[Tài chính CPA] QUYẾT ĐỊNH ĐẦU TƯ VỐN CỦA DOANH NGHIỆP

941

QUYẾT ĐỊNH ĐẦU TƯ VỐN CỦA DOANH NGHIỆP

Đầu tư là quá trình sử dụng vốn để hình thành những tài sản cần thiết nhằm mục tiêu thu lợi nhuận trong một thời gian dài ở tương lai.

Quyết định đầu tư vốn có tầm quan trọng đặc biệt bởi lẽ nó có tính chất chiến lược, quyết định đến tương lai của một doanh nghiệp. Một quyết định đầu tư khôn ngoan sẽ mang lại lợi ích lâu dài, nguợc lại một sai lầm trong đầu tư buộc doanh nghiệp phải trả giá trong thời gian không ngắn. Vì vậy để đi đến quyết định đầu tư vốn các nhà quản trị tài chính phải tham gia đánh giá và lựa chọn dự án đầu tư.

  1. Xác định dòng tiền của dự án đầu tư

Nguyên tắc xác định dòng tiền: Khi xác định dòng tiền của dự án cần áp dụng các nguyên tắc cơ bản sau đây:

(1) Dòng tiền nên được đo lường trên cơ sở tăng thêm do đầu tư đưa lại: Khi thực hiện đầu tư (nhất là đối với trường hợp đầu tư thay thế, hay đầu tư nâng cấp…) thì dòng tiền vào và dòng tiền ra là tổng hợp của cả tài sản hiện hành và tài sản mới tạo ra. Do đó, để tránh trường hợp bạn chọn một quyết định đầu tư tồi, hay loại bỏ một quyết định đầu tư tốt, bạn phải tính toán dòng tiền của đầu tư bằng cách xác định dòng tiền tăng thêm. Khi đó, dòng tiền tăng thêm mới phản ánh đúng hiệu quả của việc đầu tư đưa lại.

(2) Dòng tiền nên được tính toán trên cơ sở sau thuế: Vì khi ra quyết định đầu tư, mục tiêu là tối đa hóa sinh lời cho chủ sở hữu, do đó cơ sở để xác định tỷ suất sinh lời cho chủ sở hữu là dòng tiền sau khi đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế đối với nhà nước, tức là dòng tiền sau thuế. Mặt khác, vì dòng tiền sẽ được chiết khấu theo lãi suất sau thuế, do đó dòng tiền cũng phải đảm bảo đồng nhất.

          (3)Nên bỏ qua chi phí chìm trong dòng tiền dự án: Chi phí chìm là khoản chi phí đã phát sinh và không thể thu hồi được bất kể dự án có được chấp nhận hay bị loại bỏ.

Bởi vì khoản chi phí này đã phát sinh trong quá khứ do đó nó không thể thay đổi được cho dù có chấp nhận dự án hay loại bỏ dự án. Vì vậy chúng ta sẽ bỏ qua khoản chi phí này. Hay nói cách khác là nó không liên quan đến dòng tiền ra của dự án.

(4). Nên tính đến chi phí cơ hội khi đánh giá hiệu quả dự án:

Chi phí cơ hội: là mức sinh lời cao nhất mà doanh nghiệp phải bỏ qua do doanh nghiệp đã đầu tư vốn hay sử dụng tài sản hiện có vào một dự án đầu tư nhất định.

Chẳng hạn doanh nghiệp của bạn có một TSCĐ đang xem xét để bán, cho thuê hoặc đem góp vốn vào doanh nghiệp khác…Nếu như tài sản này được sử dụng cho một dự án mới thì các khoản thu tiềm năng từ các dự án trên sẽ bị mất đi. Các khoản thu bị mất đó có thể coi như là khoản chi phí và gọi đó là chi phí cơ hội, bởi vì  doanh nghiệp thực hiện dự án mới sẽ bỏ qua các cơ hội khác có sử dụng tài sản này. Do đó, khi tính dòng tiền của dự án phải tính đến mức sinh lời cho tài sản này. Cách xử lý là bạn nên coi giá trị của tài sản này là khoản vốn đầu tư  hoặc là lấy dòng tiền của dự án trừ đi chi phí cơ hội.

Lưu ý: Tính theo giá trị thị trường hiện hành chứ không phải giá trị nguyên thuỷ của tài sản. (chi phí thực tế để hình thành tài sản)

(5) Mức ảnh hưởng chéo của dự án  đến doanh nghiệp              

Khi thực hiện dự án sẽ có thể mang lại những ảnh hưởng chéo tới các dự án hiện hành khác của doanh nghiệp. Vì vậy cũng nên lượng hoá mức độ ảnh hưởng chéo này đến dòng tiền của dự án. Mặc dù việc lượng hóa mức độ ảnh hưởng chéo là rất khó khăn. 

