Gonnapass xin gửi lại sưu tầm Đề thi CPA tham khảo môn Kiểm toán 2020 của kì thi kế toán kiểm toán viên Việt Nam (CPA) do Bộ Tài chính tổ chức để các bạn tự học và tham khảo nhé!
Tóm tắt
Đề chẵn
Câu 1.
Bạn là Trưởng nhóm kiểm toán trong hợp đồng kiểm toán báo cáo tài chính cho công ty Trí Thức niên độ kết thúc ngày 31/12/2019. Công ty Trí Thức chuyên thiết kế và cung cấp các sản phẩm in ấn như catalogue, poster, kỷ yếu, ấn phẩm quảng cáo, và các sản phẩm in ấn có thiết kế độc quyền. Công ty Trí Thức đã niêm yết và nổi tiếng trong ngành với kỹ thuật sử dụng 100% nguyên liệu giấy tái chế cho sản xuất mà vẫn cung cấp sản phẩm chất lượng cao, thiết kế đẹp.
Nhóm kiểm toán đang trong giai đoạn xem xét và đánh giá các sai sót phát hiện trong báo cáo tài chính của công ty Trí Thức. Với tư cách là nhóm trưởng, bạn đang xem xét lại hồ sơ làm việc của các trợ lý kiểm toán, có một số vấn đề cần lưu ý sau:
- Công ty Trí Thức đang bị kiện bởi đối thủ cạnh tranh là công ty Quang Hà. Quang Hà khởi kiện công ty Trí Thức sử dụng thiết kế riêng có bản quyền của Quang Hà để sản xuất sản phẩm. Bạn đã phỏng vấn trực tiếp với luật sư của công ty Trí Thức về vụ kiện, luật sư đã xác nhận bằng lời rằng Trí Thức có khả năng thua kiện rất lớn và phải bồi thường số tiền là 500 triệu đồng. Khi trao đổi với Ban giám đốc của công ty Trí Thức, Giám đốc Tài chính cho rằng công ty Trí Thức không cần lập dự phòng vì số tiền này quá nhỏ so với tổng tài sản là 120 tỷ đồng của công ty. Giám đốc Tài chính cũng không cho phép KTV gửi thư xác nhận dưới dạng văn bản cho luật sư vì không muốn làm phiền luật sư lần nữa vì vấn đề nhỏ này.
- Trong quá trình chứng kiến kiểm kê, KTV phát hiện một số lượng hàng tồn kho có thể không còn bán được. Các mặt hàng này, trị giá 300 triệu đồng, là tài liệu hướng dẫn sử dụng và ấn phẩm quảng cáo cho các sản phẩm đã ngưng sản xuất từ năm trước. Giám đốc Tài chính không đồng ý xoá sổ các khoản mục hàng tồn kho này vì cho rằng các sản phẩm tuy không bán được nhưng có thể tái chế để bán phế phẩm, hoặc sử dụng làm nguyên liệu sản xuất cho các đơn đặt hàng sau. Trợ lý kiểm toán phụ trách kiểm toán khoản mục hàng tồn kho đã yêu cầu “gửi thư giải trình cho Ban giám đốc” để xác nhận về khả năng tái chế của các sản phẩm này và không tiến hành các thủ tục kiểm toán khác.
Yêu cầu:
- Hãy đánh giá tính thích hợp và đầy đủ của bằng chứng kiểm toán đã thu thập trong từng vấn đề nêu trên.
b. Hãy đánh giá ảnh hưởng của từng vấn đề nêu trên đến báo cáo tài chính của công ty niên độ kết thúc ngày 31/12/2019.
c. Cho biết hai (2) thủ tục thu thập bằng chứng kiểm toán có thể bổ sung cho từng vấn đề trên để giúp KTV đưa ra ý kiến kiểm toán.
Biết rằng lợi nhuận trước thuế của công ty Trí Thức là 10 tỷ đồng. Các tình huống trên là độc lập và các sai sót khác đã được điều chỉnh thích hợp.
Câu 2.
