Cục thuế giải đáp thuế cho Hộ kinh doanh, Giải đáp một số câu hỏi thường gặp của Hộ kinh doanh ngày 21/07/2025
I. Giải đáp về HKD thuộc đối tượng áp dụng HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền
Câu hỏi 1: Tôi kinh doanh buôn bán tạp hóa nhỏ lẻ. Hiện trên mạng có nhiều thông tin về việc các HKD bắt buộc phải sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, làm chúng tôi rất bối rối, lo lắng. Xin hỏi có phải các HKD có bắt buộc phải sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền ngay từ ngày 1/6 không?
Trả lời: Căn cứ quy định tại khoản 8 Điều 1 Nghị định 70, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán có mức doanh thu từ 1 tỷ/năm trở lên có hoạt động bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng thuộc đối tượng áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền. Do vậy việc xác định hộ kinh doanh có thuộc đối tượng áp dụng HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền dựa trên mức doanh thu khoán đang áp dụng đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.
Trường hợp HKD của anh/chị chưa đến mức doanh thu 1 tỷ/năm thì chưa áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền.
Câu hỏi 2: Tôi đã mở cửa hàng kinh doanh nhỏ từ năm 2011 để làm photocopy, đánh máy và in màu cho khách. Hàng năm, tôi vẫn đóng thuế môn bài. Thu nhập từ cửa hàng không nhiều, nên quy định phải sử dụng máy tính tiền tích hợp hóa đơn điện tử làm tăng chi phí, gây nhiều khó khăn cho việc kinh doanh của tôi.
Trả lời: Căn cứ quy định tại khoản 8 Điều 1 Nghị định 70, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán có mức doanh thu từ 1 tỷ/năm trở lên có hoạt động bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng thuộc đối tượng áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền.
Do vậy, nếu hộ kinh doanh của bạn có doanh thu hàng năm trên 1 tỷ đồng thì mới thuộc đối tượng sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền. Trường hợp doanh thu dưới 1 tỷ đồng/năm thì bạn không cần đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền.
Ngoài ra, theo quy định pháp luật về thuế GTGT và thuế TNCN, nếu doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm thì thuộc trường hợp không phải nộp thuế GTGT, thuế TNCN. Bắt đầu từ năm 2026, ngưỡng doanh thu không chịu thuế sẽ nâng lên thành 200 triệu đồng/năm.
Câu hỏi 3: Tôi kinh doanh tiệm nail nhỏ tại quận 9 TP HCM, doanh thu không đến 100 triệu/năm. Xin hỏi có phải ở mức doanh thu này thì tôi không phải nộp thuế đúng không? Tôi có cần phải xuất hóa đơn điện tử cho khách đến làm nail không?
Trả lời: Theo quy định tại Thông tư 40/2021/TT-BTC thì hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm dương lịch từ 100 triệu đồng trở xuống thì thuộc trường hợp không phải nộp: thuế GTGT, thuế TNCN theo quy định pháp luật về thuế GTGT và thuế TNCN.
Hộ kinh doanh có doanh thu dưới 100 triệu/năm không bắt buộc phải sử dụng hóa đơn điện tử.
Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm khai thuế chính xác, trung thực, đầy đủ và nộp hồ sơ thuế đúng hạn; chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của hồ sơ thuế theo quy định.
Câu hỏi 4: Hộ kinh doanh cơ sở sản xuất giày dép doanh thu dưới 1 tỉ, chưa bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử. Tuy nhiên khi giao hàng cho các cửa hàng họ đòi hóa đơn đầu vào thì hộ kinh doanh phải xuất hóa đơn gì, làm sao có hóa đơn?
Trả lời: Hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán có mức doanh thu dưới 1 tỉ đồng/năm nếu đáp ứng đầy đủ các giải pháp công nghệ thông tin thì có thể đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền phục vụ cho hoạt động kinh doanh.
Cơ quan thuế khuyến khích và tạo mọi điều kiện để hỗ trợ hộ kinh doanh có thể đăng ký và sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền.
II. Giải đáp về HKD theo phương pháp khoán chuyển sang kê khai
Câu hỏi 5: Xin hỏi trước đây HKD đang theo phương pháp khoán sau khi đã sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền thì có phải chuyển đổi sang phương pháp kê khai hay không?
Trả lời: Theo quy định của pháp luật hiện nay hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán sau khi sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền thì không bắt buộc phải chuyển đổi sang phương pháp kê khai trừ trường hợp có quy mô về doanh thu, lao động đáp ứng từ mức cao nhất về tiêu chí của doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phải thực hiện chế độ kế toán và nộp thuế theo phương pháp kê khai tại khoản 5 Điều 51 Luật Quản lý thuế.
Câu hỏi 6: Xin hỏi hộ kinh doanh khoán muốn chuyển sang hộ kê khai có làm thủ tục chuyển online được không?
Trả lời: Theo quy định tại Thông tư số 40/2021 của Bộ Tài chính thì hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán khi chuyển sang phương pháp kê khai sẽ thực hiện điều chỉnh, bổ sung tờ khai thuế theo Mẫu 01/CNKD ban hành kèm theo Thông tư 40 của Bộ Tài chính.
Hộ kinh doanh có thể thực hiện thủ tục chuyển đổi trực tuyến qua Cổng Thuế điện tử ngành Thuế theo địa chỉ https://thuedientu.gdt.gov.vn chọn phân hệ dành cho Cá nhân hoặc qua Cổng dịch vụ công quốc gia theo địa chỉ https://dichvucong.gov.vn.