(6) Lạm phát

          Lạm phát cũng là một nhân tố ảnh hưởng đến quyết định đầu tư dài hạn, nếu như lạm phát dự kiến không được ước tính vào dòng tiền kỳ vọng của dự án thì việc tính NPV và IRR là không phù hợp. Lạm phát dự kiến nên được phản ánh vào số liệu doanh thu và chi phí, do vậy sẽ ảnh hưởng đến dòng tiền thuần hàng năm.

          Doanh nghiệp không phải điều chỉnh tỷ suất sinh lời đòi hỏi theo lạm phát dự kiến bởi lẽ khi doanh nghiệp huy động vốn trên thị trường thì các nhà đầu tư đã phải điều chỉnh lạm phát khi xác định tỷ suất sinh lời đòi hỏi cho phù hợp để quyết định cho doanh nghiệp sử dụng vốn.   

 (7) Không nên trừ lãi vay hay cổ tức ra khỏi dòng tiền của dự án đầu tư.

Vì ở đây chúng ta đánh giá hiệu quả dự án đầu tư là đánh giá hiệu quả của tổng vốn đầu tư (gồm cả vốn vay và vốn vốn chủ sở hữu), do đó khi xác định dòng tiền vào của dự án chúng ta không trừ đi lãi vay vốn và cổ tức. Vì sau này khi đo lường hiệu quả dự án chúng ta còn thực hiện việc chiết khấu theo tỷ suất sinh lời đòi hỏi của nhà đầu tư. 

Nội dung xác định dòng tiền của dự án

a) Xác định dòng tiền dòng tiền ra

Dòng tiền ra của dự án đầu tư là khoản tiền mà doanh nghiệp  bỏ ra để hình thành lượng tài sản cần thiết cho dự án. Nội dung dòng tiền ra bao gồm:

– Vốn đầu tư để hình thành tài sản cố định cho dự án.

– Số vốn đầu tư để hình thành TSLĐ thường xuyên cho dự án. Ngoài ra, trong quá trình vận hành dự án, có thể sẽ có đầu tư bổ sung, thì số vốn đầu tư bổ sung đó cũng là dòng tiền ra của dự án.

 Khi xác định dòng tiền ra của dự án cần chú ý tới thu nhập thuần từ việc bán các tài sản hiện có trong trường hợp đầu tư là một quyết định thay thế, và thuế phát sinh do việc bán các tài sản hiện có hoặc mua tài sản mới.

b) Xác định dòng tiền vào của dự án

Dòng tiền vào của dự án đầu tư thể hiện dòng tiền do dự án đầu tư đưa lại cho doanh nghiệp (hay cho nhà đầu tư). Đối với dự án sản xuất kinh doanh, dòng tiền vào bao gồm:

– Dòng tiền thuần hoạt động hàng năm: Là khoản chênh lệch giữa số tiền thu được(dòng tiền vào) và số tiền chi ra (dòng tiền ra) phát sinh từ hoạt động thường xuyên hàng năm khi dự án đi vào hoạt động. Đối với một dự án đầu tư trong kinh doanh tạo ra doanh thu bán hàng hoặc cung cấp dịch vụ thì dòng tiền thuần từ hoạt động hàng năm của dự án được xác định trực tiếp bằng chênh lệch giữa dòng tiền vào do bán sản phẩm, hàng hoá với dòng tiền ra do mua vật tư và chi phí khác bằng tiền liên quan đến việc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hàng hoá và tiền thuế thu nhập mà doanh nghiệp phải nộp.

Hoặc có thể tính gián tiếp:

Dòng tiền thuần hoạt động hàng năm = Lợi nhuận sau thuế hàng năm + Khấu hao TSCĐ hàng năm

– Thu hồi số vốn lưu động đã ứng ra do thu hẹp quy mô hoạt động kinh doanh hoặc khi kết thúc dự án.

– Thu thuần từ thanh lý, nhượng bán tài sản cố định. Được xác định bằng cách lấy giá bán thanh lý chưa bao gồm thuế gián thu trừ đi chi phí thực hiện thanh lý và khoản thuế TNDN (nếu có)

  1. c) Xác định dòng tiền thuần hàng năm của dự án: Là khoản tiền chênh lệch giữa dòng tiền vào hàng năm trừ đi dòng tiền ra phát sinh hàng năm của dự án. Khi đó chúng ta chỉ có dòng tiền thuần hàng năm của dự án, bắt đầu từ CF1 và đến hết vòng đời hoạt động của dự án. Việc xác định dòng tiền thuần hàng năm sẽ giúp chúng ta giảm bớt được khối lượng tính toán.
  2. Các phương pháp đánh giá và lựa chọn dự án đầu tư