Khi kiểm toán Báo cáo tài chính cho năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2020 của Công ty TNHH Hóa mỹ phẩm Thiên Hà, kiểm toán viên Linh tìm hiểu về kiểm soát nội bộ của Công ty và ghi nhận những vấn đề sau:
- Bà Linh là cán bộ phụ trách phê duyệt tín dụng bán chịu của Công ty đã nghỉ hưu tháng 6/2019. Bà Linh có trách nhiệm đặt ra và rà soát hạn mức tín dụng cho từng khách hàng của Công ty Thiên Hà. Vị trí này của bà Linh sau đó bị bỏ trống cho đến thời điểm kiểm toán Báo cáo tài chính do Công ty không tìm được người có kinh nghiệm và năng lực đáp ứng yêu cầu để đảm nhiệm.
2. Chi nhánh nhỏ nhất của Công ty Mỹ phẩm Thiên Hà tuyển cô Chi là phụ trách chi nhánh và phụ tá Hoài cho cô Chi. Chi nhánh dùng tài khoản ngân hàng để chỉ trả các khoản chi phí. Tài khoản này có tên gọi “Hóa mỹ phẩm Thiên Hà – tài khoản đặc biệt”. Để chi trả chi phí, séc được ký bởi cô Chi hoặc cô Xuân là thủ quỹ. Cô Chi là người nhận các séc bị hủy và báo cáo số dư từ ngân hàng. Cô Chi tự điều hòa tài khoản ngân hàng với báo cáo số dư ngân hàng, tự ghi sổ kế toán các séc bị hủy và lập báo cáo định kỳ về chỉ tiêu tiền và gửi cho trụ sở chính.
Yêu cầu:
- Phân tích yếu điểm của kiểm soát nội bộ và ảnh hưởng đến khả năng sai số trong Báo cáo tài chính được kiểm toán (khoản mục nào có khả năng bị sai? Sai theo cơ sở dẫn liệu nào?)
2. Thủ tục kiểm toán nào cần được thực hiện để xác minh những nghi vấn về khả năng sai số nêu trên?
3. Nếu thủ tục kiểm toán cho thấy có sai số phát hiện được thì kiểm toán viên đề xuất đơn vị điều chỉnh như thế nào?
4. Công ty nên hoàn thiện kiểm soát nội bộ như thế nào?
5. Kiểm toán viên cần làm gì với những hạn chế về kiểm soát nội bộ phát hiện được trong quá trình kiểm toán? Nếu thử nghiệm kiểm soát cho thấy đánh giá ban đầu về rủi ro kiểm soát trong giai đoạn lập kế hoạch kiểm toán là quả tích cực thì kiểm toán viên nên làm gì tiếp theo?
Câu 3.
Công ty kiểm toán AH thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính (BCTC) của công ty Viễn Dương cho năm tài chính kết thúc vào ngày 31/12/2019. Kiểm toán viên Minh (KTV) được giao phụ trách hợp đồng kiểm toán này. Viễn Dương là công ty cổ phần niêm yết, thuộc tốp 5 các công ty uy tín trong ngành vận tải và Logistics tại Việt Nam.
Sau khi soát xét các sự kiện phát sinh vào tháng 1 và 2 năm 2020, KTV Minh nhận thấy tình huống sau: So sánh kết quả cùng kỳ năm 2019, thấy rằng chi phí khấu hao tháng 2/2020 giảm mạnh. Qua điều tra, KTV Minh phát hiện một con tầu của Viễn Dương đã bị đâm vào đá ngầm và bị chìm vào tháng 1/2020. Toàn bộ hàng hóa đã được trục vớt. Đây là con tàu duy nhất tại Việt Nam với chức năng đặc biệt và đem lại cho Viễn Dương lợi thế cạnh tranh lớn trong ngành công nghiệp hàng hải. Để thay thế con tầu này Viễn Dương phải mất vài năm. Ban Giám Đốc Viễn Dương cho rằng sự kiện này xảy ra vào năm 2020 và không ảnh hưởng đến năm hiện hành, nên không cần phải điều chỉnh số dự hay thuyết minh trên BCTC năm tài chính kết thúc vào ngày 31/12/2019.
Yêu cầu:
- Anh/chị hãy cho biết cách xử lý về kế toán đối với tình huống trên của BGĐ có hợp lý không? Hãy giải thích.
