[ Kiểm toán CPA] Yêu cầu về dịch vụ soát xét báo cáo tài chính quá khứ

422

c)Yêu cầu:

– Thái độ hoài nghi nghề nghiệp và xét đoán chuyên môn

+ Kiểm toán viên phải lập kế hoạch và thực hiện công việc soát xét báo cáo tài chính với thái độ hoài nghi nghề nghiệp để nhận biết các trường hợp có thể dẫn đến báo cáo tài chính có sai sót trọng yếu.

+ Kiểm toán viên phải thực hiện các xét đoán chuyên môn trong suốt quá trình lập kế hoạch và thực hiện công việc soát xét.

Kiểm soát chất lượng hợp đồng dịch vụ: Thành viên Ban Giám đốc phụ trách tổng thể hợp đồng dịch vụ phải có năng lực về kỹ năng và kỹ thuật đảm bảo, có năng lực về báo cáo tài chính phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của hợp đồng soát xét (xem hướng dẫn tại đoạn A26 Chuẩn mực này).

Các vấn đề liên quan cần xem xét sau khi chấp nhận hợp đồng soát xét: Khi thành viên Ban Giám đốc phụ trách tổng thể hợp đồng dịch vụ thu thập được các thông tin khiến cho doanh nghiệp kiểm toán có thể từ chối thực hiện hợp đồng nếu có thông tin sớm hơn, thành viên Ban Giám đốc phụ trách tổng thể hợp đồng dịch vụ đó phải thông báo ngay với doanh nghiệp kiểm toán, để doanh nghiệp kiểm toán và thành viên Ban Giám đốc phụ trách tổng thể hợp đồng dịch vụ có thể xem xét và có những hành động cần thiết.

Giám sát: Hệ thống kiểm soát chất lượng có hiệu quả bao gồm một quy trình giám sát được thiết kế nhằm cung cấp cho doanh nghiệp kiểm toán mức độ đảm bảo hợp lý rằng các chính sách và thủ tục của doanh nghiệp kiểm toán về hệ thống kiểm soát chất lượng là phù hợp, đầy đủ và hoạt động hữu hiệu. Thành viên Ban Giám đốc phụ trách tổng thể hợp đồng dịch vụ phải xem xét kết quả quy trình giám sát của doanh nghiệp kiểm toán theo quy định hiện hành của doanh nghiệp kiểm toán hoặc công ty mạng lưới và đánh giá xem các khiếm khuyết trong các quy định đó có thể ảnh hưởng đến công việc soát xét hay không.

Chấp nhận và duy trì quan hệ khách hàng và hợp đồng soát xét:

+ Tiền đề để chấp nhận một hợp đồng soát xét:

Trước khi chấp nhận một hợp đồng soát xét, kiểm toán viên phải:

  • Xác định xem liệu khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính được đơn vị áp dụng trong việc lập và trình bày báo cáo tài chính là có thể chấp nhận được hay không. Trường hợp báo cáo tài chính cho mục đích đặc biệt, kiểm toán viên phải hiểu được mục đích lập báo cáo tài chính cũng như mục đích của các đối tượng sử dụng báo cáo tài chính (xem hướng dẫn tại đoạn A40 – A46 Chuẩn mực này);
  • Đạt được thỏa thuận với Ban Giám đốc đơn vị về việc Ban Giám đốc hiểu và thừa nhận trách nhiệm của họ (xem hướng dẫn tại đoạn A47 – A50 Chuẩn mực này):

Nếu không có đầy đủ tiền đề để chấp nhận hợp đồng soát xét, kiểm toán viên phải thảo luận vấn đề này với Ban Giám đốc hoặc Ban quản trị đơn vị được soát xét. Nếu không đạt được thỏa thuận theo quy định, kiểm toán viên và doanh nghiệp kiểm toán không được chấp nhận hợp đồng soát xét trừ khi pháp luật và các quy định có liên quan khác yêu cầu. Tuy nhiên, hợp đồng soát xét được thực hiện trong hoàn cảnh như vậy sẽ không tuân thủ theo Chuẩn mực này. Theo đó, kiểm toán viên không được đề cập trong báo cáo soát xét là công việc soát xét đã được thực hiện theo Chuẩn mực này.

