Thúc đẩy tăng trưởng xanh là một vấn đề quan trọng, nhận được sự quan tâm đặc biệt và nhiều nỗ lực hướng tới từ các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021, phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050, với các mục tiêu hướng tới xây dựng nền kinh tế xanh, đạt trung hòa carbon và góp phần hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu. Bên cạnh các ưu đãi thuế khác, dưới đây là những thông tin quan trọng về các ưu đãi thuế sản xuất xanh.
Ưu đãi thuế TNDN
Miễn Thuế TNDN Cho Chứng Chỉ Giảm Phát Thải
Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ) đã đề ra 3 nhiệm vụ chiến lược gồm: (i) Giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo (đến năm 2020, giảm cường độ phát thải khí nhà kính từ 8 – 10% so với mức của năm 2010, giảm tiêu hao năng lượng tính trên GDP từ 1 – 1,5% mỗi năm và giảm phát thải khí nhà kính trong các hoạt động năng lượng 10 – 20% so với phương án phát triển bình thường); (ii) Xanh hóa sản xuất, khuyến khích phát triển công nghiệp xanh, nông nghiệp xanh (đến năm 2020, giá trị sản phẩm ngành công nghệ cao, công nghệ xanh là 42 – 45% GDP. Tỷ lệ các cơ sở sản xuất – kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường là 80%, áp dụng công nghệ sạch hơn 50%); (iii) Xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững.
Theo Điều 4 của Luật Thuế TNDN hiện hành, thu nhập từ chuyển nhượng chứng chỉ giảm phát thải (CERs) của doanh nghiệp được cấp chứng chỉ giảm phát thải sẽ được miễn thuế TNDN. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp không chỉ giảm thiểu tác động đến môi trường mà còn tối ưu hóa chi phí thuế
Thuế Suất Ưu Đãi 10% Trong Lĩnh Vực Môi Trường
Doanh nghiệp thực hiện hoạt động xã hội hóa trong lĩnh vực môi trường sẽ được áp dụng thuế suất ưu đãi 10% theo Khoản 2, Điều 13 của Luật Thuế TNDN hiện hành. Chính sách này khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường, nâng cao trách nhiệm xã hội và phát triển bền vững.
Ưu Đãi Đối Với Dự Án Năng Lượng Tái Tạo
Doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư mới vào sản xuất năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, năng lượng từ việc tiêu hủy chất thải và các hoạt động bảo vệ môi trường sẽ được áp dụng thuế suất 10% trong 15 năm. Cụ thể, doanh nghiệp sẽ được miễn thuế tối đa không quá 4 năm và giảm 50% số thuế TNDN phải nộp tối đa không quá 9 năm tiếp theo.
Hỗ Trợ Đầu Tư Trong Sản Xuất Sản Phẩm Tiết Kiệm Năng Lượng
Doanh nghiệp đầu tư mới trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm tiết kiệm năng lượng sẽ được áp dụng thuế suất 17% trong thời gian 10 năm. Cụ thể, doanh nghiệp sẽ được miễn thuế tối đa không quá 2 năm và giảm 50% số thuế phải nộp tối đa không quá 4 năm tiếp theo.
Các chính sách ưu đãi thuế TNDN không chỉ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí mà còn tạo động lực cho việc đầu tư vào các lĩnh vực bảo vệ môi trường. Đây là thời điểm thích hợp để các doanh nghiệp nắm bắt cơ hội này, góp phần xây dựng một tương lai bền vững và xanh hơn cho đất nước. Hãy cùng nhau hành động vì môi trường và phát triển bền vững!
Chính sách thuế, phí khác hỗ trợ tăng trưởng xanh ở Việt Nam
Các chính sách thuế, phí (thuế, phí bảo vệ môi trường (BVMT), thuế tài nguyên, thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế xuất nhập khẩu) từng bước được hoàn thiện theo hướng chú trọng khuyến khích đầu tư, sản xuất theo công nghệ sạch, tiết kiệm năng lượng, nâng cao ý thức BVMT và hỗ trợ cho việc thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh. Cụ thể:
Thuế bảo vệ môi trường
Luật Thuế BVMT được Quốc hội thông qua ngày 15/11/2010, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2012. Đối tượng chịu thuế BVMT gồm: (1) Xăng, dầu, mỡ nhờn; (2) Than đá; (3) Dung dịch HCFC; (4) Túi ni lông; (5) Thuốc diệt cỏ; (6) Thuốc trừ mối; (7) Thuốc bảo quản lâm sản; (8) Thuốc khử trùng kho. Áp dụng mức thuế từ 300 đồng đến 3000 đồng/lít đối với dầu các loại và xăng; 10.000 đồng/tấn đối với than đá, than nâu, than mỡ; 40.000 đồng/kg đối với túi ni lông.
