Giải đáp vướng mắc thuế – Cục thuế Khánh Hòa ngày 22/12

623

Cục thuế tỉnh Khánh Hòa đã hỗ trợ giải đáp vướng mắc thuế ngày 22/12 về rất nhiều điểm mới cần quan tâm của chính sách thuế. Tham khảo bản tin dưới đây Cục Thuế tỉnh Khánh Hòa trả lời:

Tên người hỏi: Huỳnh Lan Anh, , Email: lananhh358@gmail.com, Mst: 847000XXXX-Thu-1
Công ty tặng quà tết cho nhân viên dưới hình thức hiện vật thì khoản thu nhập từ quà tặng này có phải nộp thuế TNCN không?
Trả lời:

Căn cứ quy định tại khoản 2, khoản 10 Điều 2 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Luật thuế thu nhập cá nhân:

“Điều 2. Các khoản thu nhập chịu thuế

Theo quy định tại Điều 3 Luật Thuế thu nhập cá nhân và Điều 3 Nghị định số 65/2013/NĐ-CP, các khoản thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân bao gồm:

….

2. Thu nhập từ tiền lương, tiền công

Thu nhập từ tiền lương, tiền công là thu nhập người lao động nhận được từ người sử dụng lao động, bao gồm:

a) Tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công dưới các hình thức bằng tiền hoặc không bằng tiền.

đ) Các khoản lợi ích bằng tiền hoặc không bằng tiền ngoài tiền lương, tiền công do người sử dụng lao động trả mà người nộp thuế được hưởng dưới mọi hình thức:

đ.7) Các khoản lợi ích khác.

Các khoản lợi ích khác mà người sử dụng lao động chi cho người lao động như: chi trong các ngày nghỉ, lễ; thuê các dịch vụ tư vấn, thuê khai thuế cho đích danh một hoặc một nhóm cá nhân; chi cho người giúp việc gia đình như lái xe, người nấu ăn, người làm các công việc khác trong gia đình theo hợp đồng…

e) Các khoản thưởng bằng tiền hoặc không bằng tiền dưới mọi hình thức, kể cả thưởng bằng chứng khoán, trừ các khoản tiền thưởng sau đây:

10. Thu nhập từ nhận quà tặng

Thu nhập từ nhận quà tặng là khoản thu nhập của cá nhân nhận được từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, cụ thể như sau:

a) Đối với nhận quà tặng là chứng khoán bao gồm: cổ phiếu, quyền mua cổ phiếu, trái phiếu, tín phiếu, chứng chỉ quỹ và các loại chứng khoán khác theo quy định của Luật Chứng khoán; cổ phần của các cá nhân trong công ty cổ phần theo quy định của Luật Doanh nghiệp.

b) Đối với nhận quà tặng là phần vốn trong các tổ chức kinh tế, cơ sở kinh doanh bao gồm: vốn trong công ty trách nhiệm hữu hạn, hợp tác xã, công ty hợp danh, hợp đồng hợp tác kinh doanh, vốn trong doanh nghiệp tư nhân, cơ sở kinh doanh của cá nhân, vốn trong các hiệp hội, quỹ được phép thành lập theo quy định của pháp luật hoặc toàn bộ cơ sở kinh doanh nếu là doanh nghiệp tư nhân, cơ sở kinh doanh của cá nhân.

c) Đối với nhận quà tặng là bất động sản bao gồm: quyền sử dụng đất; quyền sử dụng đất có tài sản gắn liền với đất; quyền sở hữu nhà, kể cả nhà ở hình thành trong tương lai; kết cấu hạ tầng và các công trình xây dựng gắn liền với đất, kể cả công trình xây dựng hình thành trong tương lai; quyền thuê đất; quyền thuê mặt nước; các khoản thu nhập khác nhận được từ thừa kế là bất động sản dưới mọi hình thức; trừ thu nhập từ quà tặng là bất động sản hướng dẫn tại điểm d, khoản 1, Điều 3 Thông tư này.

d) Đối với nhận quà tặng là các tài sản khác phải đăng ký quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng với cơ quan quản lý Nhà nước như: ô tô; xe gắn máy, xe mô tô; tàu thủy, kể cả sà lan, ca nô, tàu kéo, tàu đẩy; thuyền, kể cả du thuyền; tàu bay; súng săn, súng thể thao.”

          Căn cứ các quy định nêu trên, trường hợp Công ty tặng quà tết cho nhân viên dưới hình thức hiện vật thì khoản thu nhập từ quà tặng chịu Thuế TNCN như sau:

          – Trường hợp Công ty tặng quà tết cho nhân viên thuộc các đối tượng quy định tại khoản 10 Điều 2 Thông tư số 111/2013/TT-BTC thì khoản thu nhập này chịu thuế TNCN từ quà tặng.