Nếu phát hiện các tiền đề nói trên không được đảm bảo sau khi chấp nhận hợp đồng soát xét, kiểm toán viên phải thảo luận vấn đề này với Ban Giám đốc hoặc Ban quản trị đơn vị được soát xét, và phải xác định:

  • Liệu vấn đề đó có thể giải quyết được hay không;
  • Liệu việc tiếp tục hợp đồng soát xét có thích hợp hay không;
  • Nếu có thể, vấn đề này sẽ được trình bày trong báo cáo soát xét như thế nào.

+ Các vấn đề cần xem xét thêm khi trình bày báo cáo soát xét theo yêu cầu của pháp luật và các quy định

Báo cáo soát xét độc lập chỉ được đề cập đến Chuẩn mực này nếu báo cáo đó tuân thủ theo quy định tại đoạn 86 Chuẩn mực này.

Trong một số trường hợp, hợp đồng soát xét báo cáo tài chính được thực hiện theo yêu cầu của pháp luật và các quy định có liên quan mà pháp luật và các quy định có liên quan có thể đặt ra các yêu cầu về cách trình bày hoặc ngôn từ cụ thể trong báo cáo soát xét khác so với các quy định và hướng dẫn của Chuẩn mực này. Trường hợp đó, kiểm toán viên phải đánh giá liệu người sử dụng báo cáo soát xét có thể hiểu sai mức độ đảm bảo của việc soát xét báo cáo tài chính hay không, và liệu các giải thích bổ sung trong báo cáo soát xét có thể làm cho người sử dụng báo cáo hiểu đúng hay không (xem hướng dẫn tại đoạn A51, A142 Chuẩn mực này).

Nếu kiểm toán viên nhận thấy việc giải thích bổ sung trong báo cáo soát xét độc lập cũng không thể giúp người sử dụng báo cáo hiểu đúng, thì kiểm toán viên và doanh nghiệp kiểm toán không được chấp nhận hợp đồng soát xét đó, trừ khi pháp luật và các quy định có liên quan yêu cầu vẫn phải thực hiện hợp đồng soát xét. Một hợp đồng soát xét được thực hiện theo yêu cầu của pháp luật và các quy định có liên quan như vậy sẽ không đảm bảo tuân thủ theo Chuẩn mực này. Vì vậy, kiểm toán viên không được đề cập trong báo cáo soát xét là công việc soát xét đã được thực hiện theo Chuẩn mực này (xem hướng dẫn tại đoạn A51, A142 Chuẩn mực này).

+ Thỏa thuận về các điều khoản của hợp đồng soát xé:t

Kiểm toán viên và doanh nghiệp kiểm toán phải thỏa thuận về các điều khoản của hợp đồng soát xét với Ban Giám đốc hoặc Ban quản trị đơn vị được soát xét (trong phạm vi phù hợp) trước khi thực hiện hợp đồng.

Các điều khoản thỏa thuận phải được ghi trong hợp đồng soát xét hoặc một hình thức thỏa thuận khác bằng văn bản phù hợp.

Hợp đồng soát xét nhiều năm: Đối với hợp đồng soát xét nhiều năm, hàng năm kiểm toán viên và doanh nghiệp kiểm toán phải đánh giá xem liệu có cần phải sửa đổi, bổ sung các điều khoản của hợp đồng soát xét nhiều năm đã ký hay không và liệu có cần phải nhắc lại các điều khoản hiện có của hợp đồng soát xét với Ban Giám đốc hoặc Ban quản trị đơn vị được soát xét hay không (xem hướng dẫn tại đoạn A57 Chuẩn mực này).

+ Chấp nhận thay đổi điều khoản hợp đồng soát xét:

Kiểm toán viên và doanh nghiệp kiểm toán không được đồng ý thay đổi các điều khoản của hợp đồng soát xét nếu không có lý do phù hợp cho thay đổi đó.

Trước khi hoàn thành hợp đồng soát xét, nếu kiểm toán viên và doanh nghiệp kiểm toán được yêu cầu thay đổi dịch vụ soát xét thành dịch vụ phi đảm bảo, kiểm toán viên và doanh nghiệp kiểm toán phải đánh giá liệu có lý do phù hợp để làm việc đó hay không.

