Giải đáp vướng mắc thuế Cục thuế tỉnh Thái Bình – Ngày 08/05/2017

200

Cục thuế tỉnh Thái Bình đã hỗ trợ giải đáp vướng mắc thuế ngày 08/05 về rất nhiều điểm mới cần quan tâm của chính sách thuế. Tham khảo bản tin dưới đây

Câu 1: Người phụ thuộc của người lao động là bố mẹ, đối tượng khác (không phải là con như: cô, dì, chú, bác…). Năm 2017 người lao động mới đăng ký giảm trừ gia cảnh cho những người phụ thuộc này nhưng lại phát sinh nuôi dưỡng từ tháng 01/2016. Vậy những người phụ thuộc này có được tính giảm trừ cho năm 2016 không?

          Trả lời:

Tại Tiết c.2.3, Điểm c.2, Khoản 1, Điều 9, Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân và Nghị định số 65/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân quy định:

“c.2) Giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc

c.2.3) Trường hợp người nộp thuế chưa tính giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc trong năm tính thuế thì được tính giảm trừ cho người phụ thuộc kể từ tháng phát sinh nghĩa vụ nuôi dưỡng khi người nộp thuế thực hiện quyết toán thuế và có đăng ký giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc. Riêng đối với người phụ thuộc khác theo hướng dẫn tại tiết d.4, điểm d, khoản 1, Điều này thời hạn đăng ký giảm trừ gia cảnh chậm nhất là ngày 31 tháng 12 của năm tính thuế, quá thời hạn nêu trên thì không được tính giảm trừ gia cảnh cho năm tính thuế đó”.

Tại Tiết d.4, Điểm d, Khoản 1, Điều 9, Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính quy định:

d) Người phụ thuộc bao gồm:

d.4) Các cá nhân khác không nơi nương tựa mà người nộp thuế đang phải trực tiếp nuôi dưỡng và đáp ứng điều kiện tại điểm đ, khoản 1, Điều này bao gồm:

d.4.1) Anh ruột, chị ruột, em ruột của người nộp thuế.

d.4.2) Ông nội, bà nội; ông ngoại, bà ngoại; cô ruột, dì ruột, cậu ruột, chú ruột, bác ruột của người nộp thuế.

d.4.3) Cháu ruột của người nộp thuế bao gồm: con của anh ruột, chị ruột, em ruột.

d.4.4) Người phải trực tiếp nuôi dưỡng khác theo quy định của pháp luật.”

Căn cứ quy định nêu trên và nội dung câu hỏi của bạn, thời hạn đăng ký giảm trừ gia cảnh đối với người phụ thuộc là cô, dì, chú, bác… (không phải là con, bố, mẹ) chậm nhất là ngày 31/12 của năm tính thuế. Trường hợp năm 2017 người lao động mới đăng ký giảm trừ gia cảnh cho những người phụ thuộc này thì chỉ được tính giảm trừ gia cảnh kể từ năm 2017.

Câu 2: Năm 2016, công ty tôi có mua một ô tô chở rác và ký hợp đồng với Ủy ban nhân dân xã về việc chở rác thải sinh hoạt cho các hộ dân trên địa bàn xã. Vậy đơn vị tôi có phải lập hóa đơn GTGT cho Ủy ban xã không?

Trả lời:

Tại Điểm a, Khoản 7, Điều 3, Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/02/2015 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Điểm b, Khoản 1, Điều 16, Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính (đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 3 Điều 5 Thông tư số 119/2014/TT-BTC) như sau:

 b) Người bán phải lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ, bao gồm cả các trường hợp hàng hoá, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hoá, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động (trừ hàng hoá luân chuyển nội bộ, tiêu dùng nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất).”

          Căn cứ quy định nêu trên và nội dung bạn hỏi, trường hợp Công ty bạn ký hợp đồng với Ủy ban nhân dân xã về việc chở rác thải sinh hoạt cho các hộ dân trên địa bàn xã thì khi thu tiền đơn vị phải lập hóa đơn GTGT theo quy định để giao cho Ủy ban nhân dân xã.

Câu 3: Trong năm 2016, công ty tôi có thuê một số nhân công sửa chữa máy móc thiết bị của công ty. Số tiền công chi trả cho mỗi lao động trên 2 triệu đồng, đơn vị đã tiến hành khấu trừ 10% thuế TNCN trước khi chi trả. Tuy nhiên, năm 2016 tổng thu nhập của các cá nhân này chưa đến mức phải nộp thuế TNCN thì sẽ được hoàn thuế. Vậy công ty tôi hay từng cá nhân đó phải làm thủ tục hoàn thuế với cơ quan thuế?

