Tiền công đức cũng cần kế toán

1065

Liên quan đến vấn đề quản lý tiền công đức, thông tư số 04/2023/TT-BTC được chính thức ban hành để quy định về quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội, có hiệu lực thi hành từ ngày 19/3/2023.

@tuvanthue Kế toán tiền Chùa? #ketoan #ketoancogivui #learnontiktok #phatphapnhiemmau #phatgiao #chuavietnam #tamchuc #chuatamchuc #giaohoiphatgiaovietnam #botaichinh ♬ nhạc nền – Kế toán

Suốt chiều dài lịch sử Việt Nam, nhiều chùa của Phật giáo không chỉ là nơi sinh hoạt tâm linh mà còn là di tích lịch sử cách mạng được Nhà nước công nhận. Dường như với mỗi người Việt Nam, việc đi chùa đã trở thành một nét đẹp văn hóa từ bao đời nay. Chùa thường được nhắc đến là nơi con người ta nhớ về nguồn cội, tổ tiên, tìm tới sự thanh thản, quên hết đi “Tham, sân, si”.

“Mái chùa che chở hồn dân tộc – Nếp sống muôn đời của tổ tông”

Và một trong những hanh động đẹp thường thấy là đa số người đi chùa đều phát tâm công đức. Câu hỏi đặt ra là “quyền sở hữu, quyền sử dụng” với tiền công đức thuộc về ai? Đây là tài sản của tổ chức hay tài sản công? Chính vì sự “nhạy cảm” của tiền công đức, việc đưa số tiền này vào đối tượng quản lý của Nhà nước đã có nhiều ý kiến khác nhau.

(Ví dụ: Tuyển dụng kế toán cho Chùa!)

Tiền công đức cũng cần kế toán!

So với dự thảo trước đó, thông tư chính thức không còn quy định tiền công đức phải được quản lý thông qua tài khoản mở tại Kho bạc Nhà nước. Các quy định chi tiết về vấn đề quản lý tiền công đức được nêu tại Chương III, từ điều 9 – điều 16 thông tư 04/2023/TT-BTC. Một trong các quy định tại thông tư đưa ra đó là vấn đề theo dõi sổ sách, hạch toán đối với việc thu, chi tiền công đức

Điều 13. Quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích giao cho đơn vị sự nghiệp công lập quản lý, sử dụng

3. Đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện việc lập dự toán, chấp hành dự toán, hạch toán kế toán và quyết toán thu, chi tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội theo quy định của pháp luật có liên quan. Các khoản thu, chi tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội được hạch toán kế toán và quyết toán vào nguồn hoạt động khác được để lại của đơn vị theo quy định của chế độ kế toán hành chính sự nghiệp hiện hành.

Điều 14. Quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích giao cho Ban quản lý di tích kiêm nhiệm quản lý, sử dụng

…3. Ban quản lý di tích kiêm nhiệm phân công cho một đơn vị có đại diện là thành viên Ban quản lý di tích để thực hiện các nhiệm vụ sau:

a) Mở tài khoản, mở sổ sách, mở sổ kế toán để ghi chép đầy đủ, kịp thời việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội vào nguồn hoạt động khác được để lại của đơn vị…”

Bản chính thức thông tư 04/2023/TT-BTC

Bản Word: 2023_04_TT-BTC

Bản PDF: 2023_04_TT-BTC

Điều 9. Tiếp nhận tiền công đức, tài trợ

1. Mở tài khoản tiền gửi tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để phản ánh việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội theo hình thức chuyển khoản, phương thức thanh toán điện tử.

2. Tiếp nhận tiền mặt:

Cử người tiếp nhận, mở sổ ghi chép đầy đủ số tiền đã tiếp nhận. Đối với tiền trong hòm công đức (nếu có), định kỳ hằng ngày hoặc hằng tuần thực hiện kiểm đếm, ghi tổng số tiền tiếp nhận. Đối với các khoản tiền đặt không đúng nơi quy định, không phù hợp với việc thực hiện nếp sống văn minh tại di tích được thu gom để kiểm đếm hoặc bỏ vào hòm công đức để kiểm đếm chung.

