Giải đáp vướng mắc thuế Cục thuế tỉnh Thái Bình – Ngày 12/04/2014

324

Cục thuế tỉnh Thái Bình đã hỗ trợ giải đáp vướng mắc thuế ngày 12/04 về rất nhiều điểm mới cần quan tâm của chính sách thuế. Tham khảo bản tin dưới đây

Câu hỏi 1: Công ty tôi hoạt động trong lĩnh vực tư vấn thiết kế xây dựng, hoạt động chính: tư vấn thiết kế, thẩm tra, lập dự toán, giám sát thi công công trình. Tiền lương của người lao động trong công ty được hạch toán vào TK 642 hay TK 154?

Trả lời:

Vấn đề bạn hỏi chúng tôi xin trả lời như sau:

Khoản tiền lương của người lao động trong công ty trong được cấu thành từ 02 bộ phận:

+ Bộ phận trực tiếp sản xuất: gồm tiền lương của người lao động trực tiếp làm công việc tư vấn, thiết kế…

Tiền lương của bộ phận này được hạch toán vào TK 154 – CP SXKD dở dang

+ Bộ phận gián tiếp: gồm tiền lương của bộ phận quản lý và bộ phận khác không trực tiếp sản xuất.

Tiền lương của bộ phận này được hạch toán vào TK 642- CP quản lý DN

Đề nghị đơn vị bạn kiểm tra số lượng cán bộ, công nhân viên của doanh nghiệp hoạt động trong từng bộ phận để hạch toán cho phù hợp với quy định của pháp luật về kế toán.

 

Câu hỏi 2: Công ty tôi thành lập năm 2010, có mua một số máy tính trị giá trên 10 triệu đồng/chiếc, đơn vị đã hạch toán vào TSCĐ. Theo Thông tư số 45/2013/NĐ-CP, những TSCĐ có giá trị từ 30 triệu đồng lên mới được ghi nhận là TSCĐ. Vậy phần giá trị còn lại của những TSCĐ đó có được khấu hao tiếp hay chuyển sang phân bổ vào chi phí?

Trả lời:

Vấn đề bạn hỏi chúng tôi xin trả lời như sau:

Khoản 11, Điều 9 Thông tư số 45/2013/TT-BTC ngày 25/04/2013 của Bộ Tài chính quy định nguyên tắc trích khấu hao TSCĐ như sau:

“Đối với các tài sản cố định doanh nghiệp đang theo dõi, quản lý và trích khấu hao theo Thông tư số 203/2009/TT-BTC nay không đủ tiêu chuẩn về nguyên giá tài sản cố định theo quy định tại Điều 3 của Thông tư này thì giá trị còn lại của các tài sản này được phân bổ vào chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, thời gian phân bổ không quá 3 năm kể từ ngày có hiệu lực thi hành của Thông tư này.”

Căn cứ quy định trên và nội dung trình bày tại câu hỏi, trường hợp những tài sản cố định mà đơn vị đang theo dõi, quản lý và trích khấu hao theo Thông tư số 203/2009/TT-BTC nay không đủ tiêu chuẩn để ghi nhận là TSCĐ theo quy định tại Thông tư số 45/2013/TT-BTC thì phần giá trị còn lại của các tài sản này được phân bổ vào chi phí sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, thời gian phân bổ không quá 03 năm kể từ ngày Thông tư số 45/2013/TT-BTC có hiệu lực thi hành (ngày 10/06/2013).

 

Câu hỏi 3: Đơn vị tôi trong năm có thanh lý TSCĐ. Toàn bộ phế liệu của TSCĐ thu được đã nhập kho để tiếp tục sử dụng cho hoạt động SXKD. Vậy phần phế liệu này có phải tính, nộp thuế GTGT không?