          Trả lời:

Tại Điểm a.3, Khoản 3, Điều 21, Thông tư số 92/2015/TT-BTC ngày 15/6/2015 của Bộ Tài chính quy định:

a.3) Khai quyết toán thuế

Cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công có trách nhiệm khai quyết toán thuế nếu có số thuế phải nộp thêm hoặc có số thuế nộp thừa đề nghị hoàn…”  

          Căn cứ quy định nêu trên và nội dung câu hỏi của bạn, công ty trả thu nhập cho cá nhân và đã khấu trừ thuế 10% nhưng cá nhân đó chưa đến mức phải nộp, phát sinh số thuế TNCN nộp thừa thì cá nhân đó làm hồ sơ quyết toán thuế TNCN và chứng từ khấu trừ  gửi cho cơ quan thuế để được giải quyết hoàn thuế theo quy định.

Câu 4: Công ty tôi có mua cơm hộp cho cán bộ CNV, đơn vị bán cơm hộp không có hóa đơn. Vậy khoản mua cơm hộp không có hóa đơn có được tính vào chi phí được trừ không?

Trả lời:

Tại Điều 4, Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC (đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 2 Điều 6 Thông tư số 119/2014/TT-BTC và Điều 1 Thông tư số 119/2014/TT-BTC) quy định:

Điều 6. Các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế

1. Trừ các khoản chi không được trừ nêu tại Khoản 2 Điều này, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:

a) Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

b) Khoản chi có đủ hoá đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.

c) Khoản chi nếu có hoá đơn mua hàng hoá, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.

2. Các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế bao gồm:

2.4. Chi phí của doanh nghiệp mua hàng hóa, dịch vụ (không có hóa đơn, được phép lập Bảng kê thu mua hàng hóa, dịch vụ mua vào theo mẫu số 01/TNDN kèm theo Thông tư số 78/2014/TT-BTC) nhưng không lập Bảng kê kèm theo chứng từ thanh toán cho người bán hàng, cung cấp dịch vụ trong các trường hợp:

– Mua hàng hóa, dịch vụ của cá nhân, hộ kinh doanh (không bao gồm các trường hợp nêu trên) có mức doanh thu dưới ngưỡng doanh thu chịu thuế giá trị gia tăng (100 triệu đồng/năm)…”

Tại Điểm a, Khoản 7, Điều 3, Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/02/2015 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung điểm b Khoản 1 Điều 16 (đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 3 Điều 5 Thông tư số 119/2014/TT-BTC) như sau:

“b) Người bán phải lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ, bao gồm cả các trường hợp hàng hoá, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hoá, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động (trừ hàng hoá luân chuyển nội bộ, tiêu dùng nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất)…”

Tại Khoản 1, Điều 2, Thông tư số 92/2015/TT-BTC ngày 15/6/2015 của Bộ Tài chính quy định:

Điều 2. Phương pháp tính thuế đối với cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán

1. Nguyên tắc áp dụng

a) Cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán (sau đây gọi là cá nhân nộp thuế khoán) là cá nhân kinh doanh có phát sinh doanh thu từ kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc tất cả các lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, kinh doanh trừ cá nhân kinh doanh hướng dẫn tại Điều 3, Điều 4 và Điều 5 Thông tư này.

b) Đối với cá nhân nộp thuế khoán thì mức doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống để xác định cá nhân không phải nộp thuế giá trị gia tăng, không phải nộp thuế thu nhập cá nhân là doanh thu tính thuế thu nhập cá nhân của năm.

…”

Căn cứ quy định nêu trên và nội dung câu hỏi của bạn, Công ty bạn có mua cơm hộp cho cán bộ CNV, người bán không có hóa đơn:

  • Trường hợp người bán là doanh nghiệp thì phải lập hóa đơn khi bán cơm hộp. Nếu người bán không cung cấp hóa đơn cho Công ty bạn thì khoản chi phí mua cơm hộp không được tính vào chi phí được trừ.
  •  Trường hợp người bán là hộ, cá nhân kinh doanh có doanh thu năm từ 100 triệu đồng/năm trở lên phải làm thủ tục mua hóa đơn quyển của cơ quan thuế (nếu có nhu cầu sử dụng thường xuyên) hoặc mua hóa đơn lẻ theo từng số tại cơ quan thuế để giao cho Công ty bạn làm căn cứ tính vào chi phí hợp lý.
  • Trường hợp người bán là hộ, cá nhân kinh doanh có doanh thu năm dưới ngưỡng 100 triệu đồng/năm thuộc đối tượng không được mua hóa đơn lẻ tại cơ quan thuế thì Công ty bạn được lập Bảng kê 01/TNDN kèm chứng từ thanh toán cho người bán để tính vào chi phí được trừ.

