Cục thuế Thái Bình đã hỗ trợ giải đáp vướng mắc thuế ngày 7/1 về rất nhiều điểm mới cần quan tâm của chính sách thuế. Tham khảo bản tin dưới đây Cục Thuế trả lời tại tổng hợp ý kiến tại Hội nghị đối thoại doanh nghiệp
Câu 1:
Đề nghị Cục thuế hướng dẫn kê khai thuế GTGT hóa đơn điều chỉnh, hóa đơn thay thế khác kỳ với hóa đơn gốc và hóa đơn gốc đã được kê khai thuế của đơn vị bán hàng và đơn vị mua hàng.
Trả lời:
– Tại Điều 47 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13/6/2019 của Quốc hội quy định về “Khai bổ sung hồ sơ khai thuế”;
– Tại Điều 7 Nghị định 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về “Hồ sơ khai thuế”;
– Tại khoản 4, điểm đ khoản 6 Điều 1 Luật số 31/2013/QH13 Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật thuế GTGT ngày 19/6/2013 của Quốc hội quy định:
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng:
…
4. Điều 10 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 10. Phương pháp khấu trừ thuế
1. Phương pháp khấu trừ thuế giá trị gia tăng được quy định như sau:
a) Số thuế giá trị gia tăng phải nộp theo phương pháp khấu trừ thuế bằng số thuế giá trị gia tăng đầu ra trừ số thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ;
b) Số thuế giá trị gia tăng đầu ra bằng tổng số thuế giá trị gia tăng của hàng hoá, dịch vụ bán ra ghi trên hoá đơn giá trị gia tăng.
Thuế giá trị gia tăng của hàng hóa, dịch vụ bán ra ghi trên hoá đơn giá trị gia tăng bằng giá tính thuế của hàng hoá, dịch vụ chịu thuế bán ra nhân với thuế suất thuế giá trị gia tăng của hàng hoá, dịch vụ đó.
Trường hợp sử dụng chứng từ ghi giá thanh toán là giá đã có thuế giá trị gia tăng thì thuế giá trị gia tăng đầu ra được xác định bằng giá thanh toán trừ giá tính thuế giá trị gia tăng xác định theo quy định tại điểm k khoản 1 Điều 7 của Luật này;
c) Số thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ bằng tổng số thuế giá trị gia tăng ghi trên hóa đơn giá trị gia tăng mua hàng hóa, dịch vụ, chứng từ nộp thuế giá trị gia tăng của hàng hóa nhập khẩu và đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 12 của Luật này.
6. Điều 12 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 12. Khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào
1. Cơ sở kinh doanh nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ thuế được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào như sau:
…
đ) Thuế giá trị gia tăng đầu vào phát sinh trong tháng nào được kê khai, khấu trừ khi xác định số thuế phải nộp của tháng đó. Trường hợp cơ sở kinh doanh phát hiện số thuế giá trị gia tăng đầu vào khi kê khai, khấu trừ bị sai sót thì được kê khai, khấu trừ bổ sung trước khi cơ quan thuế công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế tại trụ sở người nộp thuế.”
…”
– Tại khoản 8 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Luật thuế GTGT quy định:
“Điều 8. Thời điểm xác định thuế GTGT
1. Đối với bán hàng hóa là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.
2. Đối với cung ứng dịch vụ là thời điểm hoàn thành việc cung ứng dịch vụ hoặc thời điểm lập hóa đơn cung ứng dịch vụ, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.
…”
– Tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về “Danh mục hồ sơ khai thuế”:
Mẫu số |
Tên hồ sơ, mẫu biểu |
Điều, Chương có liên quan |
1. Hồ sơ khai bổ sung hồ sơ khai thuế |
Khoản 4 Điều 7 |
|
01/KHBS |
Tờ khai bổ sung |
|
01-1/KHBS |
Bản giải trình khai bổ sung |
|
|
Hồ sơ khai thuế của kỳ tính thuế có sai sót đã được bổ sung |
|
Căn cứ các quy định trên, khi phát hiện hóa đơn điện tử đã lập có sai sót nhưng đã kê khai thuế, người nộp thuế đã lập hóa đơn điện tử điều chỉnh, bổ sung hoặc hóa đơn điện tử thay thế thì người nộp thuế thực hiện kê khai điều chỉnh, bổ sung Tờ khai thuế GTGT của kỳ thuế phát sinh hóa đơn gốc (kỳ thuế của hóa đơn bị điều chỉnh hoặc bị thay thế) theo quy định tại Điều 47 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, Điều 7 Nghị định 126/2020/NĐ-CP, khoản 6 Điều 1 Luật số 31/2013/QH13 Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật thuế GTGT.