Trả lời:

Vấn đề bạn hỏi chúng tôi xin trả lời như sau:

Khoản 4, Điều 7, Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính quy định giá tính thuế đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng nội bộ như sau:

“…Hàng hoá luân chuyển nội bộ như xuất hàng hoá để chuyển kho nội bộ, xuất vật tư, bán thành phẩm để tiếp tục quá trình sản xuất trong một cơ sở sản xuất, kinh doanh không phải tính, nộp thuế GTGT...”

Căn cứ quy định trên, phế liệu của TSCĐ thu được để tiếp tục sử dụng cho hoạt động SXKD của đơn vị bạn thì không phải tính, nộp thuế GTGT.

 

Câu hỏi 4: Công ty tôi là doanh nghiệp SXKD cây xanh nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ. Đơn vị mua cây xanh của người dân rồi bán luôn cho các công trình xây dựng hoặc đem về cắt tỉa thành cây cảnh để bán. Vậy hai loại cây xanh (chưa cắt tỉa hoặc đã được cắt tỉa) có thuộc đối tượng chịu thuế GTGT không?

Trả lời:

Vấn đề bạn hỏi chúng tôi xin trả lời như sau:

Khoản 5, Điều 5 Thông tư 219/2013/TT-BTC của Bộ tài chính quy định các trường hợp không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT như sau:

Doanh nghiệp, HTX  nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ bán sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản, hải sản chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường cho doanh nghiệp, hợp tác xã ở khâu kinh doanh thương mại không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT. Trên hoá đơn GTGT, ghi dòng giá bán là giá không có thuế GTGT, dòng thuế suất và thuế GTGT không ghi, gạch bỏ.

Trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ bán sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường cho các đối tượng khác như hộ, cá nhân kinh doanh và các tổ chức, cá nhân khác thì phải kê khai, tính nộp thuế GTGT theo mức thuế suất 5% hướng dẫn tại khoản 5 Điều 10 Thông tư này.

Căn cứ quy định trên và nội dung trình bày tại câu hỏi, hai loại cây xanh (cắt tỉa hoặc chưa cắt tỉa) là sản phẩm trổng trọt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường:

– Trường hợp đơn vị bạn bán sản phẩm cây xanh cho doanh nghiệp, HTX ở khâu kinh doanh thương mại thì không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT. Trên hóa đơn GTGT, ghi dòng giá bán là giá không có thuế GTGT, dòng thuế suất và thuế GTGT không ghi, gạch bỏ.

– Trường hợp đơn vị bạn bán sản phẩm cây xanh cho các đối tượng khác như hộ, cá nhân kinh doanh và các tổ chức, cá nhân khác thì phải kê khai, tính nộp thuế GTGT theo mức thuế suất 5%.

 

Câu hỏi 5: Đơn vị tôi là doanh nghiệp vận tải có thuê xe của cá nhân để sử dụng cần có những giấy tờ gì để khoản tiền thuê xe được hạch toán vào chi phí hợp lý?

Trả lời:

Vấn đề bạn hỏi chúng tôi xin trả lời như sau:

Khoản 1, Điều 6 Thông tư số 123/2012/TT-BTC ngày 27/07/2012 của Bộ Tài  chính quy định doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:

a) Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp;

  1. b) Khoản chi có đủ hoá đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.

Khoản 1, Điều 12, Thông tư số 64/2013/TT-BTC ngày 15/5/2013 của Bộ Tài chính quy định về cấp hóa đơn do Cục Thuế đặt in như sau:

Cơ quan thuế cấp hoá đơn cho các tổ chức không phải là doanh nghiệp, hộ và cá nhân không kinh doanh nhưng có phát sinh hoạt động bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ cần có hóa đơn để giao cho khách hàng.

Căn cứ quy định trên, trường hợp đơn vị bạn thuê xe của cá nhân không kinh doanh cần có chứng từ để hạch toán vào chi phí hợp lý thì đơn vị bạn yêu cầu cá nhân đó đến cơ quan thuế nơi cá nhân đăng ký hộ khẩu để được cấp hóa đơn lẻ.

