Hướng dẫn điền tờ khai thuế tài nguyên 01/TAIN

690

Hướng dẫn điền tờ khai thuế tài nguyên theo hướng dẫn của Tổng Cục thuế để bạn đọc tham khảo và áp dụng.

Nguyên tắc khai thuế tài nguyên (Chung)

1. Quy định của Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn (Nghị định 126, Thông tư 80)

1.1. Địa điểm nộp hồ sơ khai thuế

a) Người nộp thuế nộp hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế quản lý trực tiếp.

(Khoản 1 Điều 45 Luật Quản lý thuế)

b) Người nộp thuế có hoạt động khai thác tài nguyên khác địa bàn cấp tỉnh với nơi người nộp thuế đóng trụ sở chính (trừ thuế tài nguyên đối với hoạt động sản xuất thủy điện trong trường hợp lòng hồ thủy điện của nhà máy thủy điện nằm chung trên các địa bàn cấp tỉnh, thuế tài nguyên của tổ chức được giao bán tài nguyên bị bắt giữ, tịch thu; khai thác tài nguyên không thường xuyên đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép hoặc không thuộc trường hợp phải cấp phép theo quy định của pháp luật) thì nộp hồ sơ khai thuế tài nguyên tại cơ quan thuế nơi có hoạt động khai thác tài nguyên.

(Điểm g Khoản 1 Điều 11 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP)

c) Người nộp thuế có nhà máy sản xuất thuỷ điện nằm chung trên các địa bàn cấp tỉnh thực hiện khai thuế tài nguyên và nộp hồ sơ khai thuế tài nguyên theo mẫu số 01/TAIN, hồ sơ quyết toán thuế tài nguyên theo mẫu số 02/TAIN cho cơ quan thuế quản lý khoản thu ngân sách nhà nước nơi có hoạt động khai thác tài nguyên nước.

Trường hợp hồ thủy điện của nhà máy nằm trên nhiều tỉnh thì nộp hồ sơ khai thuế tài nguyên theo mẫu số 01/TAIN, hồ sơ quyết toán thuế tài nguyên theo mẫu số 02/TAIN, phụ lục bảng phân bổ số thuế tài nguyên phải nộp cho các địa phương nơi được hưởng nguồn thu đối với hoạt động sản xuất thủy điện theo mẫu số 01-1/TAIN của nhà máy thủy điện tại cơ quan thuế nơi có văn phòng điều hành nhà máy thủy điện; nộp số tiền thuế phân bổ cho tỉnh nơi có hồ thủy điện theo quy định tại Khoản 4 Điều 12 Thông tư số 80/2021/TT-BTC như sau:

c.1) Căn cứ để phân bổ số thuế tài nguyên phải nộp cho từng tỉnh:

– Diện tích của lòng hồ thuỷ điện là t, diện tích lòng hồ thủy điện tại tỉnh G là t.1, diện tích lòng hồ thủy điện tại tỉnh H là t.2.

Tỷ lệ (%) diện tích lòng hồ tại tỉnh G là T.1 = t.1/t x 100.

Tỷ lệ (%) diện tích lòng hồ tại tỉnh H là T.2 = t.2/t x 100.

– Kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư là k; kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư tại tỉnh G là k.1; kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư tại tỉnh H là k.2.

Tỷ lệ (%) kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư tại tỉnh G là K.1 = k.1/k x 100.

Tỷ lệ (%) kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư tại tỉnh H là K.2 = k.2/k x 100.

– Số hộ dân phải di chuyển tái định cư là s, số hộ dân phải di chuyển tái định cư tại tỉnh G là s.1, số hộ dân phải di chuyển tái định cư tại tỉnh H là s.2.

Tỷ lệ (%) số hộ dân phải di chuyển tái định cư tại tỉnh G là S.1 = s.1/s x 100.

Tỷ lệ (%) số hộ dân phải di chuyển tái định cư tại tỉnh H là S.2 = s.2/s x 100.

– Giá trị đền bù thiệt hại vật chất vùng lòng hồ là v, giá trị đền bù thiệt hại vật chất vùng lòng hồ tại tỉnh G là v.1, giá trị đền bù thiệt hại vật chất vùng lòng hồ tại tỉnh H là v.2.