2.1. Phương pháp thời gian hoàn vốn đầu tư (PP)

a) Khái niệm: Thời gian hoàn vốn đầu tư là khoảng thời gian cần thiết mà dòng tiền thuần hàng năm đủ bù đắp vốn đầu tư ban đầu của dự án. Như vậy thời gian hoàn vốn càng ngắn, dự án đầu tư càng hấp dẫn.

b) Phương pháp xác định: Tính toán thời gian hoàn vốn có thể chia ra 2 trường hợp:

+ Trường hợp thứ nhất: Dòng tiền thuần hàng năm bằng nhau, tạo nên một dòng tiền đồng nhất. Khi đó ta có:

Thời gian hoàn vốn= Chi phí bỏ ra ban đầu/Dòng tiền thuần hàng năm

+ Trường hợp thứ hai: Dòng tiền thuần hàng năm không bằng nhau, trong trường hợp này, thời gian thu hồi vốn hay hoàn vốn được thực hiện chủ yếu như sau:

– Xác định số vốn đầu tư còn phải thu hồi ở cuối năm bằng cách tìm số chênh lệnh giữa số vốn đầu tư và dòng tiền thuần hàng năm.

– Khi số vốn đầu tư còn phải thu hồi nhỏ hơn thu nhập của năm sau, ta làm phép chia số vốn đầu tư còn phải thu hồi với dòng tiền thuần của năm đó và nhân với 12 tháng để tìm số tháng còn phải thu hồi.

c) Đánh giá và lựa chọn dự án đầu tư: Thông thường, Ban lãnh đạo hoặc chủ sở hữu công ty sẽ đưa ra thời gian hoàn vốn tối đa có thể chấp nhận (hay còn gọi là thời gian hoàn vốn tiêu chuẩn) (T). Đây là cơ sở để so sánh với thời gian hoàn vốn của dự án, kết quả cho thấy:

– Nếu thời gian hoàn vốn > T: dự án bị loại

– Nếu thời gian hoàn vốn < T: ta lại chia ra:

+ Nếu là các dự án thuộc loại độc lập: tất cả các dự án được lựa chọn.

+ Nếu là các dự án thuộc loại xung khắc, dự án nào có thời gian hoàn vốn  nhỏ nhất là dự án được lựa chọn.

d) Ưu nhược điểm của phương pháp:

*Ưu điểm:

+ Đơn giản, dễ áp dụng và được sử dụng như một công cụ để sàng lọc bớt các dự án. Nếu một dự án nào đó không đáp ứng được thời gian hoàn vốn tiêu chuẩn cho phép  thì rõ ràng không cần tiếp tục nghiên cứu thêm dự án đó.

+ Phương pháp này rất được ưa chuộng ở các doanh nghiệp thường có quy mô vừa và nhỏ. Đối với các doanh nghiệp này, tuy đạt doanh lợi thấp nhưng lại có thời gian hoàn vốn ngắn, sẽ có lợi hơn những dự án tuy có doanh lợi hấp dẫn, nhưng thời gian hoàn vốn dài. Tuy nhiên, phương pháp có những hạn chế và có thể dẫn tới quyết định sai lầm.

* Nhược điểm:

+ Phương pháp thời gian hoàn vốn  không quan tâm tới giá trị thời gian của tiền tệ. Một dòng tiền thu được hôm nay lại được đánh giá  ngang bằng với dòng tiền thu  được ở một số năm sau. Nói cách khác, phương pháp thời gian hoàn vốn đã bỏ qua yếu tố tiền lãi.

+ Phương pháp này không đề cập tới số lợi nhuận thu được sau thời gian hoàn vốn. Do đó thời gian hoàn vốn ngắn chưa chắc là một sự hướng dẫn chính xác để lựa chọn dự án này hơn dự án kia, đặc biệt là các dự án có thời gian sinh lời chậm. Các dự án chậm sinh lời thường là các dự án nằm trong kế hoạch dài hạn, chẳng hạn dự án cho việc phát triển một sản phẩm mới hay thâm nhập thị trường mới. Do đó, nếu áp dụng phương pháp này sẽ có thể sẽ loại bỏ dự án tốt.

Để hạn chế khiếm khuyết thứ nhất, khi sử dụng  phương pháp thời gian hoàn vốn, người ta có thể thực hiện phương pháp thời gian hoàn vốn có chiết khấu (DPP).