Nếu các điều khoản của hợp đồng soát xét bị thay đổi trong quá trình soát xét, kiểm toán viên, doanh nghiệp kiểm toán và Ban Giám đốc hoặc Ban quản trị đơn vị được soát xét phải thỏa thuận lại các điều khoản để lập thành hợp đồng dịch vụ mới thay thế hợp đồng dịch vụ cũ hoặc lập bản phụ lục hợp đồng soát xét một cách phù hợp.

Trao đổi với Ban Giám đốc hoặc Ban quản trị đơn vị được soát xét: Kiểm toán viên phải trao đổi kịp thời, khi có thể, với Ban Giám đốc hoặc Ban quản trị đơn vị được soát xét, trong phạm vi phù hợp, về các vấn đề liên quan đến hợp đồng soát xét mà theo xét đoán chuyên môn của kiểm toán viên thì các vấn đề đó được Ban Giám đốc hoặc Ban quản trị đơn vị đặc biệt quan tâm (xem hướng dẫn tại đoạn A63 – A69 Chuẩn mực này).

Thực hiện hợp đồng soát xét

+ Mức trọng yếu trong soát xét báo cáo tài chính

Kiểm toán viên phải xác định mức trọng yếu đối với tổng thể báo cáo tài chính, và áp dụng mức trọng yếu này để thiết kế các thủ tục và đánh giá kết quả thu được từ việc thực hiện các thủ tục này.

Kiểm toán viên phải sửa đổi mức trọng yếu đối với tổng thể báo cáo tài chính trong trường hợp kiểm toán viên có thêm thông tin trong quá trình soát xét có thể dẫn đến việc cần thay đổi mức trọng yếu so với mức trọng yếu xác định trước đó.

+ Hiểu biết cần thiết của kiểm toán viên

Kiểm toán viên phải tìm hiểu về đơn vị được soát xét, môi trường của đơn vị và khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng để xác định các khu vực trong báo cáo tài chính thường phát sinh sai sót trọng yếu, từ đó cung cấp cơ sở cho việc thiết kế các thủ tục đối với các khu vực đó.

+ Thiết kế và thực hiện các thủ tục soát xét

Để thu thập đầy đủ bằng chứng thích hợp làm cơ sở cho kết luận về tổng thể báo cáo tài chính, kiểm toán viên phải thiết kế và thực hiện phỏng vấn và các thủ tục phân tích.

Kiểm toán viên phải phỏng vấn Ban Giám đốc và các đối tượng khác trong đơn vị được soát xét, trong phạm vi phù hợp.

Khi thiết kế các thủ tục phân tích, kiểm toán viên phải xem xét liệu cơ sở dữ liệu trong hệ thống kế toán và sổ kế toán của đơn vị có phù hợp với mục đích thực hiện các thủ tục phân tích hay không .

+ Đối chiếu báo cáo tài chính với sổ và tài liệu kế toán: Kiểm toán viên phải thu thập bằng chứng về sự phù hợp của báo cáo tài chính với các sổ và tài liệu kế toán của đơn vị.

+ Thủ tục bổ sung khi kiểm toán viên nhận thấy báo cáo tài chính có thể có sai sót trọng yếu: Nếu có vấn đề khiến kiểm toán viên cho rằng báo cáo tài chính có thể có sai sót trọng yếu, kiểm toán viên phải thiết kế và thực hiện các thủ tục bổ sung.

Các sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán

Nếu kiểm toán viên nhận thấy có các sự kiện phát sinh sau ngày lập báo cáo tài chính đến ngày lập báo cáo soát xét độc lập cần điều chỉnh hoặc thuyết minh trong báo cáo tài chính, kiểm toán viên phải yêu cầu Ban Giám đốc đơn vị sửa đổi các sai sót đó.

Kiểm toán viên không bắt buộc phải thực hiện các thủ tục liên quan đến các sự kiện phát sinh sau ngày lập báo cáo soát xét. Tuy nhiên, sau ngày lập báo cáo soát xét nhưng trước ngày công bố báo cáo tài chính, nếu kiểm toán viên biết được sự kiện mà nếu sự kiện đó được biết đến vào ngày lập báo cáo soát xét có thể làm cho kiểm toán viên phải sửa đổi báo cáo soát xét.

