Giải đáp vướng mắc thuế – Cục thuế Bắc Ninh ngày 17/10/2021

501

Chi cục Thuế khu vực Từ Sơn – Yên Phong – Cục thuế tỉnh Bắc Ninh đã hỗ trợ giải đáp vướng mắc thuế – Cục thuế Bắc Ninh ngày 17/10/2021

Tên người hỏi: Nguyễn Sỹ Hiền, Tên doanh nghiệp/tổ chức: Công ty TNHH Kiến trúc Phong cảnh đô thị Bắc Ninh, Email: duongngocman@gmail.com, Mst: 2300657368-80–1
Thực hiện Nghị định 52/2021/NĐ-CP về Gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, thuế TNDN năm 2021, doanh nghiệp chúng tôi thuộc đối tượng được gia hạn theo nghị định, ngày 25/06/2021 doanh nghiệp chúng tôi đã nộp Giấy đề nghị gia hạn. Tuy nhiên, đến sau ngày 30/07/2021, chúng tôi mới phát hiện kê khai sai thông tin trên Giấy đề nghị gia hạn. Vậy theo đó, thời điểm hiện tại chúng tôi có được nộp lại Giấy đề nghị gia hạn và được gia hạn thời hạn nộp thuế theo Nghị định không? (trường hợp của chúng tôi là đã thuộc đối tượng gia hạn theo nghị định nhưng phát hiện kê khai sai thông tin trên Giấy đề nghị gia hạn sau 30/07/2021)
Trả lời:

Chi cục Thuế khu vực Từ Sơn – Yên Phong trả lời như sau:

Căn cứ Nghị định 52/2021/NĐ-CP ngày 19/4/2021 của Chính phủ quy định về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021 như sau:

+ Tại Điều 4 quy định về trình tự, thủ tục gia hạn như sau:

“Điều 4. Trình tự, thủ tục gia hạn

1. Người nộp thuế trực tiếp kê khai, nộp thuế với cơ quan thuế thuộc đối tượng được gia hạn gửi Giấy đề nghị gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất lần đầu hoặc thay thế khi phát hiện có sai sót (bằng phương thức điện tử; gửi bản giấy trực tiếp đến cơ quan thuế hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính) theo Mẫu tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp một lần cho toàn bộ các kỳ của các sắc thuế và tiền thuê đất được gia hạn cùng với thời điểm nộp hồ sơ khai thuế theo tháng (hoặc theo quý) theo quy định pháp luật về quản lý thuế. Trường hợp Giấy đề nghị gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất không nộp cùng với thời điểm nộp hồ sơ khai thuế tháng (hoặc theo quý) thì thời hạn nộp chậm nhất là ngày 30 tháng 7 năm 2021, cơ quan quản lý thuế vẫn thực hiện gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất của các kỳ phát sinh được gia hạn trước thời điểm nộp Giấy đề nghị gia hạn.

…”

Căn cứ các quy định trên trường hợp Công ty thuộc đối tượng được gia hạn tiền thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp trong năm 2021 theo quy định tại Điều 2,4 Nghị định 52/2021/NĐ-CP thì gửi Giấy đề nghị gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất lần đầu hoặc thay thế khi phát hiện có sai sót (bằng phương thức điện tử; gửi bản giấy trực tiếp đến cơ quan thuế hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính) theo Mẫu tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 52/2021/NĐ-CP ngày 19/4/2021 của Chính phủ.

Trân trọng cảm ơn./.

Tên người hỏi: Trần Ngọc Đông, , Email: bautroixanhvn88@gmail.com, Mst: 2301589966-78–2
Tôi là hộ kinh doanh tại phường Đông Ngàn, thị xã Từ Sơn, tôi kinh doanh dịch vụ cung cấp thức ăn không tập trung tại chỗ (kinh doanh đồ ăn sẵn), nhưng do dịch Covid-19 bùng phát, số lượng khách hàng mua hàng để mang về ít, nên tôi tạm ngừng, đóng cửa hàng không kinh doanh, tôi có được hỗ trợ theo QĐ 23 của Thủ tướng hay không?
Trả lời:

Chi cục thuế khu vực Từ Sơn – Yên Phong trả lời như sau:

Điều 35 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định điều kiện hỗ trợ đối với hộ kinh doanh bị tạm dừng hoạt động, trong đó quy định hộ kinh doanh phải dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trở lên trong thời gian từ ngày 01 tháng 5 năm 2021 đến ngày 31 tháng 12 năm 2021 theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19.

Trường hợp hộ kinh doanh phải dừng hoạt động do không có người mua, không phải theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19 thì không đảm bảo điều kiện để xem xét, hỗ trợ theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg.

Trân trọng cảm ơn!

Tên người hỏi: Ngô Quyết Thắng, Tên doanh nghiệp/tổ chức: Công ty CP tư vấn và Đầu tư xây dựng hạ tầng Bắc Việt, Email: tranhuongdtjsc@gmail.com, Mst: 2300632998-77–3
Công ty tôi có thuê văn phòng tại 1 tỉnh khác địa điểm trụ sở chính của công ty. Xin hỏi công ty tôi có cần đăng ký địa chỉ văn phòng này với cơ quan thuế và chi phí thuê văn phòng này có được tính vào chi phí được trừ không?
Trả lời:

Chi cục Thuế khu vực Từ Sơn – Yên Phong trả lời như sau:

Trường hợp Công ty có thuê văn phòng tại tỉnh khác địa điểm trụ sở chính để hoạt động sản xuất kinh doanh thì Công ty cần làm các thủ tục đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế theo quy định pháp luật để thực hiện các nghĩa vụ thuế tại nơi đặt văn phòng làm việc.

Theo quy định của pháp luật thuế TNDN hiện hành, về nguyên tắc khoản chi phí liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh và có đầy đủ hóa đơn chứng từ theo quy định được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN. Việc hạch toán khoản chi phí này phụ thuộc vào việc văn phòng của Công ty đăng ký hạch toán độc lập hay hạch toán phụ thuộc với Công ty tại nơi đóng trụ sở chính.

Trân trọng cảm ơn !

Tên người hỏi: Nguyễn Thị Hoa, Tên doanh nghiệp/tổ chức: Công ty cổ phần Đại Phát, Email: hoanguyen@gmail.com, Mst: 2300332634-77–4
Đơn vị tôi đang được hưởng ưu đãi 50% thuế TNDN, nhưng đơn vị tôi có doanh thu dưới 200 tỷ. Vậy đơn vị tôi có được hưởng thêm khoản ưu đãi giảm 30% thuế TNDN nữa không? (Tức sau khi được giảm ưu đãi 50% thuế TNDN có được giảm tiếp 30% thuế TNDN theo nghị quyết 116/2020 không?)
Trả lời:

Chi cục Thuế khu vực Từ Sơn – Yên Phong trả lời như sau:

Căn cứ quy định tại khoản 4 Điều 2 Nghị định 114/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 quy định chi tiết thi hành Nghị quyết số 116/2020/QH14 của Quốc hội về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác, trường hợp doanh nghiệp có doanh thu năm 2020 không quá 200 tỷ đồng mà đang được hưởng ưu đãi thuế TNDN (ví dụ giảm 50% số thuế TNDN phải nộp) thì sau khi áp dụng mức ưu đãi này để tính ra số thuế phải nộp, doanh nghiệp tiếp tục được giảm 30% thuế TNDN theo Nghị quyết số 116/2020/QH14.

Trân trọng cảm ơn./.

Tên người hỏi: Nguyễn Đức Thắng, , Email: ndthang@gmail.com, Mst: 8306316252-76–5
Tôi có HĐLD tại công ty đồng thời có thu nhập vãng lai 1 năm trên 120tr đã khấu trừ 10%, vậy có phải tự di làm quyêt toán thuế TNCN hay không?
Trả lời:

Chi cục thuế khu vực Từ Sơn – Yên Phong trả lời như sau:

Căn cứ quy định tại khoản 6 Điều 8 Nghị định 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định:

“Cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công ủy quyền quyết toán thuế cho tổ chức, cá nhân trả thu nhập, cụ thể như sau:

Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên tại một nơi và thực tế đang làm việc tại đó vào thời điểm tổ chức, cá nhân trả thu nhập thực hiện việc quyết toán thuế, kể cả trường hợp không làm việc đủ 12 tháng trong năm. Trường hợp cá nhân là người lao động được điều chuyển từ tổ chức cũ đến tổ chức mới theo quy định tại điểm d.1 khoản này thì cá nhân được ủy quyền quyết toán thuế cho tổ chức mới.

Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên tại một nơi và thực tế đang làm việc tại đó vào thời điểm tổ chức, cá nhân trả thu nhập quyết toán thuế, kể cả trường hợp không làm việc đủ 12 tháng trong năm; đồng thời có thu nhập văng lai ở các nơi khác bình quân tháng trong năm không quá 10 triệu đồng và đã được khấu trừ thuế thu nhập cá nhân theo tỷ lệ 10% nếu không có yêu cầu quyết toán thuế đối với phần thu nhập này.”

Căn cứ quy định trên, trường hợp của bạn không thuộc trường hợp được ủy quyền quyết toán mà phải trực tiếp quyết toán thuế với cơ quan thuế.

Trân trọng cảm ơn!

Tên người hỏi: Nguyễn Thị Hậu, Tên doanh nghiệp/tổ chức: Công ty TNHH Hải Lộc, Email: hailocbn@gmail.com, Mst: 2300555165-75–6
Công ty tôi có 3 lao động sau quyết toán 2020 có số thuế được hoàn, nhưng tôi không muốn làm thủ tục hoàn thuế mà muốn cấn trừ cho quý thuộc năm 2021 thì cần làm thủ tục gì không ạ? Hay cứ tự bù trừ luôn số thuế đang thừa ạ? Xin cảm ơn!
Trả lời:

Chi cục Thuế khu vực Từ Sơn – Yên Phong trả lời như sau:

Trường hợp cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công trực tiếp khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân có số thuế nộp thừa đề nghị bù trừ vào kỳ khai thuế tiếp theo thì cá nhân kê khai vào chỉ tiêu [49] – “Tổng số thuế bù trừ cho các phát sinh của kỳ sau” tại Tờ khai quyết toán thuế theo mẫu số 02/QTT-TNCN theo Thông tư số 92/2015/TT-BTC ngày 15/6/2015 của Bộ Tài chính khi quyết toán thuế.

(Căn cứ Điểm d.3 khoản 6 Điều 8 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ)

Trân trọng cảm ơn./.

Tên người hỏi: Ngô thị Nhung, Tên doanh nghiệp/tổ chức: Cty TNHH chế biến lương thực thực phẩm Khang Vinh, Email: thucphamkhangvinh@gmail.com, Mst: 2300901055-74–7
các mặt hàng sau: trứng vịt lộn, tiêu xay, và mực vòng đông lạnh thuộc đối tượng chịu thuế nào ?
Trả lời:

Chi cục thuế KV Từ Sơn – Yên Phong trả lời vấn đề này như sau:

Tại Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành luật thuế GTGT và Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều luật thuế GTGT ( đã được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/02/2015 của Bộ Tài chính) có quy định:

“ Điều 4. Đối tượng không chịu thuế GTGT

1.Sản phẩm trồng trọt (bao gồm cả sản phẩm rừng trồng), chăn nuôi, thủy sản, hải sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường của tổ chức, cá nhân tự sản xuất, đánh bắt bán ra và ở khâu nhập khẩu.

Các sản phẩm mới qua sơ chế thông thường là sản phẩm mới được làm sạch, phơi, sấy khô, bóc vỏ, xay, xay bỏ vỏ, xát bỏ vỏ, tách hạt, tách cọng, cắt, ướp muối, bảo quản lạnh (ướp lạnh, đông lạnh), bảo quản bằng khí sunfuro, bảo quản theo phương thức cho hóa chất để tránh thối rữa, ngâm trong dung dịch lưu huỳnh hoặc ngâm trong dung dịch bảo quản khác và các hình thức bảo quản thông thường khác.

    ….

           Điều 5. Các trường hợp không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT

     …

      5. Doanh nghiệp, hợp tác xã nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ bán sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, hải sản chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường cho doanh nghiệp, hợp tác xã ở khâu kinh doanh thương mại không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT. Trên hóa đơn GTGT, ghi dòng giá bán là giá không có thuế GTGT, dòng thuế suất và thuế GTGT không ghi, gạch bỏ.

  Trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ bán sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường cho các đối tượng khác như hộ, cá nhân kinh doanh và các tổ chức, cá nhân khác thì phải kê khai, tính nộp thuế GTGT theo mức thuế suất 5% hướng dẫn tại khoản 5 Điều 10 Thông tư này.

….

Điều 10. Thuế suất 5%

5. Sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, hải sản chưa qua chế biến hoặc chỉ qua sơ chế, bảo quản (hình thức sơ chế, bảo quản theo hướng dẫn tại khoản 1 Điều 4 Thông tư này) ở khâu kinh doanh thương mại, trừ các trường hợp hướng dẫn tại khoản 5 Điều 5 Thông tư này.

….

Căn cứ các quy định nêu trên, trường hợp công ty nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ bán mặt hàng trứng vịt lộn, tiêu xay, mực vòng đông lạnh là những mặt hàng còn nguyên vỏ, mới qua sơ chế, bảo quản thông thường (đông lạnh) cho doanh nghiệp, hợp tác xã ở khâu kinh doanh thương mại thì không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT. Trường hợp công ty bán trực tiếp sản phẩm trên cho các đối tượng khác như hộ, cá nhân kinh doanh và các tổ chức cá nhân khác thì kê khai nộp thuế GTGT theo mức thuế suất thuế GTGT là 5% theo hướng dẫn tại Khoản 5, Điều 10, Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính.

Trân trọng cám ơn!

Tên người hỏi: Nguyễn Thị Lý, Tên doanh nghiệp/tổ chức: Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Quỳnh Ngọc Trúc, Email: nndattq@gmail.com, Mst: 2300897352-73–8
Công ty tôi năm 2020 đang kê khai thuế GTGT theo tháng, thuế TNCN theo quý. Sang năm 2021 theo quy định mới công ty chuyển kê khai thuế GTGT theo tháng thì sẽ kê khai thuế TNCN theo tháng, tuy nhiên do nhầm lẫn kế toán lại tiếp tục kê khai thuế TNCN theo quý. Trường hợp công ty tôi phát hiện ra lỗi nhầm lẫn kê khai này, công ty tôi cần thực hiện kê khai lại như thế nào? Kính mong Chi cục thuế giải đáp thắc mắc cho chúng tôi được biết. Trân trọng cảm ơn!
Trả lời:

Chi cục Thuế khu vực Từ Sơn – Yên Phong trả lời như sau:

Căn cứ điểm c khoản 2 điều 9 Nghị định 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020

“…Trường hợp người nộp thuế tự phát hiện không đủ điều kiện khai thuế theo quý thì người nộp thuế phải thực hiện khai thuế theo tháng kể từ tháng đầu của quý tiếp theo. Người nộp thuế không phải nộp lại hồ sơ khai thuế theo tháng của các quý trước đó nhưng phải nộp Bản xác định số tiền thuế phải nộp theo tháng tăng thêm so với số đã kê khai theo quý quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này và phải tính tiền chậm nộp theo quy định.”

Căn cứ quy định trên

Trường hợp Công ty tự phát hiện không đủ điều kiện khai thuế theo quý thì Công ty phải thực hiện khai thuế theo tháng kể từ tháng đầu của quý tiếp theo. Công ty không phải nộp lại hồ sơ khai thuế theo tháng của các quý trước đó nhưng phải nộp Bản xác định số tiền thuế phải nộp theo tháng tăng thêm so với số đã kê khai theo quý quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 126/2020/NĐ-CP và phải tính tiền chậm nộp theo quy định.

              Trân trọng cảm ơn!

Tên người hỏi: Nguyễn Văn Tuấn, Tên doanh nghiệp/tổ chức: Công Ty TNHH Tư Vấn Đầu Tư Xây Dựng Quế Giang, Email: nhung842764@gmail.com, Mst: 2300685982-72–9
Năm 2020 Doanh nghiệp chúng tôi phải tạm ngừng hoạt động 04 tháng (từ tháng 07 đến tháng 10) do ảnh hưởng của Covid. Vậy chi phí khấu hao TSCĐ trong thời gian doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động có được tính là chi phí hợp lý khi xác định thu nhập chịu thuế năm 2020 hay không?
Trả lời:

Chi cục Thuế khu vực Từ Sơn – Yên Phong trả lời như sau:

Tại Tiết e khoản 2.2 điểm 2 Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/06/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế thu nhập doanh nghiệp tại Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12/2/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành luật sửa đổi bổ sung một số điều của các nghị định về thuế và sửa đổi, bổ sung điều 6 của Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/06/2014, thông tư 119/2014/TT-BTC ngày 25/08/2014, thông tư 151/TT-BTC ngày 10/10/2014 của Bộ Tài chính quy định về chi phí được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế

Căn cứ vào công văn số 12452/BTC-TCT ngày 9/10/2020 của Bộ Tài chính trả lời công văn số 082020/CV-NIVC ngày 12/8/2020 của Công ty TNHH công nghiệp Nishina Việt Nam về chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp, Bộ Tài chính có ý kiến như sau:

– Trường hợp tài sản cố định thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp đang dùng cho sản xuất kinh doanh nhưng phải tạm thời dừng do sản xuất theo mùa vụ với thời gian dưới 09 tháng; tạm thời dừng để sửa chữa, để di dời di chuyển địa điểm, để bảo trì, bảo dưỡng theo định kỳ, với thời gian dưới 12 tháng, sau đó tài sản cố định tiếp tục đưa vào phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh thì trong khoảng thời gian tạm dừng đó, doanh nghiệp được trích khấu hao và khoản chi phí khấu hao tài sản cố định trong thời gian tạm dừng được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.

Doanh nghiệp phải lưu giữ và cung cấp đầy đủ hồ sơ, lý do của việc tạm dừng tài sản cố định khi cơ quan thuế yêu cầu.

Như vậy, do ảnh hưởng của dịch covid-19 dẫn tới doanh nghiệp gặp khó khăn phải tạm dừng hoạt động một số tài sản cố định dưới 9 tháng trong kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020, sau đó tài sản cố định tiếp tục đưa vào phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh thì thuộc trường hợp tạm thời dừng do sản xuất theo mùa vụ quy định tại điểm 2.2 khoản 2 Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính. Vậy chi phí khấu hao TSCĐ trong thời gian doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động được tính là chi phí hợp lý khi xác định thu nhập chịu thuế năm 2020.

Trân trọng cảm ơn./.

Tên người hỏi: Nguyễn Thụ Đoàn, Tên doanh nghiệp/tổ chức: Công ty TNHH Minh Đại, Email: doan.minhdai@gmail.com, Mst: 2300285021-69–10
Xin hỏi! Công ty chúng tôi có chi phí tài trợ dịch Covid bằng hàng hoá, hiện vật, chi phí đủ điều kiện được khấu trừ thuế GTGT. Vậy xin hỏi, khoản chi phí này có được kê khai khấu trừ thuế VAT đầu vào không hay hạch toán hết vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN?
Trả lời:

Chi cục thuế KV Từ Sơn – Yên Phong trả lời như sau:

Căn cứ quy định tại Nghị định số Nghị định số 44/2021/NĐ-CP ngày 31 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ hướng dẫn thực hiện về chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19. Trường hợp, Công ty chi tiền, ủng hộ hiện vật cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 đúng đơn vị nhận ủng hộ, tài trợ và có đầy đủ hồ sơ theo quy định tại Nghị định này thì Công ty được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN tổng giá trị khoản ủng hộ, tài trợ. Tổng giá trị khoản ủng hộ, tài trợ được quy đổi căn cứ tổng giá trị tiền và hiện vật trên hóa đơn, chứng từ khoản ủng hộ, tài trợ.

Trân trọng cám ơn!

Tên người hỏi: Nguyễn Quang Huy, , Email: shop.m3b@gmail.com, Mst: 2300547554-69–11
Tôi thường trú tại khu phố Minh Khai, phường Đông Ngàn, mở shop kinh doanh quần áo tại chợ Ba Gia, phường Đình Bảng. Tôi có đầy đủ đăng ký hộ kinh doanh, đăng ký thuế và tôi cũng đã chấp hành việc đóng cửa shop, ngừng kinh doanh theo yêu cầu của thị xã Từ Sơn để phòng, chống dịch Covid-19. Nay tôi có nhu cầu hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, tôi đã làm đủ hồ sơ đề nghị hỗ trợ nhưng đang băn khoăn chưa rõ phải nộp hồ sơ về phường Đông Ngàn hay nộp về phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn? Rất mong nhận được giải đáp của Chi cục thuế khu vực Từ Sơn – Yên Phong.
Trả lời:

Chi cục thuế khu vực Từ Sơn – Yên Phong trả lời như sau:

Theo quy định tại khoản 1, Điều 37 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, quy định:

“Điều 37. Hồ sơ, trình tự, thủ tục thực hiện

1. Hộ kinh doanh gửi đề nghị hỗ trợ theo Mẫu số 11 tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định này đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có địa điểm kinh doanh. Thời hạn tiếp nhận hồ sơ chậm nhất đến hết ngày 31 tháng 01 năm 2022.”

Căn cứ quy định trên, hồ sơ đề nghị hỗ trợ khó khăn đối với cửa hàng bị ngừng kinh doanh tại chợ Ba Gia, người nộp thuế gửi đến UBND phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn để được xem xét giải quyết.

Trân trọng cảm ơn!

Tên người hỏi: Nguyễn Kim Sơn, , Email: nkson@gmail.com, Mst: 8144384217-68–12
Gia đình nhà tôi có mảnh đất đã có nhà để ở do cha ông để lại với diện tích 275m2, năm 1999 gia đình tôi có đề nghị và được công nhận quyền sử dụng đất ở với diện tích 120m2 và có làm tách thửa, diện tích còn lại ghi trên giấy chứng nhận là đất vườn. Nay con trai tôi lấy vợ nên gia đình tôi đã làm nhà trên diện tích ghi trên giấy chứng nhận là đất vườn 155m2. Gia đình tôi mong muốn được nhà nước công nhận phần diện tích 155m2 là đất ở cho con tôi. Gia đình tôi muốn hỏi nếu được nhà nước cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất vườn sang đất ở cho phần diện tích 155m2 thì gia đình tôi phải nộp những khoản tiền gì?
Trả lời:

Chi cục thuế khu vực Từ Sơn – Yên Phong trả lời như sau:

Căn cứ vào tiết a khoản 2 điều 5 nghị định 45/2014/NĐ- CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính Phủ quy định về thu tiền sử dụng đất như sau:

“2. Đối với hộ gia đình, cá nhân:

a) Chuyển từ đất vườn, ao trong cùng thửa đất có nhà ở thuộc khu dân cư không được công nhận là đất ở theo quy định tại Khoản 6 Điều 103 Luật Đất đai sang làm đất ở; chuyển từ đất có nguồn gốc là đất vườn, ao gắn liền nhà ở nhưng người sử dụng đất tách ra để chuyển quyền hoặc do đơn vị đo đạc khi đo vẽ bản đồ địa chính từ trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 đã tự đo đạc tách thành các thửa riêng sang đất ở thì thu tiền sử dụng đất bằng 50% chênh lệch giữa tiền sử dụng đất tính theo giá đất ở với tiền sử dụng đất tính theo giá đất nông nghiệp tại thời điểm có quyết định chuyển mục đích của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.”

Căn cứ quy định trên, gia đình ông bà sẽ phải nộp tiền sử dụng đất bằng 50% chênh lệch giữa tiền sử dụng đất tính theo giá đất ở với tiền sử dụng đất tính theo giá đất nông nghiệp tại thời điểm có quyết định chuyển mục đích của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và tiền lệ phí trước bạ theo quy định.

Trân trọng cảm ơn!

Tên người hỏi: Công ty TNHH Thảo Dược Ánh Dương, , Email: lienhe.sunthao@gmail.com, Mst: 2301153758-67–13
Ngày 19/9/2021 Công ty TNHH Thảo Dược Ánh Dương đã nộp tờ khai thuế GTGT kỳ kê khai tháng 8/2021, ngày 20/9/2021DN phát hiện sót hóa đơn bán ra, Công ty có được nộp tờ khai kỳ tháng 8/2021 thay thế hay không?
Trả lời:

Chi cục Thuế khu vực Từ Sơn- Yên Phong trả lời như sau:

Căn cứ khoản 4, điều 7 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế. NNT được nộp HSKT bổ sung cho từng HSKT nếu phát hiện HSKT lần đầu đã nộp cho cơ quan thuế có sai, sót nhưng chưa hết thời hạn nộp HSKT của kỳ tính thuế có sai, sót.

Căn cứ quy định trên Công ty TNHH Thảo Dược Ánh Dương không được làm tờ khai thay thế, Công ty sẽ làm tờ khai GTGT kỳ tháng 8/2021 bổ sung lần thứ 1. Nếu khai bổ sung dẫn đến tăng hoặc giảm số thuế còn được khấu trừ chuyền kỳ sau thì Công ty sẽ tổng hợp vào chỉ tiêu 37.38 của kỳ thuế tháng 9/2021.

