[Pháp luật CPA] Pháp luật về phá sản doanh nghiệp

207

Phá sản là hiện tượng kinh tế xuất hiện và tồn tại trong những điều kiện kinh tế – xã hội nhất định, đó là nền kinh tế thị trường. Trong nền kinh tế kế hoạch tập trung không tồn tại khái niệm phá sản. Luật phá sản đầu tiên của Việt Nam được Quốc hội thông qua ngày 30 tháng 12 năm 1993. Sau một thời gian thực hiện, luật này đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập và tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá XI ngày 15 tháng 6 năm 2004 đã thông qua Luật Phá sản mới thay cho Luật Phá sản năm 1993. Ngày 19 tháng 6 năm 2014, Quốc hội đã thông qua Luật Phá sản năm 2014 và thay thế cho Luật Phá sản năm 2004.

  1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Luật Phá sản 2014:

1.1 Phạm vi điều chỉnh

Theo quy định tại Luật Phá sản năm 2014, phạm vi điều chỉnh gồm quy định trình tự, thủ tục nộp đơn, thụ lý và mở thủ tục phá sản; xác định nghĩa vụ về tài sản và biện pháp bảo toàn tài sản trong quá trình giải quyết phá sản; thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh; tuyên bố phá sản và thi hành quyết định tuyên bố phá sản.

1.2. Đối tượng áp dụng

Đối tượng áp dụng của Luật Phá sản năm 2014 gồm doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã (gọi chung là Hợp tác xã) được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật.

1.3. Nguyên tắc áp dụng Luật phá sản

Luật Phá sản năm 2014 và  các quy định khác của pháp luật được áp dụng khi giải quyết phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.Trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Luật phá sản thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.

1.4. Vai trò của pháp luật phá sản

Nhìn chung, sự ra đời của pháp luật phá sản nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan. Theo đó, pháp luật phá sản có vai trò cụ thể sau:

– Pháp luật Phá sản bảo vệ lợi ích chính đáng của chủ nợ, cung cấp cho các chủ nợ một công cụ để thực hiện việc đòi nợ.

Bảo vệ quyền lợi cho chủ nợ trước tiên là bảo vệ các quyền về tài sản của các chủ nợ. Khi doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán, thì chủ nợ có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố phá sản doanh nghiệp để bán toàn bộ tài sản còn lại của doanh nghiệp để trả cho các chủ nợ. Ngoài ra, pháp luật phá sản còn bảo đảm sự bình đẳng của các chủ nợ trong việc đòi nợ thông qua việc phân chia số tài sản còn lại của con nợ theo tỷ lệ (trừ những chủ nợ dã được đảm bảo đặc biệt cho khoản nợ của mình như có tài sản cầm cố, thế chấp).

– Pháp luật Phá sản bảo vệ lợi ích của con nợ, đem lại cho các con nợ đang trong tình trạng phá sản một cơ hội phục hồi hoặc rút khỏi thị trường một cách có trật tự.

Pháp luật tạo điều kiện để cho con nợ khắc phục khó khăn để khôi phục sản xuất kinh doanh; chỉ khi nào không thể thanh toán các khoản nợ đến hạn cho chủ nợ thì mới được tuyên bố phá sản theo quy định. Ngoài ra, sau một thời gian, con nợ có thể tiếp tục kinh doanh theo quy định.

– Pháp luật Phá sản bảo vệ lợi ích người lao động.

Khi doanh nghiệp bị phá sản thì những người lao động trong doanh nghiệp sẽ phải chịu hậu quả trực tiếp, mất việc làm, nguồn thu nhập chính đáng để bảo đảm đời sống. Sự bảo vệ của pháp luật phá sản đối với người lao động là việc cho phép người lao động được quyền nộp đơn yêu cầu Tòa án tuyên bố phá sản doanh nghiệp hoặc phản đối yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp; quyền được tham gia quá trình giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản….