2. Hãy nêu trách nhiệm của BGĐ và của KTV đối với tình huống này.
3. Theo anh/chị, KTV Minh cần phát hành loại ý kiến kiểm toán nào cho tình huống trên.
Câu 4:
Kiểm toán viên cần đánh giá tính liêm chính như là một chỉ tiêu phản ánh rủi ro tiềm tàng. Mặc dù đánh giá tính liêm chính của nhà quản trị được thực hiện ở hầu hết các cuộc kiểm toán nhưng rất khó để có thể kiểm tra và thường không được ghi lại bằng văn bản. Dưới đây mô tả 4 tình huống (độc lập) liên quan tới việc xem xét tính liêm chính của ban quản trị công ty khách hàng khi lập kế hoạch kiểm toán.
1. Chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty Bình Chính – ông Chung, được đánh giá là một người trẻ tuổi, năng động. Công ty có tốc độ tăng trưởng nhanh trong giai đoạn vừa qua. Công ty sản xuất những chi tiết, sản phẩm gốm sứ đặc biệt. Gần đây, Công ty công bố tỷ lệ tăng trưởng ở mức 20% trong suốt 5 năm năm qua. Chủ tịch của Công ty trở nên nổi tiếng nhưng cũng có những tai tiếng nhất định, chẳng hạn báo chí ví ông là “người của cuộc sống tiệc tùng”, một số tờ báo viết và đăng ảnh về những bữa tiệc xa hoa tại nhà của vị lãnh đạo này,… Tuy nhiên, họ cũng biết ông Chung là một nhà kinh doanh trẻ “sắc sảo và nhiều mánh khóe”.
2. Chủ tịch hội đồng quản trị của một công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Hà Nội nổi tiếng với cách thức quản lý “độc đoán” và dễ “kích động”. Vị chủ tịch này đã từng “thẳng tay” sa thải một giám đốc chi nhánh khi vị giám đốc chi nhánh không đạt được mục tiêu lợi nhuận đã đề ra.
3. Tổng giám đốc của một công ty đại chúng có quy mô nhỏ đã bị Thanh tra Thuế phát hiện gian lận thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng trong nhiều năm. Ông này đã từng tham gia vào nhóm tư vấn về Luật Thuế TNDN, ông cũng thực hiện một số dịch vụ cộng đồng. Trước khi phát hiện ra những sai phạm, ông được xem là “chỗ dựa” của cộng đồng kinh doanh tại địa phương, thực hiện đóng góp từ thiện hào phóng cho một số chương trình gây quĩ từ thiện tại thành phố. Thẩm vấn của một số ngân hàng địa phương cho biết ông này sở hữu một phần hoặc kiểm soát một số công ty khác. Những công ty này được ông ta sử dụng để che đậy những hoạt động bán hàng mà mục đích chính là chuyển lợi nhuận từ công ty này sang công ty khác để tránh thuế.
4. Chủ tịch Hội đồng quản trị của một công ty đại chúng có quy mô nhỏ bị cáo buộc xả chất thải độc hại ra môi trường, vi phạm luật môi trường, và không tuân thủ Luật lao động cũng như một số quy định về tiêu chuẩn an toàn lao động đối với công nhân viên tại Công ty. ông phản ứng lại những kết luận trên và cho rằng công ty của ông ta đã thỏa mãn những yêu cầu tối thiểu được quy định trong luật về những vấn đề có liên quan. Đồng thời, ông cũng cho biết nếu cơ quan quản lý cho rằng ông vi phạm Luật môi trường, ông sẽ cho “dọn sạch”. Ông khẳng định “…Bên cạnh đó, đây là hoạt động kinh doanh tốt; chi phí làm sạch môi trường cũng thấp hơn (ngay cả khi có bụi quặng) so với việc thực hiện công việc này trước hoặc cùng với sản xuất và theo những tiêu chuẩn vệ sinh môi trường hiện hành”.
Yêu cầu:
Đối với mỗi trường hợp quản trị sau đây, anh/chị hãy:
1. Chỉ rõ khả năng mà anh/chị tin rằng tình huống này phản ánh thông tin tiêu cực về tính liêm chính của ban quản trị và giải thích tại sao?
2. Phân tích xem đánh giá về tính liêm chính có thể ảnh hưởng tới lập kế hoạch kiểm toán của cuộc kiểm toán báo cáo tài chính như thế nào?
Câu 5.
