[Tài chính CPA] BÀI TẬP THAM KHẢO TÀI CHÍNH DOANH NGHIỆP

15599

BÀI TẬP THAM KHẢO TÀI CHÍNH DOANH NGHIỆP

Bài số 1

Doanh nghiệp X dự định đầu tư 1.000 triệu đồng vào một phân xưởng sản xuất mới; trong đó, đầu tư về TSCĐ là 800 triệu đồng và đầu tư về vốn lưu động thường xuyên là 200 triệu đồng. Công suất theo thiết kế của phân xưởng là 5.500 sản phẩm/năm. Chi phí cố định kinh doanh chưa kể chi phí khấu hao là 100 triệu đồng/năm. Chi phí biến đổi cho một sản phẩm là 50.000 đồng, giá bán một sản phẩm (chưa có thuế giá trị gia tăng) là 100.000 đồng.

  1. Hãy cho biết doanh nghiệp có hoà vốn không nếu doanh nghiệp sử dụng hoàn toàn vốn chủ sở hữu để đầu tư?.
  2. Nếu doanh nghiệp đầu tư 50%, hoặc đầu tư hoàn toàn bằng vốn vay với lãi suất 10%/năm. Khi đó doanh nghiệp có hoà vốn không?

Biết rằng: doanh nghiệp áp dụng phương pháp khấu hao đường thẳng; thời gian sử dụng hữu ích của TSCĐ là 8 năm và nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ.

Bài số 2

Công ty X chuyên sản xuất linh kiện điện tử có tài liệu sau:

I. Tài liệu năm báo cáo:

  • Sản lượng tiêu thụ trong năm là 50.000 linh kiện với giá bán chưa có thuế giá trị gia tăng là 120.000 đồng/ linh kiện.
  • Chi phí sản xuất kinh doanh:

– Tổng chi phí cố định: 200 triệu đồng.

– Chi phí biến đổi: 115.000 đồng/ linh kiện.

II. Tài liệu năm kế hoạch

  1. Đầu năm, doanh nghiệp dự kiến đổi mới dây chuyền công nghệ nâng cấp tài sản cố định và do vậy phải đầu tư tăng thêm 350 triệu đồng (Giả định thời gian thực hiện công việc này là không đáng kể).
  2. Việc thực hiện việc đổi mới này có thể giảm bớt được chi phí biến đổi là 1.000 đồng/ linh kiện, đồng thời có thể tăng thêm sản lượng sản xuất và tiêu thụ lên mức 60.000 linh kiện với giá bán như năm trước.

Yêu cầu:

  1. a) Hãy xem xét sản lượng hoà vốn trước lãi vay năm kế hoạch có sự thay đổi nào không so với năm báo cáo?
  2. b) Lợi nhuận trước lãi vay và thuế năm kế hoạch thay đổi như thế nào so với năm báo cáo?
  3. c) Theo tính toán của một nhà quản lý công ty, nếu năm kế hoạch công ty thực hiện đổi mới công nghệ như đã nêu đồng thời giảm bớt giá bán đi 1.000 đồng/linh kiện thì có thể tăng thêm được lượng tiêu thụ là 10.000 linh kiện. Hãy cho biết công ty có nên thực hiện như vậy không?

Biết rằng: Tỷ lệ khấu hao tài sản cố định bình quân là 10%/năm.

Bài số 3

Công ty chế biến lâm sản B mua một thiết bị sấy gỗ của Nhật Bản theo giá FOB tại cảng Osaka là 150.000 USD bằng vốn vay của VietcomBank với lãi suất 5%/năm. Trọng lượng của thiết bị (kể cả bao bì) là 100 tấn. Chi phí vận chuyển thiết bị từ cảng Osaka về cảng Hải Phòng là 50 USD/tấn. Phí bảo hiểm thiết bị trên đường vận chuyển là 2%. Chi phí vận chuyển, bốc dỡ thiết bị về tới công ty là 30 triệu đồng. Chi phí lắp đặt, chạy thử và các chi phí khác là 28 triệu đồng. Thời gian kể từ khi mở L/C cho tới khi đưa thiết bị vào làm việc là 12 tháng (thời hạn vay vốn theo hợp đồng tín dụng là 12 tháng và trả lãi 1 lần cùng vốn gốc). Thiết bị này khi nhập khẩu về phải chịu thuế nhập khẩu với thuế suất 20% và chịu thuế giá trị gia tăng với thuế suất 5%.