– Pháp luật phá sản góp phần tổ chức và cơ cấu lại nền kinh tế quốc dân.

Nhìn chung, phá sản thường kéo theo những hậu quả về kinh tế xã hội nhất định nhưng không hoàn toàn là hiện tượng tiêu cực. Phá sản cũng là một giải pháp hữu hiệu trong việc cơ cấu lại nền kinh tế, loại bỏ các doanh nghiệp kinh doanh kém hiệu quả, góp phần duy trì doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả hơn. Vì vậy, pháp luật phá sản là công cụ có tính răn đe buộc các chủ doanh nghiệp phải cẩn trọng trong quá trình hoạt động, xóa bỏ doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho các nhà đầu tư.

– Pháp luật  Phá sản góp phần bảo đảm trật tự, kỷ cương trong xã hội.

Khi doanh nghiệp bị phá sản, các chủ nợ đều muốn thu hồi hết khoản nợ. Như vậy, nếu thiếu quy định của pháp luật phá sản để phân chia tài sản thu hồi nợ thì việc thu hồi nợ của các chủ nợ có thể ảnh hưởng đến trật tự xã hội. Bằng việc giải quyết công bằng, khách quan, minh bạch về lợi ích giữa các chủ nợ và con nợ và các chủ nợ với nhau, pháp luật về phá sản đã góp phần giải quyết mâu thuẫn, hạn chế các phát sinh giữa các đối tượng này, nhờ đó bảo đảm được trật tự kỷ cương của các xã hội.

  1. Dấu hiệu xác định doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản

2.1. Dấu hiệu

Để có căn cứ cho việc giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản, Luật Phá sản của các quốc gia phải xác định thế nào là tình trạng phá sản. Để làm rõ khái niệm này, Luật Phá sản năm 2014 đã giải thích từ ngữ về “Doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán là doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán.” Như vậy, bản chất của tình trạng phá sản là tại một thời điểm nhất định (sau thời hạn 3 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán- theo Luật Phá sản năm 2014), doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ cho chủ nợ. Khi đó, các chủ nợ cũng như chính bản thân con nợ dựa vào căn cứ pháp lý này để làm đơn đề nghị Toà án giải quyết vụ việc phá sản.

2.2. Phân biệt phá sản với giải thể

Xét về hiện tượng/hình thức bên ngoài, phá sản và giải thể là giống nhau bởi vì cả hai hiện tượng này đều dẫn đến việc chấm dứt sự tồn tại của doanh nghiệp và phân chia tài sản còn lại. Tuy nhiên, về nội dung/bản chất pháp lý đây là hai hiện tượng khác nhau:

– Thứ nhất, lý do dẫn đến giải thể doanh nghiệp có rất nhiều lý do khác nhau như hết thời hạn hoạt động, chủ doanh nghiệp không muốn tiếp tục kinh doanh hoặc vi phạm pháp luật bị thu hồi giấy phép kinh doanh…Trong khi đó, phá sản chỉ có một lý do duy nhất là không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong khoảng thời gian 3 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán.

– Thứ hai, phá sản khác giải thể ở thủ tục pháp lý giải quyết cũng như thẩm quyền của cơ quan thực hiện thủ tục đó. Thủ tục giải quyết phá sản là thủ tục tư pháp do Toà án tiến hành, còn thủ tục để giải thể là thủ tục hành chính do cơ quan hành chính Nhà nước có thẩm quyền tiến hành.

– Thứ ba, thái độ của Nhà nước đối với chủ sở hữu hay người quản lý, điều hành doanh nghiệp giải thể và phá sản cũng khác nhau. Nếu là phá sản thì chủ sở hữu doanh nghiệp hoặc người quản lý điều hành doanh nghiệp có thể  bị cấm thành lập doanh nghiệp, quản lý doanh nghiệp trong một thời gian nhất định. Còn trong trường hợp giải thể thì vấn đề hạn chế này không được đặt ra.