Câu 2: Đề nghị Cục Thuế hướng dẫn đối với trường hợp lập hóa đơn đối với hàng bán bị trả lại.
Trả lời:
– Tại Điều 4 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định
“Điều 4. Nguyên tắc lập, quản lý, sử dụng hóa đơn, chứng từ
1. Khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn để giao cho người mua (bao gồm cả các trường hợp hàng hoá, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hoá, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động và tiêu dùng nội bộ (trừ hàng hoá luân chuyển nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất); xuất hàng hoá dưới các hình thức cho vay, cho mượn hoặc hoàn trả hàng hoá) và phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định tại Điều 10 Nghị định này, trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử thì phải theo định dạng chuẩn dữ liệu của cơ quan thuế theo quy định tại Điều 12 Nghị định này.”
– Tại Điều 19 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về “Xử lý hóa đơn có sai sót”;
– Tại Điều 7 Thông tư số 78/2021/TT-BTC ngày 17/9/2021 của Bộ Tài chính quy định
“Điều 7. Xử lý hóa đơn điện tử, bảng tổng hợp dữ liệu hóa đơn điện tử đã gửi cơ quan thuế có sai sót trong một số trường hợp
1. Đối với hóa đơn điện tử:
…
e) Riêng đối với nội dung về giá trị trên hóa đơn có sai sót thì: điều chỉnh tăng (ghi dấu dương), điều chỉnh giảm (ghi dấu âm) đúng với thực tế điều chỉnh.
…
3. Việc khai bổ sung hồ sơ khai thuế liên quan các hóa đơn điện tử điều chỉnh, thay thế (bao gồm cả hóa đơn điện tử bị hủy) thực hiện theo quy định của pháp luật quản lý thuế.”
Căn cứ các quy định trên, trường hợp người bán đã xuất hóa đơn, người mua đã nhận hàng, bên bán và bên mua đã thực hiện kê khai thuế GTGT theo quy định. Sau đó, bên bán và bên mua phát hiện hàng hóa đã giao không đúng quy cách, chất lượng phải trả lại một phần hay toàn bộ hàng hóa, điều chỉnh giá trị hàng hóa bán ra thì người bán lập hóa đơn điều chỉnh theo quy định tại khoản 1 Diều 4, điểm b khoản 2 Điều 19 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ.
Câu 3: Đề nghị Cục thuế hướng dẫn xuất hóa đơn GTGT khi phát hiện hóa đơn sai thuế suất? Xuất hóa đơn thay thế và hóa đơn điều chỉnh đối với hóa đơn điện tử có sai sót được thực hiện như thế nào?
Trả lời:
– Tại Điều 19 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định:
“Điều 19. Xử lý hóa đơn có sai sót:
…
2. Trường hợp hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế hoặc hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế đã gửi cho người mua mà người mua hoặc người bán phát hiện có sai sót thì xử lý như sau:
b) Trường hợp có sai: mã số thuế; sai sót về số tiền ghi trên hóa đơn, sai về thuế suất, tiền thuế hoặc hàng hóa ghi trên hóa đơn không đúng quy cách, chất lượng thì có thể lựa chọn một trong hai cách sử dụng hóa đơn điện tử như sau:
b1) Người bán lập hóa đơn điện tử điều chỉnh hóa đơn đã lập có sai sót. Trường hợp người bán và người mua có thỏa thuận về việc lập văn bản thỏa thuận trước khi lập hóa đơn điều chỉnh cho hóa đơn đã lập có sai sót thì người bán và người mua lập văn bản thỏa thuận ghi rõ sai sót, sau đó người bán lập hóa đơn điện tử điều chỉnh hóa đơn đã lập có sai sót.
Hóa đơn điện tử điều chỉnh hóa đơn điện tử đã lập có sai sót phải có dòng chữ “Điều chỉnh cho hóa đơn Mẫu số… ký hiệu… số… ngày… tháng… năm”.
b2) Người bán lập hóa đơn điện tử mới thay thế cho hóa đơn điện tử có sai sót trừ trường hợp người bán và người mua có thỏa thuận về việc lập văn bản thỏa thuận trước khi lập hóa đơn thay thế cho hóa đơn đã lập có sai sót thì người bán và người mua lập văn bản thỏa thuận ghi rõ sai sót, sau đó người bán lập hóa đơn điện tử thay thế hóa đơn đã lập có sai sót.
