Giải đáp vướng mắc thuế Cục thuế tỉnh Thái Bình – Ngày 02/11/2017

290

Cục thuế tỉnh Thái Bình đã hỗ trợ giải đáp vướng mắc thuế ngày 02/11 về rất nhiều điểm mới cần quan tâm của chính sách thuế. Tham khảo bản tin dưới đây

Câu 1: Công ty tôi có thuê nhà cho chuyên gia người nước ngoài ký hợp đồng lao động với công ty (trong hợp đồng lao động quy định Công ty phải trả tiền nhà ở cho chuyên gia), nhà thuê là nhà của gia đình (không phải hộ kinh doanh). Phí thuê nhà trên 20 triệu/tháng. Vậy xin hỏi:

  1. Công ty tôi thuê nhà có 10 phòng cho 08 người ở, mỗi người ở 01 phòng, tiền thuê mỗi phòng < 15% tiền lương. Vậy chi phí tiền thuê nhà của 02 phòng trống này có được tính vào chi phí hợp lý không?
  2. Người cho thuê nhà có doanh thu trên 108 triệu/ năm có bắt buộc phải mua hóa đơn lẻ không?

    3. Trước khi công ty tôi thuê nhà thì có một số cá nhân nước ngoài phải ở khách sạn. Vậy tiền ở khách sạn này có tính vào thu nhập chịu thuế Thu nhập cá nhân không nếu trong hợp đồng lao động có quy định công ty trả tiền ở cho người lao động?

    4. Cá nhân cho thuê nhà có được tính giảm trừ gia cảnh không? Cách xác định số thuế mà cá nhân cho thuê nhà phải nộp như thế nào?

    Trả lời:

    Tại  Khoản 1, Khoản 2 Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC (đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 2 Điều 6 Thông tư số 119/2014/TT-BTC; Điều 1 Thông tư số 151/2014/TT-BTC và Điều 4, Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của Bộ Tài chính), quy định:

    Điều 6. Các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế

    1. Trừ các khoản chi không được trừ nêu tại Khoản 2 Điều này, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:

    a) Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

    b) Khoản chi có đủ hoá đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.

    c) Khoản chi nếu có hoá đơn mua hàng hoá, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.

    Chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt thực hiện theo quy định của các văn bản pháp luật về thuế giá trị gia tăng.

    2. Các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế bao gồm:

    2.5. Chi tiền thuê tài sản của cá nhân không có đầy đủ hồ sơ, chứng từ dưới đây:

    – Trường hợp doanh nghiệp thuê tài sản của cá nhân thì hồ sơ để xác định chi phí được trừ là hợp đồng thuê tài sản và chứng từ trả tiền thuê tài sản.

    – Trường hợp doanh nghiệp thuê tài sản của cá nhân mà tại hợp đồng thuê tài sản có thoả thuận doanh nghiệp nộp thuế thay cho cá nhân thì hồ sơ để xác định chi phí được trừ là hợp đồng thuê tài sản, chứng từ trả tiền thuê tài sản và chứng từ nộp thuế thay cho cá nhân.

    – Trường hợp doanh nghiệp thuê tài sản của cá nhân mà tại hợp đồng thuê tài sản có thỏa thuận tiền thuê tài sản chưa bao gồm thuế (thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân) và doanh nghiệp nộp thuế thay cho cá nhân thì doanh nghiệp được tính vào chí phí được trừ tổng số tiền thuê tài sản bao gồm cả phần thuế nộp thay cho cá nhân.

    …”

    Tại Khoản 2, Điều 8 Thông tư số 92/2015/TT-BTC ngày 15/6/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân cư trú có hoạt động kinh doanh; hướng dẫn thực hiện một số nội dung sửa đổi, bổ sung về thuế thu nhập cá nhân quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế số 71/2014/QH13 và Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12/02/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về thuế, quy định:

    2. Đối với doanh nghiệp, tổ chức kinh tế khai thuế, nộp thuế thay cho cá nhân cho thuê tài sản

    Cá nhân ký hợp đồng cho thuê tài sản với doanh nghiệp, tổ chức kinh tế mà trong hợp đồng thuê có thoả thuận bên đi thuê là người nộp thuế thì doanh nghiệp, tổ chức kinh tế có trách nhiệm khấu trừ thuế, khai thuế và nộp thuế thay cho cá nhân bao gồm cả thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân.

    a) Khấu trừ thuế

    Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế khấu trừ thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân trước khi trả tiền thuê tài sản cho cá nhân nếu trong năm dương lịch cá nhân có doanh thu cho thuê tài sản tại đơn vị trên 100 triệu đồng. Trường hợp trong năm cá nhân phát sinh doanh thu từ nhiều nơi, cá nhân dự kiến hoặc xác định được tổng doanh thu trên 100 triệu đồng/năm thì có thể uỷ quyền theo quy định của pháp luật để doanh nghiệp, tổ chức khai thay, nộp thay đối với hợp đồng cho thuê từ 100 triệu/năm trở xuống tại đơn vị.