Câu hỏi 7: Tôi đang tính đến việc chuyển từ HKD thuế khoán sang HKD kê khai. Nhờ cơ quan thuế hướng dẫn quy định về báo cáo thuế của HKD kê khai, các biểu mẫu bắt buộc phải có tại cửa hàng, cũng như cách thức nộp thuế thuận lợi.
Trả lời: Các biểu mẫu bắt buộc phải có tại cửa hàng theo hướng dẫn tại Thông tư 88/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính gồm chứng từ kế toán và sổ kế toán. Cụ thể, các hộ cần sử dụng bẩy sổ kế toán theo danh mục, gồm sổ chi tiết doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ; sổ chi tiết vật liệu, dụng cụ, sản phẩm, hàng hóa; sổ chi phí sản xuất, kinh doanh; sổ theo dõi tình hình thực hiện nghĩa vụ thuế với NSNN; sổ theo dõi tình hình thanh toán tiền lương và các khoản nộp theo lương của người lao động; sổ quỹ tiền mặt; sổ tiền gửi ngân hàng.
Ngoài ra, các chứng từ kế toán cần thiết gồm phiếu thu, phiếu chi, phiếu nhập/xuất kho, bảng thanh toán tiền lương và các khoản thu nhập của người lao động.
Để biết chính xác số tiền phải nộp, hộ kinh doanh kê khai có thể tra cứu tại ứng dụng EtaxMobile. Khi nộp tờ khai, ứng dụng sẽ hiện lên nghĩa vụ thuế phải nộp. Về hình thức nộp, hộ kinh doanh có thể tiến hành nộp thuế qua ứng dụng Etax Moblile của cá nhân hộ kinh doanh hoặc qua website: https://thuedientu.gdt.gov.vn.
Câu hỏi 8: Tôi đang làm chủ HKD về lĩnh vực gara sửa chữa xe ô tô. Theo tôi được biết thì gara của tôi sẽ phải sử dụng hóa đơn khởi tạo từ máy tính tiền. Xin cho biết tôi phải thực hiện các thủ tục gì để có hóa đơn, cũng như hướng dẫn tôi cách thực hiện chuyển từ hộ khoán lên hộ kê khai?
Trả lời: Căn cứ quy định tại khoản 8 Điều 1 Nghị định 70, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán có mức doanh thu từ 1 tỷ/năm trở lên có hoạt động bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng thuộc đối tượng áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền.
Do vậy anh cần xác định hộ kinh doanh của mình thuộc quy mô nào, trường hợp hộ kinh doanh khoán có doanh thu hàng năm trên 1 tỷ đồng hoặc hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai thì mới thuộc đối tượng sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền.
Về thủ tục, hộ kinh doanh đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền theo mẫu 01/ĐKTĐ-HĐĐT ban hành kèm theo NĐ 70 (trên cổng hoadondientu.gdt.gov.vn hoặc trên ứng dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền của các nhà cung cấp giải pháp.
Để được hướng dẫn chi tiết, anh vui lòng liên hệ với Đội thuế quản lý trực tiếp, công chức thuế sẽ hướng dẫn chi tiết, cụ thể về quy định chính sách, cũng như các hồ sơ, thủ tục để đăng ký.
Về thủ tục chuyển đổi từ hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán sang nộp thuế theo phương pháp kê khai: Theo quy định tại Thông tư số 40/2021/TT-BTC ngày 1/6/2021 của Bộ Tài chính thì hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán khi chuyển sang phương pháp kê khai sẽ thực hiện điều chỉnh, bổ sung tờ khai thuế theo Mẫu 01/CNKD ban hành kèm theo Thông tư 40/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính. Hiện nay, hộ kinh doanh có thể thực hiện thủ tục chuyển đổi bằng hình thức trực tuyến qua Cổng Thuế điện tử ngành Thuế theo địa chỉ https://thuedientu.gdt.gov.vn chọn phân hệ dành cho Cá nhân hoặc qua Cổng dịch vụ công quốc gia theo địa chỉ https://dichvucong.gov.vn.
Theo đó, cơ quan thuế căn cứ Tờ khai điều chỉnh, bổ sung để điều chỉnh giảm mức thuế đã khoán cho thời gian chuyển đổi.
Hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai thực hiện sử dụng hóa đơn điện tử theo quy định của Luật quản lý thuế và chế độ kế toán, chứng từ theo quy định tại Thông tư 88/2021/TT-BTC ngày 11/10/2021 hướng dẫn chế độ kế toán cho các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.
III. Giải đáp về xác định mức doanh thu đối với HKD khoán sử dụng HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền
Câu hỏi 9: Khi HKD khoán đã sử dụng hóa đơn khởi tạo từ máy tính tiền thì Doanh thu nộp thuế là doanh thu đã khoán hay doanh thu trên hóa đơn? Trường hợp doanh thu hóa đơn cao hơn hoặc thấp hơn doanh thu khoán thì phải nộp thuế theo mức doanh thu nào?
Trả lời: Căn cứ quy định tại Thông tư 40/2021/TT-BTC, trường hợp hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán sau khi sử dụng hóa đơn điện tử từ máy tính tiền mà có thay đổi doanh thu tính thuế thì thực hiện khai điều chỉnh, bổ sung tờ khai thuế theo mẫu 01/CNKD ban hành kèm theo Thông tư 40/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính.
Cơ quan thuế căn cứ hồ sơ khai thuế của hộ khoán, cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế nếu xác định doanh thu khoán thay đổi từ 50% trở lên so với doanh thu đã khoán thì ban hành Thông báo (mẫu số 01/TB-CNKD ban hành kèm theo Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ) về việc điều chỉnh mức thuế khoán kể từ thời điểm có thay đổi trong năm tính thuế.