Hóa đơn điện tử mới thay thế hóa đơn điện tử đã lập có sai sót phải có dòng chữ “Thay thế cho hóa đơn Mẫu số… ký hiệu… số… ngày… tháng… năm”.
Người bán ký số trên hóa đơn điện tử mới điều chỉnh hoặc thay thế cho hóa đơn điện tử đã lập có sai sót sau đó người bán gửi cho người mua (đối với trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế) hoặc gửi cơ quan thuế để cơ quan thuế cấp mã cho hóa đơn điện tử mới để gửi cho người mua (đối với trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế).”
Căn cứ các quy định trên, trường hợp phát hiện hóa đơn điện tử đã lập, đã gửi cho người mua có sai sót về thuế suất thì người bán được lựa chọn lập hóa đơn điều chỉnh hóa đơn đã lập có sai sót hoặc lập hóa đơn mới thay thế hóa đơn điện tử có sai sót theo quy định tại điểm b, khoản 2 Điều 19 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ và Điều 7 Thông tư số 78/2021/TT-BTC ngày 17/9/2021 của Bộ Tài chính.
Câu 4: Có doanh nghiệp A xuất nhầm hóa đơn cho Công ty tôi, sau đó họ xuất hóa đơn điều chỉnh giảm toàn bộ hóa đơn đó vào tháng sau. Công ty tôi không kê khai thuế đối với hóa đơn đó. Bản chất công ty tôi không phát sinh mua HHDV của đơn vị này. Vậy Công ty có cần thực hiện kê khai không và nếu có thì cần thực hiện kê khai như thế nào?
Trả lời:
– Tại Điều 19 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về xử lý hóa đơn có sai sót;
– Tại khoản 4, điểm đ khoản 6 Điều 1 Luật số 31/2013/QH13 Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật thuế GTGT ngày 19/6/2013 của Quốc hội quy định:
“Điều 1
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng:
…
4. Điều 10 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 10. Phương pháp khấu trừ thuế
1. Phương pháp khấu trừ thuế giá trị gia tăng được quy định như sau:
a) Số thuế giá trị gia tăng phải nộp theo phương pháp khấu trừ thuế bằng số thuế giá trị gia tăng đầu ra trừ số thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ;
…
c) Số thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ bằng tổng số thuế giá trị gia tăng ghi trên hóa đơn giá trị gia tăng mua hàng hóa, dịch vụ, chứng từ nộp thuế giá trị gia tăng của hàng hóa nhập khẩu và đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 12 của Luật này.”
Căn cứ quy định trên, trường hợp doanh nghiệp A viết nhầm hóa đơn cho Công ty, Công ty không kê khai thuế đối với hóa đơn này, sau đó doanh nghiệp A đã lập hóa đơn điều chỉnh, bổ sung giảm toàn bộ hóa đơn viết nhầm và Công ty không phát sinh hoạt động mua hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp A thì Công ty không phải kê khai đối với hóa đơn viết nhầm nêu trên.
Câu 5. Đề nghị Cục Thuế hướng dẫn đồng tiền kê khai thuế đối với hóa đơn phí dịch vụ ngân hàng sử dụng đồng tiền ngoại tệ (USD)?
Trả lời:
– Tại điểm c, khoản 13, Điều 10 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định:
…
13. Chữ viết, chữ số và đồng tiền thể hiện trên hóa đơn
…
c) Đồng tiền ghi trên hóa đơn là Đồng Việt Nam, ký hiệu quốc gia là “đ”.
– Trường hợp nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh bằng ngoại tệ theo quy định của pháp luật về ngoại hối thì đơn giá, thành tiền, tổng số tiền thuế giá trị gia tăng theo từng loại thuế suất, tổng cộng tiền thuế giá trị gia tăng, tổng số tiền thanh toán được ghi bằng ngoại tệ, đơn vị tiền tệ ghi tên ngoại tệ. Người bán đồng thời thể hiện trên hóa đơn tỷ giá ngoại tệ với đồng Việt Nam theo tỷ giá theo quy định của Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành.
– Mã ký hiệu ngoại tệ theo tiêu chuẩn quốc tế (ví dụ: 13.800,25 USD – Mười ba nghìn tám trăm đô la Mỹ và hai mươi nhăm xu, ví dụ: 5.000,50 EUR- Năm nghìn ơ-rô và năm mươi xu).