 

Câu hỏi 6: Công ty tôi là đơn vị SXKD mặt hàng lương thực. Tháng 01/2014, chúng tôi đã xuất 03 số hóa đơn bán sắn cho một công ty chế biến thức ăn chăn nuôi với thuế suất 5%. Theo quy định Thông tư 219/2013/TT-BTC thì mặt hàng này công ty tôi không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT. Xin hướng dẫn chúng tôi cách viết hóa đơn điều chỉnh, cách kê khai hóa đơn điều chỉnh. Trong tháng 03/2014, chúng tôi có thể gộp 3 số hóa đơn đã viết để điều chỉnh trên 01 hóa đơn có được không?

Trả lời:

Vấn đề bạn hỏi chúng tôi xin trả lời như sau:

Khoản 5, Điều 5 Thông tư 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính quy định các trường hợp không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT như sau:

“…Trường hợp sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường bán cho doanh nghiệp, hợp tác xã đã lập hoá đơn, kê khai, tính thuế GTGT thì người bán và người mua phải điều chỉnh hoá đơn để không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT theo hướng dẫn tại khoản này.

Khoản 3, Điều 18, Thông tư 64/2013/TT-BTC ngày 15/05/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn xử lý đối với hóa đơn đã lập như sau:

“Trường hợp hóa đơn đã lập và giao cho người mua, đã giao hàng hóa, cung ứng dịch vụ, người bán và người mua đã kê khai thuế, sau đó phát hiện sai sót thì người bán và người mua phải lập biên bản hoặc có thoả thuận bằng văn bản ghi rõ sai sót, đồng thời người bán lập hóa đơn điều chỉnh sai sót. Hóa đơn ghi rõ điều chỉnh (tăng, giám) số lượng hàng hóa, giá bán, thuế suất thuế giá trị gia tăng…, tiền thuế giá trị gia tăng cho hóa đơn số…, ký hiệu… Căn cứ vào hóa đơn điều chỉnh, người bán và người mua kê khai điều chỉnh doanh số mua, bán, thuế đầu ra, đầu vào. Hóa đơn điều chỉnh không được ghi số âm (-).”

Căn cứ quy định trên và nội dung bạn hỏi, tháng 01/2014 đơn vị bạn đã xuất 03 hóa đơn bán sắn cho một doanh nghiệp với thuế suất 5% thì người bán, người mua  lập biên bản, đồng thời đơn vị bạn lập hóa đơn điều chỉnh thuế suất. Hóa đơn ghi rõ điều chỉnh giảm thuế suất thuế GTGT 5%, tiền thuế GTGT cho hóa đơn số…, ký hiêu… Căn cứ vào hóa đơn điều chỉnh, người bán và người mua kê khai điều chỉnh thuế đầu ra, đầu vào.

Trường hợp trong biên bản được lập ghi rõ điều chỉnh số thuế GTGT của 03 số hóa đơn đã lập cho cùng một doanh nghiệp với thuế suất 5% thì đơn vị bạn được lập 01 hóa đơn để điều chỉnh thuế suất cho cả 03 số hóa đơn đã lập. Hóa đơn điều chỉnh phải ghi rõ số…ngày…tháng…năm của 03 số hóa đơn cần điều chỉnh thuế suất.

 

Câu hỏi 7: Công ty tôi thành lập tháng 12/2013. Tháng 01/2014, đơn vị đã nộp bản Thông báo áp dụng phương pháp tính thuế (Mẫu số 06/GTGT). Vậy đơn vị có được tiếp tục áp dụng tính thuế theo phương pháp khấu trừ không?