Trường hợp kiểm toán viên tin rằng báo cáo tài chính phải được sửa đổi nhưng Ban Giám đốc đơn vị được soát xét không sửa đổi, và nếu đã phát hành báo cáo soát xét cho đơn vị, kiểm toán viên phải thông báo cho Ban Giám đốc và Ban quản trị đơn vị, để đơn vị không công bố báo cáo tài chính đính kèm báo cáo soát xét cho bên thứ ba trước khi thực hiện các sửa đổi cần thiết. Nếu báo cáo tài chính công bố sau đó vẫn chưa được sửa đổi, kiểm toán viên phải có những hành động thích hợp để cố gắng ngăn chặn việc sử dụng báo cáo soát xét chưa sửa đổi.

Giải trình bằng văn bản

Kiểm toán viên phải yêu cầu Ban Giám đốc đơn vị cung cấp giải trình bằng văn bản về việc họ đã hoàn thành trách nhiệm theo các điều khoản của hợp đồng soát xét. Kiểm toán viên cũng phải yêu cầu Ban Giám đốc đơn vị giải trình bằng văn bản về những nội dung mà họ đã trình bày với kiểm toán viên.

Nếu Ban Giám đốc đơn vị không cung cấp văn bản giải trình hoặc nội dung giải trình không đầy đủ theo yêu cầu của kiểm toán viên thì kiểm toán viên phải:

  • Trao đổi vấn đề đó với Ban Giám đốc hoặc Ban quản trị đơn vị (trong phạm vi phù hợp);
  • Đánh giá lại tính chính trực của Ban Giám đốc đơn vị và đánh giá ảnh hưởng có thể có của vấn đề trên đến độ tin cậy của các giải trình (bằng lời hoặc bằng văn bản) cũng như độ tin cậy của bằng chứng soát xét nói chung;
  • Thực hiện các biện pháp thích hợp, bao gồm việc xác định ảnh hưởng có thể có đối với kết luận trong báo cáo soát xét theo Chuẩn mực này.

Kiểm toán viên phải từ chối đưa ra kết luận về báo cáo tài chính hoặc rút khỏi hợp đồng soát xét nếu pháp luật và các quy định có liên quan cho phép, khi thích hợp, nếu:

  • Kiểm toán viên kết luận rằng có đủ nghi ngờ về tính chính trực của Ban Giám đốc đơn vị được soát xét dẫn đến việc giải trình bằng văn bản không đáng tin cậy; hoặc
  • Ban Giám đốc đơn vị không cung cấp văn bản giải trình theo quy định tại đoạn 61 Chuẩn mực này.

Ngày ký văn bản giải trình và giai đoạn được giải trình: Ngày ký văn bản giải trình phải là ngày gần nhất với ngày lập báo cáo soát xét mà có thể thực hiện được, nhưng không được sau ngày lập báo cáo soát xét. Văn bản giải trình phải bao gồm giải trình về tất cả các báo cáo tài chính và các giai đoạn được soát xét đã đề cập trong báo cáo soát xét.

Đánh giá bằng chứng đã thu thập được

Kiểm toán viên phải đánh giá liệu có thu thập được đầy đủ bằng chứng thích hợp từ các thủ tục đã thực hiện hay không, và nếu chưa, kiểm toán viên phải thực hiện các thủ tục khác mà theo xét đoán của kiểm toán viên là cần thiết trong hoàn cảnh cụ thể để hình thành kết luận về báo cáo tài chính.

Nếu kiểm toán viên không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng thích hợp để hình thành kết luận, kiểm toán viên phải thảo luận với Ban Giám đốc hoặc Ban quản trị đơn vị được soát xét về ảnh hưởng của những hạn chế này đối với phạm vi soát xét.

Đánh giá ảnh hưởng đối với báo cáo soát xét độc lập: Kiểm toán viên phải đánh giá bằng chứng thu thập được từ việc thực hiện các thủ tục soát xét để xác định ảnh hưởng của các bằng chứng đó đối với báo cáo soát xét.

Hình thành kết luận của kiểm toán viên về báo cáo tài chính

+ Xem xét khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng liên quan đến báo cáo tài chính

+ Hình thành kết luận của kiểm toán viên: Kết luận của kiểm toán viên về báo cáo tài chính, dù là kết luận chấp nhận toàn phần hay không phải là kết luận chấp nhận toàn phần, phải được thể hiện trong một văn bản phù hợp với khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng cho báo cáo tài chính.