Trân trọng cảm ơn!

Tên người hỏi: Công ty TNHH TM Đức Vinh Kinh Bắc, , Email: Phungphuong2006@gmail.com, Mst: 2301178054-66–14
Trong quý 3/2021 Công ty TNHH TM Đức Vinh Kinh Bắc không phát sinh chi trả tiền lương có phải nộp tờ khai thuế TNCN mẫu 05/KK-TNCN không? Trường hợp Qúy 4/2021 Công ty có phát sinh chi trả tiền lương nhưng không phát sinh khấu trừ thuế TNCN thì có phải kê khai thuế TNCN 05/KK-TNCN?
Trả lời:

Chi cục Thuế khu vực Từ Sơn- Yên Phong trả lời như sau:

Căn cứ Luật quản lý thuế số 38/2019/QH14 và Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế.

Căn cứ công văn số 2393/TCT-DNNCN của Tổng cục thuế về việc khai thuế TNCN. Chỉ trường hợp DN phát sinh trả thu nhập chịu thuế TNCN mới thuộc diện phải khai thuế TNCN (mẫu số 05/KK-TNCN). Do đó, trường hợp DN không phát sinh trả thu nhập chịu thuế TNCN tháng/quý nào thì không phải khai thuế TNCN của tháng/quý đó.

Căn cứ các quy định trên, Công ty TNHH TM Đức Vinh Kinh Bắc quý 3/2021 không phát sinh chi trả tiền lương cho người lao động Công ty không phải nộp TK TNCN mẫu 05/KK-TNCN, trường hợp quý 4/2021 Công ty có phát sinh chi trả tiền lương nhưng không phát sinh khấu trừ thuế TNCN Công ty vẫn phải kê khai tờ khai thuế TNCN quý 4/2021 (mẫu số 05/KK-TNCN).

Trân trọng cảm ơn!

Tên người hỏi: Đàm Thị Thu Hương, Tên doanh nghiệp/tổ chức: Công ty Cổ phần Dược Liệu Ninh Hiệp, Email: duoclieuninhhiep@gmail.com, Mst: 0106565962-65–15
Công ty chúng tôi có mua dược liệu hàng Nam của một số bà con nông dân tự trồng, chi phí thu mua lên tới trên 100 triệu/năm cho một hộ, khi mua chúng tôi có lập bảng kê số 01 thuế TNDN và chi trả cho họ hoàn toàn bằng tiền mặt. Vậy xin hỏi tất cả chi phí đầu vào như thế thì chúng tôi có được khấu trừ hợp lệ khi tính thuế TNDN hay không ?
Trả lời:

Chi cục Thuế khu vực Từ Sơn – Yên Phong có ý kiến như sau:

Theo điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC ngày 22/06/2015 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 quy định về các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN như sau:

“….

2.4. Chi phí của doanh nghiệp mua hàng hóa, dịch vụ (không có hóa đơn, được phép lập Bảng kê thu mua hàng hóa, dịch vụ mua vào theo mẫu số 01/TNDN kèm theo Thông tư số 78/2014/TT-BTC) nhưng không lập Bảng kê kèm theo chứng từ thanh toán cho người bán hàng, cung cấp dịch vụ trong các trường hợp:

– Mua hàng hóa là nông, lâm, thủy sản của người sản xuất, đánh bắt trực tiếp bán ra;

– Mua sản phẩm thủ công làm bằng đay, cói, tre, nứa, lá, song, mây, rơm, vỏ dừa, sọ dừa hoặc nguyên liệu tận dụng từ sản phẩm nông nghiệp của người sản xuất thủ công không kinh doanh trực tiếp bán ra;

– Mua đất, đá, cát, sỏi của hộ, cá nhân tự khai thác trực tiếp bán ra;

– Mua phế liệu của người trực tiếp thu nhặt;

– Mua tài sản, dịch vụ của hộ, cá nhân không kinh doanh trực tiếp bán ra;

– Mua hàng hóa, dịch vụ của cá nhân, hộ kinh doanh (không bao gồm các trường hợp nêu trên) có mức doanh thu dưới ngưỡng doanh thu chịu thuế giá trị gia tăng (100 triệu đồng/năm).

Bảng kê thu mua hàng hóa, dịch vụ do người đại diện theo pháp luật hoặc người được ủy quyền của doanh nghiệp ký và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực. Doanh nghiệp mua hàng hóa, dịch vụ được phép lập Bảng kê và được tính vào chi phí được trừ. Các khoản chi phí này không bắt buộc phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt. Trường hợp giá mua hàng hóa, dịch vụ trên bảng kê cao hơn giá thị trường tại thời điểm mua hàng thì cơ quan thuế căn cứ vào giá thị trường tại thời điểm mua hàng, dịch vụ cùng loại hoặc tương tự trên thị trường xác định lại mức giá để tính lại chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.

Như vậy khoản chi phí mua mua dược liệu hàng Nam của một số bà con nông dân tự trồng trong năm của mỗi hộ trên 100 triệu và thanh toán bằng tiền mặt nếu đáp ứng đủ điều kiện nêu trên thì được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.

Hồ sơ doanh nghiệp dùng để hạch toán gồm:

– Bảng kê thu mua hàng hóa, dịch vụ mua vào theo mẫu số 01/TNDN kèm theo Thông tư số 78/2014/TT-BTC.

– Có chứng  từ thanh toán.

Trân trọng cảm ơn!

Tên người hỏi: Nguyễn Thị Vân Anh, Tên doanh nghiệp/tổ chức: CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG VÀ THƯƠNG MẠI HOÀNG THÀNH, Email: manhninh93ts@gmail.com, Mst: 2300351203-64–16
Công ty xây dựng thi công công trình có mua nguyên vật liệu là cát đá sỏi lòng sông. Theo nghị định Số: 23/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2020 Quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông. Câu hỏi: – Hồ sơ đi kèm với hóa đơn GTGT ngoài hợp đồng, biên bản giao nhận, UNC nếu giá trị >=20 triệu thì cần bổ sung thêm những gì để chi phí được tính vào giá vốn và được khấu trừ thuế GTGT. – Khối lượng cát đá sỏi bao nhiêu M3 thì cần hồ sơ nguồn gốc chứng minh.
Trả lời:

Chi cục thuế KV Từ Sơn – Yên Phong trả lời như sau:

Căn cứ Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC ngày  22/6/2015 của Bộ Tài chính quy định:

Điều 6. Các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế

1. Trừ các khoản chi không được trừ nêu tại Khoản 2 Điều này, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:

a) Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

b) Khoản chi có đủ hoá đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.

c) Khoản chi nếu có hoá đơn mua hàng hoá, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.

Chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt thực hiện theo quy định của các văn bản pháp luật về thuế giá trị gia tăng.

Trường hợp mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ hai mươi triệu đồng trở lên ghi trên hóa đơn mà đến thời điểm ghi nhận chi phí, doanh nghiệp chưa thanh toán thì doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế. Trường hợp khi thanh toán doanh nghiệp không có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt thì doanh nghiệp phải kê khai, điều chỉnh giảm chi phí đối với phần giá trị hàng hóa, dịch vụ không có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt vào kỳ tính thuế phát sinh việc thanh toán bằng tiền mặt (kể cả trong trường hợp cơ quan thuế và các cơ quan chức năng đã có quyết định thanh tra, kiểm tra kỳ tính thuế có phát sinh khoản chi phí này).

…”

Trường hợp Công ty mua nguyên vật liệu là cát, đá, sỏi lòng sông  của tổ chức, cá nhân được phép khai thác, kinh doanh  theo quy định tại Nghị định 23/2020/NĐ-CP ngày 24/02/2020 của Chính phủ nếu đáp ứng các quy định tại Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC ngày  22/6/2015 của Bộ Tài chính thì được tính vào chi phí được trừ.

Trân trọng cảm ơn!

Tên người hỏi: Huỳnh Quang Nam, Tên doanh nghiệp/tổ chức: Công ty cổ phần tư vấn xây dựng Tràng An, Email: vuthanh1205@gmail.com, Mst: 2300384022-62–17
Doanh nghiệp chúng tôi hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, thuộc đối tượng được gia hạn nộp thuế theo quy định của Nghị định 52/2021/NĐ-CP. Trong năm 2020, 2021 DN gặp khó khăn về tài chính, đến ngày 30/07/2021, doanh nghiệp chưa có nguồn để nộp số tiền thuế GTGT phát sinh từ quý 2/2020 đã được gia hạn theo Nghị định số 41/2020/NĐ-CP. Ngày 30/07/2021, DN chúng tôi đã gửi Giấy đề nghị gia hạn nộp thuế cho số thuế GTGT phát sinh của quý 1 năm 2021 theo quy định của Nghị định 52/2021/NĐ-CP nhưng không được cơ quan thuế chấp nhận. điều đó đúng hay sai?
Trả lời:

            Chi cục Thuế khu vực Từ Sơn – Yên Phong trả lời như sau:

            Theo quy định tại khoản 1 Điều 4 của Nghị định 52/2021/NĐ-CP, quy định về Trình tự, thủ tục gia hạn.

            “1. Người nộp thuế trực tiếp kê khai, nộp thuế với cơ quan thuế thuộc đối tượng được gia hạn gửi Giấy đề nghị gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất lần đầu hoặc thay thế khi phát hiện có sai sót (bằng phương thức điện tử; gửi bản giấy trực tiếp đến cơ quan thuế hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính) theo Mẫu tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp một lần cho toàn bộ các kỳ của các sắc thuế và tiền thuê đất được gia hạn cùng với thời điểm nộp hồ sơ khai thuế theo tháng (hoặc theo quý) theo quy định pháp luật về quản lý thuế. Trường hợp Giấy đề nghị gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất không nộp cùng với thời điểm nộp hồ sơ khai thuế tháng (hoặc theo quý) thì thời hạn nộp chậm nhất là ngày 30 tháng 7 năm 2021, cơ quan quản lý thuế vẫn thực hiện gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất của các kỳ phát sinh được gia hạn trước thời điểm nộp Giấy đề nghị gia hạn.

………..

Để được gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất theo quy định tại Nghị định này, người nộp thuế phải nộp đủ các khoản tiền thuế, tiền thuê đất đã được gia hạn nộp thuế theo quy định tại Nghị định số 41/2020/NĐ-CP và tiền chậm nộp phát sinh tương ứng (nếu có) vào ngân sách nhà nước trước ngày 30 tháng 7 năm 2021”.

Căn cứ quy định nêu trên, do đến hết ngày 30/07/2021 doanh nghiệp đang còn nợ tiền thuế GTGT phát sinh của quý 2/2020 được gia hạn theo quy định tại Nghị định số 41/2020/NĐ-CP nên doanh nghiệp không được gia hạn số thuế GTGT phát sinh của quý 1 năm 2021 theo quy định của Nghị định 52/2021/NĐ-CP

          Trân trọng cảm ơn./.

Tên người hỏi: Nguyễn Thị Uyên, Tên doanh nghiệp/tổ chức: Công Ty Vương Nhâm – TNHH, Email: noptokhai.tct@gmail.com, Mst: 2300233256-62–18
Đơn vị chúng tôi có hoạt động sản xuất Pallet gỗ. Nguyên liệu là Nan gỗ keo đã được người dân sơ chế thành khí. Đơn vị chúng tôi mua trực tiếp của người trồng và người trồng chưa thành lập hộ kinh doanh, không xuất hoá đơn để làm căn cứ hạch toán. Khi mua đơn vị chúng tôi làm bảng kê thu mua theo thông tư 78. Mặt hành Nan keo có bị khống chế mức dưới 100 triệu theo thông tư 96 và bảng kê trên 20 triệu chúng tôi thanh toán bằng tiền mặt có được không. Hồ sơ đính kèm bảng kê thu mua gồm những gì.
Trả lời:

Chi cục Thuế khu vực Từ Sơn – Yên Phong trả lời như sau:

Trường hợp Công ty mua gỗ keo của các cá nhân được Nhà nước giao đất hoặc cho thuê đất để trồng cây gỗ keo để bán cho các đơn vị sản xuất Pallet gỗ (cây gỗ đã được xẻ thành nan), nếu doanh thu của các cá nhân trong năm từ 100 triệu đồng trở xuống thì Công ty căn cứ hợp đồng mua bán hoặc lập bảng kê thu mua hàng chứng từ chi tiền để tính chi phí được trừ theo quy định tại Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính.

Trường hợp Công ty mua gỗ keo của các cá nhân nêu trên, nếu doanh thu trong năm trên 100 triệu đồng, thì các cá nhân phải thực hiện đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế, kê khai nộp thuế theo hướng dẫn tại Thông tư 40/2021/TT-BTC ngày 01/6/2021 của Bộ Tài chính, thực hiện thủ tục mua, cấp hóa đơn với cơ quan quản lý thuế trực tiếp theo hướng dẫn tại Thông tư 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính để xuất trả cho Công ty làm căn cứ tính chi phí được trừ. Nếu giá trị thanh toán từ 20 triệu đồng trở lên thì Công ty phải thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt.

               Trân trọng cảm ơn./.

Tên người hỏi: Nguyễn thị Hiền, , Email: nguyenyen225@gmail.com, Mst: 2300238310-63–19
CÔNG TY CỔ PHẦN X THỰC HIỆN CHUYỂN NHƯỢNG VỐN CỦA CÁC CỔ ĐÔNG ( CÁC CỔ ĐÔNG LÀ CÁC CÔNG TY A, B, C): A. MỨC GIÁ ĐỂ XÁC ĐỊNH TÍNH THUẾ THU NHẬP CHUYỂN NHƯỢNG LÀ CĂN CỨ THEO GIÁ NÀO: TRƯỜNG HỢP CTY CP , NĂM 2016 CÁC THÀNH VIÊN (CÔNG TY A, B, C) MUA CỔ PHẦN THEO HỢP ĐỒNG CHUYỂN NHƯỢNG LÀ 33 TỶ, NHƯNG KHI ĐÓ TIẾP NHẬN SỔ SÁCH CÔNG TY THÌ VỐN ĐIỀU LỆ LÀ 80 TỶ, ĐẾN HIỆN TẠI CÁC THÀNH VIÊN MUỐN CHUYỂN NHƯỢNG VỐN SANG CHO CÁ NHÂN KHÁC THÌ MỨC GIÁ ĐỂ XÁC ĐỊNH TÍNH THUẾ THU NHẬP CHUYỂN NHƯỢNG HIỆN TẠI LÀ MỨC NÀO ? B. BÊN NHẬN CHUYỂN NHƯỢNG SẼ THANH TOÁN TIỀN CHUYỂN NHƯỢNG VÀO CÔNG TY CP X HAY VÀO CÔNG TY THÀNH VIÊN CHUYỂN NHƯỢNG ( A, B, C)?; C. SAU KHI CHUYỂN NHƯỢNG THÌ NGHĨA VỤ VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC BÊN NHƯ THẾ NÀO ?: BÊN CHUYỂN NHƯỢNG CÁC CÔNG TY THÀNH VIÊN A/B/C, CÔNG TY CỔ PHẦN X VÀ CÁ NHÂN NHẬN CHUYỂN NHƯỢNG.
Trả lời:

Chi cục Thuế khu vực Từ Sơn – Yên Phong trả lời như sau:

Căn cứ quy định tại điều 14 Thông tư số 78/2014/TT-BTC hướng dẫn về thuế TNDN:

“Điều 14. Thu nhập từ chuyển nhượng vốn:

2. Căn cứ tính thuế:

a) Thu nhập tính thuế từ chuyển nhượng vốn được xác định:

Thu nhập tính thuế = Giá
chuyển nhượng
Giá mua
của phần vốn chuyển nhượng
Chi phí
chuyển nhượng

Trong đó:

– Giá chuyển nhượng được xác định là tổng giá trị thực tế mà bên chuyển nhượng thu được theo hợp đồng chuyển nhượng.

Trường hợp hợp đồng chuyển nhượng vốn quy định việc thanh toán theo hình thức trả góp, trả chậm thì doanh thu của hợp đồng chuyển nhượng không bao gồm lãi trả góp, lãi trả chậm theo thời hạn quy định trong hợp đồng.

Trường hợp hợp đồng chuyển nhượng không quy định giá thanh toán hoặc cơ quan thuế có cơ sở để xác định giá thanh toán không phù hợp theo giá thị trường, cơ quan thuế có quyền kiểm tra và ấn định giá chuyển nhượng. Doanh nghiệp có chuyển nhượng một phần vốn góp trong doanh nghiệp mà giá chuyển nhượng đối với phần vốn góp này không phù hợp theo giá thị trường thì cơ quan thuế được ấn định lại toàn bộ giá trị của doanh nghiệp tại thời điểm chuyển nhượng để xác định lại giá chuyển nhượng tương ứng với tỷ lệ phần vốn góp chuyển nhượng.

Căn cứ ấn định giá chuyển nhượng dựa vào tài liệu điều tra của cơ quan thuế hoặc căn cứ giá chuyển nhượng vốn của các trường hợp khác ở cùng thời gian, cùng tổ chức kinh tế hoặc các hợp đồng chuyển nhượng tương tự tại thời điểm chuyển nhượng. Trường hợp việc ấn định giá chuyển nhượng của cơ quan thuế không phù hợp thì được căn cứ theo giá thẩm định của các tổ chức định giá chuyên nghiệp có thẩm quyền xác định giá chuyển nhượng tại thời điểm chuyển nhượng theo đúng quy định.

Doanh nghiệp có hoạt động chuyển nhượng vốn cho tổ chức, cá nhân thì phần giá trị vốn chuyển nhượng theo hợp đồng chuyển nhượng có giá trị từ hai mươi triệu đồng trở lên phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt. Trường hợp việc chuyển nhượng vốn không có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt thì cơ quan thuế có quyền ấn định giá chuyển nhượng.

– Giá mua của phần vốn chuyển nhượng được xác định đối với từng trường hợp như sau:

+ Nếu là chuyển nhượng vốn góp thành lập doanh nghiệp là giá trị phần vốn góp trên cơ sở sổ sách, hồ sơ, chứng từ kế toán tại thời điểm chuyển nhượng vốn và được các bên tham gia đầu tư vốn hoặc tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh xác nhận, hoặc kết quả kiểm toán của công ty kiểm toán độc lập đối với doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài.

+ Nếu là phần vốn do mua lại thì giá mua là giá trị vốn tại thời điểm mua. Giá mua được xác định căn cứ vào hợp đồng mua lại phần vốn góp, chứng từ thanh toán.

Trường hợp phần vốn doanh nghiệp góp hoặc mua lại có nguồn gốc một phần do vay vốn thì giá mua của phần vốn chuyển nhượng bao gồm cả các khoản chi phí trả lãi tiền vay để đầu tư vốn.

…”

Căn cứ quy định trên thì:

(1) Giá chuyển nhượng được xác định là tổng giá trị thực tế mà bên chuyển nhượng thu được theo hợp đồng chuyển nhượng, trường hợp Công ty bán không đúng với giá thị trường thì Cơ quan Thuế có quyền ấn định theo quy định của pháp luật.

          (2) Giá mua của phần vốn chuyển nhượng  là giá trị vốn tại thời điểm mua (33 tỷ đồng). Giá mua được xác định căn cứ vào hợp đồng mua lại phần vốn góp, chứng từ thanh toán.

          (3) Các công ty có hoạt động chuyển nhượng vốn cho tổ chức, cá nhân thì phần giá trị vốn chuyển nhượng theo hợp đồng chuyển nhượng có giá trị từ hai mươi triệu đồng trở lên phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt. Trường hợp việc chuyển nhượng vốn không có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt thì cơ quan thuế có quyền ấn định giá chuyển nhượng.

          (4) Sau khi chuyển nhượng thì nghĩa vụ của các bên như sau:

          -Bên chuyển nhượng (Bên Công ty A,B,C) phải kê khai thuế TNDN đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn.

          – CÔNG TY CỔ PHẦN X có trách nhiệm đăng ký lại thành viên góp vốn với cơ quan nhà nước theo quy định.

Trân trọng cảm ơn!

Tên người hỏi: Ngô Thị Lan, , Email: lanngo.vn@gmail.com, Mst: 2301689988-62–20
Gia đình tôi đăng ký hộ kinh doanh, đã nộp thuế theo phương pháp khoán. Năm 2021 do tình hình dịch covid diễn biến phức tạp, tôi phải tạm ngừng kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan chức năng nên hầu như không bán được hàng, doanh thu giảm. Vậy tôi có được giảm mức thuế khoán để phù hợp với tình hình thực tế không?
Trả lời:

Chi cục thuế khu vực Từ Sơn – Yên Phong trả lời như sau:
Căn cứ Thông tư 40/2021/TT-BTC ngày 1/6/2021 của Bộ Tài chính hướng dẫn thuế GTGT, thuế TNCN và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh:
“Điều 13. Quản lý thuế đối với hộ khoán
4. Xác định doanh thu và mức thuế khoán
b) Điều chỉnh doanh thu và mức thuế khoán
Hộ khoán trong năm có đề nghị điều chỉnh doanh thu, mức thuế khoán do thay đổi hoạt động kinh doanh thì cơ quan thuế điều chỉnh lại mức thuế khoán theo quy định tại khoản 3 Điều 51 Luật Quản lý thuế kể từ thời điểm có thay đổi. Cụ thể như sau:
b.1) Hộ khoán thay đổi quy mô kinh doanh (diện tích kinh doanh, lao động sử dụng, doanh thu) thì phải khai điều chỉnh, bổ sung Tờ khai thuế theo mẫu số 01/CNKD ban hành kèm theo Thông tư này. Cơ quan thuế căn cứ hồ sơ khai thuế của hộ khoán, cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế nếu xác định doanh thu khoán thay đổi từ 50% trở lên so với doanh thu đã khoán thì ban hành Thông báo (mẫu số 01/TB-CNKD ban hành kèm theo Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ) về việc điều chỉnh mức thuế khoán kể từ thời điểm có thay đổi trong năm tính thuế. Trường hợp qua cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế, số liệu xác minh, kiểm tra, thanh tra, cơ quan thuế có căn cứ xác định hộ khoán không đáp ứng điều kiện để được điều chỉnh mức thuế khoán theo quy định thì cơ quan thuế ban hành Thông báo về việc không điều chỉnh mức thuế khoán theo mẫu số 01/TBKĐC-CNKD ban hành kèm theo Thông tư này.
b.4) Hộ khoán ngừng hoặc tạm ngừng kinh doanh thì hộ khoán thực hiện thông báo khi ngừng hoặc tạm ngừng kinh doanh theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ. Cơ quan thuế căn cứ vào thông báo của hộ khoán hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại Điều 37 Luật Quản lý thuế để điều chỉnh mức thuế khoán như sau:
b.4.2) Đối với hộ khoán đã được thông báo chấp thuận tạm ngừng kinh doanh: nếu hộ khoán tạm ngừng kinh doanh trọn tháng của năm dương lịch thì tiền thuế khoán của tháng đó được điều chỉnh giảm toàn bộ; nếu hộ khoán tạm ngừng kinh doanh từ 15 ngày liên tục trở lên trong một tháng của năm dương lịch thì tiền thuế khoán phải nộp của tháng đó được điều chỉnh giảm 50%.”

Từ quy định nêu trên:
Nếu hộ kinh doanh tạm ngưng/nghỉ kinh doanh thì nộp hồ sơ miễn giảm đến chi cục thuế để được miễn giảm thuế theo quy định (mẫu 23/ĐK-TCT – thông tư 105/2020/TT-BTC)
Nếu hộ kinh doanh vẫn tiếp tục kinh doanh nhưng gặp khó khăn do tình hình dịch bệnh Covid 19, doanh thu giảm sút thì hộ kinh doanh gửi văn bản đến Bộ phận một cửa tại Chi cục thuế để được xem xét, điều chỉnh mức thuế khoán phải nộp. Cơ quan thuế sẽ thực hiện xác minh, kiểm tra tại trụ sở của NNT, nếu doanh thu khoán giảm từ 50% trở lên so với doanh thu đã khoán thì NNT được điều chỉnh giảm mức thuế khoán kể từ thời điểm có thay đổi trong năm tính thuế.
Trân trọng cảm ơn

Tên người hỏi: Nguyễn Thế Tuyển, Tên doanh nghiệp/tổ chức: Công ty TNHH Phú Đức, Email: phuduc.bn@gmail.com, Mst: 2300315967-61–21
Doanh nghiệp tôi đang bị cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn. Vậy khi cần xuất hóa đơn cho khách hàng để thực hiện các hợp đồng kinh tế đã ký kết trước đó phải làm như thế nào? Tôi xin chân thành cảm ơn!
Trả lời:

Chi cục Thuế khu vực Từ Sơn – Yên Phong trả như sau.