2.2. Phương pháp thời gian hoàn vốn có chiết khấu (DPP)

a) Khái niệm: Thời gian hoàn vốn có chiết khấu (DPP) là khoảng thời gian cần thiết để tổng giá trị hiện tại của dòng tiền thuần hàng năm trong tương lai mà dự án đưa lại vừa đủ bù đắp số vốn đầu tư bỏ ra ban đầu.

b) Phương pháp xác định:

Chúng ta lần lượt chiết khấu dòng tiền thuần hàng năm về hiện tại, sau đó trừ cho vốn đầu tư ban đầu cho đến khi toàn bộ vốn đầu tư ban đầu được bù đắp hết và chúng ta sẽ xác định được thời gian hoàn vốn có chiết khấu.

c) Ưu nhược điểm của tiêu chuẩn thời gian thu hồi vốn có chiết khấu

* Ưu điểm: Phương pháp này có tính tới thời gian của tiền tệ. Nói cách khác, tiêu chuẩn thời gian thu hồi vốn có chiết khấu ghi nhận rằng chúng ta đầu tư vốn vào một dự án bất kỳ nào đó và sẽ kiếm lại được số tiền này bao lâu sau khi đã trừ đi chi phí cơ hội của việc sử dụng đồng vốn. Phương pháp thời gian thu hồi vốn thông thường sẽ không nói lên được điều này.

* Nhược điểm: Mặc dù đã tính đến giá trị theo thời gian của tiền, nhưng phương pháp này chưa tính đến lợi ích sau khi hoàn vốn mà dự án đưa lại. Mặt khác, nó chỉ cho biết thời gian bao lâu để hoàn vốn chứ không cho biết mức sinh lời và hiệu quả như thế nào. Do vậy, cần phải nghiên cứu thêm các phương pháp giá trị hiện tại thuần, tỷ suất doanh lợi nội bộ…

2.3. Phương pháp giá trị hiện tại thuần  (NPV)

a) Khái niệm: Giá trị hiện tại thuần (NPV) của dự án đầu tư là khoản tiền chênh lệch giữa tổng giá trị hiện tại của dòng tiền thuần hàng năm trong tương lai với khoản vốn đầu tư ban đầu.

Theo phương pháp này, tất cả dòng tiền thuần hàng năm của dự án đạt được trong tương lai và vốn đầu tư bỏ ra để thực hiện dự án đều phải chiết khấu về thời điểm hiện tại theo một lãi suất chiết khấu nhất định. Trên cơ sở đó so sánh giá trị hiện tại của dòng tiền thuần hàng năm và khoản vốn đầu tư ban đầu sẽ xác định được giá trị hiện tại thuần của dự án.

b) Phương pháp xác định:

Mở ảnhTrong đó:

+ CFt    : Dòng tiền thuần của dự án đầu tư ở năm t.

+ CF0  : Vốn đầu tư ban đầu tư ban đầu của dự án.

+  n     : Vòng đời của dự án.

+  r      : Lãi suất chiết khấu

c) Đánh giá và lựa chọn dự án đầu tư:

– Khi NPV < 0, thì dự án đầu tư bị từ chối.

– Khi NPV = 0 thì doanh nghiệp có thể lựa chọn hoặc từ chối dự án.

– Khi NPV > 0, thì ta chia ra các trường hợp sau:

+ Nếu đó là các dự án độc lập nhau thì các dự án đầu tư đều có thể được chấp thuận.

+ Nếu đó là các dự án thuộc loại xung khắc nhau thì dự án nào có NPV lớn nhất là dự án được lựa chọn

d) Xác định lãi suất chiết khấu

Khi sử dụng tiêu chuẩn giá trị hiện tại thuần, cần phải lựa chọn một lãi suất để chiết khấu các khoản tiền trong tương lai về hiện tại. Lãi suất chiết khấu thường được dùng là chi phí sử dụng vốn bình quân của dự án. Chi phí sử dụng vốn bình quân là tỷ suất sinh lời đòi hỏi của nhà đầu tư (gồm cả chủ nợ và chủ sở hữu) đối với số vốn đầu tư cho dự án. Cách xác định chi phí sử dụng vốn bình quân sẽ được trình bày ở Mục VIII.

e) Ưu, nhược điểm của tiêu chuẩn NPV

  *Ưu điểm:

 + Phương pháp này đánh giá hiệu quả kinh tế của dự án có tính đến yếu tố giá trị thời gian của tiền

 + Cho phép đo lường trực tiếp giá trị tăng thêm do vốn đầu tư tạo ra, từ đó giúp cho việc đánh giá và lựa chọn dự án phù hợp với mục tiêu tối đa hóa giá trị của doanh nghiệp

+ Có thể tính giá trị hiện tại thuần của DAĐT kết hợp bằng cách cộng giá trị hiện tại thuần của các dự án với nhau. Nghĩa là:NPV (A + B) = NPVA+ NPVB. Trong khi các phương pháp khác không thể có tính chất này.

