[ Kiểm toán CPA] Xác định và đánh giá rủi ro trong kiểm toán

203
  1. a) Khái niệm (Đoạn 04)

Rủi ro kinh doanh: Là rủi ro phát sinh từ các điều kiện, sự kiện, tình huống, việc thực hiện hay không thực hiện các hành động có ảnh hưởng đáng kể mà có thể dẫn đến ảnh hưởng bất lợi tới khả năng đạt được mục tiêu và thực hiện được chiến lược kinh doanh của đơn vị, hoặc là rủi ro phát sinh từ việc xác định mục tiêu và chiến lược kinh doanh không phù hợp;

Kiểm soát nội bộ: Là quy trình do BQT, BGĐ và các cá nhân khác trong đơn vị thiết kế, thực hiện và duy trì để tạo ra sự đảm bảo hợp lý về khả năng đạt được mục tiêu của đơn vị trong việc đảm bảo độ tin cậy của BCTC, đảm bảo hiệu quả, hiệu suất hoạt động, tuân thủ pháp luật và các quy định có liên quan. Thuật ngữ “kiểm soát” được hiểu là bất cứ khía cạnh nào của một hoặc nhiều thành phần của kiểm soát nội bộ;

Thủ tục đánh giá rủi ro: Là thủ tục kiểm toán được thực hiện để thu thập các hiểu biết về đơn vị được kiểm toán và môi trường của đơn vị, trong đó có kiểm soát nội bộ, nhằm xác định và đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu do gian lận hoặc nhầm lẫn ở cấp độ BCTC hoặc cấp độ cơ sở dẫn liệu;

Rủi ro đáng kể: Là rủi ro có sai sót trọng yếu đã được xác định và đánh giá mà theo xét đoán của KTV phải đặc biệt lưu ý khi kiểm toán.

  1. b) Yêu cầu

b.1/ Thủ tục đánh giá rủi ro và các hoạt động liên quan (Đoạn 05-10, A1-A16): KTV phải thực hiện thủ tục đánh giá rủi ro, bao gồm: (1) Phỏng vấn BGĐ và các cá nhân khác trong đơn vị mà KTV xét đoán là có khả năng cung cấp thông tin hỗ trợ cho việc xác định rủi ro có sai sót trọng yếu; (2) Thủ tục phân tích; (3) Quan sát và điều tra.

KTV phải xem xét liệu các thông tin có được từ thủ tục đánh giá chấp nhận/duy trì khách hàng hoặc từ việc cung cấp các loại dịch vụ khác cho đơn vị trước đó… có liên quan đến việc xác định rủi ro có sai sót trọng yếu hay không.

Thành viên BGĐ phụ trách tổng thể cuộc kiểm toán và các thành viên chính trong nhóm kiểm toán phải thảo luận về khả năng BCTC của đơn vị có dễ xảy ra sai sót trọng yếu và việc áp dụng khuôn khổ về lập và trình bày BCTC có phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của đơn vị không. Các thành viên nhóm kiểm toán không tham gia thảo luận phải được thông báo những thông tin cần thiết để phục vụ kiểm toán.

b.2/ Hiểu biết cần có về đơn vị được kiểm toán và môi trường của đơn vị, trong đó có kiểm soát nội bộ (Đoạn 11-24, A17-A104)

Các thông tin về đơn vị được kiểm toán và môi trường của  đơn vị, bao gồm:

– Ngành nghề kinh doanh, các quy định pháp lý và các yếu tố bên ngoài khác, kể cả khuôn khổ về lập và trình bày BCTC được áp dụng;

– Đặc điểm của đơn vị (Lĩnh vực hoạt động; Loại hình sở hữu và bộ máy quản trị; Các hình thức đầu tư mà đơn vị đang và sẽ tham gia, kể cả đầu tư vào các đơn vị có mục đích đặc biệt; Cơ cấu tổ chức, sản xuất kinh doanh và quản lý và cơ cấu nguồn vốn của đơn vị);…

– Các chính sách kế toán mà đơn vị lựa chọn áp dụng, lý do thay đổi (nếu có), đánh giá của KTV về sự phù hợp của chính sách kế toán đối với lĩnh vực hoạt động của đơn vị, đối với khuôn khổ về lập và trình bày BCTC và với các đơn vị trong cùng lĩnh vực;

– Mục tiêu, chiến lược của đơn vị và những rủi ro kinh doanh có liên quan mà có thể dẫn đến rủi ro có sai sót trọng yếu;

– Việc đo lường và đánh giá kết quả hoạt động của đơn vị.

Các thông tin về kiểm soát nội bộ của đơn vị được kiểm toán: Mặc dù hầu hết các kiểm soát liên quan tới cuộc kiểm toán thường liên quan tới BCTC nhưng không phải tất cả các kiểm soát liên quan tới BCTC đều liên quan đến cuộc kiểm toán. KTV phải sử dụng xét đoán chuyên môn để xác định kiểm soát nào, riêng lẻ hay kết hợp với kiểm soát khác, có liên quan tới cuộc kiểm toán.