– Thứ tư, doanh nghiệp chỉ được giải thể khi bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác, còn trong thủ tục phá sản đa phần các trường hợp đều không thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác.

  1. Thẩm quyền giải quyết vụ việc phá sản

Thẩm quyền giải quyết vụ việc phá sản là của Tòa án nhân dân các cấp, cụ thể[1] như sau:

  1. a) Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Toà án nhân dân cấp tỉnh) có thẩm quyền giải quyết phá sản đối với doanh nghiệp đăng ký kinh doanh hoặc đăng ký doanh nghiệp, hợp tác xã đăng ký kinh doanh hoặc đăng ký hợp tác xã tại tỉnh đó và thuộc một trong các trường hợp sau:

– Vụ việc phá sản có tài sản ở nước ngoài hoặc người tham gia thủ tục phá sản ở nước ngoài;

– Doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán có chi nhánh, văn phòng đại diện ở nhiều huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh khác nhau;

– Doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán có bất động sản ở nhiều huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh khác nhau;

– Vụ việc phá sản thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Toà án nhân dân cấp huyện) mà Tòa án nhân dân cấp tỉnh lấy lên để giải quyết do tính chất phức tạp của vụ việc.

  1. b) Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã có trụ sở chính tại huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đó và không thuộc trường hợp quy định điểm a nêu trên.
  2. Quản tài viên và doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản:

– Quản tài viên và Doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản là cá nhân, doanh nghiệp được hành nghề quản lý, thanh lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán trong quá trình giải quyết phá sản.

Nội dung mới tại Luật Phá sản năm 2014 so với Luật Phá sản năm 2004 là việc quyết định chỉ định hoặc thay đổi Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản khi tiến hành thủ tục phá sản thuộc thẩm quyền của thẩm phán[2].

– Cá nhân không được hành nghề quản lý, thanh lý tài sản gồm:

+ Cán bộ, công chức, viên chức; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân;

+ Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; người đã bị kết án nhưng chưa được xóa án tích; người đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;

+ Người mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.

  1. a) Quản tài viên:

Quản tài viên là cá nhân hành nghề quản lý, thanh lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán trong quá trình giải quyết phá sản.

– Điều kiện hành nghề Quản tài viên bao gồm:

+ Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

+ Có phẩm chất đạo đức tốt, có ý thức trách nhiệm, liêm khiết, trung thực, khách quan;

+ Có chứng chỉ hành nghề Quản tài viên.

– Những người được cấp chứng chỉ hành nghề Quản tài viên bao gồm:

+ Luật sư;

+ Kiểm toán viên;

+ Người có trình độ cử nhân luật, kinh tế, kế toán, tài chính, ngân hàng và có kinh nghiệm 05 năm trở lên về lĩnh vực được đào tạo.

– Luật Phá sản năm 2014 cũng quy định các trường hợp sau đây bị thu hồi chứng chỉ hành nghề Quản tài viên bao gồm:

+ Là cán bộ, công chức, viên chức; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân;

+ Bị kết án và bản án đã có hiệu lực pháp luật;

+ Bị thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư, kiểm toán viên;

+ Bị thay đổido vi phạm nghĩa vụ của Quản tài viên hoặc do có căn cứ chứng minh Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản không khách quan trong khi thực hiện nhiệm vụ trong hai vụ việc phá sản trở lên.

  1. b) Doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản:

– Khoản 8 Điều 4 Luật Phá sản năm 2014 giải thích Doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản là doanh nghiệp hành nghề quản lý, thanh lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán trong quá trình giải quyết phá sản.

– Các loại doanh nghiệp sau đây được hành nghề quản lý, thanh lý tài sản trong quá trình giải quyết phá sản, gồm:

+ Công ty hợp danh;

+ Doanh nghiệp tư nhân.

– Điều kiện để doanh nghiệp hành nghề quản lý, thanh lý tài sản:

+ Công ty hợp danh có tối thiểu hai thành viên hợp danh là Quản tài viên, Tổng giám đốc hoặc Giám đốc của công ty hợp danh là Quản tài viên;

+ Doanh nghiệp tư nhân có chủ doanh nghiệp là Quản tài viên, đồng thời là Giám đốc.

