Do nhu cầu quản lý và báo cáo, nhiều doanh nghiệp có thể áp dụng đồng thời nhiều phần mềm kế toán khác nhau (phần mềm theo tiêu chuẩn của công ty mẹ, tập đoàn, ERP…) . Vậy câu hỏi đặt ra, trường hợp doanh nghiệp chỉ sử dụng phần mềm kế toán nước ngoài được không?
Về nguyên tắc áp dụng và quản lý sổ kế toán
Từ năm 2015, doanh nghiệp được tự xây dựng biểu mẫu sổ kế toán nhưng phải đảm bảo cung cấp thông tin về giao dịch kinh tế một cách minh bạch, đầy đủ, dễ kiểm tra, dễ kiểm soát và dễ đối chiếu mà không còn bắt buộc phải theo mẫu của thông tư Bộ Tài chính.
Đồng thời, cũng không có quy định bắt buộc sử dụng phần mềm kế toán Việt Nam, do đó doanh nghiệp có thể sử dụng phần mềm kế toán nước ngoài để ghi sổ kế toán và áp dụng mẫu biểu theo nhu cầu quản lý.
Tuy nhiên, công ty cần lưu ý cuối kỳ thực hiện kiểm toán, công bố số liệu áp dụng mẫu báo cáo tài chính theo pháp luật Việt Nam
Điều kiện của hệ thống phần mềm sử dụng lưu trữ và quản lý sổ kế toán
Trường hợp công ty sử dụng phần mềm hỗ trợ hoạt động kế toán, lưu trữ sổ sách kế toán và lưu trữ sổ sách bằng file mềm cần phải đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin dữ liệu và phải đảm bảo tra cứu được trong thời hạn lưu trữ theo quy định
Ngoài ra, khi có yêu cầu của cơ quan thuế để phục vụ cho việc kiểm tra thì công ty phải có trách nhiệm in ra giấy các tài liệu kế toán lưu trữ trên phương diện điện tử, ký xác nhận của người đại diện theo pháp luật hoặc kế toán trưởng và đóng dấu để cung cấp theo thời hạn yêu cầu của cơ quan thuế.
(Trích công văn số 305/CT-TTHT)
Cơ sở pháp lý
Căn cứ vào Luật kế toán số 88/2015/QH13, khoản 7 Điều 26 quy định về mở sổ, ghi sổ, khóa sổ và lưu trữ sổ kế toán như sau:
“Đơn vị kế toán được ghi sổ kế toán bằng phương tiện điện tử. Trường hợp ghi sổ kế toán bằng phương tiện điện tử thì phải thực hiện các quy định về sổ kế toán tại Điều 24, Điều 25 và các khoản 1, 2, 3, 4 và 6 Điều này, trừ việc đóng dấu giáp lai. Sau khi khóa sổ kế toán trên phương tiện điện tử phải in sổ kế toán ra giấy và đóng thành quyển riêng cho từng kỳ kế toán năm để đưa vào lưu trữ. Trường hợp không in ra giấy mà thực hiện lưu trữ sổ kế toán trên các phương tiện điện tử thì phải bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin dữ liệu và phải bảo đảm tra cứu được trong thời hạn lưu trữ.”
Căn cứ vào Nghị định 174/2016/NĐ-CP tại điều 10 quy định về tài liệu kế toán lưu trữ trên phương tiện điện tử như sau:
“1. Chứng từ kế toán và sổ kế toán của các đơn vị kế toán trước khi đưa vào lưu trữ phải được in ra giấy để lưu trữ theo quy định trừ trường hợp đơn vị lựa chọn lưu trữ trên phương tiện điện tử. Việc lưu trữ tài liệu kế toán trên phương tiện điện tử phải bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin dữ liệu và phải đảm bảo tra cứu được trong thời hạn lưu trữ…
Khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền để phục vụ cho việc kiểm tra, thanh tra, giám sát và kiểm toán theo quy định, đơn vị kế toán phải có trách nhiệm in ra giấy các tài liệu kế toán lưu trữ trên phương tiện điện tử, ký xác nhận của người đại diện theo pháp luật hoặc kế toán trưởng (phụ trách kế toán) và đóng dấu (nếu có) để cung cấp theo thời hạn yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.”
Căn cứ vào Thông tư 200/2014/TT-BTC tại khoản 2 điều 122 Sổ kế toán:
“2. Doanh nghiệp được tự xây dựng biểu mẫu sổ kế toán cho riêng mình nhưng phải đảm bảo cung cấp thông tin về giao dịch kinh tế một cách minh bạch, đầy đủ, dễ kiểm tra, dễ kiểm soát và dễ đối chiếu. Trường hợp không tự xây dựng biểu mẫu sổ kế toán, doanh nghiệp có thể áp dụng biểu mẫu sổ kế toán theo hướng dẫn tại phụ lục số 4 Thông tư này nếu phù hợp với đặc điểm quản lý và hoạt động kinh doanh của mình.”
Biên soạn: Lưu Hồng Nhung – Tư vấn viên
Bản tin này chỉ mang tính chất tham khảo, không phải ý kiến tư vấn cụ thể cho bất kì trường hợp nào.
Để biết thêm thông tin cụ thể, xin vui lòng liên hệ với các chuyên viên tư vấn.
Đăng kí để nhận bản tin từ Gonnapass