          – Trường hợp Công ty tặng quà tết cho nhân viên thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 2 Thông tư số 111/2013/TT- BTC thì khoản thu nhập này chịu thuế TNCN từ tiền lương tiền công.

Tên người hỏi: Chiến, , Email: chiennguyen.vn92@gmail.com, Mst: 4201991xxx-Điề-2
Trường hợp công ty thành lập tại địa bàn đặc biệt khó khăn (Huyện Khánh Vĩnh) và có hoạt động dạy thêm thu phí thì cần điều kiện gì để được hưởng ưu đãi thuế TNDN theo địa bàn?
Trả lời:

Căn cứ Điều 18, Điều 19, Điều 20 Thông tư 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính (đã được sửa đổi bổ sung tại Thông tư 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của Bộ Tài chính) quy định:

“Điều 18. Điều kiện áp dụng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp

1. Các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ áp dụng đối với doanh nghiệp thực hiện chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ và nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo kê khai.

Điều 19. Thuế suất ưu đãi

1. Thuế suất ưu đãi 10% trong thời hạn mười lăm năm (15 năm) áp dụng đối với:

Điều 20. Ưu đãi về thời gian miễn thuế, giảm thuế

1. Miễn thuế bốn năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong chín năm tiếp theo đối với:

…”

Công ty căn cứ quy định tại các Điều 18, Điều 19, Điều 20 Thông tư 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính (đã được sửa đổi bổ sung tại Thông tư 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của Bộ Tài chính) và điều kiện thành lập của công ty tại địa bàn đặc biệt khó khăn, thu nhập từ hoạt động dạy thêm thu phí nếu thuộc trường hợp đựợc quy định các Điều 18, Điều 19, Điều 20 Thông tư 78/2014/TT-BTC để xác định điều kiện được ưu đãi thuế TNDN theo quy định.

Tên người hỏi: VY, Tên doanh nghiệp/tổ chức: ĐLT VẠN TƯỜNG, Email: ketoanvantuong@gmail.com, Mst: 4201420932-KHẤ-3
TSCĐ doanh nghiệp đã đưa vào sử dụng tại thời điểm mua vào trên hóa đơn ( giả sử tháng 10/2023 ), doanh thu tương ứng phát sinh tại thời điểm sử dụng TSCĐ nhưng tháng 12/2023 đơn vị mới nộp đăng ký khấu hao cho cơ quan thuế quản lý thì kế toán có được đăng ký khấu hao từ tháng 10/2023 không ?
Trả lời:

Căn cứ khỏan 9 Điều 9 Thông tư số 45/2013/TT-BTC ngày 25/4/2013 quy định:

“Điều 9. Nguyên tắc trích khấu hao TSCĐ

 9. Việc trích hoặc thôi trích khấu hao TSCĐ được thực hiện bắt đầu từ ngày (theo số ngày của tháng) mà TSCĐ tăng hoặc giảm. Doanh nghiệp thực hiện hạch toán tăng, giảm TSCĐ theo quy định hiện hành về chế độ kế toán doanh nghiệp.

Công ty căn cứ ngày, tháng, năm ghi trên hóa đơn mua vào của TSCĐ để ghi sổ tăng TSCĐ và hạch toán kế toán theo nguyên tắc trên.

Tên người hỏi: Võ Hằng, , Email: seatax.kt07@gmail.com, Mst: 4201719987-Thủ-4
Thời gian tối đa cơ quan thuế hoàn tất xử lý thủ tục đóng mã số thuế cho doanh nghiệp kể từ ngày nhận đơn đề nghị đóng mã số thuế là bao lâu. Thực tế có trường hợp DN phối hợp cung cấp hồ sơ mà đợi mãi không thấy cơ quan thuế xử lý và trả kết quả để doanh nghiệp hoàn tất thủ tục thông báo giải thế đến các cơ quan khác.
Trả lời:

Theo quy trình tại bộ TTHC thuế do Tổng Cục Thuế công bố, đối với thủ tục Chấm dứt hiệu lực mã số thuế đối với tổ chức kinh tế, tổ chức khác – Trừ đơn vị phụ thuộc, thời hạn giải quyết như sau:

+ Cơ quan thuế quản lý trực tiếp thực hiện:

++ Trong thời hạn 02 (hai) ngày làm việc kể từ ngày cơ quan thuế nhận đủ hồ sơ chấm dứt hiệu lực mã số thuế của người nộp thuế, cơ quan thuế phải thực hiện Thông báo người nộp thuế ngừng hoạt động và đang làm thủ tục chấm dứt hiệu lực mã số thuế theo mẫu số 17/TB-ĐKT ban hành kèm theo Thông tư số 105/2020/TT-BTC ngày 03/12/2020 của Bộ Tài chính gửi cho người nộp thuế. Đồng thời chuyển trạng thái của người nộp thuế và các đơn vị phụ thuộc của người nộp thuế về trạng thái “NNT ngừng hoạt động nhưng chưa hoàn thành thủ tục chấm dứt hiệu lực mã số thuế” trên hệ thống ứng dụng đăng ký thuế.

