Câu hỏi: Điều kiện để công ty thuộc diện được hoàn thuế GTGT trước, kiểm tra sau là gì
Trả lời:
Sau khi nhận hồ sơ hoàn thuế GTGT của doanh nghiệp, Cơ quan thuế tổ chức tiếp nhận, phân loại hồ sơ hoàn thuế về hai trường hợp: 1)hoàn thuế trước kiểm tra sau và 2)kiểm tra trước hoàn thuế sau.
Để hồ sơ hoàn thuế GTGT được xét duyệt hoàn trước kiểm tra sau, doanh nghiệp cần đảm bảo mình nằm ngoài các trường hợp sau:
a) Hồ sơ của người nộp thuế đề nghị hoàn thuế lần đầu.
Khi doanh nghiệp gửi hồ sơ hoàn thuế GTGT lần đầu tiên, hồ sơ sẽ được phân loại kiểm tra trước hoàn sau. Như vậy, một lưu ý cho doanh nghiệp triển khai hoàn thuế từ GTGT là ngay khi hội đủ điều kiện về hoàn thuế GTGT ( VD: Số dư thuế GTGT đầu vào của các hóa đơn đã thanh toán trên 300 triệu) nên tổ chức đề nghị hoàn thuế ngay để tạo điều kiện cho những lần hoàn thuế tiếp theo.
b) Hồ sơ của người nộp thuế đề nghị hoàn thuế trong thời hạn 02 năm kể từ thời điểm bị xử lý về hành vi trốn thuế;
Doanh nghiệp có hành vi vi phạm về Pháp luật thuế chắc chắn sẽ bị áp dụng các biện pháp chặt chẽ hơn. Do vậy, doanh nghiệp cần nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật nói chung và pháp luật về thuế nói riêng
Một lưu ý rằng, sau khi bị xử phạt, nếu hồ sơ hoàn thuế đầu tiên được kiểm tra và chấp nhận hoàn thuế, thì những lần hoàn thuế sau của doanh nghiệp, mặc dù vẫn nằm trong hạn 2 năm cũng được coi là không thuộc trường hợp quy định tại điểm này.
c) Hồ sơ hoàn thuế khi giao và chuyển giao (đối với doanh nghiệp nhà nước), giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động, bán đối với tổ chức, doanh nghiệp;
d) Hồ sơ hoàn thuế thuộc loại rủi ro về thuế cao theo phân loại quản lý rủi ro trong quản lý thuế;
Về phân loại quản lý rủi ro trong quản lý thuế, doanh nghiệp tìm hiểu trong thông tư 31/2021/TT-BTC quy định về áp dụng rủi ro trong quản lý thuế. Đặc biệt, doanh nghiệp nghiên cứu phụ lục số 01 và 02 của Thông tư để hiểu cách đánh giá rủi ro của Cơ quan thuế, từ đó xây dựng các chính sách giảm rủi ro trên quan điểm của Cơ quan thuế.
đ) Hồ sơ hoàn thuế thuộc trường hợp hoàn thuế trước nhưng hết thời hạn theo thông báo bằng văn bản của cơ quan thuế mà người nộp thuế không giải trình, bổ sung hồ sơ hoàn thuế hoặc có giải trình, bổ sung hồ sơ hoàn thuế nhưng không chứng minh được số tiền thuế đã khai là đúng;
Tại điểm này, doanh nghiệp cần lưu ý rằng sau khi hồ sơ doanh nghiệp được phân loại là hoàn trước, kiểm tra sau vẫn có khả năng hồ sơ bị chuyển sang kiểm trả trước hoàn sau. Khi Cơ quan thuế tiến hành kiểm tra trên hệ thống kê khai phát hiện các bất thường sẽ yêu cầu doanh nghiệp giải trình. Doanh nghiệp cần nhanh chóng giải trình hồ sơ với cơ quan thuế để tránh việc chuyển nhóm phân loại của hồ sơ hoàn thuế. Một biện pháp của doanh nghiệp thường thực hiện để giảm thiểu rủi ro này đó là tổ chức đối chiếu thường xuyên với cơ quan thuế, trao đổi với cán bộ thuế về tình hình thực hiện các nghĩa vụ về kê khai, nộp thuế để phát hiện các chênh lệch trước khi tổ chức hoàn thuế.
e) Hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu không thực hiện thanh toán qua ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác theo quy định của pháp luật.