Tỷ giá ngoại tệ là 20.000 đ/USD tại thời điểm vay, tỷ giá này có sự biến động không đáng kể.

Dựa theo hồ sơ thiết kế và đặc điểm kỹ thuật của thiết bị, công ty xác định thời gian sử dụng hữu ích của thiết bị là 5 năm

Biết rằng: Công ty nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ.

Yêu cầu:

  1. Xác định nguyên giá của thiết bị sấy gỗ nhập khẩu?
  2. Tính mức khấu hao hàng năm theo phương pháp đường thẳng?
  3. Tính mức khấu hao hàng năm theo phương pháp số dư giảm dần có điều chỉnh?

Bài số 4

Công ty X chuyên sản xuất sản phẩm A có tài liệu sau:

Tài liệu năm báo cáo:

  1. Tổng nguyên giá tài sản cố định có liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh ở đầu năm: 1.500 triệu đồng, trong đó nguyên giá TSCĐ phải khấu hao: 1.400 triệu đồng. Giá trị hao mòn luỹ kế ở đầu năm: 400 triệu đồng
  2. Sản lượng tiêu thụ trong năm là 50.000 sản phẩm với giá bán chưa có thuế giá trị gia tăng là 150.000 đồng/sản phẩm.
  3. Chi phí sản xuất kinh doanh trong năm:
  4. a) Tổng chi phí cố định (chưa kể chi phí khấu hao TSCĐ): 80 triệu đồng
  5. b) Chi phí khấu hao TSCĐ: 140 triệu đồng
  6. c) Chi phí biến đổi: 140.000 đồng /sản phẩm
  7. Trong năm không có sự biến động tăng giảm nào về tài sản cố định.
  8. Vốn lưu động bình quân trong năm là: 500 triệu đồng

Tài liệu năm kế hoạch

  1. Tháng 1 doanh nghiệp dự kiến đầu tư nâng cấp dây chuyền công nghệ và phải đầu tư thêm 600 triệu đồng (thời gian nâng cấp không đáng kể).
  2. Việc thực hiện đổi mới này có thể giảm bớt được chi phí biến đổi là 2.000 đồng/sản phẩm, đồng thời có thể tăng thêm sản lượng sản xuất và tiêu thụ lên mức 60.000 sản phẩm.
  3. Tổng chi phí cố định kinh doanh chưa kể chi phí khấu hao TSCĐ và giá bán vẫn như năm trước.
  4. Vốn lưu động dự kiến chu chuyển tăng thêm được 1 vòng so với năm báo cáo.

Yêu cầu:

a) Hãy xem xét sản lượng hoà vốn năm kế hoạch có sự thay đổi nào không so với năm báo cáo?

b) Lợi nhuận trước lãi vay và thuế năm kế hoạch thay đổi như thế nào so với năm báo cáo?

c) Hãy xác định tỷ suất lợi nhuận trước lãi vay và thuế trên vốn kinh doanh của năm báo cáo và năm kế hoạch?

Biết rằng: Tỷ lệ khấu hao bình quân các loại TSCĐ của doanh nghiệp là 10%/năm.