Tỷ lệ (%) giá trị đền bù thiệt hại vật chất vùng lòng hồ tại tỉnh G là V.1 = v.1/v x 100.

Tỷ lệ (%) giá trị đền bù thiệt hại vật chất vùng lòng hồ tại tỉnh H là V.2 = v.2/v x 100.

c.2) Công thức tính:

(Khoản 2 Điều 15 Thông tư số 80/2021/TT-BTC)

d) Tổ chức giao bán tài nguyên bị bắt giữ, tịch thu khác địa bàn cấp tỉnh với nơi tổ chức đóng trụ sở chính thì nộp hồ sơ khai thuế tài nguyên tại cơ quan thuế nơi có hoạt động bán tài nguyên bị bắt giữ, tịch thu.

đ) Tổ chức có hoạt động khai thác tài nguyên không thường xuyên đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép hoặc không thuộc trường hợp phải cấp phép theo quy định của pháp luật khác địa bàn cấp tỉnh với nơi tổ chức đóng trụ sở chính thì nộp hồ sơ khai thuế tài nguyên tại cơ quan thuế nơi có hoạt động khai thác.

(Điểm d Khoản 4 Điều 8 và Điểm a Khoản 6 Điều 11 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP)

1.2. Khai thuế tài nguyên là loại thuế khai theo tháng, quyết toán thuế năm và theo từng lần phát sinh

a) Khai thuế tài nguyên theo tháng, quyết toán thuế năm, quyết toán đến thời điểm giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động, chấm dứt hợp đồng hoặc tổ chức lại doanh nghiệp (trừ trường hợp chuyển đổi loại hình doanh nghiệp không bao gồm doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa mà doanh nghiệp chuyển đổi kế thừa toàn bộ nghĩa vụ về thuế của doanh nghiệp được chuyển đổi):

Người nộp thuế thuộc đối tượng chịu thuế tài nguyên thực hiện khai thuế theo tháng, quyết toán thuế theo năm và quyết toán đến thời điểm giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động, chấm dứt hợp đồng hoặc tổ chức lại doanh nghiệp (trừ trường hợp chuyển đổi loại hình doanh nghiệp không bao gồm doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa mà doanh nghiệp chuyển đổi kế thừa toàn bộ nghĩa vụ về thuế của doanh nghiệp được chuyển đổi).

 b) Khai thuế tài nguyên theo từng lần phát sinh

– Tổ chức được giao bán tài nguyên bị bắt giữ, tịch thu.

– Tổ chức khai thác tài nguyên không thường xuyên đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép hoặc không thuộc trường hợp phải cấp phép theo quy định của pháp luật.

(Điểm d Khoản 1, Điểm d Khoản 4 và Điểm a Khoản 6 Điều 8 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP)

1.3. Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế

a) Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế tài nguyên theo tháng, quyết toán thuế năm:

– Đối với trường hợp khai và nộp theo tháng: Chậm nhất là ngày thứ 20 của tháng tiếp theo tháng phát sinh nghĩa vụ thuế.

– Đối với hồ sơ quyết toán thuế năm: Chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ 3 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch hoặc năm tài chính.

– Đối với hồ sơ quyết toán đến thời điểm giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động, chấm dứt hợp đồng hoặc tổ chức lại doanh nghiệp (trừ trường hợp chuyển đổi loại hình doanh nghiệp không bao gồm doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa mà doanh nghiệp chuyển đổi kế thừa toàn bộ nghĩa vụ về thuế của doanh nghiệp được chuyển đổi): Chậm nhất là ngày thứ 45 (bốn mươi lăm), kể từ ngày có quyết định giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động hoặc tổ chức lại doanh nghiệp.

 b) Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế tài nguyên theo từng lần phát sinh chậm nhất là ngày thứ 10 kể từ ngày phát sinh nghĩa vụ thuế.

