Giải đáp vướng mắc thuế nhà thầu – FCT Training Q&A from Tax Office

545

Cục thuế tỉnh Lâm Đồng đã hỗ trợ giải đáp vướng mắc thuế ngày 10/10/2023 về rất nhiều điểm mới cần quan tâm của thuế nhà thầu nước ngoài. Tham khảo bản tin dưới đây

A. KHÁI NIỆM, QUY ĐỊNH CÓ LIÊN QUAN (từ câu 1 đến câu 5)

Câu 1. Thuế nhà thầu là gì?

Trả lời

Thuế nhà thầu là loại thuế áp dụng đối với nhà thầu nước ngoài, nhà thầu phụ nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập phát sinh tại Việt Nam.

[collapse]

Câu 2. Quy định về người nộp thuế (NNT) nhà thầu?

Trả lời

NNT nhà thầu bao gồm:

1. Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài đảm bảo các điều kiện kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập tại Việt Nam.

Việc kinh doanh được tiến hành trên cơ sở hợp đồng nhà thầu với tổ chức, cá nhân Việt Nam hoặc với tổ chức, cá nhân nước ngoài khác đang hoạt động kinh doanh tại Việt Nam trên cơ sở hợp đồng nhà thầu phụ.

Việc xác định Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài có cơ sở thường trú tại Việt Nam, hoặc là đối tượng cư trú tại Việt Nam thực hiện theo quy định của Luật Thuế TNDN, Luật Thuế TNCN và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Trong trường hợp Hiệp định tránh đánh thuế hai lần mà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ký kết có quy định khác về cơ sở thường trú, đối tượng cư trú thì thực hiện theo quy định của Hiệp định đó.

2. Tổ chức được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam, tổ chức đăng ký hoạt động theo pháp luật Việt Nam, tổ chức khác và cá nhân sản xuất kinh doanh:

– Mua dịch vụ, dịch vụ gắn với hàng hoá hoặc trả thu nhập phát sinh tại Việt Nam trên cơ sở hợp đồng nhà thầu hoặc hợp đồng nhà thầu phụ;

– Mua hàng hóa theo hình thức xuất nhập khẩu tại chỗ hoặc theo các điều khoản thương mại quốc tế (Incoterms);

– Thực hiện phân phối hàng hoá, cung cấp dịch vụ thay cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam bao gồm:

+ Các tổ chức kinh doanh được thành lập theo Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và Luật Hợp tác xã;

+ Các tổ chức kinh tế của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, đơn vị vũ trang, tổ chức sự nghiệp và các tổ chức khác;

+ Nhà thầu dầu khí hoạt động theo Luật Dầu khí;

+ Chi nhánh của Công ty nước ngoài được phép hoạt động tại Việt Nam;

+ Tổ chức nước ngoài hoặc đại diện của tổ chức nước ngoài được phép hoạt động tại Việt Nam;

+ Văn phòng bán vé, đại lý tại Việt Nam của Hãng hàng không nước ngoài có quyền vận chuyển đi, đến Việt Nam, trực tiếp vận chuyển hoặc liên danh;

+ Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ vận tải biển của hãng vận tải biển nước ngoài; đại lý tại Việt Nam của Hãng giao nhận kho vận, hãng chuyển phát nước ngoài;

+ Công ty chứng khoán, tổ chức phát hành chứng khoán, công ty quản lý quỹ, ngân hàng thương mại nơi quỹ đầu tư chứng khoán hoặc tổ chức nước ngoài mở tài khoản đầu tư chứng khoán;

+ Các tổ chức khác ở Việt Nam;

– Các cá nhân sản xuất kinh doanh tại Việt Nam.

Lưu ý:

NNT theo hướng dẫn tại khoản 2 (nêu trên) có trách nhiệm khấu trừ số thuế GTGT, thuế TNDN (đối với trường hợp nộp thuế phương pháp trực tiếp) trước khi thanh toán cho Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài. (Theo quy định tại Điều 4 Thông tư số 103/2014/TT-BTC)

[collapse]

Câu 3. Tổ chức, cá nhân ở Việt Nam có liên quan khi mua hàng hoá, dịch vụ của nhà cung cấp ở nước ngoài phải thực hiện nội dung gì?

Trả lời

Tổ chức được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam, tổ chức đăng ký hoạt động theo pháp luật Việt Nam mua hàng hóa, dịch vụ của nhà cung cấp ở nước ngoài hoặc thực hiện phân phối hàng hoá, cung cấp dịch vụ thay cho nhà cung cấp ở nước ngoài mà nhà cung cấp ở nước ngoài không thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam theo quy định tại Điều 76, Điều 77, Điều 78, Điều 79 Thông tư số 80/2021/TT-BTC thì tổ chức mua hàng hoá, dịch vụ hoặc phân phối hàng hoá, dịch vụ thay cho nhà cung cấp ở nước ngoài có nghĩa vụ kê khai, khấu trừ và nộp thuế thay cho nhà cung cấp ở nước ngoài số thuế phải nộp. (Theo quy định tại Điều 81 Thông tư số 80/2021/TT-BTC)

[collapse]

Câu 4. Để thực hiện kê khai, khấu trừ và nộp thuế thay cho nhà cung cấp ở nước ngoài thì tổ chức, cá nhân ở Việt Nam phải làm gì?

Trả lời

Để thực hiện kê khai, khấu trừ và nộp thuế thay cho nhà cung cấp ở nước ngoài thì tổ chức, cá nhân ở Việt Nam thực hiện theo quy định tại Thông tư số 103/2014/TT-BTC ngày 06/8/2014 của Bộ Tài chính. (Theo quy định tại Điều 81 Thông tư số 80/2021/TT-BTC)

[collapse]

Câu 5. Việc thực hiện nghĩa vụ thuế giá trị gia tăng (GTGT) và thu nhập doanh nghiệp (TNDN) của nhà thầu nước ngoài, nhà thầu phụ nước ngoài và nhà cung cấp ở nước ngoài hiện nay được thực hiện theo các quy định nào?

