vào được thanh toán một lần ngay tại thời điểm ghi nhận tài sản thuê.
  5. Doanh thu và chi phí của hợp đồng xây dựng trong trường hợp hợp đồng xây dựng của công ty quy định nhà thầu được thanh toán giá trị khối lượng thực hiện.
  6. Vụ kiện của khách hàng do sản phẩm của công ty cung cấp gây ảnh hưởng sức khỏe đến khách hàng trong năm N, tháng 2/N+1 tòa án phán quyết công ty thua kiện và phải bồi thường vào năm N+1, năm N công ty chưa xử lý gì liên quan đến vụ kiện này.
  7. Tháng 2/N+1, công ty phải tiến hành bảo hành lô hàng hóa xuất bán năm N. Trong năm N chưa trích lập dự phòng.
  8. Tháng 1/N+1, lô hàng hóa tồn kho được bán với giá 850 triệu đồng, giá trị ghi sổ là 1.200 triệu đồng, doanh nghiệp trích lập dự phòng giảm giá là 150 triệu đồng.

Câu 3 (2 điểm):

Công ty cổ phần ABC có kỳ kế toán năm kết thúc 31/12.

Trích Số dư ngày 31/12/2018 của một số tài khoản: Đơn vị tính: đồng.

– TK 121 – Chứng khoán kinh doanh: 240.000.000 (10.000 cổ phiếu XYZ, mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu).

– TK 2291 – Dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh: 5.000.000 (dự phòng tổn thất cho 10.000 cổ phiếu XYZ).

– TK 41111 – Cổ phiếu phổ thông có quyền biểu quyết: 10.000.000.000 (1.000.000 cổ phiếu ABC, mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu); không có cổ phiếu ưu đãi.

– TK 4112 – Thặng dư vốn cổ phần: 6.000.000.000

– TK 419 – Cổ phiếu quỹ: 1.500.000.000 (100.000 cổ phiếu ABC, mệnh giá 10.000 đồng/cồ phiếu)

Trích tình hình phát sinh trong năm 2019:

  1. Bán bớt 5.000 cổ phiết XYZ thu tiền gửi ngân hàng với giá bán 25.000 đồng/cổ phiếu, chi tiền về phí gia dịch 0,1%.
  2. Phát hành cổ phiếu ABC cho cổ đông hiện hữu (không thu tiền) từ nguồn thặng dư vốn cổ phần theo mệnh giá – theo tỷ lệ: cổ đông cứ sở hữu 10 cổ phiếu thì được hưởng 1 cổ phiếu.
  3. Ngày 31/12/2019: giá trị thị trường niêm yết của cổ phiếu XYZ là 28.000 đồng/cổ phiếu, cổ phiếu ABC là 14.000 đồng/cổ phiếu. Kế toán xử lý dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh theo quy định.

Yêu cầu:

  1. Tại thời điểm cuối năm tài chính 2019 (31/12/2019): thuyết minh số liệu để xác định:
  • Giá trị ghi sổ tài sản liên quan chứng khoán kinh doanh tại ngày 31/12/2019;
  • Vốn góp của chủ sở hữu công ty ABC tại ngày 31/12/2019.
  1. Trình bày Báo cáo tình hình tài chính (Bảng cân đối kế toán) ngày 31/12/2019 các chỉ tiêu liên quan đến các tài khoản trên (cột “Số cuối năm” và cột “Số đầu năm”).

Câu 4 (2 điểm):

Ngày 1/1/2018, công ty X mua 90% cổ phần của công ty Y (X nắm giữ 90% quyền biểu quyết và có quyền kiểm soát Y) với trị giá 12.000 triệu đồng. Cùng ngày này, báo cáo tài chính riêng của X và Y như sau:Đơn vị tính: triệu đồng

Chỉ tiêu X Y
Tổng tài sản 57.000 14.500
Nợ phải trả 10.000 3.000
Vốn cổ phần 40.000 10.000
Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối 7.000 1.500
Tổng nguồn vốn 57.000 14.500

Biết rằng giá trị ghi sổ bằng giá trị hợp lý của tài sản thuần của công ty Y.