Căn cứ hướng dẫn tại công văn số: 5936/TCT-QLN ngày 21/12/2016, của Tổng cục Thuế về việc sử dụng hóa đơn lẻ thay thế Công văn số 1695/TCT-QLN, ban hành ngày 22/04/2016, quy định:

Trường hợp đang áp dụng biện pháp cưỡng chế thông báo hóa đơn không có giá trị sử dụng, nếu người nộp thuế có văn bản đề nghị sử dụng từng hóa đơn lẻ cho từng lô hàng, hạng mục công trình hoàn thành để có nguồn thanh toán tiền lương công nhân, thanh toán các khoản chi phí đảm bảo sản xuất kinh doanh được liên tục thì Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện tiếp tục cho người nộp thuế sử dụng từng hóa đơn lẻ với điều kiện người nộp thuế có văn bản cam kết thực hiện nộp ngay 18% doanh thu trên hóa đơn lẻ được sử dụng vào ngân sách nhà nước.

Nếu người nộp thuế vi phạm cam kết thì cơ quan thuế dừng ngay việc sử dụng hóa đơn lẻ của người nộp thuế”.

Căn cứ vào hướng dẫn nêu trên, khi doanh nghiệp của bạn đang bị cưỡng chế hóa đơn, cần xuất hóa đơn cho khách hàng để thực hiện các hợp đồng kinh tế đã ký kết trước đó để không bị ngưng trệ hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp nộp văn bản đề nghị sử dụng hóa đơn lẻ đến cơ quan thuế.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng: Doanh nghiệp đang bị cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn, khi được sử dụng hóa đơn lẻ thì phải tuân thủ đầy đủ quy định và cam kết. Nếu doanh nghiệp vi phạm cam kết thì cơ quan thuế sẽ dừng ngay việc sử dụng hóa đơn lẻ.

Trân trọng cảm ơn./.

Tên người hỏi: Nguyễn Thị Minh, Tên doanh nghiệp/tổ chức: CÔNG TY TNHH HƯƠNG PHÚC, Email: binhminhhp07@gmail.com, Mst: 2300539237-60–22
Công ty chúng tôi xin được hỏi: Trường hợp nào số thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ sẽ được tính hoặc không được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN?
Trả lời:

Chi cục thuế KV Từ Sơn – Yên Phong trả lời như sau:

Tại khoản 9, Điều 14 Thông tư số 219/2013/TT-BTC hướng dẫn như sau:

     Số thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ, cơ sở kinh doanh được hạch toán vào chi phí để tính thuế thu nhập doanh nghiệp hoặc tính vào nguyên giá của tài sản cố định, trừ số thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ mua vào từng lần có giá trị từ hai mươi triệu đồng trở lên không có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.

Trân trọng cám ơn!

Tên người hỏi: Phạm Văn Công, Tên doanh nghiệp/tổ chức: Công ty TNHH thép Hồng Công, Email: phamhongcong8@gmail.com, Mst: 2300936033-59–23
Doanh nghiệp tôi kê khai thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ có phát sinh việc mua hàng hóa tặng khách hàng. Vậy doanh nghiệp tôi có được khấu trừ thuế GTGT đầu vào và tính vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN với các hóa đơn nêu trên không?
Trả lời:

Chi cục Thuế khu vực Từ Sơn – Yên Phong trả lời như sau:

Thuế GTGT đầu vào của hàng hóa mua ngoài mà doanh nghiệp sử dụng để tặng khách hàng dưới các hình thức, phục vụ cho sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT nếu đáp ứng các điều kiện khấu trừ quy định tại khoản 10, điều 1, thông tư 26/2015/TT-BTC ngày 27/2/2015 thì được khấu trừ theo nguyên tắc quy định tại khoản 5, điều 14, thông tư 219/2013/TT-BTC.

          Khoản chi phí mua hàng hóa tặng khách hàng của doanh nghiệp nếu đáp ứng các điều kiện quy định tại điều 4, thông tư 96/2015/TT-BTC thì được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.

           Trường hợp này doanh nghiệp phải lập hóa đơn, kê khai, tính nộp thuế GTGT như hóa đơn xuất bán hàng hóa cho khách hàng, giá tính thuế GTGT được xác định theo giá bán của hàng hóa, dịch vụ cùng loại hoặc tương đương tại thời điểm phát sinh hoạt động tặng khách hàng.

Trân trọng cảm ơn./.

Tên người hỏi: Nguyễn Văn Hà, Tên doanh nghiệp/tổ chức: hộ kinh doanh Nguyễn Văn Hà, Email: vanhatsbn@gmail.com, Mst: 23001254417-57–24
Tôi là hộ kinh doanh đã được Phòng TCKH thị xã Từ Sơn cấp đăng ký kinh doanh và Chi cục thuế cấp đăng ký thuế. Tôi có đăng ký kinh doanh nhiều ngành nghề, mặt hàng, trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, thực hiện yêu cầu của UBND tỉnh BN, UBND thị xã Từ Sơn, tôi phải dừng hoạt động một trong số các hoạt động kinh doanh để đảm bảo phòng chống dịch bệnh. Vậy, trường hợp của tôi có được hỗ trợ theo NQ 68 và QĐ 23 của Thủ tướng hay không?
Trả lời:

Chi cục thuế khu vực Từ Sơn – Yên Phong trả lời như sau:

Theo quy định tại Điều 35 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, quy định:

“Điều 35. Đối tượng, điều kiện hỗ trợ

Hộ kinh doanh được hỗ trợ khi có đủ các điều kiện sau:

1. Có đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế.

2. Phải dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trở lên trong thời gian từ ngày 01 tháng 5 năm 2021 đến ngày 31 tháng 12 năm 2021 theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19”.

Trường hợp hộ kinh doanh kinh doanh nhiều lĩnh vực, bị tạm ngừng một lĩnh vực theo yêu cầu của UBND tỉnh Bắc Ninh, UBND thị xã Từ Sơn nhưng các lĩnh vực khác vẫn được phép hoạt động thì không đảm bảo điều kiện để xem xét, hỗ trợ.

Trường hợp hộ kinh doanh đăng ký kinh doanh nhiều lĩnh vực nhưng thực tế chỉ hoạt động một lĩnh vực và lĩnh vực hoạt động đó bị tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của UBND tỉnh Bắc Ninh, UBND thị xã Từ Sơn để phòng, chống dịch COVID-19 thì được xem xét, hỗ trợ.

Trân trọng cảm ơn!

Tên người hỏi: Nguyễn Mạnh Hà, Tên doanh nghiệp/tổ chức: Công ty TNHH phát triển giáo dục HA, Email: Manhha1404@gmail.com, Mst: 2301030192-57–25
Công ty tôi hoạt động trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo không chịu thuế GTGT đầu ra thì phần thuế GTGT đầu vào của hàng hóa dịch vụ phục vụ cho hoạt động này của Công ty tôi có được khấu trừ hay không? Trường hợp thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ thì xử lý như thế nào? Tôi xin chân thành cảm ơn!
Trả lời:

      Vấn đề này, Chi cục Thuế khu vực Từ Sơn – Yên Phong trả lời như sau:

      Căn cứ khoản 13, điều 4, thông tư 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013; điều 1 thông tư 26/2015/TT-BTC ngày 27/2/2015 của Bộ tài chính: Trường hợp công ty có hoạt động sản xuất kinh doanh HHDV thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT thì thuế GTGT đầu vào của HHDV sử dụng cho sản xuất, kinh doanh HHDV không chịu thuế GTGT không được khấu trừ thuế mà được hạch toán vào chi phí để tính thuế TNDN hoặc tính vào nguyên giá tài sản cố định, trừ số thuế GTGT của HHDV mua vào từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên, không có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.

   Trân trọng cảm ơn./.

Tên người hỏi: Nguyễn Văn Hoàng, Tên doanh nghiệp/tổ chức: Công Ty TNHH Kinh Doanh Và Đầu Tư Hoàng Nhật Quang, Email: congtyhoangnhatquang@gmail.com, Mst: 2300725579-56–26
Công ty chúng tôi bán sản phẩm mật ong đã lọc cặn bã rồi đóng thành chai thì áp dụng thuế GTGT như thế nào?
Trả lời:

Chi cục thuế KV Từ Sơn – Yên Phong trả lời như sau:

        – Tại Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Luật Thuế giá trị gia tăng và Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Thuế giá trị gia tăng (đã được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/02/2015 của Bộ Tài chính) có quy định:

          “Điều 4. Đối tượng không chịu thuế GTGT

          1. Sản phẩm trồng trọt (bao gồm cả sản phẩm rừng trồng), chăn nuôi, thủy sản, hải sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường của tổ chức, cá nhân tự sản xuất, đánh bắt bán ra và ở khâu nhập khẩu.

  Các sản phẩm mới qua sơ chế thông thường là sản phẩm mới được làm sạch, phơi, sấy khô, bóc vỏ, xay, xay bỏ vỏ, xát bỏ vỏ, tách hạt, tách cọng, cắt, ướp muối, bảo quản lạnh (ướp lạnh, đông lạnh),………..

  …

  Điều 5. Các trường hợp không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT

  …

         5. Doanh nghiệp, hợp tác xã nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ bán sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản, hải sản chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường cho doanh nghiệp, hợp tác xã ở khâu kinh doanh thương mại không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT. Trên hoá đơn GTGT, ghi dòng giá bán là giá không có thuế GTGT, dòng thuế suất và thuế GTGT không ghi, gạch bỏ.

  Trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ bán sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường cho các đối tượng khác như hộ, cá nhân kinh doanh và các tổ chức, cá nhân khác thì phải kê khai, tính nộp thuế GTGT theo mức thuế suất 5% hướng dẫn tại khoản 5 Điều 10 Thông tư này.

  …

  Điều 10. Thuế suất 5%

  …

  5. Sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, hải sản chưa qua chế biến hoặc chỉ qua sơ chế, bảo quản (hình thức sơ chế, bảo quản theo hướng dẫn tại khoản 1 Điều 4 Thông tư này) ở khâu kinh doanh thương mại, trừ các trường hợp hướng dẫn tại khoản 5 Điều 5 Thông tư này.”

         Căn cứ các quy định nêu trên:

  •  Trường hợp Công ty tự nuôi ong để lấy mật ong chỉ qua sơ chế thông thường (lọc cặn bã rồi đóng thành chai), bán sản phẩm mật ong cho doanh nghiệp, hợp tác xã ở khâu kinh doanh thương mại thì là đối tượng không chịu thuế GTGT, trường hợp Công ty bán trực tiếp sản phẩm trên cho các đối tượng khác như hộ, cá nhân kinh doanh và các tổ chức, cá nhân khác thì kê khai, nộp thuế GTGT theo mức thuế suất thuế GTGT là 5% theo hướng dẫn tại khoản 5 Điều 10 Thông tư Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính.
  • Trường hợp Công ty nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ mua sản phẩm mật ong chỉ qua sơ chế thông thường (lọc cặn bã rồi đóng thành chai) rồi bán cho doanh nghiệp, hợp tác xã ở khâu kinh doanh thương mại thì không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT, trường hợp Công ty bán trực tiếp sản phẩm trên cho các đối tượng khác như hộ, cá nhân kinh doanh và các tổ chức, cá nhân khác thì kê khai, nộp thuế GTGT theo mức thuế suất thuế GTGT là 5% theo hướng dẫn tại khoản 5 Điều 10 Thông tư Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính.

Trân trọng cám ơn!

Tên người hỏi: Phạm Văn Công, Tên doanh nghiệp/tổ chức: Công ty cổ phần STA Bắc Ninh, Email: stabacninh@gmail.com, Mst: 2300982110-53–27
Đơn vị tôi hoạt động sản xuất kinh doanh bao bì (không kinh doanh bất động sản) thì khi phát sinh hoạt động chuyển nhượng quyền sử dụng đất có phải thực hiện kê khai thuế GTGT hay không?
Trả lời:

Chi cục Thuế khu vực Từ Sơn – Yên Phong trả lời như sau:

Căn cứ khoản 10, điều 7, thông tư 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ tài chính về hướng dẫn thi hành Luật thuế GTGT và nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều luật thuế GTGT thì: hoạt động chuyển nhượng bất động sản phải kê khai thuế GTGT mà không phụ thuộc đơn vị có chuyên kinh doanh bất động sản hay không.

Trân trọng cảm ơn./.

Tên người hỏi: Đàm Thị Thu Hương, Tên doanh nghiệp/tổ chức: Công ty Cổ phần Dược Liệu Ninh Hiệp, Email: duoclieuninhhiep@gmail.com, Mst: 0106565962-52–28
Hiện nay do tình hình dịch bệnh nên một số bệnh viện trả lại một phần đơn hàng đã xuất trên hóa đơn lại cho công ty chúng tôi (Khối bệnh viện không xuất hóa đơn trả lại hàng bán cho công ty chúng tôi). Vậy chúng tôi có được ghi nhận giảm công nợ phải thu và thuế GTGT cho khách khàng không ?
Trả lời:

Chi cục thuế Khu vực Từ Sơn – Yên Phong trả lời như sau:

Căn cứ Điểm 2.8 Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, quy định:

“….

2.8. Tổ chức, cá nhân mua hàng hóa, người bán đã xuất hóa đơn, người mua đã nhận hàng, nhưng sau đó người mua phát hiện hàng hóa không đúng quy cách, chất lượng phải trả lại toàn bộ hay một phần hàng hóa, khi xuất hàng trả lại cho người bán, cơ sở phải lập hóa đơn, trên hóa đơn ghi rõ hàng hóa trả lại người bán do không đúng quy cách, chất lượng, tiền thuế GTGT.

Trường hợp người mua là đối tượng không có hóa đơn, khi trả lại hàng hóa, bên mua và bên bán phải lập biên bản ghi rõ loại hàng hóa, số lượng, giá trị hàng trả lại theo giá không có thuế GTGT, tiền thuế GTGT theo hóa đơn bán hàng (số ký hiệu, ngày, tháng của hóa đơn), lý do trả hàng và bên bán thu hồi hóa đơn đã lập.

…”

Căn cứ vào tình hình thực tế và hướng dẫn nêu trên để Công ty thực hiện việc nhận lại hàng bị trả lại và thực hiện kê khai điều chỉnh theo quy định của Luật quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Trân trọng cảm ơn!

Tên người hỏi: Nguyễn Thị Nam Hà, Tên doanh nghiệp/tổ chức: Công ty TNHH Môi trường Việt Tiến, Email: viettien@gmail.com, Mst: 2300945951-52–29
Công ty A có mua lô hàng của Công ty B có giá trị chưa thuế GTGT là 50tr, VAT là 5 tr. Sau đó, Cty A lại bán toàn bộ số hàng đó cho Cty C với số tiền chưa thuế GTGT là 55tr thuế GTGT là 5,5 tr. Cty C thanh toán số tiền 55tr cho Cty B và thanh toán 5.5tr cho Công ty A theo hình thức chuyển khoản qua ngân hàng . Vậy Cty A và Cty C có được kê khai khấu trừ thuế GTGT đầu vào của lô hàng trên hay không?
Trả lời:

Chi cục thuế Khu vực Từ Sơn – Yên Phong trả lời như sau:

Theo Khoản 10 Điều 1 Thông tư 26/2015/TT-BTC ngày 27/02/2015 của Bộ Tài Chính sửa đổi bổ sung Điều 15 Thông  tư 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài Chính có nêu rõ quy định về điều kiện khấu trừ thuế GTGT đầu vào:

“1. Có hóa đơn giá trị gia tăng hợp pháp của hàng hóa, dịch vụ mua vào hoặc chứng từ nộp thuế giá trị gia tăng khâu nhập khẩu hoặc chứng từ nộp thuế GTGT……

2. Có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt đối với hàng hóa, dịch vụ mua vào (bao gồm cả hàng hóa nhập khẩu) từ hai mươi triệu đồng trở lên, trừ các trường hợp giá trị hàng hóa, dịch vụ nhập khẩu từng lần có giá trị dưới hai mươi triệu đồng, hàng hóa, dịch vụ mua vào từng lần theo hóa đơn dưới hai mươi triệu đồng theo giá đã có thuế GTGT và trường hợp cơ sở kinh doanh nhập khẩu hàng hóa là quà biếu, quà tặng của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài.

          …

4. Các trường hợp thanh toán không dùng tiền mặt khác để khấu trừ thuế GTGT đầu vào gồm:

         ….

c) Trường hợp hàng hoá, dịch vụ mua vào được thanh toán uỷ quyền qua bên thứ ba thanh toán qua ngân hàng (bao gồm cả trường hợp bên bán yêu cầu bên mua thanh toán tiền qua ngân hàng cho bên thứ ba do bên bán chỉ định) thì việc thanh toán theo uỷ quyền hoặc thanh toán cho bên thứ ba theo chỉ định của bên bán phải được quy định cụ thể trong hợp đồng dưới hình thức văn bản và bên thứ ba là một pháp nhân hoặc thể nhân đang hoạt động theo quy định của pháp luật.

Trường hợp sau khi thực hiện các hình thức thanh toán nêu trên mà phần giá trị còn lại được thanh toán bằng tiền có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên thì chỉ được khấu trừ thuế đối với trường hợp có chứng từ thanh toán qua ngân hàng.

….”.

Căn cứ quy định nêu trên, trường hợp Công ty A ủy quyền cho Công ty C thanh toán tiền hàng cho Công ty B và Công ty C thanh toán tiền hàng với số tiền 55 triệu đồng cho Công ty B và thanh toán 5,5 triệu đồng cho Công ty A theo hình thức chuyển khoản qua ngân hàng thì Công ty A và Công ty C được kê khai khấu trừ thuế GTGT đầu vào của lô hàng nêu trên.

Trân trọng cảm ơn!

Tên người hỏi: Dương Văn Lộc, Tên doanh nghiệp/tổ chức: Công ty Trang Lộc Bắc Ninh, Email: Vuthunga82@gmail.com, Mst: 2300719102-51–30
Công ty tôi đăng ký ngành nghề là sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, công ty nhập mua gỗ lâm sản nhưng không sản xuất mà xuất bán thương mại. Vậy cho công ty tôi hỏi trường hợp này bên tôi không đăng ký thương mại lâm sản thì có bị phạt không?
Trả lời:

Chi cục Thuế khu vực Từ Sơn – Yên Phong trả lời như sau:

Tại khoản 1 Điều 7 Luật doanh nghiệp số 59/2020/QH14 ngày 17/6/2020 của Quốc hội quy định:

Điều 7. Quyền của doanh nghiệp

1. Tự do kinh doanh ngành, nghề mà luật không cấm.

2. Tự chủ kinh doanh và lựa chọn hình thức tổ chức kinh doanh; chủ động lựa chọn ngành, nghề, địa bàn, hình thức kinh doanh; chủ động điều chỉnh quy mô và ngành, nghề kinh doanh.

Căn cứ vào quy định trên, doanh nghiệp chủ động điều chỉnh quy mô và ngành, nghề kinh doanh khi có thay đổi với cơ quan đăng ký kinh doanh theo quy định.

Trân trọng cảm ơn.

Tên người hỏi: Nguyễn Thị Hồng, Tên doanh nghiệp/tổ chức: Công ty TNHH SX và TM thép Bảo Long, Email: congtythepbaolong@gmail.com, Mst: 2300787705-50–31
Chi phí test covid cho người lao động được công ty thanh toán. Xin hỏi: + Chi phí test covid có được coi là chi phí hợp lệ khi tính thuế TNDN của công ty ? Chi phí test có hóa đơn hợp lệ mang tên công ty và thanh toán đúng quy định. + Chi phí test covid trên người lao động có bị tính vào thu nhập chịu thuế TNCN hay không? Với trường hợp người lao động đi test, mang hóa đơn chứng từ mang tên công ty về thanh toán với công ty.
Trả lời:

Chi cục Thuế khu vực Từ Sơn – Yên Phong trả lời như sau:

Tại điều 4 thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22 tháng 06 năm 2015 của BTC sửa đổi, bổ sung Điều 6 thông tư số 78/2014/TT-BTC hướng dẫn về thuế TNDN quy định như sau:

“Điều 6: các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định TNCT

Trừ các khoản chi không được trừ nêu tại Khoản 2 Điều này, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:

a) Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp;

b) Khoản chi có đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.

c) Khoản chi nếu có hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt”

Căn cứ hướng dẫn trên, khoản chi phí xét nghiệm Covid cho người lao động được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN.

Theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính, quy định các khoản thu nhập chịu thuế TNCN. Trường hợp Công ty có phát sinh một số khoản chi phí xét nghiệm, chi phí phục vụ cho người lao động lưu trú tập trung, thuê cơ sở lưu trú bên ngoài Công ty… để đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19, nếu khoản chi ghi chung cho tập thể người lao động, không ghi tên cá nhân thì không phải tính vào thu nhập chịu thuế TNCN của người lao động.

Trân trọng cảm ơn!

Tên người hỏi: Trần Văn Anh, Tên doanh nghiệp/tổ chức: Công ty TNHH SX và TM thép Tiến Anh, Email: ngadnc@gmail.com, Mst: 2300996755-49–32
Công ty có 1 lao động mới làm việc tại công ty được 14 ngày, đã ký hợp đồng lao động, đang trong quá trình thử việc. Trong khi đang làm việc, bị tai nạn lao động dẫn đến tử vong. Công ty không tổ chức huấn luyện an toàn lao động cho nhân viên định kỳ Có biên bản điều tra và kết luận của công an, bộ lao động thương binh và xã hội, trong đó yêu cầu công ty bồi thường cho người lao động đã tử vong 30 tháng lương theo quy định Xin hỏi: Tiền bồi thường cho người lao động nêu trên có được tính vào chi phí hợp lệ khi tính thuế TNDN của công ty không ? Và cần những chứng từ gì để khoản bồi thường nêu trên được tính là khoản chi phí hợp lệ?
Trả lời:

Chi cục Thuế khu vực Từ Sơn – Yên Phong trả lời như sau:

Điều 6. Các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế

1. Trừ các khoản chi không được trừ nêu tại Khoản 2 Điều này, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:

a) Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

b) Khoản chi có đủ hoá đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.

c) Khoản chi nếu có hoá đơn mua hàng hoá, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.

2. Các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế bao gồm:

2.30. Các khoản chi không tương ứng với doanh thu tính thuế, trừ các khoản chi sau:

          – Khoản chi có tính chất phúc lợi chi trực tiếp cho người lao động như: chi đám hiếu, hỷ của bản thân và gia đình người lao động; chi nghỉ mát, chi hỗ trợ điều trị; chi hỗ trợ bổ sung kiến thức học tập tại cơ sở đào tạo; chi hỗ trợ gia đình người lao động bị ảnh hưởng bởi thiên tai, địch họa, tai nạn, ốm đau; chi khen thưởng con  của người lao động có thành tích tốt trong học tập; chi hỗ trợ chi phí đi lại ngày lễ, tết cho người lao động; chi bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm tự nguyện khác cho người lao động (trừ khoản chi mua bảo hiểm nhân thọ cho người lao động hướng dẫn tại điểm 2.6, bảo hiểm hưu trí tự nguyện cho người lao động hướng dẫn tại điểm 2.11 Điều này) và những khoản chi có tính chất phúc lợi khác. Tổng số chi có tính chất phúc lợi nêu trên không quá 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế của doanh nghiệp.

          ­­Căn cứ quy định trên về nguyên tắc chỉ được tính vào chi phí được trừ đối với khoản chi hỗ trợ gia đình người lao động bị tai nạn nếu có đủ hồ sơ chứng từ theo quy định, nhưng không quá 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế của doanh nghiệp.

Trân trọng cảm ơn!

Tên người hỏi: Nguyễn Thanh Hà, , Email: hayen2251987@gmail.com, Mst: 2400835945-48–33
DOANH NGHIỆP THƯƠNG MẠI CÓ HÀNG HỎNG VỠ PHẢI BỎ ĐI NHƯ SỨ, THỦY TINH, ..(KHÔNG THỂ BÁN HOẶC SỬ DỤNG ĐƯỢC). XIN HỎI CƠ QUAN THUẾ HƯỚNG DẪN THỦ TỤC PHÁP LÝ VÀ CÁCH HẠCH TOÁN KẾ TOÁN CHO NGHIỆP VỤ TRÊN? VỚI NGHIỆP VỤ, ĐÓ THÌ DOANH NGHIỆP CÓ CẦN XUẤT HÓA ĐƠN VÀ KÊ KHAI THUẾ KHÔNG ?
Trả lời:

Chi cục Thuế khu vực Từ Sơn – Yên Phong trả lời như sau:

Tại Khoản 2 Điều 4 thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22 tháng 06 năm 2015 của BTC sửa đổi, bổ sung Điều 6 thông tư số 78/2014/TT-BTC hướng dẫn về thuế TNDN quy định như sau:

“…..

b) Hàng hóa bị hư hỏng do thay đổi quá trình sinh hóa tự nhiên, hàng hóa  hết hạn sử dụng, không được bồi thường thì được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.

Hồ sơ đối với hàng hóa bị hư hỏng do thay đổi quá trình sinh hóa tự nhiên, hàng hóa hết hạn sử dụng, được tính vào chi phí được trừ như sau:

– Biên bản kiểm kê giá trị hàng hóa bị hư hỏng do doanh nghiệp lập.