– Trường hợp bán hàng hóa phát sinh bằng ngoại tệ theo quy định của pháp luật về ngoại hối và được nộp thuế bằng ngoại tệ thì tổng số tiền thanh toán thể hiện trên hóa đơn theo ngoại tệ, không phải quy đổi ra đồng Việt Nam.
…”
– Tại Điều 7 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13/6/2019 của Quốc hội quy định:
Điều 7. Đồng tiền khai thuế, nộp thuế
1. Đồng tiền khai thuế, nộp thuế là Đồng Việt Nam, trừ các trường hợp được phép khai thuế, nộp thuế bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi.
2. Người nộp thuế hạch toán kế toán bằng ngoại tệ theo quy định của Luật Kế toán phải quy đổi ra Đồng Việt Nam theo tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm phát sinh giao dịch.
3. Đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, đồng tiền nộp thuế là Đồng Việt Nam, trừ các trường hợp được phép khai thuế, nộp thuế bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi. Tỷ giá tính thuế thực hiện theo quy định của pháp luật về hải quan.
4. Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định đồng tiền khai thuế, nộp thuế bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi quy định tại khoản 1, khoản 3 và tỷ giá giao dịch thực tế quy định tại khoản 2 Điều này.”
– Tại khoản 2 Điều 4 Thông tư số 80/2021/TT-BTC ngày 29/9/2021 của Bộ Tài chính quy định:
“Điều 4. Đồng tiền khai thuế, nộp thuế bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi và tỷ giá giao dịch thực tế
…
2. Tỷ giá giao dịch thực tế được thực hiện theo quy định pháp luật về kế toán.
…”
Căn cứ các quy định trên và nội dung hỏi, trường hợp đồng tiền ghi trên hóa đơn phí dịch vụ ngân hàng được thể hiện bằng ngoại tệ (USD) theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, thì khi thực hiện khai thuế, nộp thuế người nộp thuế phải quy đổi ra đồng Việt Nam theo quy định tại Điều 7 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 và Điều 4 Thông tư số 80/2021/TT-BTC.
Câu 6: Đối với hóa đơn đầu vào không kê khai khấu trừ thuế GTGT mà cho vào chi phí hợp lý hợp lệ thì có đúng không?
Trả lời:
– Tại khoản 9 Điều 14 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính quy định:
“Điều 14. Nguyên tắc khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào
…
9. Số thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ, cơ sở kinh doanh được hạch toán vào chi phí để tính thuế thu nhập doanh nghiệp hoặc tính vào nguyên giá của tài sản cố định, trừ số thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ mua vào từng lần có giá trị từ hai mươi triệu đồng trở lên không có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.
…”
– Tại Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của Bộ Tài chính Sửa đổi, bổ sung Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC (đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 2 Điều 6 Thông tư số 119/2014/TT-BTC và Điều 1 Thông tư số 151/2014/TT-BTC) quy định về “Các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế”:
“Điều 4. Sửa đổi, bổ sung Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC (đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 2 Điều 6 Thông tư số 119/2014/TT-BTC và Điều 1 Thông tư số 151/2014/TT-BTC) như sau:
“Điều 6. Các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế
1. Trừ các khoản chi không được trừ nêu tại Khoản 2 Điều này, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:
a) Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
b) Khoản chi có đủ hoá đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.
c) Khoản chi nếu có hoá đơn mua hàng hoá, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.
Chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt thực hiện theo quy định của các văn bản pháp luật về thuế giá trị gia tăng.
…
2. Các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế bao gồm:
2.1. Khoản chi không đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều này.
…”
Căn cứ quy định trên, các chi phí phục vụ sản xuất kinh doanh nếu đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của Bộ Tài chính thì được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.
Câu 7:
Công ty tôi có thi công dự án cho công ty thuộc khu chế xuất, chúng tôi áp dụng thuế suất GTGT của công trình là 0%. Vậy Công ty chúng tôi có phải kê khai trích nộp 1% thuế vãng lai tại nơi Doanh nghiệp có hoạt động xây dựng không?
Trường hợp có phải kê khai nộp thuế vãng lai. Vậy hóa đơn GTGT xuất giá trị tạm ứng có phải kê khai thuế vãng lai kịp thời hay đến khi quyết toán bàn giao đưa công trình vào sử dụng với phải thực hiện kê khai?