*Nhược điểm:

+ Phương pháp NPV không phản ánh mức sinh lời của đồng vốn đầu tư

+ Phương pháp này cũng không cho thấy mối liên hệ giữa mức sinh lời của vốn đầu tư và chi phí sử dụng vốn

+ Không thể đưa ra kết quả lựa chọn khi các dự án không đồng nhất về mặt thời gian cũng như xếp hạng ưu tiên trong  việc lựa chọn các DAĐT khi nguồn vốn của doanh nghiệp bị giới hạn

2.4. Phương pháp tỷ suất doanh lợi nội bộ (IRR)

a) Khái niệm: Tỷ suất doanh lợi nội bộ (hay còn gọi là lãi suất hoàn vốn nội bộ) là một mức lãi suất mà khi chiết khấu dòng tiền thuần hàng năm với mức lãi suất đó sẽ làm cho giá trị hiện tại của dòng tiền thuần hàng năm trong tương lai do đầu tư mang lại bằng với khoản vốn đầu tư ban đầu. Hay nói cách khác, tỷ suất doanh lợi nội bộ là một mức lãi suất mà khi chiết khấu dòng tiền thuần của dự án đầu tư với mức lãi suất đó sẽ làm cho giá trị hiện tại thuần (NPV) của dự án đầu tư bằng không (= 0).

Ta có:

Mở ảnh

  Hoặc: 

 Trong đó: NPV, CFt , CF0 như đã nêu ở trên

                  IRR: Tỷ suất doanh lợi nội bộ của dự án đầu tư

Tỷ suất doanh lợi nội bộ cũng là một trong những thước đo mức sinh lời của một khoản đầu tư. IRR đóng vai trò như là điểm ngưỡng tối đa của chi phí sử dụng vốn đối với dự án.

b) Phương pháp xác định: Để xác định được tỷ suất doanh lợi nội bộ của dự án, người ta thường sử dụng các phương pháp: Phương pháp thử và xử lý sai số, phương pháp nội suy hoặc có thể sử dụng máy tính tài chính hoặc bảng Excel để xác định.

c) Đánh giá và lựa chọn dự án đầu tư:

– Khi IRR < r (chi phí sử dụng vốn bình quân của dự án) sẽ loại bỏ dự án.

– Khi IRR = r, thì doanh nghiệp có thể lựa chọn hoặc từ chối dự án.

 – Khi IRR > r , cần xem xét 2 trường hợp:

+ Nếu các dự án độc lập nhau thì các dự án đầu tư đó đều có thể được chọn.

+ Nếu các dự án thuộc loại xung khắc nhau, thì dự án được chọn chính là dự án có tỷ suất doanh lợi nội bộ lớn nhất.

  1. d) Ưu nhược điểm tiêu chuẩn IRR:

* Ưu điểm:

  + Phương pháp này cho phép đánh giá được mức sinh lời của dự án có tính đến yếu tố giá trị thời gian của tiền

  + Cho phép dễ dàng so sánh mức sinh lời của dự án với chi phí sử dụng vốn, thấy được mối liên hệ giữa việc huy động vốn và hiệu quả sử dụng vốn trong việc thực hiện dự án đầu tư.

  + Cho phép đánh giá khả năng bù đắp chi phí sử dụng vốn của DAĐT so với tính rủi ro của nó (Trong khi phương pháp NPV không cung cấp cho ban lãnh đạo doanh nghiệp những thông tin như vậy). Chẳng hạn, nếu dự án có IRR > r,  nghĩa là thu nhập sau khi đã trừ chi phí đầu tư còn lại một khoản lãi, nó được tích lũy lại làm tăng tài sản của doanh nghiệp. Do vậy việc chọn các dự án có IRR lớn hơn chi phí sử dụng vốn sẽ làm tăng tài sản của doanh nghiệp. Mặt khác, nếu chọn dự án có IRR< chi phí sử dụng vốn sẽ dẫn tới tình trạng thâm hụt vốn làm giảm tài sản của doanh nghiệp.

 *Nhược điểm:

  + Trong phương pháp TSDLNB thu nhập của dự án được giả định tái đầu tư với lãi suất bằng với TSDLNB của dự án. Điều đó không thật phù hợp với thực tế  nhất là đối với  dự án có tỷ suất doanh lợi nội bộ ở mức cao

  + Phương pháp này không chú trọng đến quy mô vốn đầu tư nên có thể dẫn đến trường hợp kết luận chưa thỏa đáng khi đánh giá dự án, vì tỷ suất doanh lợi nội bộ luôn luôn cao đối với những dự án có quy mô nhỏ.

  + Áp dụng phương pháp tỷ suất doanh lợi nội bộ sẽ rất khó khăn trong đánh giá lựa chọn dự án có nhiều tỷ suất doanh lợi nội bộ  và có thể dẫn đến sai lầm trong việc lựa chọn dự án .

Một dự án sẽ có nhiều tỷ suất doanh lợi nội bộ khác nhau khi dòng tiền của dự án đổi dấu nhiều lần (trường hợp dự án có đầu tư bổ sung và dự án có tái đầu tư …).

2.5. Phương pháp chỉ số sinh lời (PI)

a) Khái niệm: Chỉ số sinh lời (PI) phản ánh mối quan hệ giữa giá trị hiện tại của dòng tiền thuần hàng năm của dự án đầu tư so với vốn đầu tư ban đầu

b) Công thức xác định:

Mở ảnh

Trong đó:    CFt: Dòng tiền thuần hàng năm của dự án đầu tư.