Trả lời

Việc thực hiện nghĩa vụ thuế GTGT và TNDN của nhà thầu nước ngoài, nhà thầu phụ nước ngoài, nhà cung cấp ở nước ngoài hiện nay được thực hiện theo các quy định sau đây:

– Luật Quản lý thuế ngày 13/6/2019;

– Luật Thuế GTGT ngày 03/6/2008 (đã được sửa đổi, bổ sung tại Luật ngày 19/6/2013; Luật ngày 26/11/2014 và Luật ngày 06/4/2016);

– Luật Thuế TNDN ngày 03/6/2008 (đã được sửa đổi, bổ sung tại Luật ngày 19/6/2013; Luật ngày 26/11/2014; Luật ngày 17/6/2020; Luật ngày 14/11/2022; Luật ngày 14/11/2022 và Luật ngày 09/01/2023);

– Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Thuế GTGT (đã được sửa đổi, bổ sung tại các Nghị định số 91/2014/NĐ-CP ngày 01/10/2014; Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12/02/2015; Nghị định số 100/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016; Nghị định số 10/2017/NĐ-CP ngày 09/02/2017; Nghị định số 146/2017/NĐ-CP ngày 15/12/2017 và Nghị định số 49/2022/NĐ-CP ngày 29/7/2022);

– Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Thuế TNDN (đã được sửa đổi, bổ sung tại các Nghị định số 91/2014/NĐ-CP ngày 01/10/2014; Nghị định số 12/2015/NĐ CP ngày 12/02/2015; Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015; Nghị định số 146/2017/NĐ-CP ngày 15/12/2017 và Nghị định số 57/2021/NĐ-CP ngày 04/6/2021);

– Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế (đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 91/2022/NĐ-CP ngày 30/10/2022);

– Thông tư số 103/2014/TT-BTC ngày 06/8/2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ thuế áp dụng đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập tại Việt Nam (tiếp tục được thực hiện theo quy định tại Điều 33 Luật Quản lý thuế ngày 13/6/2019 và Điều 81 Thông tư số 80/2021/TT-BTC ngày 29/9/2021);

– Thông tư số 105/2020/TT-BTC ngày 03/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn về đăng ký thuế;

– Thông tư số 02/2023/TT-BKHĐT ngày 18/4/2023 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2021/TT-BKHĐT ngày 16 tháng 3 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp (theo đó Đăng ký hộ kinh doanh quy định tại Thông tư này là việc hộ kinh doanh đăng ký nội dung về đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế với cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi hộ kinh doanh đặt trụ sở);

– Thông tư số 80/2021/TT-BTC ngày 29/9/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ (đã được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 13/2023/NĐ-CP ngày 28/02/2023 và Thông tư số 43/2023/NĐ-CP ngày 27/6/2023).

[collapse]

B. VỀ ĐĂNG KÝ THUẾ VÀ ĐỊA ĐIỂM NỘP HỒ SƠ KHAI THUẾ (từ câu 6 đến câu 12)

Câu 6. Theo quy định của Luật Quản lý thuế, đối tượng phải thực hiện đăng ký thuế trước khi bắt đầu hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc có phát sinh nghĩa vụ với ngân sách nhà nước là đối tượng nào?

Trả lời

Theo quy định của Luật Quản lý thuế, một trong các đối tượng phải thực hiện đăng ký thuế trước khi bắt đầu hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc có phát sinh nghĩa vụ với ngân sách nhà nước là:

a) Doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thực hiện đăng ký thuế theo cơ chế một cửa liên thông cùng với đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hợp tác xã, đăng ký kinh doanh theo quy định của Luật Doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan;

b) Tổ chức, cá nhân không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 1

Điều 30 Luật Quản lý thuế ngày 13/6/2019 thực hiện đăng ký thuế trực tiếp với cơ quan thuế theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính. (Theo quy định tại khoản 1 Điều 30 Luật Quản lý thuế ngày 13/6/2019)

[collapse]

Câu 7. Theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính, một trong các đối tượng thực hiện đăng ký thuế trực tiếp với cơ quan thuế là gì?

Trả lời

Theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính, một trong các đối tượng thực hiện đăng ký thuế trực tiếp với cơ quan thuế bao gồm:

– Tổ chức nước ngoài không có tư cách pháp nhân tại Việt Nam, cá nhân nước ngoài hành nghề độc lập kinh doanh tại Việt Nam phù hợp với pháp luật Việt Nam có thu nhập phát sinh tại Việt Nam hoặc có phát sinh nghĩa vụ thuế tại Việt Nam (sau đây gọi là Nhà thầu nước ngoài, nhà thầu phụ nước ngoài). (Theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 4 Thông tư số 105/2020/TT-BTC)

– Nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác với tổ chức, cá nhân ở Việt Nam (sau đây gọi là Nhà cung cấp ở nước ngoài). (Theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 4 Thông tư số 105/2020/TT-BTC)

– Doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức kinh tế, tổ chức khác và cá nhân có trách nhiệm khấu trừ và nộp thuế thay cho NNT khác phải kê khai và xác định nghĩa vụ thuế riêng so với nghĩa vụ của NNT theo quy định của pháp luật về quản lý thuế (trừ cơ quan chi trả thu nhập khi khấu trừ, nộp thay thuế thu nhập cá nhân); Ngân hàng thương mại, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán hoặc tổ chức, cá nhân được nhà cung cấp ở nước ngoài ủy quyền có trách nhiệm kê khai, khấu trừ và nộp thuế thay cho nhà cung cấp ở nước ngoài (sau đây gọi là Tổ chức, cá nhân khấu trừ nộp thay).

Lưu ý: Tổ chức chi trả thu nhập khi khấu trừ, nộp thay thuế TNCN sử dụng mã số thuế đã cấp để khai, nộp thuế thu nhập cá nhân khấu trừ, nộp thay. (Theo quy định tại điểm g khoản 2 Điều 4 Thông tư số 105/2020/TT-BTC)

[collapse]

Câu 8. Quy định về hồ sơ đăng ký thuế và địa điểm nộp hồ sơ đăng ký thuế lần đầu đối với NNT là nhà thầu nước ngoài, nhà thầu phụ nước ngoài quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 4 Thông tư 105/2020/TT-BTC?