 (Điểm a Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3 Điều 44 Luật Quản lý thuế)

1.4. Hồ sơ khai thuế

a) Hồ sơ khai thuế theo tháng và theo từng lần phát sinh:

– Tờ khai thuế tài nguyên mẫu số 01/TAIN ban hành kèm theo phụ lục II Thông tư số 80/2021/TT-BTC;

– Phụ lục bảng phân bổ số thuế tài nguyên phải nộp cho các địa phương nơi được hưởng nguồn thu đối với hoạt động sản xuất thủy điện mẫu số 01-1/TAIN ban hành kèm theo phụ lục II Thông tư số 80/2021/TT-BTC.

b) Hồ sơ khai quyết toán:

– Tờ khai quyết toán thuế tài nguyên (khai quyết toán) mẫu số 02/TAIN ban hành kèm theo phụ lục II Thông tư số 80/2021/TT-BTC;

– Phụ lục bảng phân bổ số thuế tài nguyên phải nộp cho các địa phương nơi được hưởng nguồn thu đối với hoạt động sản xuất thủy điện mẫu số 01-1/TAIN ban hành kèm theo phụ lục II Thông tư số 80/2021/TT-BTC.

2. Các điểm mới

2.1. Điểm mới tại Nghị định số 126/2020/NĐ-CP

Điểm mới 1: Bổ sung quy định khai thác tài nguyên không thường xuyên đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép hoặc không thuộc trường hợp phải cấp phép theo quy định của pháp luật khai theo từng lần phát sinh (Điểm d khoản 4 Điều 8 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP).

Trước đây: Chưa có quy định này.

2.2. Điểm mới tại Thông tư số 80/2021/TT-BTC

Điểm mới 2: Bổ sung khai theo từng mỏ khoáng sản để quản lý được hoạt động khai thác theo từng mỏ, đối chiếu với cơ quan tài nguyên môi trường theo chính sách thuế tài nguyên (Mẫu tờ khai thuế tài nguyên 01/TAIN, 02/TAIN ban hành kèm theo phụ lục II Thông tư số 80/2021/TT-BTC).

Trước đây: Chưa có quy định này.

Điểm mới 3: Người nộp thuế thực hiện khai thuế tài nguyên phát sinh của nhà máy thủy điện nằm trên nhiều tỉnh cho cơ quan thuế nơi có văn phòng điều hành nhà máy thủy điện và phân bổ số thuế phải nộp cho các địa phương nơi được hưởng nguồn thu (Điều 15 Thông tư số 80/2021/TT-BTC).

Trước đây: Điều 23 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 6/11/2013 của Bộ Tài chính quy định đối với thuế GTGT, thuế tài nguyên của nhà máy thủy điện nằm trên nhiều tỉnh, người nộp thuế thực hiện khai, nộp hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế quản lý trụ sở chính và phân bổ số thuế phải nộp cho các địa phương nơi được hưởng nguồn thu.

Điểm mới 4: Mẫu hồ sơ khai thuế Tài nguyên

a) Mẫu 01/TAIN (Tờ khai thuế tài nguyên):

– Bỏ cột (8) “Thuế tài nguyên phát sinh trong kỳ – chính là số thuế tài nguyên trước khi được miễn, giảm” và cột (9) “Thuế tài nguyên dự kiến được miễn giảm trong kỳ” để phù hợp với quy định về đối tượng được miễn, giảm thuế và hồ sơ miễn, giảm thuế tại điểm b, Khoản 1, điểm b Khoản 2 Điều 51 Thông tư số 80/2021/TT-BTC.

– Bổ sung khai theo từng mỏ khoáng sản để quản lý được hoạt động khai thác theo từng mỏ, đối chiếu với cơ quan TNMT theo chính sách thuế tài nguyên.

b) Mẫu 02/TAIN (Tờ khai quyết toán thuế tài nguyên):

– Bỏ cột (9) “Thuế tài nguyên dự kiến được miễn giảm trong kỳ” và cột (10) “Thuế tài nguyên phát sinh trong kỳ – chính là số thuế tài nguyên trước khi được miễn, giảm” để phù hợp với quy định về đối tượng được miễn, giảm thuế và hồ sơ miễn, giảm thuế tại điểm b, Khoản 1, điểm b Khoản 2 Điều 51 Thông tư số 80/2021/TT-BTC.

