Hóa đơn điện tử từ máy tính tiền – Electronic invoice from Cash Register

2714

Hóa đơn điện tử từ máy tính tiền được áp dụng rộng rãi và triển khai theo chương trình đồng bộ toàn quốc tại Việt Nam.

Thảo luận Topic này tại https://www.facebook.com/share/p/9eSjetvq4vAqs7WE/

Đối tượng áp dụng

Hóa đơn điện tử (HĐĐT) được khởi tạo từ máy tính tiền kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế (sau đây gọi tắt là HĐĐT từ máy tính tiền) là HĐĐT có mã của cơ quan thuế được thể hiện ở dạng dữ liệu điện tử do tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ lập, ghi nhận thông tin bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ theo quy định của pháp luật về kế toán, pháp luật về thuế bằng phương tiện điện tử.

 

Đối tượng triển khai trước là các doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh nộp thuế có hoạt động cung cấp hàng hoá, dịch vụ trực tiếp cho khách hàng như kinh doanh ăn uống, nhà hàng, khách sạn; bán lẻ hàng hoá (trung tâm thương mại, siêu thị, bán lẻ hàng tiêu dùng); bán lẻ thuốc tân dược và nhóm dịch vụ khác (dịch vụ vui chơi giải trí, vé cầu đường, vé xe buýt, vé tham quan, du lịch,…)

Lợi ích của việc áp dụng HĐĐT từ máy tính tiền

  • > Không bắt buộc có chữ ký số
  • > Chủ động 24/7 trong việc lập hóa đơn khi có phát sinh bán hàng hóa, dịch vụ, xử lý triệt để vướng mắc trong thời gian qua về độ trễ giữa thời điểm thanh toán và thời điểm lập hóa đơn – người mua có thể nhận hóa đơn điện tử ngay khi thanh toán, tạo điều kiện thuận lợi để người tiêu dùng có được hóa đơn để tham gia Chương trình “Hóa đơn may mắn”
  • > Chủ động 24/7 trong việc xử lý sai, sót phát sinh ngay trên thiết bị của NNT nếu đã được cài đặt phần mềm HĐĐT từ máy tính tiền theo chuẩn của cơ quan thuế;
  • > Cuối ngày chỉ phải chuyển dữ liệu HĐĐT đã sử dụng trong ngày cho cơ quan thuế thông qua tổ chức cung cấp dịch vụ nhận, truyền, lưu trữ dữ liệu điện tử.

Đăng ký, sử dụng HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền

  • > Người nộp thuế đăng ký và sử dụng HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền theo mẫu số 01/ĐKTĐ-HĐĐT Phụ lục 1A ban hành kèm theo Nghị định 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020
  • > Trường hợp NNT lần đầu sử dụng HĐĐT và thuộc đối tượng áp dụng HĐĐT có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền thì phải thực hiện đăng ký qua tổ chức cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử
  • > Trường hợp NNT đã thực hiện đăng ký sử dụng HĐĐT thành công và muốn đăng ký sử dụng HĐĐT có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền thì thực hiện thay đổi thông tin đăng ký sử dụng HĐĐT qua tổ chức cung cấp dịch vụ hoặc trên trang https://hoadondientu.gdt.gov.vn.

Nhận biết hóa đơn điện tử từ máy tính tiền 

Cách nhận biết về hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế (hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền):

– Về ký hiệu hóa đơn:

  • Về Mã của cơ quan thuế trên hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền:

“Mã của cơ quan thuế trên hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền” là dải ký tự bao gồm 23 ký tự có cấu trúc như sau:

C1C2-C3C4-C5C6C7C8C9-C10C11C12C13C14C15C16C17C18C19C20

Trong đó:

– Một ký tự đầu C1: là chữ cái M cố định để thể hiện dấu hiệu nhận biết hóa đơn điện tử được khởi tạo từ máy tính tiền theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 4 Thông tư số 78/2021/TT-BTC.

– Một ký tự C2: là ký hiệu được gắn cố định để thể hiện loại hóa đơn điện tử từ 1 đến 6 theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 4 Thông tư số 78/2021/TT-BTC, (cụ thể: 1: Hóa đơn GTGT, 2: HĐ bán hàng…).

– Hai ký tự C3C4: là 02 số cuối của năm phát hành hóa đơn được sinh tự động từ phần mềm bán hàng của NNT.

– Năm ký tự C5C6C7C8C9: là một chuỗi 05 ký tự do CQT cấp theo hình thức tự sinh từ hệ thống HĐĐT của CQT đảm bảo tính duy nhất.

– Mười một ký tự C10C11C12C13C14C15C16C17C18C19C20: là chuỗi 11 số được tự sinh từ phần mềm bán hàng đảm bảo tính duy nhất.

– Dấu gạch ngang (-): là ký tự để phân tách các nhóm ký tự thể hiện loại hóa đơn, năm phát hành hóa đơn tự sinh từ phần mềm bán hàng, ký tự do CQT cấp, chuỗi số tự sinh từ phần mềm bán hàng.

Mã của cơ quan thuế trên hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền có thể thiết lập cho nhiều máy tính tiền tại một hoặc nhiều địa điểm kinh doanh, đơn vị phụ thuộc đảm bảo tính duy nhất của từng hóa đơn.

