Điều kiện khấu trừ thuế GTGT

2452

Điều kiện khấu trừ thuế GTGT đầu vào được quy định tại các văn bản pháp lý hiện nay: Luật, nghị định, Thông tư như thế nào? Theo Luật thuế GTGT thì quy định như sau

Thảo luận Topic này tại: https://www.facebook.com/share/p/rHFiqUcbt9H884Le/

Sai sót thường gặp khi khấu trừ thuế đầu vào

Chia nhỏ hóa đơn để thanh toán tiền mặt có được không?

Tại khoản 5, Điều 15, Thông tư số 219/2013/TT-BTC được sửa đổi bởi khoản 10, Điều 1, Thông tư số 26/2015/TT-BTC quy định về điều kiện khấu trừ thuế GTGT đầu vào, mặc dù quy định của Luật rất rõ ràng nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn mắc lỗi trong chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt. Đặc biệt, trường hợp mua hàng hóa, dịch vụ của một nhà cung cấp có giá trị dưới hai mươi triệu đồng nhưng mua nhiều lần trong cùng một ngày có tổng giá trị từ hai mươi triệu đồng trở lên thì chỉ được khấu trừ thuế đối với trường hợp có chứng từ thanh toán qua ngân hàng.

Như vậy, khi mua hàng hóa, dịch vụ của một nhà cung cấp nhưng chia nhỏ hóa đơn để thanh toán tiền mặt nhiều lần trong cùng một ngày có tổng giá trị từ hai mươi triệu đồng trở lên thì chỉ được khấu trừ thuế đối với trường hợp có chứng từ thanh toán qua ngân hàng.

Khấu trừ thuế GTGT đối với hàng hóa, dịch vụ chịu thuế và không chịu thuế như thế nào?

Theo quy định: Thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ (kể cả tài sản cố định) sử dụng đồng thời cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế và không chịu thuế GTGT thì chỉ được khấu trừ số thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ dùng cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT.

– Trường hợp tách riêng tiền thuế GTGT đầu vào chịu thuế và không chịu thuế:

+ Nếu dùng cho hoạt động chịu thuế GTGT: được khấu trừ toàn bộ số thuế GTGT đầu vào;

+Nếu dùng cho hoạt động không chịu thuế GTGT: không được khấu trừ phần tiền thuế GTGT.

-Trường hợp không thể tách riêng tiền thuế GTGT đầu vào chịu thuế và không chịu thuế thì phân bổ tiền thuế này theo tỷ lệ (%) giữa doanh thu của hoạt động chịu thuế và doanh thu của hoạt động không chịu thuế GTGT.

(Khoản 2 Điều 14, Thông tư 219/2013/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Khoản 9, điều 1 Thông tư số 26/2015/TT-BTC )

Khấu trừ hóa đơn GTGT đầu vào đã bị điều chỉnh hoặc thay thế

Trong quá trình mua bán, trao đổi hàng hóa, dịch vụ, việc xuất hóa đơn sai sót là điều không thể tránh khỏi. Xuất hóa đơn thay thế hoặc điều chỉnh là giải pháp hữu hiệu và được quy định tại Điều 19 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP của Chính phủ  để khắc phục sai sót, đảm bảo tính chính xác của hồ sơ khai thuế cũng như hồ sơ kế toán. Thế nhưng, có rất nhiều trường hợp bên bán tự ý xuất hóa đơn điều chỉnh hoặc thay thế mà không thông báo và giao cho bên mua, bên mua chỉ phát hiện khi tra cứu trên trang hoadondienthu.gdt.gov.vn hoặc qua công tác thanh tra kiểm tra của cơ quan thuế. Điều này khiến bên mua gặp không ít rắc rối. Do đó trường hợp xuất hóa đơn điều chỉnh hoặc thay thế thì người bán phải thông báo hoặc có biên bản thỏa thuận và giao hóa đơn điều chỉnh, thay thế cho người mua theo đúng quy định.

Người nộp thuế cần chú ý một số trường hợp hủy hóa đơn điện tử đã phát hành như sau:

  • – Người bán phát hiện hóa đơn điện tử đã được cấp mã của cơ quan thuế chưa gửi cho người mua có sai sót.
  • -Người bán lập hóa đơn khi thu tiền trước hoặc trong khi cung cấp dịch vụ theo quy định tại Khoản 2 Điều 9 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP sau đó có phát sinh việc hủy hoặc chấm dứt việc cung cấp dịch vụ .

Như vậy, hóa đơn đã giao cho bên mua và bên mua đã kê khai nhưng nếu bên bán hủy hóa đơn mà không xuất hóa đơn điều chỉnh hoặc hóa đơn thay thế thì hóa đơn bị hủy này được xem là hóa đơn bất hợp pháp và người mua sẽ không được kê khai khấu trừ thuế GTGT và hạch toán vào chi phí hợp lý khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.