    Số thuế khấu trừ được xác định theo hướng dẫn tại khoản 2 Điều 4 Thông tư này.

    …”

    Tại Tiết đ.1, Điểm đ, Khoản 2, Điều 2 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân và Nghị định số 65/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân (đã được sửa đổi, bổ sung tại Điều 11, Thông tư số 151/2014/TT-BTC ngày 10/10/2014 của Bộ Tài chính), quy định về thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công như sau:

    đ) Các khoản lợi ích bằng tiền hoặc không bằng tiền ngoài tiền lương, tiền công do người sử dụng lao động trả mà người nộp thuế được hưởng dưới mọi hình thức:

    đ.1) Tiền nhà ở, điện, nước và các dịch vụ kèm theo (nếu có), không bao gồm: khoản lợi ích về nhà ở do người sử dụng lao động xây dựng, cung cấp miễn phí cho người lao động làm việc tại khu công nghiệp; nhà ở do người sử dụng lao động xây dựng tại khu kinh tế, địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn cung cấp miễn phí cho người lao động.

    Trường hợp cá nhân ở tại trụ sở làm việc thì thu nhập chịu thuế căn cứ vào tiền thuê nhà hoặc chi phí khấu hao, tiền điện, nước và các dịch vụ khác tính theo tỷ lệ giữa diện tích cá nhân sử dụng với diện tích trụ sở làm việc.

    Khoản tiền thuê nhà do đơn vị sử dụng lao động trả hộ tính vào thu nhập chịu thuế theo số thực tế trả hộ nhưng không vượt quá 15% tổng thu nhập chịu thuế (chưa bao gồm tiền thuê nhà) tại đơn vị.”

    Căn cứ quy định trên, trường hợp Công ty bạn thuê nhà của cá nhân 10 phòng với số tiền thuê nhà trên 100 triệu/năm, chỉ sử dụng 8 phòng cho 08 chuyên gia nước ngoài ký hợp đồng lao động với công ty, tiền thuê mỗi phòng < 15% tiền lương thực tế của cá nhân chuyên gia, 02 phòng trống không sử dụng, trong hợp đồng lao động quy định công ty trả tiền nhà ở cho chuyên gia, thì:

    – Tiền thuê nhà 02 phòng trống không phục vụ sản xuất kinh doanh, do đó không được tính vào chi phí hợp lý khi tính thuế TNDN.

    – Trường hợp trong hợp đồng thuê nhà quy định bên thuê nhà nộp thuế thay: Hồ sơ tính vào chi phí được trừ bao gồm Hợp đồng thuê nhà; chứng từ trả tiền thuê nhà và chứng từ nộp thuế thay cho cá nhân. Trong trường hợp này, cơ quan thuế không cấp hóa đơn lẻ cho cá nhân cho thuê nhà.

    – Trường hợp trong hợp đồng lao động có quy định Công ty trả tiền thu nhà ở cho người lao động thì khoản tiền thuê phòng khách sạn cho chuyên gia nước ngoài ở (thời gian trước khi công ty thuê nhà cho chuyên gia) được tính vào thu nhập chịu thuế TNCN của cá nhân mỗi chuyên gia theo số thực tế trả hộ nhưng không vượt quá 15% tổng thu nhập chịu thuế (chưa bao gồm tiền thuê nhà) tại đơn vị.

    Tại Điều 4 Thông tư số 92/2015/TT-BTC ngày 15/6/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân cư trú có hoạt động kinh doanh; hướng dẫn thực hiện một số nội dung sửa đổi, bổ sung về thuế thu nhập cá nhân quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế số 71/2014/QH13 và Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12/02/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về thuế, quy định:

    Điều 4. Phương pháp tính thuế đối với cá nhân cho thuê tài sản

  3. Nguyên tắc áp dụng

             a) Cá nhân cho thuê tài sản là cá nhân có phát sinh doanh thu từ cho thuê tài sản bao gồm: cho thuê nhà, mặt bằng, cửa hàng, nhà xưởng, kho bãi không bao gồm dịch vụ lưu trú; cho thuê phương tiện vận tải, máy móc thiết bị không kèm theo người điều khiển; cho thuê tài sản khác không kèm theo dịch vụ.