Câu 5: Năm 2016, Công ty tôi có thuê 1cá nhân dàn dựng biểu diễn tiết mục ca múa nhạc tại hội nghị của Công ty, đơn vị đã khấu trừ thuế 10% trước khi chi trả cho cá nhân này. Vậy khi quyết toán thuế TNCN năm 2016, Công ty kê khai đối tượng đã khấu trừ 10% này vào phụ lục nào?

          Trả lời:

Năm 2016, Công ty bạn có thuê 1cá nhân dàn dựng biểu diễn tiết mục ca múa nhạc tại hội nghị của Công ty và đã khấu trừ thuế 10% trước khi chi trả cho cá nhân thì khi quyết toán thuế TNCN năm 2016, đơn vị kê khai vào Phụ lục Bảng kê chi tiết cá nhân thuộc diện tính thuế theo thuế suất toàn phần (mẫu số 05-2/BK-QTT-TNCN).

          Câu 6: Công ty tôi là đơn vị kinh doanh nước sạch cung cấp nước sạch cho các hộ dân một số xã và thị trấn ở huyện Hưng Hà thì có phải kê khai, nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải không?

          Trả lời:

          Tại Khoản 3, Điều 2, Nghị định số 154/2016/NĐ-CP ngày 16/11/2016 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải quy định đối tượng chịu phí bao gồm:

          “3. Nước thải sinh hoạt là nước thải từ:

  1. Hộ gia đình;

…”

Tại Khoản 4, Điều 5, Nghị định số 154/2016/NĐ-CP quy định các trường hợp miễn phí bảo vệ môi trường đối với nước thải bao gồm:

“4. Nước thải sinh hoạt của các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình ở các xã thuộc vùng nông thôn và những nơi chưa có hệ thống cấp nước sạch;”

Tại Khoản 1, Điều 8, Nghị định số 154/2016/NĐ-CP quy định:

“Điều 8. Kê khai, thẩm định tờ khai và nộp phí

1. Phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt:

a) Người nộp phí thực hiện nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải cho đơn vị cung cấp nước sạch đồng thời với việc thanh toán tiền sử dụng nước sạch theo hóa đơn bán hàng hàng tháng.

c) Đơn vị cung cấp nước sạch, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn mở tài khoản “Tạm thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt” tại Kho bạc Nhà nước trên địa bàn. Tùy theo số thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải nhiều hay ít mà định kỳ hàng ngày, hàng tuần, nộp số thu phí bảo vệ môi trường vào tài khoản tạm thu phí. Hàng tháng, chậm nhất đến ngày 20 của tháng tiếp theo, đơn vị cung cấp nước sạch, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn có trách nhiệm nộp số tiền phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt trên tài khoản tạm thu vào ngân sách nhà nước theo quy định.

Hàng tháng, đơn vị cung cấp nước sạch, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn có trách nhiệm tính toán số thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt thu được, lập tờ khai theo Mẫu số 01 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này gửi cơ quan thuế trên địa bàn…”

Căn cứ quy định trên, trường hợp Công ty bạn cung cấp nước sạch cho các hộ dân ở thị trấn và một số xã ở huyện Hưng Hà thì:

  • Nước thải sinh hoạt của các hộ gia đình tại thị trấn thuộc đối tượng chịu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải. Các hộ dân sử dụng nước sạch tại thị trấn nộp phí BVMT đối với nước thải đồng thời với việc thanh toán tiền sử dụng nước sạch theo hóa đơn bán hàng hàng tháng cho Công ty bạn. Công ty bạn có trách nhiệm kê khai, nộp phí BVMT đối với nước thải sinh hoạt thu được.
  • Nước thải sinh hoạt của các hộ gia đình tại một số xã ở huyện Hưng Hà thuộc đối tượng miễn phí bảo vệ môi trường đối với nước thải.