++ Ban hành Thông báo gửi cho đơn vị chủ quản, đơn vị phụ thuộc theo mẫu số 35/TB-ĐKT ban hành kèm theo Thông tư số 105/2020/TT-BTC ngày 03/12/2020 của Bộ Tài chính trong trường hợp cơ quan thuế nhận được hồ sơ chấm dứt hiệu lực mã số thuế của đơn vị chủ quản nhưng các đơn vị phụ thuộc chưa thực hiện thủ tục chấm dứt hiệu lực mã số thuế.

Tài chính gửi người nộp thuế là đơn vị bị chia, bị sáp nhập, bị hợp nhất và đơn vị mới.

++ Trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc kể từ ngày người nộp thuế đã hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế với cơ quan thuế và cơ quan hải quan hoặc cơ quan thuế hoàn thành việc chuyển toàn bộ nghĩa vụ nợ thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước của đơn vị phụ thuộc sang đơn vị chủ quản, của đơn vị bị chia, bị sáp nhập, bị hợp nhất sang đơn vị mới theo quy định, cơ quan thuế ban hành Thông báo chấm dứt hiệu lực mã số thuế theo mẫu số 18/TB-ĐKT ban hành kèm theo Thông tư số 105/2020/TT-BTC ngày 03/12/2020 của Bộ Tài chính gửi cho người nộp thuế.

+ Cơ quan thuế quản lý khoản thu thực hiện:

++ Cập nhật thông tin người nộp thuế đã hoàn thành nghĩa vụ thuế đối với khoản thu thuộc cơ quan thuế quản lý vào Hệ thống ứng dụng đăng ký thuế ngay trong ngày làm việc hoặc chậm nhất vào đầu giờ ngày làm việc tiếp theo ngày người nộp thuế hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế tại cơ quan thuế quản lý khoản thu.

Tên người hỏi: Phạm Tiến Nhân, Tên doanh nghiệp/tổ chức: Công ty TNHH Kiểm toán và tư vấn Thuế Seatax, Email: nhan.pt@seatax.com.vn, Mst: 4201719987-Nộp-5
Kính Chào Quý Cơ quan, qua đây Tôi xin Quý Cơ quan hướng dẫn và trả lời câu hỏi có nội dung như sau: 1. Công ty ABC cho trụ sở chính Tại Tp Nha Trang và có Chi nhánh hoạt động độc lập tại Phú Yên, vậy cuối năm 2023 Công ty sẽ nộp BCTC như thế nào theo các cách sau? a/ Chỉ nộp Báo cáo tài chính riêng của Công ty, không phải nộp BCTC tổng hợp (số liệu BCTC riêng không bao gồm cộng thêm số liệu kế toán của Chi nhánh Phú Yên) b/ Nộp Báo cáo tài chính riêng của Công ty và nộp thêm BCTC tổng hợp (số liệu BCTC tổng hợp bao gồm cộng thêm số liệu kế toán của Chi nhánh Phú Yên) c/ Các cách khác đúng quy định (Nhờ Quý Cơ quan hướng dẫn thêm).
Trả lời:

– Căn cứ điểm b khoản 3 Điều 43 Luật quản lý thuế số 38/2019/QH14 quy định về hồ sơ khai thuế:

“Điều 43. Hồ sơ khai thuế

3. Hồ sơ khai thuế đối với loại thuế có kỳ tính thuế theo năm bao gồm:

b) Hồ sơ khai quyết toán thuế khi kết thúc năm gồm tờ khai quyết toán thuế năm, báo cáo tài chính năm, tờ khai giao dịch liên kết; các tài liệu khác có liên quan đến quyết toán thuế.”

– Căn cứ khoản 1 Điều 197 Luật doanh nghiệp số 59/2020/QH14 ngày 17/6/2020 quy định về Báo cáo tài chính của công ty mẹ, công ty con:

“1. Vào thời điểm kết thúc năm tài chính, ngoài báo cáo và tài liệu theo quy định của pháp luật, công ty mẹ còn phải lập các báo cáo sau đây:

a) Báo cáo tài chính hợp nhất của công ty mẹ theo quy định của pháp luật về kế toán;

b) Báo cáo tổng hợp kết quả kinh doanh hằng năm của công ty mẹ và công ty con;

c) Báo cáo tổng hợp công tác quản lý, điều hành của công ty mẹ và công ty con.”

