Giải đáp vướng mắc thuế Cục thuế tỉnh Thái Bình – Ngày 25/10/2017

177

Cục thuế tỉnh Thái Bình đã hỗ trợ giải đáp vướng mắc thuế ngày 25/10 về rất nhiều điểm mới cần quan tâm của chính sách thuế. Tham khảo bản tin dưới đây

Câu 1: Công ty tôi mới thành lập tháng 02/2017. Tháng 09/2017, Công ty tổ chức hội nghị khách hàng để giới thiệu sản phẩm, có Hóa đơn GTGT, Hợp đồng, Thanh lý hợp đồng thì có được tính vào chi phí hợp lý không? Khoản chi phí này có bị khống chế không vượt quá 15% trên tổng các khoản chi không?

          Trả lời:

          Tại Điều 4, Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC (đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 2 Điều 6 Thông tư số 119/2014/TT-BTC và Điều 1 Thông tư số 151/2014/TT-BTC) như sau:

“Điều 6. Các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế

1. Trừ các khoản chi không được trừ nêu tại Khoản 2 Điều này, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:

a) Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

b) Khoản chi có đủ hoá đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.

c) Khoản chi nếu có hoá đơn mua hàng hoá, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.

          …”

          Căn cứ quy định trên và nội dung câu hỏi của đơn vị, trường hợp Công ty bạn phát sinh khoản chi tổ chức hội nghị khách hàng để giới thiệu sản phẩm nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại Khoản 1, Điều 6 nêu trên thì được tính vào chi phí được trừ theo số thực chi khi tính thuế TNDN và không bị khống chế tỷ lệ 15% trên tổng các khoản chi.

Câu 2: Công ty tôi có mua bảo hiểm cho xe cẩu, tháng 5/2016, xe  cẩu này bị rơi cẩu gây tai nạn chết người, Công ty tôi đã bồi thường cho gia đình bị hại 100 triệu đồng. Năm 2017, sau khi hoàn thiện hồ sơ, công ty bảo hiểm đã bồi thường cho công ty tôi 100 triệu đồng. Vậy xin hỏi số tiền công ty bảo hiểm trả cho công ty tôi hạch toán vào TK 711 và số tiền Công ty tôi bồi thường cho gia đình bị hại hạch toán vào TK 811 có đúng không?

          Trả lời:

          Tại Điểm 1, Mục IV-Hướng dẫn Chuẩn mực “Doanh thu và Thu nhập khác”, Thông tư số 89/2002/TT-BTC ngày 09/10/2002 của Bộ Tài chính quy định:

          “1- Doanh thu và chi phí liên quan  đến cùng một giao dịch phải được ghi nhận đồng thời theo nguyên tắc phù hợp và phải theo năm tài chính.”

          Tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 21 Thông tư số 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn Chế độ kế toán Doanh nghiệp, quy định về TK 138 – Phải thu khác như sau:

          “1. Nguyên tắc kế toán:

 Tài khoản này dùng để phản ánh các khoản nợ phải thu ngoài phạm vi đã phản ánh ở các tài khoản phải thu (TK 131, 136) và tình hình thanh toán các khoản nợ phải thu này, gồm những nội dung chủ yếu sau:

– Các khoản phải thu về bồi thường vật chất do cá nhân, tập thể (trong và ngoài doanh nghiệp) gây ra như mất mát, hư hỏng vật tư, hàng hóa, tiền vốn,… đã được xử lý bắt bồi thường;

– Các khoản cho bên khác mượn bằng tài sản phi tiền tệ (nếu cho mượn bằng tiền thì phải kế toán là cho vay trên TK 1283);

– Các khoản chi hộ phải thu hồi, như các khoản bên nhận uỷ thác xuất nhập khẩu chi hộ, cho bên giao uỷ thác xuất khẩu về phí ngân hàng, phí giám định hải quan, phí vận chuyển, bốc vác, các khoản thuế, …

          – Các khoản phải thu khác ngoài các khoản trên.”