              …

    b) Đối với cá nhân cho thuê tài sản thì mức doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống để xác định cá nhân không phải nộp thuế giá trị gia tăng và không phải nộp thuế thu nhập cá nhân là tổng doanh thu phát sinh trong năm dương lịch của các hợp đồng cho thuê tài sản. Trường hợp bên thuê trả tiền thuê tài sản trước cho nhiều năm thì khi xác định mức doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống để xác định cá nhân không phải nộp thuế giá trị gia tăng và không phải nộp thuế thu nhập cá nhân là doanh thu trả tiền một lần được phân bổ theo năm dương lịch.

     …

    c) Trường hợp cá nhân đồng sở hữu tài sản cho thuê thì mức doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống để xác định cá nhân không phải nộp thuế giá trị gia tăng, không phải nộp thuế thu nhập cá nhân được xác định cho 01 người đại diện duy nhất trong năm tính thuế.

  4. Căn cứ tính thuế

    Căn cứ tính thuế đối với cá nhân cho thuê tài sản là doanh thu tính thuế và tỷ lệ thuế tính trên doanh thu.

  5. Doanh thu tính thuế

    Doanh thu tính thuế đối với hoạt động cho thuê tài sản được xác định như sau:

    a.1) Doanh thu tính thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động cho thuê tài sản là doanh thu bao gồm thuế (trường hợp thuộc diện chịu thuế) của số tiền bên thuê trả từng kỳ theo hợp đồng thuê và các khoản thu khác không bao gồm khoản tiền phạt, bồi thường mà bên cho thuê nhận được theo thỏa thuận tại hợp đồng thuê.

    a.2) Doanh thu tính thuế thu nhập cá nhân đối với hoạt động cho thuê tài sản là doanh thu bao gồm thuế (trường hợp thuộc diện chịu thuế) của số tiền bên thuê trả từng kỳ theo hợp đồng thuê và các khoản thu khác bao gồm khoản tiền phạt, bồi thường mà bên cho thuê nhận được theo thỏa thuận tại hợp đồng thuê.

    a.3) Trường hợp bên thuê trả tiền thuê tài sản trước cho nhiều năm thì doanh thu tính thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân xác định theo doanh thu trả tiền một lần.

    b) Tỷ lệ thuế tính trên doanh thu

    – Tỷ lệ thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động cho thuê tài sản là 5%

    – Tỷ lệ thuế thu nhập cá nhân đối với hoạt động cho thuê tài sản là 5%

    c) Xác định số thuế phải nộp

Số thuế GTGT phải nộp = Doanh thu tính thuế GTGT x Tỷ lệ thuế GTGT 5%
Số thuế TNCN phải nộp = Doanh thu tính thuế TNCN x Tỷ lệ thuế TNCN 5%

Trong đó:

– Doanh thu tính thuế giá trị gia tăng và doanh thu tính thuế thu nhập cá nhân theo hướng dẫn tại điểm a khoản 2 Điều này.

– Tỷ lệ thuế giá trị gia tăng và tỷ lệ thuế thu nhập cá nhân theo hướng dẫn tại điểm b khoản 2 Điều này.

d) Thời điểm xác định doanh thu tính thuế

Thời điểm xác định doanh thu tính thuế là thời điểm bắt đầu của từng kỳ hạn thanh toán trên hợp đồng thuê tài sản.”

Căn cứ quay định trên và nội dung trình bày tại câu hỏi thì số thuế TNCN phải nộp đối với khoản thu nhập từ tiền cá nhân cho thuê nhà bằng 5%  nhân với doanh thu tính thuế. Khi tính thuế TNCN đối với thu nhập từ tiền cho thuê nhà, cá nhân cho thuê nhà không thuộc diện được tính giảm trừ gia cảnh.

Câu 2: Người lao động ở đơn vị tôi muốn đăng ký người phụ thuộc giảm trừ gia cảnh là mẹ vợ (mẹ vợ sinh ngày 24/6/1962, không bị khuyết tật, vẫn có khả năng lao động, không có thu nhập, có xác nhận của địa phương là do người lao động đang trực tiếp nuôi dưỡng) trong năm 2017 có được không và được tính từ thời gian nào?

  • Mẹ đẻ tôi sinh năm 1969, hiện tại đã nghỉ việc nhưng do chưa đủ năm công tác nên chưa được hưởng lương hưu. Vậy khi tính thuế thu nhập cá nhân thì tôi có được đăng ký mẹ tôi là người phụ thuộc giảm trừ gia cảnh không?