CF0:  vốn đầu tư ban đầu

Giả sử chi phí sử dụngvốn là 10% và dòng tiền của dự án như sau:

Mở ảnh

Từ đó ta có : PI=792,47/600=1,32

Chỉ số này được hiểu như là việc đầu tư sẽ thu hồi lại vốn đầu tư ban đầu cộng thêm với NPV tương đương 32% của vốn đầu tư ban đầu.

c) Đánh giá và lựa chọn dự án đầu tư:

+ PI <1: Loại bỏ dự án

+ PI = 1: thì doanh nghiệp có thể lựa chọn hoặc từ chối dự án.

+ PI >1: Ta xét 2 trường hợp:

+ Trường hợp các dự án độc lập nhau thì các dự án đều được lựa chọn.

+ Trường hợp các dự án thuộc loại xung khắc nhau, dự án nào có PI lớn nhất sẽ được chọn.

d) Ưu nhược điểm của tiêu chuẩn PI

* Ưu điểm:

  + Cho thấy mối liên hệ giữa các khoản thu nhập do dự án đưa lại với số vốn đầu tư bỏ ra để thực hiện dự án.

  + Có thể sử dụng chỉ số sinh lời trong việc so sánh các dự án có số vốn đầu tư khác nhau để thấy được mức sinh lời giữa các dự án.

  + Trong trường hợp nguồn vốn bị giới hạn, nếu phải ưu tiên lựa chọn một số dự án trong nhiều dự án khác nhau thì phương pháp chỉ số sinh lời tỏ ra hữu hiệu hơn.

  + Phương pháp này cho phép đánh giá khả năng sinh lời của dự án đầu tư có tính đến yếu tố giá trị thời gian của tiền.

  + Phương pháp này thường cũng giả định tỷ lệ tái đầu tư bằng với mức chi phí sử dụng vốn, điều này cũng tương tự như trong phương pháp giá trị hiện tại thuần, nó phù hợp hơn so với phương pháp tỷ suất doanh lợi nội bộ.

 * Nhược điểm:

+ Giống như phương pháp tỷ suất doanh lợi nội bộ, phương pháp chỉ số sinh lời cũng không phản ánh trực tiếp giá trị tăng thêm của DAĐT, vì thế nếu sử dụng phương pháp chỉ số sinh lời có thể dẫn đến quyết định sai lầm.

  1. Phương pháp đánh giá và lựa chọn dự án đầu tư trong điều kiện thực tế

3.1. Đánh giá và lựa chọn dự án đầu tư trong trường hợp nguồn vốn bị giới hạn:

 Hầu hết các doanh nghiệp đều có những hạn chế về nguồn vốn đầu tư ổn định, nhất là nguồn vốn dài hạn, đặc biệt các doanh nghiệp vừa và nhỏ thường không có đủ điều kiện để thu hút vốn từ thị trường vốn. Mặt khác do quy mô nhỏ nên khả năng tích luỹ vốn từ lợi nhuận hay khấu hao đều có những hạn chế… Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp phải tiến hành phân bổ một cách tối ưu nguồn ngân quỹ mà họ có cho các dự án đầu tư.

Nếu doanh nghiệp có nguồn ngân quỹ dồi dào thì họ có thể chấp thuận tất cả các dự án đầu tư có NPV > 0. Khi ngân sách đầu tư hạn chế các doanh nghiệp sẽ tối đa hoá tổng NPV của toàn bộ ngân sách. Điều đó có thể dẫn tới việc loại bỏ một số dự án, đó là những dự án có NPV thấp hơn.

Bởi vậy khi nguồn vốn đầu tư bị giới hạn, PI có thể trở thành một tiêu chuẩn hữu hiệu để lựa chọn các dự án. Tuy nhiên, qua khảo sát thực nghiệm cho thấy không thể sử dụng PI một cách tuỳ tiện. Do đó, sau khi xếp hạng các dự án theo PI, chúng ta phải xem xét danh sách để xác định có cần phải điều chỉnh để tìm được tổ hợp dự án có tổng NPV cao nhất hay không.

Khi nguồn ngân sách có giới hạn, có thể thiết lập một qui tắc chung để tìm một tập hợp dự án hiệu quả nhất như sau:

Bước 1: Xếp hạng các dự án theo PI.

Bước 2: Điều chỉnh danh sách các dự án nhằm sử dụng tối đa nguồn ngân sách hiện có và tối đa hoá NPV.

Xếp hạng theo PI đặc biệt hữu dụng khi có nhiều dự án có đủ khả năng được chấp thuận, vì lẽ trong trường hợp điều chỉnh những dự án đã được lựa chọn sẽ ảnh hưỏng đến một số dự án ở cuối danh sách.