Trường hợp qua cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế, số liệu xác minh, kiểm tra, thanh tra, cơ quan thuế có căn cứ xác định hộ khoán không đáp ứng điều kiện để được điều chỉnh mức thuế khoán theo quy định thì cơ quan thuế ban hành Thông báo về việc không điều chỉnh mức thuế khoán theo mẫu số 01/TBKĐC-CNKD ban hành kèm theo Thông tư 40/2021/TT-BTC theo quy định.
Câu hỏi 10: Nhiều hộ, cá nhân kinh doanh có doanh thu từ 1 tỷ trở lên đang bày tỏ lo ngại rằng, kể từ ngày 01 tháng 06, khi xuất hóa đơn từ máy tính tiền, mức thuế phải nộp có thể cao hơn so với mức thuế khoán trước đây. Xin được hỏi, trong trường hợp có chênh lệch về số thuế, hộ kinh doanh cần phải làm gì?
Trả lời: Theo quy định tại Thông tư số 40/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính, trường hợp hộ khoán trong năm có mức doanh thu thay đổi (tăng hoặc giảm) thì thực hiện khai điều chỉnh, bổ sung Tờ khai thuế theo mẫu số 01/CNKD ban hành kèm theo Thông tư này.
Trường hợp HKD sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền có doanh thu thực tế thay đổi so với doanh thu khoán thì cũng thực hiện khai điều chỉnh theo quy định trên.
Đối với trường hợp hộ kinh doanh khoán đã chuyển sang phương pháp kê khai thì thực hiện kê khai, nộp thuế theo doanh thu thực tế kể từ thời điểm chuyển phương pháp kê khai.
Câu hỏi 11: Gia đình tôi kinh doanh bán hàng cơm online từ năm 2018. Gần đây, cơ quan thuế liên hệ báo truy thu hơn 1 tỷ đồng, tính từ hồi đó tới nay. Hiện nay có quy định truy thu hay không và truy thu như thế nào?
Trả lời: Anh/chị cần phân biệt rõ giữa kinh doanh online và hình thức thuế khoán áp dụng cho hộ kinh doanh cố định. Kinh doanh online, tương tự hoạt động trên các sàn thương mại điện tử (Tổng cục Thuế đã xây dựng cổng dành riêng cho TMĐT), có đặc trưng là dòng tiền rõ ràng. Do đó, cá nhân hay hộ kinh doanh online sẽ thực hiện kê khai và nộp thuế theo từng lần phát sinh, theo tháng hoặc quý, dựa trên doanh thu thực tế.
Cơ quan thuế xác định nghĩa vụ thuế dựa trên tổng doanh thu kê khai và tỷ lệ phần trăm trên doanh thu tương ứng. Ví dụ, kinh doanh thương mại là 1,5%, dịch vụ 7%. Trong trường hợp người làm tiếp thị liên kết hoặc livestream bán hàng thuê cho công ty, phần thu nhập này sẽ được tính như tiền lương, tiền công.
Còn các hộ kinh doanh cố định sẽ kê khai dự kiến doanh thu cho năm tiếp theo. Dựa trên tờ khai này, cơ quan thuế sẽ kết hợp với các dữ liệu như diện tích cửa hàng, số lượng nhân công, chi phí điện nước hàng tháng và doanh số của năm liền kề để đánh giá. Thông qua hội đồng tư vấn xã, phường, mức doanh thu dự kiến sẽ được xác định và thông báo đến hộ kinh doanh trước ngày 20/1 hàng năm. Danh sách này được công khai theo quy định. Sau đó, hộ kinh doanh sẽ nộp thuế hàng tháng hoặc quý theo mức doanh thu đã được thống nhất.
Tuy nhiên, nếu hộ khoán có thay đổi quy mô kinh doanh (diện tích kinh doanh, lao động, doanh thu…), họ phải thông báo khai, điều chỉnh tờ khai. Cơ quan thuế căn cứ vào tờ khai, cơ sở dữ liệu và nếu xác định doanh thu khoán thay đổi từ 50% trở lên, thì thông báo thay đổi mức thuế khoán cho hộ kinh doanh.
Việc điều chỉnh này không có nghĩa là hộ kinh doanh sẽ bị truy thu phần thuế của các tháng trước đó. Đây là điểm khác biệt rõ ràng giữa kinh doanh online và hộ kinh doanh cố định, dù cả hai đều tính thuế theo tỷ lệ trên doanh số tùy theo ngành nghề. Ví dụ, trong tháng 6, hộ kinh doanh đạt 300 triệu đồng doanh thu thay vì 50 triệu đồng như bình thường, hộ kinh doanh sẽ phải khai báo điều chỉnh để nộp thuế theo mức 300 triệu đồng trong tháng 7. Nhưng nếu tháng sau lại giảm xuống trên 50%, các hộ tiếp tục báo cáo để điều chỉnh.
IV. Giải đáp về phần mềm hóa đơn điện tử, công tác hỗ trợ của cơ quan thuế đối với HKD
Câu hỏi 12: Tôi đã ngoài 60 tuổi, không thành thạo về công nghệ. Xin hỏi có giải pháp nào thật đơn giản, dễ dàng, ít phải thao tác để tôi có thể thực hiện được theo quy trình bán hàng, xuất hóa đơn điện tử, kê khai thuế đúng quy định của pháp luật không?