– Căn cứ Điều 5 Thông tư số 202/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 hướng dẫn phương pháp lập và trình bày báo cáo tài chính hợp nhất quy định

“Điều 5. Trách nhiệm lập Báo cáo tài chính hợp nhất

1. Kết thúc kỳ kế toán, công ty mẹ có trách nhiệm lập Báo cáo tài chính hợp nhất của cả tập đoàn, cụ thể:

a) Công ty mẹ là tổ chức niêm yết trên thị trường chứng khoán, công ty đại chúng quy mô lớn và công ty mẹ thuộc sở hữu Nhà nước phải lập Báo cáo tài chính hợp nhất hàng năm và Báo cáo tài chính hợp nhất bán niên dạng đầy đủ, Báo cáo tài chính hợp nhất quý dạng tóm lược (được lập Báo cáo tài chính hợp nhất quý dạng đầy đủ nếu có nhu cầu).

b) Đối với công ty mẹ không thuộc các đối tượng tại điểm a nêu trên:

– Phải lập Báo cáo tài chính hợp nhất năm dạng đầy đủ;

– Khuyến khích lập Báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ dạng đầy đủ hoặc dạng tóm lược (nếu có nhu cầu).

2. Công ty mẹ không phải lập Báo cáo tài chính hợp nhất khi thoả mãn tất cả những điều kiện sau:

a) Công ty mẹ không phải là đơn vị có lợi ích công chúng;

b) Công ty mẹ không phải là thuộc sở hữu Nhà nước hoặc do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối;

c) Công ty mẹ đồng thời là công ty con bị sở hữu bởi một công ty khác và việc không lập Báo cáo tài chính hợp nhất đạt được sự đồng thuận của các cổ đông, kể cả cổ đông không có quyền biểu quyết;

d) Công cụ vốn hoặc công cụ nợ của công ty mẹ đó không được giao dịch trên thị trường (kể cả thị trường trong nước, ngoài nước, thị trường phi tập trung (OTC), thị trường địa phương và thị trường khu vực);

đ) Công ty mẹ không lập hồ sơ hoặc không trong quá trình nộp hồ sơ lên cơ quan có thẩm quyền để xin phép phát hành các loại công cụ tài chính ra công chúng;

e) Công ty sở hữu công ty mẹ đó lập Báo cáo tài chính hợp nhất cho mục đích công bố thông tin ra công chúng phù hợp với quy định của Chuẩn mực kế toán Việt Nam.”

Căn cứ các quy định nêu trên,

  1. Đối với báo cáo tài chính của Công ty:

Căn cứ điểm b khoản 3 Điều 43 Luật quản lý thuế số 38/2019/QH14, Công ty nộp báo cáo tài chính tại cơ quan thuế quản lý Công ty.

  1. Đối với báo cáo tài chính hợp nhất của Công ty mẹ và chi nhánh hạch toán độc lập:

Trường hợp, Công ty là tổ chức niêm yết trên thị trường chứng khoán, công ty đại chúng quy mô lớn và công ty mẹ thuộc sở hữu Nhà nước thì nộp báo cáo tài chính tại theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 5 Thông tư số 202/2014/TT-BTC.

Trường hợp, Công ty không thuộc tổ chức niêm yết trên thị trường chứng khoán, công ty đại chúng quy mô lớn và công ty mẹ thuộc sở hữu Nhà nước thì nộp báo cáo tài chính theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 5 Thông tư số 202/2014/TT-BTC.

Trường hợp, Công ty thoả mãn tất cả những điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 5 Thông tư số 202/2014/TT-BTC thì không phải lập Báo cáo tài chính hợp nhất.

Công ty căn cứ các văn bản pháp luật trích dẫn nêu trên để thực hiện theo đúng quy định.

Tên người hỏi: Trần Mỹ Nga, , Email: myanh78@gmail.com, Mst: 87457697XX-Bù -6
Có được bù trừ số thuế GTGT đầu vào chưa khấu trừ hết với số thuế GTGT phải nộp của hàng hóa nhập khẩu không?
Trả lời:

– Căn cứ Khoản 3 Điều 1 Luật số 106/2016/QH13 ngày 06/4/2016 sửa đổi, bổ sung Khoản 1 và Khoản 2 Điều 13 Luật Thuế GTGT số 13/2008/QH12 (đã được sửa đổi, bổ sung một số Điều theo Luật số 31/2013/QH13) quy định về hoàn thuế GTGT:

“1. Cơ sở kinh doanh nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thuế nếu có số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ hết trong tháng hoặc trong quý thì được khấu trừ vào kỳ tiếp theo.”

Căn cứ Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13/6/2019 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Căn cứ các quy định trên, từ ngày 1/7/2016, theo quy định tại Luật số 106/2016/QH13 thì không hoàn thuế GTGT đối với trường hợp cơ sở kinh doanh có số thuế GTGT đầu vào âm lũy kế liên tục 12 tháng (hoặc 4 quý). Số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ hết được khấu trừ vào kỳ tiếp theo.