Thuế tài nguyên
Chính sách thuế tài nguyên đã trở thành công cụ quan trọng để cơ quan quản lý nhà nước tăng cường quản lý, giám sát quá trình khai thác tài nguyên; góp phần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của tài nguyên đối với phát triển kinh tế bền vững. Chính sách thuế tài nguyên được áp dụng theo Luật Thuế tài nguyên số 45/2009/QH12 ngày 25/11/2009 (có hiệu lực từ ngày 01/7/2010)4, với mức thuế suất 12 – 18% đối với nhóm khoáng sản kim loại (sắt, titan, đồng…); 5 – 13% đối với nhóm khoáng sản không kim loại (apatit, đá, sỏi, than, cát…) và 3 – 5% đối với nhóm nước thiên nhiên (dùng sản xuất thủy điện, sản xuất kinh doanh…)5.
Thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu
Ngoài các chính sách thuế trên, còn có các chính sách thuế khác có liên quan (i) Áp dụng riêng mức thuế suất thuế TTĐB thấp đối với xăng sinh học E5 là 8%, E10 là 7% và cao hơn với xăng RON 92 (10%); (ii) Miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để sử dụng trực tiếp vào hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ và áp dụng thuế xuất khẩu đối với khoáng sản…
Về cơ bản, chính sách thuế theo “xanh hóa” cần đáp ứng được các yêu cầu cơ bản sau:
(i) Hệ thống chính sách thuế cần được xây dựng một cách đồng bộ, phát huy được vai trò của từng loại thuế trong thực hiện các mục tiêu về tăng trưởng xanh. Hệ thống thuế là tập hợp của nhiều chính sách thuế khác nhau, trong đó mỗi loại thuế có những vai trò, chức năng nhất định. Để thúc đẩy việc thực hiện được các mục tiêu về tăng trưởng xanh, cần thiết phải định vị cho được vai trò của từng sắc thuế trong hệ thống thuế trên các giác độ: Giảm thiểu hóa chi phí khắc phục ô nhiễm môi trường thông qua việc điều chỉnh hành vi của nhà sản xuất và người tiêu dùng; khuyến khích các chủ thể gây ô nhiễm đầu tư đổi mới công nghệ để giảm mức độ phát thải ra môi trường; tạo nguồn thu cho NSNN một cách bền vững để đầu tư cho các chương trình chi tiêu liên quan đến tăng trưởng xanh.
(ii) Quá trình cải cách hệ thống chính sách thuế vì mục tiêu tăng trưởng xanh không được gây ra những gánh nặng thuế quá lớn cho hoạt động sản xuất và tiêu dùng. Việc áp dụng các công cụ chính sách thuế vì mục tiêu BVMT phải góp phần chuyển gánh nặng thuế từ các cách thức đánh thuế truyền thống (thuế đối với thu nhập, vốn, lao động…) sang đánh thuế vào việc sử dụng các sản phẩm có liên quan đến môi trường và gây ô nhiễm môi trường như nhiên liệu hóa thạch và chất thải. Cùng với đó, cần thực hiện chuyển hướng các khoản ưu đãi về thuế một cách có chọn lọc, hướng đến các hoạt động giảm ô nhiễm môi trường, phát thải khí nhà kính. Tuy nhiên, không phải vì mục tiêu tăng trưởng xanh mà thực hiện mở rộng ưu đãi thuế một cách máy móc, làm suy giảm cơ sở thuế, ảnh hưởng đến bền vững của nguồn NSNN trong dài hạn.
(iii) Việc sử dụng công cụ chính sách thuế vì mục tiêu tăng trưởng xanh cần được dựa trên cơ sở lý thuyết kinh tế về xử lý các vấn đề ngoại ứng do ô nhiễm môi trường, cũng như việc khắc phục các thất bại của thị trường, đảm bảo thực hiện có hiệu quả nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”.
(iv) Quá trình cải cách hệ thống chính sách thuế cần đảm bảo tính đồng bộ, tính thống nhất và đồng bộ với các văn bản pháp luật có liên quan khác; góp phần thực hiện cam kết của Chính phủ với cộng đồng quốc tế trong việc góp sức giải quyết vấn đề môi trường toàn cầu và ứng phó với biến đổi khí hậu. Đồng thời, phải làm cho các chủ thể có liên quan trong xã hội hiểu được lợi ích của việc “xanh hóa” hệ thống chính sách thuế. Các quy định về thuế vì mục đích BVMT, giảm phát thải không được quá phức tạp, phải rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện và dễ quản lý.
Bản tin này chỉ mang tính chất tham khảo, không phải ý kiến tư vấn cụ thể cho bất kì trường hợp nào.
Đăng kí để nhận bản tin từ Gonnapass
Liên hệ tư vấn dịch vụ Kế toán – Thuế – Đào tạo: Ms Huyền – 094 719 2091
Tham khảo dịch vụ tư vấn từng lần – giải quyết các nỗi lo rủi ro thuế
Mọi thông tin xin liên hệ:
Công ty TNHH Gonnapass
Phòng 701, tầng 7, toà nhà 3D Center, số 3 Duy Tân, P Dịch Vọng Hậu, Q Cầu Giấy, TP Hà Nội
Email: hotro@gonnapass.com
Facebook: https://www.facebook.com/gonnapassbeyondyourself/
Group Facebook chia sẻ mẫu biểu: https://www.facebook.com/groups/congvanketoan
Group Zalo chia sẻ miễn phí: https://zalo.me/g/xefwrd200
Website: https://gonnapass.com
Hotline/ Zalo : 0888 942 040