Bài số 5

Một công ty cổ phần chuyên sản xuất kinh doanh loại sản phẩm A có tình hình sau:

  1. Tổng số vốn kinh doanh ở cuối năm N là 5000 triệu đồng; trong đó: số vốn vay là 2000 triệu đồng, lãi suất vay vốn bình quân là 10%/năm.
  2. Công ty dự kiến trong năm tới (năm N+1) sẽ sản xuất và tiêu thụ 50.000 sản phẩm với giá bán chưa có thuế GTGT là 200.000 đồng/sản phẩm. Chi phí sản xuất kinh doanh trong năm như sau:

– Chi phí biến đổi cho một đơn vị sản phẩm là 150.000 đồng/sản phẩm.

– Tổng chi phí cố định kinh doanh là 200 triệu đồng.

  1. Công ty hiện đang xem xét dự án đầu tư nâng cấp dây truyền thiết bị sản xuất với số vốn đầu tư vào TSCĐ là 300 triệu đồng (không cần bổ sung VLĐ). Thời gian nâng cấp thiết bị coi như không đáng kể. Toàn bộ chi phí đầu tư nâng cấp này sẽ khấu hao trong 3 năm theo phương pháp đường thẳng.
  2. Nếu thực hiện việc đầu tư trên, số sản phẩm tiêu thụ và giá bán sản phẩm trong năm tới vẫn như dự kiến, nhưng chi phí biến đổi/đơn vị sản phẩm sẽ giảm 10% so với trước khi đầu tư.

Yêu cầu:

  1. Tính tỷ suất sinh lời kinh tế của tài sản (BEP) trước khi thực hiện đầu tư và sau khi thực hiện đầu tư?
  2. Nếu công ty quyết định vay vốn ngân hàng với lãi suất 10%/năm để thực hiện dự án đầu tư này thì tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) là bao nhiêu?

Biết rằng: Công ty phải nộp thuế thu nhập với thuế suất 25%.

Bài số 6

Công ty X cần mua một xe ô tô tải loại 3 tấn, đang cân nhắc lựa chọn phương thức thanh toán do bên bán đưa ra như sau:

– Phương thức 1: phải trả số tiền là 300 triệu đồng nếu trả toàn bộ tiền hàng một lần vào thời điểm nhận xe.

– Phương thức 2: phải trả số tiền là 400 triệu đồng nếu trả làm 4 lần, mỗi lần trả 100 triệu đồng. Kỳ trả tiền theo thỏa thuận lần lượt là 1 năm, 2 năm, 3 năm và 4 năm kể từ lúc nhận xe.

Theo bạn, công ty X nên mua xe theo phương thức thanh toán nào, biết rằng lãi suất ngân hàng ổn định là 15%/năm theo phương thức tính lãi kép và công ty có khả năng thanh toán ngay toàn bộ tiền hàng.

Bài số 7

Công ty X đang lập kế hoạch đầu tư vào một loại chứng khoán có tài liệu dự kiến như sau:

Xác suất Tỷ suất sinh lời
0,1

0,2

0,3

0,4

-10%

5%

10%

25%

Hãy cho biết tỷ suất sinh lời trung bình và cho biết mức độ rủi ro khi đầu tư loại chứng khoán này?

Bài số 8

Công ty M đang xem xét việc đầu tư vào một trong 2 cổ phiếu thường. Dự tính xác suất và tỷ suất sinh lời của hai cổ phiếu này như sau:

Cổ phiếu thường A Cổ phiếu thường B
Xác suất Tỷ suất sinh lời Xác suất Tỷ suất sinh lời
0,3

0,4

0,3

11%

15%

19%

0,2

0,3

0,3

0,2

-5%

6%

14%

22%

Dựa trên mức độ rủi ro và tỷ suất sinh lời, hãy cho biết công ty nên lựa chọn đầu tư vào cổ phiếu nào thì tốt hơn?