Pháp luật về thuế GTGT và pháp luật về quản lý thuế hiện hành không có hướng dẫn về việc bù trừ số thuế GTGT chưa khấu trừ hết với số thuế GTGT phải nộp của hàng hóa nhập khẩu.

Tên người hỏi: Công ty tnhh BIN, , Email: congtyb@gmail.com, Mst: 4201582XXX-Kê -7
Kê khai, bổ sung điều chỉnh thuế GTGT đối với hóa đơn điện tử được điều chỉnh, thay thế?
Trả lời:

– Căn cứ Điều 47 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13/6/2019 của Quốc hội quy định:

Điều 47. Khai bổ sung hồ sơ khai thuế

1. Người nộp thuế phát hiện hồ sơ khai thuế đã nộp cho cơ quan thuế có sai, sót thì được khai bổ sung hồ sơ khai thuế trong thời hạn 10 năm kể từ ngày hết thời hạn nộp hồ sơ khai thuế của kỳ tính thuế có sai, sót nhưng trước khi cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền công bố quyết định thanh tra, kiểm tra.

Khi cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền đã công bố quyết định thanh tra, kiểm tra thuế tại trụ sở của người nập thuê thì người nộp thuê vẫn được khai bổ sung hồ sơ khai thuế; cơ quan thuế thực hiện xử phạt v phạm hành chính về quản lý thuế đối với hành vi quy định tại Điều 142 và Điều 143 của Luật này.

Sau khi cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền đã ban hành kết luận, quyết định xử lý về thuế sau thanh tra, kiểm tra tại trụ sở của người nộp thuế thì việc khai bổ sung hồ sơ khai thuế được quy định như sau:

a) Người nộp thuế được khai bổ sung hồ sơ khai thuế đối với trường hợp làm tăng số tiền thuế phải nộp, giảm số tiền thuế được khấu trừ hoặc giảm số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn và bị xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế đối với hành vi quy định tại Điều 142 và Điều 143 của Luật này;

b) Trường hợp người nộp thuế phát hiện hồ sơ khai thuế có sai, sót nếu khai bổ sung làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế được khấu trừ, tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn thì thực hiện theo quy định về giải quyết khiếu nại về thuế.

4. Hồ sơ khai bổ sung hồ sơ khai thuế bao gồm:

a) Tờ khai bổ sung;

b) Bản giải trình khai bố sung và các tài liệu có liên quan.

…”

– Căn cứ Khoản 4 Điều 7 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định:

“4. Người nộp thuế được nộp hồ sơ khai bổ sung cho từng hồ sơ khai thuế có sai, sót theo quy định tại Điều 47 Luật Quản lý thuế và theo mẫu quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Người nộp thuế khai bổ sung như sau:

a) Trường hợp khai bổ sung không làm thay đổi nghĩa vụ thuế thì chỉ phải nộp Bản giải trình khai bổ sung và các tài liệu có liên quan, không phải nộp Tờ khai bổ sung.

Trường hợp chưa nộp hồ sơ khai quyết toán thuế năm thì người nộp thuế khai bổ sung hồ sơ khai thuế của tháng, quý có sai, sót, đồng thời tổng hợp số liệu khai bổ sung vào hồ sơ khai quyết toán thuế năm.

Trường hợp đã nộp hồ sơ khai quyết toán thuế năm thì chỉ khai bổ sung hồ sơ khai quyết toán thuế năm; riêng trường hợp khai bổ sung tờ khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân đối với tổ chức, cá nhân trả thu nhập từ tiền lương, tiền công thì đồng thời phải khai bổ sung tờ khai tháng, quý có sai, sót tương ứng.

b) Người nộp thuế khai bổ sung dẫn đến tăng số thuế phải nộp hoặc giảm số thuế đã được ngân sách nhà nước hoàn trả thì phải nộp đủ số tiền thuế phải nộp tăng thêm hoặc số tiền thuế đã được hoàn thừa và tiền chậm nộp vào ngân sách nhà nước (nếu có).

Trường hợp khai bổ sung chỉ làm tăng hoặc giảm số thuế giá trị gia tăng còn được khấu trừ chuyển kỳ sau thì phải kê khai vào kỳ tính thuế hiện tại. Người nộp thuế chỉ được khai bổ sung tăng số thuế giá trị gia tăng đề nghị hoàn khi chưa nộp hồ sơ khai thuế của kỳ tính thuế tiếp theo và chưa nộp hồ sơ đề nghị hoàn thuế.

– Căn cứ Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ.