– Bổ sung khai theo từng mỏ khoáng sản để quản lý được hoạt động khai thác theo từng mỏ, đối chiếu với cơ quan TNMT theo chính sách thuế tài nguyên.

[collapse]

Đối tượng áp dụng

Áp dụng đối với người nộp thuế có hoạt động khai thác tài nguyên

2.2. Hướng dẫn khai tờ khai mẫu số 01/TAIN

2.2.1. Mẫu tờ khai 01/TAIN

2.2.2. Hướng dẫn lập tờ khai mẫu số 01/TAIN

* Phần thông tin chung:

Chỉ tiêu [01] – Kỳ tính thuế: Khai kỳ tính thuế là tháng phát sinh nghĩa vụ thuế. Trường hợp người nộp thuế được cơ quan thuế chấp thuận khai thuế theo quý hoặc người nộp thuế mới thành lập thì ghi kỳ tính thuế là quý phát sinh nghĩa vụ thuế.

Chỉ tiêu [02], [03]: Tích chọn “Lần đầu”. Trường hợp người nộp thuế phát hiện hồ sơ khai thuế lần đầu đã nộp cho cơ quan thuế có sai, sót thì kê khai bổ sung theo số thứ tự của từng lần bổ sung.

Lưu ý:

+ NNT thực hiện khai điện tử, Hệ thống Etax hỗ trợ NNT xác định Tờ khai thuế “Lần đầu” tương ứng với từng hoạt động sản xuất kinh doanh tại chỉ tiêu [01a] .

+ Kể từ thời điểm Hệ thống Etax có Thông báo chấp nhận hồ sơ khai thuế đối với Tờ khai thuế “Lần đầu”, các Tờ khai thuế tiếp theo của cùng kỳ tính thuế, cùng hoạt động sản xuất kinh doanh là tờ khai “Bổ sung”. NNT phải nộp Tờ khai “Bổ sung” theo quy định về khai bổ sung.

Chỉ tiêu [04], [05]: Khai thông tin “Tên người nộp thuế và mã số thuế” theo thông tin đăng ký doanh nghiệp hoặc đăng ký thuế của người nộp thuế.

Lưu ý: 

+ Đây là thông tin bắt buộc. NNT khai thuế điện tử, sau khi điền đầy đủ, chính xác thông tin “Mã số thuế”, Hệ thống Etax tự động hỗ trợ hiển thị thông tin về “Tên người nộp thuế”.

Chỉ tiêu [06], [07], [08]: Trường hợp Đại ký thuế thực hiện khai thuế: Khai thông tin “Tên đại lý thuế, mã số thuế” “số, ngày của hợp đồng đại lý thuế”.  Đại lý thuế phải có tình trạng đăng ký thuế “Đang hoạt động” và Hợp đồng phải đang còn hiệu lực tương ứng tại thời điểm khai thuế.

Lưu ý: 

+ NNT khai thuế điện tử, Hệ thống Etax tự động hỗ trợ hiển thị thông tin về Đại lý thuế, Hợp đồng đại lý thuế đã đăng ký với cơ quan thuế để NNT lựa chọn trong trường hợp NNT có nhiều Đại lý thuế, Hợp đồng.

Chỉ tiêu [09]: Kê khai thông tin địa bàn nơi NNT có hoạt động khai thác tài nguyên khác tỉnh với nơi đóng trụ sở chính theo quy định tại Điểm g Khoản 1 Điều 11 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ. Trường hợp người nộp thuế có hoạt động khai thác tài nguyên trên nhiều huyện thì thực hiện khai vào chỉ tiêu này như sau:

+ Nếu Cục Thuế là cơ quan thuế quản lý thu, người nộp thuế khai 01 huyện đại diện nơi có phát sinh hoạt động khai thác tài nguyên.

+ Nếu Chi cục Thuế khu vực là cơ quan thuế quản lý thu, người nộp thuế khai 01 huyện đại diện thuộc Chi cục Thuế khu vực nơi có phát sinh hoạt động khai thác tài nguyên.