              Trả lời:

    Tại Tiết c.2, Điểm c; Tiết d.3, Điểm d; Điểm đ; Điểm e; Điểm g  Khoản 1 Điều 9 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Luật thuế thu nhập cá nhân, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân và Nghị định số 65/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân, quy định:

    “c.2) Giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc

    c.2.1) Người nộp thuế được tính giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc nếu người nộp thuế đã đăng ký thuế và được cấp mã số thuế.

    c.2.2) Khi người nộp thuế đăng ký giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc sẽ được cơ quan thuế cấp mã số thuế cho người phụ thuộc và được tạm tính giảm trừ gia cảnh trong năm kể từ khi đăng ký. Đối với người phụ thuộc đã được đăng ký giảm trừ gia cảnh trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục được giảm trừ gia cảnh cho đến khi được cấp mã số thuế.

    c.2.3) Trường hợp người nộp thuế chưa tính giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc trong năm tính thuế thì được tính giảm trừ cho người phụ thuộc kể từ tháng phát sinh nghĩa vụ nuôi dưỡng khi người nộp thuế thực hiện quyết toán thuế và có đăng ký giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc. Riêng đối với người phụ thuộc khác theo hướng dẫn tại tiết d.4, điểm d, khoản 1, Điều này thời hạn đăng ký giảm trừ gia cảnh chậm nhất là ngày 31 tháng 12 của năm tính thuế, quá thời hạn nêu trên thì không được tính giảm trừ gia cảnh cho năm tính thuế đó.

    c.2.4) Mỗi người phụ thuộc chỉ được tính giảm trừ một lần vào một người nộp thuế trong năm tính thuế. Trường hợp nhiều người nộp thuế có chung người phụ thuộc phải nuôi dưỡng thì người nộp thuế tự thoả thuận để đăng ký giảm trừ gia cảnh vào một người nộp thuế.”

    “d) Người phụ thuộc bao gồm:

    d.3) Cha đẻ, mẹ đẻ; cha vợ, mẹ vợ (hoặc cha chồng, mẹ chồng); cha dượng, mẹ kế; cha nuôi, mẹ nuôi hợp pháp của người nộp thuế đáp ứng điều kiện tại điểm đ, khoản 1, Điều này.

    …”

    đ) Cá nhân được tính là người phụ thuộc theo hướng dẫn tại các tiết d.2, d.3, d.4, điểm d, khoản 1, Điều này phải đáp ứng các điều kiện sau:

    đ.1) Đối với người trong độ tuổi lao động phải đáp ứng đồng thời các điều kiện sau:

    đ.1.1) Bị khuyết tật, không có khả năng lao động.

    đ.1.2) Không có thu nhập hoặc có thu nhập bình quân tháng trong năm từ tất cả các nguồn thu nhập không vượt quá 1.000.000 đồng.

    đ.2) Đối với người ngoài độ tuổi lao động phải không có thu nhập hoặc có thu nhập bình quân tháng trong năm từ tất cả các nguồn thu nhập không vượt quá 1.000.000 đồng.

    e) Người khuyết tật, không có khả năng lao động theo hướng dẫn tại tiết đ.1.1, điểm đ, khoản 1, Điều này là những người thuộc đối tượng điều chỉnh của pháp luật về người khuyết tật, người mắc bệnh không có khả năng lao động (như bệnh AIDS, ung thư, suy thận mãn,…).

    g) Hồ sơ chứng minh người phụ thuộc

    g.3) Đối với cha đẻ, mẹ đẻ, cha vợ, mẹ vợ (hoặc cha chồng, mẹ chồng), cha dượng, mẹ kế, cha nuôi hợp pháp, mẹ nuôi hợp pháp hồ sơ chứng minh gồm:

    – Bản chụp Chứng minh nhân dân.

    – Giấy tờ hợp pháp để xác định mối quan hệ của người phụ thuộc với người nộp thuế như bản chụp sổ hộ khẩu (nếu có cùng sổ hộ khẩu), giấy khai sinh, quyết định công nhận việc nhận cha, mẹ, con của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

    Trường hợp trong độ tuổi lao động thì ngoài các giấy tờ nêu trên, hồ sơ chứng minh cần có thêm giấy tờ chứng minh là người khuyết tật, không có khả năng lao động như bản chụp Giấy xác nhận khuyết tật theo quy định của pháp luật về người khuyết tật đối với người khuyết tật không có khả năng lao động, bản chụp hồ sơ bệnh án đối với người mắc bệnh không có khả năng lao động (như bệnh AIDS, ung thư, suy thận mãn,..).”