+ Tại Khoản 2 Điều 19. Xử lý hóa đơn có sai sót:

“2. Trường hợp hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế hoặc hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế đã gửi cho người mua mà người mua hoặc người bán phát hiện có sai sót thì xử lý như sau:

a …

b) Trường hợp có sai: mã số thuế; sai sót về số tiền ghi trên hóa đơn, sai về thuế suất, tiền thuế hoặc hàng hóa ghi trên hóa đơn không đúng quy cách, chất lượng thì có thế lựa chọn một trong hai cách sử dụng hóa đơn điện tử như sau:

b1) Người bán lập hóa đơn điện tử điều chỉnh hóa đơn đã lập có sai sót. Trường hợp người bán và người mua có thỏa thuận về việc lập văn bản thỏa thuận trước khi lập hóa đơn điều chỉnh cho hóa đơn đã lập có sai sót thì người bán và người mua lập văn bản thỏa thuận ghi rõ sai sót, sau đó người bán lập hóa đơn điện tử điều chỉnh hóa đơn đã lập có sai sót.

Hóa đơn điện tử điều chỉnh hóa đơn điện tử đã lập có sai sót phải có dòng chữ “Điều chỉnh cho hóa đơn Mẫu số… Ký hiệu… số… ngày…tháng… năm”

b2) Người bán lập hóa đơn điện tử mới thay thế cho hóa đơn điện tử có sai sót trừ trường hợp người bán và người mua có thỏa thuận về việc lập văn bản thỏa thuận trước khi lập hóa đơn thay thế cho hóa đơn đã lập có sai sót thì người bán và người mua lập văn bản thỏa thuận ghi rõ sai sót, sau đó người bán lập hóa đơn điện tử thay thế hóa đơn đã lập có sai sót.

Hóa đơn điện tử mới thay thế hóa đơn điện tử đã lập có sai sót phải có dòng chữ “Thay thế cho hóa đơn Mẫu số… ký hiệu… số… ngày… tháng… năm”.

Trường hợp đơn vị thực hiện kê khai bổ sung điều chỉnh thuế GTGT đối với hóa đơn được điều chỉnh, thay thế thì thực hiện kê khai tại kỳ tính thuế có sai sót theo quy định tại Điều 47 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13/6/2019 của Quốc hội và Khoản 4 Điều 7 Nghị định 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ.

Tên người hỏi: Trần Thanh Thủy, , Email: thanhthuy@gmail.com, Mst: 8383664XXX-Chí-8
Chính sách giảm thuê GTGT đối với mặt hàng sản phẩm hóa chất và hóa chất cơ bản theo quy định tại Nghị định số 44/2023/NĐ-CP?
Trả lời:

– Căn cứ Khoản 1 Điều 1 Nghị định số 44/2023/NĐ-CP quy định: “1. Giảm thuế GTGT đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%, trừ nhóm hàng hóa, dịch vụ sau:

a) Viễn thông, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại và sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hóa chất. Chi tiết tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.”

– Căn cứ Quyết định số 43/2018/QĐ-TTg ngày 1/11/2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành hệ thống ngành sản phẩm Việt Nam quy định mã ngành 20 – Hóa chất và sản phẩm hóa chất có chi tiết mã ngành 2011 Hóa chất cơ bản.

Căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 1 Nghị định số 44/2023/NĐ-CP, “Hóa chất cơ bản” không thuộc hàng hóa bị loại trừ không được giảm thuế GTGT và không được quy định tại các Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 44/2023/NĐ-CP.

Theo đó, trường hợp hàng hóa nhập khẩu là “Hóa chất cơ bản” được giảm thuế GTGT theo quy định tại Nghị định số 44/2023/NĐ-CP của Chính phủ.

Tên người hỏi: Huỳnh Thanh Hà, , Email: thanhha@gmail.com, Mst: 808415XXXX-Chí-9
Doanh nghiệp nhập khẩu mặt hàng thiết bị điện tử chuyên dùng thì có được hưởng chính sách giảm thuế GTGT hàng nhập khẩu theo quy định tại Nghị định số 44/2023/NĐ-CP?
Trả lời:

Theo quy định tại Nghị định số 71/2007/NĐ-CP ngày 3/5/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật Công nghệ thông tin về công nghiệp công nghệ thông tin và Thông tư số 09/2013/TT-BTTTT ngày 8/4/2013 của Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Danh mục sản phẩm phần mềm và phần cứng, điện tử thì: “Thiết bị điện tử chuyên dùng là thiết bị điện tử sử dụng trong các chuyên ngành cụ thể. Thiết bị điện tử chuyên dùng bao gồm thiết bị đo lường, tự động hóa, trang thiết bị y tế, sinh học và các ngành khác“.

Nghị định số 71/2007/NĐ-CP quy định trách nhiệm Bộ Bưu chính, Viễn thông (nay là Bộ Thông tin và Truyền thông) chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan ban hành các quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện Nghị định này.

Tại Phụ lục III Nghị định số 44/2023/NĐ-CP – Hàng hóa công nghệ thông tin khác theo pháp luật về công nghệ thông tin có quy định Mục IV- Nhóm sản phẩm thiết bị điện tử chuyên dùng.