Trong kỳ kiểm toán báo cáo tài chính cho năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2019, kiểm toán viên Anh (KTV) được giao phụ trách kiểm toán Công ty cổ phần niêm yết AAA, một doanh nghiệp thương mại và sản xuất. Khi thực hiện kiểm tra hàng tồn kho, KTV ghi nhận những thông tin sau:
1. Trong quá trình chứng kiến kiểm kê, KTV Anh nhận thấy một số khá lớn hàng tồn kho có bao bì đã cũ và phủ đầy bụi bặm. Khi được phỏng vấn, giám đốc Công ty cho biết các sản phẩm này chắc chắn bán được, chỉ cần giảm giá một ít.
2. KTV Anh đã thu thập được thông tin về các hàng hóa có giá gốc khác giá trị thuần có thể thực hiện: (ĐVT: triệu đồng):
– Mặt hàng A-100 được công ty mua ngày 4/8/2019 với giá gốc 80 triệu đồng/tấn cung cấp cho một khách hàng với giá cố định là 85 triệu đồng/tấn theo Hợp đồng không có quyền hủy ngang và được thực hiện vào tháng 1/2020. số lượng theo Hợp đồng là 100 tấn hàng A-100. Vào ngày 31/12/2019, mặt hàng này còn tồn kho 150 tấn, giá có thể bán được mặt hàng này trên thị trường sau khi trừ chi phí bán ước tính là 70 triệu đồng/tấn.
– Mặt hàng B-85 có giá gốc 900 triệu đồng, giá trị thuần có thể thực hiện ngày 31/12/2019 là 750 triệu đồng. Ngày 20/1/2019 lô hàng này bán được với giá 650 triệu đồng.
– Vật liệu C-50 có giá gốc 550 triệu đồng, giá trị thuần có thể thực hiện ngày 31/12/2019 là 480 triệu đồng. Đây là vật liệu chính sản xuất sản phẩm K-10 của đơn vị, chi phí chế biến và giá bán ước tính lần lượt là 100 triệu đồng và 770 triệu đồng.
Yêu cầu:
- Anh/chị hãy tính mức dự phòng giảm giá hàng tồn kho ngày 31/12/2019 của công ty AAA.
2. Theo anh/chị, KTV cần phát hành loại ý kiến kiểm toán gì nếu Ban Giám Đốc doanh nghiệp không lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho ngày 31/12/2019. Giải thích.
3. Giả sử ý kiến kiểm toán đưa ra cho tình huống trên là ý kiến ngoại trừ, anh/chị hãy viết đoạn “cơ sở ý kiến kiểm toán” và “ý kiến kiểm toán”.
Đề lẻ
Câu 1.
Trong quá trình kiểm toán báo cáo tài chính của công ty Minh Anh cho niên độ kết thúc ngày 31/12/2019, KTV Long phụ trách kiểm toán khoản mục Phải thu khách hàng có số dư là 4.180.000.000 đồng.
KTV Long đã lựa chọn 25 khách hàng để gửi thư xác nhận dạng khẳng định trong tổng số khách hàng còn nợ vào cuối niên độ là 60 khách hàng. Việc lựa chọn này được KTV Long căn cứ vào các khách hàng có giao dịch thường xuyên (có số phát sinh lớn trong năm).
Khi nhận thư hồi âm, Long đối chiếu có 20 thư có số dư phù hợp trên sổ sách kế toán, 3 thư xác nhận có số dư bị lệch, và 2 thư không Đáp án tham khảo. Chi tiết số dư trên sổ sách kế toán của 3 thư xác nhận có số dư bị lệch như sau:
- Khách hàng A: 60.000.000 đồng.
• Khách hàng B: 30.800.000 đồng.
• Khách hàng C: 90.500.000 đồng.
Trong thư hồi âm, các khách hàng trên đã giải thích về số dư chênh lệch như sau:
– Khách hàng A: số dư 60.000.000 đồng đã được công ty A thanh toán vào ngày 29/12/2019 bằng uỷ nhiệm chi với số tiền 40.000.000 đồng cho công ty Minh Anh. Do vậy, công ty A chỉ còn nợ công ty Minh Anh 20.000.000 đồng vào ngày 31/12/2019.