Trả lời

Đối với NNT là nhà thầu nước ngoài, nhà thầu phụ nước ngoài quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 4 Thông tư số 105/2020/TT-BTC trực tiếp kê khai, nộp thuế nhà thầu hoặc các nghĩa vụ thuế khác trừ thuế nhà thầu do bên Việt Nam khấu trừ, nộp thay theo quy định của pháp luật về quản lý thuế (như: thuế thu nhập cá nhân, lệ phí môn bài…) nộp hồ sơ đăng ký thuế lần đầu tại Cục Thuế nơi đặt trụ sở. Hồ sơ đăng ký thuế gồm:

– Tờ khai đăng ký thuế mẫu số 04-ĐK-TCT ban hành kèm theo Thông tư số 105/2020/TT-BTC;

– Bảng kê các nhà thầu nước ngoài, nhà thầu phụ nước ngoài mẫu số BK04-ĐK-TCT ban hành kèm theo Thông tư số 105/2020/TT-BTC (nếu có);

– Bản sao Giấy xác nhận đăng ký văn phòng Điều hành; hoặc Văn bản tương đương do cơ quan có thẩm quyền cấp (nếu có). (Theo quy định tại khoản 4 Điều 7 Thông tư số 105/2020/TT-BTC)

[collapse]

Câu 9. Theo quy định của Luật Quản lý thuế, thời hạn đăng ký thuế lần đầu đối với NNT đăng ký thuế trực tiếp với cơ quan thuế là thời hạn nào?

Trả lời

NNT đăng ký thuế trực tiếp với cơ quan thuế thì thời hạn đăng ký thuế là 10 ngày làm việc kể từ ngày sau đây:

– Phát sinh trách nhiệm khấu trừ thuế và nộp thuế thay; tổ chức nộp thay cho cá nhân theo hợp đồng, văn bản hợp tác kinh doanh;

– Ký hợp đồng nhận thầu đối với nhà thầu, nhà thầu phụ nước ngoài kê khai nộp thuế trực tiếp với cơ quan thuế;

– Phát sinh nghĩa vụ khác với ngân sách nhà nước. (Theo quy định tại điểm c, d, g khoản 2 Điều 33 Luật Quản lý thuế ngày 13/6/2019)

[collapse]

Câu 10. Quy định về hồ sơ đăng ký thuế và địa điểm nộp hồ sơ đăng ký thuế lần đầu đối với NNT là tổ chức, cá nhân khấu trừ nộp thay theo quy định tại điểm g khoản 2 Điều 4 Thông tư 105/2020/TT-BTC?

Trả lời

1. Tổ chức, cá nhân khấu trừ nộp thay cho nhà thầu nước ngoài, nhà thầu phụ nước ngoài nộp hồ sơ đăng ký thuế tại cơ quan thuế quản lý trực tiếp. Hồ sơ đăng ký thuế gồm:

– Tờ khai đăng ký thuế mẫu số 04.1-ĐK-TCT ban hành kèm theo Thông tư số 105/2020/TT-BTC;

– Bảng kê các hợp đồng nhà thầu nước ngoài, nhà thầu phụ nước ngoài nộp thuế thông qua Bên Việt Nam mẫu số 04.1-ĐK-TCT-BK.

2. Ngân hàng thương mại, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán hoặc tổ chức, cá nhân được nhà cung cấp ở nước ngoài ủy quyền có trách nhiệm khấu trừ và nộp thuế thay cho nhà cung cấp ở nước ngoài nộp hồ sơ đăng ký thuế tại cơ quan thuế quản lý trực tiếp. Hồ sơ đăng ký thuế gồm: Tờ khai đăng ký thuế mẫu số 04.1 -ĐK-TCT ban hành kèm theo Thông tư số 105/2020/TT-BTC. (Theo quy định tại điểm a, c khoản 6 Điều 7 Thông tư số 105/2020/TT-BTC)

[collapse]

Câu 11. Quy định về đăng ký thực hiện giao dịch thuế điện tử đối với NNT là nhà cung cấp ở nước ngoài quy định tại điểm e khoản 2 Điều 4 Thông tư 105/2020/TT-BTC?

Trả lời

– Nhà cung cấp ở nước ngoài thực hiện đăng ký giao dịch thuế điện tử cùng với đăng ký thuế lần đầu thông qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế khi đăng ký giao dịch điện tử, đảm bảo đáp ứng các điều kiện sau: Có khả năng truy cập và sử dụng mạng Internet; có địa chỉ thư điện tử để giao dịch với cơ quan thuế quản lý trực tiếp.

– Nhà cung cấp ở nước ngoài đăng ký một địa chỉ thư điện tử chính thức để nhận tất cả các thông báo trong quá trình thực hiện giao dịch điện tử với cơ quan thuế quản lý trực tiếp.

– Sau khi thực hiện thành công thủ tục đăng ký thuế lần đầu, Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế gửi thông tin về tài khoản giao dịch điện tử và mã số thuế vào địa chỉ thư điện tử của NNT đã đăng ký để thực hiện các thủ tục về thuế trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế. (Theo quy định tại Điều 74 Thông tư số 80/2021/TT-BTC ngày 19/9/2021 của Bộ Tài chính)

[collapse]

Câu 12. Quy định về đăng ký thuế trực tiếp của nhà cung cấp ở nước ngoài quy định tại điểm e khoản 2 Điều 4 Thông tư 105/2020/TT-BTC?

Trả lời

1. Hồ sơ đăng ký thuế lần đầu:

Nhà cung cấp ở nước ngoài thực hiện đăng ký thuế trực tiếp theo mẫu số 01/NCCNN ban hành kèm theo phụ lục I Thông tư số 80/2021/TT-BTC trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.

2. Hồ sơ thay đổi thông tin đăng ký thuế:

Nhà cung cấp ở nước ngoài nộp hồ sơ thay đổi thông tin đăng ký thuế theo mẫu số 01-1/NCCNN ban hành kèm theo phụ lục I Thông tư số 80/2021/TT-BTC cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.

3. Nhà cung cấp ở nước ngoài sử dụng mã xác thực giao dịch điện tử do cơ quan thuế quản lý cấp qua Cổng Thông tin điện tử của Tổng cục Thuế để xác thực khi đăng ký thuế. (Theo quy định tại Điều 76 Thông tư số 80/2021/TT-BTC)

[collapse]

C. CÁC LOẠI THUẾ ÁP DỤNG ĐỐI VỚI NHÀ THẦU NƯỚC NGOÀI, NHÀ THẦU PHỤ NƯỚC NGOÀI (từ câu 13 đến câu 15)

Câu 13. Các loại thuế áp dụng đối với Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài?

