[Thuế CPA] Khái niệm, đặc điểm thuế tiêu thụ đặc biệt

167

Thuế TTĐB là sắc thuế đánh vào một số hàng hoá, dịch vụ nằm trong danh mục nhà nước quy định cần điều tiết sản xuất hoặc hướng dẫn tiêu dùng.

Với cách hiểu như vậy, thuế TTĐB có các đặc điểm nổi bật sau đây:

Một là, thuế TTĐB thuộc loại thuế gián thu. Thuế TTĐB được cấu thành trong giá bán hàng hoá, dịch vụ do người tiêu dùng chịu khi mua hàng hoá, dịch vụ. Người nộp thuế TTĐB là người sản xuất hàng hóa, người nhập khẩu hàng hóa chịu thuế TTĐB và người cung ứng dịch vụ chịu thuế TTĐB. Người chịu thuế TTĐB là người tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ thuộc diện chịu thuế TTĐB.

Hai là, thuế TTĐB là thuế tiêu dùng một giai đoạn. Tùy theo điều kiện kinh tế – xã hội của quốc gia mà việc đánh thuế TTĐB một giai đoạn có thể thực hiện một giai đoạn theo những cách khác nhau. Ở những quốc gia rất phát triển, có trình độ kiểm soát, quản lý cao thì thuế TTĐB có thể được đánh một giai đoạn duy nhất ở khâu bán lẻ. Với lựa chọn này, chính phủ thu được thuế TTĐB theo giá bán cao nhất của quá trình luân chuyển. Ở những quốc gia chậm phát triển hoặc đang phát triển, thậm chí ở cả một số nước phát triển, việc đánh thuế TTĐB một giai đoạn thường áp dụng vào khâu sản xuất hàng hóa bán ra, khâu nhập khẩu hàng hóa và khâu kinh doanh dịch vụ. Lựa chọn này, nếu thuế TTĐB tính trên giá bán thì cơ sở thuế thấp hơn khâu bán lẻ nhưng hoạt động quản lý đơn giản hơn.

Ba là, phạm vi điều tiết của thuế TTĐB không rộng. Số lượng đối tượng hàng hóa, dịch vụ thuộc diện chịu thuế TTĐB thường không nhiều và thay đổi tùy theo điều kiện kinh tế – xã hội của mỗi quốc gia trong từng giai đoạn lịch sử nhất định.

Thuế TTĐB là sắc thuế khá phổ biến trên thế giới vì đây là một sắc thuế rất có hiệu quả bởi số thu rất cao, rất dễ thu, việc đánh thuế thường nhận được sự đồng thuận rất cao của công chúng. Tuỳ thuộc vào điều kiện cụ thể về kinh tế xã hội, phong tục tập quán, chính sách tiêu dùng, yêu cầu động viên ngân sách, khả năng quản lý, giám sát mà mỗi nước có những quy định riêng về danh mục mặt hàng chịu thuế, mức thuế suất, phương thức tổ chức quản lý thu.

Nhiều nước áp dụng thuế TTĐB đánh vào nhiều mặt hàng hoá hoặc dịch vụ, để người dân dễ hiểu, tiện lợi trong tuyên truyền, giải thích cũng như để xây dựng các quy trình thủ tục quản lý hiện đại người ta thường dùng ngay tên của mặt hàng bị đánh thuế để làm tên gọi, ví dụ: thuế xăng dầu, thuế thuốc lá, thuế rượu, thuế bia… Qua thống kê từ thực tiễn các nước cho thấy thuế TTĐB thường được đánh vào các nhóm hàng hoá, dịch vụ sau đây:

(i) Nhóm hàng hoá, dịch vụ có hại cho sức khoẻ cộng đồng (rượu, thuốc lá, xì gà).

(ii) Nhóm hàng hoá, dịch vụ mà người sử dụng chúng thuộc lớp người có thu nhập cao, nhà nước cần điều tiết (ô tô, tàu bay cá nhân, du thuyền, mỹ phẩm cao cấp, dịch vụ làm đẹp…).

(iii) Nhóm hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục độc quyền nhà nước hoặc nhà nước cần kiểm soát đặc biệt.

(iv) Hàng hoá thuộc danh mục cần định hướng để thực hiện chính sách quốc gia về năng lượng, tài nguyên thiên nhiên (xăng dầu, sản phẩm khai khoáng…).

(v) Hàng hoá, dịch vụ mà việc tiêu dùng chúng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến thuần phong, mỹ tục, trật tự xã hội (bài lá, cá độ, mát xa…).