3.2. Đánh giá và lựa chọn dự án đầu tư thuộc loại xung khắc có tuổi thọ khác nhau (không đồng nhất về thời gian)

Các dự án đầu tư có tuổi thọ khác nhau mà ta chỉ dưạ vào NPV, hoặc IRR để lựa chọn thì có thể đưa lại quyết định sai lầm, bởi lẽ NPVcao nhất, hoặc IRR cao nhất thực chất chưa chắc đã là hiệu quả nhất. Để khắc phục nhược điểm này ta phải quy đổi các dự án về cùng một tuổi thọ. Phương pháp hữu hiệu nhất là.

Bước 1: Xác định NPV của từng dự án

Bước 2: Dàn đều NPV của từng dự án ra các năm tồn tại của nó.

Bước 3: Dự án nào có kết quả ở bước 2 lớn nhất là dự án được lựa chọn.

3.3. Đánh giá và lựa chọn dự án trong điều kiện mâu thuẫn giữa NPV và IRR

Cả hai phương pháp NPV và IRR đều đánh giá khả năng sinh lời của dự án đầu tư dựa trên cơ sở dòng tiền của chúng có tính đến yếu tố của giá trị tiền tệ theo thời gian. Tuy vậy, việc sử dụng cả hai phương pháp váo đánh giá dự án đầu tư không phải lúc nào cũng dẫn đến quyết định như nhau.

Cả hai phương pháp NPVvà IRR đều dẫn đến quyết định chấp nhận hoặc từ bỏ dự án giống nhau khi các dự án được đánh giá độc lập lẫn nhau. Bởi vì nếu NPV > 0, lãi suất chiết khấu tại điểm mà NPV bằng 0 chắc chắn phải cao hơn chi phí sử dụng vốn là r. Nói một cách khác: nếu NPV > 0 thì IRR > r. Tương tự, nếu IRR > r thì khi dòng tiền được chiết khấu ở mức lãi suất r, NPV > 0.

Trong trường hợp các dự án xung khắc nhau, NPV và IRR không phải lúc nào cũng dẫn đến sự lựa chọn giống nhau, đây là điều dễ nhầm lẫn nhất trong thực tiễn thẩm định dự án đầu tư.

IRR được diễn tả bằng một tỷ lệ %, trong khi NPV lại được đo bằng tiền. Như vậy IRR không giải thích trực tiếp được vấn đề, nếu xét theo ý nghĩa của sự gia tăng giá trị của doanh nghiệp. Nói một cách khác, NPV được đo bằng một số tiền cụ thể, nó có thể giải thích một cách trực tiếp và hiệu quả của dự án.

Vì vậy, giả sử khi có sự mâu thuẫn giữa NPV và IRR của hai dự án A và B, người ta thực hiện các bước đánh giá và lựa chọn sau:

+ Bước 1: Tìm một tỷ lệ chiết khấu cân bằng giữa NPV của dự án  A và B

+ Bước 2: So sánh giữa tỷ suất chiết khấu cân bằng với chi phí sử dụng vốn của hai dự án để lựa chọn dự án có hiệu quả hơn thông qua NPV.

3.4. Đánh giá và lựa chọn dự án trong điều kiện lạm phát

Lãi suất thường được niêm yết dưới dạng lãi suất danh nghĩa hơn là lãi suất thực. Công thức diễn tả mối quan hệ giữa lãi suất danh nghĩa và lãi suất thực (hiệu ứng fisher) là:

(1 + lãi suất danh nghĩa) = (1 + lãi suất thực)*(1 + tỉ lệ lạm phát)

Nếu lãi suất chiết khấu là lãi suất danh nghĩa, thì tính nhất quán đòi hỏi dòng tiền phải được đánh giá với ý nghĩa là dòng tiền danh nghĩa (có nghĩa là có tính đến yếu tố lạm phát làm thay đổi giá bán, tiền lương,chi phí vật liệu v.v).

Dĩ nhiên là không có gì sai khi chiết khấu dòng tiền thực bằng lãi suất thực mặc dù người ta ít khi làm thế

3.5. Đánh giá và lựa chọn dự án đầu tư thay thế

Thông thường đầu tư thay thế thiết bị công nghệ là việc thay thiết bị công nghệ cũ bằng một thiết bị công nghệ mới có hiệu quả hơn. Trong trường hợp này, người ta đi xem xét hiệu quả dự án trên cơ sở dòng tiền tăng thêm phát sinh do dự án tạo ra.

Các bước tiến hành như sau:

+ Bước 1: Xác định số vốn đầu tư thuần khi thay thế thiết bị cũ bằng thiết bị mới.

VĐT thuần = Vốn đầu tư cho thiết bị mới + VLĐ bổ sung (nếu có) – Số tiền thu thuần do bán thanh lý thiết bị cũ.