Cách tra cứu hóa đơn khởi tạo từ máy tính tiền

Có thể tra cứu hóa đơn khởi tạo từ máy tính tiền bằng cách đăng nhập hệ thống hóa đơn điện tử tại địa chỉ: hoadondientu.gdt.gov.vn và làm theo các bước sau:

Bước 1: Vào mục “Tra cứu”, chọn “Tra cứu hóa đơn”

Bước 2: Chọn tab “Tra cứu hóa đơn điện tử mua vào”

Bước 3: Vào ô “Kết quả kiểm tra” chọn “Tổng cục thuế đã nhận hóa đơn có mã khởi tạo từ máy tính tiền”

Hóa đơn khởi tạo từ máy tính tiền bị sai thì làm như thế nào?

Xử lý sai sót 24/7, điều 19 Nghị định 123/2020/NĐ-CP

Trích dẫn

 Trường hợp hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế hoặc hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế đã gửi cho người mua mà người mua hoặc người bán phát hiện có sai sót thì xử lý như sau:

a) Trường hợp có sai sót về tên, địa chỉ của người mua nhưng không sai mã số thuế, các nội dung khác không sai sót thì người bán thông báo cho người mua về việc hóa đơn có sai sót và không phải lập lại hóa đơn. Người bán thực hiện thông báo với cơ quan thuế về hóa đơn điện tử có sai sót theo Mẫu số 04/SS-HĐĐT Phụ lục IA ban hành kèm theo Nghị định này, trừ trường hợp hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế có sai sót nêu trên chưa gửi dữ liệu hóa đơn cho cơ quan thuế.

b) Trường hợp có sai: mã số thuế; sai sót về số tiền ghi trên hóa đơn, sai về thuế suất, tiền thuế hoặc hàng hóa ghi trên hóa đơn không đúng quy cách, chất lượng thì có thể lựa chọn một trong hai cách sử dụng hóa đơn điện tử như sau:

b1) Người bán lập hóa đơn điện tử điều chỉnh hóa đơn đã lập có sai sót. Trường hợp người bán và người mua có thỏa thuận về việc lập văn bản thỏa thuận trước khi lập hóa đơn điều chỉnh cho hóa đơn đã lập có sai sót thì người bán và người mua lập văn bản thỏa thuận ghi rõ sai sót, sau đó người bán lập hóa đơn điện tử điều chỉnh hóa đơn đã lập có sai sót.

Hóa đơn điện tử điều chỉnh hóa đơn điện tử đã lập có sai sót phải có dòng chữ “Điều chỉnh cho hóa đơn Mẫu số… ký hiệu… số… ngày… tháng… năm”.

b2) Người bán lập hóa đơn điện tử mới thay thế cho hóa đơn điện tử có sai sót trừ trường hợp người bán và người mua có thỏa thuận về việc lập văn bản thỏa thuận trước khi lập hóa đơn thay thế cho hóa đơn đã lập có sai sót thì người bán và người mua lập văn bản thỏa thuận ghi rõ sai sót, sau đó người bán lập hóa đơn điện tử thay thế hóa đơn đã lập có sai sót.

Hóa đơn điện tử mới thay thế hóa đơn điện tử đã lập có sai sót phải có dòng chữ “Thay thế cho hóa đơn Mẫu số… ký hiệu… số… ngày… tháng… năm”.

Người bán ký số trên hóa đơn điện tử mới điều chỉnh hoặc thay thế cho hóa đơn điện tử đã lập có sai sót sau đó người bán gửi cho người mua (đối với trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế) hoặc gửi cơ quan thuế để cơ quan thuế cấp mã cho hóa đơn điện tử mới để gửi cho người mua (đối với trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế).

c) Đối với ngành hàng không thì hóa đơn đổi, hoàn chứng từ vận chuyển hàng không được coi là hóa đơn điều chỉnh mà không cần có thông tin “Điều chỉnh tăng/giảm cho hóa đơn Mẫu số… ký hiệu… ngày… tháng… năm”. Doanh nghiệp vận chuyển hàng không được phép xuất hóa đơn của mình cho các trường hợp hoàn, đổi chứng từ vận chuyển do đại lý xuất.

[collapse]

Giải đáp một số vướng mắc

Xem tại https://manaboxvietnam.com/giai-dap-vuong-mac-hoa-don-dien-tu-tu-may-tinh-tien/

Biên soạn: Nguyễn Thị Thủy Tiên

Bản tin này chỉ mang tính chất tham khảo, không phải ý kiến tư vấn cụ thể cho bất kì trường hợp nào.

Đăng kí để nhận bản tin từ Gonnapass

Liên hệ tư vấn dịch vụ Kế toán – Thuế – Đào tạo: Ms Huyền – 094 719 2091
Mọi thông tin xin liên hệ:
Công ty TNHH Gonnapass
Phòng 701, tầng 7, toà nhà 3D Center, số 3 Duy Tân, P Dịch Vọng Hậu, Q Cầu Giấy, TP Hà Nội
Email: hotro@gonnapass.com
Website: https://gonnapass.com
Hotline/ Zalo : 0888 942 040
avatar
admin

Nếu bạn thích bài viết, hãy thả tim và đăng ký nhận bản tin của chúng tôi

Ý kiến bình luận

You cannot copy content of this page