Trả lời:
– Tại Điều 4, Điều 8, Điều 9 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Luật Thuế giá trị gia tăng và Nghị định số 209/2013/TT-BTC ngày 18/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật thuế giá trị gia tăng quy định về: Đối tượng không chịu thuế GTGT; Thời điểm xác định thuế GTGT; Thuế suất 0%.
– Tại khoản 2 Điều 11 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế quy định:
“Điều 11. Địa điểm nộp hồ sơ khai thuế
…
2. Địa điểm nộp hồ sơ khai thuế đối với người nộp thuế có hoạt động, kinh doanh trên nhiều địa bàn cấp tỉnh khác nơi người nộp thuế có trụ sở chính theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 45 Luật Quản lý thuế thực hiện hạch toán tập trung tại trụ sở chính (trừ các trường hợp quy định tại khoản 1, khoản 3, khoản 4, khoản 5 và khoản 6 Điều này) tại cơ quan thuế quản lý trụ sở chính. Đồng thời, người nộp thuế phải nộp Bảng phân bổ số thuế phải nộp (nếu có) theo từng địa bàn cấp tỉnh nơi được hưởng nguồn thu ngân sách nhà nước (bao gồm cả đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh) cho cơ quan thuế quản lý trụ sở chính, trừ một số trường hợp sau đây không phải nộp Bảng phân bổ số thuế phải nộp:
…
c) Thuế giá trị gia tăng của hoạt động kinh doanh xây dựng (bao gồm cả xây dựng đường giao thông, đường dây tải điện, đường ống dẫn nước, đường ống dẫn dầu, đường ống dẫn khí) tại địa bàn cấp tỉnh khác nơi có trụ sở chính nhưng không thành lập đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh tại địa bàn cấp tỉnh đó mà giá trị công trình xây dựng bao gồm cả thuế giá trị gia tăng dưới 1 tỷ đồng.
– Tại Điều 12, Điều 13 Thông tư số 80/2021/TT-BTC ngày 29/9/2021 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế quy định:
“Điều 12. Phân bổ nghĩa vụ thuế của người nộp thuế hạch toán tập trung có đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh tại tỉnh khác nơi có trụ sở chính
1. Người nộp thuế có hoạt động, kinh doanh trên nhiều địa bàn cấp tỉnh khác nơi người nộp thuế có trụ sở chính, thực hiện hạch toán tập trung tại trụ sở chính theo quy định tại khoản 2, khoản 4 Điều 11 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP thực hiện khai thuế, tính thuế và nộp hồ sơ khai thuế cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp và phân bổ số thuế phải nộp cho từng tỉnh nơi có hoạt động kinh doanh.
…
3. Người nộp thuế có trách nhiệm khai thuế và phân bổ nghĩa vụ thuế đầy đủ, chính xác, kịp thời theo đúng quy định. Việc phân bổ số thuế phải nộp cho các tỉnh nơi được hưởng nguồn thu ngân sách nhà nước phải đảm bảo không được lớn hơn số tiền thuế phải nộp trên hồ sơ khai thuế của người nộp thuế. Trường hợp người nộp thuế không phát sinh số thuế phải nộp thì không phải xác định số thuế phải nộp cho các tỉnh nơi được hưởng nguồn thu ngân sách nhà nước. Trường hợp quy định tại điểm b, c khoản 2 Điều 13 và điểm b khoản 2 Điều 17 Thông tư này không thực hiện nguyên tắc phân bổ theo khoản này.
Điều 13. Khai thuế, tính thuế, phân bổ và nộp thuế giá trị gia tăng
1. Các trường hợp được phân bổ:
…
c) Hoạt động xây dựng theo quy định của pháp luật về hệ thống ngành kinh tế quốc dân và quy định của pháp luật chuyên ngành;
…
2. Phương pháp phân bổ:
…
c) Phân bổ thuế giá trị gia tăng phải nộp đối với hoạt động xây dựng: Số thuế giá trị gia tăng phải nộp cho từng tỉnh của hoạt động xây dựng bằng (=) doanh thu chưa có thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động xây dựng tại từng tỉnh nhân (x) với 1%.