Trả lời

Các loại thuế áp dụng đối với Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài bao gồm:

1. Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài là tổ chức kinh doanh thực hiện nghĩa vụ thuế GTGT, thuế TNDN theo hướng dẫn tại Thông tư 103/2014/TT-BTC.

2. Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài là cá nhân nước ngoài kinh doanh thực hiện nghĩa vụ thuế GTGT theo hướng dẫn tại Thông tư 103/2014/TT-BTC, thuế TNCN theo pháp luật về thuế TNCN.

3. Đối với các loại thuế, phí và lệ phí khác, Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài thực hiện theo các văn bản pháp luật về thuế, phí và lệ phí khác hiện hành. (Theo quy định tại Điều 5 Thông tư số 103/2014/TT-BTC)

[collapse]

Câu 14. Đối tượng chịu thuế GTGT do Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài cung cấp trên cơ sở hợp đồng nhà thầu, hợp đồng nhà thầu phụ sử dụng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng tại Việt Nam (trừ trường hợp quy định tại Điều 2 Chương I Thông tư số 103/2014/TT-BTC)?

Trả lời

Đối tượng chịu thuế GTGT do Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài cung cấp trên cơ sở hợp đồng nhà thầu, hợp đồng nhà thầu phụ sử dụng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng tại Việt Nam (trừ trường hợp quy định tại Điều 2 Chương I), bao gồm:

– Dịch vụ hoặc dịch vụ gắn với hàng hoá thuộc đối tượng chịu thuế GTGT do Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài cung cấp tại Việt Nam và tiêu dùng tại Việt Nam;

– Dịch vụ hoặc dịch vụ gắn với hàng hoá thuộc đối tượng chịu thuế GTGT do Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài cung cấp ngoài Việt Nam và tiêu dùng tại Việt Nam.

Lưu ý:

Trường hợp hàng hoá được cung cấp theo hợp đồng dưới hình thức: điểm giao nhận hàng hoá nằm trong lãnh thổ Việt Nam (trừ trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 2 Chương I Thông tư số 103/2014/TT-BTC); hoặc việc cung cấp hàng hóa có kèm theo dịch vụ tiến hành tại Việt Nam như lắp đặt, chạy thử, bảo hành, bảo dưỡng, thay thế, các dịch vụ khác đi kèm với việc cung cấp hàng hoá (bao gồm cả trường hợp dịch vụ kèm theo miễn phí), kể cả trường hợp việc cung cấp các dịch vụ nêu trên có hoặc không nằm trong giá trị của hợp đồng cung cấp hàng hóa thì giá trị hàng hoá chỉ phải chịu thuế GTGT khâu nhập khẩu theo quy định, phần giá trị dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT theo hướng dẫn tại Thông tư số 103/2014/TT-BTC. Trường hợp hợp đồng không tách riêng được giá trị hàng hoá và giá trị dịch vụ đi kèm (bao gồm cả trường hợp dịch vụ kèm theo miễn phí) thì thuế GTGT được tính chung cho cả hợp đồng. (Theo quy định tại Điều 12 Thông tư số 103/2014/TT-BTC)

[collapse]

Câu 15. Thu nhập chịu thuế TNDN của Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài là thu nhập nào?

Trả lời

Thu nhập chịu thuế TNDN của Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài là thu nhập phát sinh từ hoạt động cung cấp, phân phối hàng hoá; cung cấp dịch vụ, dịch vụ gắn với hàng hoá tại Việt Nam trên cơ sở hợp đồng nhà thầu, hợp đồng nhà thầu phụ (trừ trường hợp quy định tại Điều 2 Chương I Thông tư số 103/2014/TT-BTC).

Lưu ý:

Trường hợp hàng hoá được cung cấp dưới hình thức: điểm giao nhận hàng hoá nằm trong lãnh thổ Việt Nam (trừ trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 2 Chương I Thông tư số 103/2014/TT-BTC); hoặc việc cung cấp hàng hóa có kèm theo một số dịch vụ tiến hành tại Việt Nam như dịch vụ quảng cáo tiếp thị (marketing), hoạt động xúc tiến thương mại, dịch vụ sau bán hàng, dịch vụ lắp đặt, chạy thử, bảo hành, bảo dưỡng, thay thế và các dịch vụ khác đi kèm với việc cung cấp hàng hoá (bao gồm cả trường hợp dịch vụ kèm theo miễn phí), kể cả trường hợp việc cung cấp các dịch vụ nêu trên có hoặc không nằm trong giá trị của hợp đồng cung cấp hàng hóa thì thu nhập chịu thuế TNDN của Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài là toàn bộ giá trị hàng hoá, dịch vụ. (Theo quy định tại Điều 13 Thông tư số 103/2014/TT-BTC)

[collapse]

D. VỀ KHAI THUẾ, TÍNH THUẾ (từ câu 16 đến câu 22)

Câu 16. Quy định hiện nay về khai thuế, tính thuế đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập tại Việt Nam?

Trả lời

1. Khai theo từng lần phát sinh: Thuế GTGT, TNDN của nhà thầu nước ngoài áp dụng theo phương pháp trực tiếp; thuế TNDN của nhà thầu nước ngoài áp dụng theo phương pháp hỗn hợp.

Lưu ý: Trường hợp bên Việt Nam thanh toán tiền cho nhà thầu nước ngoài nhiều lần trong tháng thì được khai theo tháng thay cho việc khai theo từng lần phát sinh.

2. Quyết toán khi kết thúc hợp đồng nhà thầu: Thuế GTGT, TNDN theo phương pháp trực tiếp của nhà thầu nước ngoài; thuế TNDN theo phương pháp hỗn hợp của nhà thầu nước ngoài.

3. Quyết toán theo năm: thuế TNDN theo phương pháp kê khai của nhà thầu nước ngoài. (Theo quy định tại điểm n khoản 4 và điểm e khoản 6 Điều 8 Nghị định 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ)

[collapse]

Câu 17. Các phương pháp kê khai, nộp thuế áp dụng đối với Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài theo quy định hiện nay?