Trả lời: Hiện nay, một số công ty cung cấp giải pháp đã xây dựng phần mềm tích hợp bán hàng, hóa đơn điện tử, kê khai thuế. Người dùng chỉ cần thao tác trên điện thoại di động để thực hiện việc xuất hóa đơn bán hàng và hệ thống sẽ tự động kê khai thuế. Một số đã tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) để người dùng chỉ cần sử dụng giọng nói yêu cầu thực hiện các thao tác nhập liệu, xuất hóa đơn bán hàng. Bạn chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh lên đơn bán hàng chỉ với 2-3 thao tác đơn giản hoặc bằng giọng nói. Hóa đơn điện tử được tự động xuất và gửi lên cơ quan thuế, giúp hộ kinh doanh chấp hành quy định của Nhà nước một cách đơn giản và hiệu quả. Giải pháp kê khai thuế được thiết kế riêng dành cho người không chuyên về kế toán. Chỉ cần trả lời vài câu hỏi đơn giản, trong vòng 5 phút đã có thể hoàn thành tờ khai và nộp lên cơ quan thuế dễ dàng. Người lớn tuổi, không thông thạo công nghệ vẫn có thể sử dụng được.
Câu hỏi 13: Đề nghị giải thích sự khác nhau giữa phần mềm kế toán và phần mềm cung cấp hóa đơn điện tử. Tôi đã mua phần mềm kế toán, kết nối với cơ quan thuế rồi, có cần phải mua gói hoá đơn điện tử nữa không?
Trả lời: Phần mềm kế toán hoàn toàn khác phần mềm hoá đơn điện tử về tính năng. Về hóa đơn điện tử: các nhà cung cấp phần mềm phải xây dựng giải pháp riêng để tuân thủ theo quy định về thành phần chứa dữ liệu nghiệp vụ hóa đơn, chứng từ điện tử và phương thức truyền nhận với cơ quan thuế. Tùy theo nhu cầu xuất hóa đơn điện tử của hộ kinh doanh, chi phí được tính theo số lượng hóa đơn tương ứng.
Về phần mềm kế toán, chi phí chỉ tính theo thời gian sử dụng và số lượng người dùng thực tế. Ngoài ra, hộ kinh doanh có thể linh hoạt lựa chọn sử dụng phần mềm kế toán bán hàng của nhà cung cấp A tích hợp phần mềm hóa đơn điện tử của nhà cung cấp B nếu có hỗ trợ kết nối.
Câu hỏi 14: Hiện tôi đang được một đơn vị cung cấp giải pháp hỗ trợ và miễn phí trong 3 tháng, đến hết tháng 9 năm 2025. Xin hỏi về lâu dài, ngành thuế có hỗ trợ cung cấp miễn phí giải pháp, phần mềm, ứng dụng này cho các hộ kinh doanh không?
Trả lời: Ngày 11 tháng 6, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng đã có thư gửi đại lý thuế; các đơn vị cung cấp giải pháp công nghệ về thuế nghiên cứu phát triển, đa dạng hóa các gói dịch vụ, cải tiến dịch vụ, tối ưu chi phí, giảm giá thành, đặc biệt hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh mới chuyển đổi dễ dàng tiếp cận dịch vụ chuyên nghiệp với mức phí hợp lý, góp phần lan tỏa chính sách hỗ trợ, giảm gánh nặng tuân thủ và thúc đẩy khởi nghiệp; khuyến khích miễn giảm phí cho hộ kinh doanh chuyển đổi lên doanh nghiệp trong thời gian đầu sử dụng dịch vụ.
Đồng thời, bộ trưởng cũng đề nghị các hội, hiệp hội phối hợp với cơ quan thuế và các cơ quan quản lý Nhà nước để đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật về chính sách thuế, kế toán, cho các doanh nghiệp; hộ và cá nhân kinh doanh. Cục Thuế tiếp tục đồng hành với các nhà cung cấp giải pháp để có nhiều hình thức hỗ trợ người nộp thuế.
Câu hỏi 15: Cơ quan thuế có giải pháp nào hỗ trợ cho hộ kinh doanh nhỏ lẻ, còn chưa nắm vững các quy định về hóa đơn điện tử khởi tạo từ với máy tính tiền, cũng như hỗ trợ giảm giá thành chi phí?
Trả lời: Đối với những hộ kinh doanh chưa thành thạo trong sử dụng máy tính và thiết bị thông minh, cơ quan thuế đã và đang triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ giải đáp và hướng dẫn các hộ, cá nhân kinh doanh thực hiện các quy đinh về hóa đơn điện tử.
Đặc biệt trong tháng 6, cơ quan thuế xác định là tháng cao điểm để bố trí các lực lượng công chức phối hợp với các nhà cung cấp giải pháp đến từng hộ kinh doanh để hướng dẫn, hỗ trợ, cài đặt để người nộp thuế sử dụng dễ dàng, thành thạo việc lập hóa đơn điện tử theo quy định.
Đồng thời, cơ quan thuế đã và đang làm việc với các nhà cung cấp giải pháp phần mềm hóa đơn điện tử để không ngừng cải tiến ứng dụng hóa đơn điện tử, đảm bảo phù hợp, dễ dàng thao tác sử dụng cho các hộ kinh doanh.
Các tổ chức cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử đã chủ động công khai thông tin về giải pháp, sản phẩm, dịch vụ triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền và mở rộng các chương trình ưu đãi, hỗ trợ miễn phí cho các hộ, cá nhân kinh doanh, với nhiều hình thức ưu đãi, khuyến mại như sau: Cung cấp các gói sản phẩm bao gồm cả phần mềm, ký số, hóa đơn điện tử với giá cả hợp lý chỉ từ 100.000 đồng/1 tháng; Miễn phí sử dụng phần mềm bán hàng/kế toán/bảo hiểm trong thời gian 06 tháng đối với hộ, cá nhân kinh doanh đăng ký lần đầu; Tặng các gói sử dụng hóa đơn điện tử với số lượng lên đến 5.000 hóa đơn; Hỗ trợ miễn phí dịch vụ tư vấn kê khai thuế, sử dụng phần mềm, dịch vụ hóa đơn điện tử; Có thể sử dụng trên điện thoại di động iOS/Android… Hộ, cá nhân kinh doanh có thể tham khảo để lựa chọn các đơn vị cung cấp giải pháp hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền phù hợp với mô hình, chi phí và quy mô quản lý của mình.