Căn cứ quy định Nghị định số 44/2023/NĐ-CP và Phụ lục III Nghị định số 44/2023/NĐ-CP nêu trên, trường hợp hàng hóa nhập khẩu nều được xác định là thiết bị điện tử chuyên dùng thì thuộc Mục IV Phần B Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định số 44/2023/NĐ-CP và áp dụng thuế GTGT 10%.

Tên người hỏi: Phạm Văn Đăng, , Email: pvdang110378@gmail.com, Mst: 4200395XXX-Hướ-10
Có được giảm trừ gia cảnh đối với người phụ thuộc là cháu nội, cháu ngoại trong trường hợp bố mẹ cháu vẫn đang trong độ tuổi lao động, vẫn có khả năng lao động và nuôi dưỡng?
Trả lời:

Tại điểm d, điểm đ khoản 1 Điều 9 Thông tư số 111/2013/T-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính quy định:

“Điều 9. Các khoản giảm trừ

Các khoản giảm trừ theo hướng dẫn tại Điều này là các khoản được trừ vào thu nhập chịu thuế của cá nhân trước khi xác định thu nhập tính thuế từ tiền lương, tiền công, từ kinh doanh. Cụ thể như sau:

1. Giảm trừ gia cảnh

Theo quy định tại Điều 19 Luật Thuế TNCN; Khoản 4, Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TNCN; Điều 12 Nghị định số 65/2013/NĐ-CP, việc giảm trừ gia cảnh được thực hiện như sau:

d) Người phụ thuộc bao gồm:

d.4) Các cá nhân khác không nơi nương tựa mà người nộp thuế đang phải trực tiếp nuôi dưỡng và đáp ứng điều kiện tại điểm đ, khoản 1 Điều này bao gồm:

d.4.1) Anh ruột, chị ruột, em ruột của người nộp thuế

d.4.2) Ông nội, bà nội; ông ngoại, bà ngoại; cô ruột, dì ruột, cậu ruột, chú ruột, bác ruột của người nộp thuế.

d.4.3) Cháu ruột của người nộp thuế bao gồm: con của anh ruột, chị ruột, em ruột.

d.4.4) Người phải trực tiếp nuôi dưỡng khác theo quy định của pháp luật.

đ) Cá nhân được tính là người phụ thuộc theo hướng dẫn tại các Tiết d.2, d.3, d.4, điểm d, khoản 1 Điều này phải đáp ứng các điều kiện sau:

đ.l) Đối với người trong độ tuổi lao động phải đáp ưng đồng thời các điều kiện sau:

đ.1.1) Bị khuyết tật, không có khả năng lao động.

đ.1.2) Không có thu nhập hoặc có thu nhập bình quân tháng trong năm từ tất cả các nguồn thu nhập không vượt quá 1.000.000 đồng.

đ.2) Đối với người ngoài độ tuổi lao động phải không có thu nhập hoặc có thu nhập bình quân tháng trong năm từ tất cả các nguồn thu nhập không vượt quá 1.000.000 đồng.

…”

Tại Điều 104, Điều 105 Luật Hôn nhân và gia đình số 52/2014/QH13 quy định:

“Điều 104. Quyền, nghĩa vụ của ông bà nội, ông bà ngoại và cháu

1.Ông bà nội, ông bà ngoại có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, giáo dục cháu, sống mẫu mực và nêu gương tốt cho con cháu, trường hợp cháu chưa thành niên, cháu đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình mà không có người nuôi dưỡng theo quy định tại Điều 105 của Luật này thì ông bà nội, ông bà ngoại có nghĩa vụ nuôi dưỡng cháu.

2.Cháu có nghĩa vụ kính trọng, chăm sóc, phụng dưỡng ông bà nội, ông bà ngoại; trường hợp ông bà nội, ông bà ngoại không có con để nuôi dưỡng mình thì cháu đã thành niên có nghĩa vụ nuôi dưỡng.”

“Điều 105. Quyền, nghĩa vụ của anh, chị, em

Anh, chị, em có quyền, nghĩa vụ thương yêu, chăm sóc, giúp đỡ nhau; có quyền, nghĩa vụ nuôi dưỡng nhau trong trường hợp không còn cha mẹ hoặc cha mẹ không có điều kiện trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con.”

Theo đó, trường hợp người nộp thuế đăng ký giảm trừ gia cảnh đối với người phụ thuộc là cháu nội, cháu ngoại mà vẫn còn bố mẹ đang trong độ tuổi lao động, vẫn có khả năng lao động và nuôi dưỡng thì không thuộc đối tượng được giảm trừ gia cảnh theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 9 Thông tư số 111/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính.