Ở nước ta, thuế TTĐB  được Quốc hội khoá IX ban hành Luật và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/10/1990 và đã qua nhiều lần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội của đất nước trong từng thời kỳ. Trong đó những lần sửa đổi quan trọng vào các năm 1998, 2003 và 2006. Thực hiện chương trình xây dựng Luật của Quốc hội năm 2008, Luật thuế TTĐB số 27/2008/QH12 đã được Quốc hội thông qua vào ngày 14/11/2008, có hiệu lực thi hành kể từ 01/01/2009. Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 26/2009/NĐ-CP ngày 16/3/2009 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn số 64/2009/TT-BTC ngày 27/3/2009.

Tháng 12 năm 2011, Chính phủ cho sửa đổi một số quy định trong Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật (Nghị định số 113/2011/NĐ-CP ngày 08/12/2011 sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 26/2009/NĐ-CP ngày 16/3/2009). Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 05/2012/TT-BTC ngày 5/1/2012 hướng dẫn thực hiện các nội dung mới được sửa đổi bổ sung theo hướng quy định rõ ràng, minh bạch về đối tượng không chịu thuế, trị giá tính thuế, khấu trừ thuế nhằm tạo thuận lợi hơn cho người nộp thuế, đồng thời ngăn ngừa các trường hợp lợi dụng, trục lợi để trốn thuế, góp phần tạo môi trường bình đẳng, lành mạnh.

Ngày 26/11/2014, Quốc hội thông qua Luật số 70/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TTĐB. Lần sửa đổi, bổ sung này tập trung vào việc điều chỉnh thuế suất của một số mặt hàng nhằm đảm bảo điều tiết, hướng dẫn sản xuất và tiêu dùng có hiệu quả hơn và sửa đổi một số quy định về giá tính thuế nhằm ngăn ngừa trốn, tránh thuế TTĐB. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 108/2015/NĐ-CP ngày 28/10/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt; Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 195/2015/TT-BTC ngày 24/11/2015 hướng dẫn thi hành thuế TTĐB.

Năm 2016, Quốc hội ban hành Luật số 106/2016/QH13 ngày 6/4/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2016. Những sửa đổi, bổ sung về thuế tiêu thụ đặc biệt trong Luật số 106/2016/QH13 tập trung chủ yếu vào điều chỉnh thuế suất một số hàng hóa, dịch vụ nhằm điều tiết hợp lý hơn vào hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt trong bối cảnh cắt giảm thuế nhập khẩu theo các hiệp định thương mại tự do và thúc đẩy tăng trưởng bền vững, tăng trưởng kinh tế gắn với bảo vệ môi trường. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 100/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 quy định chi tiết thi hành Luật số 106/2016/QH13; Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 130/2016/TT-BTC hướng dẫn thi hành các luật và nghị định này. Ngoài ra, để xử lý những vướng mắc phát sinh về thuế TTĐB, gần đây Bộ Tài chính ban hành thông tư số 20/2017/TT-BTC tập trung chủ yếu vào sửa đổi quy định khấu trừ thuế TTĐB; Chính phủ ban hành Nghị định số 14/2019/NĐ-CP ngày 1/2/2019 sửa đổi, bổ sung các quy định chi tiết về thuế TTĐB, tập trung vào sửa đổi quy định về đối tượng không chịu thuế và khấu trừ thuế TTĐB.

Gần đây nhất, Quốc hội ban hành Luật số 03/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự. Theo Luật này, Quốc hội quyết định giảm mức thuế suất thuế TTĐB đối với xe ô tô điện chạy bằng pin để thúc đẩy việc sử dụng xe thân thiện với môi trường.

Bản tin này chỉ mang tính chất tham khảo, không phải ý kiến tư vấn cụ thể cho bất kì trường hợp nào.

Đăng kí để nhận bản tin từ Gonnapass

Liên hệ tư vấn dịch vụ Kế toán – Thuế – Đào tạo: Ms Huyền – 094 719 2091

Tham khảo dịch vụ tư vấn từng lần – giải quyết các nỗi lo rủi ro thuế

Mọi thông tin xin liên hệ:

Công ty TNHH Gonnapass

Phòng 701, tầng 7, toà nhà 3D Center, số 3 Duy Tân, P Dịch Vọng Hậu, Q Cầu Giấy, TP Hà Nội

Email: hotro@gonnapass.com

Facebook: https://www.facebook.com/gonnapassbeyondyourself/

Group Facebook chia sẻ mẫu biểu: https://www.facebook.com/groups/congvanketoan

Group Zalo chia sẻ miễn phí: https://zalo.me/g/xefwrd200

Website: https://gonnapass.com

Hotline/ Zalo : 0888 942 040

avatar
hien

Nếu bạn thích bài viết, hãy thả tim và đăng ký nhận bản tin của chúng tôi

Ý kiến bình luận

You cannot copy content of this page