          “2. Kết cấu và nội dung tài khoản 138- Phải thu khác

Bên nợ:

– Các khoản chi hộ bên thứ 3 phải thu hồi, các khoản nợ phải thu khác

Bên có:

– Số tiền đã thu được về các khoản nợ phải thu khác

…”

          Căn cứ quy định trên, trường hợp đơn vị bạn đã mua bảo hiểm cho xe cẩu, năm 2016, xe cẩu bị rơi cẩu gây tai nạn chết người, Công ty bạn đã bồi thường cho gia đình bị hại thì căn cứ hồ sơ, chứng từ bồi thường hạch toán như sau:

                   Nợ TK 138 (1388)/ Có TK 111, 112: Số tiền bồi thường

          Khi đơn vị bạn nhận được tiền bồi thường do Công ty bảo hiểm chi trả thì hạch toán:

                   Nợ TK 111, 112/ Có TK 138 (1388): Số tiền nhận bồi thường

Câu 3: Một người làm chủ (góp đa số vốn chủ sở hữu và trực tiếp tham gia điều hành) 2 doanh nghiệp độc lập tại Việt Nam (không phải công ty mẹ con) thì có được coi là giao dịch liên kết không?

          Trả lời:

          Tại Điều 5, Nghị định số 20/2017/NĐ-CP ngày 24/02/2017 của Chính phủ quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết như sau:

          “Điều 5. Các bên có quan hệ liên kết

1. Các bên có quan hệ liên kết (sau đây viết tắt là “bên liên kết”) là các bên có mối quan hệ thuộc một trong các trường hợp:

i) Một hoặc nhiều doanh nghiệp chịu sự kiểm soát của một cá nhân thông qua vốn góp của cá nhân này vào doanh nghiệp đó hoặc trực tiếp tham gia điều hành doanh nghiệp;

…”

          Căn cứ quy định trên, trường hợp một cá nhân làm chủ 02 doanh nghiệp độc lập tại Việt Nam (02 doanh nghiệp này chịu sự kiểm soát của 01 cá nhân thông qua vốn góp của cá nhân này vào doanh nghiệp hoặc trực tiếp tham gia điều hành doanh nghiệp) thì 02 doanh nghiệp này là các bên có quan hệ liên kết.

Câu 4: DN A không nắm giữ % vốn điều lệ của Công ty tôi. DN A chỉ đặt 1 máy tại Công ty tôi để sử dụng. Lợi nhuận thu được từ hoạt động của máy này sau khi trừ các khoản thuế phải nộp, được chia theo tỷ lệ % theo hợp đồng đã ký kết. Vậy 2 DN này có phải là giao dịch liên kết không? Đơn vị tôi có phải kê khai giao dịch liên kết không?

          Trả lời:

Tại Điều 5, Nghị định số 20/2017/NĐ-CP ngày 24/02/2017 của Chính phủ quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết như sau:

          “Điều 5. Các bên có quan hệ liên kết

1. Các bên có quan hệ liên kết (sau đây viết tắt là “bên liên kết”) là các bên có mối quan hệ thuộc một trong các trường hợp:

a) Một bên tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào việc điều hành, kiểm soát, góp vốn hoặc đầu tư vào bên kia;

b) Các bên trực tiếp hay gián tiếp cùng chịu sự điều hành, kiểm soát, góp vốn hoặc đầu tư của một bên khác.

2. Các bên liên kết tại khoản 1 Điều này được quy định cụ thể như sau:

a) Một doanh nghiệp nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp ít nhất 25% vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp kia;

b) Cả hai doanh nghiệp đều có ít nhất 25% vốn góp của chủ sở hữu do một bên thứ ba nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp;

c) Một doanh nghiệp là cổ đông lớn nhất về vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp kia, nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp ít nhất 10% tổng số cổ phần của doanh nghiệp kia;

d) Một doanh nghiệp bảo lãnh hoặc cho một doanh nghiệp khác vay vốn dưới bất kỳ hình thức nào (bao gồm cả các khoản vay từ bên thứ ba được đảm bảo từ nguồn tài chính của bên liên kết và các giao dịch tài chính có bản chất tương tự) với điều kiện khoản vốn vay ít nhất bằng 25% vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp đi vay và chiếm trên 50% tổng giá trị các khoản nợ trung và dài hạn của doanh nghiệp đi vay;