Đối với số tiền mặt tạm thời chưa sử dụng thì gửi vào tài khoản mở tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để bảo đảm việc quản lý an toàn, minh bạch các khoản công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội đã tiếp nhận.

3. Tiếp nhận giấy tờ có giá: Mở sổ ghi tên giấy tờ có giá, số tiền ghi trên giấy tờ có giá, tổ chức phát hành. Tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hoặc được giao quản lý, sử dụng di tích chịu trách nhiệm về quản lý và sử dụng giấy tờ có giá, bao gồm thanh toán trước hạn hoặc thanh toán khi đến hạn, tùy theo yêu cầu quản lý và nguyện vọng của tổ chức, cá nhân hiến, tặng cho (nếu có).

4. Tiếp nhận kim khí quý, đá quý: Mở sổ ghi tên kim khí quý, đá quý và giá trị tương ứng theo tài liệu do tổ chức, cá nhân hiến, tặng cho cung cấp. Tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hoặc được giao quản lý, sử dụng di tích chịu trách nhiệm về quản lý và sử dụng kim khí quý, đá quý, bao gồm tổ chức bán đấu giá, bán cho ngân hàng thương mại hoặc đưa vào lưu giữ, trưng bày tại di tích, tùy theo yêu cầu quản lý và nguyện vọng của tổ chức, cá nhân hiến, tặng cho (nếu có).

Điều 10. Quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích đồng thời là cơ sở tôn giáo

1. Người đại diện cơ sở tôn giáo tự quyết định và chịu trách nhiệm về tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích và hoạt động lễ hội, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, pháp luật về di sản văn hóa và pháp luật khác có liên quan.

2. Trường hợp cơ sở tôn giáo nằm trong phạm vi địa bàn di tích được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao cho đơn vị sự nghiệp công lập quản lý, sử dụng thì thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 13 Thông tư này.

Điều 11. Quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích đồng thời là cơ sở tín ngưỡng

Người đại diện cơ sở tín ngưỡng tự quyết định và chịu trách nhiệm về tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích và hoạt động lễ hội, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, pháp luật về di sản văn hóa và pháp luật khác có liên quan.

Điều 12. Quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích thuộc sở hữu tư nhân

Chủ sở hữu di tích tự quyết định và chịu trách nhiệm về tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích và hoạt động lễ hội, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, pháp luật về di sản văn hóa và pháp luật khác có liên quan.

Điều 13. Quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích giao cho đơn vị sự nghiệp công lập quản lý, sử dụng

1. Đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện tiếp nhận tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội theo quy định tại Điều 9 Thông tư này.

2. Số tiền công đức, tài trợ đã tiếp nhận (trừ các khoản công đức, tài trợ có mục đích, địa chỉ cụ thể) được phân bổ và sử dụng như sau:

a) Trích theo tỷ lệ phần trăm (%) để tạo nguồn kinh phí tu bổ, phục hồi đối với các di tích khác trên địa bàn cấp tỉnh (không áp dụng đối với di tích có số thu tiền công đức, tài trợ thấp không đủ chi cho hoạt động lễ hội và chi thường xuyên): Số tiền này chuyển vào tài khoản riêng của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo quy định tại Điều 16 Thông tư này (nếu có);

b) Trích để lại theo tỷ lệ phần trăm (%) để chi hoạt động lễ hội theo quy định tại Điều 5 Thông tư này (áp dụng đối với di tích có hoạt động lễ hội do cơ quan nhà nước tổ chức định kỳ tại di tích). Trường hợp đơn vị không được Ban tổ chức lễ hội giao quản lý, sử dụng kinh phí tổ chức lễ hội thì chuyển số tiền này vào tài khoản của đơn vị được Ban tổ chức lễ hội giao quản lý, sử dụng kinh phí tổ chức lễ hội theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 5 Thông tư này;

c) Trích để lại theo tỷ lệ phần trăm (%) để chi hoạt động thường xuyên của đơn vị theo quy định tại khoản 1 Điều 15 Thông tư này: Đơn vị được tự chủ sử dụng theo quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị và được tổng hợp vào các khoản thu xác định mức tự bảo đảm chi thường xuyên theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 10 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập;

d) Số còn lại, được để lại chi các khoản đặc thù theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Thông tư này. Đến cuối năm, số dư kinh phí (nếu có) được chuyển nguồn sang năm sau để tiếp tục sử dụng cho các nhiệm vụ đặc thù của di tích.

Đơn vị sự nghiệp công lập có trách nhiệm xây dựng Quyết định mới hoặc Quyết định sửa đổi, bổ sung về việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ áp dụng tại di tích, trong đó quy định cụ thể mức trích theo các nội dung quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều này; báo cáo cơ quan quản lý cấp trên xem xét, gửi Sở Tài chính để chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân có liên quan trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành.

3. Đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện việc lập dự toán, chấp hành dự toán, hạch toán kế toán và quyết toán thu, chi tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội theo quy định của pháp luật có liên quan. Các khoản thu, chi tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội được hạch toán kế toán và quyết toán vào nguồn hoạt động khác được để lại của đơn vị theo quy định của chế độ kế toán hành chính sự nghiệp hiện hành.

4. Trường hợp trong phạm vi địa bàn di tích giao cho đơn vị sự nghiệp công lập quản lý, sử dụng có di tích đồng thời là cơ sở tôn giáo, thì việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng tiền công đức, tài trợ đối với di tích đồng thời là cơ sở tôn giáo thực hiện như sau:

a) Người đại diện cơ sở tôn giáo tự quyết định và chịu trách nhiệm về tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích và hoạt động lễ hội, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, pháp luật về di sản văn hóa và pháp luật khác có liên quan.

b) Người đại diện cơ sở tôn giáo có trách nhiệm chi trả cho đơn vị sự nghiệp công lập một phn chi phí sửa chữa, bảo dưỡng, cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới các công trình phụ trợ dùng chung; chi phí bảo đảm an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, phòng chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường và các chi phí quản lý chung khác trên địa bàn di tích giao cho đơn vị sự nghiệp công lập quản lý, sử dụng.

Mức chi trả tính theo tỷ lệ phần trăm (%) trên số thu tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội đã tiếp nhận (trừ các khoản công đức, tài trợ có mục đích, địa chỉ cụ thể) và được quy định theo một điều riêng trong Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về tiếp nhận, quản lý và sử dụng tiền công đức, tài trợ của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định tại khoản 2 Điều này.

Điều 14. Quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích giao cho Ban quản lý di tích kiêm nhiệm quản lý, sử dụng

1. Ban quản lý di tích thực hiện tiếp nhận tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội theo quy định tại Điều 9 Thông tư này.

2. Số tiền công đức, tài trợ đã tiếp nhận (trừ các khoản công đức, tài trợ có mục đích, địa chỉ cụ thể) được phân bổ và sử dụng như sau:

a) Trích theo tỷ lệ phần trăm (%) để tạo nguồn kinh phí tu bổ, phục hồi đối với các di tích khác trên địa bàn cấp tỉnh (không áp dụng đối với di tích có số thu tiền công đức, tài trợ thấp không đủ chi cho hoạt động lễ hội và chi thường xuyên): Số tiền này chuyển vào tài khoản riêng của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo quy định tại Điều 16 Thông tư này (nếu có);

