Lấy mẫu kiểm toán: Là việc áp dụng các thủ tục kiểm toán trên số phần tử ít hơn 100% tổng số phần tử của một tổng thể kiểm toán sao cho tất cả các đơn vị lấy mẫu đều có cơ hội được lựa chọn nhằm cung cấp cho KTV cơ sở hợp lý để đưa ra kết luận về toàn bộ tổng thể.
Tổng thể: Là toàn bộ dữ liệu mà từ đó KTV lấy mẫu nhằm rút ra kết luận về toàn bộ dữ liệu đó.
Rủi ro lấy mẫu: Là rủi ro mà kết luận của KTV dựa trên việc kiểm tra mẫu có thể khác so với kết luận đưa ra nếu kiểm tra toàn bộ tổng thể với cùng một thủ tục kiểm toán.
Rủi ro lấy mẫu có thể dẫn tới hai loại kết luận sai như sau:
+ Kết luận rằng các kiểm soát có hiệu quả cao hơn so với hiệu quả thực sự của các kiểm soát đó (đối với thử nghiệm kiểm soát), hoặc kết luận rằng không có sai sót trọng yếu trong khi thực tế lại có (đối với kiểm tra chi tiết): KTV quan tâm chủ yếu đến loại kết luận sai này vì nó ảnh hưởng đến tính hữu hiệu của cuộc kiểm toán và có thể dẫn đến ý kiến kiểm toán không phù hợp.
+ Kết luận rằng các kiểm soát có hiệu quả kém hơn so với hiệu quả thực sự của các kiểm soát đó (đối với thử nghiệm kiểm soát), hoặc kết luận rằng có sai sót trọng yếu trong khi thực tế lại không có (đối với kiểm tra chi tiết): Loại kết luận sai này ảnh hưởng đến hiệu quả của cuộc kiểm toán vì thường dẫn tới các công việc bổ sung để chứng minh rằng kết luận ban đầu là không đúng.
Rủi ro ngoài lấy mẫu: Là rủi ro khi KTV đi đến một kết luận sai vì các nguyên nhân không liên quan đến rủi ro lấy mẫu (Ví dụ, do KTV sử dụng các thủ tục kiểm toán không phù hợp hoặc hiểu sai bằng chứng kiểm toán và không nhận diện được sai lệch hay sai sót…)
Sai phạm cá biệt: Là một sai sót hay sai lệch được chứng minh là không đại diện cho các sai sót hay sai lệch của tổng thể.
Đơn vị lấy mẫu: Là các phần tử riêng biệt cấu thành tổng thể. Đơn vị lấy mẫu có thể là đơn vị hiện vật (ví dụ các séc trong bảng kê nộp tiền, các nghiệp vụ ghi Có trên sổ phụ ngân hàng, hóa đơn bán hàng hoặc số dư nợ các khoản phải thu khách hàng) hoặc đơn vị tiền tệ.
Lấy mẫu thống kê: Là phương pháp lấy mẫu có các đặc điểm sau: (1) Các phần tử được lựa chọn ngẫu nhiên vào mẫu; (2) Sử dụng lý thuyết xác suất thống kê để đánh giá kết quả mẫu, bao gồm cả việc định lượng rủi ro lấy mẫu.
Lấy mẫu phi thống kê: Là phương pháp lấy mẫu không có 2 đặc điểm trên. Theo phương pháp lấy mẫu phi thống kê, KTV sử dụng xét đoán chuyên môn để lựa chọn các phần tử của mẫu.
Phân nhóm: Là việc phân chia một tổng thể thành các tổng thể con, mỗi tổng thể con là một nhóm các đơn vị lấy mẫu có cùng tính chất (thường là chỉ tiêu giá trị).
Ví dụ:
+ Khi kiểm toán khoản mục doanh thu một công ty dịch vụ phần mềm: KTV có thể phân nhóm khoản mục doanh thu thành doanh thu dịch vụ thuê ngoài, doanh thu tư vấn công nghệ thông tin, doanh thu dịch vụ cung ứng giải pháp, doanh thu triển khai phần mềm…
+ Khi kiểm toán khoản mục chi phí quản lý: KTV có thể phân nhóm theo giá trị các khoản chi phí quản lý phát sinh cao hơn và thấp hơn một giá trị nhất định (ví dụ, 50.000.000 đồng).
+ Khi kiểm toán khoản phải thu: KTV có thể phân nhóm các số dư theo tuổi nợ.
Sai sót có thể bỏ qua: Là một giá trị được KTV đặt ra mà dựa vào đó KTV mong muốn đạt được mức độ đảm bảo hợp lý rằng sai sót thực tế của tổng thể không vượt quá giá trị đặt ra. Khi thiết kế một mẫu, KTV cần xác định sai sót có thể bỏ qua để giảm thiểu rủi ro mà các sai sót không trọng yếu được tổng hợp lại có thể làm cho BCTC bị sai sót trọng yếu và dự phòng cho các sai sót có thể không được phát hiện. Sai sót có thể bỏ qua là việc áp dụng mức trọng yếu thực hiện cho một thủ tục lấy mẫu cụ thể (xem CMKiT số 320). Sai sót có thể bỏ qua có thể bằng hoặc thấp hơn mức trọng yếu thực hiện.
Tỷ lệ sai lệch có thể bỏ qua: Là một tỷ lệ sai lệch được KTV đặt ra đối với các thủ tục kiểm soát nội bộ mà dựa vào đó KTV mong muốn đạt được mức độ đảm bảo hợp lý rằng tỷ lệ sai lệch thực tế của tổng thể không vượt quá tỷ lệ sai lệch đặt ra.
Bản tin này chỉ mang tính chất tham khảo, không phải ý kiến tư vấn cụ thể cho bất kì trường hợp nào.
Đăng kí để nhận bản tin từ Gonnapass
Liên hệ tư vấn dịch vụ Kế toán – Thuế – Đào tạo: Ms Huyền – 094 719 2091
Tham khảo dịch vụ tư vấn từng lần – giải quyết các nỗi lo rủi ro thuế
Mọi thông tin xin liên hệ:
Công ty TNHH Gonnapass
Phòng 701, tầng 7, toà nhà 3D Center, số 3 Duy Tân, P Dịch Vọng Hậu, Q Cầu Giấy, TP Hà Nội
Email: hotro@gonnapass.com
Facebook: https://www.facebook.com/gonnapassbeyondyourself/
Group Facebook chia sẻ mẫu biểu: https://www.facebook.com/groups/congvanketoan
Group Zalo chia sẻ miễn phí: https://zalo.me/g/xefwrd200
Website: https://gonnapass.com
Hotline/ Zalo : 0888 942 040