Trả lời

Theo quy định hiện nay, có 03 phương pháp kê khai, nộp thuế áp dụng đối với Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài là:

1. Phương pháp kê khai: nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ, nộp thuế TNDN trên cơ sở kê khai doanh thu, chi phí để xác định thu nhập chịu thuế.

2. Phương pháp trực tiếp: nộp thuế GTGT, nộp thuế TNDN theo phương pháp tỷ lệ tính trên doanh thu.

3. Phương pháp hỗn hợp: nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ, nộp thuế TNDN theo tỷ lệ % tính trên doanh thu. (Theo quy định tại Điều 8, Điều 11 và Điều 14 Thông tư số 103/2014/TT-BTC)

[collapse]

Câu 18. Quy định chi tiết về nộp thuế theo phương pháp kê khai?

Trả lời

1. Đối tượng và điều kiện áp dụng

Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài đáp ứng đủ các điều kiện sau:

– Có cơ sở thường trú tại Việt Nam, hoặc là đối tượng cư trú tại Việt Nam;

– Thời hạn kinh doanh tại Việt Nam theo hợp đồng nhà thầu, hợp đồng nhà thầu phụ từ 183 ngày trở lên kể từ ngày hợp đồng nhà thầu, hợp đồng nhà thầu phụ có hiệu lực;

– Áp dụng chế độ kế toán Việt Nam và thực hiện đăng ký thuế, được cơ quan thuế cấp mã số thuế.

2. Thuế GTGT

Thực hiện theo quy định của Luật Thuế GTGT và các văn bản hướng dẫn thi hành.

3. Thuế TNDN

Thực hiện theo quy định của Luật Thuế TNDN và các văn bản hướng dẫn thi hành. (Theo quy định tại Điều 8, Điều 9 và Điều 10 Thông tư số 103/2014/TT-BTC)

[collapse]

Câu 19. Quy định chi tiết về nộp thuế theo phương pháp trực tiếp?

Trả lời

1. Đối tượng và điều kiện áp dụng

Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài không đáp ứng được một trong các điều kiện sau:

– Có cơ sở thường trú tại Việt Nam, hoặc là đối tượng cư trú tại Việt Nam;

– Thời hạn kinh doanh tại Việt Nam theo hợp đồng nhà thầu, hợp đồng nhà thầu phụ từ 183 ngày trở lên kể từ ngày hợp đồng nhà thầu, hợp đồng nhà thầu phụ có hiệu lực;

– Áp dụng chế độ kế toán Việt Nam và thực hiện đăng ký thuế, được cơ

quan thuế cấp mã số thuế.

2. Thuế GTGT

Căn cứ tính thuế là doanh thu tính thuế GTGT và tỷ lệ % để tính thuế GTGT trên doanh thu.

Số thuế GTGT phải nộp = Doanh thu tính thuế GTGT x Tỷ lệ % để tính thuếGTGT trên doanh thu

      Lưu ý: Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài thuộc đối tượng nộp thuế GTGT theo phương pháp tính trực tiếp trên GTGT không được khấu trừ thuế GTGT đối với hàng hóa, dịch vụ mua vào để thực hiện hợp đồng nhà thầu, hợp đồng nhà thầu phụ.

2.1. Doanh thu tính thuế GTGT

Doanh thu tính thuế GTGT là toàn bộ doanh thu do cung cấp dịch vụ, dịch vụ gắn với hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế GTGT mà Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài nhận được, chưa trừ các khoản thuế phải nộp, kể cả các khoản chi phí do Bên Việt Nam trả thay Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài (nếu có).

2.2. Tỷ lệ % để tính thuế GTGT trên doanh thu

– Tỷ lệ % để tính thuế GTGT trên doanh thu đối với ngành kinh doanh:

STT                   Ngành kinh doanh                        Tỷ lệ % để tính thuế GTGT

  1.    Dịch vụ, cho thuê máy móc thiết bị,                               5

bảo hiểm; xây dựng, lắp đặt không

bao thầu nguyên vật liệu, máy móc,

thiết bị

  1.   Sản xuất, vận tải, dịch vụ có gắn với                                  3

hàng hóa; xây dựng, lắp đặt có bao

thầu nguyên vật liệu, máy móc,

thiết bị

3         Hoạt động kinh doanh khác                                                2

      – Lưu ý:

+ Đối với các hợp đồng nhà thầu, hợp đồng nhà thầu phụ bao gồm nhiều hoạt động kinh doanh khác nhau hoặc một phần giá trị hợp đồng không thuộc diện chịu thuế GTGT, việc áp dụng tỷ lệ % để tính thuế GTGT trên doanh thu khi xác định số thuế GTGT phải nộp căn cứ vào doanh thu tính thuế GTGT đối với từng hoạt động kinh doanh do Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài thực hiện theo quy định tại hợp đồng nhà thầu, hợp đồng nhà thầu phụ.

Trường hợp không tách riêng được giá trị từng hoạt động kinh doanh thì áp dụng tỷ lệ % để tính thuế GTGT trên doanh thu cao nhất đối với ngành nghề kinh doanh cho toàn bộ giá trị hợp đồng.

+ Riêng đối với hoạt động xây dựng, lắp đặt có bao thầu nguyên vật liệu hoặc máy móc, thiết bị đi kèm công trình xây dựng:

++ Trường hợp hợp đồng nhà thầu tách riêng được giá trị từng hoạt động kinh doanh thì Nhà thầu nước ngoài không phải nộp thuế GTGT trên giá trị nguyên vật liệu hoặc máy móc, thiết bị đã nộp thuế GTGT ở khâu nhập khẩu hoặc thuộc diện không chịu thuế GTGT; đối với từng phần giá trị công việc còn lại theo hợp đồng thì áp dụng tỷ lệ % để tính thuế GTGT trên doanh thu tương ứng với hoạt động kinh doanh đó. Trường hợp hợp đồng nhà thầu không tách riêng được giá trị từng hoạt động kinh doanh thì áp dụng tỷ lệ % để tính thuế GTGT trên doanh thu là 3% tính trên toàn bộ giá trị hợp đồng (bao gồm cả giá trị nguyên vật liệu hoặc máy móc, thiết bị nhập khẩu).