Biên bản kiểm kê giá trị hàng hóa hư hỏng phải xác định rõ giá trị hàng hóa bị hư hỏng, nguyên nhân hư hỏng; chủng loại, số lượng, giá trị hàng hóa có thể thu hồi được (nếu có) kèm theo bảng kê xuất nhập tồn hàng hóa bị hư hỏng có xác nhận do đại diện hợp pháp của doanh nghiệp ký và chịu trách nhiệm trước pháp luật.

– Hồ sơ bồi thường thiệt hại được cơ quan bảo hiểm chấp nhận bồi thường (nếu có).

– Hồ sơ quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân phải bồi thường (nếu có).

c) Hồ sơ nêu trên được lưu tại doanh nghiệp và xuất trình với cơ quan thuế khi cơ quan thuế yêu cầu.

         Căn cứ quy định nêu trên,doanh nghiệp được hạch toán vào chi phí khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN nếu doanh nghiệp có đầy đủ hồ sơ theo quy định, trong trường hợp này doanh nghiệp không phải xuất hóa đơn.

Trân trọng cảm ơn!

Tên người hỏi: Nguyễn Thanh Hà, , Email: hayen2251987@gmail.com, Mst: 2400835945-47–34
TRONG QUÁ TRÌNH KINH DOANH, CÁC CÔNG TY THÀNH VIÊN ( A, B, C) GÓP THÊM VỐN KINH DOANH VÀO CÔNG TY CỔ PHẦN X , NHƯNG KHÔNG LÀM THAY ĐỔI VỐN ĐIỀU LỆ BAN ĐẦU, KHI CÔNG TY CP X TRẢ LẠI PHẦN VỐN GÓP THÊM ẤY CHO CÁC CÔNG TY THÀNH VIÊN CÓ ĐƯỢC TRẢ BẰNG TIỀN MẶT HAY KHÔNG
Trả lời:

Chi cục Thuế khu vực Từ Sơn – Yên Phong trả lời như sau:

Tại Điều 3 Thông tư số 09/2015/TT-BTC ngày 29/01/2015 của Bộ Tài chính quy định:

1. Các doanh nghiệp không sử dụng tiền mặt (tiền giấy, tiền kim loại do Ngân hàng Nhà nước phát hành) để thanh toán khi thực hiện các giao dịch góp vốn và mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp vào doanh nghiệp khác.

2. Khi thực hiện giao dịch góp vốn và mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp vào doanh nghiệp khác, các doanh nghiệp sử dụng các hình thức sau:

a) Thanh toán bằng Séc;

b) Thanh toán bằng ủy nhiệm chi – chuyển tiền;

c) Các hình thức thanh toán không sử dụng tiền mặt phù hợp khác theo quy định hiện hành.

Căn cứ quy định trên khi công ty cổ phần X trả lại phần vốn góp thêm cho các công ty thành viên thì không được trả bằng tiền mặt.

Trân trọng cảm ơn!

Tên người hỏi: Nguyễn Thị Khánh Linh, Tên doanh nghiệp/tổ chức: Công ty TNHH Hợp Lực, Email: cstax2021@gmail.com, Mst: 2300105208-45–35
Công ty kinh doanh trong lĩnh vực vận tải hàng hóa, có mua một chiếc ô tô tải có giá trị dưới 100 triệu đồng của cá nhân không kinh doanh. Công ty có làm hợp đồng mua bán với cá nhân đó. Hai bên có biên bản giao nhận, công ty có phiếu chi tiền thanh toán trả cá nhân nêu trên.Công ty đã hoàn thành thủ tục chuyển đăng kí xe sang tên công ty. Xin hỏi: Chiếc xe tải kia có được tính là tài sản của công ty ? Khấu hao của xe tải có được là chi phí hợp lệ để tính thuế thu nhập doanh nghiệp của công ty không?
Trả lời:

Trả lời: Chi cục Thuế khu vực Từ Sơn – Yên Phong trả lời như sau:

Căn cứ Điều 5 thông tư 219/2013/TT-BTC quy định: Các trường hợp không phải kê khai tính nộp thuế GTGT gồm:

– Tổ chức, cá nhân không kinh doanh, không phải là người nộp thuế GTGT bán tài sản.

Tại điều 4 thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22 tháng 06 năm 2015 của Bộ tài chính sửa đổi, bổ sung Điều 6 thông tư số 78/2014/TT-BTC quy định các khoản chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN như sau:

1. Trừ các khoản chi không được trừ nêu tại Khoản 2 Điều này, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:

a) Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

b) Khoản chi có đủ hoá đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.

c) Khoản chi nếu có hoá đơn mua hàng hoá, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt…..

2.4 Chi phí của doanh nghiệp mua hàng hóa, dịch vụ (không có hóa đơn, được phép lập Bảng kê thu mua hàng hóa, dịch vụ mua vào theo mẫu số 01/TNDN kèm theo Thông tư số 78/2014/TT-BTC) nhưng không lập Bảng kê kèm theo chứng từ thanh toán cho người bán hàng, cung cấp dịch vụ trong các trường hợp:

– Mua tài sản, dịch vụ của hộ, cá nhân không kinh doanh trực tiếp bán ra;

Căn cứ các quy định và hướng dẫn nêu trên, trường hợp doanh nghiệp có mua ô tô tải của cá nhân không kinh doanh thuộc đối tượng không phải kê khai nộp thuế GTGT thì được trích khấu hao xe tính vào chi phí hợp lý khi tính thuế TNDN khi có đầy đủ hồ sơ theo quy định của pháp luật.

Trận trọng cảm ơn!

Tên người hỏi: NGUYỄN THỊ HÀ, Tên doanh nghiệp/tổ chức: Cty TNHH Dinh dưỡng Vicofeed, Email: dichvuketoanbn@gmail.com, Mst: 2301121354-44–36
Điều kiện để tính là chi phí hợp lý của doanh nghiệp khi DN mua máy móc, dây chuyền sản xuất của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không sử dụng nữa bán lại?
Trả lời:

      Chi cục Thuế khu vực Từ Sơn – Yên Phong trả lời như sau:

      Trường hợp doanh nghiệp mua máy móc thiết bị, dây chuyền sản xuất của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không sử dụng nữa bán lại thì để được tinh vào tài sản của doanh nghiệp và trích khấu hao tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN thì cần phải có hóa đơn và chứng từ thanh toán theo quy định.

     Nếu hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có sử dụng hóa đơn thì hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thực hiện xuất hóa đơn bán máy móc, dây chuyền sản xuất cho doanh nghiệp.

     Nếu hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không sử dụng hóa đơn thì hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thực hiện mua hóa đơn lẻ của Cơ quan Thuế để xuất bán máy móc, dây chuyền cho doanh nghiệp.

     Trân trọng cảm ơn!

Tên người hỏi: NGUYỄN THỊ HÀ, Tên doanh nghiệp/tổ chức: Công ty TNHH SXKD TM Quang Anh, Email: dichvuketoanbn@gmail.com, Mst: 2301130687-43–37
Tại công ty TNHH một thành viên thì tài khoản cá nhân của Giám đốc công ty (đồng thời là chủ sở hữu Công ty) chuyển tiền đến đến tài khoản công ty và ngược lại chuyển tiển từ tài khoản công ty đến tài khoản cá nhân giám đốc có được coi là giao dịch hợp lý hay không?
Trả lời:

Chi cục Thuế khu vực Từ Sơn – Yên Phong trả lời như sau:

Về thực hiện giao dịch rút tiền, chuyển tiền doanh nghiệp thực hiện theo quy định của ngân hàng nhà nước. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần làm rõ việc thực hiện chuyển tiền từ tài khoản của doanh nghiệp đến tài khoản cá nhân của giám đốc để thực hiện nghiệp vụ kế toán, nghiệp vụ kinh tế gì?

Trân trọng cảm ơn!

Tên người hỏi: Nguyễn Thị Nhàn, Tên doanh nghiệp/tổ chức: Công ty SX và TM Hòa Hảo TNHH, Email: nhanaccbn@gmail.com, Mst: 2300319087-42–38
Công ty A là công ty TNHH có hai thành viên. Tỷ lệ góp vốn là 50-50.Hai thành viên của công ty A là đối tượng được quy định trong quy định các bên liên kết Hai thành viên công ty A cùng gópvốn vào công ty B với tỷ lệ vốn góp của mỗi cá nhân < 25% vốn của công ty B Xin hỏi: + Công ty A và công ty B có quan hệ liên kết không ? + Nếu công ty A và công ty B có phát sinh quan hệ mua bán hàng hóa thì đó có là giao dịch liên kết ?
Trả lời:

Chi cục thuế KV Từ Sơn – Yên Phong trả lời như sau:

Căn cứ Khoản 1, Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP ngày 05/11/2020 của Chính phủ quy định :

“1. Các bên có quan hệ liên kết (sau đây viết tắt là “bên liên kết”) là các bên có mối quan hệ thuộc một trong các trường hợp:

a) Một bên tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào việc điều hành, kiểm soát, góp vốn hoặc đầu tư vào bên kia;

b) Các bên trực tiếp hay gián tiếp cùng chịu sự điều hành, kiểm soát, góp vốn hoặc đầu tư của một bên khác.

2. Các bên liên kết tại khoản 1 điều này được quy định cụ thể như sau:

a) Một doanh nghiệp nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp ít nhất 25% vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp kia;

b) Cả hai doanh nghiệp đều có ít nhất 25% vốn góp của chủ sở hữu do một bên thứ ba nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp;

c) Một doanh nghiệp là cổ đông lớn nhất về vốn góp của chủ sở hữu và nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp ít nhất 10% tổng số cổ phần của doanh nghiệp kia;

d) Một doanh nghiệp bảo lãnh hoặc cho một doanh nghiệp khác vay vốn dưới bất kỳ hình thức nào (bao gồm cả các khoản vay từ bên thứ ba được đảm bảo từ nguồn tài chính của bên liên kết và các giao dịch tài chính có bản chất tương tự) với điều kiện khoản vốn vay ít nhất bằng 25% vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp đi vay và chiếm trên 50% tổng giá trị các khoản nợ trung và dài hạn của doanh nghiệp đi vay;

đ) Một doanh nghiệp chỉ định thành viên ban lãnh đạo điều hành hoặc nắm quyền kiểm soát của một doanh nghiệp khác với điều kiện số lượng các thành viên được doanh nghiệp thứ nhất chỉ định chiếm trên 50% tổng số thành viên ban lãnh đạo điều hành hoặc nắm quyền kiểm soát của doanh nghiệp thứ hai; hoặc một thành viên được doanh nghiệp thứ nhất chỉ định có quyền quyết định các chính sách tài chính hoặc hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp thứ hai;

e) Hai doanh nghiệp cùng có trên 50% thành viên ban lãnh đạo hoặc cùng có một thành viên ban lãnh đạo có quyền quyết định các chính sách tài chính hoặc hoạt động kinh doanh được chỉ định bởi một bên thứ ba;

g) Hai doanh nghiệp được điều hành hoặc chịu sự kiểm soát về nhân sự, tài chính và hoạt động kinh doanh bởi các cá nhân thuộc một trong các mối quan hệ vợ, chồng; cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, cha dượng, mẹ kế, cha mẹ vợ, cha mẹ chồng; con đẻ, con nuôi, con riêng của vợ hoặc chồng, con dâu, con rể; anh, chị, em cùng cha mẹ, anh, chị em cùng cha khác mẹ, anh, chị, em cùng mẹ khác cha, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người cùng cha mẹ hoặc cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha; ông bà nội, ông bà ngoại; cháu nội, cháu ngoại; cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột;

h) Hai cơ sở kinh doanh có mối quan hệ trụ sở chính và cơ sở thường trú hoặc cùng là cơ sở thường trú của tổ chức, cá nhân nước ngoài;

i) Các doanh nghiệp chịu sự kiểm soát của một cá nhân thông qua vốn góp của cá nhân này vào doanh nghiệp đó hoặc trực tiếp tham gia điều hành doanh nghiệp;

k) Các trường hợp khác trong đó doanh nghiệp chịu sự điều hành, kiểm soát, quyết định trên thực tế đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp kia;

l) Doanh nghiệp có phát sinh các giao dịch nhượng, nhận chuyển nhượng vốn góp ít nhất 25% vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp trong kỳ tính thuế; vay, cho vay ít nhất 10% vốn góp của chủ sở hữu tại thời điểm phát sinh giao dịch trong kỳ tính thuế với cá nhân điều hành, kiểm soát doanh nghiệp hoặc với cá nhân thuộc trong một các mối quan hệ theo quy định tại điểm g khoản này.”

Do dữ kiện về điều kiện góp vốn như Công ty trình bày chưa đủ cơ sở để kết luận các Công ty có quan hệ liên kết hay không. Đề nghị Công ty nghiên cứu quy định về việc kiểm soát, điều hành của các thành viên góp vốn tại Công ty A và Công ty B, bên cạnh việc đầu tư góp vốn để xác định rõ Công ty A và Công ty B có quan hệ liên kết theo quy định nêu trên.

Trường hợp, Công ty A và Công ty B có quan hệ liên kết thì giao dịch mua bán giữa hai công ty là giao dịch liên kết, Công ty có trách nhiệm kê khai giao dịch liên kết theo quy định tại Nghị định 132/2020/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn về Luật Quản  lý thuế hiện hành.

Nếu Công ty còn vướng mắc vui lòng gửi văn bản và các hồ sơ kèm theo về Chi cục Thuế khu vực Từ Sơn – Yên Phòng để được giải đáp.

Trân trọng cảm ơn!

Tên người hỏi: Tran Thi Huong, Tên doanh nghiệp/tổ chức: Công ty CP Tư vấn và đầu tư xây dựng hạ tầng Bắc Việt, Email: tranhuongdtjsc@gmail.com, Mst: 2300632998-42–39
Doanh nghiệp là nhà thầu phụ của những dự án tư nhân nên khi hoàn thành sản phẩm để chủ đầu tư nghiêm thu thì chi phí lớn hơn đơn gía. Do tiến độ kéo dài, chủ đầu tư gây khó dễ để không thanh toán hoặc kéo dài thanh toán. Dẫn đến chi phí thực tế nhiều hơn dự toán chào thầu. Vậy chi phí phát sinh không được thanh toán nhà thầu đưa vào chi phí hợp lý như thế nào? Mặt khác, có những chi phí nhà thầu không có khả năng thanh toán khi quyết toán đã xong mà vẫn treo ở 156 chưa hạch toán vào 331 được vì chưa có hóa đơn đầu vào.
Trả lời:

Chi cục Thuế khu vực Từ Sơn – Yên Phong trả lời như sau:

Tại điều 4 thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22 tháng 06 năm 2015 của BTC sửa đổi, bổ sung Điều 6 thông tư số 78/2014/TT-BTC hướng dẫn về thuế TNDN quy định như sau:

“Điều 6: các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định TNCT

Trừ các khoản chi không được trừ nêu tại Khoản 2 Điều này, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:

a) Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp;

b) Khoản chi có đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.

c) Khoản chi nếu có hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt”.

Căn cứ quy định trên thì:

– Trường hợp Công ty không có hóa đơn chứng từ theo quy định thì không được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN.

– Trường hợp Công ty không được thanh toán giá trị công trình thì Công ty được trích lập dự phòng khoản nợ phải thu khó đòi tính vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN nếu có đủ hồ sơ, chứng từ theo quy định tại Thông tư 48/2019/TT-BTC hướng dẫn việc trích lập và xử lý đối với khoản nợ phải thu khó đòi.

Trân trọng cảm ơn!

Tên người hỏi: Nguyễn Thị Thu Trang, Tên doanh nghiệp/tổ chức: Công ty An Việt, Email: nguyenthithutrangbacninh@gmail.com, Mst: 2300236433-41–40
Mình xin hỏi đối với những chi Phí thực tế phải chi của công ty mà giá trị nhỏ dưới 200k rất khó để lấy hoá đơn thanh toán thì công ty nên làm thế nào để những chi phí ấy được hợp lý, hợp lệ. Xin chân thành cảm ơn!
Trả lời:

Chi cục Thuế khu vực Từ Sơn – Yên Phong trả lời như sau:

Tại điều 4 thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22 tháng 06 năm 2015 của BTC sửa đổi, bổ sung Điều 6 thông tư số 78/2014/TT-BTC hướng dẫn về thuế TNDN quy định như sau:

“Điều 6: các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định TNCT

Trừ các khoản chi không được trừ nêu tại Khoản 2 Điều này, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:

a) Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp;

b) Khoản chi có đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.

c) Khoản chi nếu có hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt”

Căn cứ Điều  18 thông tư 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài Chính quy định:

1. Bán hàng hóa, dịch vụ có tổng giá thanh toán dưới 200.000 đồng mỗi lần thì không phải lập hóa đơn, trừ trường hợp người mua yêu cầu lập và giao hóa đơn.

2. Khi bán hàng hóa, dịch vụ không phải lập hóa đơn hướng dẫn tại khoản 1 Điều này, người bán phải lập Bảng kê bán lẻ hàng hóa, dịch vụ. Bảng kê phải có tên, mã số thuế và địa chỉ của người bán, tên hàng hóa, dịch vụ, giá trị hàng hóa, dịch vụ bán ra, ngày lập, tên và chữ ký người lập Bảng kê. Trường hợp người bán nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ thì Bảng kê bán lẻ phải có tiêu thức “thuế suất giá trị gia tăng” và “tiền thuế giá trị gia tăng”. Hàng hóa, dịch vụ bán ra ghi trên Bảng kê theo thứ tự bán hàng trong ngày (mẫu số 5.6 Phụ lục 5 ban hành kèm theo Thông tư này).

3. Cuối mỗi ngày, cơ sở kinh doanh lập một hóa đơn giá trị gia tăng hoặc hóa đơn bán hàng ghi số tiền bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ trong ngày thể hiện trên dòng tổng cộng của bảng kê, ký tên và giữ liên giao cho người mua, các liên khác luân chuyển theo quy định. Tiêu thức “Tên, địa chỉ người mua” trên hóa đơn này ghi là “bán lẻ không giao hóa đơn”.

Căn cứ quy định nêu trên, khi mua hàng hóa có giá trị thanh toán dưới 200.000 đồng doanh nghiệp phải yêu cầu người bán xuất và giao hóa đơn để doanh nghiệp làm căn cứ hạch toán tính vào chi chí được trừ khi tính thuế TNDN.

Trân trọng cảm ơn!

Tên người hỏi: Ngô Thị Quyên, Tên doanh nghiệp/tổ chức: Công ty CP Năng lượng xanh Hanapa, Email: ngoninh.bn2021@gmail.com, Mst: 2300845812-40–41
Công ty chúng tôi đi thu mua mùn cưa thì người trực tiếp bán có được phép vượt mức 100.000.000đ/năm hay không?
Trả lời:

Chi cục Thuế khu vực Từ Sơn – Yên Phong trả lời như sau:

Công ty mua mùn cưa của các cá nhân trong năm trên 100 triệu đồng, thì cá nhân phải thực hiện đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế, kê khai nộp thuế theo hướng dẫn tại Thông tư 40/2021/TT-BTC ngày 01/6/2021 của Bộ Tài chính, thực hiện thủ tục mua, cấp hóa đơn với cơ quan quản lý thuế trực tiếp theo hướng dẫn tại Thông tư 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính để xuất trả cho Công ty làm căn cứ tính chi phí được trừ. Nếu giá trị thanh toán từ 20 triệu đồng trở lên thì Công ty phải thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt.

Trân trọng cảm ơn!

Tên người hỏi: Nguyễn Thị Trang, Tên doanh nghiệp/tổ chức: Công ty TNHH Y Quang Việt, Email: nguyentrangkt1702@gmail.com, Mst: 2300944651-39–42
Trong năm 2021, doanh nghiệp có khoản chi tài trợ sản xuất chương trình đài phát thanh và truyền hình tỉnh Bắc Ninh, chuyên mục “ BTV kết nối phòng chống Covid 19” số tiền 10.000.000 đồng thông qua hợp đồng ký với Đài phát thanh và được phát một lần phóng sự tự giới thiệu về hoạt động của công ty, Đài phát thanh xuất hóa đơn cho Công ty tôi và Công ty tôi có phiếu chi tiền. Xin hỏi, khoản chi trên có là khoản chi phí hợp lệ để tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm tài chính 2021?
Trả lời:

Chi cục Thuế khu vực Từ Sơn – Yên Phong trả lời như sau:

Theo điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC ngày 22/06/2015 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014: Các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế:

“1. Trừ các khoản chi không được trừ nêu tại Khoản 2 Điều này, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:

a) Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp;

b) Khoản chi có đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.

c) Khoản chi nếu có hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.”

Căn cứ quy định nêu trên khoản chi phí tài trợ sản xuất chương trình cho Đài phát thanh và truyền hình tỉnh Bắc Ninh, chuyên mục “BTV kết nối phòng chống Covid 19” phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty và có đầy đủ hóa đơn chứng từ theo quy định thì được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.

Trân trọng cảm ơn!

Tên người hỏi: Phan Thị Ngân, Tên doanh nghiệp/tổ chức: Công ty tnhh nội thấp cao cấp 3S, Email: Nganpt03091985@gmail.com, Mst: 2301127934-38–43
Muốn đăng ký sử sụng hoá đơn điện tử lần đầu thì cần nhưng giấy tờ, thủ tục gì ?
Trả lời:

Chi cục thuế khu vực Từ Sơn – Yên Phong trả lời như sau:

Căn cứ Khoản 2 Điều 4 Thông tư số 32/2011/TT-BTC ngày 14/3/2011 của Bộ Tài chính thì được sử dụng hóa đơn điện tử:

“2. Điều kiện của tổ chức khởi tạo hóa đơn

Người bán hàng hóa, dịch vụ (sau gọi chung là người bán) khởi tạo hóa đơn điện tử phải đáp ứng điều kiện sau:

a) Là tổ chức kinh tế có đủ điều kiện và đang thực hiện giao dịch điện tử trong khai thuế với cơ quan thuế; hoặc là tổ chức kinh tế có sử dụng giao dịch điện tử trong hoạt động ngân hàng.

b) Có địa điểm, các đường truyền tải thông tin, mạng thông tin, thiết bị truyền tin đáp ứng yêu cầu khai thác, kiểm soát, xử lý, sử dụng, bảo quản và lưu trữ hoá đơn điện tử;

         c) Có đội ngũ người thực thi đủ trình độ, khả năng tương xứng với yêu cầu để thực hiện việc khởi tạo, lập, sử dụng hoá đơn điện tử theo quy định;

d) Có chữ ký điện tử theo quy định của pháp luật.

đ) Có phần mềm bán hàng hoá, dịch vụ kết nối với phần mềm kế toán, đảm bảo dữ liệu của hoá đơn điện tử bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ được tự động chuyển vào phần mềm (hoặc cơ sở dữ liệu) kế toán tại thời điểm lập hoá đơn.

e) Có các quy trình sao lưu dữ liệu, khôi phục dữ liệu, lưu trữ dữ liệu đáp ứng các yêu cầu tối thiểu về chất lượng lưu trữ bao gồm:

– Hệ thống lưu trữ dữ liệu phải đáp ứng hoặc được chứng minh là tương thích với các chuẩn mực về hệ thống lưu trữ dữ liệu;

– Có quy trình sao lưu và phục hồi dữ liệu khi hệ thống gặp sự cố: đảm bảo sao lưu dữ liệu của hóa đơn điện tử ra các vật mang tin hoặc sao lưu trực tuyến toàn bộ dữ liệu. “

Căn cứ Khoản 1, Khoản 2 Điều 7 Thông tư số 32/2011/TT-BTC ngày 14/3/2011 của Bộ Tài chính thì được sử dụng hóa đơn điện tử:

“…

Tổ chức khởi tạo hóa đơn điện tử trước khi khởi tạo hoá đơn điện tử phải ra quyết định áp dụng hoá đơn điện tử gửi cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp bằng văn bản giấy hoặc bằng văn bản điện tử gửi thông qua cổng thông tin điện tử của cơ quan thuế và chịu trách nhiệm về quyết định này (theo Mẫu số 1 Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này).

Quyết định áp dụng hoá đơn điện tử gồm các nội dung chủ yếu sau:

– Tên hệ thống thiết bị (tên các phương tiện điện tử), tên phần mềm ứng dụng dùng để khởi tạo, lập hoá đơn điện tử.

Phương tiện điện tử là phương tiện hoạt động dựa trên công nghệ điện, điện tử, kỹ thuật số, từ tính, truyền dẫn không dây, quang học, điện từ hoặc công nghệ tương tự.

– Bộ phận kỹ thuật hoặc tên nhà cung ứng dịch vụ chịu trách nhiệm về mặt kỹ thuật hoá đơn điện tử, phần mềm ứng dụng;

– Quy trình khởi tạo, lập, luân chuyển và lưu trữ dữ liệu hoá đơn điện tử trong nội bộ tổ chức.

– Trách nhiệm của từng bộ phận trực thuộc liên quan việc khởi tạo, lập, xử lý, luân chuyển và lưu trữ dữ liệu hoá đơn điện tử trong nội bộ tổ chức bao gồm cả trách nhiệm của người được thực hiện chuyển đổi hóa đơn điện tử sang hóa đơn giấy.

 2. Phát hành hóa đơn điện tử

Trước khi sử dụng hóa đơn điện tử, tổ chức khởi tạo hóa đơn điện tử phải lập Thông báo phát hành hóa đơn điện tử gửi cơ quan thuế quản lý trực tiếp. Thông báo phát hành hóa đơn điện tử (theo Mẫu số 2 Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này) gồm các nội dung: tên đơn vị phát hành hoá đơn điện tử, mã số thuế, địa chỉ, điện thoại, các loại hoá đơn phát hành (tên loại hóa đơn, ký hiệu hóa đơn, ký hiệu mẫu số hóa đơn, ngày bắt đầu sử dụng, số lượng hóa đơn thông báo phát hành (từ số… đến số…)), ngày lập Thông báo phát hành; tên, chữ ký của người đại diện theo pháp luật và dấu của đơn vị (trường hợp gửi Thông báo phát hành tới cơ quan thuế bằng giấy); hoặc chữ ký điện tử của tổ chức phát hành (trường hợp gửi đến cơ quan thuế bằng đường điện tử thông qua cổng thông tin điện tử của cơ quan thuế).

Trường hợp có sự thay đổi địa chỉ kinh doanh, tổ chức khởi tạo hóa đơn điện tử phải gửi thông báo phát hành hoá đơn cho cơ quan thuế nơi chuyển đến, trong đó nêu rõ số hoá đơn đã phát hành chưa sử dụng, sẽ tiếp tục sử dụng.

Trường hợp có sự thay đổi về nội dung đã thông báo phát hành, tổ chức, khởi tạo hóa đơn điện tử thực hiện thông báo phát hành mới theo hướng dẫn tại khoản này.

Tổ chức khởi tạo hóa đơn điện tử phải ký số vào hóa đơn điện tử mẫu và gửi hóa đơn điện tử mẫu (theo đúng định dạng gửi cho người mua) đến cơ quan thuế theo đường điện tử.

Thông báo phát hành hóa đơn điện tử (không bao gồm hóa đơn điện tử mẫu) phải niêm yết tại trụ sở tổ chức khởi tạo hóa đơn điện tử hoặc đăng tải trên trang thông tin điện tử của tổ chức khởi tạo hóa đơn điện tử trong thời gian sử dụng hóa đơn điện tử. “

Căn cứ các quy định trên, Công ty đáp ứng các điều kiện của tổ chức khởi tạo hóa đơn điện tử theo quy định tại Khoản 2 Điều 4, Khoản 1 Điều 7 Thông tư số 32/2011/TT-BTC ngày 14/3/2011 của Bộ Tài chính thì được sử dụng hóa đơn điện tử. Trước khi sử dụng đề nghị Công ty thực hiện Thông báo phát hành hóa đơn điện tử theo quy định tại Khoản 2 Điều 7 Thông tư số 32/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính./.

Trân trọng cảm ơn!

Tên người hỏi: Ngô Thị Quỳnh Nga, Tên doanh nghiệp/tổ chức: Công ty TNHH SX và TM thépThành Nga, Email: thanhngasteel@gmail.com, Mst: 2300946747-36–44
Trong năm 2021, cá nhân là người lao động của công ty, có kí hợp đồng trực tiếp với 1 công ty bảo hiểm để làm tư vấnviên ( Thu nhập nhận được đã khấu trừ thuế TNCN 5%), có kí hợp đồng cộng tác viên với công ty kinh doanh đa cấp ( Nhận hoa hồng theo doanh số và chưa khấu trừ tại nguồn ). Xin hỏi, kết thúc năm tài chính 2021, cá nhân này cần thực hiện quyết toán thuế TNCN như thế nào?
Trả lời:

Chi cục thuế khu vực Từ Sơn – Yên Phong trả lời như sau:

Căn cứ điểm d, khoản 6, điều 8, nghị định 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020; công văn 801/TCT-TNCN của Tổng cục thuế hướng dẫn quyết toán thuế TNCN năm 2015 và cấp mã số thuế người phụ thuộc ngày 02/3/2016 quy định:

“Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên tại một đơn vị, đồng thời có thu nhập vãng lai chưa khấu trừ thuế (bao gồm trường hợp chưa đến mức khấu trừ và đã đến mức khấu trừ nhưng không khấu trừ) thì cá nhân không ủy quyền quyết toán thuế.”

Căn cứ quy định nêu trên, cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công (ký HĐLĐ>=3 tháng) tại Công ty TNHH sản xuất và thương mại thép Thành Nga, có thu nhập từ làm tư vấn viên bảo hiểm đã khấu trừ thuế 5% và hoa hồng nhận được từ kinh doanh đa cấp chưa khấu trừ thuế TNCN sẽ không được ủy quyền quyết toán cho Công ty TNHH sản xuất và thương mại thép Thành Nga mà phải trực tiếp quyết toán với cơ quan thuế quản lý Công ty TNHH  sản xuất và thương mại  thép Thành Nga (vì tại thời điểm quyết toán cá nhân này vẫn đang làm việc tại Công ty trên).

Trân trọng cảm ơn!

Tên người hỏi: Nguyễn Thị Vân, Tên doanh nghiệp/tổ chức: Công ty TNHH Xử Lý Môi Trường Sao Sáng Bắc Ninh, Email: xulymoitruongsaosang@gmail.com, Mst: 2300670584-35–45
Khoản ủng hộ quỹ phòng chống covid và chi phí xét nghiệm cho người lao động có được tính vào chi phí được trừ hay không?
Trả lời:

Chi cục Thuế khu vực Từ Sơn – Yên Phong trả lời như sau:

Theo quy định tại Điều 2, Nghị định 44/2021/NĐ-CP ngày 31/3/2021 của Chính phủ quy định:

1. Doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ bằng tiền, hiện vật cho các hoạt động phòng, chng dịch Covid-19 tại Việt Nam thông qua các đơn vị nhận ủng hộ, tài trợ quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Đơn vị nhận ủng hộ, tài trợ bao gồm: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp; cơ sở y tế; đơn vị lực lượng vũ trang; đơn vị, tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao nhiệm vụ làm cơ sở cách ly tập trung; cơ sở giáo dục; cơ quan báo chí; các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; tổ chức đảng, đoàn thanh niên, công đoàn các cấp ở trung ương và địa phương; cơ quan, đơn vị chính quyền địa phương các cấp có chức năng huy động tài trợ; Quỹ phòng, chống dịch Covid-19 các cấp; Cổng thông tin điện tử nhân đạo quốc gia; quỹ từ thiện, nhân đạo và tổ chức có chức năng huy động tài trợ được thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật.

Các đơn vị nhận ủng hộ, tài trợ có trách nhiệm sử dụng, phân phối đúng mục đích của khoản ủng hộ, tài trợ cho các hoạt động phòng, chng dịch Covid-19 đã tiếp nhận.

3. Hồ sơ xác định khoản chi ng hộ, tài trợ gồm có: Biên bản xác nhận ủng hộ, tài trợ theo mẫu ban hành kèm theo Nghị định này hoặc văn bản, tài liệu (hình thức giấy hoặc điện từ) xác nhận khoản chi ủng hộ, tài trợ có chữ ký, đóng dấu của người đại diện doanh nghiệp là bên ủng hộ, tài trợ và đại diện của đơn vị nhận ủng hộ, tài trợ; kèm theo hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật của khoản ng hộ, tài trợ bng tiền hoặc hiện vật.

Căn cứ quy định trên, trường hợp doanh nghiệp chi ủng hộ quỹ phòng chống Covid phải đáp ứng các điều kiện nêu trên thì được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.

Tại điều 4 thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22 tháng 06 năm 2015 của BTC sửa đổi, bổ sung Điều 6 thông tư số 78/2014/TT-BTC hướng dẫn về thuế TNDN quy định như sau:

“Trừ các khoản chi không được trừ nêu tại Khoản 2 Điều này, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:

a) Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp;

b) Khoản chi có đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.

c) Khoản chi nếu có hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt

…”

Căn cứ các quy định và hướng dẫn trên, khoản chi phí ủng hộ, tài trợ cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam theo đúng đối tượng và chi phí xét nghiệm Covid cho người lao động có đầy đủ hóa đơn chứng từ, thanh toán theo hướng dẫn nêu trên thì Công ty được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN.

Trân trọng cảm ơn!

Tên người hỏi: Nguyễn Hiệp, Tên doanh nghiệp/tổ chức: Công ty TNHH thương mại xuất nhập khẩu công nghệ caoViệt Nam, Email: phamthanhnga25280@gmail.com, Mst: 2301035842-33–46
Công ty có bán hàng cho một công ty nước ngoài tại Đan Mạch. Nhưng khách hàng lại yêu cầu giao hàng tại Việt Nam cho một công ty nước ngoài khác đang làm dự án điện gió tại Việt nam, có đặt trụ sở tại Việt Nam. Xin hỏi, trường hợp này có được coi là xuất khẩu tại chỗ? Và đơn vị cần xuất hóa đơn với thuế suất GTGT như thế nào?
Trả lời:

Chi cục thuế KV Từ Sơn – Yên Phong trả lời như sau:

Theo khoản1 Điều 9 Thông tư 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 quy định :

“1. Thuế suất 0%: áp dụng đối với hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu; hoạt động xây dựng, lắp đặt công trình ở nước ngoài và ở trong khu phi thuế quan; vận tải quốc tế; hàng hoá, dịch vụ thuộc diện không chịu thuế GTGT khi xuất khẩu, trừ các trường hợp không áp dụng mức thuế suất 0% hướng dẫn tại khoản 3 Điều này.

…….

– Các trường hợp được coi là xuất khẩu theo quy định của pháp luật:

+ Hàng hoá gia công chuyển tiếp theo quy định của pháp luật thương mại về hoạt động mua, bán hàng hoá quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công hàng hoá với nước ngoài.

+ Hàng hoá xuất khẩu tại chỗ theo quy định của pháp luật.

+  Hàng hóa xuất khẩu để bán tại hội chợ, triển lãm ở nước ngoài.

Khoản 2, Điều 17 Thông tư 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 quy định Điều kiện khấu trừ, hoàn thuế GTGT đầu vào đối với một số trường hợp hàng hoá được coi như xuất khẩu:

2. Hàng hoá xuất khẩu tại chỗ theo quy định của pháp luật:

          a) Hợp đồng mua bán hàng hoá hoặc hợp đồng gia công có chỉ định giao hàng tại Việt Nam;

b) Tờ khai hải quan hàng hoá xuất khẩu – nhập khẩu tại chỗ đã làm xong thủ tục hải quan;

           c) Hoá đơn giá trị gia tăng hoặc hóa đơn xuất khẩu ghi rõ tên người mua phía nước ngoài, tên doanh nghiệp nhận hàng và địa điểm giao hàng tại Việt Nam;

           d) Hàng hóa bán cho thương nhân nước ngoài nhưng giao hàng tại Việt Nam phải thanh toán qua ngân hàng bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi. Chứng từ thanh toán qua ngân hàng theo hướng dẫn tại khoản 3 Điều 16 Thông tư này. Trường hợp người nhập khẩu tại chỗ được phía nước ngoài uỷ quyền thanh toán cho người xuất khẩu tại chỗ thì đồng tiền thanh toán thực hiện theo quy định của pháp luật về ngoại hối.

           đ) Hàng hóa xuất khẩu tại chỗ của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải phù hợp với quy định tại giấy phép đầu tư.”

Nếu doanh nghiêp đáp ứng đầy đủ những quy định nêu trên thì được coi là xuất khẩu tại chỗ.

Trân trọng cám ơn!

Tên người hỏi: Chu Thị Hoa Lý, Tên doanh nghiệp/tổ chức: Công ty TNHH Thảo Ngọc Hà Nội, Email: hoaly18081987@gmail.com, Mst: 0108074938-33–47
Công ty em là doanh nghiệp sản xuất. Công nhân tăng ca quá nhiều, một ngày tầm 3 giờ. một tháng 78 giờ, vậy một năm trung bình tầm 700 giờ. Vậy cho em hỏi số tiếng lớn hơn 300 giờ ( tầm 400 giờ) có được tính vào chi phí hợp lý của doanh nghiệp không? Vă căn cứ pháp lý nào ạ?
Trả lời:

Chi cục Thuế khu vực Từ Sơn – Yên Phong trả lời như sau:

Tại Điều 107 Bộ Luật lao động số 45/2019/QH14 ngày 20/11/2019 quy định về làm thêm giờ như sau:

“Điều 107. Làm thêm giờ

1. Thời gian làm thêm giờ là khoảng thời gian làm việc ngoài thời giờ làm việc bình thường theo quy định của pháp luật, thỏa ước lao động tập thể hoặc nội quy lao động.

2. Người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm giờ khi đáp ứng đầy đủ các yêu cầu sau đây:

a) Phải được sự đồng ý của người lao động;

b) Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày; trường hợp áp dụng quy định thời giờ làm việc bình thường theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày; không quá 40 giờ trong 01 tháng;

c) Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 200 giờ trong 01 năm, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này.

3. Người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm không quá 300 giờ trong 01 năm trong một số ngành, nghề, công việc hoặc trường hợp sau đây:

a) Sản xuất, gia công xuất khẩu sản phẩm hàng dệt, may, da, giày, điện, điện tử, chế biến nông, lâm, diêm nghiệp, thủy sản;

b) Sản xuất, cung cấp điện, viễn thông, lọc dầu; cấp, thoát nước;

c) Trường hợp giải quyết công việc đòi hỏi lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao mà thị trường lao động không cung ứng đầy đủ, kịp thời;

d) Trường hợp phải giải quyết công việc cấp bách, không thể trì hoãn do tính chất thời vụ, thời điểm của nguyên liệu, sản phẩm hoặc để giải quyết công việc phát sinh do yếu tố khách quan không dự liệu trước, do hậu quả thời tiết, thiên tai, hỏa hoạn, địch họa, thiếu điện, thiếu nguyên liệu, sự cố kỹ thuật của dây chuyền sản xuất;

đ) Trường hợp khác do Chính phủ quy định.

4. Khi tổ chức làm thêm giờ theo quy định tại khoản 3 Điều này, người sử dụng lao động phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Tại Điều 61, Điều 62 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 quy định:

Điều 61. Các trường hợp được tổ chức làm thêm từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong một năm

Ngoài các trường hợp quy định tại các điểm a, điểm b, điểm c, điểm d khoản 3 Điều 107 của Bộ luật Lao động, các trường hp sau đây được tổ chức làm thêm từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong năm:

1. Các trường hợp phải giải quyết công việc cấp bách, không thể trì hoãn phát sinh từ các yếu tố khách quan liên quan trực tiếp đến hoạt động công vụ trong các cơ quan, đơn vị nhà nước, trừ các trường hợp quy định tại Điều 108 của Bộ luật Lao động.

2. Cung ứng dịch vụ công; dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; dịch vụ giáo dục, giáo dục nghề nghiệp.

3. Công việc trực tiếp sản xuất, kinh doanh tại các doanh nghiệp thực hiện thời giờ làm việc bình thường không quá 44 giờ trong một tuần.

Điều 62. Thông báo về việc tổ chức làm thêm từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong một năm

1. Khi tổ chức làm thêm từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong một năm, người sử dụng lao động phải thông báo cho Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tại các nơi sau:

a) Nơi người sử dụng lao động tổ chức làm thêm từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong một năm;

b) Nơi đặt trụ sở chính, nếu trụ sở chính đóng trên địa bàn tnh, thành phố trực thuộc trung ương khác với nơi người sử dụng lao động tổ chức làm thêm từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong một năm.

2. Việc thông báo phải được thực hin chậm nhất sau 15 ngày kể từ ngày thực hiện làm thêm từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong một năm.

Tại Khoản 1, điểm 2.6 khoản 2 Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính (đã được sửa đổi tại Điều 4, Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015) hướng dẫn chi phí được trừ, không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế:

1. Trừ các khoản chi không được trừ nêu tại Khoản 2 Điều này, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:

a) Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

b) Khoản chi có đủ hoá đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.

….

2. Các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế bao gồm:

2.6. Chi tiền lương, tiền công, tiền thưởng cho người lao động thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Chi tiền lương, tiền công và các khoản phải trả khác cho người lao động doanh nghiệp đã hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh trong kỳ  nhưng thực tế không chi trả hoặc không có chứng từ thanh toán theo quy định của pháp luật.

b) Các khoản tiền lương, tiền thưởng, chi mua bảo hiểm nhân thọ cho người lao động không được ghi cụ thể điều kiện được hưởng và mức được hưởng tại một trong các hồ sơ sau: Hợp đồng lao động; Thoả ước lao động tập thể; Quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty, Tập đoàn; Quy chế thưởng do Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc quy định theo quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty.

…”

Căn cứ quy định trên, trường hợp Công ty do tính chất công việc phải làm thêm giờ vượt quá số giờ làm thêm theo mức quy định của Bộ Luật lao động, nếu Công ty thỏa thuận và được sự đồng ý của người lao động, Công ty phải thông báo bằng văn bản và được sự chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về quản lý lao động và việc làm khi tổ chức làm thêm giờ như trên thì khoản tiền làm thêm giờ vượt quá số giờ làm thêm theo quy định mà doanh nghiệp thực chi trả cho người lao động, có đầy đủ chứng từ hợp pháp theo quy định tại các văn bản về thuế thu nhập doanh nghiệp thì được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.

Trân trọng cảm ơn!

Tên người hỏi: Nguyễn Thị Huệ, Tên doanh nghiệp/tổ chức: CÔNG TY TNHH THƯƠNG MẠI VÀ DỊCH VỤ MINH AN PHÁT, Email: thanhanuyvubacninh@gmail.com, Mst: 2301133550-32–48
Sau khi nhận bàn giao chứng từ kế toán (bản gốc) năm 2020 của kế toán cũ.Tôi đã cất đi, mấy tháng nay tôi tìm lại hồ sơ nhưng không thấy chứng từ gốc năm 2020 đâu. Vậy trường hợp này công ty tôi phải làm như thế nào?
Trả lời:

Chi cục Thuế khu vực Từ Sơn- Yên Phong trả lời như sau:

Căn cứ theo Điều  42 Luật kế toán số 88/2015/QH13 năm 2015 ngày 20 tháng 11 năm 2015 quy định:

Điều 42. Trách nhiệm của đơn vị kế toán trong trường hợp tài liệu kế toán bị mất hoặc bị hủy hoại

Khi phát hiện tài liệu kế toán bị mất hoặc bị hủy hoại, đơn vị kế toán phải thực hiện ngay các công việc sau đây:

Kiểm tra, xác định và lập biên bản về số lượng, hiện trạng, nguyên nhân tài liệu kế toán bị mất hoặc bị hủy hoại; thông báo cho tổ chức, cá nhân có liên quan và cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

Tổ chức phục hồi lại tài liệu kế toán bị hư hỏng;

Liên hệ với tổ chức, cá nhân có giao dịch tài liệu, số liệu kế toán để được sao chụp hoặc xác nhận lại tài liệu kế toán bị mất hoặc bị hủy hoại;

Đối với tài liệu kế toán có liên quan đến tài sản nhưng không thể phục hồi bằng các biện pháp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này thì phải kiểm kê tài sản để lập lại tài liệu kế toán bị mất hoặc bị hủy hoại.”

Căn cứ theo Điều 24, Thông tư 39/2014/TT-BTC quy định:

Điều 24. Xử lý trong trường hợp mất, cháy, hỏng hóa đơn

Tổ chức, hộ, cá nhân kinh doanh nếu phát hiện mất, cháy, hỏng hóa đơn đã lập hoặc chưa lập phải lập báo cáo về việc mất, cháy, hỏng và thông báo với cơ quan thuế quản lý trực tiếp (mẫu số 3.8 Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư này) chậm nhất không quá năm (05) ngày kể từ ngày xảy ra việc mất, cháy, hỏng hóa đơn. Trường hợp ngày cuối cùng (ngày thứ 05) trùng với ngày nghỉ theo quy định của pháp luật thì ngày cuối cùng của thời hạn được tính là ngày tiếp theo của ngày nghỉ đó.

Trường hợp khi bán hàng hóa, dịch vụ người bán đã lập hóa đơn theo đúng quy định nhưng sau đó người bán hoặc người mua làm mất, cháy, hỏng liên 2 hóa đơn bản gốc đã lập thì người bán và người mua lập biên bản ghi nhận sự việc, trong biên bản ghi rõ liên 1 của hóa đơn người bán hàng khai, nộp thuế trong tháng nào, ký và ghi rõ họ tên của người đại diện theo pháp luật (hoặc người được ủy quyền), đóng dấu (nếu có) trên biên bản và người bán sao chụp liên 1 của hóa đơn, ký xác nhận của người đại diện theo pháp luật và đóng dấu trên bản sao hóa đơn để giao cho người mua. Người mua được sử dụng hóa đơn bản sao có ký xác nhận, đóng dấu (nếu có) của người bán kèm theo biên bản về việc mất, cháy, hỏng liên 2 hóa đơn để làm chứng từ kế toán và kê khai thuế. Người bán và người mua phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của việc mất, cháy, hỏng hóa đơn.

         Căn cứ vào các quy định trên, khi làm mất chứng từ kế toán, công ty cần thực hiện các công việc sau:

Lập biên bản về việc mất tài liệu (Theo mẫu PL01 ban hành kèm theo thông tư 96/2010/TT-BTC.)

In lại và xin lại các chứng từ đã mất (nếu có thể: Phiếu thu,chi; Chứng từ ngân hàng…)

Đối với các chứng từ không thể xin lại: cần sao chụp lại các chứng từ đó và in ra kẹp cùng chứng từ kế toán khác.

Đối với các chứng từ đã mất liên quan tới việc hình thành tài sản: cần lập biên bản kiểm kê tài sản để lập lại chứng từ đã bị mất.

Lập biên bản mất hóa đơn kèm theo báo cáo mất, cháy, hỏng hóa đơn đã lập (mẫu số 3.8 Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư 39/2014-TT/BTC34 hay BC21/AC có thể nộp qua mạng).

Thông báo với cơ quan thuế quản lý trực tiếp (mẫu số 3.8 Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư này) chậm nhất không quá năm (05) ngày kể từ ngày xảy ra việc mất, cháy, hỏng hóa đơn.Trường hợp ngày cuối cùng (ngày thứ 05) trùng với ngày nghỉ theo quy định của pháp luật thì ngày cuối cùng của thời hạn được tính là ngày tiếp theo của ngày nghỉ đó.

Về xử phạt: Việc mất sổ sách kế toán thực hiện theo quy định của Luật kế toán; việc mất hóa đơn chứng từ theo quy định của Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ.

Trân trọng cảm ơn!

Tên người hỏi: Nguyễn Hiệp, Tên doanh nghiệp/tổ chức: Công ty TNHH thương mại xuất nhập khẩu công nghệ caoViệt Nam, Email: phamthanhnga25280@gmail.com, Mst: 2301035842-31–49
Câu 1: Công ty nhận ủy thác nhập khẩu hàng hóa cho khách hàng. + Theo thỏa thuận thì khách hàng sẽ thanh toán trực tiếp cho bên xuất khẩu hàng hóa và hàng hóa nhập về được chỉ định giao thẳng đến địa điểm do khách hàng chỉ định. +Công ty HitechVina nộp tờ khai hải quan, trên tờ khai hải quan đồng thời hiển thị tên khách hàng và tên công ty HitechVina. Công ty HitechVina nhận được thông báo của Hải Quan yêu cầu nộp thuế GTGT nhập khẩu, thuế nhập khẩu, thuế BVMT và công ty Hitech đã nộp đủ tiền thuế theo thông báo của Hải Quan. Xin hỏi: Cách viết hóa đơn xuất trả hàng ủy thác, thuế GTGT nhập khẩu, thuế nhập khẩu, thuế BVMT cho bên ủy thác và kê khai thuế như thế nào?
Trả lời:

Chi cục thuế KV Từ Sơn – Yên Phong trả lời như sau:

– Căn cứ Khoản 3 Điều 1 Thông tư số 119/2014/TT-BTC ngày 25/08/2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013, Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013, Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013, Thông tư số 08/2013/TTBTC ngày 10/01/2013, Thông tư số 85/2011/TT-BTC ngày 17/6/2011, Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 và Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính để cải cách, đơn giản các thủ tục hành chính về thuế như sau:

“3. Sửa đi, bổ sung điểm a, d, đ và e khoản 8 Điều 11 Thông tư số 156/2013/TT-BTC như sau:

…b) Sửa đổi điểm a, đ, e khoản 8 Điều 11 như sau:

…đ) Khai thuế đối với người nộp thuế có hoạt động xuất, nhập khẩu ủy thác hàng hóa:

Người nộp thuế nhận xuất, nhập khẩu ủy thác hàng hóa không phảkhai thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa nhận xuất, nhập khẩu ủy thác (trong trường hợp hợp đồng ủy thác không có nội dung ủy thác về thực hiện nghĩa vụ thuế GTGT thay cho đối tượng ủy thác) nhưng phải khai thuế giá trị gia tăng đi với thù lao ủy thác được hưởng…. ”

– Căn cứ Điểm 2.2 Phụ lục 4 Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/03/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2010 và Nghị định số 04/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ quy định về lập hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ đối với một số trường hợp như sau:

          “2. Trong một số trường hợp việc sử dụng và ghi hóa đơn, chứng từ được thực hiện cụ thể như sau:

          2.2. Tổ chức xuất nhập khẩu nộp thuế GTGT theo phương pháp khẩu trừ thuê nhận nhập khu hàng hóa ủy thác cho các cơ sở khác, khi trả hàng cơ sở nhận ủy thác lập chứng từ như sau:

          Cơ sở nhận nhập khẩu ủy thác khi xuất trả hàng nhập khẩu ủy thác, nếu đã nộp thuế GTGT ở khâu nhập khẩu, cơ sở lập hóa đơn GTGT để cơ sở đi ủy thác nhập khẩu làm căn cứ kê khai, khấu trừ thuế GTGT đầu vào đối với hàng hóa ủy thác nhập khẩu. Trường hợp cơ sở nhận nhập khẩu ủy thác chưa nộp thuế GTGT ở khâu nhập khẩu, khi xuất trả hàng nhập khẩu ủy thác, cơ sở lập phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ kèm theo lệnh điều động nội bộ theo quy định làm chứng từ lưu thông hàng hóa trên thị trường. Sau khi đã nộp thuế GTGT ở khâu nhập khẩu cho hàng hóa nhập khẩu ủy thác, cơ sở mới lập hóa đơn theo quy định trên.

        Hóa đơn GTGT xuất trả hàng nhp khẩu ủy thác ghi:

     (a) Giá bán chưa có thuế GTGT bao gồm: giá trị hàng hóa thực tế nhập khu theo giá CIF, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và các khoản phải nộp theo chế độ quy định ở khâu nhập khẩu (nếu có).

     (b) Thuế suất thuế GTGT và tiền thuế GTGT ghi theo số thuế đã nộp ở khâu nhập khẩu.

      (c) Tổng cộng tiền thanh toán (= a + b)

      Cơ sở nhận nhập khẩu ủy thác lập hóa đơn GTGT riêng để thanh toán tiền hoa hng ủy thác nhập khu… ”

Căn cứ các quy định trên:

Công ty Hitech Vina phải xuất hóa đơn cho đơn vị ủy thác nhập khẩu. Việc lập hóa đơn xuất trả hàng cho đơn vị ủy thác nhập khẩu phải thực hiện theo đúng hướng dẫn tại Điểm 2.2 Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/03/2014 của Bộ Tài chính nêu trên.

Trân trọng cảm ơn!

Tên người hỏi: Ngô Thị Lượng, Tên doanh nghiệp/tổ chức: Công ty TNHH TM và DV Sunwon, Email: ngoluong.ty@gmail.com, Mst: 2300776037-31–50
Đơn vị mua 10 cái máy bán hàng tự động. Mất 100.000.000 đ tiền hàng và 10.000.000 tiền thuế và đơn vị đã thanh toán 100.000.000 bằng chuyển khoản qua ngân hàng và đơn vị đã đặt cọc tiền mặt 10.000.000 đồng. Trong tháng đơn vị đã bán hết số máy trên vậy đơn vị chúng tôi hạch toán giá vốn là 100.000.000 hay là 90.000.000. Xác định chi phí được trừ là khoản chi phí nào.
Trả lời:

Chi cục thuế khu vực Từ Sơn – Yên Phong trả lời như sau:

Căn cứ  theo khoản 10, điều 1 thông tư số 26/2015/TT-BTC sửa đổi, bổ sung điều 15 thông thư số 219/2013/TT-BTC có quy định về trường hợp hóa đơn đầu vào có giá trị trên 20 triệu đồng. Cụ thể: Doanh nghiệp chỉ được khấu trừ thuế GTGT đầu vào khi các hóa đơn có giá trị 20 triệu đồng trở lên có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.

Theo điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC ngày 22/06/2015 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014:

Các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế

“1. Trừ các khoản chi không được trừ nêu tại Khoản 2 Điều này, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:

a) Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp;

b) Khoản chi có đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.

c) Khoản chi nếu có hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.”

Căn cứ quy định nêu trên hóa đơn mua hàng của doanh nghiệp có giá trị 110 triệu đồng (giá trị tiền hàng là 100.0000.000 đồng, thuế GTGT đầu vào là 10.0000.000 đồng) doanh nghiệp đã thanh toán tiền hàng bằng chuyển khoản là 100.000.000 đồng, thanh toán bằng tiền mặt 10.000.000 đồng doanh nghiệp được hạch toán giá vốn là 90.909.090 đồng, kê khai khấu trừ thuế GTGT đầu vào là 9.090.909 đồng (tương ứng với 100.000.000 đồng đã thanh toán chuyển khoản qua ngân hàng).

Trân trọng cảm ơn !

Tên người hỏi: Lê Thị Thanh Tâm, Tên doanh nghiệp/tổ chức: Công ty TNHH Sam Sinh Vina, Email: hoanganh14021983@gmail.com, Mst: 2300277119-30–51
Năm 2019 đơn vị thành lập có vốn pháp định là 30 Tỷ đồng và doanh nghiệp thuê đất trả 1 lần là 20 tỷ trong năm doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy mất 25 tỷ đồng và Tháng 05/2020 đơn vị đi vào hoạt động và phát sinh doanh thu. Trong quá trình đơn vị xây dựng nhà máy do vốn không đủ để xây dựng, Đơn vị chúng tôi đã vay ngân hàng 17 tỷ trung và dài hạn để phục vụ xây dựng nhà máy. Và phát sinh lãi vay là 250 tr. Cái số lãi vay mà đơn vị vay có được tính vào chi phí được trừ tính thuế TNDN không.
Trả lời:

Chi cục thuế khu vực Từ Sơn – Yên Phong có trả lời như sau:

Theo điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC ngày 22/06/2015 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014: Các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế bao gồm:

“…

2.31. Chi về đầu tư xây dựng cơ bản trong giai đoạn đầu tư để hình thành tài sản cố định.

Khi bắt đầu hoạt động sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp chưa phát sinh doanh thu nhưng có phát sinh các khoản chi thường xuyên để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (không phải là các khoản chi đầu tư xây dựng để hình thành tài sản cố định) mà các khoản chi này đáp ứng các điều kiện theo quy định thì khoản chi này được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.

Trường hợp trong giai đoạn đầu tư, doanh nghiệp có phát sinh khoản chi trả tiền vay thì khoản chi này được tính vào giá trị đầu tư. Trường hợp trong giai đoạn đầu tư xây dựng cơ bản, doanh nghiệp phát sinh cả khoản chi trả lãi tiền vay và thu từ lãi tiền gửi thì được bù trừ giữa khoản chi trả lãi tiền vay và thu từ lãi tiền gửi, sau khi bù trừ phần chênh lệch còn lại ghi giảm giá trị đầu tư.

Theo quy định nêu trên trường hợp doanh nghiệp vay vốn của ngân hàng để xây dựng nhà máy có phát sinh khoản chi trả tiền lãi vay trong giai đoạn đầu tư để hình thành tài sản cố định thì khoản lãi tiền vay này được tính vào giá trị tài sản, giá trị công trình đầu tư, không được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN trong kỳ tính thuế

Trân trọng cảm ơn !

Tên người hỏi: Nguyễn Thị Vân, Tên doanh nghiệp/tổ chức: Công ty TNHH Xử Lý Môi Trường Sao Sáng Bắc Ninh, Email: xulymoitruongsaosang@gmail.com, Mst: 2300670584-29–52
Mẫu tờ khai thuế GTGT trước đây theo mẫu của thông tư 156 mà thông tư 156 hướng dẫn theo luật quản lý thuế số 78, mà luật quản lý thuế số 38 thay thế cho luật quản lý thuế số 78, có mẫu tờ khai theo luật quản lý thuế số 38 hay không?
Trả lời:

Chi cục Thuế khu vực Từ Sơn- Yên Phong trả lời như sau:

Trước ngày 31/12/2021 Người nộp thuế áp dụng mẫu biểu Thông tư 156/TT-BTC ngày 6/11/2013 của Bộ tài chính.

Thông tư số 80/2021/TT-BTC ngày 29/9/2021 của Bộ tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật quản lý thuế và Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính Phủ quy định chi tiết một số điều của luật quản lý thuế, Thông tư số 80/2021/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.

Trân trọng cảm ơn!

Tên người hỏi: Nguyễn Thị Nam Hà, Tên doanh nghiệp/tổ chức: Công ty TNHH Môi trường Việt Tiến, Email: viettien@gmail.com, Mst: 2300945951-28–53
Theo quy định tại Nghị định số 218/2013/NĐ-CP thì các hóa đơn GTGT có số tiền từ 20 triệu trở lên phải chuyển khoản qua ngân hàng mới được khấu trừ thuế GTGT đầu vào và đưa vào chi phí để tính thuế TNDN. Vậy xin hỏi những hóa đơn mua hàng trên 20 triệu mà có thuế suất GTGT 0% đã thanh toán tiền mặt thì những hóa đơn này không khấu trừ thuế VAT đầu vào nhưng có được tính vào chi phí để tính thuế TNDN không?
Trả lời:

Chi cục Thuế khu vực Từ Sơn – Yên Phong trả lời như sau:

Theo điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC ngày 22/06/2015 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 quy định:

“1. Trừ các khoản chi không được trừ nêu tại Khoản 2 Điều này, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:

a) Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp;

b) Khoản chi có đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.

c) Khoản chi nếu có hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.

Chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt thực hiện theo quy định của các văn bản pháp luật về thuế giá trị gia tăng.”

Căn cứ quy định nêu trên, những hóa đơn mua hàng trên 20 triệu mà có thuế suất GTGT 0% đã thanh toán tiền mặt thì chi phí mua hàng không tính vào chi phí được trừ để tính thuế TNDN .

Trân trọng cảm ơn!

Tên người hỏi: Đặng Thị Khánh, Tên doanh nghiệp/tổ chức: Công ty TNHH Eunsung tech Việt Nam, Email: dangngockhanh2404@gmail.com, Mst: 2300932335-27–54
Kính gửi các anh chị, Cty em là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, hiện tại bên em đang thuê nhà xưởng của một cty A là cty của Việt Nam, thời hạn thuê 03 năm ( Từ 3/2021 – 02/2023). Theo QĐ 27/2020/ QĐ/TTG ban hành ngày 25/09/2021 thì đơn vị em có được hưởng chính sách miễn giảm này không? hay chỉ thuê đất của Nhà Nước mới được áp dụng ạ? Em cảm ơn.
Trả lời:

Chi cục thuế khu vực Từ Sơn – Yên Phong trả lời như sau:

Căn cứ khoản 1, điều 2 Quyết định số 27/2020/QĐ/TTg của Chính Phủ ngày 25/9/2021 về việc giảm tiền thuê đất năm 2021 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 quy định:

“Điều 2: Đối tượng áp dụng

1. Tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp theo quyết định hoặc hợp đồng của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền dưới hình thức trả tiền thuê đất hằng năm (sau đây gọi là người thuê đất).

Quy định này áp dụng cho cả trường hợp người thuê đất không thuộc đối tượng miễn, giảm tiền thuê đất và trường hợp người thuê đất đang được giảm tiền thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật khác có liên quan.”

Căn cứ quy định trên thì Công ty bạn thuê lại nhà xưởng của công ty A không thuộc đối tượng được miễn giảm tiền thuê đất theo Quyết định số  27/2020/QĐ/TTg ngày 25/9/2021.

Trân trọng cảm ơn!

Tên người hỏi: Dương Thị Hợp, Tên doanh nghiệp/tổ chức: Công Ty TNHH Hải Lộc, Email: hoamoclan.bacninh@gmail.com, Mst: 2300555165-26–55
1. Ngày 1/11/2021 thị xã Từ Sơn chính thức lên thành phố. Vậy khi nào ( ngày nào) công ty có thể bắt đầu làm các thủ tục thay đổi giấy phép đkkd, con dấu và điều chỉnh thông tin trên hóa đơn ( nếu còn sử dụng hóa đơn giấy cũ) và có hạn cuối cùng là khi nào phải xong không ạ. 2. Sau ngày 1/11/2021 nếu công ty chưa hoàn thiện xong thủ tục thay đổi thông tin trên giấy phép đăng ký kinh doanh thì có được phép sử dụng con dấu mới với thông tin đã điều chỉnh từ thị xã lên thành phố ( cả dấu tròn và dấu địa chỉ đóng vào hóa đơn cũ) không ạ hay phải đợi thay đổi xong gpđkkd mới được dùng ạ. Và nếu như chưa triển khai thay đổi bất kỳ nội dung nào thì có được phép tiếp tục sử dụng thông tin cũ không ạ. Nếu được thì thời hạn là đến khi nào ạ. Em xin cảm ơn ạ! Trân trọng!
Trả lời:

Chi cục thuế khu vực Từ Sơn – Yên Phong trả lời như sau:

1. Nội dung về thay đổi thông tin đăng ký thuế:

Căn cứ khoản 1 điều 36 Luật số 38/2019/QH14 ngày 13/6/2019

“…Người nộp thuế đăng ký thuế cùng với đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hợp tác xã, đăng ký kinh doanh khi có thay đổi thông tin đăng ký thuế thì thực hiện thông báo thay đổi thông tin đăng ký thuế cùng với việc thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hợp tác xã, đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Trường hợp người nộp thuế thay đổi địa chỉ trụ sở dẫn đến thay đổi cơ quan thuế quản lý, người nộp thuế phải thực hiện các thủ tục về thuế với cơ quan thuế quản lý trực tiếp theo quy định của Luật này trước khi đăng ký thay đổi thông tin với cơ quan đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hợp tác xã, đăng ký kinh doanh”

Căn cứ vào quy định trên, đề nghị người nộp thuế liên hệ với Phòng đăng ký kinh doanh – Sở kế hoạch & Đầu tư tỉnh Bắc Ninh để thay đổi thông tin đăng ký thuế.

2. Nội dung về hóa đơn:

Căn cứ vào Khoản 2 Điều 9 Thông tư số 39/2014/TT-BTC  ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính quy định:

“…Đối với các số hóa đơn đã thực hiện thông báo phát hành nhưng chưa sử dụng hết có in sẵn tên, địa chỉ trên tờ hóa đơn, khi có sự thay đổi tên, địa chỉ nhưng không thay đổi mã số thuế và cơ quan thuế quản lý trực tiếp, nếu tổ chức kinh doanh vẫn có nhu cầu sử dụng hóa đơn đã đặt in thì thực hiện đóng dấu tên, địa chỉ mới vào bên cạnh tiêu thức tên, địa chỉ đã in sẵn để tiếp tục sử dụng và gửi thông báo điều chỉnh thông tin tại thông báo phát hành hóa đơn đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp (mẫu số 3.13 Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư này)…’

Căn cứ quy định trên:

– Trường hợp đơn vị vẫn có nhu cầu sử dụng tiếp các số hóa đơn đã phát hành nhưng chưa sử dụng hết thì thực hiện đóng dấu tên, địa chỉ mới vào bên cạnh tiêu thức tên, địa chỉ đã in sẵn để tiếp tục sử dụng và gửi thông báo điều chỉnh thông tin tại thông báo phát hành hóa đơn (mẫu TB04/AC) đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp.

– Trường hợp đơn vị không có nhu cầu sử dụng tiếp các số hóa đơn đã phát hành nhưng chưa sử dụng hết : thực hiện hủy các số hóa đơn chưa sử dụng và thông báo kết quả hủy hóa đơn theo mẫu TB03/AC gửi cơ quan thuế.

Trân trọng cảm ơn!

Tên người hỏi: Dương Ngọc Bảo Ngân, Tên doanh nghiệp/tổ chức: Công ty TNHH Kim Loại Màu Minh Khánh, Email: thucvy050112@gmail.com, Mst: 2300898116-25–56
Doanh nghiệp có quan hệ mua bán hàng hóa và thực hiện thanh toán tiền hàng theo phương thức bù trừ công nợ thì có được khấu trừ thuế GTGT không?
Trả lời:

Chi cục thuế Khu vực Từ Sơn – Yên Phong trả lời như sau:

Theo Khoản 10 Điều 1 Thông tư 26/2015/TT-BTC ngày 27/02/2015 của Bộ Tài Chính sửa đổi bổ sung Điều 15 Thông  tư 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài Chính có nêu rõ quy định về điều kiện khấu trừ thuế GTGT đầu vào:

“1. Có hóa đơn giá trị gia tăng hợp pháp của hàng hóa, dịch vụ mua vào hoặc chứng từ nộp thuế giá trị gia tăng khâu nhập khẩu hoặc chứng từ nộp thuế GTGT……

2. Có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt đối với hàng hóa, dịch vụ mua vào (bao gồm cả hàng hóa nhập khẩu) từ hai mươi triệu đồng trở lên, trừ các trường hợp giá trị hàng hóa, dịch vụ nhập khẩu từng lần có giá trị dưới hai mươi triệu đồng, hàng hóa, dịch vụ mua vào từng lần theo hóa đơn dưới hai mươi triệu đồng theo giá đã có thuế GTGT và trường hợp cơ sở kinh doanh nhập khẩu hàng hóa là quà biếu, quà tặng của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài.

            …

4. Các trường hợp thanh toán không dùng tiền mặt khác để khấu trừ thuế GTGT đầu vào gồm:

           …

          b) Trường hợp hàng hóa, dịch vụ mua vào theo phương thức bù trừ công nợ như vay, mượn tiền; cấn trừ công nợ qua người thứ ba mà phương thức thanh toán này được quy định cụ thể trong hợp đồng thì phải có hợp đồng vay, mượn tiền dưới hình thức văn bản được lập trước đó và có chứng từ chuyển tiền từ tài khoản của bên cho vay sang tài khoản của bên đi vay đối với khoản vay bằng tiền bao gồm cả trường hợp bù trừ giữa giá trị hàng hóa, dịch vụ mua vào với khoản tiền mà người bán hỗ trợ cho người mua, hoặc nhờ người mua chi hộ

       .…”

Như vậy Doanh nghiệp được kê khai khấu trừ thuế GTGT đầu vào đối với khoản tiền hàng được thanh toán theo phương thức bù trừ công nợ nếu đáp ứng đầy đủ các quy định nêu trên.

Trân trọng cám ơn!

Tên người hỏi: Nguyễn Thị Thắng, Tên doanh nghiệp/tổ chức: Công ty Viễn Đông – TNHH, Email: Nguyetcat110@gmail.com, Mst: 2300245371-24–57
Trường hợp nào thì người nộp thuế không phải nộp hồ sơ khai thuế gtgt?
Trả lời:

Chi cục Thuế khu vực Từ Sơn- Yên Phong trả lời như sau:

Căn cứ tại khoản 3, Điều 7 Nghị định 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính Phủ.

3. Người nộp thuế không phải nộp hồ sơ khai thuế trong các trường hợp sau đây:

a) Người nộp thuế chỉ có hoạt động, kinh doanh thuộc đối tượng không chịu thuế theo quy định của pháp luật về thuế đối với từng loại thuế.

c) Doanh nghiệp chế xuất chỉ có hoạt động xuất khẩu thì không phải nộp hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng.

d) Người nộp thuế tạm ngừng hoạt động, kinh doanh theo quy định tại Điều 4 Nghị định này.

đ) Người nộp thuế nộp hồ sơ chấm dứt hiệu lực mã số thuế, trừ trường hợp chấm dứt hoạt động, chấm dứt hợp đồng, tổ chức lại doanh nghiệp theo quy định của khoản 4 Điều 44 Luật Quản lý thuế.

Công ty Viễn Đông – TNHH căn cứ vào các điều khoản trên để áp dụng theo đúng quy định.

Trân trọng cảm ơn.

Tên người hỏi: Nguyễn Thị Dinh, Tên doanh nghiệp/tổ chức: Công ty TNHH 1TV THỦ ĐỨC, Email: dinh1988@gmail.com, Mst: 2301168842-23–58
Công ty cung ứng nguồn nhân lực chưa được cấp giấy phép hoạt động. Nhưng hoạt động tuyển lao động, cho thuê lao động vẫn diễn ra, có ký hợp đồng và xuất hóa đơn cho các đơn vị khác. Vậy hóa đơn mà công ty cung ứng nguồn nhân lực đó suất ra cho đơn vị chúng tôi có được chấp nhận không?
Trả lời:

Chi cục thuế KV Từ Sơn – Yên Phong trả lời như sau:

Căn cứ Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14 ngày 17/6/2020 quy định:

Điều 8. Nghĩa vụ của doanh nghiệp

1. Đáp ứng đủ điều kiện đầu tư kinh doanh khi kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật và bảo đảm duy trì đủ điều kiện đó trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh.

Điều 16. Các hành vi bị nghiêm cấm

6. Kinh doanh các ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh; kinh doanh ngành, nghề chưa được tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài; kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện khi chưa đủ điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật hoặc không bảo đảm duy trì đủ điều kiện đầu tư kinh doanh trong quá trình hoạt động.

Điều 206. Tạm ngừng, đình chỉ hoạt động, chấm dứt kinh doanh

2. Cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu doanh nghiệp tạm ngừng, đình chỉ hoạt động, chấm dứt kinh doanh trong trường hợp sau đây:

a) Tạm ngừng hoặc chấm dứt kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài khi phát hiện doanh nghiệp không có đủ điều kiện tương ứng theo quy định của pháp luật;

…”

Căn cứ quy định tại Nghị định số 29/2019/NĐ-CP ngày 20/3/2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành khoản 3 điều 54 bộ luật lao động về việc cấp phép hoạt động cho thuê lại lao động, việc ký quỹ và danh mục công việc được thực hiện cho thuê lại lao động.

Trường hợp Công ty hoạt động trong lĩnh vực cung ứng nhân lực (cho thuê lại lao động) – là ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định tại Nghị định số 29/2019/NĐ-CP ngày 20/3/2019 của Chính phủ. Doanh nghiệp chỉ được kinh doanh cho thuê lại lao động khi được cấp phép theo quy định.

Trường hợp, Công ty chưa được cấp phép đối với hoạt động cho thuê lại lao động thì Công ty đã vi phạm các hành vi bị nghiêm cấm và phải chấm dứt kinh doanh ngay việc cho thuê lại lao động. Đề nghị Công ty thu hồi các hóa đơn đã lập và thực hiện đăng ký đề nghị cấp giấy phép kinh doanh kinh doanh hoạt động cho thuê lại lao động theo quy định tại Nghị định số 29/2019/NĐ-CP ngày 20/3/2019 của Chính phủ và chỉ được kinh doanh cho thuê lại lao động khi được cấp giấy phép theo quy định.

Trân trọng cảm ơn!

Tên người hỏi: Công ty CP bê tông nhựa Đại Phát, , Email: btndaiphat@gmail.com, Mst: 2300944080-22–59
Trong năm 2021 Công ty Thuê xe ô tô của cá nhân là anh A mỗi tháng 10 triệu (1 năm 120 triệu). Đồng thời thuê anh A lái xe mỗi tháng trả lương 11 triệu (1 năm 132 triệu). Vậy trong năm 2021 công ty trả cho anh A tổng số tiền 252 triệu (bao gồm thuê xe là tiền lương) Công ty xin hỏi trong với mức thu nhập đó anh A có phải đóng các khoản thuế nào không? (trong năm 2021 anh A không có giảm trừ người phụ thuộc) Mong Chi cục thuế giải đáp. Trân trọng cảm ơn!
Trả lời:

Chi cục thuế khu vực Từ Sơn – Yên Phong trả lời như sau:

Căn cứ tại khoản 1, Điều 9, Thông tư số 40/2021/TT-BTC ngày 01/6/2021 của Bộ tài chính quy định:

“ 1. Cá nhân cho thuê tài sản

a) Cá nhân cho thuê tài sản là cá nhân có phát sinh doanh thu từ cho thuê tài sản bao gồm: cho thuê nhà, mặt bằng, cửa hàng, nhà xưởng, kho bãi không bao gồm dịch vụ lưu trú; cho thuê phương tiện vận tải, máy móc thiết bị không kèm theo người điều khin; cho thuê tài sản khác không kèm theo dịch vụ. Dịch vụ lưu trú không tính vào hoạt động cho thuê tài sản theo hướng dẫn tại khoản này gồm: cung cấp cơ sở lưu trú ngắn hạn cho khách du lịch, khách vãng lai khác; cung cấp cơ sở lưu trú dài hạn không phải là căn hộ cho sinh viên, công nhân và những đối tượng tương tự; cung cấp cơ sở lưu trú cùng dịch vụ ăn uống hoặc các phương tiện giải trí.

c) Cá nhân cho thuê tài sản không phát sinh doanh thu đủ 12 tháng trong năm dương lịch (bao gồm cả trường hợp có nhiều hợp đồng cho thuê) thì mức doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống để xác định cá nhân cho thuê tài sản không phải nộp thuế GTGT, không phải nộp thuế TNCN là doanh thu tính thuế TNCN của một năm dương lịch (12 tháng); doanh thu tính thuế thực tế để xác định số thuế phải nộp trong năm là doanh thu tương ứng với số tháng thực tế phát sinh cho thuê tài sản.

