Pi Network là một dự án tiền mã hóa ra mắt vào ngày 14 tháng 3 năm 2019, cho phép người dùng khai thác đồng Pi trên điện thoại di động mà không tiêu tốn nhiều tài nguyên như các loại tiền mã hóa truyền thống. Bài viết tóm tắt quy định pháp lý về Thu thuế với đồng Pi
Thuế với Đồng Pi
Sau hơn 5 năm phát triển, vào lúc 15h ngày 20 tháng 2 năm 2025 (giờ Việt Nam), Pi Network chính thức chuyển sang giai đoạn Mạng mở (Open Network) và đồng Pi được niêm yết trên một số sàn giao dịch tiền mã hóa như OKX, MEXC và Bitget. Giá mở cửa của đồng Pi dao động từ 1,3 đến 2 USD, và trong những giờ đầu tiên, giá đã biến động mạnh, có lúc đạt mức cao nhất là 1,97 USD.
Tại Việt Nam, về nghĩa vụ thuế, hiện nay pháp luật Việt Nam chưa có quy định cụ thể về việc đánh thuế thu nhập cá nhân đối với hoạt động khai thác (đào) tiền ảo như Pi. Có thể hiểu rằng, vướng mắc thu thuế với hoạt động này xuất phát từ việc
- > Chưa có văn bản pháp lý chính thức đặt khái niệm về cơ sở thu thuế
- (Trước đó công văn số 4356/BTC-TCT của Bộ Tài chính xác định tiền kỹ thuật số là “tài sản” và là “hàng hoá” động sản và hoạt động mua, bán tiền kỹ thuật số là hoạt động mua, bán hàng hóa và được xếp vào loại hình hoạt động kinh doanh thương mại nhưng theo nhận định tại bản án số 22/2017/HC-ST thì văn bản này được ban hành vượt quá thẩm quyền)
- Thông báo số 4486/UBCK-GSĐC đề nghị các công ty đại chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, quỹ đầu tư chứng khoán không được thực hiện các hoạt động phát hành, giao dịch và môi giới giao dịch liên quan tới tiền ảo trái pháp luật, tuân thủ các quy định pháp luật về phòng chống rửa tiền.
- > Ngân hàng Nhà nước Việt Nam không chấp nhận tiền ảo là tiền tệ, phương tiện thanh toán hợp pháp. Việc phát hành, cung ứng và sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp có thể bị xử phạt hành chính từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với cá nhân, và từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với tổ chức.
- Tại công văn số 5747/NHNN-PC, NHNN xác định: “…Căn cứ quy định nêu trên, tiền ảo nói chung và Bitcoin, Litecoin nói riêng không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam. Việc phát hành, cung ứng và sử dụng tiền ảo nói chung và Bitcoin, Litecoin nói riêng (phương tiện thanh toán không hợp pháp) làm tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm…”
Tuy nhiên, các giao dịch và đầu tư vào tài sản ảo vẫn diễn ra phổ biến, Chính phủ đang trong quá trình nghiên cứu và xây dựng khung pháp lý cho tài sản số nhằm tạo cơ sở cho việc quản lý, bảo vệ nhà đầu tư và thu thuế từ các hoạt động liên quan đến tài sản ảo.
Bộ Tài chính từng có công văn số 14756/BTC-UBCK trả lời như sau:
Thực hiện Quyết định số 1255/QĐ-TTg ngày 21/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo và Công văn số 11633/VPCP-KTTH ngày 29/18/2018 của Văn phòng Chính phủ về báo cáo về việc rà soát, đánh giá toàn diện thực trạng pháp luật, thực tiễn về tài sản ảo, tiền ảo, Bộ Tài chính đã thành lập Tổ nghiên cứu về tài sản ảo, tiền ảo theo Quyết định số 664/QĐ-BTC ngày 24/4/2020 nhằm triển khai công tác nghiên cứu, đề xuất các nội dung chính sách, cơ chế quản lý theo chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tài chính có liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo. Qua nghiên cứu, đánh giá, Bộ Tài chính nhận thấy các hoạt động liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo mặc dù có những lợi ích tiềm năng về đổi mới sáng tạo, nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với nhà đầu tư và thị trường tài chính. Trong khi đó, hệ thống ngân hàng và thị trường chứng khoán hiện nay đã và đang phát huy vai trò là kênh dẫn vốn hiệu quả cho nền kinh tế. Việc triển khai hoạt động huy động vốn qua tài sản mã hóa (tài sản ảo, tiền ảo) trong thời điểm hiện tại có nguy cơ làm gia tăng rủi ro, ảnh hưởng đến ổn định thị trường. Ngoài ra, tài sản mã hóa (tài sản ảo, tiền ảo) chưa được pháp luật Việt Nam thừa nhận. Việc huy động vốn qua phát hành tài sản mã hóa và giao dịch tài sản mã hóa là chứng khoán chỉ có thể được xem xét sau khi có các quy định pháp lý.
Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành trong việc nghiên cứu, đề xuất các quy định liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo. Trong đó, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Bộ Tư pháp làm rõ các quy định pháp luật dân sự liên quan đến tài sản ảo, đồng thời phối hợp với Ngân hàng Nhà nước trong việc nghiên cứu, hướng dẫn các vấn đề liên quan đến tiền ảo. Bộ Tài chính cũng sẽ phối hợp với Bộ Công an trong việc xem xét, xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo. Ngoài ra, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục nghiên cứu, đánh giá, tiếp thu kinh nghiệm quốc tế để có thể trình Chính phủ cho phép thí điểm hình thức huy động vốn qua phát hành tài sản mã hóa và sàn giao dịch tài sản mã hóa là chứng khoán tại thời điểm phù hợp, trên cơ sở cân bằng giữa mục tiêu sáng tạo, tăng trưởng kinh tế với mục tiêu đảm bảo an toàn, an ninh cho thị trường tài chính, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư cũng như các thành viên khác tham gia thị trường…
Tuy nhiên, do tiền ảo không được công nhận là tài sản hay phương tiện thanh toán hợp pháp, các giao dịch liên quan đến tiền ảo có thể bị coi là vi phạm pháp luật và không được bảo vệ. Xem bài viết trước đó về thuế với tiền ảo
Chính sách tài chính của một số quốc gia
Chính sách thuế đối với tài sản ảo và tiền ảo hiện đang được các quốc gia trên thế giới áp dụng theo những cách khác nhau, tùy thuộc vào quan điểm và khung pháp lý của từng nước. Nhìn chung, việc đánh thuế tài sản ảo đang trở thành xu hướng chung trên thế giới, nhằm quản lý hiệu quả và đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Các nhà đầu tư và người tham gia giao dịch tài sản ảo nên cập nhật thông tin và tuân thủ các quy định về thuế tại quốc gia mình để tránh các rủi ro pháp lý.
- Hoa Kỳ: Sở Thuế vụ Hoa Kỳ (IRS) coi tiền ảo là tài sản cho mục đích thuế thu nhập liên bang. Do đó, các giao dịch liên quan đến tiền ảo, bao gồm mua bán, trao đổi hoặc nhận dưới dạng thanh toán, đều phải được khai báo và chịu thuế. Lãi hoặc lỗ từ việc bán tiền ảo được tính dựa trên chênh lệch giữa giá bán và giá mua ban đầu. Ngoài ra, việc nhận tiền ảo như một hình thức thanh toán cho dịch vụ hoặc hàng hóa cũng được coi là thu nhập và phải chịu thuế thu nhập thông thường. irs.gov
- Ấn Độ: Chính phủ Ấn Độ đã áp dụng thuế thu nhập ở mức 30% đối với lợi nhuận thu được từ giao dịch tài sản ảo. Ngoài ra, các khoản lỗ từ giao dịch tài sản ảo không được phép khấu trừ vào các khoản thu nhập khác. Việc nhận quà tặng dưới dạng tài sản ảo cũng phải chịu thuế theo quy định.
- Liên minh châu Âu (EU): EU đang tiến hành xây dựng khung pháp lý cho tài sản ảo thông qua Đạo luật Thị trường Tài sản Tiền điện tử (MiCA). Mặc dù các quy định cụ thể về thuế có thể khác nhau giữa các quốc gia thành viên, nhưng nhìn chung, lợi nhuận từ giao dịch tài sản ảo được coi là thu nhập chịu thuế và phải được khai báo. Ví dụ, tại Luxembourg, thu nhập từ tài sản ảo có thể chịu thuế lên đến 24,94%, và chủ sở hữu còn phải đóng thuế tài sản hàng năm dựa trên giá trị thị trường của tài sản ảo.
- Hàn Quốc: Hàn Quốc đã thông qua luật đánh thuế lợi nhuận từ giao dịch tài sản ảo, dự kiến áp dụng từ năm 2025. Theo đó, lợi nhuận từ giao dịch tài sản ảo trên một ngưỡng nhất định sẽ chịu thuế thu nhập với mức thuế suất khoảng 20-25%. Chính phủ Hàn Quốc cũng yêu cầu các sàn giao dịch và cá nhân tham gia giao dịch tài sản ảo phải khai báo thông tin để đảm bảo tuân thủ quy định về thuế.
Biên soạn: Manabox
Bản tin này chỉ mang tính chất tham khảo, không phải ý kiến tư vấn cụ thể cho bất kì trường hợp nào.
Để biết thêm thông tin cụ thể, xin vui lòng liên hệ với các chuyên viên tư vấn.
Đăng kí để nhận bản tin từ Gonnapass