– Khách hàng B: Công ty B không nợ của công ty Minh Anh vào ngày 31/12/2019. Số dư đồng chênh lệch 30.800.000 đồng mà công ty Minh Anh ghi nhận liên quan đến hóa đơn số 02241 ngày 30.12.2019, giá trị 30.800.000 đồng nhưng giao hàng cho công ty B vào ngày 02/01/2020.
70.0. Khách hàng C: Số dư trên sổ sách kế toán của công ty C là 20.500.000 đồng, số chênh lệch 70.000.000 đồng là giá trị của lô hàng theo hóa đơn số 10310 ngày 25/12/2019 mà công ty C khi nhận hàng vào ngày 4/1/2020 đã phát hiện hàng bị hư hỏng nặng trong quá trình vận chuyển và đã gửi trả lại cho công ty Minh Anh cũng vào ngày 4/1/2020.
Đối với các khách hàng không trả lời, KTV Long đã thay thế thủ tục gửi thư xác nhận bằng cách kiểm tra hoá đơn bán hàng, phiếu giao hàng cho người mua.
Yêu cầu:
- Anh chị hãy nhận xét về phương pháp gửi thư xác nhận khi kiểm toán khoản mục Phải thu khách hàng của KTV Long. Các cơ sở nào cần được xem xét khi chọn lựa khách hàng để gửi thư xác nhận?
2. Đối với tình huống của các khách hàng A, B, C, hãy giải thích nguyên nhân dẫn đến số dư bị lệch và trình bày các thủ tục kiểm toán bổ sung cần thực hiện để làm rõ sự khác biệt trên. - Hãy nhận xét về thủ tục thay thế mà KTV Long áp dụng đối với 2 khách hàng không trả lời. Hãy phân tích rủi ro có thể xảy ra đối với 2 khách hàng này và đề xuất thủ tục kiểm toán thay thế khác nếu cần
Câu 2.
Kiểm toán viên An kiểm toán Báo cáo tài chính cho năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2019 của Công ty cổ phần TPK kinh doanh thương mại về gỗ, niêm yết trên sàn HOSE. Kiểm toán viên An muốn kiểm kê hàng tồn kho nhưng Giám đốc TPK không đồng ý, với lí do rằng các lỗ gỗ trong kho đã thế chấp ngân hàng, ngân hàng đã niêm phong, giá trị các lô gỗ này đã được kiểm toán xác định giá trị trước khi đem thể chấp. Kiểm toán viên An liên hệ với kiểm toán viên tiền nhiệm về giá trị các lô gỗ này nhưng không có phản hồi. Vì sức ép thời hạn kiểm toán và sức ép của Giám đốc TPK, An đã phát hành Báo cáo kiểm toán với ý kiến chấp nhận toàn phần trên cơ sở cam kết của Giám đốc TPK về giá trị các lỗ gỗ. 6 tháng sau một Công ty kiểm toán khác vào kiểm toán TPK và phát hiện các lô gỗ tồn kho đã thực tế không còn giá trị và giá trị của lô gỗ này chiếm 10% tổng giá trị tài sản của Công ty trên BCTC.
Yêu cầu:
- Xác định An có tuân thủ các chuẩn mực kiểm toán và chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kiểm toán không? Nếu không, nêu những chuẩn mực nghề nghiệp mà An vi phạm.
2. Cách thức kiểm toán của An dẫn đến Báo cáo tài chính năm 2019 sau kiểm toán của TPK có khả năng bị sai ở khoản mục và cơ sở dẫn liệu nào?
3. Thủ tục kiểm toán nào nên được thực hiện đối với những khoản mục và cơ sở dẫn liệu xác định ở Câu 2?
4. Xác định loại ý kiến kiểm toán nên được đưa ra trong trường hợp của An.
Câu 3.
Công ty kiểm toán HD thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính (BCTC) của công ty Thịnh Vượng cho năm tài chính kết thúc vào ngày 31/12/2019. Kiểm toán viên Đăng (KTV) được giao phụ trách hợp đồng kiểm toán này. Thịnh Vượng là công ty cổ phần niêm yết.