++ Trường hợp Nhà thầu nước ngoài ký hợp đồng với các Nhà thầu phụ để giao lại toàn bộ các phần giá trị công việc hoặc hạng mục có bao thầu nguyên vật liệu hoặc máy móc, thiết bị, Nhà thầu nước ngoài chỉ thực hiện phần giá trị dịch vụ còn lại theo hợp đồng nhà thầu thì tỷ lệ % để tính thuế GTGT được áp dụng đối với ngành nghề dịch vụ (5%).

+ Đối với hợp đồng cung cấp máy móc thiết bị có kèm theo các dịch vụ thực hiện tại Việt Nam, nếu tách riêng được giá trị máy móc thiết bị và giá trị các dịch vụ khi xác định số thuế GTGT phải nộp thì áp dụng tỷ lệ % để tính thuế GTGT trên doanh thu của từng phần giá trị hợp đồng. Trường hợp trong hợp đồng không tách riêng được giá trị máy móc thiết bị và giá trị các dịch vụ thì áp dụng tỷ lệ % để tính thuế GTGT trên doanh thu tính thuế là 3%.

3. Thuế TNDN

Căn cứ tính thuế là doanh thu tính thuế TNDN và tỷ lệ (%) thuế TNDN tính trên doanh thu tính thuế.

Số thuếTNDN phải nộp = Doanh thu tính thuế TNDN  x Tỷ lệ thuế TNDN tính trên doanh thu tính thuế

3.1. Doanh thu tính thuế TNDN

Doanh thu tính thuế TNDN là toàn bộ doanh thu không bao gồm thuế GTGT mà Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài nhận được, chưa trừ các khoản thuế phải nộp. Doanh thu tính thuế TNDN được tính bao gồm cả các khoản chi phí do Bên Việt Nam trả thay Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài (nếu có).

3.2. Tỷ lệ (%) thuế TNDN tính trên doanh thu tính thuế

– Tỷ lệ (%) thuế TNDN tính trên doanh thu tính thuế đối với ngành kinh doanh:

STT

 

 

Ngành kinh doanh Tỷ lệ (%) thuế TNDN tính                                                                Trên doanh thu tính thuế

 

 

 

1

Thương mại: phân phối, cung cấp hàng hoá,nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị; phân phối, cung cấp hàng hoá, nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị gắn với dịch vụ tại Việt Nam (bao gồm cả cung cấp hàng hoá theo hình thức xuất nhập khẩu tại chỗ (trừ trường hợp gia công hàng hóa cho tổ chức,cá nhân nước ngoài); cung cấp hàng hoá theo điều kiện giao hàng của Các điều khoản thương mại quốc tế – Incoterms) 1
2 Dịch vụ, cho thuê máy móc thiết bị, bảo

hiểm, thuê giàn khoan 5

Riêng:

– Dịch vụ quản lý nhà hàng, khách sạn,casino;

– Dịch vụ tài chính phái sinh 2

5

 

 

10

2

3 Cho thuê tàu bay, động cơ tàu bay, phụ tùng tàu bay, tàu biển 2
4 Xây dựng, lắp đặt có bao thầu hoặc không bao thầu nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị 2
5 Hoạt động sản xuất, kinh doanh khác, vận chuyển (bao gồm vận chuyển đường biển, vận chuyển hàng không) 2
6 Chuyển nhượng chứng khoán, chứng chỉ tiền gửi, tái bảo hiểm ra nước ngoài, hoahồng nhượng tái bảo hiểm 0,1
7 Lãi tiền vay 5
8 Thu nhập bản quyền 10

– Lưu ý:

+ Đối với các hợp đồng nhà thầu, hợp đồng nhà thầu phụ bao gồm nhiều hoạt động kinh doanh khác nhau, việc áp dụng tỷ lệ thuế TNDN tính trên doanh thu tính thuế khi xác định số thuế TNDN phải nộp căn cứ vào doanh thu chịu thuế TNDN đối với từng hoạt động kinh doanh do Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài thực hiện theo quy định tại hợp đồng. Trường hợp không tách riêng được giá trị từng hoạt động kinh doanh thì áp dụng tỷ lệ thuế TNDN đối với ngành nghề kinh doanh có tỷ lệ thuế TNDN cao nhất cho toàn bộ giá trị hợp đồng.

+ Riêng đối với hoạt động xây dựng, lắp đặt có bao thầu nguyên vật liệu hoặc máy móc, thiết bị đi kèm công trình xây dựng:

++ Trường hợp hợp đồng nhà thầu tách riêng giá trị từng hoạt động kinh doanh thì từng phần giá trị công việc theo hợp đồng được áp dụng tỷ lệ % thuế TNDN trên doanh thu tương ứng với hoạt động kinh doanh đó.

++ Trường hợp hợp đồng nhà thầu không tách riêng giá trị từng hoạt động kinh doanh thì thì tỷ lệ % thuế TNDN tính trên doanh thu tính thuế là 2% trên toàn bộ giá trị hợp đồng.

++ Trường hợp Nhà thầu nước ngoài ký hợp đồng với các Nhà thầu phụ để giao lại toàn bộ các phần giá trị công việc hoặc hạng mục có bao thầu nguyên vật liệu hoặc máy móc, thiết bị, Nhà thầu nước ngoài chỉ thực hiện phần giá trị dịch vụ còn lại theo hợp đồng nhà thầu thì tỷ lệ % thuế TNDN tính trên doanh thu tính thuế TNDN được áp dụng đối với ngành nghề dịch vụ (5%).

+ Đối với hợp đồng cung cấp máy móc thiết bị có kèm theo các dịch vụ thực hiện tại Việt Nam, nếu tách riêng được giá trị máy móc thiết bị và giá trị các dịch vụ thì tính thuế theo tỷ lệ thuế riêng của từng phần giá trị hợp đồng.

Trường hợp trong hợp đồng không tách riêng được giá trị máy móc thiết bị và giá trị các dịch vụ thì áp dụng tỷ lệ thuế TNDN trên doanh thu tính thuế là 2%. (Theo quy định tại Điều 11, Điều 12 và Điều 13 Thông tư số 103/2014/TT-BTC)

[collapse]

Câu 20. Quy định chi tiết về nộp thuế theo phương pháp hỗn hợp?