Trong năm 2018, X có giao dịch nội bộ với Y như sau:

Ngày 2/1/2018, công ty X bán một thiết bị bán hàng cho công ty Y với giá chưa thuế 1.000 triệu đông, VAT 10%. Tại ngày bán, thiết bị ngày có nguyên giá 1.400 triệu đồng và hao mòn lũy kế là 600 triệu đồng. Công ty X khấu hao thiết bị này theo phương pháp đường thẳng trong 7 năm. Công ty Y tiếp tục khấu hao thiết bị này theo phương pháp đường thẳng trong 4 năm. Giả sử thiết bị này không có giá trị thu hồi khi thanh lý.

Ngày 1/12/2018, X bán cho Y 1 lô hàng hóa với giá bán chưa thuế 2.000 triệu đồng, VAT 10%, giá vốn mà X mua là 1.200 triệu đồng, Y chuyển bán ngay trong ngày 40% lô hàng với giá bán chưa thuế 1.100 triệu đồng, VAT 10%. Đến ngày 31/12/2018, 60% lô hàng này vẫn tồn trong kho của Y.

Các giao dịch giữa X và Y đều được thanh toán bằng TGNH.

Thuế suất thuế TNDN của X, Y là 20%.

Yêu cầu:

  1. Xác định lợi thế thương mại của X khi đầu tư vào Y.
  2. Thực hiện các bút toán loại trừ giao dịch nội bộ (HTK, TSCĐ) phục vụ cho việc lập báo cáo tài chính hợp nhất năm 2018 của tập đoàn có công ty mẹ X.

Câu 5 (2 điểm):

Tại công ty AP sản xuất sản phẩm X phải qua 2 giai đoạn chế biến liên tục có tài liệu sau:

  1. Chi phí sản xuất trong tháng 5/N tập hợp được như sau:

Đơn vị tính: Triệu đồng

Bên Nợ TK PX 1 PX 2 Cộng
TK 621 23.200 8.000 31.200
TK 622 5.600 3.080 8.680
TK 627 11.200 4.620 15.820
Cộng 40.000 15.700 55.700
  1. Kết quả sản xuất trong tháng:
  • Phân xưởng 1: Sản xuất hoàn thành 1.000 bán thành phẩm X, chuyển sang PX 2 tiếp tục chế biến 800 bán thành phẩm X và nhập kho 200 bán thành phẩm X. Sản phẩm dở dang cuối kỳ là 200 với mức độ hoàn thành về chi phí chế biến là 60% và chi phí vật liệu trực tiếp là 80%.
  • Phân xưởng 2: Nhận 800 bán thành phẩm X từ PX 1 chuyển sang, tiếp tục chế biến, cuối tháng hoàn thành 700 thành phẩm X (nhập kho 680 thành phẩm , 20 thành phẩm hỏng không sửa chữa được), còn lại 100 sản phẩm dở dang với mức độ hoàn thành về chi phí chế biến là 70% và về chi phí vật liệu trực tiếp là 100%.
  1. Cả 2 phân xưởng không có sản phẩm dở dang đầu kỳ.

Yêu cầu:

Tính giá thành bán thành phẩm X và thành phẩm X tháng 5/N?

Đáp án tham khảo

Vui lòng liên hệ để đặt mua sách

Sách Tự ôn thi và giải đề CPA các năm

Bản tin này chỉ mang tính chất tham khảo, không phải ý kiến tư vấn cụ thể cho bất kì trường hợp nào.

Liên hệ tư vấn dịch vụ Kế toán – Thuế – Đào tạo: Ms Huyền – 094 719 2091

Mọi thông tin xin liên hệ:
Công ty TNHH Gonnapass
Phòng 701, tầng 7, toà nhà 3D Center, số 3 Duy Tân, P Dịch Vọng Hậu, Q Cầu Giấy, TP Hà Nội
Email: hotro@gonnapass.com
Website: https://gonnapass.com
Hotline/ Zalo : 0888 942 040
avatar
admin

Nếu bạn thích bài viết, hãy thả tim và đăng ký nhận bản tin của chúng tôi

Ý kiến bình luận

You cannot copy content of this page