Kết luận chấp nhận toàn phần: Kiểm toán viên phải đưa ra kết luận chấp nhận toàn phần trong báo cáo soát xét về tổng thể báo cáo tài chính khi kiểm toán viên đạt được sự đảm bảo có giới hạn để kết luận rằng không có sự kiện nào khiến kiểm toán viên cho rằng báo cáo tài chính không được lập, trên các khía cạnh trọng yếu, phù hợp với khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng.

Kết luận không phải là kết luận chấp nhận toàn phần: Kiểm toán viên phải đưa ra kết luận không phải là kết luận chấp nhận toàn phần trong báo cáo soát xét về tổng thể báo cáo tài chính khi:

  • Dựa trên các thủ tục đã thực hiện và các bằng chứng thu thập được, kiểm toán viên kết luận là báo cáo tài chính vẫn còn sai sót trọng yếu; hoặc
  • Kiểm toán viên không thể thu thập đầy đủ bằng chứng thích hợp liên quan đến một hay một số khoản mục trọng yếu đối với tổng thể báo cáo tài chính.

Báo cáo tài chính có sai sót trọng yếu: Nếu kiểm toán viên xác định rằng báo cáo tài chính có sai sót trọng yếu, kiểm toán viên phải trình bày:

  • “Kết luận ngoại trừ”, khi kiểm toán viên kết luận là các sai sót có ảnh hưởng trọng yếu nhưng không lan tỏa đối với báo cáo tài chính; hoặc
  • “Kết luận trái ngược”, khi kiểm toán viên kết luận là các sai sót có ảnh hưởng trọng yếu và lan tỏa đối với báo cáo tài chính.

Không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng thích hợp: Nếu không thể hình thành kết luận về báo cáo tài chính do không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng thích hợp, kiểm toán viên phải:

  • Đưa ra “Kết luận ngoại trừ” nếu kiểm toán viên kết luận rằng những ảnh hưởng có thể có của các sai sót không được phát hiện (nếu có) có thể là trọng yếu nhưng không lan tỏa đối với báo cáo tài chính; hoặc
  • “Từ chối đưa ra kết luận” nếu kiểm toán viên kết luận rằng những ảnh hưởng có thể có của các sai sót không được phát hiện (nếu có) có thể là trọng yếu và lan tỏa đối với báo cáo tài chính.

Báo cáo soát xét: Báo cáo soát xét phải được lập bằng văn bản và bao gồm các nội dung sau đây:

  • Số hiệu và tiêu đề báo cáo: Báo cáo soát xét phải ghi rõ số hiệu phát hành báo cáo soát xét của doanh nghiệp kiểm toán hoặc chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán theo từng năm (số đăng ký chính thức trong hệ thống văn bản của doanh nghiệp hoặc chi nhánh). Báo cáo soát xét phải có tiêu đề chỉ rõ đó là báo cáo của kiểm toán viên và doanh nghiệp kiểm toán độc lập cho dịch vụ soát xét, ví dụ “Báo cáo soát xét độc lập”;
  • Người nhận báo cáo soát xét, tùy theo từng hợp đồng soát xét;
  • Đoạn mở đầu báo cáo phải:
    • Nêu rõ tên đơn vị có báo cáo tài chính đã được soát xét, xác định các báo cáo tài chính đã được soát xét, bao gồm việc nêu rõ tiêu đề của từng báo cáo cấu thành bộ báo cáo tài chính, ngày kết thúc kỳ kế toán và kỳ kế toán của từng báo cáo, ngày lập và số trang của báo cáo tài chính đã được soát xét;
    • Tham chiếu đến phần tóm tắt các chính sách kế toán quan trọng và các thuyết minh khác;
    • Nêu rõ rằng báo cáo tài chính đã được soát xét;
  • Mô tả trách nhiệm của Ban Giám đốc đơn vị được soát xét trong việc lập và trình bày báo cáo tài chính, bao gồm việc giải thích rằng Ban Giám đốc đơn vị chịu trách nhiệm về:
  • Lập và trình bày trung thực và hợp lý báo cáo tài chính phù hợp với khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng;
  • Kiểm soát nội bộ mà Ban Giám đốc đơn vị xác định là cần thiết để đảm bảo cho việc lập và trình bày báo cáo tài chính không có sai sót trọng yếu do gian lận hoặc nhầm lẫn;
  • Nếu báo cáo tài chính là báo cáo tài chính cho mục đích đặc biệt:
  • Mô tả mục đích của việc lập báo cáo tài chính, và nếu cần, phải mô tả về đối tượng sử dụng báo cáo tài chính dự kiến, hoặc tham chiếu đến phần thuyết minh có các thông tin đó trong báo cáo tài chính cho mục đích đặc biệt;
  • Nếu Ban Giám đốc đơn vị được soát xét có thể lựa chọn khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính để lập báo cáo tài chính cho mục đích đặc biệt, trong đoạn trình bày về trách nhiệm của Ban Giám đốc đơn vị đối với báo cáo tài chính phải đề cập đến trách nhiệm của Ban Giám đốc đơn vị trong việc xác định rằng khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính cho mục đích đặc biệt được áp dụng là có thể chấp nhận được trong hoàn cảnh cụ thể của hợp đồng soát xét;
  • Mô tả trách nhiệm của kiểm toán viên trong việc đưa ra kết luận về báo cáo tài chính, theo quy định và hướng dẫn của Chuẩn mực này, pháp luật và các quy định có liên quan nếu thích hợp (xem hướng dẫn tại đoạn A126 – 127, A143 Chuẩn mực này);
  • Mô tả công việc soát xét báo cáo tài chính, những hạn chế của công việc này và các tuyên bố sau đây (xem hướng dẫn tại đoạn A128 Chuẩn mực này):
  • Dịch vụ soát xét theo Chuẩn mực này là dịch vụ đảm bảo có giới hạn;
  • Kiểm toán viên thực hiện các thủ tục, chủ yếu là phỏng vấn Ban Giám đốc và các đối tượng khác trong đơn vị, trong phạm vi phù hợp, áp dụng thủ tục phân tích và đánh giá các bằng chứng thu thập được;
  • Các thủ tục được thực hiện trong dịch vụ soát xét ít hơn đáng kể so với các thủ tục được thực hiện trong dịch vụ kiểm toán theo chuẩn mực kiểm toán Việt Nam và do đó, kiểm toán viên không đưa ra ý kiến kiểm toán đối với báo cáo tài chính;
  • Đoạn “Kết luận của Kiểm toán viên” bao gồm:
  • Kết luận của kiểm toán viên về tổng thể báo cáo tài chính tuân thủ theo đoạn 72 – 85 Chuẩn mực này, nếu thích hợp;
  • Tham chiếu đến khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng để lập báo cáo tài chính. Nếu khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng được đề cập đến trong kết luận soát xét không phải là các chuẩn mực kế toán Việt Nam, chế độ kế toán (doanh nghiệp) Việt Nam và các quy định có liên quan đến việc lập và trình bày báo cáo tài chính của Việt Nam hoặc chuẩn mực lập và trình bày báo cáo tài chính quốc tế do Uỷ ban Chuẩn mực Kế toán Quốc tế ban hành hay các chuẩn mực kế toán công quốc tế do Uỷ ban Chuẩn mực Kế toán Công Quốc tế ban hành, kết luận soát xét phải chỉ rõ quốc gia hoặc tổ chức ban hành ra khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính đó;
  • Khi kết luận của kiểm toán viên về báo cáo tài chính là kết luận không phải là kết luận chấp nhận toàn phần, thì phải có:
  • Một đoạn với tiêu đề thích hợp bao gồm kết luận không phải là kết luận chấp nhận toàn phần của kiểm toán viên theo quy định tại đoạn 72 và đoạn 75 – 85 Chuẩn mực này, tùy từng trường hợp;
  • Một đoạn với tiêu đề thích hợp, mô tả những vấn đề dẫn đến kết luận không phải là kết luận chấp nhận toàn phần;
  • Tham chiếu đến trách nhiệm của kiểm toán viên theo quy định của Chuẩn mực này trong việc tuân thủ chuẩn mực và các quy định về đạo đức nghề nghiệp có liên quan;
  • Ngày lập báo cáo soát xét;
  • Chữ ký, họ và tên của kiểm toán viên, và đóng dấu;
  • Tên và địa chỉ của doanh nghiệp kiểm toán.