Bên cạnh đó, với mục tiêu cắt giảm chi phí thủ tục hành chính, cơ quan thuế đang tiếp tục rà soát để có phương án cắt tối đa chi phí tuân thủ các thủ tục hành chính thuế, hóa đơn cho hộ kinh doanh; tiếp tục cung cấp các tiện ích thuế, hóa đơn điện tử để hộ kinh doanh dễ dàng kê khai, nộp thuế khi đã sử dụng đầy đủ hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền trong các giao dịch bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ trực tiếp tới người tiêu dùng.
Theo quy định hiện hành, hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán không phải thực hiện sổ sách kế toán.
Câu hỏi 16: Nhiều hộ kinh doanh đang gặp khó khăn với quy định thuế hiện hành. Liệu có thể đơn giản hóa việc kê khai và xuất hóa đơn không?
Trả lời: Chế độ kế toán theo Thông tư số 88/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính áp dụng với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai. Việc lập hóa đơn khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ giúp minh bạch doanh thu. Mặt khác, theo quy định khi áp dụng hóa đơn điện tử thì việc gửi nhận hóa đơn điện tử được thực hiện theo phương thức điện tử. Hộ kinh doanh không cần thiết phải in hóa đơn ra giấy.
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về hồ sơ dự án Luật Quản lý thuế (thay thế), trong đó có các đề xuất về phương pháp quản lý thuế và sử dụng hóa đơn đối với hộ, cá nhân kinh doanh. Quý vị nghiên cứu và có ý kiến tham gia, đề xuất cụ thể để Bộ Tài chính hoàn thiện trước khi trình Chính phủ trình Quốc hội.
VI. Giải đáp về mức thuế đối với HKD khoán
Câu hỏi 29: Hộ khoán thuế bán sách giáo khoa và văn phòng phẩm, trong đó sách giáo khoa hưởng hoa hồng 1% trên doanh thu, sách giáo khoa là loại hàng hóa không chịu thuế GTGT. Hộ khoán là đại lý chỉ hưởng 1% hoa hồng trên doanh thu bán ra. Nếu xuất hóa đơn điện tử khởi tạo trên máy tính tiền phải nộp thuế theo tỷ lệ là 1,5% (GTGT + TNCN), vậy có tính riêng thuế suất theo từng mặt hàng được không? Khi lập hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền thì hộ kinh doanh sẽ chịu thiệt đối với số thuế phải nộp phát sinh nhiều hơn doanh thu hoa hồng nhận được.
Trả lời: Theo hướng dẫn tại Thông tư số 40/2021/TT-BTC, căn cứ tính thuế đối với HKD, CNKD (áp dụng đối với cả hộ khoán và hộ kê khai) là doanh thu tính thuế và tỷ lệ tính thuế trên doanh thu.
Doanh thu tính thuế GTGT và doanh thu tính thuế TNCN đối với HKD, CNKD là doanh thu bao gồm thuế (trường hợp thuộc diện chịu thuế) của toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, tiền hoa hồng, tiền cung ứng dịch vụ phát sinh mà hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được hưởng không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.
Hộ KD, CNKD sử dụng hóa đơn bán hàng nên trên hóa đơn không phân biệt thuế suất theo từng HHDV.
Câu hỏi 30: Tôi mở phòng khám tư nhân vừa khám chữa bệnh vừa bán thuốc, tổng doanh thu 950 triệu/năm, với mức đó tôi đã phải sử dụng hóa đơn điện tử từ máy tính tiền chưa? Mức thuế tôi phải nộp là bao nhiêu?
Trả lời: Theo quy định hiện hành, hộ kinh doanh của bạn chưa bắt buộc phải sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền. Tuy nhiên, trường hợp có nhu cầu sử dụng hóa đơn điện tử thì cơ quan thuế sẽ hỗ trợ.
Số thuế đối với hộ kinh doanh được xác định bằng tỉ lệ phần trăm trên doanh thu theo ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh (mức tỷ lệ % trên doanh thu tại Phụ lục I Thông tư số 40/2021/TT-BTC). Đối với dịch vụ khám chữa bệnh thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng, tỉ lệ thuế thu nhập cá nhân là 2%/doanh thu. Đối với doanh thu từ bán thuốc, vật tư y tế thì tỉ lệ tính thuế giá trị gia tăng là 1%, tỉ lệ tính thuế thu nhập cá nhân là 0,5%.
Câu hỏi 31: Hộ kinh doanh vừa có hoạt động sản xuất vừa kinh doanh thì phải kê khai và nộp thuế như thế nào?
Trả lời: Căn cứ Điều 10, Thông tư số 40/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính, trường hợp hộ kinh doanh hoạt động nhiều lĩnh vực, ngành nghề thì hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thực hiện khai và tính thuế theo tỉ lệ thuế tính trên doanh thu áp dụng đối với từng lĩnh vực, ngành nghề.
Trường hợp hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không xác định được doanh thu tính thuế của từng lĩnh vực, ngành nghề hoặc xác định không phù hợp với thực tế kinh doanh thì cơ quan thuế ấn định doanh thu tính thuế của từng lĩnh vực, ngành nghề theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
Câu hỏi 32: Hộ sản xuất kinh doanh hàng hóa (giày dép, quần áo) kê khai trường hợp nào nộp thuế 1,5%, trường hợp nào 4,5%? Có tính theo mức độ/giá trị đơn hàng như trước đây thuế khoán 1,5%, nếu trên 20 triệu xuất hóa đơn là 4,5%?