Trả lời

1. Đối tượng và điều kiện áp dụng

Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài nếu đáp ứng đủ hai điều kiện nêu tại khoản 1 và khoản 2 Điều 8 Mục 2 Chương II và tổ chức hạch toán kế toán theo quy định của pháp luật về kế toán và hướng dẫn của Bộ Tài chính thì đăng ký với cơ quan thuế để thực hiện nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ và nộp thuế TNDN theo tỷ lệ % tính trên doanh thu tính thuế.

2. Thuế GTGT

Thực hiện theo quy định của Luật Thuế GTGT và các văn bản hướng dẫn thi hành.

3. Thuế TNDN

Thực hiện như khoản 3 Câu 19 (ở trên). (Theo quy định tại Điều 14, Điều 15 và Điều 16 Thông tư số 103/2014/TT-BTC)

[collapse]

Câu 21. Quy định về khai thuế, tính thuế trực tiếp của nhà cung cấp ở nước ngoài quy định tại điểm e khoản 2 Điều 4 Thông tư 105/2020/TT-BTC?

Trả lời

1. Nhà cung cấp ở nước ngoài thực hiện khai thuế trực tiếp tại Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế, sử dụng mã xác thực giao dịch điện tử do cơ quan thuế quản lý cấp qua Cổng Thông tin điện tử của Tổng cục Thuế và gửi hồ sơ khai thuế điện tử cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp, như sau:

a) Khai thuế đối với nhà cung cấp ở nước ngoài là loại thuế khai và nộp theo quý.

b) Tờ khai thuế điện tử theo mẫu số 02/NCCNN ban hành kèm theo phụ lục I Thông tư số 80/2021/TT-BTC.

c) Nhà cung cấp ở nước ngoài nộp thuế GTGT, thuế TNDN theo phương pháp tỷ lệ tính trên doanh thu.

c.1) Doanh thu tính thuế GTGT là doanh thu mà nhà cung cấp ở nước ngoài nhận được.

c.2) Doanh thu tính thuế TNDN là doanh thu mà nhà cung cấp ở nước ngoài nhận được.

d) Tỷ lệ phần trăm để tính thuế GTGT trên doanh thu theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 8 Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật thuế GTGT.

đ) Tỷ lệ phần trăm để tính thuế TNDN trên doanh thu theo quy định tại khoản 3 Điều 11 Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật thuế TNDN.

2. Trường hợp sau khi hoàn thành thủ tục khai thuế, nộp thuế, nhà cung cấp ở nước ngoài phát hiện có sai, sót thì thực hiện kê khai điều chỉnh số thuế phải nộp phát sinh tại Việt Nam theo mẫu số 02/NCCNN ban hành kèm theo phụ lục I Thông tư số 80/2021/TT-BTC.

3. Nguyên tắc xác định doanh thu phát sinh tại Việt Nam để kê khai, tính thuế như sau:

a) Các loại thông tin được sử dụng để xác định giao dịch của tổ chức, cá nhân mua hàng hoá, dịch vụ phát sinh tại Việt Nam như sau:

a.1) Thông tin liên quan đến việc thanh toán của tổ chức, cá nhân tại Việt Nam, như thông tin về thẻ tín dụng dựa trên số nhận dạng ngân hàng (BIN), thông tin tài khoản ngân hàng hoặc các thông tin tương tự mà tổ chức, cá nhân mua hàng sử dụng để thanh toán với nhà cung cấp ở nước ngoài.

a.2) Thông tin về tình trạng cư trú của tổ chức (cá nhân) tại Việt Nam (thông tin địa chỉ thanh toán, địa chỉ giao hàng, địa chỉ nhà hoặc các thông tin tương tự mà tổ chức (cá nhân) mua hàng khai báo với nhà cung cấp ở nước ngoài).

a.3) Thông tin về truy cập của tổ chức (cá nhân) tại Việt Nam, như thông tin về mã vùng điện thoại quốc gia của thẻ SIM, địa chỉ IP, vị trí đường dây điện thoại cố định hoặc các thông tin tương tự của tổ chức, cá nhân mua hàng.

b) Khi xác định một giao dịch phát sinh tại Việt Nam để kê khai, tính thuế, nhà cung cấp ở nước ngoài thực hiện như sau:

b.1) Sử dụng 02 thông tin không mâu thuẫn nhau bao gồm một thông tin liên quan đến việc thanh toán của tổ chức (cá nhân) tại Việt Nam và một thông tin về tình trạng cư trú hoặc thông tin về truy cập của tổ chức, cá nhân tại Việt Nam nêu trên.

b.2) Trong trường hợp liên quan đến việc thanh toán của tổ chức, cá nhân không thu thập được hoặc mâu thuẫn với thông tin còn lại, nhà cung cấp ở nước ngoài được phép sử dụng 02 thông tin không mâu thuẫn nhau bao gồm một thông tin về tình trạng cư trú và một thông tin về truy cập của tổ chức, cá nhân tại Việt Nam.

4. Nhà cung cấp ở nước ngoài sử dụng mã xác thực giao dịch điện tử do cơ quan thuế quản lý trực tiếp cấp để xác thực khi kê khai, điều chỉnh.

5. Sau khi nhà cung cấp ở nước ngoài thực hiện khai thuế, kê khai điều chỉnh (nếu có), cơ quan thuế quản lý trực tiếp cấp và thông báo cho nhà cung cấp ở nước ngoài mã định danh khoản phải nộp ngân sách nhà nước để làm cơ sở cho nhà cung cấp ở nước ngoài nộp thuế.

6. Nhà cung cấp nước ngoài có trách nhiệm lưu trữ các thông tin được sử dụng để xác định giao dịch của tổ chức, cá nhân mua hàng phát sinh tại Việt Nam theo quy định tại khoản 3 Điều này (Điều 77 Thông tư số 80/2021/TT- BTC) phục vụ công tác thanh, kiểm tra của cơ quan thuế. Việc lưu trữ thực hiện theo các quy định có liên quan của Luật Quản lý thuế.