Lưu ý, bên mua khi nhận được hóa đơn điều chỉnh, hóa đơn thay thế phải thực hiện điều chỉnh hồ sơ đã kê khai thuế đối với hóa đơn “bị điều chỉnh”, “bị thay thế”.

Kê khai khấu trừ thuế GTGT hóa đơn của các khoản chi không phục vụ sản xuất kinh doanh

Nói đến chi phí sản xuất kinh doanh là chúng ta nghĩ đến chi phí được trừ và chi phí không được trừ. Việc xác định sai chi phí được trừ dẫn đến sai số thuế GTGT được khấu trừ liên quan. Để doanh nghiệp xác định đúng số thuế GTGT được khấu trừ, cũng như xác định đúng những khoản chi thực tế liên quan đến sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp cần chú ý điều kiện được xem là chi phí hợp lý, hợp lệ. Từ đó, có cái nhìn cụ thể hơn trong việc xác định kê khai thuế GTGT đầu vào được khấu trừ.

Như vậy, các hóa đơn GTGT đầu vào không phục vụ sản xuất kinh doanh thì không được xác định chi phí được trừ khi tính thuế TNDN và  không được kê khai khấu trừ thuế GTGT đầu vào tương ứng.

Điều kiện Khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào

Điều 12. Khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào

1. Cơ sở kinh doanh nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ thuế được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào như sau:

a) Thuế giá trị gia tăng đầu vào của hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng được khấu trừ toàn bộ, kể cả thuế giá trị gia tăng đầu vào không được bồi thường của hàng hóa, dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng bị tổn thất;

b) Thuế giá trị gia tăng đầu vào của hàng hóa, dịch vụ sử dụng đồng thời cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế và không chịu thuế thì chỉ được khấu trừ số thuế giá trị gia tăng đầu vào của hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng. Cơ sở kinh doanh phải hạch toán riêng thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ và không được khấu trừ; trường hợp không hạch toán riêng được thì thuế đầu vào được khấu trừ tính theo tỷ lệ % giữa doanh thu của hàng hóa, dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng so với tổng doanh thu hàng hóa, dịch vụ bán ra;

c) Thuế giá trị gia tăng đầu vào của hàng hóa, dịch vụ bán cho tổ chức, cá nhân sử dụng nguồn vốn viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại được khấu trừ toàn bộ;

d) Thuế giá trị gia tăng đầu vào của hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho hoạt động tìm kiếm, thăm dò, phát triển mỏ dầu, khí được khấu trừ toàn bộ;

đ) Thuế giá trị gia tăng đầu vào phát sinh trong tháng nào được kê khai, khấu trừ khi xác định số thuế phải nộp của tháng đó. Trường hợp cơ sở kinh doanh phát hiện số thuế giá trị gia tăng đầu vào khi kê khai, khấu trừ bị sai sót thì được kê khai, khấu trừ bổ sung trước khi cơ quan thuế công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế tại trụ sở người nộp thuế.

2. Điều kiện khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào được quy định như sau:

a) Có hóa đơn giá trị gia tăng mua hàng hóa, dịch vụ hoặc chứng từ nộp thuế giá trị gia tăng ở khâu nhập khẩu;

b) Có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt đối với hàng hóa, dịch vụ mua vào, trừ hàng hóa, dịch vụ mua từng lần có giá trị dưới hai mươi triệu đồng;

c) Đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, ngoài các điều kiện quy định tại điểm a và điểm b khoản này còn phải có: hợp đồng ký kết với bên nước ngoài về việc bán, gia công hàng hóa, cung ứng dịch vụ; hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ; chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt; tờ khai hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu.

Việc thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu dưới hình thức thanh toán bù trừ giữa hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu với hàng hóa, dịch vụ nhập khẩu, trả nợ thay Nhà nước được coi là thanh toán không dùng tiền mặt.

Biên soạn:  Nguyễn Việt Anh – Tư vấn viên

Bản tin này chỉ mang tính chất tham khảo, không phải ý kiến tư vấn cụ thể cho bất kì trường hợp nào.

Đăng kí để nhận bản tin từ Gonnapass


Liên hệ tư vấn dịch vụ Kế toán – Thuế – Đào tạo: Ms Huyền – 094 719 2091
Mọi thông tin xin liên hệ:
Công ty TNHH Gonnapass
Phòng 701, tầng 7, toà nhà 3D Center, số 3 Duy Tân, P Dịch Vọng Hậu, Q Cầu Giấy, TP Hà Nội
Email: hotro@gonnapass.com
Website: https://gonnapass.com
Hotline/ Zalo : 0888 942 040
avatar
admin

Nếu bạn thích bài viết, hãy thả tim và đăng ký nhận bản tin của chúng tôi

Ý kiến bình luận

You cannot copy content of this page