[Kế toán CPA] Kết cấu và nội dung chủ yếu của BCTC

233

a) Những thông tin chung về doanh nghiệp cần phải được trình bày trong từng BCTC, gồm (đoạn 33):

– Tên và địa chỉ của doanh nghiệp báo cáo;

– Nêu rõ BCTC này là BCTC riêng của doanh nghiệp hay BCTC hợp nhất của tập đoàn;

– Kỳ báo cáo;

– Ngày lập BCTC;

– Đơn vị tiền tệ dùng để lập BCTC (đoạn 33).

b) Kỳ báo cáo

BCTC của doanh nghiệp phải được lập ít nhất cho từng kỳ kế toán năm. Trường hợp đặc biệt, một doanh nghiệp có thể thay đổi ngày kết thúc kỳ kế toán năm dẫn đến việc lập BCTC cho một niên độ kế toán có thể dài hơn hoặc ngắn hơn một năm dương lịch. Trường hợp này doanh nghiệp cần phải nêu rõ (đoạn 35):

– Lý do phải thay đổi ngày kết thúc kỳ kế toán năm; và

– Các số liệu tương ứng nhằm để so sánh được trình bày trong Báo cáo KQHĐKD, báo cáo lưu chuyển tiền tệ và phần thuyết minh BCTC có liên quan, trong trường hợp này là không thể so sánh được với các số liệu của niên độ hiện tại.

c) Kết cấu và nội dung Bảng CĐKT

– Phân biệt tài sản (hoặc nợ phải trả) ngắn hạn, dài hạn:

+ Trong Bảng CĐKT mỗi doanh nghiệp phải trình bày riêng biệt các tài sản và nợ phải trả thành ngắn hạn và dài hạn. Trường hợp do tính chất hoạt động doanh nghiệp không thể phân biệt được giữa ngắn hạn và dài hạn, thì các tài sản và nợ phải trả phải được trình bày thứ tự theo tính thanh khoản giảm dần (đoạn 37).

+ Với cả hai phương pháp trình bày, đối với từng khoản mục tài sản và nợ phải trả, doanh nghiệp phải trình bày tổng số tiền dự tính được thu hồi hoặc thanh toán trong vòng 12 tháng kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán năm, số tiền được thu hồi hoặc thanh toán sau 12 tháng (đoạn 38).

– Tài sản ngắn hạn, dài hạn.

+ Một tài sản được xếp vào loại tài sản ngắn hạn, khi tài sản này (đoạn 40):

. Được dự tính để bán hoặc sử dụng trong khuôn khổ của chu kỳ kinh doanh bình thường của doanh nghiệp; hoặc

. Được nắm giữ chủ yếu cho mục đích thương mại hoặc cho mục đích ngắn hạn và dự kiến thu hồi hoặc thanh toán trong vòng 12 tháng kể từ ngày kết thúc niên độ; hoặc

. Là tiền hoặc tài sản tương đương tiền mà việc sử dụng không gặp một hạn chế nào (đoạn 40).

+ Tất cả các tài sản khác ngoài tài sản ngắn hạn được xếp vào loại tài sản dài hạn (đoạn 41).

– Nợ phải trả ngắn hạn, dài hạn

+ Một khoản nợ phải trả được xếp vào loại nợ ngắn hạn, khi khoản nợ này (đoạn 44):

. Được dự kiến thanh toán trong một chu kỳ kinh doanh bình thường của doanh  nghiệp; hoặc

. Được thanh toán trong vòng 12 tháng kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán năm.

+ Tất cả các khoản nợ phải trả khác ngoài nợ phải trả ngắn hạn được xếp vào loại nợ phải trả dài hạn (đoạn 45).

Các hướng dẫn chi tiết về việc phân loại nợ phải trả ngắn hạn, dài hạn được quy định trong các đoạn 46-50.

– Các thông tin phải trình bày trong Bảng CĐKT (đoạn 51-55).

+ Bảng CĐKT phải bao gồm các khoản mục chủ yếu sau đây (đoạn 55):

. Tiền và các khoản tương đương tiền;

. Các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn;

. Các khoản phải thu thương mại và phải thu khác;

. Hàng tồn kho;

. Tài sản ngắn hạn khác;

. Tài sản cố định hữu hình;

. Tài sản cố định vô hình;

. Các khoản đầu tư tài chính dài hạn;

. Chi phí xây dựng cơ bản dở dang;

. Tài sản dài hạn khác;

. Vay ngắn hạn;

. Các khoản phải trả thương mại và phải trả ngắn hạn khác;

. Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước;

. Các khoản vay dài hạn và nợ phải trả dài hạn khác;

. Các khoản dự phòng;

. Phần sở hữu của cổ đông thiểu số;

. Vốn góp;

. Các khoản dự trữ;

. Lợi nhuận chưa phân phối (đoạn 51).

