Giải đáp vướng mắc thuế Cục thuế tỉnh Thái Bình – Ngày 14/11/2016

93

Cục thuế tỉnh Thái Bình đã hỗ trợ giải đáp vướng mắc thuế ngày 14/11 về rất nhiều điểm mới cần quan tâm của chính sách thuế. Tham khảo bản tin dưới đây

Câu 1: Một người có thể được bổ nhiệm làm kế toán trưởng cùng lúc ở 2 công ty không?

          Trả lời:

          Tại Khoản 2, Điều 17, Bộ Luật Lao động số 10/2012/QH13 quy định nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động như sau:

          “Tự do giao kết hợp đồng lao động nhưng không được trái pháp luật, thỏa ước lao động tập thể và đạo đức xã hội.”

          Tại Điều 53, Luật kế toán số 03/2003/QH11 quy định tiêu chuẩn và điều kiện kế toán trưởng như sau:

          “1. Kế toán trưởng phải có các tiêu chuẩn sau đây:

a) Các tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều 50 của Luật này;

b) Có chuyên môn, nghiệp vụ về kế toán từ bậc trung cấp trở lên;

c) Thời gian công tác thực tế về kế toán ít nhất là hai năm đối với người có chuyên môn, nghiệp vụ về kế toán từ trình độ đại học trở lên và thời gian công tác thực tế về kế toán ít nhất là ba năm đối với người có chuyên môn, nghiệp vụ về kế toán bậc trung cấp.

2. Người làm kế toán trưởng phải có chứng chỉ qua lớp bồi dưỡng kế toán trưởng.

          …”

          Căn cứ quy định trên, pháp luật cho phép người lao động cùng lúc có thể giao kết hợp đồng lao động với một hoặc nhiều đơn vị sử dụng lao động với điều kiện phải đảm bảo thực hiện đúng trách nhiệm và nội dung giao kết. Như vậy, người làm kế toán trưởng cũng có thể cùng lúc ký kết hợp đồng lao động làm kế toán trưởng tại 02 đơn vị nếu đáp ứng tiêu chuẩn và điều kiện kế toán trưởng theo quy định tại Điều 53, Luật kế toán nêu trên.

          Câu 2: Công ty tôi có xe tải phục vụ cho việc vận chuyển nguyên liệu, vật tư cho hoạt động thi công xây dựng (không kinh doanh vận tải) thì có phải tính định mức chi phí tiêu hao nhiên liệu theo Quyết định số 2573/QĐ-UBND của UBND tỉnh không?

          Trả lời:

          Tại Khoản 1, Điều 2, Quyết định số 2573/QĐ-UBND ngày 23/9/2016 của UBND tỉnh Thái Bình về việc quy định doanh thu tối thiểu và tỷ lệ phần trăm (%) chi phí tiêu hao nhiên liệu tối đa so với doanh thu của từng loại xe ô tô để làm căn cứ xác định số thuế phải nộp quy định phạm vi áp dụng như sau:

          “Phạm vi áp dụng: Các tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải ô tô trên địa bàn tỉnh Thái Bình”

          Theo quy định trên, đơn vị bạn có xe tải chuyên phục vụ cho hoạt động thi công xây dựng, không kinh doanh vận tải thì không thuộc đối tượng điều chỉnh của Quyết định số 2573/QĐ-UBND ngày 23/9/2016 của UBND tỉnh Thái Bình.

          Câu 3: Công ty tôi 100% vốn nước ngoài, có văn phòng đại diện ở nhiều nơi trong cả nước. Công ty có kế hoạch mở rộng và phát triển thị trường kinh doanh. Do đó, khi có kế hoạch đi công tác, nhân viên phụ trách phát triển thị trường chỉ gọi điện thông báo và được lãnh đạo Công ty chấp nhận. Vậy những khoản chi phí phát sinh trong quá trình công tác như vé máy bay, ăn uống, tiền lưu trú khách sạn… không có quyết định cử cán bộ đi công tác của Lãnh đạo Công ty phê duyệt nhưng vẫn được Công ty chi trả thì có được tính vào chi phí hợp lý của Công ty không?