7. Trường hợp nhà cung cấp ở nước ngoài thuộc nước hoặc vùng lãnh thổ đã ký kết Hiệp định thuế với Việt Nam thì thực hiện thủ tục miễn thuế, giảm thuế theo Hiệp định tránh đánh thuế hai lần theo quy định tại Điều 62 Thông tư số 80/2021/TT-BTC.

Theo quy định tại Điều 77 Thông tư số 80/2021/TT-BTC)

[collapse]

Câu 22. Quy định về nộp thuế trực tiếp của nhà cung cấp ở nước ngoài quy định tại điểm e khoản 2 Điều 4 Thông tư 105/2020/TT-BTC?

Trả lời

1. Đối với nhà cung cấp ở nước ngoài, sau khi nhận được mã định danh khoản phải nộp ngân sách nhà nước do cơ quan thuế quản lý trực tiếp thông báo,nhà cung cấp ở nước ngoài thực hiện nộp thuế bằng đồng ngoại tệ tự do chuyển đổi vào tài khoản thu ngân sách nhà nước theo thông báo trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế, trong đó đảm bảo ghi đúng mã định danh khoản phải nộp ngân sách nhà nước do cơ quan thuế quản lý trực tiếp gửi.

2. Trường hợp nhà cung cấp ở nước ngoài nộp thừa so với số thuế phải nộp theo tờ khai thì nhà cung cấp ở nước ngoài được bù trừ với số thuế phải nộp ở kỳ tính thuế tiếp theo. (Theo quy định tại Điều 78 Thông tư số 80/2021/TT-BTC)

[collapse]

E. VỀ ỦY QUYỀN ĐĂNG KÝ THUẾ, KHAI THUẾ, NỘP THUẾ (câu 23)

Câu 23. Quy định về ủy quyền thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam của nhà cung cấp ở nước ngoài?

Trả lời

1. Trường hợp nhà cung cấp ở nước ngoài thực hiện ủy quyền cho tổ chức, đại lý thuế hoạt động theo pháp luật Việt Nam (sau đây gọi là bên được ủy quyền), thì bên được ủy quyền có trách nhiệm thực hiện các thủ tục về thuế (đăng ký thuế, kê khai, nộp thuế) theo hợp đồng đã ký với nhà cung cấp ở nước ngoài. Căn cứ vào phạm vi ủy quyền, trách nhiệm của mỗi bên quy định tại hợp đồng ủy quyền, bên được ủy quyền thực hiện thủ tục về thuế tương ứng quy định tại Điều 76, Điều 77 và Điều 78 Thông tư số 80/2021/TT-BTC đối với nhà cung cấp ở nước ngoài.

2. Trường hợp nhà cung cấp nước ngoài đã trực tiếp đăng ký thuế, kê khai, nộp thuế tại Việt Nam mà chuyển sang uỷ quyền cho tổ chức, đại lý thuế kê khai, nộp thuế thay thì chậm nhất 05 ngày làm việc trước ngày hợp đồng ủy quyền có hiệu lực, nhà cung cấp ở nước ngoài phải thông báo cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp bằng cách thay đổi thông tin theo mẫu số 01-1/NCCNN ban hành kèm theo phụ lục I Thông tư số 80/2021/TT-BTC và gửi kèm theo tài liệu có liên quan.

a) Nhà cung cấp nước ngoài có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác các chứng từ, hồ sơ, tài liệu và thông tin cần thiết liên quan tới việc làm thủ tục về thuế theo hợp đồng đã ký kết giữa hai bên.

b) Trường hợp nhà cung cấp ở nước ngoài ký hợp đồng ủy quyền với đại lý thuế thì người đại diện theo pháp luật của đại lý thuế ký tên, đóng dấu vào phần đại diện hợp pháp của NNT trên văn bản, hồ sơ giao dịch với cơ quan thuế.

Trên tờ khai thuế phải ghi đầy đủ họ tên và số chứng chỉ hành nghề của nhân viên đại lý thuế. Các văn bản, hồ sơ giao dịch đại lý thuế thực hiện chỉ trong phạm vi công việc thủ tục về thuế được ủy quyền nêu trong hợp đồng dịch vụ làm thủ tục về thuế đã ký.

3. Bên được ủy quyền có trách nhiệm cung cấp chính xác, kịp thời theo yêucầu của cơ quan thuế các tài liệu, chứng từ để chứng minh tính chính xác của việc khai thuế, nộp thuế, đề nghị số tiền thuế được miễn, số tiền thuế được giảm (nếu có).

4. Cơ quan quản lý thuế trực tiếp có trách nhiệm cung cấp tài khoản và mật khẩu đăng nhập Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế cho bên được ủy quyền để thực hiện thủ tục về thuế được ủy quyền và gửi các thông báo liên quan đến thủ tục về thuế được ủy quyền trong quá trình thực hiện giao dịch điện tử đến địa chỉ thư điện tử của bên được ủy quyền. (Theo quy định tại Điều 79 Thông tư số 80/2021/TT-BTC)

[collapse]

Bản tin này chỉ mang tính chất tham khảo, không phải ý kiến tư vấn cụ thể cho bất kì trường hợp nào.

Đăng kí để nhận bản tin từ Gonnapass

Liên hệ tư vấn dịch vụ Kế toán – Thuế – Đào tạo: Ms Huyền – 094 719 2091

Tham khảo dịch vụ tư vấn từng lần – giải quyết các nỗi lo rủi ro thuế

Mọi thông tin xin liên hệ:

Công ty TNHH Gonnapass

Phòng 701, tầng 7, toà nhà 3D Center, số 3 Duy Tân, P Dịch Vọng Hậu, Q Cầu Giấy, TP Hà Nội

Email: hotro@gonnapass.com

Facebook: https://www.facebook.com/gonnapassbeyondyourself/

Group Facebook chia sẻ mẫu biểu: https://www.facebook.com/groups/congvanketoan

Group Zalo chia sẻ miễn phí: https://zalo.me/g/xefwrd200

Website: https://gonnapass.com

Hotline/ Zalo : 0888 942 040

avatar
admin

Nếu bạn thích bài viết, hãy thả tim và đăng ký nhận bản tin của chúng tôi

Ý kiến bình luận

You cannot copy content of this page