Các khoản mục bổ sung, các tiêu đề và số cộng chi tiết cần phải được trình bày trong Bảng CĐKT khi một chuẩn mực kế toán khác yêu cầu hoặc khi việc trình bày đó là cần thiết để đáp ứng yêu cầu phản ánh trung thực và hợp lý về tình hình tài chính của doanh nghiệp (đoạn 52).

Các hướng dẫn chi tiết về việc trình bày các yếu tố thông tin trên Bảng CĐKT được quy định tại đoạn 53.

– Các thông tin phải được trình bày trong Bảng CĐKT hoặc trong Bản thuyết minh BCTC.

+ Doanh nghiệp phải trình bày trong Bảng CĐKT hoặc trong Bản thuyết minh BCTC việc phân loại chi tiết bổ sung các khoản mục được trình bày, sắp xếp phù hợp với các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Mỗi khoản mục cần được phân loại chi tiết, nếu cần, theo tính chất; giá trị các khoản phải trả và phải thu từ công ty mẹ, từ các công ty con, công ty liên kết và từ các bên liên quan khác cần phải được trình bày riêng rẽ (đoạn 54).

d) Kết cấu và nội dung của Báo cáo KQHĐKD

– Các thông tin phải trình bày trong Báo cáo KQHĐKD

+ Báo cáo KQHĐKD phải bao gồm các khoản mục chủ yếu sau đây (đoạn 56):

. Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ;

. Các khoản giảm trừ;

. Doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ;

. Giá vốn hàng bán;

. Lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ;

. Doanh thu hoạt động tài chính;

. Chi phí tài chính;

. Chi phí bán hàng;

. Chi phí quản lý doanh nghiệp;

. Thu nhập khác;

. Chi phí khác;

. Phần sở hữu trong lãi hoặc lỗ của công ty liên kết và liên doanh được kế toán theo phương pháp vốn chủ sở hữu (Trong Báo cáo KQHĐKD hợp nhất);

. Lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh;

. Thuế thu nhập doanh nghiệp;

. Lợi nhuận sau thuế;

. Phần sở hữu của cổ đông thiểu số trong lãi hoặc lỗ sau thuế (Trong Báo cáo KQHĐKD hợp nhất);

. Lợi nhuận thuần trong kỳ.

+ Các khoản mục bổ sung, các tiêu đề và số cộng chi tiết cần phải được trình bày trong Báo cáo KQHĐKD khi một chuẩn mực kế toán khác yêu cầu hoặc khi việc trình bày đó là cần thiết để đáp ứng yêu cầu phản ánh trung thực và hợp lý tình hình và kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp (đoạn 57).

+ Trường hợp do tính chất ngành nghề kinh doanh mà doanh nghiệp không thể trình bày các yếu tố thông tin trên Báo cáo KQHĐKD theo chức năng của chi phí thì được trình bày theo tính chất của chi phí (đoạn 59).

– Các thông tin phải trình bày trong Báo cáo KQHĐKD hoặc trong Bản thuyết minh BCTC.

+ Doanh nghiệp phân loại các khoản chi phí theo chức năng cần phải cung cấp những thông tin bổ sung về tính chất của các khoản chi phí, ví dụ như chi phí khấu hao và chi phí lương công nhân viên (đoạn 60).

+ Doanh nghiệp phải trình bày trong Bản thuyết minh BCTC giá trị của cổ tức trên mỗi cổ phần đã được đề nghị hoặc đã được công bố trong niên độ của BCTC (đoạn 61).

đ) Kết cấu và nội dung của báo cáo lưu chuyển tiền tệ

Báo cáo lưu chuyển tiền tệ được lập và trình bày theo quy định của Chuẩn mực kế toán số 24 “Báo cáo lưu chuyển tiền tệ”.