Câu 6: Hiện nay giá tính thuế tài nguyên đối với doanh nghiệp khai thác để sản xuất nước sạch là bao nhiêu?

Trả lời:

Tại Điều 1, Quyết định số 3289/QĐ-UBND ngày 25/12/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình về việc áp dụng giá tính thuế tài nguyên năm 2016 quy định giá tính thuế tài nguyên đối với nước mặt và nước dưới đất dùng để sản xuất nước sạch áp dụng từ ngày 01/01/2016 là 2.000 đồng/m3.

Câu 7: Mức phí bảo vệ môi trường đối với nước thải thay đổi, có hiệu lực từ 01/01/2017 nhưng đến tháng 03/2017 đơn vị mới biết được thông tin nên đơn vị tôi chỉ triển khai thu được từ tháng 03/2017. Vậy đơn vị tôi phải làm như thế nào đối với khoản phí bảo vệ môi trường đối với nước thải của tháng 01, tháng 02/2017?

Trả lời:

Tại Điểm a, Khoản 5, Điều 10, Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính quy định việc khai bổ sung hồ sơ khai thuế như sau:

a) Sau khi hết hạn nộp hồ sơ khai thuế theo quy định, người nộp thuế phát hiện hồ sơ khai thuế đã nộp cho cơ quan thuế có sai sót thì được khai bổ sung hồ sơ khai thuế…”

Căn cứ quy định trên, trường hợp mức phí bảo vệ môi trường đối với nước thải thay đổi, có hiệu lực từ ngày 01/01/2017 nhưng đến tháng 03/2017 đơn vị bạn mới thu và kê khai, nộp theo mức mới thì đề nghị bạn thực hiện thu và kê khai bổ sung phí BVMT đối với nước thải sinh hoạt còn thiếu của tháng 01, tháng 02/2017 và nộp kịp thời vào NSNN.

Câu 8: Tháng 01, tháng 02, tháng 03/2017, công ty tôi đã phát hành hóa đơn bán nước sạch cho các hộ dân và đã kê khai, nộp phí BVMT đối với nước thải sinh hoạt theo mức cũ. Đến tháng 04/2017, chúng tôi mới biết mức phí BVMT đối với nước thải sinh hoạt thay đổi từ 01/01/2017. Việc thu bổ sung tiền phí BVMT đối với nước thải của dân là rất khó thực hiện, vậy chúng tôi kiến nghị cơ quan thuế không truy thu phần chênh lệch mức phí BVMT đối với nước thải sinh hoạt của tháng 01, 02, 03/2017?

Trả lời:

Tại Khoản 1, Điều 1, Quyết định số 17/2016/QĐ-UBND ngày 15/12/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình về việc quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Thái Bình như sau:

“Điều 1. Quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Thái Bình như sau:

  1. Phương án mức thu:

Mức phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt là 10% trên giá bán của 1 m3 nước sạch chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng…”

Tại Điều 2, Quyết định số 17/2016/QĐ-UBND ngày 15/12/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình quy định:

“Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2017…”

Căn cứ quy định trên, mức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt có hiệu lực và áp dụng từ 01/01/2017. Về nội dung đơn vị đề nghị không truy thu phần chênh lệch phí bảo vệ môi trường đối với nước thải trong tháng 1,2/2017, đề nghị đơn vị hoặc Hiệp hội nước sạch của tỉnh làm văn bản báo cáo với Ủy ban tỉnh Thái Bình để được xem xét và giải quyết về thời gian thực hiện Quyết định 17/2016/QĐ-UBND.

Bản tin này chỉ mang tính chất tham khảo, không phải ý kiến tư vấn cụ thể cho bất kì trường hợp nào.

Đăng kí để nhận bản tin từ Gonnapass


Liên hệ tư vấn dịch vụ Kế toán – Thuế – Đào tạo: Ms Huyền – 094 719 2091
Mọi thông tin xin liên hệ:
Công ty TNHH Gonnapass
Phòng 701, tầng 7, toà nhà 3D Center, số 3 Duy Tân, P Dịch Vọng Hậu, Q Cầu Giấy, TP Hà Nội
Email: hotro@gonnapass.com
Website: https://gonnapass.com
Hotline/ Zalo : 0888 942 040
avatar
admin

Nếu bạn thích bài viết, hãy thả tim và đăng ký nhận bản tin của chúng tôi

Ý kiến bình luận

You cannot copy content of this page