b) Trích để lại theo tỷ lệ phần trăm (%) để chi hoạt động lễ hội theo quy định tại Điều 5 Thông tư này (áp dụng đối với di tích có hoạt động lễ hội do cơ quan nhà nước tổ chức định kỳ tại di tích). Trường hợp Ban quản lý di tích không được Ban tổ chức lễ hội giao quản lý, sử dụng kinh phí tổ chức lễ hội thì chuyển số tiền này vào tài khoản của đơn vị được Ban tổ chức lễ hội giao quản lý, sử dụng kinh phí tổ chức lễ hội theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 5 Thông tư này;

c) Trích để lại theo tỷ lệ phần trăm (%) để chi hoạt động thường xuyên của Ban quản lý di tích theo quy định tại khoản 1 Điều 15 Thông tư này;

d) Số còn lại, được để lại chi các khoản đặc thù theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Thông tư này. Đến cuối năm, số dư kinh phí (nếu có) được chuyển nguồn sang năm sau để tiếp tục sử dụng cho các nhiệm vụ đặc thù của di tích.

Mức trích cụ thể theo các nội dung quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều này thực hiện theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

3. Ban quản lý di tích kiêm nhiệm phân công cho một đơn vị có đại diện là thành viên Ban quản lý di tích để thực hiện các nhiệm vụ sau:

a) Mở tài khoản, mở sổ sách, mở sổ kế toán để ghi chép đầy đủ, kịp thời việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội vào nguồn hoạt động khác được để lại của đơn vị;

b) Hằng năm, thực hiện lập dự toán và báo cáo quyết toán thu, chi tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội theo quy định, trình Trưởng ban Ban quản lý di tích phê duyệt; gửi cơ quan tài chính và cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa cấp trên để phục vụ cho công tác quản lý và giám sát thực hiện.

4. Trường hợp trong phạm vi địa bàn di tích giao cho Ban quản lý di tích kiêm nhiệm quản lý, sử dụng có di tích đồng thời là cơ sở tôn giáo, thì việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng tiền công đức, tài trợ đối với di tích đồng thời là cơ sở tôn giáo thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Thông tư này.

Điều 15. Nội dung chi, mức chi bảo vệ và phát huy giá trị di tích

1. Các khoản chi thường xuyên bao gồm:

a) Chi tiền lương, phụ cấp lương và các khoản đóng góp theo tiền lương cho người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc tại di tích;

b) Chi thù lao cho người được cử trông coi hoặc cử tham gia các hoạt động tại di tích không thuộc đối tượng quy định tại điểm a Khoản này;

c) Chi thanh toán dịch vụ công cộng, vật tư văn phòng, thông tin, liên lạc, hội nghị, công tác phí, chi phí nghiệp vụ chuyên môn, lễ tân, khánh tiết, chi phí thuê mướn; chi mua sắm, sửa chữa tài sản phục vụ công tác chuyên môn;

d) Các khoản chi khác theo quy định của pháp luật.

2. Các khoản chi đặc thù bao gồm:

a) Chi các hoạt động thông tin tuyên truyền, quảng bá về di tích;

b) Chi phí treo, đặt các bảng, biển chỉ dẫn, trang trí, âm thanh, ánh sáng tạo sức hấp dẫn đối với khách tham quan, du lịch, nghiên cứu di tích;

c) Chi công tác bảo đảm an ninh trật tự, y tế, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ, phòng chống thiên tai, dịch bệnh;

d) Chi bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên di tích; chi tu bổ, phục hồi di tích (trường hợp chưa được ngân sách nhà nước đầu tư hoặc đầu tư chưa đủ);