Doanh thu chưa có thuế giá trị gia tăng được xác định theo hợp đồng đối với các công trình, hạng mục công trình xây dựng. Trường hợp công trình, hạng mục công trình xây dựng liên quan tới nhiều tỉnh mà không xác định được doanh thu của công trình tại từng tỉnh thì sau khi xác định tỷ lệ 1% trên doanh thu của công trình, hạng mục công trình xây dựng, người nộp thuế căn cứ vào tỷ lệ (%) giá trị đầu tư của công trình tại từng tỉnh trên tổng giá trị đầu tư để xác định số thuế giá trị gia tăng phải nộp cho từng tỉnh.
…
3. Khai thuế, nộp thuế:
…
c) Đối với hoạt động xây dựng:
c.1) Người nộp thuế là nhà thầu xây dựng, ký hợp đồng trực tiếp với chủ đầu tư để thi công công trình xây dựng tại tỉnh khác với nơi có trụ sở chính của người nộp thuế, bao gồm cả công trình, hạng mục công trình xây dựng liên quan tới nhiều tỉnh thì người nộp thuế thực hiện khai thuế giá trị gia tăng của các công trình, hạng mục công trình đó với cơ quan thuế nơi có công trình xây dựng theo mẫu số 05/GTGT ban hành kèm theo phụ lục II Thông tư này; nộp tiền thuế đã kê khai vào ngân sách nhà nước tại tỉnh nơi có công trình xây dựng. Trường hợp Kho bạc Nhà nước đã thực hiện khấu trừ theo quy định tại khoản 5 Điều này thì người nộp thuế không phải nộp tiền vào ngân sách nhà nước tương ứng với số tiền thuế Kho bạc Nhà nước đã khấu trừ.
c.2) Người nộp thuế phải tổng hợp doanh thu chưa có thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động xây dựng vào hồ sơ khai thuế tại trụ sở chính để xác định số thuế phải nộp cho toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh tại trụ sở chính. Số thuế giá trị gia tăng đã nộp tại tỉnh nơi có công trình xây dựng được bù trừ với số thuế giá trị gia tăng phải nộp tại trụ sở chính.
…”
– Tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư số 80/2021/TT-BTC quy định mẫu biểu Tờ khai thuế GTGT mẫu số 05/GTGT:
“TỜ KHAI THUẾ GIÁ TRỊ GIA TĂNG
(Áp dụng đối với người nộp thuế tính thuế theo phương pháp khấu trừ có hoạt động xây dựng, chuyển nhượng bất động sản tại địa bàn cấp tỉnh khác nơi đóng trụ sở chính)
…
I. Kê khai nghĩa vụ thuế:
Đơn vị tiền: Đồng Việt Nam
STT |
Hoạt động |
Doanh thu chưa có thuế giá trị gia tăng [21] |
Tỷ lệ (%) thuế giá trị gia tăng [22] |
Thuế giá trị gia tăng phải nộp [23]=[21]x[22] |
1 |
Hoạt động xây dựng | |||
… |
… | … | … | … |
Tổng cộng |
[24]=∑[21] |
|
[25]=∑[23] |
…”
– Tại Điều 9 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định:
“Điều 9. Thời điểm lập hóa đơn
4. Thời điểm lập hóa đơn đối với một số trường hợp cụ thể như sau:
c) Đối với hoạt động xây dựng, lắp đặt, thời điểm lập hóa đơn là thời điểm nghiệm thu, bàn giao công trình, hạng mục công trình, khối lượng xây dựng, lắp đặt hoàn thành, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.
…”
Căn cứ các quy định nêu trên và nội dung hỏi, Cục thuế hướng dẫn theo nguyên tắc:
Trường hợp Công ty phát sinh hoạt động xây dựng theo quy định của pháp luật, là nhà thầu xây dựng có ký hợp đồng trực tiếp với chủ đầu tư để thi công công trình xây dựng tại tỉnh khác với nơi có trụ sở chính thì Công ty phải thực hiện khai thuế GTGT của công trình, hạng mục công trình xây dựng tại cơ quan thuế nơi có công trình xây dựng theo mẫu số 05/GTGT ban hành kèm theo phụ lục II Thông tư số 80/2021/TT-BTC; nộp tiền thuế đã kê khai vào NSNN tại tỉnh nơi có công trình xây dựng theo quy định tại Điều 13 Thông tư số 80/2021/TT-BTC.
Về Thời điểm lập hóa đơn GTGT: đối với hoạt động xây dựng là thời điểm nghiệm thu, bàn giao công trình, hạng mục công trình, khối lượng xây dựng, lắp đặt hoàn thành, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền theo quy định tại điểm c, khoản 4 Điều 9 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP. Thời điểm xác định thuế GTGT thực hiện theo quy định tại khoản 5, Điều 8 Thông tư số 219/2013/TT-BTC.