Trả lời:

Vấn đề bạn hỏi chúng tôi xin trả lời như sau:

Khoản 7, Điều 11 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 6/11/2013 của Bộ Tài chính quy định việc chuyển đổi áp dụng các phương pháp tính thuế GTGT như sau:

“…Trường hợp người nộp thuế từ 01/01/2014 thuộc đối tượng được tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ theo quy định của pháp luật về thuế giá trị gia tăng thì gửi văn bản thông báo đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp về việc áp dụng phương pháp tính thuế giá trị gia tăng theo mẫu số 06/GTGT ban hành kèm theo Thông tư này…”

Tiết b, Khoản 1, Điều 12 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính quy định phương pháp khấu trừ thuế áp dụng đối với:

Cơ sở kinh doanh đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế, trừ hộ, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp tính trực tiếp hướng dẫn tại Điều 13 Thông tư này

Căn cứ quy định trên, đơn vị bạn thành lập tháng 12/2013. Đơn vị đã lập và gửi văn bản  thông báo đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp về việc áp dụng phương pháp tính thuế giá trị gia tăng theo mẫu số 06/GTGT và đã được cơ quan thuế chấp thuận thì tiếp tục áp dụng phương pháp khấu trừ thuế trong năm 2014.

 

Câu hỏi 8: Công ty tôi có vay tiền của ngân hàng để thanh toán cho người mua. Khi vay tiền ngân hàng sẽ tự động sinh ra một tài khoản tiền vay và chuyển tiền từ người bán sang người mua. Khi trả hết nợ vay, tài khoản này sẽ tự đóng. Vậy đơn vị tôi có phải đăng ký với cơ quan thuế về tài khoản tiền vay này không?

Trả lời:

Vấn đề bạn hỏi chúng tôi xin trả lời như sau:

Điều 9 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 6/11/2013 của Bộ Tài chính quy định việc thay đổi, bổ sung thông tin đăng ký thuế như sau:

“…Người nộp thuế trong quá trình sản xuất kinh doanh, khi có thay đổi, bổ sung số tài khoản tại các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng thì phải thông báo cho cơ quan Thuế trực tiếp quản lý trong thời hạn 10 (mười) ngày kể từ ngày phát sinh sự thay đổi tại Tờ khai điều chỉnh, bổ sung thông tin đăng ký thuế theo mẫu số 08-MST ban hành kèm theo Thông tư này (thay thế Tờ khai điều chỉnh đăng ký thuế mẫu số 08-MST ban hành kèm theo Thông tư số 80/2012/TT-BTC ngày 22/5/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Luật Quản lý thuế về đăng ký thuế).”

Căn cứ quy định trên, khi có sự bổ sung số tài khoản tại các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng thì đơn vị bạn phải thông báo cho cơ quan thuế trực tiếp quản lý trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày phát sinh tài khoản (Theo mẫu số 08-MST ban hành kèm theo Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính).

 

Câu hỏi 9: Công ty tôi là DN cổ phần hóa từ DNNN, nhà nước nắm giữ 51% cổ phần, công ty chưa phát hành cổ phiếu ra công chúng. Vậy công ty tôi có thuộc đối tượng phải nộp báo cáo tài chính đã kiểm toán không? Quy định tại văn bản nào?

Trả lời:

Vấn đề bạn hỏi chúng tôi xin trả lời như sau:

Tiết a, Khoản 3,  Điều 15, Mục 4, Nghị định số 17/2012/NĐ-CP ngày 13/3/2012 của Chính phủ quy định doanh nghiệp, tổ chức phải được doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam kiểm toán, bao gồm:

“Doanh nghiệp nhà nước, trừ doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực thuộc bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật phải được kiểm toán đối với báo cáo tài chính hàng năm

Điều 34 Luật Kế toán cũng quy định:

“1. Báo cáo tài chính năm của đơn vị kế toán mà pháp luật quy định phải kiểm toán thì phải được kiểm toán trước khi nộp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền và trước khi công khai.

  1. Đơn vị kế toán khi được kiểm toán phải tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật về kiểm toán.
  2. Báo cáo tài chính đã được kiểm toán khi nộp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 34 của Luật này phải có báo cáo kiểm toán đính kèm”.