  1. c) Quyền, nghĩa vụ của Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản:

– Quản lý tài sản, giám sát hoạt động kinh doanh, thanh lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán, gồm:

+ Xác minh, thu thập, quản lý tài liệu, chứng cứ liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp, hợp tác xã;

+ Lập bảng kê tài sản, danh sách chủ nợ, danh sách người mắc nợ;

+ Bảo quản tài sản; ngăn chặn việc bán, chuyển giao tài sản mà không được phép của Thẩm phán; ngăn chặn việc tẩu tán tài sản; tối đa hóa giá trị tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã khi bán, thanh lý tài sản;

+ Giám sát hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã theo quy định của pháp luật;

+ Được thuê cá nhân, tổ chức thực hiện công việc theo quy định của pháp luật;

+ Đề xuất với Thẩm phán về việc bán tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã để bảo đảm chi phí phá sản;

+ Bán tài sản theo quyết định của Thẩm phán để bảo đảm chi phí phá sản;

+ Tổ chức việc định giá, thanh lý tài sản theo quy định của Luật này; báo cáo cơ quan thi hành án dân sự, thông báo đến người tham gia thủ tục phá sản có liên quan về việc giao cho cá nhân, tổ chức thực hiện thanh lý tài sản;

+ Gửi các khoản tiền thu được vào tài khoản do Tòa án nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền mở tại ngân hàng.

– Đại diện cho doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã không có người đại diện theo pháp luật.

– Báo cáo về tình trạng tài sản, công nợ và hoạt động của doanh nghiệp, hợp tác xã, tham gia xây dựng kế hoạch phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán.

– Đề nghị Thẩm phán tiến hành các công việc sau:

+ Thu thập tài liệu, chứng cứ;

+Tuyên bố giao dịch vô hiệu và quyết định thu hồi tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã bị bán hoặc chuyển giao bất hợp pháp;

+ Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; áp dụng biện pháp xử phạt hành chính; chuyển hồ sơ sang cơ quan có thẩm quyền xử lý về hình sự theo quy định của pháp luật.

– Được hưởng thù lao và thực hiện trách nhiệm bảo hiểm nghề nghiệp theo quy định của pháp luật.

– Báo cáo việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo yêu cầu của Thẩm phán, cơ quan thi hành án dân sự; chịu trách nhiệm trước Thẩm phán, cơ quan thi hành án dân sự và pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

[1] Điều 8 Luật Phá sản năm 2014

[2] Điều 9 Luật Phá sản năm 2014

Bản tin này chỉ mang tính chất tham khảo, không phải ý kiến tư vấn cụ thể cho bất kì trường hợp nào.

Đăng kí để nhận bản tin từ Gonnapass

Liên hệ tư vấn dịch vụ Kế toán – Thuế – Đào tạo: Ms Huyền – 094 719 2091

Tham khảo dịch vụ tư vấn từng lần – giải quyết các nỗi lo rủi ro thuế

Mọi thông tin xin liên hệ:

Công ty TNHH Gonnapass

Phòng 701, tầng 7, toà nhà 3D Center, số 3 Duy Tân, P Dịch Vọng Hậu, Q Cầu Giấy, TP Hà Nội

Email: hotro@gonnapass.com

Facebook: https://www.facebook.com/gonnapassbeyondyourself/

Group Facebook chia sẻ mẫu biểu: https://www.facebook.com/groups/congvanketoan

Group Zalo chia sẻ miễn phí: https://zalo.me/g/xefwrd200

Website: https://gonnapass.com

Hotline/ Zalo : 0888 942 040

avatar
hien

Nếu bạn thích bài viết, hãy thả tim và đăng ký nhận bản tin của chúng tôi

Ý kiến bình luận

You cannot copy content of this page