Bài số 9

          Theo dự đoán của các nhà đầu tư thì tỷ suất sinh lời của 2 loại cổ phiếu A và B vào năm 2008 sẽ thay đổi theo phân bố xác suất sau:

Cổ phiếu A Cổ phiếu B
Xác suất Tỷ suất sinh lời Xác suất Tỷ suất sinh lời
0,25 20% 0,25 20%
0,5 30% 0,5 25%
0,25 40% 0,25 30%

Yêu cầu:

  1. a) Xác định tỷ suất sinh lời kỳ vọng của mỗi loại cổ phiếu?
  2. b) Đầu tư vào cổ phiếu nào sẽ có nhiều rủi ro hơn? Vì sao?
  3. c) Giả định có một nhà đầu tư quyết định đầu tư 60% vào cổ phiếu A và 40% vào cổ phiếu B. Hãy xác định rủi ro của danh mục đầu tư trên?

Bài số 10

Ông A đang xem xét đầu tư vào hai loại cổ phiếu: X và Y. Sau khi liên hệ với công ty chứng khoán Kim Long, ông có được thông tin về tỷ suất sinh lời kỳ vọng và độ lệch chuẩn tỷ suất sinh lời kỳ vọng của hai cổ phiếu trên như sau:

Chỉ tiêu Cổ phiếu X Cổ phiếu Y
Tỷ suất sinh lời kỳ vọng (%) 13,8 21,2
Độ lệch chuẩn (%) 3,6 9,5

Để hạn chế rủi ro, ông A quyết định đầu tư vào một danh mục trị giá 120 triệu đồng gồm 58% cổ phiếu X và 42% cổ phiếu Y. Với tư cách là nhà tư vấn tài chính, bạn hãy giúp ông A xác định:

  1. a) Tỷ suất sinh lời kỳ vọng của danh mục đầu tư trên?
  2. b) Rủi ro của danh mục đầu tư tăng hay giảm so với đầu tư vào một trong hai cổ phiếu cá biệt? Biết rằng hệ số tương quan tỷ suất sinh lời giữa hai cổ phiếu X và Y là 0,3.

Bài số 11

Doanh nghiệp A có một dự án đầu tư xây dựng thêm 1 phân xưởng và có tài liệu như sau:

  1. Dự toán vốn đầu tư:

– Đầu tư vào TSCĐ là 200 triệu đồng

– Nhu cầu vốn lưu động thường xuyên cần thiết dự tính bằng 15% doanh thu thuần . Toàn bộ vốn đầu tư bỏ ngay 1 lần.

  1. Thời gian hoạt động của dự án là 4 năm.
  2. Doanh thu thuần do phân xưởng đưa lại dự kiến hàng năm là 400 triệu đồng
  3. Chi phí hoạt động kinh doanh hàng năm của phân xưởng

– Chi phí biến đổi bằng 60% doanh thu thuần

– Chi phí cố định (chưa kể khấu hao TSCĐ) là 60 triệu đồng/năm.

  1. Dự kiến các TSCĐ sử dụng với thời gian trung bình là 4 năm và được khấu hao theo phương pháp đường thẳng. Giá trị thanh lý là không đáng kể.
  2. Số VLĐ ứng ra dự tính thu hồi toàn bộ vào cuối năm thứ 4
  3. Doanh nghiệp phải nộp thuế thu nhập với thuế suất 25%.

Yêu cầu:

  1. a) Xác định giá trị hiện tại thuần của dự án?
  2. b) Xác định tỷ suất doanh lợi nội bộ của dự án? Dựa trên tiêu chuẩn này cho biết có nên lựa chọn dự án không?

Biết rằng: Chi phí sử dụng vốn của dự án là 12%/năm

Bài số 12

Một công ty đang xem xét khả năng đầu tư một trong hai dự án sau:

– Dự án A có vốn đầu tư ban đầu là 3.600 triệu đồng, thời gian hoạt động là 10 năm và tạo ra thu nhập ròng mỗi năm là 800 triệu đồng.

– Dự án B có vốn đầu tư ban đầu là 1.500 triệu đồng và tạo ra thu nhập ròng mỗi năm là 370 triệu đồng trong 10 năm.