Căn cứ quy định trên, đơn vị bạn thuộc đối tượng phải nộp báo cáo tài chính đã được kiểm toán.

 

Câu hỏi 10: Theo Nghị định 04/2014/NĐ-CP, từ 01/3/2014 bỏ hóa đơn xuất khẩu. Vậy nếu công ty tôi có hàng xuất khẩu thì sử dụng hóa đơn gì? Số hóa đơn xuất khẩu còn lại thì xử lý như thế nào?

Trả lời:

Vấn đề bạn hỏi chúng tôi xin trả lời như sau:

Nghị định số 04/2014/NĐ-CP ngày 17/01/2014 của Chính phủ có hiệu lực từ 01/3/2014 bỏ quy định về hóa đơn xuất khẩu.

Kể từ ngày Nghị định có hiệu lực thi hành (ngày 01/03/2014), khi doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa thì sử dụng hóa đơn giá trị gia tăng (đối với Doanh nghiệp kê khai thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ) hoặc hóa đơn bán hàng (đối với Doanh nghiệp kê khai thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp).

Hiện nay, chưa có văn bản hướng dẫn xử lý đối với các hóa đơn xuất khẩu còn chưa sử dụng. Khi có văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính, Tổng Cục Thuế, cơ quan thuế sẽ thông báo đến người nộp thuế.

 

Câu hỏi 11: Công ty tôi thành lập tháng 02/2014. Ngày 19/3/2014, doanh nghiệp đã đặt in xong hóa đơn GTGT và Thông báo phát hành hóa đơn với cơ quan thuế thì được cơ quan thuế trả lời còn thiếu một số thủ tục. Vậy xin hỏi chúng tôi còn thiếu thủ tục gì để được sử dụng số hóa đơn GTGT đã đặt in?

Trả lời:

Vấn đề bạn hỏi chúng tôi xin trả lời như sau:

Điểm 4, Điều 1 Nghị định số 04/2014/NĐ-CP ngày 17/01/2014 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Khoản 2, Điều 8 Nghị định số 51/2010/NĐ-CP như sau:

“…Trước khi đặt in hóa đơn lần đầu, tổ chức có hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp (trừ đối tượng đủ điều kiện được tạo hóa đơn đặt in) phải gửi đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp văn bản đăng ký sử dụng hóa đơn đặt in. Trong thời hạn 5 ngày làm việc cơ quan thuế quản lý trực tiếp phải có ý kiến về việc đăng ký sử dụng hóa đơn đặt in của doanh nghiệp.…”

Căn cứ quy định trên, doanh nghiệp trước khi đặt in hóa đơn lần đầu phải gửi đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp văn bản đăng ký sử dụng hóa đơn đặt in. Sau khi có ý kiến chấp thuận của cơ quan thuế trực tiếp quản lý về việc đăng ký sử dụng hóa đơn đặt in của doanh nghiệp thì đơn vị được đặt in, thông báo phát hành và sử dụng hóa đơn GTGT.

Bản tin này chỉ mang tính chất tham khảo, không phải ý kiến tư vấn cụ thể cho bất kì trường hợp nào.

Đăng kí để nhận bản tin từ Gonnapass


Liên hệ tư vấn dịch vụ Kế toán – Thuế – Đào tạo: Ms Huyền – 094 719 2091
Mọi thông tin xin liên hệ:
Công ty TNHH Gonnapass
Phòng 701, tầng 7, toà nhà 3D Center, số 3 Duy Tân, P Dịch Vọng Hậu, Q Cầu Giấy, TP Hà Nội
Email: hotro@gonnapass.com
Website: https://gonnapass.com
Hotline/ Zalo : 0888 942 040
avatar
admin

Nếu bạn thích bài viết, hãy thả tim và đăng ký nhận bản tin của chúng tôi

Ý kiến bình luận

You cannot copy content of this page