[ Kiểm toán CPA ] Kiểm toán tiền, các khoản đầu tư ngắn hạn, thuế thu nhập hoãn lại

236

5.1 Kiểm toán tiền

Tiền được trình bày trên Bảng CĐKT là tài sản ngắn hạn, bao gồm tiền mặt, tiền gửi ngân hàng và tiền đang chuyển. Các cơ sở dẫn liệu áp dụng cho tiền cũng như các tài sản khác bao gồm tính hiện hữu, quyền và nghĩa vụ, tính đầy đủ, đánh giá, tính chính xác, trong đó tính hiện hữu thường được các KTV xem là quan trọng nhất.

Các thủ tục kiểm toán chủ yếu đối với tiền bao gồm:

(1) Xem xét kiểm soát nội bộ đối với tiền

Kiểm soát nội bộ đối với tiền rất quan trọng, những yếu kém trong kiểm soát nội bộ đối với tiền không chỉ ảnh hưởng đến số dư tiền mà còn đe dọa sai lệch đối với nhiều khoản mục khác trên BCTC. KTV phải tìm hiểu về kiểm soát nội bộ liên quan đến các nghiêp vụ thu, chi và bảo quản tiền để điều chỉnh thủ tục và phạm vi kiểm toán thích hợp.

(2) Gửi thư xác nhận đến ngân hàng

– Trước hết, KTV lập bảng phân tích số dư tiền gửi ngân hàng theo các tài khoản mà đơn vị mở ở các ngân hàng khác nhau, đối chiếu với các sổ chi tiết và kiểm tra tổng cộng, đối chiếu với Sổ Cái;

– Gửi thư xác nhận đến tất cả các ngân hàng mà đơn vị có giao dịch, kể cả các trường hợp có số dư bằng không hoặc đã đóng tài khoản trong năm tài chính;

– Thư xác nhận không chỉ bao gồm số dư tiền gửi mà còn bao gồm các khoản vay và các giao dịch khác với ngân hàng;

– Nghiên cứu cẩn thận thư xác nhận và đối chiếu với sổ kế toán của đơn vị. Kiểm tra bảng tổng hợp tiền gửi ngân hàng.

(3) Kiểm kê tiền mặt tồn quỹ

Tiền mặt tồn quỹ phải được kiểm kê đồng thời tại tất cả các quỹ với sự có mặt của thủ quỹ và phải lập biên bản kiểm kê. Trước khi kiểm kê, phải hoàn tất các sổ sách theo dõi về tiền. Xem xét các chênh lệch và cách xử lý chênh lệch.

(4) Kiểm tra việc khóa sổ đối với tiền

– Kiểm tra việc khóa sổ đối với tiền nhằm ngăn chặn khả năng trì hoãn việc khóa sổ các nghiệp vụ thu, chi tiền sang niên độ sau;

– Đối với tiền mặt, mục tiêu này có thể đạt được khi kiểm kê tiền mặt vào thời điểm kết thúc niên độ;

– Đối với tiền gửi ngân hàng/tiền đang chuyển, KTV phải kiểm tra các nghiệp vụ sau ngày khóa sổ để bảo đảm các nghiệp vụ được ghi chép đúng niên độ. Thí dụ, một séc nộp vào ngân hàng phải được ghi nhận vào một thời gian hợp lý sau ngày kết thúc niên độ.

5.2. Kiểm toán các khoản đầu tư ngắn hạn

Các khoản đầu tư ngắn hạn bao gồm đầu tư chứng khoán ngắn hạn và các khoản đầu tư ngắn hạn khác. Các cơ sở dẫn liệu chủ yếu của các khoản đầu tư ngắn hạn như tính hiện hữu, quyền, tính đầy đủ, đánh giá, tính chính xác, trình bày và công bố, tương tự như đối với các khoản đầu tư đầu tư dài hạn, do đó, các thủ tục kiểm toán để thu thập bằng chứng kiểm toán không khác biệt đáng kể. Vấn đề cần quan tâm thêm trong kiểm tra các khoản đầu tư ngắn hạn là xác định các khoản này có đủ tiêu chuẩn để xếp vào một khoản mục ngắn hạn hay không. Điều này phụ thuộc vào:

– Thời hạn thu hồi của các trái phiếu, kỳ phiếu hoặc chứng khoán nợ khác;

– Mục đích đầu tư của các chứng khoán vốn là giữ thay tiền hoặc dưới hình thức chứng khoán thương mại;

– Khả năng chuyển đổi thành tiền của các khoản đầu tư ngắn hạn.

Ngoài ra, đối với các khoản đầu tư ngắn hạn thỏa mãn tiêu chuẩn tương đương tiền cần được trình bày tách khỏi khoản mục Đầu tư ngắn hạn và trình bày vào khoản mục Tiền và tương đương tiền.

5.3 Kiểm toán thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại

Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) hoãn lại phát sinh khi có chênh lệch tạm thời giữa lợi nhuận kế toán và thu nhập chịu thuế. Thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại liên quan đến cả Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh (Chi phí thuế TNDN hoãn lại) và Bảng cân đồi kế toán (Tài sản thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại và Thuế thu nhập hoãn lại phải trả). Việc kiểm tra thuế TNDN hoãn lại bao gồm các thủ tục chủ yếu sau:

– Tìm hiểu về đặc điểm hoạt động và chính sách kế toán của doanh nghiệp để đánh giá khả năng phát sinh thuế TNDN hoãn lại. Các vấn đề thường làm phát sinh thuế TNDN hoãn lại như khấu hao, ghi nhận doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ, lập dự phòng giảm giá tài sản và dự phòng phải trả, chuyển lỗ…

– Tìm hiểu quy trình xác định thuế TNDN hoãn lại của doanh nghiệp.

– Xem xét tờ khai quyết toán thuế TNDN của doanh nghiệp để xác định các khoản chênh lệch tạm thời.

– Kiểm tra các khoản thuế TNDN hoãn lại kỳ trước được hoàn nhập trong kỳ này.

– Xem xét việc đánh giá tài sản thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại cuối kỳ. Trong nhiều trường hợp, tài sản thuế TNDN hoãn lại không được ghi nhận nếu không đáp ứng các yêu cầu của Chuẩn mực kế toán Việt Nam số 17 – Thuế thu nhập doanh nghiệp.

– Kiểm tra việc trình bày thuế TNDN hoãn lại, bao gồm việc xem xét sự bù trừ giữa tài sản thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại và thuế thu nhập hoãn lại phải trả cũng như công bố các thông tin bổ sung trên Bản thuyết minh BCTC.

Bản tin này chỉ mang tính chất tham khảo, không phải ý kiến tư vấn cụ thể cho bất kì trường hợp nào.

Đăng kí để nhận bản tin từ Gonnapass

Liên hệ tư vấn dịch vụ Kế toán – Thuế – Đào tạo: Ms Huyền – 094 719 2091

Tham khảo dịch vụ tư vấn từng lần – giải quyết các nỗi lo rủi ro thuế

Mọi thông tin xin liên hệ:

Công ty TNHH Gonnapass

Phòng 701, tầng 7, toà nhà 3D Center, số 3 Duy Tân, P Dịch Vọng Hậu, Q Cầu Giấy, TP Hà Nội

Email: hotro@gonnapass.com

Facebook: https://www.facebook.com/gonnapassbeyondyourself/

Group Facebook chia sẻ mẫu biểu: https://www.facebook.com/groups/congvanketoan

Group Zalo chia sẻ miễn phí: https://zalo.me/g/xefwrd200

Website: https://gonnapass.com

Hotline/ Zalo : 0888 942 040

avatar
hien

Nếu bạn thích bài viết, hãy thả tim và đăng ký nhận bản tin của chúng tôi

Ý kiến bình luận

You cannot copy content of this page