Khi tìm hiểu hoạt động kinh doanh của khách hàng, KTV Đăng được biết ở năm hiện hành, Thịnh
Vượng đang gặp nhiều khó khăn trong kinh doanh và tình huống sau làm KTV chú ý: Vào cuối
tháng 12/2019, Thịnh Vượng bị một khách hàng khởi kiện do hàng giao không đảm bảo chất lượng, khách hàng yêu cầu bồi thường 20 tỷ đồng (chiếm khoảng 10% tổng tài sản của doanh nghiệp). Cho đến ngày chuẩn bị phát hành báo cáo kiểm toán (3/2020), vụ kiện này vẫn chưa được xét xử. Thịnh Vượng không lập dự phòng cũng như không công bố thông tin này trên thuyết minh BCTC. Ban Giám đốc Thái Bình Dương cho rằng sự kiện này sẽ được xem xét trong năm 2020 nên không cần thiết công bố thông tin này trên thuyết minh BCTC. KTV Đăng đồng ý ngay lời giải thích và đưa ra ý kiến chấp nhận toàn phần về BCTC cho năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2019.
Yêu cầu:
- Anh/chị có đồng ý với cách xử lý về kế toán như trên của Thái Bình Dương không? Tại sao? Nếu không đồng ý, hãy trình bày cách xử lý mà anh/chị cho là phù hợp với chuẩn mực kế toán hiện hành. Hãy nêu hai thủ tục kiểm toán thích hợp nhằm phát hiện và đánh giá ảnh hưởng của sự kiện.
2. Anh/chị hãy bình luận về quyết định của KTV Đăng. Theo anh/chị, KTV Đăng cần đưa ra ý kiểm toán nào nếu thu thập đầy đủ bằng chứng thích, nhưng BCĐ không thay đổi ý kiến.
3. Trách nhiệm của KTV sẽ thay đổi như thế nào nếu sự kiện trên xảy ra sau ngày phát hành báo cáo kiểm toán.
Câu 4:
Giả sử bạn phụ trách cuộc kiểm toán báo cáo tài chính năm tài chính kết thúc vào 31/12/2019 của Công ty TNHH Bình Minh. Đây là một công ty sản xuất có quy mô lớn. Vào ngày 25/2/2020, giấy làm việc do trợ lý kiểm toán Bình thực hiện cung cấp một số thông tin như sau:
1. Bình đã chứng kiến cuộc kiểm kê vào 31/12/2019 của Công ty khách hàng. Kết quả quan sát cho thấy: Công ty đã thực hiện theo đúng hướng dẫn kiểm kê. Bình đã lựa chọn một sổ mục hàng tồn kho và kiểm tra lại theo Bảng tổng hợp hàng tồn kho. Kết quả cho thấy, những khoản mục hàng tồn kho được liệt kê đều đúng. Kiểm tra chi tiết về “Tính đúng kỳ” được Bình thực hiện và đưa ra xử lý đúng.
2. Bình lựa chọn khoảng 20 hóa đơn để kiểm tra xem hoạt động kiểm soát yêu cầu (thủ tục kiểm soát về giá: nhân viên bán hàng kiểm tra, đổi chiều giá mặt hàng bán trên bảng giá được phê chuẩn và ghi vào hóa đơn bán. Sau khi kiểm tra, nhân viên bản phải tích vào ô “đã kiểm tra giá” trên hóa đơn). Bình phát hiện 3 trường hợp nhân viên bán hàng không tích vào ô “đã kiểm tra giá” trên hóa đơn. Giám đốc bán hàng giải thích nhân viên bán hàng thường kiểm tra giá nhưng đôi khi quên không tích vào ô đó. Giá trên các hóa đơn đều thống nhất với bảng giá đã được phê chuẩn. Bình kết luận rằng hoạt động kiểm soát về giá bản đang hoạt động hiệu lực.
3. Phân tích chi phí quảng cáo cho thấy, chi phí này được đánh giá trọng yếu mặc dù chỉ chiếm 50% so với tổng chi phí quảng cáo của năm trước. Bình lựa chọn một số lượng lớn các nghiệp vụ quảng cáo ghi trên sổ chi tiết chi phí bán hàng và kiểm tra ngược lại với trình tự kế toán tới các chứng từ có liên quan (hợp đồng quảng cáo, hóa đơn giá trị gia tăng của nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo) và không phát hiện thấy bất cứ sai sót nào trong ghi nhận nghiệp vụ. Bình kết luận, chi phí quảng cáo được ghi nhận trên số là có cơ sở chắc chắn.