Căn cứ pháp lý:
Điều 33, Thông tư 80/2021/TT-BTC
“Điều 33. Phân loại hồ sơ hoàn thuế
1. Hồ sơ thuộc diện kiểm tra trước hoàn thuế là hồ sơ thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Hồ sơ của người nộp thuế đề nghị hoàn thuế lần đầu của từng trường hợp hoàn thuế theo quy định của pháp luật về thuế. Trường hợp người nộp thuế có hồ sơ hoàn thuế gửi cơ quan quản lý thuế lần đầu nhưng không thuộc diện được hoàn thuế theo quy định thì lần đề nghị hoàn thuế kế tiếp vẫn xác định là đề nghị hoàn thuế lần đầu. Các trường hợp cụ thể như sau:
a.1) Trường hợp hoàn theo quy định pháp luật thuế giá trị gia tăng bao gồm:
a.1.1) Hoàn thuế giá trị gia tăng của hàng hóa, dịch vụ mua vào phục vụ dự án đầu tư;
a.1.2) Hoàn thuế giá trị gia tăng của hàng hóa, dịch vụ mua vào phục vụ sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu;
a.1.3) Hoàn thuế giá trị gia tăng đối với chương trình, dự án ODA viện trợ không hoàn lại;
a.1.4) Hoàn thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa, dịch vụ mua trong nước bằng nguồn vốn viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức của các cơ quan, tổ chức nước ngoài.
a.2) Hoàn thuế lần đầu theo quy định của pháp luật thuế tiêu thụ đặc biệt.
a.3) Hoàn thuế lần đầu đối với từng hợp đồng hoặc thỏa thuận ký kết với các tổ chức, cá nhân tại Việt Nam theo quy định của Hiệp định tránh đánh thuế hai lần và Điều ước quốc tế khác mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
b) Hồ sơ của người nộp thuế đề nghị hoàn thuế trong thời hạn 02 năm kể từ thời điểm bị xử lý về hành vi trốn thuế;
Trường hợp người nộp thuế có nhiều lần đề nghị hoàn thuế trong thời hạn 02 năm, nếu trong lần đề nghị hoàn thuế đầu tiên tính từ sau thời điểm bị xử lý về hành vi trốn thuế, cơ quan thuế kiểm tra hồ sơ hoàn thuế của người nộp thuế không có hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn quy định tại Điều 142 Luật Quản lý thuế, hoặc hành vi trốn thuế quy định tại Điều 143 Luật Quản lý thuế thì những lần đề nghị hoàn thuế tiếp theo, hồ sơ hoàn thuế của người nộp thuế không thuộc diện kiểm tra trước hoàn thuế. Trường hợp phát hiện những lần đề nghị hoàn thuế tiếp theo, người nộp thuế có hành vi khai sai đối với hồ sơ hoàn thuế, hành vi trốn thuế quy định tại Điều 142, Điều 143 Luật Quản lý thuế thì hồ sơ đề nghị hoàn thuế vẫn thuộc diện kiểm tra trước hoàn thuế theo đúng thời hạn 02 năm, kể từ thời điểm bị xử lý về hành vi trốn thuế.
c) Hồ sơ hoàn thuế khi giao và chuyển giao (đối với doanh nghiệp nhà nước), giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động, bán đối với tổ chức, doanh nghiệp;
Trường hợp người nộp thuế theo quy định tại điểm này thuộc diện kiểm tra quyết toán thuế để chấm dứt hoạt động, đã xác định số thuế đủ điều kiện được hoàn thì cơ quan thuế giải quyết hoàn trả trên cơ sở kết quả kiểm tra, không phân loại hồ sơ thuộc diện kiểm tra trước hoàn thuế.
d) Hồ sơ hoàn thuế thuộc loại rủi ro về thuế cao theo phân loại quản lý rủi ro trong quản lý thuế;
đ) Hồ sơ hoàn thuế thuộc trường hợp hoàn thuế trước nhưng hết thời hạn theo thông báo bằng văn bản của cơ quan thuế mà người nộp thuế không giải trình, bổ sung hồ sơ hoàn thuế hoặc có giải trình, bổ sung hồ sơ hoàn thuế nhưng không chứng minh được số tiền thuế đã khai là đúng;
e) Hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu không thực hiện thanh toán qua ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác theo quy định của pháp luật.
2. Hồ sơ thuộc diện hoàn thuế trước là hồ sơ của người nộp thuế không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này.”
Biên soạn: Nguyễn Trần Long – Tư vấn viên
Bản tin này chỉ mang tính chất tham khảo, không phải ý kiến tư vấn cụ thể cho bất kì trường hợp nào.
Đăng kí để nhận bản tin từ Gonnapass