đ) Chi bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên; cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới công trình phụ trợ thuộc di tích gồm nhà làm việc, nhà khách, nhà ăn, nhà bếp, nhà vệ sinh, đường nội bộ, đường điện, cấp thoát nước, bãi đỗ xe, tường rào khuôn viên và công trình tương tự khác phù hợp với quy định của pháp luật;

e) Chi ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ số nhằm hỗ trợ nâng cao trải nghiệm của khách tham quan, du lịch, nghiên cứu di tích;

g) Chi trồng và chăm sóc cây hoa, cây cảnh trong phạm vi địa bàn di tích;

h) Chi phí về chuyển giao quyền tài sản theo quy định của pháp luật dân sự; bán đấu giá tài sản; thuê định giá kim khí quý, đá quý; thuê giám định hiện vật được phép mua bán, trao đổi, tặng cho theo quy định của pháp luật;

i) Chi hương, hoa, lễ vật, đèn nhang;

k) Chi hoạt động từ thiện, nhân đạo;

l) Các khoản chi khác tùy theo thực tế của từng loại di tích và chủ thể là chủ sở hữu hoặc được giao quản lý, sử dụng di tích.

3. Mức chi do người đứng đầu của tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hoặc được giao quản lý, sử dụng di tích quyết định, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế, tiết kiệm, hiệu quả; khuyến khích thực hiện theo chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.

Điều 16. Quản lý, sử dụng kinh phí tu bổ, phục hồi di tích

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì thực hiện các nhiệm vụ sau:

a) Mở tài khoản riêng tại Kho bạc Nhà nước để phản ánh việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng tiền công đức, tài trợ cho việc tu bổ, phục hồi di tích;

b) Xây dựng, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành văn bản quy định về tu bổ, phục hồi di tích trên địa bàn, trong đó quy định cụ thể các nội dung về: thời hạn và phương thức chuyển kinh phí, trách nhiệm chuyển kinh phí của các đơn vị được giao quản lý, sử dụng di tích trên địa bàn cấp tỉnh; công tác lựa chọn danh mục di tích cần phải tu bổ, phục hồi; phân bổ kinh phí, thanh quyết toán kinh phí; công tác kiểm tra, giám sát thực hiện; chế độ báo cáo; phân công trách nhiệm cho các cơ quan, đơn vị và các vấn đề khác có liên quan.

2. Chi phí tiếp nhận và quản lý tiền công đức, tài trợ cho việc tu bổ, phục hồi di tích của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch do ngân sách nhà nước đảm bảo, được bố trí trong dự toán chi thường xuyên hàng năm theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và phân cấp ngân sách nhà nước.

Trước đó đã có dự thảo thông tư với nhiều ký kiến trái chiều

I. Tiền đề của việc ban hành thông tư

Thời gian qua, một số câu chuyện không đẹp về tài chính tại các đền chùa, lễ hội đã xảy ra, dẫn tới yêu cầu đặt ra cần có một cơ chế bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận các khoản dâng cúng, công đức, tài trợ. Mặc dù được công bố lần đầu từ năm 2020, đến nay, dự thảo về Thông tư hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội của Bộ Tài chính vẫn đang trong quá trình lấy ý kiến.

Nếu được thông qua, đây sẽ là văn bản pháp luật đầu tiên về vấn đề quản lý thu, chi tiền công đức tại Việt Nam (Hiện nay, thông tư liên tịch 04/2014 của Bộ Văn hoá, thể thao và du lịch cùng với Bộ Nội vụ chỉ có hướng dẫn chung về việc tài sản được dâng cúng công đức, tài trợ cho các cơ sở tín ngưỡng phải được quản lý, sử dụng đúng mục đích, công khai)

II. Tóm tắt một số quy định về quản lý tiền công đức

Dự thảo trước đó tại: THÔNG TƯ VỀ TÀI CHÍNH LỄ HỘI – DI TÍCH

Chúng ta cũng nhau nhìn lại để nắm được tinh thần của các quy định tại văn bản. Theo nguyên tắc quản lý đề cập tại thông tư, tiền công đức, tài trợ không thuộc sở hữu cá nhân và không phản ánh vào ngân sách nhà nước; được để lại toàn bộ cho cơ quan, đơn vị tổ chức lễ hội, cơ sở quản lý di tích sử dụng cho các hoạt động lễ hội, quản lý và sử dụng di tích theo quy định. Tổ chức, cá nhân quản lý trực tiếp phải mở sổ theo dõi thu, chi; xây dựng và ban hành Quy chế quản lý thu, chi tài chính; có văn bản thỏa thuận rõ về việc phân chia các khoản công đức, tài trợ; mở tài khoản gửi tiền công đức tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại, tuy nhiên, khi sử dụng cho công tác tổ chức lễ hội, di tích và hoạt động phải chuyển về tài khoản của đơn vị mở tại KBNN để quản lý việc chi tiêu và quyết toán, cung cấp thông tin theo yêu cầu của các cơ quan chức năng.