          Trả lời:

          Tại Điều 4, Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC (đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 2 Điều 6 Thông tư số 119/2014/TT-BTC và Điều 1 Thông tư số 151/2014/TT-BTC) quy định như sau:

Điều 6. Các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế:

2. Các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế bao gồm:

2.9. Chi  phụ cấp tàu xe đi nghỉ phép không đúng theo quy định của Bộ Luật Lao động.

Chi phụ cấp cho người lao động đi công tác, chi phí đi lại và tiền thuê chỗ ở cho người lao động đi công tác nếu có đầy đủ hóa đơn, chứng từ được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế. Trường hợp doanh nghiệp có khoán tiền đi lại, tiền ở, phụ cấp cho người lao động đi công tác và thực hiện đúng theo quy chế tài chính hoặc quy chế nội bộ của doanh nghiệp thì được tính vào chi phí được trừ khoản chi khoán tiền đi lại, tiền ở, tiền phụ cấp.

Trường hợp doanh nghiệp cử người lao động đi công tác (bao gồm công tác trong nước và công tác nước ngoài) nếu có phát sinh chi phí từ 20 triệu đồng trở lên, chi phí mua vé máy bay mà các khoản chi phí này được thanh toán bằng thẻ ngân hàng của cá nhân thì đủ điều kiện là hình thức thanh toán không dùng tiền mặt và tính vào chi phí được trừ nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:

– Có hóa đơn, chứng từ phù hợp do người cung cấp hàng hóa, dịch vụ giao xuất.

– Doanh nghiệp có quyết định hoặc văn bản cử người lao động đi công tác.

– Quy chế tài chính hoặc quy chế nội bộ của doanh nghiệp cho phép người lao động được phép thanh toán khoản công tác phí, mua vé máy bay bằng thẻ ngân hàng do cá nhân là chủ thẻ và khoản chi này sau đó được doanh nghiệp thanh toán lại cho người lao động…”

Căn cứ quy định trên và nội dung câu hỏi, đơn vị bạn cử nhân viên phụ trách phát triển thị trường đi công tác thì phải đáp ứng đủ các điều kiện nêu trên để được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế. Trường hợp đơn vị bạn không có quyết định cử cán bộ đi công tác thì khoản chi phí vé máy bay, ăn uống, tiền lưu trú khách sạn của nhân viên phụ trách phát triển thị trường mà đơn vị đã chi trả không được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.

          Câu 4: Công ty tôi có 5 xe ô tô phục vụ cho 4 nhà máy và văn phòng công ty. Theo quy chế của công ty có phụ cấp tiền rửa xe cho mỗi nhà máy là 120.000 đồng/tháng. Vậy khi chi tiền, công ty tôi có phải lập Bảng kê 01/TNDN không?

          Trả lời:

          Tại Điều 4, Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC (đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 2 Điều 6 Thông tư số 119/2014/TT-BTC và Điều 1 Thông tư số 151/2014/TT-BTC) quy định như sau:

Điều 6. Các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế:

1. Trừ các khoản chi không được trừ nêu tại Khoản 2 Điều này, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:

a) Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

b) Khoản chi có đủ hoá đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.

c) Khoản chi nếu có hoá đơn mua hàng hoá, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.

…”

Căn cứ quy định trên, trường hợp đơn vị bạn có phụ cấp tiền rửa xe cho các nhà máy theo quy chế của Công ty thì chứng từ để tính vào chi phí được trừ là Giấy đề nghị thanh toán kèm theo Phiếu chi tiền. Đơn vị bạn không phải lập Bảng kê mẫu số 01/TNDN.

          Câu 5: Công ty tôi không nợ thuế, có phát sinh một khoản thuế GTGT nộp thừa của năm 2014. Vậy Công ty tôi có được bù trừ số thuế nộp thừa vào số thuế GTGT phát sinh phải nộp của năm 2016 (năm 2016 mới phát sinh số thuế GTGT phải nộp) không?

          Trả lời:

          Tại Khoản 2, Điều 33, Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế; Luật sửa đổi,  bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế và Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22/7/2013 của Chính phủ hướng dẫn  việc xử lý số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa như sau:

Người nộp thuế có quyền giải quyết số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa theo thứ tự quy định sau:

a) Bù trừ tự động với số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt còn nợ hoặc còn phải nộp của cùng loại thuế theo hướng dẫn tại khoản 1 Điều 29 Thông tư này (trừ trường hợp nêu tại điểm b khoản 1 Điều này).

b) Bù trừ tự động với số tiền phải nộp của lần nộp thuế tiếp theo của từng loại thuế có cùng nội dung kinh tế (tiểu mục) quy định của mục lục ngân sách nhà nước (trừ trường hợp nêu tại điểm b khoản 1 Điều này). Trường hợp quá 06 (sáu) tháng kể từ thời điểm phát sinh số tiền thuế nộp thừa mà không phát sinh khoản phải nộp tiếp theo thì thực hiện theo hướng dẫn tại điểm c khoản này.