Yêu cầu:

a) Công ty nên lựa chọn dự án nào nếu xét theo tiêu chuẩn NPV? tiêu chuẩn IRR?

b) Hãy xác định tỷ suất chiết khấu làm cân bằng NPV của hai dự án trên và xác định giá trị NPV tại điểm cân bằng?

Biết rằng: Chi phí sử dụng vốn của công ty là 12%. Cả 2 dự án đều thực hiện bỏ vốn đầu tư toàn bộ một lần.

Bài số 13

Công ty cổ phần A đang xem xét một dự án đầu tư xây dựng một phân xưởng mới sản xuất sản phẩm H. Thời gian hoạt động của dự án là 4 năm. Tài liệu liên quan đến dự án như sau:

  1. Dự toán vốn đầu tư ban đầu vào TSCĐ là 1200 triệu đồng (bỏ vốn ngay một lần), vốn lưu động thường xuyên bằng 20% doanh thu thuần.
  2. Dự kiến sản lượng sản xuất và tiêu thụ của dự án như sau:
Chỉ tiêu Năm 1 Năm 2 Năm 3 Năm 4
Sản lượng 1500 1550 2000 2000
  1. Giá bán đơn vị sản phẩm chưa có thuế gián thu là 900.000 đồng/sản phẩm
  2. Dự kiến chi phí sản xuất kinh doanh hàng năm:

– Tổng chi phí cố định kinh doanh (chưa kể khấu hao TSCĐ): 100 triệu đồng

– Chi phí biến đổi bằng 50% doanh thu thuần

  1. TSCĐ đầu tư ban đầu dự kiến khấu hao trong 4 năm theo phương pháp số dư giảm dần có điều chỉnh (2 năm cuối khấu hao theo phương pháp đường thẳng). Giá trị thu hồi thanh lý là không đáng kể.
  2. Số vốn lưu động dự kiến thu hồi toàn bộ một lần vào cuối năm thứ 4.

Yêu cầu:

Theo tiêu chuẩn NPV hãy cho biết công ty có nên thực hiện dự án đầu tư không? Giải thích ý nghĩa của kết quả vừa tính được?

Biết rằng:    – Chi phí sử dụng vốn của dự án là 10%/năm,

– Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 25%.

Bài số 14

Công ty H đang xem xét một dự án đầu tư có vòng đời của dự án là 5 năm, các tài liệu liên quan như sau:

  1. Dự toán vốn đầu tư ban đầu vào TSCĐ là 1.000 triệu đồng, đầu tư về vốn lưu động thường xuyên là 200 triệu đồng.
  2. Cuối năm thứ 2 sẽ đầu tư nâng cấp dây chuyền sản xuất chi phí nâng cấp 300 triệu đồng. Theo đó vốn lưu động thường xuyên bổ sung thêm là 50 triệu đồng.
  3. Dự kiến số lượng sản phẩm sản xuất, tiêu thụ trong các năm khi thực hiện dự án như sau:

Năm 1:  8.000 sản phẩm                          Năm 2:  8.000 sản phẩm

Năm 3: 10.000 sản phẩm                          Năm 4: 10.500 sản phẩm

Năm 5: 10.500 sản phẩm

Giá bán đơn vị sản phẩm chưa có thuế GTGT là: 100.000 đồng/sản phẩm

  1. Dự kiến chi phí sản xuất kinh doanh hàng năm:

– Tổng chi phí cố định(chưa kể khấu hao TSCĐ):  50 triệu

– Chi phí biến đổi trên một đơn vị sản phẩm bằng 50% giá bán chưa có thuế.

  1. TSCĐ đầu tư ban đầu dự kiến khấu hao theo phương pháp số dư giảm dần có điều chỉnh (hai năm cuối áp dụng phương pháp khấu hao đường thẳng), hệ số điều chỉnh bằng 2,0. Số vốn đầu tư nâng cấp dây chuyền được thu hồi đều nhau trong 3 năm cuối mỗi năm là 100 triệu đồng. Giá trị thanh lý TSCĐ ước tính ở năm cuối cùng khi thực hiện dự án là 30 triệu đồng.
  2. Số vốn lưu động dự kiến sẽ thu hồi vào cuối năm cuối cùng khi thực hiện dự án.