đ) Một doanh nghiệp chỉ định thành viên ban lãnh đạo điều hành hoặc nắm quyền kiểm soát của một doanh nghiệp khác với điều kiện số lượng các thành viên được doanh nghiệp thứ nhất chỉ định chiếm trên 50% tổng số thành viên ban lãnh đạo điều hành hoặc nắm quyền kiểm soát của doanh nghiệp thứ hai; hoặc một thành viên được doanh nghiệp thứ nhất chỉ định có quyền quyết định các chính sách tài chính hoặc hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp thứ hai;

e) Hai doanh nghiệp cùng có trên 50% thành viên ban lãnh đạo hoặc cùng có một thành viên ban lãnh đạo có quyền quyết định các chính sách tài chính hoặc hoạt động kinh doanh được chỉ định bởi một bên thứ ba;

g) Hai doanh nghiệp được điều hành hoặc chịu sự kiểm soát về nhân sự, tài chính và hoạt động kinh doanh bởi các cá nhân thuộc một trong các mối quan hệ vợ, chồng, cha đẻ, cha nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, anh ruột, chị ruột, em ruột, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu, ông nội, bà nội, cháu nội, ông ngoại, bà ngoại, cháu ngoại, cô, chú, bác, cậu, dì ruột và cháu ruột;

h) Hai cơ sở kinh doanh có mối quan hệ trụ sở chính và cơ sở thường trú hoặc cùng là cơ sở thường trú của tổ chức, cá nhân nước ngoài;

i) Một hoặc nhiều doanh nghiệp chịu sự kiểm soát của một cá nhân thông qua vốn góp của cá nhân này vào doanh nghiệp đó hoặc trực tiếp tham gia điều hành doanh nghiệp;

k) Các trường hợp khác trong đó doanh nghiệp chịu sự điều hành, kiểm soát quyết định trên thực tế đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp kia.”

          Đề nghị đơn vị căn cứ các quy định về các bên có quan hệ liên kết nêu trên để xác định mối quan hệ của DN mình với DN A có thuộc giao dịch liên kết hay không?

  • Trường hợp DN bạn và DN A là các bên có quan hệ liên kết thì kê khai, xác định giá giao dịch liên kết, lập hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết và các hồ sơ khác liên quan đến giao dịch liên kết theo hướng dẫn tại Thông tư số 41/2017/TT-BTC ngày 28/4/2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 20/2017/NĐ-CP ngày 24/02/2017 của Chính phủ quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết.
  • Trường hợp DN bạn và DN A không có quan hệ liên kết thì đây là hoạt động hợp tác kinh doanh và lợi nhuận thu được từ hoạt động kinh doanh dịch vụ của máy đặt tại DN bạn sau khi trừ đi các khoản thuế phải nộp NSNN sẽ được chia theo tỷ lệ % như hợp đồng đã ký kết.

Câu 5: Công ty chúng tôi được UBND tỉnh Thái Bình cho thuê 105 ha bãi triều và 16,462 ha trên Cồn Đen xã Thái Đô, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình để trực tiếp nuôi trồng thủy hải sản và sản xuất giống thủy hải sản. Sản phẩm nuôi trồng khi thu hoạch bán cho khách hàng là : Tôm,Cua,Cá ,Ngao (chưa chế biến thành các sản phẩm khác, mà chỉ sơ chế thông thường khi xuất bán) vậy công ty xin hỏi :

Khi Công ty bán các mặt hàng nuôi trồng thủy hải sản trên cho khách hàng là các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, cá nhân kinh doanh thì lập hóa đơn bán hàng có phải chịu thuế suất GTGT không ?

Trả lời:

Tại Khoản 1, Điều 1 và Điểm a, Khoản 7, Điều 3 Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày27/02/2015 của Bộ Tài chính Hướng dẫn về thuế giá trị gia tăng và quản lý thuế tại Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12  tháng 2 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ quy định:

          “1. Sản phẩm trồng trọt (bao gồm cả sản phẩm rừng trồng), chăn nuôi, thủy sản, hải sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường của tổ chức, cá nhân tự sản xuất, đánh bắt bán ra và ở khâu nhập khẩu. 

Các sản phẩm mới qua sơ chế thông thường là sản phẩm mới được làm sạch, phơi, sấy khô, bóc vỏ, xay, xay bỏ vỏ, xát bỏ vỏ, tách hạt, tách cọng, cắt, ướp muối, bảo quản lạnh (ướp lạnh, đông lạnh), bảo quản bằng khí sunfuro, bảo quản theo phương thức cho hóa chất để tránh thối rữa, ngâm trong dung dịch lưu huỳnh hoặc ngâm trong dung dịch bảo quản khác và các hình thức bảo quản thông thường khác.