+ Bước 2: Xác định dòng tiền thuần tăng thêm hàng năm của dự án đầu tư thay thế.

Do đầu tư thay thế nên phải đi xác định dòng tiền thuần tăng thêm hàng năm do việc thay thế thiết bị mới mang lại.

Dòng tiền thuần tăng thêm hàng năm = Lợi nhuận sau thuế tăng thêm + khấu hao TSCĐ tăng thêm + Thu thuần thanh lý TSCĐ mới thay thế khi kết thúc dự án + Thu hồi số VLĐ bổ sung đã ứng ra (nếu có)

+ Bước 3: Xác định giá trị hiện tại thuần của dự án thay thế thiết bị và lựa chọn dự án. Nếu NPV <0 dự án bị loại bỏ, NPV ≥ 0 dự án được chấp thuận. 

3.6. Phân tích độ nhạy của dự án: Rủi ro trong đầu tư được định nghĩa bằng sự biến đổi của thu nhập. Có rất nhiều yếu tố tác động tới thu nhập (giá cả, thuế suất, sản lượng tiêu thụ…). Trong phần này, chúng ta cho lần lượt các yếu tố đó biến động để xem xét sự thay đổi của thu nhập của dự án. Đó là công việc phân tích độ nhạy của dự án.

a) Biến động của giá trị hiện tại thuần khi các yếu tố đầu vào thay đổi

Khi các đại lượng đầu vào được coi là không an toàn (có sự dao động với một xác suất tương ứng), sẽ làm cho giá trị hiện tại thuần (hoặc tỷ suất doanh lợi nội bộ, chỉ số sinh lời…) biến đổi. Sự biến đổi này thường được biểu hiện bằng một tỷ lệ phần trăm so với dự kiến ban đầu. Trình tự theo 4 bước sau:

Bước 1: Chọn các đại lượng đầu vào thấy không an toàn.

Bước 2: Chọn phương pháp tính toán và đánh giá dự án trong điều kiện an toàn.

Bước 3: Ấn định mức thay đổi của các đại lượng đầu vào so với giá trị gốc ở điều kiện an toàn.

Bước 4: Tính sự biến đổi của đại lượng đầu ra do sự thay đổi của một hay nhiều đại lượng đầu vào.

b) Tìm giá trị cực tiểu của đại lượng đầu vào

Giả sử, ta dùng tiêu chuẩn giá trị hiện tại thuần (NPV) để lựa chọn dự án đầu tư. Tiêu chuẩn cơ bản để dự án để lựa chọn là NPV > 0. Ở phần này, ta nghiên cứu các đại lượng đầu vào (giá bán sản phẩm, chi phí vốn đầu tư, tuổi thọ của dự án…) biến thiên sao cho  NPV = 0. Đó chính là giá trị cực tiểu của đầu vào. Các bước giải được tiến hành như sau:

Bước 1: Chọn các đại lượng đầu vào thấy không an toàn (sản lượng tiêu thụ, giá bán sản phẩm, tuổi thọ dự án, tỷ lệ hiện tại hoá, chi phí vốn đầu tư, chi phí sản xuất…).

Bước 2: Lựa chọn phương pháp tính toán và đánh giá dự án đầu tư (ví dụ dùng phương pháp NPV).

Bước 3: Cho giá trị hiện tại thuần bằng 0 (NPV = 0) và giải bài toán ở bước 2 theo một ẩn.

Nếu đầu vào có n đại lượng không an toàn thì ta cho lần lượt từng đại lượng biến đổi trong khi (n – 1) đại lượng cố định để tìm giá trị cực tiểu.

Bản tin này chỉ mang tính chất tham khảo, không phải ý kiến tư vấn cụ thể cho bất kì trường hợp
nào.
Đăng kí để nhận bản tin từ Gonnapass
Liên hệ tư vấn dịch vụ Kế toán – Thuế – Đào tạo: Ms Huyền – 094 719 2091
Tham khảo dịch vụ tư vấn từng lần – giải quyết các nỗi lo rủi ro thuế
 Mọi thông tin xin liên hệ:
Công ty TNHH Gonnapass
Phòng 701, tầng 7, toà nhà 3D Center, số 3 Duy Tân, P Dịch Vọng Hậu, Q Cầu Giấy, TP Hà Nội
Email: hotro@gonnapass.com
Facebook: https://www.facebook.com/gonnapassbeyondyourself/
Group Facebook chia sẻ mẫu biểu: https://www.facebook.com/groups/congvanketoan
Group Zalo chia sẻ miễn phí: https://zalo.me/g/xefwrd200
Website: https://gonnapass.com
Hotline/ Zalo : 0888 942 040

avatar
duong

Nếu bạn thích bài viết, hãy thả tim và đăng ký nhận bản tin của chúng tôi

Ý kiến bình luận

You cannot copy content of this page