Khi thu thập thông tin về các kiểm soát có liên quan đến cuộc kiểm toán, KTV phải đánh giá về mặt thiết kế của các kiểm soát và xác định xem các kiểm soát này đã được thực hiện tại đơn vị hay chưa, bằng cách tiến hành thêm một số thủ tục kiểm toán ngoài việc phỏng vấn các nhân viên của đơn vị.

KTV phải tìm hiểu về kiểm soát nội bộ của đơn vị, được chia thành 5 thành phần sau: (1) Môi trường kiểm soát; (2) Quy trình đánh giá rủi ro; (3) Hệ thống thông tin liên quan đến việc lập và trình bày BCTC, bao gồm các quy trình kinh doanh có liên quan, và trao đổi thông tin; (4) Các hoạt động kiểm soát liên quan đến cuộc kiểm toán; và (5) Giám sát các kiểm soát.

b.3/ Xác định và đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu (Đoạn 25-30, A105-A129): Để làm cơ sở cho việc thiết kế và thực hiện các thủ tục kiểm toán tiếp theo, KTV phải xác định và đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu ở cấp độ BCTC và cấp độ cơ sở dẫn liệu của các nhóm giao dịch, số dư tài khoản và thông tin thuyết minh. Để đánh giá, KTV phải:

– Xác định rủi ro thông qua tìm hiểu về đơn vị và môi trường của đơn vị, bao gồm tìm hiểu các kiểm soát phù hợp liên quan đến rủi ro và xác định rủi ro thông qua xem xét các nhóm giao dịch, số dư tài khoản và thông tin thuyết minh trong BCTC;

– Đánh giá những rủi ro đã xác định và đánh giá liệu chúng có ảnh hưởng lan tỏa đến tổng thể BCTC và ảnh hưởng tiềm tàng đến nhiều cơ sở dẫn liệu hay không;

– Liên hệ những rủi ro đã xác định với các sai sót có thể xảy ra ở cấp độ cơ sở dẫn liệu và cân nhắc xem những kiểm soát nào KTV dự định kiểm tra;

– Cân nhắc khả năng xảy ra sai sótvà liệu sai sót tiềm tàng đó có dẫn đến sai sót trọng yếu hay không.

* Rủi ro đáng kể: Khi đánh giá rủi ro, KTV phải dựa vào xét đoán chuyên môn để quyết định xem liệu rủi ro đã xác định có phải là rủi ro đáng kể hay không. Nội dung cần xem xét bao gồm:

– Rủi ro đó có phải là rủi ro do gian lận hay không;

– Rủi ro đó có liên quan tới những thay đổi lớn gần đây trong nền kinh tế, trong lĩnh vực kế toán và các lĩnh vực khác, do đó, cần phải đặc biệt lưu ý hay không;

– Mức độ phức tạp của các giao dịch;

– Rủi ro đó có gắn liền với các giao dịch quan trọng với các bên liên quan hay không;

– Mức độ chủ quan trong việc định lượng thông tin tài chính liên quan tới rủi ro, đặc biệt là những thông tin mà việc định lượng còn yếu tố chưa chắc chắn;

– Rủi ro đó có liên quan tới những giao dịch lớn nằm ngoài phạm vi hoạt động kinh doanh bình thường của đơn vị, hoặc có liên quan tới giao dịch có dấu hiệu bất thường hay không.

Khi đã xác định có rủi ro đáng kể, KTV phải tìm hiểu các kiểm soát của đơn vị, kể cả các hoạt động kiểm soát, có liên quan đến rủi ro đó.

* Những rủi ro mà nếu chỉ thực hiện các thử nghiệm cơ bản sẽ không cung cấp đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp: Những rủi ro này thường liên quan tới việc ghi chép không chính xác hoặc không đầy đủ các nhóm giao dịch và số dư tài khoản có tính chất thường xuyên và quan trọng mà thường được xử lý tự động, có ít hoặc không có sự can thiệp thủ công. Trường hợp này, các kiểm soát của đơn vị đối với các rủi ro này được coi là có liên quan đến cuộc kiểm toán và KTV phải tìm hiểu về các kiểm soát đó.