….”

7. Sửa đổi, bổ sung Điều 16 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung điểm b Khoản 1 Điều 16 (đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 3 Điều 5 Thông tư số 119/2014/TT-BTC) như sau:

b) Người bán phải lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ, bao gồm cả các trường hợp hàng hoá, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hoá, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động (trừ hàng hoá luân chuyển nội bộ, tiêu dùng nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất)…”

Tại Điểm 2.1 Phụ lục số 04 Ban hành kèm theo Thông tư số 39/2014/TT-BTC  ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ quy định:

“2.1. Tổ chức nộp thuế theo phương pháp khấu trừ thuế bán hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT, đối tượng được miễn thuế GTGT thì sử dụng hóa đơn GTGT, trên hóa đơn GTGT chỉ ghi dòng giá bán là giá thanh toán, dòng thuế suất, số thuế GTGT không ghi và gạch bỏ.

….”

Căn cứ các quy định nêu trên và nội dung câu hỏi của bạn, trường hợp Công ty bạn bán các mặt hàng thuỷ sản, hải sản (Tôm,Cua, Cá, Ngao) chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường do đơn vị trực tiếp nuôi trồng cho khách hàng là các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, cá nhân kinh doanh thì thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.

Khi bán hàng, Đơn vị lập hóa đơn GTGT, trên hóa đơn GTGT chỉ ghi dòng giá bán là giá thanh toán, dòng thuế suất, số thuế GTGT không ghi và gạch bỏ.

Câu 6: Công ty tôi nhận được thiếu thu tiền bảo hiểm của công nhân tham gia bảo hiểm Prudential (Phiếu thu ghi tên cá nhân người tham gia bảo hiểm). Vì khi Công ty ký hợp đồng lao động với nhân viên trên, trong hợp đồng có điều khoản thanh toán bảo hiểm cho nhân viên gắn bó với công ty nhiều năm.Vậy phiếu thu tiền bảo hiểm nhân thọ của cá nhân trên có được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN không?

Trả lời:

Tại Điều 4, Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC (đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 2 Điều 6 Thông tư số 119/2014/TT-BTC và Điều 1 Thông tư số 151/2014/TT-BTC) như sau:

          “Điều 6. Các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế

1. Trừ các khoản chi không được trừ nêu tại Khoản 2 Điều này, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:

a) Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

b) Khoản chi có đủ hoá đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.

c) Khoản chi nếu có hoá đơn mua hàng hoá, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.

          …

          2. Các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế bao gồm:

          …

          2.6. Chi tiền lương, tiền công, tiền thưởng cho người lao động thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Chi tiền lương, tiền công và các khoản phải trả khác cho người lao động doanh nghiệp đã hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh trong kỳ  nhưng thực tế không chi trả hoặc không có chứng từ thanh toán theo quy định của pháp luật.

b) Các khoản tiền lương, tiền thưởng, chi mua bảo hiểm nhân thọ cho người lao động không được ghi cụ thể điều kiện được hưởng và mức được hưởng tại một trong các hồ sơ sau: Hợp đồng lao động; Thoả ước lao động tập thể; Quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty, Tập đoàn; Quy chế thưởng do Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc quy định theo quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty.

          …”

          Căn cứ quy định trên, Công ty bạn ký hợp đồng với người lao động, trong hợp đồng có quy định thanh toán bảo hiểm nhân thọ cho nhân viên gắn bó với công ty nhiều năm:

  • Nếu khoản chi phí bảo hiểm nhân thọ được ghi cụ thể điều kiện được hưởng và mức được hưởng tại một trong các hồ sơ quy định tại Tiết b, Điểm 2.6, Khoản 2, Điều 6 nêu trên:

           + Trường hợp người lao động trực tiếp ký hợp đồng với Công ty bảo hiểm nhân thọ :

           Khi thanh toán tiền lương cho nhân viên này, Công ty bạn đã trả đủ tiền lương (bao gồm cả khoản tiền bảo hiểm nhân thọ) thì khoản chi phí này được tính vào chi phí được trừ và nằm trong khoản chi phí tiền lương, tiền công của người lao động, không phân biệt việc Công ty bảo hiểm viết hóa đơn, Phiếu thu cho người lao động hay cho Công ty bạn.