4. Trong một phần công việc kiểm tra khoản phải trả người bán, trình thực hiện tìm kiếm những khoản phải trả người bán chưa được ghi số. Kiểm toán viên này đã lựa chọn khoảng 20 khoản thanh toán được thực hiện sau ngày 31/12/2019 và phát hiện 3 trường hợp thanh toán có liên quan tới dịch vụ được cung cấp trong tháng 12/2019 nhưng chưa được phản ảnh. Tuy nhiên, tổng số tiền của 3 hóa đơn thanh toán trên được xác định không trọng yếu. Vì vậy, Bình kết luận không cần thiết phải thực hiện bút toán điều chỉnh đối với những khoản phải trả người bán chưa được ghi sổ đã phát hiện trên.
Yêu cầu:
Với mỗi trường hợp nêu trên, anh/chị có cho rằng những bằng chứng được nêu ra là đầy đủ bằng chứng thuyết phục cho mỗi kết luận của Bình? Giải thích tại sao?
Câu 5.
Anh/chị đang chuẩn bị kiểm toán báo cáo tài chính (BCTC) cho năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2019 của công ty cổ phần Phương Đông. Dù đã hoạt động được 3 năm nhưng đây là năm đầu tiên công ty được kiểm toán. Trong những năm qua, công ty đã mở rộng nhà máy và thường xuyên mua sắm thêm, nâng cấp hoặc thanh lý các thiết bị cũ. Đến cuối năm 2019, tài sản cố định (đã trừ hao mòn lũy kế) chiếm 70% tổng tài sản bao gồm nhà xưởng, máy móc thiết bị, phương tiện vận tải và các thiết bị văn phòng. Công ty áp dụng phương pháp khấu hao và thời gian khấu hao khác nhau tùy theo từng tài sản, thời gian sử dụng các tài sản cố định đều trên 3 năm. Kế toán trưởng hiện nay của công ty mới làm việc tại công ty hơn một năm và cho biết người tiền nhiệm đã xử lý một số nghiệp vụ không đúng trong năm thứ hai hoạt động của công ty. Cụ thể là đưa thẳng vào chi phí kinh doanh năm đó toàn bộ chi phí lãi vay của khoản vay ngân hàng dài hạn để xây dựng nhà xưởng, mua sắm thiết bị sản xuất, trong khi các khoản chi phí lãi vay này đủ điều kiện vốn hóa. Ngoài ra, có một số tài sản cố định cùng loại, nhưng được trích khấu hao theo các phương pháp khác nhau.
Yêu cầu:
- Anh/chị hãy nêu rủi ro tiềm tàng, rủi ro kiểm soát (nếu có) ảnh hưởng khoản mục tài sản cố định. Hãy nêu ảnh hưởng của các sai sót trước đây về tài sản cố định đến những khoản mục cụ thể của các báo cáo tài chính cho năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2019.
2. Anh/chị hãy đánh giá mức độ đầy đủ và thích hợp của bằng chứng cần thu thập về số dư đầu năm của tài sản cố định của đơn vị Hãy thiết kế các thủ tục kiểm toán số dư đầu năm của tài sản cố định của công ty (không cần nêu thủ tục kiểm toán các nghiệp vụ năm 2019).
Đáp án tham khảo
Vui lòng liên hệ mua sách
Bản tin này chỉ mang tính chất tham khảo, không phải ý kiến tư vấn cụ thể cho bất kì trường hợp nào.
Liên hệ tư vấn dịch vụ Kế toán – Thuế – Đào tạo: Ms Huyền – 094 719 2091
Tham khảo dịch vụ tư vấn từng lần – giải quyết các nỗi lo rủi ro thuế
Mọi thông tin xin liên hệ:
Công ty TNHH Gonnapass
Phòng 701, tầng 7, toà nhà 3D Center, số 3 Duy Tân, P Dịch Vọng Hậu, Q Cầu Giấy, TP Hà Nội
Email: hotro@gonnapass.com
Facebook: https://www.facebook.com/gonnapassbeyondyourself/
Group Facebook chia sẻ mẫu biểu: https://www.facebook.com/groups/congvanketoan
Group Zalo chia sẻ miễn phí: https://zalo.me/g/xefwrd200
Website: https://gonnapass.com
Hotline/ Zalo : 0888 942 040