[Pháp luật CPA] Yêu cầu và phương thức giải quyết tranh chấp trong kinh doanh thương mại

222

2.1. Yêu cầu giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại

Xuất phát từ những tính chất, đặc điểm của các tranh chấp kinh doanh thương mại, việc giải quyết những tranh chấp kinh doanh, thương mại cần phải đạt được những yêu cầu nhất định, cụ thể:

Một là, tranh chấp phải được giải quyết một cách kịp thời, khẩn trương để có thể tận dụng được những cơ hội kinh doanh, loại trừ những rủi ro từ tác động của thị trường.

Hai là, phải bảo đảm giữ được bí mật của hoạt động kinh doanh cũng như uy tín của các bên trong quan hệ tranh chấp. Cho dù có tranh chấp, nhưng đây là những tranh chấp về lợi ích kinh tế nên các bên có xu hướng tự thương lượng để giải quyết. Các phương thức giải quyết tranh chấp có sự xuất hiện, can thiệp của bên thứ ba chỉ được sử dụng khi không thể giải quyết bằng tự thương lượng.

Ba là, việc giải quyết tranh chấp phải đảm bảo hợp lý về thời gian, cơ hội và chi phí tiền bạc. Mỗi bên đều có quyền cân nhắc, so sánh giữa cái được và những chi phí phải bỏ ra để giải quyết tranh chấp, lợi ích kinh tế và sự ổn định quan hệ kinh doanh để từ đó lựa chọn phương thức và đưa ra yêu cầu giải quyết tranh chấp. Tranh chấp trong kinh doanh chỉ được giải quyết thỏa đáng khi các bên đã tìm ra phương án dung hòa được các lợi ích, lợi ích kinh tế của các bên và lợi ích các mặt của cùng một bên.

2.2. Phương thức giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại

Việc lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp nói riêng cũng như mọi vấn đề liên quan đến quá trình giải quyết các tranh chấp trong kinh doanh thương mại nói chung dựa trên nguyên tắc quan trọng là quyền tự định đoạt của các bên. Cơ quan nhà nước và trọng tài thương mại chỉ can thiệp theo yêu cầu của các bên tranh chấp. Kể cả khi Toà án hoặc trọng tài đã can thiệp thì trong quá trình tố tụng,quyền tự định đoạt của các bên tranh chấp biểu hiện bằng những hành vi đơn phương hoặc thỏa thuận của các bên vẫn luôn được ghi nhận và tôn trọng. Quyền tự định đoạt của các bên được coi là một nội dung của quyền tự do kinh doanh và được pháp luật bảo hộ. Pháp luật Việt Nam cũng như trong các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên đều đã ghi nhận nguyên tắc này.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, các phương thức giải quyết tranh chấp trong kinh doanh, thương mại bao gồm:

– Thương lượng

– Hòa giải

– Trọng tài thương mại

– Tòa án nhân dân

Thương lượng là phương thức tốt nhất để giải quyết các tranh chấp trong kinh doanh, thương mại vì nó đáp ứng được những yêu cầu đã nêu phía trên. Đây là phương thức được các bên tranh chấp lựa chọn trước tiên và trong thực tiễn, phần lớn tranh chấp trong kinh doanh, thương mại được giải quyết bằng phương thức này. Nhà nước khuyến khích áp dụng phương thức thương lượng để giải quyết tranh chấp trên tinh thần hoàn toàn tôn trọng quyền thỏa thuận của các bên. Chính vì vậy, pháp luật không đưa ra bất cứ quy định nào cho phương thức thương lượng.

Hòa giải là phương thức giải quyết tranh chấp có sự tham gia của bên thứ ba là cá nhân hoặc tổ chức đóng vai trò là trung gian hòa giải để hỗ trợ các bên giải quyết tranh chấp. Kết quả hòa giải phụ thuộc vào thiện chí của các bên tranh chấp và uy tín, kinh nghiệm, kỹ năng của trung gian hòa giải. Quyết định cuối cùng của việc giải quyết tranh chấp không phải của trung gian hòa giải mà hoàn toàn phụ thuộc các bên tranh chấp. Trung gian hòa giải có những lợi thế nhất định đối với việc giải quyết các tranh chấp kinh doanh thương mại có nội dung phức tạp, các bên ít hiểu biết đối với nhau. Thực tế phương thức này ở Việt Nam ít được áp dụng. Cả hai phương thức giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại là thương lượng và hòa giải chủ yếu do các bên tự định đoạt nên không thông qua cơ quan tài phán có thẩm quyền giải quyết tranh chấp. Ngược lại, hai phương thức giải quyết tranh chấp là trọng tài thương mại và tòa án nhân dân phải thông qua cơ quan tài phán có thẩm quyền giải quyết tranh chấp và phải tuân theo trình tự, thủ tục tố tụng theo quy định của pháp luật.

Trong đó, việc lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp do các bên thoả thuận và được tiến hành theo quy định của pháp luật. Phương pháp này có một số ưu điểm như tính  hiệu lực của quyết định trọng tài đối với việc giải quyết tranh chấp; tính bí mật; tính liên tục; tính linh hoạt; tiết kiệm thời gian; không bị ràng buộc bởi nguyên tắc lãnh thổ, các bên có quyền lựa chọn mô hình trọng tài, lựa chọn trọng tài viên để giải quyết vụ tranh chấp, duy trì được quan hệ đối tác; trọng tài cho phép các bên sử dụng được kinh nghiệm của các chuyên gia.

Việc giải quyết tranh chấp qua Toà án cũng có nhiều lợi thế, như (i) Toà án là cơ quan đại diện cho quyền tư pháp của Nhà nước nên các quyết định, bản án của Toà án mang tính cưỡng chế thi hành đối với các bên; (ii) với nguyên tắc hai cấp xét xử, những sai sót trong quá trình giải quyết tranh chấp có khả năng được phát hiện và khắc phục kịp thời; (iii) với điều kiện thực tế ở Việt nam, thì án phí Toà án thấp hơn lệ phí Trọng tài. Tuy nhiên, việc giải quyết tranh chấp qua Toà án cũng bộc lộ một số hạn chế nhất định mà đáng kể nhất là thủ tục Toà án quá chặt chẽ làm thời gian giải quyết tranh chấp thường bị kéo dài; khả năng tác động lên quá trình tố tụng của các bên là rất hạn chế.

Bản tin này chỉ mang tính chất tham khảo, không phải ý kiến tư vấn cụ thể cho bất kì trường hợp nào.

Đăng kí để nhận bản tin từ Gonnapass

Liên hệ tư vấn dịch vụ Kế toán – Thuế – Đào tạo: Ms Huyền – 094 719 2091

Tham khảo dịch vụ tư vấn từng lần – giải quyết các nỗi lo rủi ro thuế

Mọi thông tin xin liên hệ:

Công ty TNHH Gonnapass

Phòng 701, tầng 7, toà nhà 3D Center, số 3 Duy Tân, P Dịch Vọng Hậu, Q Cầu Giấy, TP Hà Nội

Email: hotro@gonnapass.com

Facebook: https://www.facebook.com/gonnapassbeyondyourself/

Group Facebook chia sẻ mẫu biểu: https://www.facebook.com/groups/congvanketoan

Group Zalo chia sẻ miễn phí: https://zalo.me/g/xefwrd200

Website: https://gonnapass.com

Hotline/ Zalo : 0888 942 040

avatar
hien

Nếu bạn thích bài viết, hãy thả tim và đăng ký nhận bản tin của chúng tôi

Ý kiến bình luận

You cannot copy content of this page