Tổng hợp một số ý kiến phản biện

Có thể thấy dự thảo thông tư này là một trong các bản dự thảo được nhiều ký kiến phản biện nhất từ trước đến nay trên website của Bộ Tài chính:

(https://www.mof.gov.vn/webcenter/portal/btc/r/cd/dtvb/ctdtvb?id=15957&_afrLoop=1220160493590673#%40%3F_afrLoop%3D1220160493590673%26centerWidth%3D0%2525%26id%3D15957%26leftWidth%3D100%2525%26rightWidth%3D0%2525%26showFooter%3Dfalse%26showHeader%3Dfalse%26_adf.ctrl-state%3Dkkonohkh2_37)

Tháng 6 năm 2021, giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có công văn 157/HĐTS-VP1 góp ý về thông tư trên, chúng tôi xin phép được trích dẫn một số nội dung

1, Thuật ngữ “tiền công đức” chưa được định nghĩa, giải thích nội hàm trong Dự thảo Thông tư, không bảo đảm tính chính xác, phổ thông, rõ ràng và dễ hiểu của ngôn ngữ văn bản pháp luật.

2, Sự không bảo đảm sự bình đẳng giữa các tôn giáo trước pháp luật vì dự thảo chỉ quản lý thu chi đối với “tiền công đức” (thường gặp ở Phật giáo) mà không điều chỉnh tiền cùng bản chất pháp lý của các tôn giáo khác như “tiền lễ”, “tiền khấn”, “tiền dâng”…

3, Không bảo đảm quyền sở hữu riêng với “tiền công đức” của Giáo hội Phật giáo Việt Nam theo quy định của Hiến pháp và Luật Tín ngưỡng, tôn giáo cũng như thế tục hóa tính thiêng của “tiền công đức” và không tôn trọng ý chí của người thực hiện hành vi công đức, cúng dường.

Cũng theo công văn, nếu Dự thảo Thông tư tiếp tục quy định mập mờ về quản lý thu chi “tiền công đức” thì Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ có thể sử dụng thuật ngữ “tiền cúng dường Tam Bảo” để tự bảo vệ quyền sở hữu hợp pháp của Giáo hội.

Tóm lại các khoản công đức cần phải được quản lý một cách minh bạch, rõ ràng. Tuy nhiên, dự thảo cần lấy ý kiến thật kỹ càng với sự khảo sát và thống nhất ý kiến của nhiều tổ chức, cá nhân liên quan bởi đây là vấn đề nhạy cảm

Biên soạn: Nguyễn Việt Anh – Manager

Bản tin này chỉ mang tính chất tham khảo, không phải ý kiến tư vấn cụ thể cho bất kì trường hợp nào.

Để biết thêm thông tin cụ thể, xin vui lòng liên hệ với các chuyên viên tư vấn.

Đăng kí để nhận bản tin từ Gonnapass


Mọi thông tin xin liên hệ:

Công ty TNHH Gonnapass

Phòng 701, tầng 7, Tòa nhà 3D Center, số 3 Duy Tân, Phường Dịch Vọng Hậu, Quận Cầu Giấy, Hà Nội

Email: hotro@gonnapass.com

Facebook: https://www.facebook.com/gonnapass.com/

Website: https://gonnapass.com

Hotline: 0888 942 040

avatar
admin

Nếu bạn thích bài viết, hãy thả tim và đăng ký nhận bản tin của chúng tôi

Ý kiến bình luận

You cannot copy content of this page