Đoạn “Vấn đề cần nhấn mạnh” và “Vấn đề khác” trong báo cáo soát xét

Đoạn “Vấn đề cần nhấn mạnh”: Kiểm toán viên có thể thấy cần phải thu hút sự chú ý của người sử dụng đối với một vấn đề đã được trình bày hoặc thuyết minh trong báo cáo tài chính, mà theo xét đoán của kiểm toán viên, vấn đề đó là đặc biệt quan trọng để người sử dụng hiểu được báo cáo tài chính. Trường hợp đó, kiểm toán viên phải trình bày thêm đoạn “Vấn đề cần nhấn mạnh” trong báo cáo soát xét, để thể hiện là kiểm toán viên đã thu thập đầy đủ bằng chứng thích hợp cho thấy vấn đề đó không bị sai sót trọng yếu trong báo cáo tài chính. Đoạn “Vấn đề cần nhấn mạnh” chỉ được đề cập đến các thông tin đã được trình bày hoặc thuyết minh trong báo cáo tài chính.

Đoạn “Vấn đề khác”: Nếu kiểm toán viên thấy cần phải trao đổi một vấn đề khác ngoài các vấn đề đã được trình bày hoặc thuyết minh trong báo cáo tài chính, mà theo xét đoán của kiểm toán viên, vấn đề khác đó là thích hợp để người sử dụng hiểu rõ hơn về công việc soát xét, về trách nhiệm của kiểm toán viên hoặc về báo cáo soát xét, đồng thời pháp luật và các quy định có liên quan cũng không cấm việc này thì kiểm toán viên phải trình bày về vấn đề đó sau đoạn “Kết luận của Kiểm toán viên” trong báo cáo soát xét và sử dụng tiêu đề “Vấn đề khác” hoặc “Các vấn đề khác”.

Tài liệu, hồ sơ soát xét: Việc lập tài liệu, hồ sơ cho hợp đồng soát xét là để cung cấp bằng chứng cho thấy công việc soát xét đã được thực hiện phù hợp với Chuẩn mực này cũng như yêu cầu của pháp luật và các quy định có liên quan, và để ghi chép đầy đủ và thích hợp làm cơ sở đưa ra kết luận trên báo cáo soát xét. Kiểm toán viên phải lập tài liệu, hồ sơ của hợp đồng soát xét một cách kịp thời, đầy đủ để kiểm toán viên có kinh nghiệm không tham gia vào hợp đồng soát xét dựa vào đó có thể hiểu được (xem hướng dẫn tại đoạn A145 Chuẩn mực này):

  • Nội dung, lịch trình và phạm vi các thủ tục đã thực hiện tuân thủ Chuẩn mực này cũng như yêu cầu của pháp luật và các quy định có liên quan;
  • Kết quả của các thủ tục đã thực hiện và kết luận của kiểm toán viên dựa trên các kết quả đó;
  • Các vấn đề quan trọng phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng soát xét, kết luận đưa ra của kiểm toán viên và các xét đoán chuyên môn quan trọng được thực hiện khi đưa ra kết luận này.

Bản tin này chỉ mang tính chất tham khảo, không phải ý kiến tư vấn cụ thể cho bất kì trường hợp nào.

Đăng kí để nhận bản tin từ Gonnapass

Liên hệ tư vấn dịch vụ Kế toán – Thuế – Đào tạo: Ms Huyền – 094 719 2091

Tham khảo dịch vụ tư vấn từng lần – giải quyết các nỗi lo rủi ro thuế

Mọi thông tin xin liên hệ:

Công ty TNHH Gonnapass

Phòng 701, tầng 7, toà nhà 3D Center, số 3 Duy Tân, P Dịch Vọng Hậu, Q Cầu Giấy, TP Hà Nội

Email: hotro@gonnapass.com

Facebook: https://www.facebook.com/gonnapassbeyondyourself/

Group Facebook chia sẻ mẫu biểu: https://www.facebook.com/groups/congvanketoan

Group Zalo chia sẻ miễn phí: https://zalo.me/g/xefwrd200

Website: https://gonnapass.com

Hotline/ Zalo : 0888 942 040

avatar
hien

Nếu bạn thích bài viết, hãy thả tim và đăng ký nhận bản tin của chúng tôi

Ý kiến bình luận

You cannot copy content of this page