Những tình huống và sự kiện có thể cho thấy rủi ro có sai sót trọng yếu (phụ lục số 02 CMKiT số 315):

– Các hoạt động ở những khu vực kinh tế không ổn định, ví dụ, ở các nước mà tiền tệ bị mất giá nghiêm trọng, hoặc nền kinh tế bị lạm phát ở mức cao;

– Các hoạt động ảnh hưởng bởi thay đổi của thị trường, ví dụ: các giao dịch tương lai;

– Các hoạt động liên quan đến quy định pháp lý có độ phức tạp cao;

– Các vấn đề về tính hoạt động liên tục hay tính thanh khoản, bao gồm việc mất các khách hàng quan trọng;

– Các hạn chế về nguồn vốn và tín dụng;

– Những thay đổi trong ngành nghề mà đơn vị đang hoạt động;

– Những thay đổi trong dây chuyền cung cấp;

– Phát triển hoặc giới thiệu các sản phẩm và dịch vụ mới, hoặc sử dụng dây chuyền sản xuất mới;

– Mở rộng phạm vi hoạt động trên nhiều địa bàn mới;

– Những thay đổi trong đơn vị như những hoạt động mua sắm lớn, tái cơ cấu hoặc các sự kiện bất thường khác;

– Dự kiến bán đơn vị hoặc bộ phận kinh doanh;

– Tồn tại nhiều mối quan hệ liên doanh, liên kết phức tạp;

– Sử dụng các nguồn tài trợ ghi nhận ngoài Bảng cân đối kế toán, những đơn vị có mục đích đặc biệt hoặc có những dàn xếp tài chính phức tạp;

– Có những giao dịch đáng chú ý với các bên liên quan;

– Thiếu hụt về nhân sự có khả năng phù hợp về kế toán và lập báo cáo tài chính;

– Thay đổi nhân sự chủ chốt, bao gồm sự thôi việc của những người điều hành chủ chốt;

– Những khiếm khuyết trong kiểm soát nội bộ, đặc biệt là những khiếm khuyết không được Ban Giám đốc xử lý;

– Mâu thuẫn giữa chiến lược công nghệ thông tin và chiến lược kinh doanh của đơn vị;

– Những thay đổi trong môi trường công nghệ thông tin;

– Cài đặt hệ thống công nghệ thông tin mới, quan trọng liên quan đến việc lập báo cáo tài chính;

– Việc điều tra của các cơ quan quản lý Nhà nước đối với hoạt động hoặc kết quả tài chính của đơn vị;

– Những sai sót, nhầm lẫn trong quá khứ hoặc có những điều chỉnh có giá trị lớn tại thời điểm cuối năm;

– Các giao dịch bất thường có giá trị lớn, gồm những giao dịch nội bộ công ty và các giao dịch doanh thu lớn vào cuối năm;

– Các giao dịch được ghi nhận theo mục đích của Ban Giám đốc, ví dụ các khoản nợ được tái tài trợ, những tài sản chuẩn bị bán hoặc việc phân loại chứng khoán có thể giao dịch được trên thị trường;

– Áp dụng quy định kế toán mới;

– Các đo lường về kế toán liên quan đến các thủ tục phức tạp;

– Các sự kiện hoặc giao dịch liên quan đến các đo lường không chắc chắn đáng kể, bao gồm các ước tính kế toán;

– Các vụ kiện tụng chưa được giải quyết và các khoản nợ tiềm tàng, ví dụ, bảo hành bán hàng, bảo lãnh tài chính và đền bù liên quan đến môi trường

b.4/ Xem xét lại đánh giá rủi ro (Đoạn 31, A130)

Trong quá trình kiểm toán, khi KTV thu thập được thêm bằng chứng kiểm toán,  đánh giá của KTV về rủi ro có sai sót trọng yếu ở cấp độ cơ sở dẫn liệu có thể thay đổi. Trường hợp bằng chứng kiểm toán thu thập được từ việc thực hiện thủ tục kiểm toán tiếp theo hoặc các thông tin mới thu thập được không nhất quán với những bằng chứng kiểm toán ban đầu mà KTV đã dựa vào đó để đánh giá rủi ro thì KTV phải xem xét lại những đánh giá trước đó và từ đó sửa đổi các thủ tục kiểm toán tiếp theo đã đề ra.

Bản tin này chỉ mang tính chất tham khảo, không phải ý kiến tư vấn cụ thể cho bất kì trường hợp nào.

Đăng kí để nhận bản tin từ Gonnapass

Liên hệ tư vấn dịch vụ Kế toán – Thuế – Đào tạo: Ms Huyền – 094 719 2091

Tham khảo dịch vụ tư vấn từng lần – giải quyết các nỗi lo rủi ro thuế

Mọi thông tin xin liên hệ:

Công ty TNHH Gonnapass

Phòng 701, tầng 7, toà nhà 3D Center, số 3 Duy Tân, P Dịch Vọng Hậu, Q Cầu Giấy, TP Hà Nội

Email: hotro@gonnapass.com

Facebook: https://www.facebook.com/gonnapassbeyondyourself/

Group Facebook chia sẻ mẫu biểu: https://www.facebook.com/groups/congvanketoan

Group Zalo chia sẻ miễn phí: https://zalo.me/g/xefwrd200

Website: https://gonnapass.com

Hotline/ Zalo : 0888 942 040

avatar
hien

Nếu bạn thích bài viết, hãy thả tim và đăng ký nhận bản tin của chúng tôi

Ý kiến bình luận

You cannot copy content of this page