Trả lời: Theo quy định tại Thông tư số 40/2021/TT-BTC, hoạt đông bán buôn, bán lẻ các loại hàng hóa chịu thuế 1,5% trên doanh thu (thuế giá trị gia tăng 1%, thuế thu nhập cá nhân 0,5%). Hoạt động sản xuất gia công chế biến sản phẩm hàng hóa thì chịu thuế suất 4,5% trên doanh thu (thuế giá trị gia tăng 3%, thuế thu nhập cá nhân 1,5%).
Căn cứ vào tình hình sản xuất kinh doanh của mình, hộ kinh doanh tự xác định tỉ lệ phần trăm trên doanh thu.
Câu hỏi 33: Tôi là giáo viên (không trong hệ thống công lập) đứng lớp đã đăng ký hộ kinh doanh thì đóng thuế như thế nào?
Trả lời: Đối với cơ sở dạy thêm đăng ký theo loại hình hộ kinh doanh: thực hiện nghĩa vụ thuế thu nhập cá nhân theo hướng dẫn tại Thông tư 40/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và quản lý đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. Hộ kinh doanh hoạt động dạy thêm thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT, kê khai nộp thuế TNCN theo tỷ lệ 2% trên doanh thu.
Câu hỏi 34: Xin cho biết về mức đóng thuế đối với dịch vụ chuyển tiền
Trả lời: Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh dịch vụ chuyển tiền thực hiện kê khai nộp thuế theo quy định tại Thông tư 40/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính. Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh kê khai thuế theo tỷ lệ tính thuế giá trị gia tăng (GTGT) 5%, thuế thu nhập cá nhân (TNCN) 2% trên doanh thu tính thuế.
Câu hỏi 35: Tôi kinh doanh nhà hàng và có doanh thu trên 1 tỉ. Tôi phải chi cho các chi phí cố định khác: nguyên vật liệu, tiền thuê mặt bằng, tiền lương nhân viên, tiền điện nước… Vậy tôi có được khấu trừ các chi phí đó vào doanh thu không? Và tôi đóng thuế trên lợi nhuận (đã được khấu trừ các chi phí) hay doanh thu?
Trả lời: Theo quy định tại Thông tư số 40/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính, số thuế phải nộp của hộ kinh doanh được xác định bằng doanh thu nhân (x) với tỉ lệ % thuế suất áp dụng theo từng ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh, không được khấu trừ chi phí. Trường hợp người nộp thuế là hộ kinh doanh nhà hàng, dịch vụ ăn uống thì theo quy định tỉ lệ thuế suất thuế GTGT là 3%, thuế TNCN là 1,5%.
VII. Giải đáp về chuyển đổi HKD lên Doanh nghiệp
Câu hỏi 36: Hộ kinh doanh có hạn mức doanh thu một năm bao nhiêu thì phải chuyển đổi lên doanh nghiệp?
Trả lời: Hiện nay không có quy định về điều kiện, ngưỡng doanh thu hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh phải chuyển đổi sang doanh nghiệp tư nhân. Tuy nhiên cơ quan thuế khuyến nghị hộ kinh doanh có doanh thu lớn chuyển sang doanh nghiệp để phát triển hoạt động kinh doanh, hưởng các ưu đãi về thuế đối với doanh nghiệp mới thành lập như miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong 3 năm đầu thành lập.
Mặt khác theo quy định tại Luật Quản lý thuế hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có có quy mô về doanh thu, lao động đáp ứng từ mức cao nhất về tiêu chí của doanh nghiệp siêu nhỏ trở lên, cụ thể như sau: hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và lĩnh vực công nghiệp, xây dựng có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm từ 10 người trở lên hoặc tổng doanh thu của năm trước liền kề từ 3 tỷ đồng trở lên; hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm từ 10 người trở lên hoặc tổng doanh thu của năm trước liền kề từ 10 tỷ đồng trở lên phải thực hiện chế độ kế toán và nộp thuế theo phương pháp kê khai.
Câu hỏi 37: Tôi kinh doanh văn phòng phẩm, thiết bị giáo dục, tôi đang cân nhắc đến việc liệu có nên chuyển đổi từ hộ kinh doanh lên doanh nghiệp hay không để còn mở rộng việc kinh doanh và còn được trừ các chi phí như nhân công, mặt bằng …Tôi mong được hướng dẫn rõ hơn về lợi ích khi chuyển đổi lên doanh nghiệp.
Trả lời: Trường hợp trong năm 2026, NNT vẫn kinh doanh dưới hình thức hộ kinh doanh thì mức nộp thuế đối với kinh doanh văn phòng phẩm, thiết bị giáo dục theo mức 1,5% trên doanh số thực tế bán ra (trong đó 1% thuế GTGT; 0,5% thuế TNCN) không được trừ chi phí, không được hưởng ưu đãi thuế.
Trường hợp NNT chuyển sang hình thức doanh nghiệp thì sẽ có các thuận lợi sau:
+ Về mô hình kinh doanh: có cơ hội hơn trong mở rộng quy mô lao động, vốn, tín dụng, tiếp cận thị trường, tăng trưởng doanh thu, xây dựng thương hiệu của mình.
+ Về kê khai, nộp thuế: Đối với thuế GTGT: doanh nghiệp sẽ áp dụng nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ, có nghĩa là thuế GTGT đầu ra được trừ đi thuế GTGT đầu vào được khấu trừ; Đối với thuế thu nhập doanh nghiệp: được tính các chi phí phục vụ hoạt động kinh doanh như: giá vốn hàng hóa mua vào, thuê mặt bằng, nhân công, tiền điện, nước, chi phí tiếp thị, quảng bá quảng cáo cửa hàng, chi phí đào tạo người lao động… Doanh nghiệp được trích tối đa 20% thu nhập tính thuế TNDN để lập quỹ phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Nếu doanh nghiệp lỗ thì được chuyển lỗ liên tục sang 5 năm tiếp theo. Nếu lãi, được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong 3 năm. Ngoài ra theo dự thảo của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi, tùy theo doanh thu, doanh nghiệp nhỏ và vừa chỉ nộp thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức 15-17%.
Câu hỏi 38: Tôi là hộ kinh doanh nhà hàng và vừa áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền. Tôi đang cân nhắc lên doanh nghiệp để được trừ các chi phí như tiền thuê mặt bằng, nhân công, và các chi phí đầu vào như đồ uống, thực phẩm… Tôi xin hỏi khi mua rau, cá, trứng, thịt ở chợ dân sinh thì người bán ở chợ cấp hóa đơn như thế nào là hợp pháp để người mua được tính chi phí đầu vào?
Trả lời: Theo các quy định của pháp luật thuế thu nhập doanh nghiệp; trường hợp khi hộ chuyển đổi lên doanh nghiệp có mua hàng (đồ dùng, tài sản, dịch vụ) của hộ gia đình, cá nhân không kinh doanh trực tiếp bán ra; hoặc mua hàng hóa, dịch vụ của hộ thu nhập thấp (100 triệu đồng/năm) thì sử dụng bảng kê thu mua hàng hóa, dịch vụ để được tính vào chi phí được trừ. Trong trường hợp là hộ kinh doanh thì không được trừ các chi phí này.
Vì vậy, để nâng cao hiệu quả quản lý, minh bạch trong kinh doanh, đồng thời áp dụng những phương pháp tính thuế khoa học, tân tiến, các hộ kinh doanh nên chuyển đổi lên doanh nghiệp. Hiện nay, Chính phủ cũng đã có nhiều chính sách, giải pháp để khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển đổi lên doanh nghiệp.
VIII. Giải đáp về một số nội dung khác
Câu hỏi 39: Sau khi sáp nhập các đơn vị hành chính, hộ kinh doanh có phải thay đổi lại giấy đăng ký không? Thủ tục thực hiện như thế nào?
Trả lời: Ngày 5/4/2025, Bộ Tài chính có văn bản số 4370 hướng dẫn công tác đăng ký kinh doanh trường hợp có thay đổi địa giới hành chính; theo đó, Doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác tiếp tục sử dụng Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, Giấy chứng nhận đăng ký tổ hợp tác, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh/văn phòng đại diện/địa điểm kinh doanh đã được cấp.
Cơ quan thuế cũng tự động cập nhật địa chỉ của người nộp thuế trên ứng dụng quản lý thuế và thông báo đến người nộp thuế biết về việc thay đổi cơ quan quản lý thuế (nếu có).
Câu hỏi 40: Từ 1/7/2025, mã định danh cá nhân thay cho mã số thuế hộ kinh doanh. Vậy tôi có cần đăng ký thay đổi không hay hệ thống tự cập nhật?
Trả lời: Theo Thông tư số 86/2024/TT-BTC của Bộ Tài chính, nếu hộ kinh doanh, hộ gia đình, cá nhân thuộc trường hợp sử dụng số định danh cá nhân thay cho mã số thuế theo quy định đã được cấp mã số thuế trước ngày 1/7/2025 và thông tin đăng ký thuế đã khớp đúng với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bạn được sử dụng số định danh cá nhân thay cho mã số thuế bắt đầu từ ngày 1/7. Đồng thời, cơ quan thuế theo dõi, quản lý toàn bộ dữ liệu của hộ kinh doanh, hộ gia đình, cá nhân, dữ liệu đăng ký giảm trừ gia cảnh của người phụ thuộc bằng số định danh cá nhân.
Còn nếu hộ kinh doanh, hộ gia đình, cá nhân đã được cấp mã số thuế trước ngày 1/7 nhưng thông tin đăng ký thuế không khớp đúng với thông tin lưu trữ trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoặc không đầy đủ, cơ quan thuế cập nhật trạng thái mã số thuế của hộ kinh doanh, hộ gia đình, cá nhân sang trạng thái 10 “Mã số thuế chờ cập nhật thông tin số định danh cá nhân”. Người nộp thuế phải thực hiện thủ tục thay đổi thông tin đăng ký thuế với cơ quan thuế theo quy định tại Thông tư số 86/2024.
Như vậy, người nộp thuế nên chủ động kiểm tra thông tin đăng ký thuế của bản thân trên Cổng thông tin điện tử ngành Thuế và ứng dụng eTax Mobile, đối chiếu với thông tin định danh theo cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để cập nhật thông tin đăng ký theo quy định nêu trên.
Câu hỏi 41: Hộ kinh doanh đăng ký tên tôi nhưng tiền khách hàng chuyển khoản vào tài khoản của vợ thì có vi phạm gì không?
Trả lời: Hiện nay không có quy định về việc hộ kinh doanh phải đăng ký tài khoản ngân hàng. Tuy nhiên việc hộ kinh doanh đăng ký tài khoản theo tên của hộ kinh doanh sẽ giúp cho hộ kinh doanh dễ dàng trong quản lý doanh thu, chi phí và các luồng tiền, thể hiện sự chuyên nghiệp và đáng tin cậy với khách hàng, đối tác. Vì vậy, các hộ kinh doanh nên đăng ký tài khoản ngân hàng để thuận tiện trong giao dịch.