Câu 8: Khi doanh nghiệp xuất hóa đơn quà tặng 8/3, 20/10, lễ tết cho cán bộ công nhân viên thì phần “người mua hàng” sẽ ghi như thế nào? Ghi tên công ty (nơi người lao động đang làm việc) hay ghi chung: tên người mua hàng là “cán bộ công nhân viên”?
Trả lời:
– Tại khoản 1 Điều 4; khoản 5 Điều 10; khoản 3 Điều 13 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định:
“Điều 4. Nguyên tắc lập, quản lý, sử dụng hóa đơn, chứng từ
1. Khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn để giao cho người mua (bao gồm cả các trường hợp hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hóa, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động và tiêu dùng nội bộ (trừ hàng hóa luân chuyển nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất); xuất hàng hóa dưới các hình thức cho vay, cho mượn hoặc hoàn trả hàng hóa) và phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định tại Điều 10 Nghị định này, trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử thì phải theo định dạng chuẩn dữ liệu của cơ quan thuế theo quy định tại Điều 12 Nghị định này.
…
Điều 10. Nội dung của hóa đơn
…
5. Tên, địa chỉ, mã số thuế của người mua
b) Trường hợp người mua không có mã số thuế thì trên hóa đơn không phải thể hiện mã số thuế người mua. Một số trường hợp bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ đặc thù cho người tiêu dùng là cá nhân quy định tại khoản 14 Điều này thì trên hóa đơn không phải thể hiện tên, địa chỉ người mua. Trường hợp bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ cho khách hàng nước ngoài đến Việt Nam thì thông tin về địa chỉ người mua có thể được thay bằng thông tin về số hộ chiếu hoặc giấy tờ xuất nhập cảnh và quốc tịch của khách hàng nước ngoài.
…”
Căn cứ quy định trên, trường hợp Công ty mua hàng hóa về làm quà tặng cho cán bộ công nhân viên công ty thì khi xuất hàng hóa cho cán bộ công nhân viên phải lập hóa đơn và phải ghi đầy đủ các nội dung trên hóa đơn theo quy định tại Điều 4, Điều 10 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP. Công ty đối chiếu với thực tế phát sinh xác định người nhận hàng quà tặng để ghi vào tên người mua hàng trên hóa đơn theo đúng quy định.
Câu 9: Ông Nguyễn Văn A có thu nhập 02 nơi:
– Tại công ty B có thu nhập 300 triệu đồng, đã khấu trừ theo biểu lũy tiến từng phần (ông A không có giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc).
– Tại công ty C có thu nhập 5 triệu đã khấu trừ thuế TNCN 10%.
Tại thời điểm quyết toán ông A đang làm việc tại Công ty B, vậy ông A có được ủy quyền quyết toán thuế TNCN cho công ty B và bỏ qua phần thu nhập tại công ty C không?
Trả lời:
– Tại điểm đ2 khoản 6 Điều 8 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định:
“Điều 8. Các loại thuế khai theo tháng, khai theo quý, khai theo năm, khai theo từng lần phát sinh nghĩa vụ thuế và khai quyết toán thuế…
6. Các loại thuế, khoản thu khai quyết toán năm và quyết toán đến thời điểm giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động, chấm dứt hợp đồng hoặc tổ chức lại doanh nghiệp. Trường hợp chuyển đổi loại hình doanh nghiệp (không bao gồm doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa) mà doanh nghiệp chuyển đổi kế thừa toàn bộ nghĩa vụ về thuế của doanh nghiệp được chuyển đổi thì không phải khai quyết toán thuế đến thời điểm có quyết định về việc chuyển đổi doanh nghiệp, doanh nghiệp khai quyết toán khi kết thúc năm. Cụ thể như sau:…
d) Thuế thu nhập cá nhân đối với tổ chức, cá nhân trả thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công; cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công ủy quyền quyết toán thuế cho tổ chức, cá nhân trả thu nhập; cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công trực tiếp quyết toán thuế với cơ quan thuế. Cụ thể như sau:…
d.2) Cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công ủy quyền quyết toán thuế cho tổ chức, cá nhân trả thu nhập, cụ thể như sau:
Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên tại một nơi và thực tế đang làm việc tại đó vào thời điểm tổ chức, cá nhân trả thu nhập thực hiện việc quyết toán thuế, kể cả trường hợp không làm việc đủ 12 tháng trong năm. Trường hợp cá nhân là người lao động được điều chuyển từ tổ chức cũ đến tổ chức mới theo quy định tại điểm d.1 khoản này thì cá nhân được ủy quyền quyết toán thuế cho tổ chức mới.
Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên tại một nơi và thực tế đang làm việc tại đó vào thời điểm tổ chức, cá nhân trả thu nhập quyết toán thuế, kể cả trường hợp không làm việc đủ 12 tháng trong năm; đồng thời có thu nhập văng lai ở các nơi khác bình quân tháng trong năm không quá 10 triệu đồng và đã được khấu trừ thuế thu nhập cá nhân theo tỷ lệ 10% nếu không có yêu cầu quyết toán thuế đối với phần thu nhập này.
…”.
Căn cứ quy định trên, trường hợp cá nhân A là cá nhân cư trú tại Việt Nam có thu nhập từ tiền lương tiền công ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên tại một nơi là công ty B và thực tế đang làm việc tại đó vào thời điểm quyết toán thuế, đồng thời có thu nhập vãng lai ở nơi khác (công ty C) bình quân tháng trong năm không quá 10 triệu đồng và đã được khấu trừ thuế thu nhập cá nhân theo tỷ lệ 10%, nếu không có yêu cầu quyết toán thuế đối với phần thu nhập tại Công ty C thì được ủy quyền quyết toán thuế thu nhập cá nhân cho công ty B.
Câu 10:
A bán cho B 01 bất động sản, trị giá ghi trên hợp đồng và trị giá kê khai, nộp thuế thấp hơn trị giá bán thực tế. Trong trường hợp này chủ thể vi phạm là ai? Vi phạm những loại thuế nào?
Trả lời:
– Tại khoản 5 Điều 143 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13/6/2019 quy định:
…
5. Sử dụng chứng từ, tài liệu không phản ánh đúng bản chất giao dịch hoặc giá trị giao dịch thực tế để xác định sai số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được miễn, số tiền thuế được giảm, số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế không phải nộp.
…”
– Tại khoản 2 Điều 18 Nghị định 65/2013/NĐ-CP ngày 27/6/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân được sửa đổi bởi khoản 11 Điều 2 Nghị định 12/2015/NĐ-CP quy định:
“Điều 18. Thu nhập tính thuế từ chuyển nhượng bất động sản
1. Thu nhập tính thuế được xác định là giá chuyển nhượng từng lần.
2. Giá chuyển nhượng bất động sản là giá ghi trên hợp đồng chuyển nhượng tại thời điểm chuyển nhượng.
…”
– Tại Điều 6, Điều 7 Nghị định số 10/2022/NĐ-CP ngày 15/01/2022 quy định về lệ phí trước bạ quy định:
“Điều 6. Căn cứ tính lệ phí trước bạ
Căn cứ tính lệ phí trước bạ là giá tính lệ phí trước bạ và mức thu lệ phí trước bạ theo tỷ lệ (%).
Điều 7. Giá tính lệ phí trước bạ
1. Giá tính lệ phí trước bạ đối với nhà, đất:
a) Giá tính lệ phí trước bạ đối với đất là giá đất tại Bảng giá đất do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ban hành theo quy định của pháp luật về đất đai tại thời điểm kê khai lệ phí trước bạ.
…
b) Giá tính lệ phí trước bạ đối với nhà là giá do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ban hành theo quy định của pháp luật về xây dựng tại thời điểm kê khai lệ phí trước bạ.
…
d) Trường hợp giá nhà, đất tại hợp đồng mua bán nhà, hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất cao hơn giá do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ban hành thì giá tính lệ phí trước bạ đối với nhà, đất là giá tại hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất, hợp đồng mua bán nhà.
…”
– Tại Điều 17 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt hành vi trốn thuế.
Căn cứ quy định trên, trường hợp bên mua và bên bán bất động sản thống nhất ghi trị giá chuyển nhượng trên hợp đồng và trị giá kê khai nộp thuế thấp hơn trị giá chuyển nhượng thực tế thì cả bên mua và bên bán đều vi phạm pháp luật về thuế. Hành vi này dẫn đến thiếu số tiền thuế thu nhập cá nhân mà người bán phải nộp; thiếu lệ phí trước bạ mà người mua phải nộp. Nếu được xác định là hành vi trốn thuế theo quy định tại khoản 5 Điều 143 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 thì sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điều 17 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP.