[Phân tích tài chính CPA] Cơ sở dữ liệu phục vụ phân tích hoạt động tài chính doanh nghiệp

675

Cơ sở dữ liệu phục vụ phân tích hoạt động tài chính doanh nghiệp

1. Hệ thống báo cáo kế toán

Báo cáo kế toán là phương tiện để truyền tải, cung cấp thông tin kế toán đến các đối tượng sử dụng thông tin. Báo cáo kế toán là báo cáo được lập trên cơ sở tổng hợp số liệu, thông tin của kế toán. Căn cứ vào tính pháp lý của Báo cáo kế toán thì Báo cáo kế toán được chia thành hai loại báo cáo kế toán tài chính và báo cáo kế toán quản trị.

Báo cáo tài chính là những báo cáo tổng hợp nhất về tình hình tài sản, nguồn vốn, kết quả kinh doanh, tình hình lưu chuyển tiền tệ trong mỗi thời kỳ cụ thể của doanh nghiệp. Báo cáo tài chính cung cấp các thông tin kinh tế – tài chính chủ yếu cho người sử dụng thông tin kế toán trong việc đánh giá, phân tích và dự đoán tình hình tài chính, kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Báo cáo tài chính được sử dụng như nguồn dữ liệu chính khi phân tích hoạt động tài chính doanh nghiệp.

Khác với hệ thống báo cáo kế toán quản trị – là những báo cáo liên quan đến việc cung cấp thông tin cho các nhà quản trị trong nội bộ doanh nghiệp – Báo cáo tài chính là những báo cáo dùng để công khai tình hình tài chính doanh nghiệp cho các bên có liên quan bên ngoài doanh nghiệp. Người sử dụng thông tin của báo cáo tài chính quan tâm đến việc xem xét, đánh giá hoạt động tài chính của doanh nghiệp để có quyết định thích ứng (đầu tư, cho vay, rút vốn, liên doanh, xác định thuế và các khoản nghĩa vụ khác). Thông thường, người sử dụng thông tin trên Báo cáo tài chính là những người làm công tác phân tích hoạt động tài chínhở các cơ quan Nhà nước (cơ quan chủ quản, ngân hàng, thống kê, tài chính…), nhà đầu tư, nhân viên thuế, các cổ đông, các trái chủ, chủ nợ…

Báo cáo tài chính doanh nghiệp có ý nghĩa to lớn không những đối với các cơ quan, đơn vị và cá nhân bên ngoài doanh nghiệp mà còn có ý nghĩa trong việc chỉ đạo, điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Báo cáo tài chính rất hữu ích đối với việc quản trị doanh nghiệp và đồng thời là nguồn thông tin tài chính chủ yếu đối với những người ngoài doanh nghiệp. Báo cáo tài chính không những cho biết tình hình tài chính của doanh nghiệp tại thời điểm báo cáo mà còn cho thấy kết quả hoạt động mà doanh nghiệp đạt được trong hoàn cảnh đó. Bằng việc xem xét, phân tích báo cáo tài chính, người sử dụng thông tin có thể đánh giá chính xác sức mạnh tài chính, khả năng sinh lãi và triển vọng của doanh nghiệp. Do đó, Báo cáo tài chính của doanh nghiệp là mối quan tâm của nhiều nhóm người khác nhau như Ban giám đốc, Hội đồng quản trị, các nhà đầu tư, các cổ đông, các chủ nợ, các khách hàng chính, những người cho vay, các nhân viên ngân hàng, các nhà quản lý, các nhà bảo hiểm, các đại lý… kể cả các cơ quan Chính phủ và bản thân người lao động. Mỗi nhóm người có những nhu cầu thông tin khác nhau và do vậy, mỗi nhóm có xu hướng tập trung vào những khía cạnh riêng trong bức tranh tài chính của một doanh nghiệp. Mặc dầu mục đích của họ khác nhau nhưng thường liên quan với nhau, do vậy, họ thường sử dụng các công cụ và kỹ thuật cơ bản giống nhau để phân tích, xem xét Báo cáo tài chính. Có thể khái quát vai trò của Báo cáo tài chính trên các điểm sau:

– Báo cáo tài chính cung cấp chỉ tiêu kinh tế – tài chính cần thiết giúp cho việc kiểm tra một cách toàn diện và có hệ thống tình hình sản xuất, kinh doanh, tình hình thực hiện các chỉ tiêu kinh tế – tài chính chủ yếu của doanh nghiệp, tình hình chấp hành các chế độ kinh tế – tài chính của doanh nghiệp.

– Báo cáo tài chính cung cấp số liệu cần thiết để tiến hành phân tích hoạt động kinh tế – tài chính của doanh nghiệp, để nhận biết tình hình kinh doanh, tình hình kinh tế – tài chính nhằm đánh giá quá trình hoạt động, kết quả kinh doanh cũng như xu hướng vận động của doanh nghiệp để từ đó đưa ra các kết luận đúng đắn và có hiệu quả. Đồng thời, Báo cáo tài chính cung cấp những thông tin kinh tế, tài chính chủ yếu về thực trạng tài chính của doanh nghiệp trong kỳ hoạt động đã qua, giúp cho việc kiểm tra, giám sát tình hình sử dụng vốn và khả năng huy động nguồn vốn vào sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

– Báo cáo tài chính cung cấp tài liệu tham khảo phục vụ cho việc lập kế hoạch sản xuất, kinh doanh, kế hoạch đầu tư mở rộng hay thu hẹp phạm vi hoạt động của doanh nghiệp…

– Báo cáo tài chính cung cấp thông tin cho các chủ doanh nghiệp, Hội đồng Quản trị, Ban giám đốc… về tiềm lực của doanh nghiệp, tình hình công nợ, tình hình thu chi tài chính, khả năng tài chính, khả năng thanh toán, kết quả kinh doanh… để có quyết định về những công việc cần phải tiến hành, phương pháp tiến hành và kết quả có thể đạt được…

– Báo cáo tài chính cung cấp thông tin cho các nhà đầu tư, các chủ nợ, ngân hàng, đại lý và các đối tác kinh doanh về thực trạng tài chính, thực trạng sản xuất, kinh doanh, triển vọng thu nhập, khả năng thanh toán, nhu cầu về vốn của doanh nghiệp… để quyết định hướng đầu tư, quy mô đầu tư, quyết định liên doanh, cho vay hay thu hồi vốn…

– Báo cáo tài chính cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng, cơ quan quản lý Nhà nước để kiểm soát tình hình kinh doanh của doanh nghiệp có đúng chính sách chế độ, đúng luật pháp không, để thu thuế và ra những quyết định cho những vấn đề xã hội… 

– Báo cáo tài chính cung cấp các chỉ tiêu, các số liệu đáng tin cậy để tính ra các chỉ tiêu kinh tế khác nhằm đánh giá hiệu quả sử dụng vốn, hiệu quả của quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

– Báo cáo tài chính là căn cứ quan trọng trong việc phân tích, nghiên cứu, phát hiện những khả năng tiềm tàng và là căn cứ quan trọng đề ra các quyết định về quản lý, điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc đầu tư vào doanh nghiệp của chủ sở hữu, các nhà đầu tư, các chủ nợ hiện tại và tương lai của doanh nghiệp.

– Báo cáo tài chính còn là căn cứ quan trọng để xây dựng các kế hoạch, kinh tế – kỹ thuật, tài chính của doanh nghiệp, là những căn cứ khoa học để đề ra hệ thống các biện pháp xác thực nhằm tăng cường quản trị doanh nghiệp, không ngừng nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp.

Theo Chế độ kế toán doanh nghiệp hiện hành  Thông tư số 200/2014/TT-BTC ngày 22 / 12 /2014 của Bộ Tài chính, hệ thống báo cáo tài chính áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực, mọi thành phần kinh tế trong cả nước ở Việt Nam bao gồm 4 biểu mẫu báo cáo sau:

– Bảng cân đối kế toán (Mẫu số B01 – DN);

– Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh (Mẫu số B02 – DN);

– Báo cáo lưu chuyển tiền tệ (Mẫu số B03 – DN);

– Bản thuyết minh báo cáo tài chính (Mẫu số B09 – DN).

Theo Chế độ kế toán doanh nghiệp hiện hành – Thông tư số 200/2014/TT-BTC ngày 22 / 12 /2014 của Bộ Tài chính, quy định về báo cáo tài chính giữa niên độ bao gồm 4 biểu mẫu báo cáo theo 2 dạng : dạng  đầy đủ và dạng tóm lược cụ thể như sau:

Dạng đầy đủ theo mẫu

– Bảng cân đối kế toán (Mẫu số B01a – DN);

– Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh (Mẫu số B02a – DN);

– Báo cáo lưu chuyển tiền tệ (Mẫu số B03a – DN);

– Thuyết minh báo cáo tài chính chọn lọc (Mẫu số B09a – DN).

Dạng tóm lược theo mẫu

– Bảng cân đối kế toán (Mẫu số B01b – DN);

– Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh (Mẫu số B02b – DN);

– Báo cáo lưu chuyển tiền tệ (Mẫu số B03b – DN);

– Thuyết minh báo cáo tài chính chọn lọc (Mẫu số B09b – DN).

Với các tập đoàn kinh tế, tổng công ty sử dụng Thông tư số 202/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 của Bộ Tài chính, quy định về hệ thống báo cáo tài chính hợp nhất của tập đoàn công ty Mẹ – Con gồm:

– Bảng cân đối kế toán hợp nhất Mẫu số B01 – DN/HN
– Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất Mẫu số B02 – DN/HN
– Báo cáo lưu chuyển tiền tệ hợp nhất Mẫu số B03 – DN/HN
– Bản thuyết minh báo cáo tài chính hợp nhất Mẫu số B09 – DN/HN

Theo Thông tư số 202/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 của Bộ Tài chính, hệ thống báo cáo tài chính hợp nhất có các điểm khác biệt so với báo cáo tài chính của các doanh nghiệp thông thường. Cụ thể:

* Bổ sung các chỉ tiêu trong Bảng cân đối kế toán hợp nhất (Mẫu số B01- DN/HN)

– Bổ sung chỉ tiêu VI “Lợi thế thương mại”- Mã số 269 trong phần “Tài sản” để phản ánh lợi thế thương mại phát sinh trong giao dịch hợp nhất kinh doanh;

– Bổ sung chỉ tiêu “Lợi ích cổ đông không kiểm soát” – Mã số 429 và được trình bày là một chỉ tiêu thuộc phần vốn chủ sở hữu để phản ánh giá trị lợi ích của cổ đông không kiểm soát trong các công ty con.

* Bổ sung các chỉ tiêu trong Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất:

– Bổ sung chỉ tiêu “Phần lãi hoặc lỗ trong công ty liên doanh, liên kết” – Mã số 24 để phản ánh phần lãi hoặc lỗ thuộc sở hữu của nhà đầu tư trong lãi hoặc lỗ của công ty liên doanh, liên kết khi nhà đầu tư áp dụng phương pháp vốn chủ sở hữu.

– Bổ sung chỉ tiêu “Lợi nhuận sau thuế của cổ đông của công ty mẹ” – Mã số 61 để phản ánh giá trị phần lợi nhuận sau thuế thuộc cổ đông mẹ trong kỳ.

– Bổ sung chỉ tiêu “Lợi nhuận sau thuế của cổ đông không kiểm soát” – Mã số 62 để phản ánh giá trị phần lợi nhuận sau thuế của cổ đông không kiểm soát trong kỳ.

* Bổ sung các thông tin phải trình bày trong Bản thuyết minh báo cáo tài chính hợp nhất

(1) Bổ sung vào sau phần I “Đặc điểm hoạt động của Tập đoàn” các thông tin cần trình bày trong Bản thuyết minh báo cáo tài chính hợp nhất theo yêu cầu của các Chuẩn mực kế toán số 25 “Báo cáo tài chính hợp nhất và kế toán khoản đầu tư vào công ty con”, Chuẩn mực số 07 “Kế toán các khoản đầu tư vào công ty liên kết” và Chuẩn mực số 08 “Thông tin tài chính về những khoản vốn góp liên doanh”, bao gồm:

– Tổng số các Công ty con:

               + Số lượng các Công ty con được hợp nhất: ………………

               + Số lượng các Công ty con không được hợp nhất:……..

– Danh sách các Công ty con quan trọng được hợp nhất:

               + Công ty A:

. Tên công ty:…………………………………………………

. Địa chỉ:……………………………………………………….

. Tỷ lệ lợi ích của Công ty mẹ:…………………………

. Quyền biểu quyết của Công ty mẹ:…………………

+ Công ty B:

. Tên công ty:…………………………………………………

. Địa chỉ:……………………………………………………….

. Tỷ lệ lợi ích của Công ty mẹ:…………………………..

. Quyền biểu quyết của Công ty mẹ:…………………..

– Các Công ty con bị loại khỏi quá trình hợp nhất (Giải thích rõ lý do).

– Danh sách các Công ty liên kết quan trọng được phản ánh trong Báo cáo tài chính hợp nhất theo phương pháp vốn chủ sở hữu:

+ Công ty liên kết A:

. Địa chỉ trụ sở chính:……………………………………….

. Tỷ lệ phần sở hữu:………………………………………….

. Tỷ lệ quyền biểu quyết:…………………………………..

+ Công ty liên kết B:

. Địa chỉ trụ sở chính:……………………………………….

. Tỷ lệ phần sở hữu:………………………………………….

. Tỷ lệ quyền biểu quyết:…………………………………..

               + Công ty liên kết C:

– Danh sách các Công ty liên kết ngừng áp dụng hoặc không áp dụng phương pháp vốn chủ sở hữu khi lập Báo cáo tài chính hợp nhất.        

– Danh sách các cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát quan trọng được phản ánh trong Báo cáo tài chính hợp nhất theo phương pháp vốn chủ sở hữu:

               + Cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát A:

. Địa chỉ trụ sở chính:……………………………………….

. Tỷ lệ phần sở hữu:………………………………………….

. Tỷ lệ quyền biểu quyết:…………………………………..

               + Cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát B:

. Địa chỉ trụ sở chính:……………………………………….

. Tỷ lệ phần sở hữu:………………………………………….

. Tỷ lệ quyền biểu quyết:…………………………………..

               + Cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát C:

– Danh sách các cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát ngừng áp dụng hoặc không áp dụng phương pháp vốn chủ sở hữu khi lập Báo cáo tài chính hợp nhất.

– Những sự kiện ảnh hưởng quan trọng đến hoạt động kinh doanh của Tập đoàn trong năm báo cáo.

Với doanh nghiệp nhỏ và vừa, gồm công ty trách nhiệm hữu hạn (trừ công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên được chuyển từ doanh nghiệp nhà nước), công ty cổ phần (trừ công ty chứng khoán cổ phần và công ty cổ phần niêm yết trên thị trường chứng khoán), công ty hợp danh, doanh nghiệp tư nhân và hợp tác xã (trừ hợp tác xã nông nghiệp và hợp tác xã tín dụng nhân dân) áp dụng hệ thống Báo cáo tài chính ban hành theo Quyết định số 48/2006/QĐ-BTC ngày 14/9/2006 của Bộ trưởng Bộ Tài chính và thông tư 138/2011/TT-BTC ngày 04/10/2011 hướng dẫn sửa đổi, bổ xung chế độ kế toán doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quyết định 48/QĐ-BTC ngày 14/09/2006. Ngày 26/08/2016, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 133/2016/TT-BTC thay thế Quyết định số 48/2006/QĐ-BTC ngày 14/09/2006 của Bộ TC và có hiệu lực áp dụng cho năm tài chính bắt đầu hoặc sau ngày 01/01/2017

Về cơ bản, hệ thống BCTC này cũng tương tự như hệ thống báo cáo theo Thông tư số 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 của Bộ Tài chính, tuy nhiên, số lượng báo cáo và nội dung cũng có những khác biệt nhất định. Về số lượng, các doanh nghiệp vừa và nhỏ phải lập các báo cáo tài chính sau:

  1. Bảng Cân đối kế toán – Mẫu số B01-DNN
  2. Bảng Cân đối tài khoản – Mẫu số F01-DNN
  3. Báo cáo Kết quả hoạt động kinh doanh – Mẫu số B02-DNN
  4. Báo cáo Lưu chuyển tiền tệ – Mẫu số B03-DNN
  5. Bản Thuyết minh báo cáo tài chính – Mẫu số B09-DNN

Đối với các hợp tác xã, báo cáo tài chính bao gồm: 

  1. Bảng Cân đối Tài khoản – Mẫu số B01-DNN/HTX
  2. Báo cáo Kết quả hoạt động kinh doanh – Mẫu số B02-DNN
  3. Bản Thuyết minh báo cáo tài chính – Mẫu số B09-DNN/HTX

          Một số sửa đổi, bổ sung một số chỉ tiêu trên báo cáo tài chính các DNNVV cụ thể như sau:

          * Bảng Cân đối kế toán (Mẫu số B01-DNN)

– Đổi mã số chỉ tiêu “Nợ dài hạn” – Mã số 320 trên Bảng cân đối kế toán thành mã số 330 trên Bảng cân đối kế toán.

– Đổi mã số chỉ tiêu “Vay và nợ dài hạn” – Mã số 321 trên Bảng cân đối kế toán thành mã số 331 trên Bảng cân đối kế toán.

– Đổi mã số chỉ tiêu “Quỹ dự phòng trợ cấp mất việc làm” – Mã số 322 trên Bảng cân đối kế toán thành mã số 332 trên Bảng cân đối kế toán.

– Đổi mã số chỉ tiêu “Phải trả, phải nộp dài hạn khác” – Mã số 328 trên Bảng cân đối kế toán thành mã số 338 trên Bảng cân đối kế toán.

– Đổi mã số chỉ tiêu “Dự phòng phải trả dài hạn” – Mã số 329 trên Bảng cân đối kế toán thành mã số 339 trên Bảng cân đối kế toán.

– Đổi mã số chỉ tiêu “Quỹ khen thưởng, phúc lợi” – Mã số 430 trên Bảng Cân đối kế toán thành Mã số 323 trên Bảng Cân đối kế toán. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu “Quỹ khen thưởng, phúc lợi” là số dư Có của tài khoản 353 – “Quỹ khen thưởng, phúc lợi” trên Sổ Cái hoặc Nhật ký Sổ Cái.

– Sửa đổi chỉ tiêu “Người mua trả tiền trước” – Mã số 313 trên Bảng Cân đối kế toán. Chỉ tiêu người mua trả tiền trước phản ánh tổng số tiền người mua ứng trước để mua tài sản, hàng hoá, bất động sản đầu tư, dịch vụ tại thời điểm báo cáo. Chỉ tiêu này không phản ánh các khoản doanh thu chưa thực hiện (gồm cả doanh thu nhận trước). Số liệu để ghi vào chỉ tiêu “Người mua trả tiền trước” là số dư Có chi tiết của tài khoản 131 – “Phải thu của khách hàng” mở cho từng khách hàng trên sổ kế toán chi tiết TK 131.

– Bổ sung chỉ tiêu “Giao dịch mua bán lại trái phiếu Chính phủ” – Mã số 157 trên Bảng cân đối kế toán. Chỉ tiêu này phản ánh giá trị trái phiếu Chính phủ của bên mua khi chưa kết thúc thời hạn hợp đồng mua bán lại tại thời điểm báo cáo. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu “Giao dịch mua bán lại trái phiếu Chính phủ” là số dư nợ của Tài khoản 171 – Giao dịch mua bán lại trái phiếu Chính phủ trên sổ kế toán chi tiết TK 171.

– Bổ sung chỉ tiêu “Giao dịch mua bán lại trái phiếu Chính phủ” – Mã số 327 trên Bảng cân đối kế toán. Chỉ tiêu này phản ánh giá trị trái phiếu Chính phủ của bên bán khi chưa kết thúc thời hạn hợp đồng mua bán lại tại thời điểm báo cáo. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu “Giao dịch mua bán lại trái phiếu Chính phủ” là số dư có của Tài khoản 171 – Giao dịch mua bán lại trái phiếu Chính phủ trên sổ kế toán chi tiết TK 171.

– Bổ sung chỉ tiêu “Doanh thu chưa thực hiện ngắn hạn” – Mã số 328 trên Bảng Cân đối kế toán. Chỉ tiêu này phản ánh các khoản doanh thu chưa thực hiện ngắn hạn tại thời điểm báo cáo. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu “Doanh thu chưa thực hiện ngắn hạn” là số dư Có của tài khoản 3387 – “Doanh thu chưa thực hiện” trên sổ kế toán chi tiết TK 3387 (Số doanh thu chưa thực hiện có thời hạn chuyển thành doanh thu thực hiện trong vòng 12 tháng tới).

– Đổi mã số chỉ tiêu “Dự phòng phải trả ngắn hạn” – Mã số 319 trên Bảng Cân đối kế toán thành mã số 329.

– Bổ sung chỉ tiêu “Doanh thu chưa thực hiện dài hạn” – Mã số 334 trên Bảng Cân đối kế toán. Chỉ tiêu này phản ánh các khoản doanh thu chưa thực hiện dài hạn tại thời điểm báo cáo. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu “Doanh thu chưa thực hiện dài hạn” là số dư Có của tài khoản 3387 – “Doanh thu chưa thực hiện” trên sổ kế toán chi tiết TK 3387 (Số doanh thu chưa thực hiện có thời hạn chuyển thành doanh thu thực hiện trên 12 tháng hoặc bằng tổng số dư có TK 3387 – “Doanh thu chưa thực hiện” trừ (-) số doanh thu chưa thực hiện ngắn hạn phản ánh ở chỉ tiêu 328).

– Bổ sung chỉ tiêu “Quỹ phát triển khoa học và công nghệ” – Mã số 336 trên Bảng Cân đối kế toán. Chỉ tiêu này phản ánh Quỹ phát triển khoa học và công nghệ chưa sử dụng tại thời điểm báo cáo. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu “Quỹ phát triển khoa học và công nghệ” là số dư Có của tài khoản 356 – “Quỹ phát triển khoa học và công nghệ” trên Sổ kế toán tài khoản 356.

* Sửa đổi, bổ sung một số chỉ tiêu trên Báo cáo Lưu chuyển tiền tệ (Mẫu số B03-DNN)

– Tiền thu bán trái phiếu Chính phủ theo hợp đồng mua, bán lại (Repo) được phản ánh vào chỉ tiêu “Tiền vay ngắn hạn, dài hạn nhận được” (Mã số 33);

– Tiền thanh toán mua/mua lại trái phiếu Chính phủ theo hợp đồng mua, bán lại (Repo) được phản ánh vào chỉ tiêu “Tiền chi trả nợ gốc vay” (Mã số 34).

sửa đổi, bổ sung Thuyết minh báo cáo tài chính (Mẫu số B09-DNN) điểm (1) và (2) khoản 5 Mục III –  như sau:

(1) Các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn: Cuối năm Đầu năm
Số lượng Giá trị Số lượng Giá trị
– Cổ phiếu đầu tư ngắn hạn (chi tiết cho từng loại cổ phiếu)
– Trái phiếu đầu tư ngắn hạn (chi tiết cho từng loại trái phiếu)
– Đầu tư ngắn hạn khác
– Dự phòng giảm giá đầu tư ngắn hạn
(2) Các khoản đầu tư tài chính dài hạn:
– Đầu tư vào công ty liên kết, liên doanh (Chi tiết cho từng công ty liên kết, cơ sở liên doanh)
– Đầu tư dài hạn khác
– Đầu tư cổ phiếu
– Đầu tư trái phiếu
– Đầu tư tín phiếu, kỳ phiếu
– Cho vay dài hạn -”

Kết cấu và nội dung phản ánh trên hệ thống báo cáo tài chính doanh nghiệp đã được trình bày trong Chuyên đề 4 “Kế toán tài chính, kế toán quản trị”.

Ngoài ra, để phục vụ yêu cầu quản lý, chỉ đạo, điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp có thể lập thêm các báo cáo tài chính chi tiết khác.

2. Cơ sở dữ liệu khác

Sự tồn tại, phát triển cũng như quá trình suy thoái của doanh nghiệp phụ thuộc vào nhiều yếu tố: Có yếu tố bên trong và yếu tố bên ngoài; Có yếu tố chủ quan và yếu tố khách quan. Điều đó tuỳ thuộc vào tiêu thức phân loại các yếu tố ảnh hưởng.

– Các yếu tố bên trong:

Các yếu tố bên trong là những yếu tố thuộc về đặc điểm tổ chức quản lý và kinh doanh của doanh nghiệp như; loại hình, quy mô doanh nghiệp, đặc điểm bộ máy quản lý, trình độ quản lý; ngành nghề, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đăng ký kinh doanh; quy trình công nghệ; năng lực của lao động, năng lực cạnh tranh…

– Các yếu tố bên ngoài:

Các yếu tố bên ngoài là những yếu tố mang tính khách quan như: môi trường kinh doanh, chế độ chính trị xã hội; tăng trưởng kinh tế của nền kinh tế; tiến bộ khoa học kỹ thuật; chính sách tài chính tiền tệ; chính sách thuế…

Phân tích hoạt động tài chínhnhằm phục vụ cho những dự đoán tài chính, dự đoán kết quả tương lai của doanh nghiệp, trên cơ sở đó mà đưa ra được những quyết định phù hợp. Như vậy, không chỉ giới hạn ở việc nghiên cứu những báo cáo tài chính mà phải tập hợp đầy đủ các thông tin liên quan đến tình hình tài chính của doanh nghiệp, như các thông tin chung về kinh tế, tiền tệ, thuế khoá, các thông tin về ngành kinh tế của doanh nghiệp, các thông tin về pháp lý, về kinh tế đối với doanh nghiệp. Cụ thể là:

+ Các thông tin chung:

Thông tin chung là những thông tin về tình hình kinh tế chính trị, môi trường pháp lý, kinh tế có liên quan đến cơ hội kinh tế, cơ hội đầu tư, cơ hội về kỹ thuật công nghệ… Sự suy thoái hoặc tăng trưởng của nền kinh tế có tác động mạnh mẽ đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Những thông tin về các cuộc thăm dò thị trường, triển vọng phát triển trong sản xuất, kinh doanh và dịch vụ thương mại… ảnh hưởng lớn đến chiến lược và sách lược kinh doanh trong từng thời kỳ.

+ Các thông tin theo ngành kinh tế:

Thông tin theo ngành kinh tế là những thông tin mà kết quả hoạt động của doanh nghiệp mang tính chất của ngành kinh tế như đặc điểm của ngành kinh tế liên quan đến thực thể của sản phẩm, tiến trình kỹ thuật cần tiến hành, cơ cấu sản xuất có tác động đến khả năng sinh lời, vòng quay vốn, nhịp độ phát triển của các chu kỳ kinh tế, độ lớn của thị trường và triển vọng phát triển…

+ Các thông tin của bản thân doanh nghiệp:

Thông tin về bản thân doanh nghiệp là những thông tin về chiến lược, sách lược kinh doanh của doanh nghiệp trong từng thời kỳ, thông tin về tình hình và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, tình hình tạo lập, phân phối và sử dụng vốn, tình hình và khả năng thanh toán… Những thông tin này được thể hiện qua những giải trình của các nhà quản lý, qua Báo cáo tài chính, báo cáo kế toán quản trị, báo cáo thống kê, hạch toán nghiệp vụ…

Bên cạnh hệ thống báo cáo tài chính, khi Phân tích hoạt động tài chínhdoanh nghiệp, các nhà phân tích còn kết hợp sử dụng nhiều nguồn dữ liệu khác nhau như: Báo cáo quản trị, báo cáo chi tiết, các tài liệu kế toán, tài liệu thống kê, bảng công khai một số chỉ tiêu tài chính… Đây là những nguồn dữ liệu quan trọng giúp cho các nhà phân tích xem xét, đánh giá được các mặt khác nhau trong hoạt động tài chính một cách đầy đủ, chính xác. Tuy nhiên, phần lớn nguồn dữ liệu này chỉ được sử dụng trong nội bộ (trừ các chỉ tiêu tài chính công khai). 

Trong các dữ liệu khác sử dụng để phân tích hoạt động tài chínhdoanh nghiệp, có thể nói, hệ thống báo cáo kế toán quản trị được sử dụng nhiều nhất. Không giống như hệ thống báo cáo tài chính, báo cáo kế toán quản trị là những báo cáo nhằm phản ánh chi tiết hơn tình hình tài sản, nguồn hình thành tài sản theo từng đối tượng cụ thể, tình hình và kết quả từng hoạt động sản xuất, kinh doanh… Báo cáo kế toán quản trị cung cấp thông tin chi tiết theo từng đối tượng quản lý cụ thể phục vụ cho nhu cầu quản lý, chỉ đạo, điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Đối với việc công khai tài chính, theo Điều 32, Điều 33 Luật Kế toán năm 2003, các doanh nghiệp có trách nhiệm phải công khai báo cáo tài chính năm trong thời hạn một trăm hai mươi ngày, kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán năm. Riêng công ty tư nhân và công ty hợp danh phải công khai BCTC năm trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán năm. Nội dung công khai báo cáo tài chính của đơn vị kế toán trong hoạt động kinh doanh bao gồm các thông tin liên quan đến tình hình tài sản, nợ phải trả và vốn chủ sở hữu; kết quả hoạt động kinh doanh; tình hình trích lập và sử dụng các quỹ; tình hình thu nhập của người lao động. Việc công khai báo cáo tài chính được thực hiện theo các hình thức như: Phát hành ấn phẩm; thông báo bằng văn bản; niêm yết và các hình thức khác theo quy định của pháp luật. Căn cứ vào Bảng công khai một số chỉ tiêu tài chính theo quy định, các nhà phân tích sẽ tiến hành phân tích, xem xét và đưa ra nhận định về tình hình tài chính, kết quả kinh doanh… của doanh nghiệp.

 Các thông tin khác liên quan cần thu thập phục vụ phân tích hoạt động tài chínhcủa doanh nghiệp rất phong phú và đa dạng. Một số thông tin được công khai, một số thông tin chỉ dành cho những người có lợi ích gắn liền với sự sống còn của doanh nghiệp. Có những thông tin được báo chí hoặc các tổ chức tài chính công bố, có những thông tin chỉ trong nội bộ doanh nghiệp được biết.

Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng: Những thông tin thu thập được không phải tất cả đều được lượng hóa cụ thể, mà có những tài liệu không thể biểu hiện bằng số lượng cụ thể, nó chỉ được thể hiện thông qua sự miêu tả đời sống kinh tế của doanh nghiệp. Do vậy, để phân tích hoạt động tài chínhphát huy hiệu quả trong quản lý, chỉ đạo điều hành doanh nghiệp thì cơ sở dữ liệu cần thiết phục vụ cho quá trình phân tích phải được thu thập đầy đủ và thích hợp. Tính đầy đủ thể hiện thước đo số lượng của thông tin, tính thích hợp phản ánh chất lượng thông tin thu thập hay là độ chính xác, trung thực và hợp lý của những thông tin dữ liệu đầu vào của phân tích.

Bản tin này chỉ mang tính chất tham khảo, không phải ý kiến tư vấn cụ thể cho bất kì trường hợp nào.
Đăng kí để nhận bản tin từ Gonnapass
Liên hệ tư vấn dịch vụ Kế toán – Thuế – Đào tạo: Ms Huyền – 094 719 2091
Tham khảo dịch vụ tư vấn từng lần – giải quyết các nỗi lo rủi ro thuế
 Mọi thông tin xin liên hệ:
Công ty TNHH Gonnapass
Phòng 701, tầng 7, toà nhà 3D Center, số 3 Duy Tân, P Dịch Vọng Hậu, Q Cầu Giấy, TP Hà Nội
Email: hotro@gonnapass.com
Facebook: https://www.facebook.com/gonnapassbeyondyourself/
Group Facebook chia sẻ mẫu biểu: https://www.facebook.com/groups/congvanketoan
Group Zalo chia sẻ miễn phí: https://zalo.me/g/xefwrd200
Website: https://gonnapass.com
Hotline/ Zalo : 0888 942 040

avatar
duong

Nếu bạn thích bài viết, hãy thả tim và đăng ký nhận bản tin của chúng tôi

Ý kiến bình luận

You cannot copy content of this page