           + Trường hợp Công ty bạn trực tiếp ký hợp đồng với Công ty bảo hiểm nhân thọ:

           Khi thanh toán tiền lương, Công ty bạn giữ lại khoản tiền bảo hiểm nhân thọ để chi mua cho người lao động thì chứng từ để tính vào chi phí được trừ đối với khoản chi mua bảo hiểm nhân thọ là Hóa đơn do Công ty bảo hiểm xuất cho đơn vị bạn và phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Khoản 1, Điều 6 nêu trên. Trường hợp này, phiếu thu Công ty bảo hiểm viết cho cá nhân người lao động không được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN.

  • Nếu khoản chi phí bảo hiểm nhân thọ không ghi cụ thể điều kiện được hưởng và mức được hưởng tại một trong các hồ sơ quy định tại Tiết b, Điểm 2.6, Khoản 2, Điều 6 nêu trên thì không được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN.

Câu 7: Ngày 17/8/2017 Công ty tôi nhận dược thông báo về việc tiền thuê đất năm 2016-2017 có nội dung điều chỉnh lại tiền thuê đất và số tiền thuê đất Công ty còn nộp thừa là 352.190.186 đồng, trong khi đó Công ty còn nợ các khoản tiền thuế là 187.000.000 đồng. Vậy số tiền thuế còn thừa và số tiền thuế còn nợ được điều chỉnh như thế nào?

Trả lời:

          Tại Khoản 2, Điều 33, Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế; Luật sửa đổi,  bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22/7/2013 của Chính phủ quy định:

          Điều 33. Xử lý số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa

2. Người nộp thuế có quyền giải quyết số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa theo thứ tự quy định sau:

a) Bù trừ tự động với số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt còn nợ hoặc còn phải nộp của cùng loại thuế theo hướng dẫn tại khoản 1 Điều 29 Thông tư này (trừ trường hợp nêu tại điểm b khoản 1 Điều này).

b) Bù trừ tự động với số tiền phải nộp của lần nộp thuế tiếp theo của từng loại thuế có cùng nội dung kinh tế (tiểu mục) quy định của mục lục ngân sách nhà nước (trừ trường hợp nêu tại điểm b khoản 1 Điều này). Trường hợp quá 06 (sáu) tháng kể từ thời điểm phát sinh số tiền thuế nộp thừa mà không phát sinh khoản phải nộp tiếp theo thì thực hiện theo hướng dẫn tại điểm c khoản này.

c) Người nộp thuế có số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa theo hướng dẫn tại điểm b khoản 1 Điều này và người nộp thuế có số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa quy định tại điểm a khoản này sau khi thực hiện bù trừ theo hướng dẫn tại điểm a, điểm b khoản này mà vẫn còn số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa thì người nộp thuế gửi hồ sơ đề nghị hoàn thuế đến cơ quan thuế trực tiếp quản lý để được giải quyết hoàn thuế theo hướng dẫn tại Chương VII Thông tư này.

…”

Tại Điểm 7, Mục I, Phần B, Thông tư số 128/2008/TT-BTC ngày 24/12/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn thu và quản lý các khoản thu ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước quy định:

“7. Kiểm tra, đối chiếu và xử lý:

– Trường hợp người nộp thuế tự phát hiện sai sót về mục lục NSNN, kỳ thuế, tên và mã số cơ quan thu,… thì người nộp thuế phải lập và gửi giấy đề nghị điều chỉnh thu nộp NSNN kèm theo chứng từ nộp tiền (bản sao và bản gốc) cho cơ quan thu. Cơ quan thu thực hiện kiểm tra, xác nhận thông tin điều chỉnh trên giấy đề nghị điều chỉnh và gửi KBNN nơi thu NSNN để thực hiện điều chỉnh;

…”

Tại Khoản 1, Điều 25, Thông tư số 08/2013/TT-BTC ngày 10/01/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện kế toán nhà nước áp dụng cho Hệ thống thông tin quản lý Ngân sách và nghiệp vụ Kho bạc (TABMIS) quy định:

“Điều 25. Danh mục, mẫu biểu, phương pháp lập chứng từ kế toán

1. Chứng từ kế toán quy định trong Thông tư này áp dụng theo danh mục, mẫu biểu chứng từ kế toán nêu trong Phụ lục I kèm theo Thông tư này.”