Trường hợp người nộp thuế có văn bản giao cho đơn vị phụ thuộc trên địa bàn có hoạt động khai thác tài nguyên khác tỉnh với nơi đóng trụ sở chính trực tiếp kê khai, nộp thuế tài nguyên thì không phải khai vào chỉ tiêu này.

* Phần kê khai các chỉ tiêu của bảng:

Cột số (1) “Số thứ tự”: NNT ghi thứ tự từng loại tài nguyên khai thác, thu mua nộp thay, tài nguyên bắt giữ, tịch thu tương ứng với từng mức thuế suất đối với từng loại tài nguyên trong Biểu thuế và tính chất của hoạt động khai thác, thu mua nộp thay, tài nguyên bắt giữ, tịch thu trong kỳ.

Cột số (2) “Tên loại tài nguyên”:

Mỗi loại tài nguyên khai thác, thu mua nộp thay, tài nguyên bắt giữ, tịch thu theo từng nhóm, loại tài nguyên quy định tại Thông tư số 44/2017/TT-BTC ngày 12/5/2017, Thông tư số 05/2020/TT-BTC ngày 20/01/2020, Bảng giá tính thuế tài nguyên của các tỉnh/thành phố tương ứng với từng mức thuế suất trong Biểu thuế suất thuế tài nguyên được kê khai vào một dòng của tờ khai.

Mục I: Chỉ tiêu “Tài nguyên khai thác”

NNT khai tên của tài nguyên khai thác theo từng nhóm, loại tài nguyên quy định tương ứng với từng mức thuế suất theo quy định, đồng thời theo từng mỏ khoáng sản. Mỗi loại tài nguyên được kê khai vào một dòng của tờ khai.

Cụ thể như sau:

– Trường hợp tài nguyên khai thác vừa tiêu thụ nội địa, vừa xuất khẩu thì người nộp thuế khai thành 2 dòng riêng biệt: tài nguyên tiêu thụ nội địa và tài nguyên xuất khẩu;

– Trường hợp tài nguyên khai thác có chứa nhiều chất khác nhau thì khai theo từng chất trong tài nguyên khai thác. Mục II: Chỉ tiêu “Tài nguyên thu mua nộp thay

Tổ chức, cá nhân thu mua nộp thay tài nguyên từ các tổ chức, cá nhân nhỏ lẻ và cam kết chấp thuận bằng văn bản về việc kê khai nộp thuế thay tổ chức, cá nhân khai thác thì tổ chức, cá nhân thu mua nộp thay nộp thuế thay phải kê khai tài nguyên thu mua nộp thay, mỗi loại tài nguyên thu mua được kê khai vào một dòng tương ứng với thuế suất theo quy định.

Mục III: Chỉ tiêu “Tài nguyên bắt giữ, tịch thu

Tổ chức được giao bán tài nguyên bị bắt giữ, tịch thu phải kê khai nộp thuế đối với những loại tài nguyên này trước khi trích các khoản chi phí liên quan đến hoạt động bắt giữ, đấu giá, trích thưởng theo chế độ. Mỗi loại tài nguyên bị bắt giữ, tịch thu được kê khai vào một dòng tương ứng với thuế suất theo quy định.

Lưu ý:

+ Đối với tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên mà không phát sinh hoạt động thu mua gom tài nguyên hoặc không phát sinh hoạt động bán tài nguyên bị bắt giữ, tịch thu thì chỉ kê khai tài nguyên khai thác tại Mục I; trường hợp chỉ phát sinh hoạt động thu mua nộp thay tài nguyên nộp thuế thay thì kê khai vào mục II, trường hợp chỉ phát sinh hoạt động giao bán tài nguyên bị bắt giữ, tịch thu thì kê khai vào mục III; Đối với tổ chức, cá nhân phát sinh cả ba hoạt động khai thác, hoạt thu mua nộp thay tài nguyên mà có cam kết bằng văn bản nộp thuế thay tổ chức, cá nhân khai thác và hoạt động giao bán tài nguyên bị bắt giữ, tịch thu thì tổ chức, cá nhân đó phải kê khai cả ba mục I, II, III.

Cột số (3) “Đơn vị tính”: NNT ghi đơn vị tính của từng loại tài nguyên khai thác, thu mua nộp thay, tài nguyên bắt giữ, tịch thu giao bán theo kg, m3, tấn, thùng, KW/h….