Đồng thời, cơ quan thuế khuyến nghị hộ kinh doanh không nên có hành vi che dấu doanh thu bán hàng, cung cấp dịch vụ bằng cách nhận tiền chuyển khoản qua tài khoản ngân hàng khác không phải của chủ hộ.
Câu hỏi 42: Xin cho biết về các quy định xử phạt về hành vi vi phạm liên quan đến hóa đơn điện tử như HKD thuộc diện áp dụng nhưng chưa đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền; HKD đã đăng ký nhưng lập hoặc lập muộn hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền khi bán hàng, cung cấp dịch vụ …
Trả lời: Về các quy định xử lý vi phạm về hóa đơn, HKD cần lưu ý như sau:
+ HKD chưa đăng ký hóa đơn điện tử từ máy tính tiền có thể bị xử phạt theo quy định về hành vi không lập hóa đơn khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ. Nội dung này được quy định tại khoản 40, Điều 1, Nghị định 70/2025/NĐ-CP. Căn cứ pháp lý để xử phạt hành vi này được quy định tại khoản 5, Điều 24, Nghị định 125/2020/NĐ-CP.
+ Về xuất hóa đơn sai thời điểm: Nếu hộ kinh doanh đã đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử từ máy tính tiền thì cần lưu ý lập hóa đơn đúng thời điểm (xuất hóa đơn ngay khi cung cấp hàng hóa, dịch vụ)…để không vi phạm quy định tại khoản 6, Điều 1 Nghị định 70/2025/NĐ-CP (sửa đổi Điều 9 Nghị định 123/2020/NĐ-CP).
+ Không lập hóa đơn dẫn đến thiếu thuế- có thể bị xem là trốn thuế: Nếu hộ kinh doanh không lập hóa đơn, làm sai lệch doanh thu dẫn đến thiếu số thuế phải nộp…căn cứ Điều 16 Nghị định 125/2020/NĐ-CP (khai sai dẫn đến thiếu thuế) hoặc Điều 17 (trốn thuế, che giấu doanh thu), có thể bị xử phạt: 20% số thuế khai thiếu (nếu khai sai) từ 1 đến 3 lần số thuế trốn (nếu trốn thuế) tuỳ theo mức độ vi phạm.
+Trường hợp hộ kinh doanh sử dụng hóa đơn không đúng quy định (như hóa đơn không có giao dịch thật, hóa đơn mua bán trái phép…) sẽ bị xem là sử dụng hóa đơn bất hợp phápvà bị xử lý nghiêm theo quy định tại Điều 28 Nghị định 125/2020/NĐ-CP.
+ HKD cần có hoá đơn, chứng từ đầu vào để chứng minh nguồn gốc hàng hóa, đây là trách nhiệm của HKD và cũng là một trong những căn cứ để xác định doanh thu tính thuế. Nếu trong quá trình quản lý, cơ thuế cũng như quan các cơ quan chức năng khác phát hiện dấu hiệu hàng hóa không rõ nguồn gốc…thì đây là một trong những căn cứ để chuyển sang cơ quan có thẩm quyền như quản lý thị trường, công an… để xử lý theo pháp luật hiện hành.
+ Theo Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định 125/2020/NĐ-CP, cá nhân bị áp dụng mức phạt bằng 1/2 so với tổ chức. Tuy nhiên, các hành vi như khai sai, trốn thuế vẫn bị xử phạt nặng, ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín và hoạt động kinh doanh.
Thời gian đầu triển khai các quy định mới, cơ quan thuế và các cơ quan, ban ngành, địa phương luôn đồng hành cùng hộ kinh doanh, từ việc hướng dẫn thủ tục, hỗ trợ về cơ sở vật chất, thiết bị, cũng như phổ biến kiến thức pháp luật với mục tiêu giảm thiểu vi phạm không cố ý, giúp hộ kinh doanh hoạt động một cách thuận lợi và ổn định. Việc xử phạt vi phạm hành chính cũng được triển khai theo nguyên tắc linh hoạt, tăng cường hướng dẫn, tuyên truyền. Đặc biệt với những hộ vi phạm lần đầu, không có dấu hiệu cố tình trốn thuế hoặc gian lận hóa đơn sẽ được áp dụng tình tiết giảm nhẹ.
Tuy nhiên, đối với những hành vi sử dụng hoá đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền với mục đích trốn thuế, gian lận sẽ áp dụng tình tiết tăng nặng và xử lý nghiêm.
Bản tin này chỉ mang tính chất tham khảo, không phải ý kiến tư vấn cụ thể cho bất kì trường hợp nào
Đăng kí để nhận bản tin từ Gonnapass
Liên hệ tư vấn dịch vụ Kế toán – Thuế – Đào tạo: Ms Huyền – 094 719 2091
Tham khảo dịch vụ tư vấn từng lần – giải quyết các nỗi lo rủi ro thuế
Mọi thông tin xin liên hệ:
Công ty TNHH Gonnapass
Phòng 701, tầng 7, toà nhà 3D Center, số 3 Duy Tân, P Dịch Vọng Hậu, Q Cầu Giấy, TP Hà Nội
Email: hotro@gonnapass.com
Facebook: https://www.facebook.com/gonnapassbeyondyourself/
Group Facebook chia sẻ mẫu biểu: https://www.facebook.com/groups/congvanketoan
Group Zalo chia sẻ miễn phí: https://zalo.me/g/xfqykr286
Website: https://gonnapass.com
Hotline/ Zalo : 0888 942 040