Hồ sơ chi phí mua cát đá sỏi và rủi ro thuế khoáng sản làm vật liệu xây dựng

12

Nhiều doanh nghiệp mua hàng hóa dịch vụ vật liệu xây dựng thông thường như đầt, cát, đá, sỏi… nhưng không biết cách hạn chế tối đa rủi ro gặp phải khi phát sinh hoạt động khai thác, kinh doanh, sử dụng các khoáng sản. Cơ quan thuế thông tin về một số quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để doanh nghiệp, tổ chức, hộ cá nhân trên địa bàn tỉnh nắm bắt, tuân thủ.

Thảo luận Topic tại: https://www.facebook.com/groups/congvanketoan/

Rủi ro loại chi phí

Doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân mua hàng hóa là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường như đất, cát, đá, sỏi cần lưu ý chỉ mua của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đủ điều kiện và đã đăng ký kinh doanh được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy phép khai thác khoáng sản. Doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân chỉ được tiến hành hoạt động khoáng sản khi được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho phép;

Doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường như đất, cát, đá, sỏi để làm vật liệu san lấp, xây dựng công trình phải thực hiện đăng ký kinh doanh và chỉ được kinh doanh khoáng sản có nguồn gốc hợp pháp theo quy định của Pháp luật. Trường hợp doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân mua, bán, vận chuyển, tàng trữ, tiêu thụ khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp sẽ bị xử phạt theo quy định, đồng thời hóa đơn mua bán khoáng sản có nguồn gốc không hợp pháp thì không được chấp nhận là hóa đơn chứng từ hợp pháp, không được khấu trừ thuế giá trị gia tăng và không được tính vào chi phí hợp lý khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp.

Trích dẫn công văn 114/TCT-CS, 445/TCT-CS

1) Về thuế tài nguyên, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân:

Căn cứ quy định nêu trên, tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản mà không có Giấy phép khai thác khoáng sản thì bị tịch thu toàn bộ tang vật là khoáng sản và không phải nộp thuế tài nguyên, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp (riêng cá nhân, không phải nộp thuế thu nhập cá nhân) theo quy định.

2) Về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản:

Căn cứ các quy định nêu trên, phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản (là khoản thu ngân sách để phòng ngừa và hạn chế các tác động xấu đối với môi trường, khắc phục suy thoái, ô nhiễm môi trường, giữ gìn vệ sinh, bảo vệ và tái tạo cảnh quan tại địa phương nơi có hoạt động khai thác khoáng sản. Do đó, tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải nộp phí bảo vệ môi trường để khắc phục những tác động ảnh hưởng đến môi trường nơi địa phương khai thác khoáng sản theo quy định, mà không căn cứ vào việc có hay không có Giấy phép khai thác khoáng sản.

Trích công văn 4902/TCT-TTKT về việc tăng cường quản lý thuế với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có kinh doanh sử dụng vật liệu xây dựng là đất, cát, đá, sỏi.

Theo đó, Tổng cục Thuế đề nghị các Cục Thuế triển khai các công việc sau:

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế đối với những doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế để ngăn chặn, phát hiện, xử lý những hành vi vi phạm pháp luật về thuế trong lĩnh vực kinh doanh tài nguyên khoáng sản: đất, đá, cát, sỏi bao gồm cả kiểm tra tại trụ sở cơ quan thuế, thanh tra, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế, cụ thể như sau:

  • – Thực hiện kiểm tra, rà soát hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế đối với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có kinh doanh, sử dụng vật liệu xây dựng là đất, cát, đá, sỏi trên địa bàn. Trường hợp phát hiện có rủi ro cao thì lập kế hoạch, thực hiện thanh tra kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế.
  • – Khi kiểm tra tại cơ quan thuế hoặc thanh tra, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế cần lưu ý rà soát kỹ việc sử dụng hóa đơn, chứng từ đầu vào của các hàng hóa này, cụ thể:
    • + Kiểm tra đối chiếu, xác minh hóa đơn mua vào bán ra của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh, sử dụng vật liệu xây dựng là đất, cát, đá, sỏi; trường hợp cần thiết, truy xuất xác định nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa, tính hợp pháp của hóa đơn. Trường hợp phát hiện có rủi ro cao thì thực hiện thanh tra, kiểm tra tại các đơn vị cung cấp đất, đá, cát, sỏi tại các khâu kinh doanh thương mại và các đơn vị thực hiện khai thác tại mỏ.
    • + Đối với người nộp thuế là đơn vị thực hiện các dự án, công trình xây dựng, công trình giao thông khi thanh tra, kiểm tra lưu ý các thông tin về dự toán xây dựng, hồ sơ nghiệm thu, thanh toán, quyết toán; cần kiểm tra, rà soát hóa đơn mua vật liệu xây dựng là đất, cát, đá, sỏi để xem xét nguồn gốc hợp pháp của các mặt hàng này đã sử dụng; số lượng sử dụng thực tế so với dự toán hoặc quyết toán công trình; đối chiếu thực tế khối lượng đất, cát, đá, sỏi mua vào để sử dụng cho dự án, công trình xây dựng với khả năng khai thác và được cấp phép khai thác trên địa bàn địa phương để xác định tính hợp lý hoặc phát hiện rủi ro.
    • + Trường hợp thanh tra, kiểm tra người nộp thuế là đơn vị khai thác, kinh doanh đất, đá, cát, sỏi có rủi ro cao thì khi kiểm tra hàng hóa bán ra lưu ý kiểm tra đối chiếu về số lượng, sản lượng khai thác, mua bán, vận chuyển. Cơ quan thuế sau khi chuyển thông tin kê khai thuế (sản lượng đất, đá, cát, sỏi khai thác theo từng mỏ, từng Giấy phép khai thác khoáng sản) trong năm của người nộp thuế phải chủ động đề nghị, đôn đốc Cơ quan Tài nguyên và môi trường trên địa bàn phối hợp cung cấp thông tin về sản lượng tài nguyên, khối lượng đất đá bóc, đất đá thải và khối lượng khoáng sản nguyên khai thực tế khai thác của người nộp thuế để tổng hợp đối chiếu, xử lý về thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế và các quy định pháp luật thuế có liên quan.

– Cục Thuế chỉ đạo các phòng, các chi cục thuế thường xuyên rà soát, đối chiếu việc sử dụng hóa đơn của các doanh nghiệp sử dụng đất, cát, đá, sỏi theo các công văn cảnh báo của các cơ quan liên quan cung cấp.

– Trường hợp phát hiện các hành vi vi phạm như: sử dụng hóa đơn không hợp pháp hoặc sử dụng không hợp pháp hóa đơn để hạch toán khống chi phí hoặc hợp thức hàng hóa mua vào, bán ra thì căn cứ tính chất, mức độ vi phạm và các quy định pháp luật để xử lý nghiêm, thu hồi tiền thuế, xử phạt vi phạm hành chính nộp vào ngân sách nhà nước hoặc chuyển hồ sơ sang cơ quan Công an để xử lý đối với hành vi vi phạm pháp luật hình sự theo quy định.

Cơ sở pháp lý

Tại Khoản 2 Điều 4, khoản 1 Điều 64 Luật Khoáng sản số 60/2010/QH12 ngày 17/11/2020 quy định:

Điều 4. Nguyên tắc hoạt động khoáng sản

2. Chỉ được tiến hành hoạt động khoáng sản khi được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho phép.

Tại Khoản 1 Khoản 3 Điều 3 Thông tư số 152/TT-BTC ngày 02/10/2015 quy định:

Điều 3. Người nộp thuế

Người nộp thuế tài nguyên là tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên thuộc đối tượng chịu thuế tài nguyên theo quy định tại Điều 2 Thông tư này. Người nộp thuế tài nguyên (dưới đây gọi chung là người nộp thuế – NNT) trong một số trường hợp được quy định cụ thể như sau:

1. Đối với hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản thì người nộp thuế là tổ chức, hộ kinh doanh được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy phép khai thác khoáng sản….

3. Tổ chức, cá nhân nhận thầu thi công công trình trong quá trình thi công có phát sinh sản lượng tài nguyên mà được phép của cơ quan quản lý nhà nước hoặc không trái quy định của pháp luật về quản lý khai thác tài nguyên khi thực hiện khai thác sử dụng hoặc tiêu thụ thì phải khai, nộp thuế tài nguyên với cơ quan thuế địa phương nơi phát sinh tài nguyên khai thác.”

Tại điểm b khoản 1 Điều 9 Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 của Chính phủ quy định:

Điều 9. Các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế

b) Khoản chi có đủ hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật.

Đối với các trường hợp: Mua hàng hóa là nông, lâm, thủy sản của người sản xuất, đánh bắt trực tiếp bán ra; mua sản phẩm thủ công làm bằng đay, cói, tre, nứa, lá, song, mây, rơm, vỏ dừa, sọ dừa hoặc nguyên liệu tận dụng từ sản phẩm nông nghiệp của người sản xuất thủ công trực tiếp bán ra; mua đất, cát, đá, sỏi của hộ gia đình, cá nhân tự khai thác trực tiếp bán ra, mua phế liệu của người trực tiếp thu nhặt, mua đồ dùng, tài sản, của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp bán ra và dịch vụ mua của hộ gia đình, cá nhân không kinh doanh phải có chứng từ thanh toán chi trả tiền cho người bán và Bảng kê thu mua hàng hóa, dịch vụ do người đại diện theo pháp luật hoặc người được ủy quyền của doanh nghiệp kinh doanh ký và chịu trách nhiệm.”

Tại khoản 1 Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính (được sửa đổi, bổ sung tại Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của Bộ Tài chính) hướng dẫn thi hành Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 của Chính phủ quy định và hướng dẫn thi hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp:

Điều 6. Các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế

1. Trừ các khoản chi không được trừ nêu tại Khoản 2 Điều này, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:

a) Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

b) Khoản chi có đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.

c) Khoản chi nếu có hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.

…”

Tại khoản 15 Điều 14 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Luật Thuế giá trị gia tăng và Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Thuế giá trị gia tăng:

Điều 14. Nguyên tắc khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào

15. Cơ sở kinh doanh không được tính khấu trừ thuế GTGT đầu vào đối với trường hợp:

– Hoá đơn GTGT sử dụng không đúng quy định của pháp luật như: hóa đơn GTGT không ghi thuế GTGT (trừ trường hợp đặc thù được dùng hoá đơn GTGT ghi giá thanh toán là giá đã có thuế GTGT);

– Hoá đơn không ghi hoặc ghi không đúng một trong các chỉ tiêu như tên, địa chỉ, mã số thuế của người bán nên không xác định được người bán;

– Hoá đơn không ghi hoặc ghi không đúng một trong các chỉ tiêu như tên, địa chỉ, mã số thuế của người mua nên không xác định được người mua (trừ trường hợp hướng dẫn tại khoản 12 Điều này);

– Hóa đơn, chứng từ nộp thuế GTGT giả, hóa đơn bị tẩy xóa, hóa đơn khống (không có hàng hóa, dịch vụ kèm theo);

– Hóa đơn ghi giá trị không đúng giá trị thực tế của hàng hóa, dịch vụ mua, bán hoặc trao đổi.”

Tại khoản 1 Điều 4, khoản 2 Điều 5 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2024 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ:

Điều 4. Nguyên tắc lập, quản lý, sử dụng hóa đơn, chứng từ

1. Khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn để giao cho người mua…

Điều 5. Hành vi bị cấm trong lĩnh vực hóa đơn, chứng từ

2. Đối với tổ chức, cá nhân bán, cung cấp hàng hóa, dịch vụ, tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ liên quan

a) Thực hiện hành vi gian dối như sử dụng hóa đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn;”

Tại khoản 1 Điều 16, khoản 1 Điều 28 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn

“Điều 16. Xử phạt hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn

1. Phạt 20% số tiền thuế khai thiếu hoặc số tiền thuế đã được miễn, giảm, hoàn cao hơn so với quy định đối với một trong các hành vi sau đây:

đ) Sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp để hạch toán giá trị hàng hóa, dịch vụ mua vào làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế được miễn, giảm nhưng khi cơ quan thuế thanh tra, kiểm tra phát hiện, người mua chứng minh được lỗi vi phạm sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp thuộc về bên bán hàng và người mua đã hạch toán kế toán đầy đủ theo quy định.

Điều 17. Xử phạt hành vi trốn thuế

1. Phạt tiền 1 lần số thuế trốn đối với người nộp thuế có từ một tình tiết giảm nhẹ trở lên khi thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

d) Sử dụng hóa đơn không hợp pháp; sử dụng không hợp pháp hóa đơn để khai thuế làm giảm số thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế được miễn, giảm;

Điều 28. Xử phạt đối với hành vi sử dụng, sử dụng không hợp pháp hóa đơn.

1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng, sử dụng không hợp pháp hóa đơn quy định tại Điều 4 Nghị định này, trừ trường hợp được quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 16 và điểm d khoản 1 Điều 17 Nghị định này.”

Biên soạn: Manabox 

Bản tin này chỉ mang tính chất tham khảo, không phải ý kiến tư vấn cụ thể cho bất kì trường hợp nào.

Liên hệ tư vấn dịch vụ Kế toán – Thuế – Đào tạo: Ms Huyền – 094 719 2091
Mọi thông tin xin liên hệ:
Công ty TNHH Gonnapass
Phòng 701, tầng 7, toà nhà 3D Center, số 3 Duy Tân, P Dịch Vọng Hậu, Q Cầu Giấy, TP Hà Nội
Email: hotro@gonnapass.com
Website: https://gonnapass.com
Hotline/ Zalo : 0888 942 040
avatar
admin

Nếu bạn thích bài viết, hãy thả tim và đăng ký nhận bản tin của chúng tôi

Ý kiến bình luận

You cannot copy content of this page