c) Người nộp thuế có số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa theo hướng dẫn tại điểm b khoản 1 Điều này và người nộp thuế có số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa quy định tại điểm a khoản này sau khi thực hiện bù trừ theo hướng dẫn tại điểm a, điểm b khoản này mà vẫn còn số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa thì người nộp thuế gửi hồ sơ đề nghị hoàn thuế đến cơ quan thuế trực tiếp quản lý để được giải quyết hoàn thuế theo hướng dẫn tại Chương VII Thông tư này…”

Căn cứ quy định trên, trường hợp đơn vị bạn không nợ thuế, phát sinh số thuế GTGT nộp thừa năm 2014 nhưng đến năm 2016 mới phát sinh số thuế GTGT phải nộp thì không được bù trừ số thuế GTGT nộp thừa năm 2014 với số thuế GTGT phải nộp năm 2016 (do đã quá 06 tháng kể tuừ thời điểm phát sinh số thuế nộp thừa). Đơn vị bạn làm thủ tục hoàn thuế đến cơ quan thuế trực tiếp quản lý để được giải quyết hoàn thuế theo quy định.

Câu 6: Công ty tôi có gửi hàng mẫu cùng với hàng hóa cho người mua (nếu đạt thì ký tiếp lô hàng mới). Vậy khi xuất hàng mẫu, đơn vị có phải lập hóa đơn không, trên hóa đơn có giá trị hàng và thuế GTGT không?

Trả lời:

Tại Điểm a, Khoản 7, Điều 3, Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/02/2015 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung điểm b Khoản 1 Điều 16 (đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 3 Điều 5 Thông tư số 119/2014/TT-BTC) như sau:

b) Người bán phải lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ, bao gồm cả các trường hợp hàng hoá, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hoá, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động (trừ hàng hoá luân chuyển nội bộ, tiêu dùng nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất)…

Tại Khoản 5, Điều 7, Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Luật Thuế giá trị gia tăng và Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Thuế giá trị gia tăng quy định giá tính thuế GTGT như sau:

“Đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại theo quy định của pháp luật về thương mại, giá tính thuế được xác định bằng không (0); trường hợp hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại nhưng không thực hiện theo quy định của pháp luật về thương mại thì phải kê khai, tính nộp thuế như hàng hóa, dịch vụ dùng để tiêu dùng nội bộ, biếu, tặng, cho.

Một số hình thức khuyến mại cụ thể được thực hiện như sau:

a) Đối với hình thức khuyến mại đưa hàng mẫu, cung ứng dịch vụ mẫu để khách hàng dùng thử không phải trả tiền, tặng hàng hoá cho khách hàng, cung ứng dịch vụ không thu tiền thì giá tính thuế đối với hàng mẫu, dịch vụ mẫu được xác định bằng 0…”

Căn cứ quy định trên, đơn vị bạn xuất hàng mẫu cho khách hàng thì phải lập hóa đơn GTGT:

  • Trường hợp đơn vị thực hiện khuyến mại theo đúng quy định của pháp luật về thương mại bằng cách đưa hàng mẫu cho khách hàng dùng thử thì không ghi giá trị, thuế GTGT.
  •  Trường hợp đơn vị không thực hiện theo quy định của pháp luật về thương mại thì phải kê khai, tính nộp thuế như hàng hóa, dịch vụ dùng để tiêu dùng nội bộ, biếu, tặng, cho.

Bản tin này chỉ mang tính chất tham khảo, không phải ý kiến tư vấn cụ thể cho bất kì trường hợp nào.

Đăng kí để nhận bản tin từ Gonnapass


Liên hệ tư vấn dịch vụ Kế toán – Thuế – Đào tạo: Ms Huyền – 094 719 2091
Mọi thông tin xin liên hệ:
Công ty TNHH Gonnapass
Phòng 701, tầng 7, toà nhà 3D Center, số 3 Duy Tân, P Dịch Vọng Hậu, Q Cầu Giấy, TP Hà Nội
Email: hotro@gonnapass.com
Website: https://gonnapass.com
Hotline/ Zalo : 0888 942 040
avatar
admin

Nếu bạn thích bài viết, hãy thả tim và đăng ký nhận bản tin của chúng tôi

Ý kiến bình luận

You cannot copy content of this page