Tại Khoản 2, Điều 1, Quyết định số 759/QĐ- BTC ngày 16/4/2013 của Bộ Tài chính về việc đính chính Thông tư số 08/2013/TT-BTC ngày 10/01/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện kế toán nhà nước áp dụng cho hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (tabmis) quy định:

“Điều 1. Đính chính một số lỗi kỹ thuật trình bày tại Thông tư số 08/2013/TT-BTC ngày 10/01/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện kế toán nhà nước áp dụng cho Hệ thống thông tin quản lý Ngân sách và Kho bạc (TABMIS) như sau:

2. Tại Phụ lục I:

2.1. Đính chính các mẫu chứng từ C1-01/NS, C1-02/NS, C1-03/NS, C1-04/NS, C1-05/NS, C1-06/NS, C1-07/NS, C1-08/NS, C2-01a/NS, C2-02/NS, C2-03/NS,C2-04/NS, C2-05/NS, C2-06/NS, C2-08/NS, C2-09/NS, C2-11/NS, C2-12/NS, C2-13/NS, C2-14a/NS, C2-14b/NS, C2-15/NS, C2-16/NS, C2-17a/NS, C2-17b/NS, C2-18/NS, C3-01/NS, C3-02/NS, C3-03/NS, C3-04/NS, C3-05/NS, C4-02/NS, C4-09/NS, C6-01/NS, C6-02/NS, C6-03/NS, C7-16/NS bằng các mẫu chứng từ quy định tại Phụ lục “Chứng từ kế toán sửa đổi” kèm theo Quyết định này.”

Căn cứ quy định trên và nội dung câu hỏi của đơn vị, tháng 08/2017, Công ty nhận được thông báo của cơ quan thuế về việc điều chỉnh lại tiền thuê đất nên phát sinh số tiền thuê đất nộp thừa, tuy nhiên đơn vị vẫn còn các khoản tiền thuế nợ NSNN thì thực hiện điều chỉnh sang các loại thuế và tiền chậm nộp còn nợ bằng cách lập và gửi giấy đề nghị điều chỉnh thu nộp NSNN (Mẫu 01-7/NS kèm theo QĐ 759/QĐ-BTC ngày 16/4/2013 của Bộ Tài chính) cho cơ quan thuế để kiểm tra, xác nhận thông tin điều chỉnh trên giấy đề nghị điều chỉnh và gửi KBNN để thực hiện điều chỉnh.

Trường hợp sau khi điều chỉnh vẫn còn số tiền thuê đất nộp thừa thì được bù trừ  tự động với số tiền thuê đất phải nộp của lần phát sinh tiếp theo hoặc đơn vị điều chỉnh bù trừ với các loại thuế phải nộp phát sinh trong cùng năm ngân sách bằng cách lập và gửi giấy đề nghị điều chỉnh thu nộp NSNN (Mẫu 01-7/NS). Nếu quá 06 (sáu) tháng kể từ thời điểm phát sinh số tiền thuê đất nộp thừa mà không phát sinh khoản phải nộp tiếp theo, nếu có nhu cầu hoàn thuế thì đơn vị gửi hồ sơ đề nghị hoàn thuế đến cơ quan thuế trực tiếp quản lý để được giải quyết hoàn thuế theo quy định.

Bản tin này chỉ mang tính chất tham khảo, không phải ý kiến tư vấn cụ thể cho bất kì trường hợp nào.

Đăng kí để nhận bản tin từ Gonnapass


Liên hệ tư vấn dịch vụ Kế toán – Thuế – Đào tạo: Ms Huyền – 094 719 2091
Mọi thông tin xin liên hệ:
Công ty TNHH Gonnapass
Phòng 701, tầng 7, toà nhà 3D Center, số 3 Duy Tân, P Dịch Vọng Hậu, Q Cầu Giấy, TP Hà Nội
Email: hotro@gonnapass.com
Website: https://gonnapass.com
Hotline/ Zalo : 0888 942 040
avatar
admin

Nếu bạn thích bài viết, hãy thả tim và đăng ký nhận bản tin của chúng tôi

Ý kiến bình luận

You cannot copy content of this page