Yêu cầu:

Theo tiêu chuẩn giá trị hiện tại thuần, hãy cho biết dự án có được chấp thuận đầu tư không?

Biết rằng:    – Chi phí sử dụng vốn của dự án là 12%

– Thuế suất thuế TNDN là 25%.

Bài số 15

Công ty Ezzell có kết cấu nguồn vốn được coi là tối ưu như sau:

– Vốn vay (vay dài hạn)             : 45%

– Vốn chủ sở hữu                       : 55% (không kể cổ phần ưu đãi)

Tổng cộng                      : 100%

Công ty dự kiến, trong năm tới đạt được lợi nhuận sau thuế là 2,5 triệu USD. Thời gian vừa qua, Công ty thực hiện chính sách chi trả cổ tức với hệ số chi trả là 0,6 của lợi nhuận và công ty tiếp tục duy trì hệ số này. Ngân hàng thoả thuận với Công ty được vay theo mức vay và lãi suất như sau:

Khoản vay                                      Lãi suất

Từ 0$- 500.000$                                    9%

Từ 500.001$ -900.000$                       11%

Từ 900.001$ trở lên                             13%

Thuế suất thuế thu nhập là 40%; giá thị trường hiện hành của 1 cổ phần là 22$; lợi tức 1 cổ phần năm trước là 2,20$ và tỉ lệ tăng cổ tức mong đợi là 5%/năm. Chi phí phát hành cổ phiếu mới là 10%. Trong năm tới, Công ty có các cơ hội đầu tư như sau:

DA VĐT

(USD)

Dòng tiền  thuần

hàng năm (USD)

Vòng đời của DA (năm) IRR

(%)

1 675.000 155.401 8
2 900.000 268.484 5 15%
3 375.000 161.524 3
4 562.500 185.194 4 12%
5 750.000 127.351 10 11%

Yêu cầu:

Xác định những dự án nào được chấp nhận. Để xem xét, hãy phân tích bằng cách trả lời các câu hỏi sau:

  1. Có bao nhiêu điểm gãy của đường chi phí cận biên. Tại quy mô vốn nào thì điểm gãy xuất hiện ? Nguyên nhân?
  2. Xác định chi phí bình quân sử dụng vốn trong mỗi khoảng gãy?
  3. Tính IRR của dự án 1 và 3.
  4. Dự án nào là dự án được chấp nhận.

 Download file hướng dẫn giải : HƯỚNG DẪN GIẢI BÀI TẬP THAM KHẢO TÀI CHÍNH DOANH NGHIỆP

Bản tin này chỉ mang tính chất tham khảo, không phải ý kiến tư vấn cụ thể cho bất kì trường hợp nào.
Đăng kí để nhận bản tin từ Gonnapass
Liên hệ tư vấn dịch vụ Kế toán – Thuế – Đào tạo: Ms Huyền – 094 719 2091
Tham khảo dịch vụ tư vấn từng lần – giải quyết các nỗi lo rủi ro thuế
 Mọi thông tin xin liên hệ:
Công ty TNHH Gonnapass
Phòng 701, tầng 7, toà nhà 3D Center, số 3 Duy Tân, P Dịch Vọng Hậu, Q Cầu Giấy, TP Hà Nội
Email: hotro@gonnapass.com
Facebook: https://www.facebook.com/gonnapassbeyondyourself/
Group Facebook chia sẻ mẫu biểu: https://www.facebook.com/groups/congvanketoan
Group Zalo chia sẻ miễn phí: https://zalo.me/g/xefwrd200
Website: https://gonnapass.com
Hotline/ Zalo : 0888 942 040

avatar
duong

Nếu bạn thích bài viết, hãy thả tim và đăng ký nhận bản tin của chúng tôi

Ý kiến bình luận

You cannot copy content of this page