Căn cứ quy định trên, công ty thuê xe của anh A mỗi tháng là 10trđ (1 năm là 120trđ), đây là hoạt động cho thuê tài sản có doanh thu trên 100trđ/năm nên anh A sẽ phải kê khai và nộp lệ phí môn bài, thuế GTGT (5%) và thuế TNCN (5%) đối với hoạt động cho thuê tài sản này.

Đối với khoản thu nhập mà công ty thuê anh A lái xe mỗi tháng trả lương 11 triệu (1 năm 132 triệu). Đây là khoản thu nhập từ tiền lương, tiền công.

Căn cứ khoản 1, điều 1 nghị quyết 954/2020/UBTVQH14 ngày 02/6/2020 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội quy định về mức giảm trừ gia cảnh như sau:

“Mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm);”

Căn cứ quy định trên, nếu anh A chỉ nhận được thu nhập từ tiền lương, tiền công tại công ty mà khoản thu nhập này không vượt quá 132trđ/năm thì anh A được ủy quyền cho công ty quyết toán thuế thay và khoản thu nhập này chưa đến ngưỡng phải nộp thuế TNCN.

Trân trọng cảm ơn!

Tên người hỏi: Nguyễn Thi Hà, Tên doanh nghiệp/tổ chức: Cty TNHH lương thực TP Thanh Hà, Email: dichvuketoanbn@gmail.com, Mst: 2300950461-21–60
Cách lưu trữ hóa đơn điện tử như thế nào là đúng, có bắt buộc phải lưu hóa đơn theo định dạng file xml và PDF hay không?
Trả lời:

Căn cứ Điều 11 Thông tư số 32/2011 ngày 14/3/2011 của Bộ tài chính hướng dẫn về khởi tạo, phát hành và sử dụng hoá đơn điện tử bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ:

“1. Người bán, người mua hàng hoá, dịch vụ sử dụng hóa đơn điện tử để ghi sổ kế toán, lập báo cáo tài chính phải lưu trữ hóa đơn điện tử theo thời hạn quy định của Luật Kế toán. Trường hợp hóa đơn điện tử được khởi tạo từ hệ thống của tổ chức trung gian cung cấp giải pháp hóa đơn điện tử thì tổ chức trung gian này cũng phải thực hiện lưu trữ hóa đơn điện tử theo thời hạn nêu trên.

Người bán, người mua là đơn vị kế toán và tổ chức trung gian cung cấp giải pháp hóa đơn điện tử có trách nhiệm sao lưu dữ liệu của hóa đơn điện tử ra các vật mang tin (ví dụ như: Bút nhớ (đĩa flash USB); đĩa CD và DVD; đĩa cứng gắn ngoài; đĩa cứng gắn trong) hoặc thực hiện sao lưu trực tuyến để bảo vệ dữ liệu của hóa đơn điện tử.

2. Hóa đơn điện tử đã lập được lưu trữ dưới dạng thông điệp dữ liệu và phải thỏa mãn các điều kiện sau:

a) Nội dung của hoá đơn điện tử có thể truy cập và sử dụng được để tham chiếu khi cần thiết;

b) Nội dung của hoá đơn điện tử được lưu trữ trong chính khuôn dạng mà nó được khởi tạo, gửi, nhận hoặc trong khuôn dạng cho phép thể hiện chính xác nội dung hoá đơn điện tử đó;

c) Hoá đơn điện tử được lưu trữ theo một cách thức nhất định cho phép xác định nguồn gốc khởi tạo, nơi đến, ngày giờ gửi hoặc nhận hoá đơn điện tử…”.

Căn cứ theo quy định trên, đơn vị thực hiện lưu trữ hóa đơn điện tử theo quy định./.

Trân trọng cảm ơn!

Tên người hỏi: Nguyễn Thi Hà, Tên doanh nghiệp/tổ chức: Cty TNHH lương thực TP Thanh Hà, Email: dichvuketoanbn@gmail.com, Mst: 2300950461-19–61
Công ty TNHH kinh doanh buôn bán hàng nông sản: đầu ra bán cho 2 đối tượng: Đối tượng thứ nhất là các công ty thương mại (thuộc đối tượng không kê khai tính nộp thuế nộp thuế GTGT ), đối tượng thứ 2 là các đối tượng khác (thuộc diện đối tượng chịu thuế suất 5%) thì thuế GTGT đầu vào được phần bổ như thế nào khi lập tờ khai thuế GTGT theo quý, xin ví dụ minh họa cụ thể
Trả lời:

Chi cục Thuế khu vực Từ Sơn – Yên Phong trả lời như sau:

Tại khoản 1, khoản 11 Điều 14 Thông tư 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính quy định:

“1. Thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ dùng cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT được khấu trừ toàn bộ, kể cả thuế GTGT đầu vào không được bồi thường của hàng hóa chịu thuế GTGT bị tổn thất.

11. Thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho các hoạt động cung cấp hàng hóa, dịch vụ không kê khai, tính nộp thuế GTGT hướng dẫn tại Điều 5 Thông tư này (trừ khoản 2, khoản 3 Điều 5) được khấu trừ toàn bộ.”

Căn cứ quy định trên, thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ dùng cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT 5% và thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho các hoạt động cung cấp hàng hóa, dịch vụ không kê khai, tính nộp thuế GTGT của công ty như đã nêu ở trên được khấu trừ toàn bộ nếu đáp ứng đủ điều kiện khấu trừ thuế GTGT đầu vào theo quy định tại Điều 15, Thông tư 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính. Công ty không cần phải thực hiện phân bổ thuế GTGT đầu vào khi lập hồ sơ khai thuế GTGT hàng quý.

Ví dụ: Qúy 1 /2021 Công ty A kinh doanh mặt hàng nông sản có tổng số thuế đầu vào đủ điều kiện khấu trừ là 10 triệu đồng Doanh thu từ việc bán nông sản của Công ty A là 120 triệu (cụ thể bán cho ông Nguyễn văn K là 50 tr và bán cho Công ty C là 70 tr). Qúy 1/2021 Công ty A được khấu trừ toàn bộ 10 tr tiền thuế gtgt đầu vào, khi làm tờ khai Công ty kê khai chỉ tiêu 24= chỉ tiêu 25 và = 10 triệu).

Trân trọng cảm ơn!

Tên người hỏi: Nguyễn Thị Vui, Tên doanh nghiệp/tổ chức: Công ty TNHH Anh Quốc, Email: Vuint20172020@gmail.com, Mst: 2300301481-18–62
Công ty thuê cước vận chuyển của cá nhân, có tháng cá nhân đấy chở hàng số tiền cước công ty phải trả lên đến 8.000.000đ -10.000.000đ, thì cá nhân đấy có phải nộp thuế tncn hay không?và họ có phải kê khai quyết toán tncn hay không?
Trả lời:

Chi cục thuế KV Từ Sơn – Yên Phong có ý kiến như sau:

Trường hợp doanh nghiệp thuê cước vận chuyển của cá nhân, thì thu nhập của cá nhân này là thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh không phải là thu nhập từ tiền lương, tiền công do đó cá nhân không phải kê khai quyết toán thuế TNCN mà phải kê khai nộp thuế đối với hộ gia đình, cá nhân kinh doanh.

 Căn cứ tại khoản 3, Điều 4, Thông tư số 40/2021/TT-BTC thì:

3. Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo hình thức nhóm cá nhân, hộ gia đình thì mức doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống để xác định cá nhân không phải nộp thuế GTGT, không phải nộp thuế TNCN được xác định cho một (01) người đại diện duy nhất của nhóm cá nhân, hộ gia đình trong năm tính thuế.

Trường hợp tiền cước vận chuyển của cá nhân (doanh thu) trên 100 triệu đồng/năm thì cá nhân trên phải kê khai nộp thuế GTGT và thuế TNCN với tỷ lệ thuế trên doanh thu là 4,5% (trong đó thuế GTGT là 3%, thuế TNCN là 1,5%).

Trân trọng cám ơn!

Tên người hỏi: Ngô Thị An, Tên doanh nghiệp/tổ chức: Công ty TNHH đầu tư dịch vụ Hùng Danh, Email: ngoninh.bn2020@gmail.com, Mst: 2301110546-17–63
Cty tôi KD linh vực môi giới bất động sản, nên thường thuê Cộng tác viên và hưởng lương theo % doanh số khi ký được được hợp đồng. Những người này có cam kết chỉ hưởng thu nhập ở cty tôi, Vậy hàng tháng cty tôi có phải kê khai và tạm nộp thuế TNCN cho các cá nhân này (Nếu số tiền hưởng hoa hồng trong tháng lớn hơn 11tr). Trong trường hợp cuối năm khi quyết toán TNCN thì tổng thu nhập cả năm của các cá nhân này ko vượt quá 132tr đồng/năm thì trong tháng có phải tạm nộp thuế TNCN ko ạ
Trả lời:

Chi cục thuế khu vực Từ Sơn – Yên Phong trả lời như sau:

Căn cứ điểm i, khoản 1, điều 25 thông tư 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ tài chính quy định về khấu trừ thuế như sau:

“i) Khấu trừ thuế đối với một số trường hợp khác

Các tổ chức, cá nhân trả tiền công, tiền thù lao, tiền chi khác cho cá nhân cư trú không ký hợp đồng lao động (theo hướng dẫn tại điểm c, d, khoản 2, Điều 2 Thông tư này) hoặc ký hợp đồng lao động dưới ba (03) tháng có tổng mức trả thu nhập từ hai triệu (2.000.000) đồng/lần trở lên thì phải khấu trừ thuế theo mức 10% trên thu nhập trước khi trả cho cá nhân.

Trường hợp cá nhân chỉ có duy nhất thu nhập thuộc đối tượng phải khấu trừ thuế theo tỷ lệ nêu trên nhưng ước tính tổng mức thu nhập chịu thuế của cá nhân sau khi trừ gia cảnh chưa đến mức phải nộp thuế thì cá nhân có thu nhập làm cam kết (theo mẫu ban hành kèm theo văn bản hướng dẫn về quản lý thuế) gửi tổ chức trả thu nhập để tổ chức trả thu nhập làm căn cứ tạm thời chưa khấu trừ thuế thu nhập cá nhân.

Căn cứ vào cam kết của người nhận thu nhập, tổ chức trả thu nhập không khấu trừ thuế. Kết thúc năm tính thuế, tổ chức trả thu nhập vẫn phải tổng hợp danh sách và thu nhập của những cá nhân chưa đến mức khấu trừ thuế (vào mẫu ban hành kèm theo văn bản hướng dẫn về quản lý thuế) và nộp cho cơ quan thuế. Cá nhân làm cam kết phải chịu trách nhiệm về bản cam kết của mình, trường hợp phát hiện có sự gian lận sẽ bị xử lý theo quy định của Luật quản lý thuế.

Cá nhân làm cam kết theo hướng dẫn tại điểm này phải đăng ký thuế và có mã số thuế tại thời điểm cam kết.”

Căn cứ quy định trên, cá nhân chỉ có một nguồn thu nhập tại công ty thuộc đối tượng phải khấu trừ thuế, nếu cá nhân làm cam kết có tổng mức thu nhập chịu thuế của cá nhân sau khi trừ gia cảnh chưa đến mức phải nộp thuế­­, thì công ty làm căn cứ tạm thời chưa khấu trừ thuế TNCN hàng tháng.

Trân trọng cảm ơn!

Tên người hỏi: Nguyễn Thị Huệ, Tên doanh nghiệp/tổ chức: Công ty Cổ phần Cơ khí DTH Vina, Email: dthvina03112017@gmail.com, Mst: 2300998174-17–64
Anh Nguyễn Văn A trước đây làm việc tại Công ty TNHH thương mại B. Đến cuối tháng 4/2021 anh A nghỉ việc tại công ty đó và ký hợp đồng làm việc tại công ty chúng tôi từ tháng 5/2021. Vậy Công ty chúng tôi thực hiện Quyết toán thuế TNCN cho Anh Nguyễn Văn A năm 2021 như thế nào ?.
Trả lời:

Chi cục thuế khu vực Từ Sơn – Yên Phong trả lời như sau:

Căn cứ điểm d, khoản 6, điều 8, nghị định 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020; công văn 220/CTBNI-TTHT của Cục thuế tỉnh Bắc Ninh hướng dẫn quyết toán thuế TNDN, thuế TNCN kỳ thuế năm 2020 ngày 19/02/2021, thì Anh A là cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công phải trực tiếp khai quyết toán thuế TNCN với cơ quan thuế do trong năm quyết toán có từ 2 nguồn thu nhập.

Trân trọng cảm ơn!

Tên người hỏi: Nguyễn Thị Nam Hà, Tên doanh nghiệp/tổ chức: Công ty TNHH Môi trường Việt Tiến, Email: viettien@gmail.com, Mst: 2300945951-16–65
Ngày 01/10/2021 Doanh nghiệp A phát hiện có hoá đơn giá trị gia tăng mua vào lập ngày 10/05/2020. Trong kỳ kê khai thuế tháng 5/2020, doanh nghiệp A bỏ sót không kê khai hoá đơn này. Thời hạn kê khai, khấu trừ bổ sung tối đa là vào kỳ khai thuế tháng mấy?
Trả lời:

Chi cục Thuế khu vực Từ Sơn- Yên Phong trả lời như sau:

Căn cứ khoản 1, Điều 47 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13/6/2019 của Quốc hội

 Người nộp thuế phát hiện hồ sơ khai thuế đã nộp cho cơ quan thuế có sai, sót thì được khai bổ sung hồ sơ khai thuế trong thời hạn 10 năm kể từ ngày hết thời hạn nộp hồ sơ khai thuế của kỳ tính thuế có sai, sót nhưng trước khi cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền công bố quyết định thanh tra, kiểm tra.

Căn cứ vào các quy định trên thì thời hạn kê khai hóa đơn GTGT đầu vào trong thời hạn 10 năm kể từ ngày hết thời hạn nộp hồ sơ khai thuế của kỳ tính thuế có sai, sót nhưng trước khi cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền công bố quyết định thanh tra, kiểm tra. Đối với hóa đơn bỏ sót của kỳ tính thuế tháng 5/2020, doanh nghiệp kê khai vào kỳ khai thuế tháng 9/2021.

Trân trọng cảm ơn.

Tên người hỏi: Ngô Thu Yến, , Email: ngoyen291981@gmail.com, Mst: 2301149222-15–66
Xin hỏi : Trường hợp cá nhân cho thuê nhà có mức doanh thu bình quân dưới 8.4tr/tháng . Vậy cá nhân có phải kê khai thuế không ? Trân trọng cảm ơn!
Trả lời:

Chi cục Thuế khu vực Từ Sơn – Yên Phong trả lời như sau:

Căn cứ Điều 4 Thông tư 40/2021/TT-BTC ngày 1/6/2021 quy định:

Điều 4. Nguyên tắc tính thuế

1. Nguyên tắc tính thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được thực hiện theo các quy định của pháp luật hiện hành về thuế GTGT, thuế TNCN và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

2. Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm dương lịch từ 100 triệu đồng trở xuống thì thuộc trường hợp không phải nộp thuế GTGT và không phải nộp thuế TNCN theo quy định pháp luật về thuế GTGT và thuế TNCN. Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm khai thuế chính xác, trung thực, đầy đủ và nộp hồ sơ thuế đúng hạn; chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, đầy đủ của hồ sơ thuế theo quy định.

3. Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo hình thức nhóm cá nhân, hộ gia đình thì mức doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống để xác định cá nhân không phải nộp thuế GTGT, không phải nộp thuế TNCN được xác định cho một (01) người đại diện duy nhất của nhóm cá nhân, hộ gia đình trong năm tính thuế.”

Căn cứ quy định nêu trên, trường hợp cá nhân cho thuê nhà có mức doanh thu bình quân từ 100 triệu đồng/năm trở xuống thì không phải nộp thuế GTGT, TNCN nhưng phải nộp tờ khai thuế đối với hoạt động cho thuê tài sản theo mẫu 01/TTS ban hành kèm theo Thông tư 40/2021/TT-BTC.

Trân trọng cảm ơn.

Tên người hỏi: Nguyễn Kim Hòa, Tên doanh nghiệp/tổ chức: Công ty TNHH Hà Phương, Email: bangdinhhaphuong@gmail.com, Mst: 2300312821-13–67
Cá nhân thay đổi thông tin CMND/CCCD thì có phải thực hiện thủ tục gì với cơ quan thuế hay không?
Trả lời:

        Chi cục Thuế khu vực Từ Sơn – Yên Phong trả lời như sau:

Đối với các cá nhân thay đổi thông tin đăng ký thuế từ chứng minh thư sang thẻ căn cước công dân (từ 9 số sang 12 số):

Căn cứ khoản 3 Điều 10 Thông tư 105/2020/TT-BTC ngày 03/12/2020 của Bộ Tài chính quy định về việc thay đổi thông tin đăng ký thuế của cá nhân, người nộp thuế thực hiện như sau:

a. Đối với các cá nhân hiện đang công tác tại một cơ quan chi trả thu nhập:

– Các tổ chức, doanh nghiệp rà soát các cá nhân hiện đang là người lao động tại đơn vị có phát sinh thay đổi sang căn cước công dân, hướng dẫn các cá nhân thực hiện thay đổi thông tin đăng ký thuế qua cơ quan chi trả thu nhập. Hồ sơ cá nhân nộp cơ quan chi trả thu nhập gồm: Văn bản uỷ quyền và bản sao thẻ căn cước công dân còn hiệu lực.

– Tổ chức, doanh nghiệp hiện đang chi trả cho các cá nhân tổng hợp danh sách theo mẫu số 05-ĐK-TH-TCT ban hành kèm theo Thông tư 105/2020/TT-BTC ngày 03/12/2020 và gửi cơ quan thuế quản lý trực tiếp cơ quan chi trả thu nhập qua Hệ thống thuế điện tử của Cơ quan thuế (https://thuedientu.gdt.gov.vn).

b. Đối với các cá nhân không làm việc tại cơ quan chi trả thu nhập: cá nhân nộp hồ sơ thay đổi thông tin mẫu 08-MST ban hành kèm theo Thông tư 105/2020/TT-BTC ngày 03/12/2020 và bản sao thẻ căn cước công dân còn hiệu lực tới Chi cục Thuế, Chi cục Thuế khu vực nơi cá nhân đăng ký hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú (có thể gửi hồ sơ qua đường bưu chính).

      Trân trọng cảm ơn!

Tên người hỏi: Nguyễn Thị Dinh, Tên doanh nghiệp/tổ chức: Công ty TNHH 1TV Xung Huệ, Email: dinh1988@gmail.com, Mst: 2300554877-12–68
Do ảnh hưởng bởi đại dịch covid 19. Công ty chúng tôi trợ cấp cho người lao động (công nhân làm việc tại công trường phải nghỉ việc ở nhà) là 2.000.000đ/1 người/ 1 tháng. Vậy khoản trợ cấp này có tính vào thu nhập chịu thuế khi quyết toán thuế TNCN không?
Trả lời:

Chi cục thuế khu vực Từ Sơn – Yên Phong trả lời như sau:

Căn cứ điểm b, khoản 2, điều 2, thông tư 111/2013/TT-BTC ngày 15/08/2013 quy định các khoản phụ cấp, trợ cấp không tính vào thu nhập chịu thuế TNCN bao gồm:

“b.6) Trợ cấp khó khăn đột xuất, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi, mức hưởng chế độ thai sản, mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ sau thai sản, trợ cấp do suy giảm khả năng lao động, trợ cấp hưu trí một lần, tiền tuất hàng tháng, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thất nghiệp và các khoản trợ cấp khác theo quy định của Bộ luật Lao động và Luật Bảo hiểm xã hội.”

Căn cứ quy định trên thì trợ cấp cho người lao động do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 không tính vào thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân. Công ty phải có quyết định về việc trợ cấp khó khăn đột xuất cho các lao động phải nghỉ việc do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Trân trọng cảm ơn!

Tên người hỏi: Nguyễn Thị Oanh, Tên doanh nghiệp/tổ chức: Công ty TNHH đầu tư thương mại và dịch vụ Thiên Nam, Email: ctythiennamtsbn@gmai.com, Mst: 2301184026-11–69
Công ty muốn thuê nhà của cá nhân để làm trụ sở kinh doanh. Cá nhân thì không có hóa đơn thì tiền thuê nhà công ty tôi có được tính vào chi phí hợp lý không?
Trả lời:

Chi cục thuế khu vực Từ Sơn – Yên Phong trả lời như sau:

Theo điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC ngày 22/06/2015 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài Chính quy định về chi phí thuê tài sản của cá nhân như sau:

“- Trường hợp doanh nghiệp thuê tài sản của cá nhân thì hồ sơ để xác định chi phí được trừ là hợp đồng thuê tài sản và chứng từ trả tiền thuê tài sản.

– Trường hợp doanh nghiệp thuê tài sản của cá nhân mà tại hợp đồng thuê tài sản có thoả thuận doanh nghiệp nộp thuế thay cho cá nhân thì hồ sơ để xác định chi phí được trừ là hợp đồng thuê tài sản, chứng từ trả tiền thuê tài sản và chứng từ nộp thuế thay cho cá nhân.

– Trường hợp doanh nghiệp thuê tài sản của cá nhân mà tại hợp đồng thuê tài sản có thỏa thuận tiền thuê tài sản chưa bao gồm thuế (thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân) và doanh nghiệp nộp thuế thay cho cá nhân thì doanh nghiệp được tính vào chí phí được trừ tổng số tiền thuê tài sản bao gồm cả phần thuế nộp thay cho cá nhân.”

Căn cứ quy định nêu trên, tiền thuê nhà của cá nhân làm trụ sở kinh doanh để được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN thì đơn vị cần có:

– Hợp đồng thuê nhà

– Chứng từ trả tiền thuê nhà

– Chứng từ nộp thuế thay cho cá nhân (Nếu trong hợp thuê nhà có thoả thuận doanh nghiệp nộp thuế thay cho cá nhân).

Trân trọng cảm ơn !

Tên người hỏi: LêThị Thùy Dung, Tên doanh nghiệp/tổ chức: Công ty TNHH TMDV Xuất Nhập Khẩu An Thịnh Phát, Email: khoaketoanthue18@gmail.com, Mst: 0107045194-10–70
Công ty chúng tôi có 1 số vấn đề vướng mắc xin được hỏi Chi Cục Thuế Khu Vực Từ Sơn -Yên Phong : Công ty chúng tôi chuyên kinh doanh thương mại về thực phẩm chức năng (Sâm, nấm…).Tháng 6/2021 Công ty có nhập khẩu lô hàng từ Hàn Quốc về. Khi xuất hàng bên Công ty Xuất đã kiểm tra hàng đủ tiêu chuẩn xuất. Khi hàng về cảng, phía cơ quan Hải Quan đã kiểm tra đủ điều kiện thông quan. Trong quá trình vận chuyển hàng từ cảng về kho do thời tiết nắng nóng nên lô hàng trên đã bị hỏng do sinh hóa. Công ty chúng tôi từ trước không trích lập dự phòng hàng tồn kho do hàng về đâu thì bán hết đến đó. Doanh nghiệp xin được hỏi CCT: Khi Công ty chúng tôi làm thủ tục tiêu hủy ( có đầy đủ hồ sơ tiêu hủy theo quy định)và khi hạch toán ghi : Nợ TK 632/Có TK 156 như vậy có được không? Và trong trường hợp này thì cần trích lập dự phòng không, hạch toán như nào?
Trả lời:

Chi cục Thuế khu vực Từ Sơn – Yên Phong trả lời như sau:

Tại Khoản 2 Điều 4 thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22 tháng 06 năm 2015 của BTC sửa đổi, bổ sung Điều 6 thông tư số 78/2014/TT-BTC hướng dẫn về thuế TNDN quy định như sau:

“…..

b) Hàng hóa bị hư hỏng do thay đổi quá trình sinh hóa tự nhiên, hàng hóa  hết hạn sử dụng, không được bồi thường thì được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.

Hồ sơ đối với hàng hóa bị hư hỏng do thay đổi quá trình sinh hóa tự nhiên, hàng hóa hết hạn sử dụng, được tính vào chi phí được trừ như sau:

– Biên bản kiểm kê giá trị hàng hóa bị hư hỏng do doanh nghiệp lập.

Biên bản kiểm kê giá trị hàng hóa hư hỏng phải xác định rõ giá trị hàng hóa bị hư hỏng, nguyên nhân hư hỏng; chủng loại, số lượng, giá trị hàng hóa có thể thu hồi được (nếu có) kèm theo bảng kê xuất nhập tồn hàng hóa bị hư hỏng có xác nhận do đại diện hợp pháp của doanh nghiệp ký và chịu trách nhiệm trước pháp luật.

– Hồ sơ bồi thường thiệt hại được cơ quan bảo hiểm chấp nhận bồi thường (nếu có).

– Hồ sơ quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân phải bồi thường (nếu có).

c) Hồ sơ nêu trên được lưu tại doanh nghiệp và xuất trình với cơ quan thuế khi cơ quan thuế yêu cầu.

Cách hạch toán hàng hóa tồn kho hàng bị hỏng:

Do doanh nghiệp không trích lập quỹ dự phòng giảm giá hàng tồn kho nên khi hàng hỏng đơn vị làm thủ tục tiêu hủy theo quy định và hạch toán xuất kho như sau:

Nợ TK 811: Giá trị hàng hỏng

Có các TK 156: Giá trị hàng hỏng

Đơn vị cần lập và lưu giữ toàn bộ hồ sơ liên quan đến lô hàng bị hỏng nêu trên và  hồ sơ tiêu hủy, nêu rõ lý do tiêu hủy trong hồ sơ. Khi tiêu hủy phải đảm bảo thực hiện theo đúng quy định.

Trân trọng cảm ơn!

Tên người hỏi: Nguyễn Thị Hà Thu, Tên doanh nghiệp/tổ chức: Công ty TNHH Hoa Quả Sạch, Email: nguyenthu.cdts@gmail.com, Mst: 2300998872-9-Đ-71
Doanh nghiệp bán nông sản mua của người trực tiếp trồng bán ra cần những chứng từ gì để được tính chi phí hợp lý?
Trả lời:

          Chi cục Thuế khu vực Từ Sơn – Yên Phong trả lời như sau:

       Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 6 thông tư 78/2014/TT-BTC ngày 18/06/2014 Bộ Tài Chính đã được sửa đổi tại Điều 4 thông tư 96/2015/TT-BTC ngày 22/06/2015 hướng dẫn về thuế thu nhập doanh nghiệp tại Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12/2/2015 của Chính phủ quy định về các khoản chi phí không được trừ khi tính thuế TNDN:

“.…

2.4. Chi phí của doanh nghiệp mua hàng hóa, dịch vụ (không có hóa đơn, được phép lập Bảng kê thu mua hàng hóa, dịch vụ mua vào theo mẫu số 01/TNDN kèm theo Thông tư này) nhưng không lập Bảng kê kèm theo chứng từ thanh toán cho người bán hàng, cung cấp dịch vụ trong các trường hợp:

– Mua hàng hóa là nông sản, hải sản, thủy sản của người sản xuất, đánh bắt trực tiếp bán ra;

– Mua hàng hóa, dịch vụ của cá nhân, hộ kinh doanh (không bao gồm các trường hợp nêu trên) có mức doanh thu dưới ngưỡng doanh thu chịu thuế giá trịgia tăng (100 triệu đồng/năm).

Bảng kê thu mua hàng hóa, dịch vụ do người đại diện theo pháp luật hoặc người được ủy quyền của doanh nghiệp ký và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực. Doanh nghiệp mua hàng hóa, dịch vụ được phép lập Bảng kê tính vào chi phí được trừ nêu trên không bắt buộc phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt. Trường hợp giá mua hàng hóa, dịch vụ trên bảng kê cao hơn giá thị trường tại thời điểm mua hàng thì cơ quan thuế căn cứ vào giá thị trường tại thời điểm mua hàng, dịch vụ cùng loại hoặc tương tự trên thị trường xác định lại mức giá để tính lại chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.

Căn cứ quy định nêu trên, doanh nghiệp kinh doanh nông sản thu mua nông sản trực tiếp từ người sản xuất bán ra để được tính vào chi phí hợp lý khi tính thuế TNDN cần có các chứng từ sau:

– Bảng kê thu mua hàng hóa, dịch vụ mua vào theo mẫu số 01/TNDN kèm theo Thông tư số 78/2014/TT-BTC

– Chứng từ thanh toán.

Trân trọng cảm ơn !

Tên người hỏi: Ngô Thị Lượng, Tên doanh nghiệp/tổ chức: Công ty TNHH TMampDV Sunwon, Email: ngoluong.ty@gmail.com, Mst: 2300776037-8-C-72
Công ty tôi bán hàng đạt Doanh số 100.000.000 đ/Tháng Công ty tôi nhận được một khoản tiền thưởng là 10.000.00 đ nhưng khoản tiền thưởng này thay vì trả bằng tiền thì Khách hàng trả bằng hàng. Hóa đơn Ghi như sau: Giá trị hàng 9.090.000 thuế GTGT là 909.000 Đồng. Sau khi đơn vị nhận được hàng đơn vị chúng tôi và đã bán đi Doanh thu bán hàng là 10.000.000 và thuế GTGT là 1.000.000 đ. Công ty tôi xin hỏi: Với trường hợp như trên, chúng tôi hạch toán doanh thu tính thuế là bao nhiêu? Thu nhập khác là bao nhiêu? Thuế GTGT đầu vào được khấu trừ bao nhiêu?
Trả lời:

Chi cục Thuế khu vực Từ Sơn – Yên Phong trả lời như sau:

-Tại Điều 7 Thông tư 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính quy định về thu nhập khác:

Thu nhập khác là các khoản thu nhập chịu thuế trong kỳ tính thuế mà khoản thu nhập này không thuộc các ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh ghi trong đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp. Thu nhập khác bao gồm các khoản thu nhập sau:

“…..

15. Quà biếu, quà tặng bằng tiền, bằng hiện vật; thu nhập nhận được bằng tiền, bằng hiện vật từ các nguồn tài trợ; thu nhập nhận được từ các khoản hỗ trợ tiếp thị, hỗ trợ chi phí,chiết khấu thanh toán, thưởng khuyến mại và các khoản hỗ trợ khác. Các khoản thu nhập nhận được bằng hiện vật thì giá trị của hiện vật được xác định bằng giá trị của hàng hóa,dịch vụ tương đương tại thời điểm nhận.

…..”

Căn cứ các quy định nêu trên thì trường hợp công ty khi nhận được khoản tiền thưởng bằng hàng do đạt doanh số là 10.000.000 đồng thi đơn vị hạch toán khoản tiền thưởng này vào thu nhập khác.

– Tại Điều 5 Thông tư 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính quy định về doanh thu:

Doanh thu để tính thu nhập chịu thuế là toàn bộ tiền bán hàng hóa, tiền gia công, tiền cung cấp dịch vụ bao gồm cả khoản trợ giá, phụ thu, phụ trội mà doanh nghiệp được hưởng không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.

Căn cứ các quy định nêu trên thì khi công ty bán hàng thưởng nêu trên với giá bán là 10.000.000 đồng, thuế GTGT là 1.000.000 đồng thì đơn vị hạch toán khoản tiền 10.000.000 đồng vào doanh thu trong kỳ.

– Về thuế GTGT được khấu trừ:

Công ty được kê khai khấu trừ thuế GTGT là 909.000 đồng.

Trân trọng cảm ơn!

Tên người hỏi: Trần Thị Hà, Tên doanh nghiệp/tổ chức: Công ty TNHH Thành Ngân, Email: thuhien1509@gmail.com, Mst: 2301140910-6-H-73
Công ty tôi là doanh nghiệp vận tải nên trong bảng kê khách hàng có rất nhiều cung đường khác nhau. Vậy công ty có được xuất hóa đơn điện tử là “kèm theo bảng kê chi tiết” được không?
Trả lời:

Chi cục thuế khu vực Từ Sơn – Yên Phong trả lời như sau:

Căn cứ khoản 1, khoản 3, Điều 3 Thông tư  số 32/2011/TT-BTC quy định:

‘’1. Hóa đơn điện tử là tập hợp các thông điệp dữ liệu điện tử về bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, được khởi tạo, lập, gửi, nhận, lưu trữ và quản lý bng phương tiện điện tử. Hóa đơn điện tử phải đáp ứng các nội dung quy định tại Điều 6 Thông tư này..

….

3. Hóa đơn điện tử có giá trị pháp lý nếu thỏa mãn đng thời các điều kiện sau:

a) Có sự đảm bảo đủ tin cậy về tính toàn vẹn của thông tin chứa trong hóa đơn điện tử từ khthông tin được tạo ra ở dạng cuối cùng là hóa đơn điện tử.

Tiêu chí đánh giá tính toàn vẹn là thông tin còn đầy đủ và chưa bị thay đổi, ngoài những thay đổi về hình thức phát sinh trong quá trình trao đổi, lưu trữ hoặc hiển thị hóa đơn điện tử.

b) Thông tin chứa trong hóa đơn đin tử có thể truy cp, sử dụng được dưới dạng hoàn chỉnh khcần thiết.

Căn cứ Khoản 2, Điều 11 Thông tư  số 32/2011/TT-BTC quy định:

          “2. Hóa đơn điện tử đã lập được lưu trữ dưới dạng thông điệp dữ liệu và phải thoả mãn các điều kiện sau:

a) Nội dung của hoá đơn điện tử có thể truy cập và sử dụng được để tham chiếu khi cần thiết;

b) Nội dung của hoá đơn điện tử được lưu trữ trong chính khuôn dạng mà nó được khởi tạo, gửi, nhận hoặc trong khuôn dạng cho phép thể hiện chính xác nội dung hoá đơn điện tử đó;

c) Hoá đơn điện tử được lưu trữ theo một cách thức nhất định cho phép xác định nguồn gốc khởi tạo, nơi đến, ngày giờ gửi hoặc nhận hoá đơn điện tử.”

Căn cứ quy định nêu trên, khi bán hàng hóa công ty xuất hóa đơn điện tử cho khách hàng thì công ty phải lập đầy đủ danh mục hàng hóa bán ra đảm bảo nguyên tắc thông tin chứa trong hóa đơn điện tử có thể truy cập, sử dụng được dưới dạng hoàn chỉnh khi cần thiết theo quy định tại Khoản 3, Điều 3, Thông tư số 32/2011/TT-BTC ngày 14/03/2011 của Bộ Tài chính. Công ty không được lập hóa điện tử không có danh mục hàng hóa mà lại kèm theo bảng kê hàng hóa bản giấy cho khách hàng.

Trân trọng cảm ơn!

Tên người hỏi: Đặng Đình Hợp, Tên doanh nghiệp/tổ chức: Công ty TNHH SX và TM Thái Anh, Email: hoanganh14021983@Gmail.com, Mst: 2300379784-6-T-74
Đơn vị chúng tôi mua tài sản đấu giá của Tổng công ty đường sắt là 11 tỷ đồng. Sau khi trúng đâu giá đơn vị chúng tôi đã bán lại lô trúng đấu giá đó cho bên Công ty B. Sau khi trúng đấu giá đơn vị chúng tôi đã ủy quyền thanh toán cho Công ty B Thanh toán số tiền trúng đấu giá cho Tổng công ty đường sắt là 11 tỷ đó. Công ty Đường sắt xuất trả hóa đơn cho đơn vị chúng tôi là 10 tỷ tiền hàng và 1 tỷ tiền thuế vậy số thuế GTGT đó đơn vị chúng tôi có được khấu trừ không? Điều kiện như thế nào để đơn vị chúng tôi đủ điều kiện khấu trừ.
Trả lời:

Chi cục thuế Khu vực Từ Sơn – Yên Phong trả lời như sau:

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 14 Thông tư 219/2013/TT-BTC quy định về Nguyên tắc khấu trừ thuế GTGT đầu vào như sau:

1. Thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ dùng cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT được khấu trừ toàn bộ, kể cả thuế GTGT đầu vào không được bồi thường của hàng hóa chịu thuế GTGT bị tổn thất…..”

Theo Khoản 10 Điều 1 Thông tư 26/2015/TT-BTC ngày 27/02/2015 của Bộ Tài Chính sửa đổi bổ sung Điều 15 Thông  tư 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài Chính có nêu rõ quy định về điều kiện khấu trừ thuế GTGT đầu vào:

“1. Có hóa đơn giá trị gia tăng hợp pháp của hàng hóa, dịch vụ mua vào hoặc chứng từ nộp thuế giá trị gia tăng khâu nhập khẩu hoặc chứng từ nộp thuế GTGT……

2. Có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt đối với hàng hóa, dịch vụ mua vào (bao gồm cả hàng hóa nhập khẩu) từ hai mươi triệu đồng trở lên, trừ các trường hợp giá trị hàng hóa, dịch vụ nhập khẩu từng lần có giá trị dưới hai mươi triệu đồng, hàng hóa, dịch vụ mua vào từng lần theo hóa đơn dưới hai mươi triệu đồng theo giá đã có thuế GTGT và trường hợp cơ sở kinh doanh nhập khẩu hàng hóa là quà biếu, quà tặng của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài.

4. Các trường hợp thanh toán không dùng tiền mặt khác để khấu trừ thuế GTGT đầu vào gồm:

….

c) Trường hợp hàng hoá, dịch vụ mua vào được thanh toán uỷ quyền qua bên thứ ba thanh toán qua ngân hàng (bao gồm cả trường hợp bên bán yêu cầu bên mua thanh toán tiền qua ngân hàng cho bên thứ ba do bên bán chỉ định) thì việc thanh toán theo uỷ quyền hoặc thanh toán cho bên thứ ba theo chỉ định của bên bán phải được quy định cụ thể trong hợp đồng dưới hình thức văn bản và bên thứ ba là một pháp nhân hoặc thể nhân đang hoạt động theo quy định của pháp luật.

Trường hợp sau khi thực hiện các hình thức thanh toán nêu trên mà phần giá trị còn lại được thanh toán bằng tiền có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên thì chỉ được khấu trừ thuế đối với trường hợp có chứng từ thanh toán qua ngân hàng.

…”

          Như vậy việc đơn vị  ủy quyền cho Công ty B thanh toán số tiền trúng đấu giá cho Tổng công ty đường sắt nếu được quy định rõ trong hợp đồng thì Doanh nghiệp được kê khai khấu trừ thuế GTGT đầu vào đối với khoản thuế của hàng hóa trúng đấu giá nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện nêu trên.

Trân trọng cảm ơn!

Tên người hỏi: Nguyễn Đắc Quảng, Tên doanh nghiệp/tổ chức: Công ty TNHH Đắc Anh Dũng, Email: ttthuy1608@gmail.com, Mst: 2301181642-5-H-75
Ngày 1/11/2021 có quyết định Từ Sơn lên thành phố, xin hỏi đối với hóa đơn GTGT đặt in đã phát hành gửi cơ quan thuế thì xử lý thế nào?
Trả lời:

Chi cục thuế khu vực Từ Sơn – Yên Phong trả lời như sau:

Căn cứ vào Khoản 2, Điều 9, Thông tư số 39/2014/TT-BTC  ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính quy định:

“…Đối với các số hóa đơn đã thực hiện thông báo phát hành nhưng chưa sử dụng hết có in sẵn tên, địa chỉ trên tờ hóa đơn, khi có sự thay đổi tên, địa chỉ nhưng không thay đổi mã số thuế và cơ quan thuế quản lý trực tiếp, nếu tổ chức kinh doanh vẫn có nhu cầu sử dụng hóa đơn đã đặt in thì thực hiện đóng dấu tên, địa chỉ mới vào bên cạnh tiêu thức tên, địa chỉ đã in sẵn để tiếp tục sử dụng và gửi thông báo điều chỉnh thông tin tại thông báo phát hành hóa đơn đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp (mẫu số 3.13 Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư này)…’

Căn cứ quy định trên:

– Trường hợp đơn vị vẫn có nhu cầu sử dụng tiếp các số hóa đơn đã phát hành nhưng chưa sử dụng hết thì thực hiện đóng dấu tên, địa chỉ mới vào bên cạnh tiêu thức tên, địa chỉ đã in sẵn để tiếp tục sử dụng và gửi thông báo điều chỉnh thông tin tại thông báo phát hành hóa đơn (mẫu TB04/AC) đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp.

– Trường hợp đơn vị không có nhu cầu sử dụng tiếp các số hóa đơn đã phát hành nhưng chưa sử dụng hết: thực hiện hủy các số hóa đơn chưa sử dụng và thông báo kết quả hủy hóa đơn theo mẫu TB03/AC gửi cơ quan thuế.

Trân trọng cảm ơn!

Tên người hỏi: Lê Thị Thùy, Tên doanh nghiệp/tổ chức: Công ty TNHH xây dựng Bắc Thành Công, Email: huenguyen288.hn@gmail.com, Mst: 2300794195-4-H-76
Khoản hỗ trợ bằng tiền cho người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp (theo nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24 tháng 9 năm 2021) có được coi là thu nhập của người lao động và tính vào TNCT của người lao động khi quyết toán thuế TNCN không? Xin cơ quan thuế giải đáp.
Trả lời:

Chi cục thuế khu vực Từ Sơn – Yên Phong trả lời như sau:

Căn cứ điểm b6, khoản 2, điều 2, thông tư 111/2013/TT-BTC ngày 15/08/2013 (được sửa đổi bổ sung theo thông tư 92/2015/TT-BTC) quy định:

“b.6) Trợ cấp khó khăn đột xuất, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi, mức hưởng chế độ thai sản, mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ sau thai sản, trợ cấp do suy giảm khả năng lao động, trợ cấp hưu trí một lần, tiền tuất hàng tháng, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thất nghiệp và các khoản trợ cấp khác theo quy định của Bộ luật Lao động và Luật Bảo hiểm xã hội.”

Căn cứ quy định trên, khoản hỗ trợ bằng tiền từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 theo nghị nguyết số 116/NQ-CP thuộc khoản trợ cấp thất nghiệp sẽ không tính vào thu nhập chịu thuế TNCN.

Trân trọng cảm ơn!

Tên người hỏi: Trần Thị Hương, Tên doanh nghiệp/tổ chức: Công ty sản xuất và thương mại Đạt Phát – TNHH, Email: huongtt186@gmail.com, Mst: 2300248220-3-C-77
Trong năm 2021 doanh nghiệp có doanh thu trên 200 tỷ có được hỗ trợ các chính sách giảm thuế TNDN do ảnh hưởng dịch covid không?
Trả lời:

Chi cục Thuế khu vực Từ Sơn – Yên Phong trả lời như sau:

Năm 2021, trước tình hình dịch Covid-19 bùng phát trở lại đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, người dân. Hiện nay Chính phủ đang trình Quốc hội ban hành Nghị quyết một số giải pháp về miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19, trong đó có giải pháp giảm 30% số thuế TNDN phải nộp năm 2021 đối với doanh nghiệp có doanh thu năm 2021 không quá 200 tỷ đồng. Khi Nghị quyết của Quốc hội được ban hành, Cục Thuế thông tin đến người nộp thuế và đăng tải trên trang web Cục Thuế tỉnh Bắc Ninh (https://bacninh.gdt.gov.vn) để doanh nghiệp và người dân được biết và thực hiện.

Trân trọng cảm ơn!

Tên người hỏi: Nguyễn Thị Thanh Huế, Tên doanh nghiệp/tổ chức: Công ty TNHH xây dựng và thương mại Phương Đông Bắc Ninh, Email: huenguyen288.hn@gmail.com, Mst: 2300883166-2-H-78
Công ty không có quỹ phúc lợi, hàng năm vào dịp tết trung thu và tết Nguyên Đán đều có mua quà (bánh trung thu, bán, quà tết) tặng nhân viên. Xin hỏi phần chi phí quà tặng này công ty có được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN hay không ?
Trả lời:

Chi cục Thuế khu vực Từ Sơn – Yên Phong trả lời như sau:

Căn cứ quy định tại Điều 4 thông tư 96/2015/TT-BTC ngày 22/06/2015 sửa đổi bổ sung khoản 1 Điều 6 thông tư 78/2014/TT-BTC ngày 18/06/2014 Bộ Tài Chính quy định:

1. Trừ các khoản chi không được trừ nêu tại Khoản 2 Điều này, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:

a) Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

b) Khoản chi có đủ hoá đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.

c) Khoản chi nếu có hoá đơn mua hàng hoá, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.

Chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt thực hiện theo quy định của các văn bản pháp luật về thuế giá trị gia tăng.”

Căn cứ quy định tại Điều 4 thông tư 96/2015/TT-BTC ngày 22/06/2015 sửa đổi bổ sung khoản 2 Điều 6 thông tư 78/2014/TT-BTC ngày 18/06/2014 Bộ Tài Chính: Các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế bao gồm:

“…..

2.30.Các khoản chi không tương ứng với doanh thu tính thuế, trừ các khoản chi sau:

          ……

Khoản chi có tính chất phúc lợi chi trực tiếp cho người lao động như: chi đám hiếu, hỷ của bản thân và gia đình người lao động; chi nghỉ mát, chi hỗ trợ điều trị; chi hỗ trợ bổ sung kiến thức học tập tại cơ sở đào tạo; chi hỗ trợ gia đình người lao động bị ảnh hưởng bởi thiên tai, địch họa, tai nạn, ốm đau; chi khen thưởng con  của người lao động có thành tích tốt trong học tập; chi hỗ trợ chi phí đi lại ngày lễ, tết cho người lao động; chi bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm tự nguyện khác cho người lao động (trừ khoản chi mua bảo hiểm nhân thọ cho người lao động hướng dẫn tại điểm 2.6, bảo hiểm hưu trí tự nguyện cho người lao động hướng dẫn tại điểm 2.11 Điều này) và những khoản chi có tính chất phúc lợi khác. Tổng số chi có tính chất phúc lợi nêu trên không quá 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế của doanh nghiệp”

            Căn cứ quy định trên thì doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN đối với các khoản chi có tính chất phúc lợi chi trực tiếp cho người lao động nếu có đầy đủ hóa đơn, chứng từ theo quy định và tổng số chi không quá 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế.

Trân trọng cảm ơn!

Tên người hỏi: Vũ Thị Tươi, Tên doanh nghiệp/tổ chức: Công ty cp ĐT TM DV Cao Gia, Email: caogiavina@gmail.com, Mst: 2301129219-1-k-79
Ngày 1/10/2021 đoàn kiểm tra chi cục thuế xuống trụ sở Công ty công bố quyết định kiểm tra (thời kỳ kiểm tra từ năm 2018-2020). Ngày 3/10/2021 Công ty phát hiện tờ khai thuế GTGT quý 4/2020 hóa đơn đầu vào kê khai sai. Vậy Công ty tôi có được khai bổ sung tờ khai thuế GTGT quý 4/2020 khi cơ quan thuế đã công bố quyết định kiểm tra thuế tại trụ sở NNT hay ko?
Trả lời:

Chi cục Thuế khu vực Từ Sơn- Yên Phong trả lời như sau:

Căn cứ khoản 2 Điều 47 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13/6/2019 của Quốc hội:

2. Khi cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền đã công bố quyết định thanh tra, kiểm tra thuế tại trụ sở của người nộp thuế thì người nộp thuế vẫn được khai bổ sung hồ sơ khai thuế; cơ quan thuế thực hiện xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế đối với hành vi quy định tại Điều 142 và Điều 143 của Luật này.

Căn cứ quy định trên, Công ty cổ phần ĐT TM DV Cao Gia được khai bổ sung HSKT GTGT quý 4/2020, cơ quan thuế căn cứ vào HSKT bổ sung quý 4/2020 Công ty đã nộp sẽ thực hiện xử phạt vi phạm hành chính về thuế theo quy định tại Điều 142 và Điều 143 của Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13/6/2019 của quốc hội.

Trân trọng cảm ơn.

Chi cục Thuế khu vực Từ Sơn – Yên Phong – Cục thuế tỉnh Bắc Ninh đã hỗ trợ giải đáp vướng mắc thuế – Cục thuế Bắc Ninh ngày 17/10/2021

Đăng kí để nhận bản tin từ Gonnapass Email Address  

Bản tin này chỉ mang tính chất tham khảo, không phải ý kiến tư vấn cụ thể cho bất kì trường hợp nào.

Đăng kí để nhận bản tin từ Gonnapass

Liên hệ tư vấn dịch vụ Kế toán – Thuế – Đào tạo: Ms Huyền – 094 719 2091

Tham khảo dịch vụ tư vấn từng lần – giải quyết các nỗi lo rủi ro thuế

Mọi thông tin xin liên hệ:

Công ty TNHH Gonnapass

Phòng 701, tầng 7, toà nhà 3D Center, số 3 Duy Tân, P Dịch Vọng Hậu, Q Cầu Giấy, TP Hà Nội

Email: hotro@gonnapass.com

Facebook: https://www.facebook.com/gonnapassbeyondyourself/

Group Facebook chia sẻ mẫu biểu: https://www.facebook.com/groups/congvanketoan

Group Zalo chia sẻ miễn phí: https://zalo.me/g/xefwrd200

Website: https://gonnapass.com

Hotline/ Zalo : 0888 942 040

avatar
admin

Nếu bạn thích bài viết, hãy thả tim và đăng ký nhận bản tin của chúng tôi

Ý kiến bình luận

You cannot copy content of this page