    Căn cứ quy định nêu trên và nội dung câu hỏi của bạn:

    – Trường hợp mẹ vợ của người lao động (sinh ngày 24/6/1962, không bị khuyết tật, vẫn có khả năng lao động, không có thu nhập) do người lao động nuôi dưỡng, thì trước ngày 25/6/2017 được tính là trong độ tuổi lao động, từ ngày 25/6/2017 trở đi được tính là ngoài độ tuổi lao động. Trước tháng 7/2017, người lao động không được tính giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc là mẹ vợ. Từ tháng 7/2017, người lao động được tính giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc là mẹ vợ khi người lao động thực hiện quyết toán thuế và có đăng ký giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc nếu đáp ứng các điều kiện quy định tại Tiết c.2, Tiết đ.2 và Tiết g.3 Khoản 1 Điều 9 Thông tư 111/2013/TT-BTC.

    – Trường hợp mẹ đẻ của bạn sinh năm 1969 (đã nghỉ việc chờ chế độ nhưng chưa được hưởng lương hưu do chưa đủ năm công tác), thì năm 2017 vẫn đang trong độ tuổi lao động, do đó bạn không được tính giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc là mẹ đẻ.

     

    Câu 3: Đơn vị tôi mua quà trung thu cho các cháu là con cán bộ công nhân viên trong công ty, có hóa đơn chứng từ. Vậy số tiền đó có tính vào thu nhập chịu thuế của người lao động không?

    – Tiêu chuẩn tiếp khách, hội nghị khách hàng được quy định trong văn bản nào? Có khống chế là bao nhiêu tiền 1 suất không?

    Trả lời:

    1/ Tại Điểm đ, Khoản 2, Điều 2, Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Luật thuế thu nhập cá nhân, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân và Nghị định số 65/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân, quy định về các khoản thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công như sau:

    đ) Các khoản lợi ích bằng tiền hoặc không bằng tiền ngoài tiền lương, tiền công do người sử dụng lao động trả mà người nộp thuế được hưởng dưới mọi hình thức:

    đ.7) Các khoản lợi ích khác.

    Các khoản lợi ích khác mà người sử dụng lao động chi cho người lao động như: chi trong các ngày nghỉ, lễ; thuê các dịch vụ tư vấn, thuê khai thuế cho đích danh một hoặc một nhóm cá nhân; chi cho người giúp việc gia đình như lái xe, người nấu ăn, người làm các công việc khác trong gia đình theo hợp đồng…”

    Căn cứ quy định trên và nội dung câu hỏi, trường hợp công ty bạn mua quà trung thu cho các cháu là con của người lao động (có hóa đơn chứng từ đầy đủ) thì khoản tiền này được tính vào thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân của người lao động.

    2/ Tại Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC (đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 2 Điều 6 Thông tư số 119/2014/TT-BTC; Điều 1 Thông tư số 151/2014/TT-BTC; Điều 4, Thông tư số 96/2015/TT-BTC  của Bộ Tài chính), quy định:

    Điều 6. Các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế

    1. Trừ các khoản chi không được trừ nêu tại Khoản 2 Điều này, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:

    a) Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

    b) Khoản chi có đủ hoá đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.

    c) Khoản chi nếu có hoá đơn mua hàng hoá, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.

    Chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt thực hiện theo quy định của các văn bản pháp luật về thuế giá trị gia tăng.

    2. Các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế bao gồm:

    2.1. Khoản chi không đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều này.

      …

    2.30. Các khoản chi không tương ứng với doanh thu tính thuế, trừ các khoản chi sau:

    …”

    Căn cứ quy định trên và nội dung câu hỏi, trường hợp đơn vị bạn chi tiếp khách, hội nghị khách hàng mà các khoản chi này phục vụ sản xuất kinh doanh của đơn vị, tương ứng với doanh thu tính thuế và đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại Điều 6 nêu trên thì được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN theo số tiền thực tế chi mà không bị khống chế theo mức nhất định.

Bản tin này chỉ mang tính chất tham khảo, không phải ý kiến tư vấn cụ thể cho bất kì trường hợp nào.

Đăng kí để nhận bản tin từ Gonnapass


Liên hệ tư vấn dịch vụ Kế toán – Thuế – Đào tạo: Ms Huyền – 094 719 2091
Mọi thông tin xin liên hệ:
Công ty TNHH Gonnapass
Phòng 701, tầng 7, toà nhà 3D Center, số 3 Duy Tân, P Dịch Vọng Hậu, Q Cầu Giấy, TP Hà Nội
Email: hotro@gonnapass.com
Website: https://gonnapass.com
Hotline/ Zalo : 0888 942 040
avatar
admin

Nếu bạn thích bài viết, hãy thả tim và đăng ký nhận bản tin của chúng tôi

Ý kiến bình luận

You cannot copy content of this page