  1. e) Kết cấu và nội dung của Bản thuyết minh BCTC

– Bản thuyết minh BCTC của một doanh nghiệp cần phải:

+ Đưa ra các thông tin về cơ sở dùng để lập BCTC và các chính sách kế toán cụ thể được chọn và áp dụng đối với các giao dịch và các sự kiện quan trọng;

+ Trình bày các thông tin theo quy định của các chuẩn mực kế toán mà chưa được trình bày trong các BCTC khác;

+ Cung cấp thông tin bổ sung chưa được trình bày trong các BCTC khác, nhưng lại cần thiết cho việc trình bày trung thực và hợp lý (đoạn 63).

– Bản thuyết minh BCTC phải được trình bày một cách có hệ thống. Mỗi khoản mục trong Bảng CĐKT, Báo cáo KQHĐKD và Báo cáo lưu chuyển tiền tệ cần được đánh dấu dẫn tới các thông tin liên quan trong Bản thuyết minh BCTC (đoạn 64).

Các hướng dẫn chi tiết về nội dung thông tin cần phải trình bày trong Bản thuyết minh BCTC được quy định trong các đoạn 65 và 66.

– Trình bày chính sách kế toán: Phần về các chính sách kế toán trong Bản thuyết minh BCTC phải trình bày những điểm sau đây (đoạn 67):

+ Các cơ sở đánh giá được sử dụng trong quá trình lập BCTC;

+ Mỗi chính sách kế toán cụ thể cần thiết cho việc hiểu đúng các BCTC.

Các hướng dẫn cụ thể về việc lựa chọn, trình bày chính sách kế toán được quy định trong các đoạn từ 68 – 71.

– Trình bày những biến động thông tin về nguồn vốn chủ sở hữu:

Doanh nghiệp phải trình bày trong Bản thuyết minh BCTC những thông tin phản ánh sự thay đổi nguồn vốn chủ sở hữu (đoạn 72):

(1) Lãi hoặc lỗ thuần của niên độ;

(2) Yếu tố thu nhập và chi phí, lãi hoặc lỗ được hạch toán trực tiếp vào nguồn vốn chủ sở hữu theo quy định của các chuẩn mực kế toán khác và tổng số các yếu tố này;

(3) Tác động luỹ kế của những thay đổi trong chính sách kế toán và những sửa chữa sai sót cơ bản được đề cập trong phần các phương pháp hạch toán quy định trong Chuẩn mực “Lãi, lỗ thuần trong kỳ, các sai sót cơ bản và các thay đổi trong chính sách kế toán”;

(4) Các nghiệp vụ giao dịch về vốn với các chủ sở hữu và việc phân phối cổ tức, lợi nhuận cho các chủ sở hữu;

(5) Số dư của khoản mục lãi, lỗ luỹ kế vào thời điểm đầu niên độ và cuối niên độ, và những biến động trong niên độ; và

(6) Đối chiếu giữa giá trị ghi sổ của mỗi loại vốn góp, thặng dư vốn cổ phần, các khoản dự trữ vào đầu niên độ và cuối niên độ và trình bày riêng biệt từng sự biến động (đoạn 72).

– Các thông tin chi tiết khác liên quan đến vốn chủ sở hữu cần phải được trình bày trong Bản thuyết minh BCTC được quy định trong đoạn 73.

Các thông tin khác cần được cung cấp trong Bản thuyết minh BCTC được quy định trong đoạn 74.

Bản tin này chỉ mang tính chất tham khảo, không phải ý kiến tư vấn cụ thể cho bất kì trường hợp nào.

Đăng kí để nhận bản tin từ Gonnapass

Liên hệ tư vấn dịch vụ Kế toán – Thuế – Đào tạo: Ms Huyền – 094 719 2091

Tham khảo dịch vụ tư vấn từng lần – giải quyết các nỗi lo rủi ro thuế

Mọi thông tin xin liên hệ:

Công ty TNHH Gonnapass

Phòng 701, tầng 7, toà nhà 3D Center, số 3 Duy Tân, P Dịch Vọng Hậu, Q Cầu Giấy, TP Hà Nội

Email: hotro@gonnapass.com

Facebook: https://www.facebook.com/gonnapassbeyondyourself/

Group Facebook chia sẻ mẫu biểu: https://www.facebook.com/groups/congvanketoan

Group Zalo chia sẻ miễn phí: https://zalo.me/g/xefwrd200

Website: https://gonnapass.com

Hotline/ Zalo : 0888 942 040

avatar
trang

Nếu bạn thích bài viết, hãy thả tim và đăng ký nhận bản tin của chúng tôi

Ý kiến bình luận

You cannot copy content of this page