Cột số (4) “Sản lượng”: NNT ghi sản lượng của từng loại tài nguyên khai thác, thu mua nộp thay, tài nguyên bắt giữ, tịch thu giao bán trong kỳ vào cột (4); số liệu ghi vào cột này có thể là số lượng, khối lượng, trọng lượng tài nguyên thương phẩm, không phụ thuộc vào mục đích khai thác tài nguyên.

Cột số (5) “Giá tính thuế đơn vị tài nguyên”: theo pháp luật về thuế tài nguyên.

Cột số (6) “Thuế suất”: Thuế suất của mỗi tài nguyên khai thác, thu mua nộp thay, tài nguyên bắt giữ, tịch thu phát sinh trong kỳ được ghi vào cột (6) được căn cứ theo mức thuế suất quy định tại Biểu mức thuế suất đối với các loại tài nguyên, trừ dầu thô và khí thiên nhiên, khí than hiện hành.

Cột số (7) “Mức thuế tài nguyên ấn định trên một đơn vị tài nguyên”: Số liệu ghi vào cột này là mức thuế tài nguyên ấn định trên một đơn vị tài nguyên của cơ quan có thẩm quyền quy định.

Cột số (8) “Thuế tài nguyên phải nộp”:

Thuế tài nguyên phát sinh trong kỳ được xác định như sau:

Thuế tài nguyên phải nộp

 =

Sản lượng    tài nguyên tính thuế

 x

Giá tính   thuế đơn vị tài nguyên

 x

Thuế suất thuế tài nguyên

Hoặc :

Thuế tài nguyên phải nộp

=

Sản lượng tài nguyên tính thuế

x

Mức thuế tài nguyên ấn định trên một đơn vị  tài nguyên

Chỉ tiêu: “Tổng cộng”:

Số liệu tại dòng này là tổng các cột (4), (8) cụ thể như sau:

Cột (4): Là tổng cộng sản lượng tài nguyên phát sinh.

Cột (8): Là tổng số thuế tài nguyên phát sinh phải nộp.

* Phần ký tên, đóng dấu:

Người đại diện theo pháp luật của NNT hoặc người đại diện hợp pháp của người nộp thuế ký tên, đóng dấu hoặc ký điện tử để nộp tờ khai đến cơ quan thuế và chịu trách nhiệm trước pháp luật về số liệu đã khai. Trường hợp đại lý thuế khai thay cho người nộp thuế thì người đại diện theo pháp luật của đại lý thuế ký tên, đóng dấu hoặc ký điện tử thay cho NNT và ghi thêm thông tin họ và tên nhân viên đại lý thuế trực tiếp thực hiện khai thuế và số chứng chỉ hành nghề của nhân viên này vào thông tin tương ứng.

Đăng kí để nhận bản tin từ Gonnapass Email Address  

Bản tin này chỉ mang tính chất tham khảo, không phải ý kiến tư vấn cụ thể cho bất kì trường hợp nào.

Đăng kí để nhận bản tin từ Gonnapass

Liên hệ tư vấn dịch vụ Kế toán – Thuế – Đào tạo: Ms Huyền – 094 719 2091

Tham khảo dịch vụ tư vấn từng lần – giải quyết các nỗi lo rủi ro thuế

Mọi thông tin xin liên hệ:

Công ty TNHH Gonnapass

Phòng 701, tầng 7, toà nhà 3D Center, số 3 Duy Tân, P Dịch Vọng Hậu, Q Cầu Giấy, TP Hà Nội

Email: hotro@gonnapass.com

Facebook: https://www.facebook.com/gonnapassbeyondyourself/

Group Facebook chia sẻ mẫu biểu: https://www.facebook.com/groups/congvanketoan

Group Zalo chia sẻ miễn phí: https://zalo.me/g/xefwrd200

Website: https://gonnapass.com

Hotline/ Zalo : 0888 942 040

avatar
admin

Nếu bạn thích bài viết, hãy thả tim và đăng ký nhận bản tin của chúng tôi

Ý kiến bình luận

You cannot copy content of this page