Tên người hỏi: Hồ Hồng Khuê, , Email: binhphuoctm@gmail.com, Mst: 4201698XXX-Áp -11
Quy định về việc áp dụng hệ số điều chỉnh giá đất trong việc thu lệ phí trước bạ và tiền sử dụng đất?
Trả lời:

1. Quy định về xác định Lệ phí trước bạ đối với đất:

– Tại Điều 6 Nghị định số 10/2022/NĐ-CP ngày 15/01/2022 của Chính phủ quy định về Lệ phí trước bạ, quy định:

“Điều 6. Căn cứ tính lệ phí trước bạ

Căn cứ tính lệ phí trước bạ là giá tính lệ phí trước bạ và mức thu lệ phí trước bạ theo tỷ lệ (%).”

– Tại Điều 3 Thông tư số 13/2022/TT-BTC ngày 28/02/2022 của Bộ Tài chính quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 10/2022/NĐ-CP ngày 15/01/2022 của Chính phủ quy định về Lệ phí trước bạ, quy định:

“Điều 3. Giá tính lệ phí trước bạ

Giá tính lệ phí trước bạ thực hiện theo Điều 7 Nghị định số 10/2022/NĐ-CP. Giá tính lệ phí trước bạ đối với một số tài sản được quy định chi tiết như sau:

1. Giá tính lệ phí trước bạ đối với nhà, đất quy định khoản 1 Điều 7 Nghị định số 10/2022/NĐ-CP

a) Giá tính lệ phí trước bạ đối với đất

– Giá trị đất tính lệ phí trước bạ được xác định như sau:

Giá trị đất tính lệ phí trước bạ (đồng)  = Diện tích đất chịu  lệ phí trước bạ (m2)   x Giá một mét vuông đất (đồng/m2) tại Bảng giá đất do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành

Trong đó:

+ Diện tích đất tính lệ phí trước bạ là toàn bộ diện tích thửa đất thuộc quyền quản lý, sử dụng hợp pháp của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân do Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất xác định và cung cấp cho cơ quan thuế theo “Phiếu chuyển thông tin để xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai”.

Giá một mét vuông đất tại Bảng giá đất do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) ban hành theo quy định của pháp luật về đất đai tại thời điểm kê khai lệ phí trước bạ.

– Tại Điều 8 Nghị định số 10/2022/NĐ-CP ngày 15/01/2022 của Chính phủ quy định về Lệ phí trước bạ, quy định:

Điều 8. Mức thu lệ phí trước bạ theo tỷ lệ (%)

1. Nhà, đất: Mức thu là 0,5%.”

Căn cứ quy định trên, số tiền lệ phí trước bạ đất phải nộp bằng (=) giá trị đất tính lệ phí trước bạ nhân (x) diện tích đất chịu lệ phí trước bạ nhân (x) giá một mét vuông (đồng/m2) đất tại Bảng giá đất do UBND tỉnh ban hành quy định tại thời điểm kê khai lệ phí trước bạ nhân (x) mức thu lệ phí trước bạ theo Phiếu chuyển thông tin địa chính từ Văn phòng đăng ký đất đai.

Hiện nay, Cục Thuế chưa nhận được văn bản của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định về việc áp dụng hệ số điều chỉnh giá đất khi xác định lệ phí trước bạ đối với đất.

2. Quy định về xác định giá đất tính thu tiền sử dụng đất theo phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất:

          – Tại điểm c khoản 3 Điều 3, khoản 2 Điều 4 Nghị định số 45/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về thu tiền sử dụng đất, quy định:

“Điều 3. Căn cứ tính tiền sử dụng đất

3. Giá đất tính thu tiền sử dụng đất

c) Giá đất cụ thể được xác định theo phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất áp dụng đối với trường hợp diện tích tính thu tiền sử dụng đất của thửa đất hoặc khu đất có giá trị (tính theo giá đất trong Bảng giá đất) dưới 30 tỷ đồng đối với các thành phố trực thuộc Trung ương; dưới 10 tỷ đồng đối với các tỉnh miền núi, vùng cao; dưới 20 tỷ đồng đối với các tỉnh còn lại áp dụng để xác định tiền sử dụng đất trong các trường hợp:

– Tổ chức được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất;

– Hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất;

– Hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với diện tích đất ở vượt hạn mức.

Hàng năm, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định hệ số điều chỉnh giá đất để áp dụng cho các trường hợp quy định tại Điểm này.”

“Điều 4. Thu tiền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất

2. Tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất thì tiền sử dụng đất phải nộp được xác định theo công thức sau:

Tiền sử dụng đất phải nộp = Giá đất tính thu tiền sử dụng đất theo mục đích sử dụng đất x Diện tích đất phải nộp tiền sử dụng đất Tiền sử dụng đất được giảm theo quy định tại Điều 12 Nghị định này (nếu có) Tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng được trừ vào tiền sử dụng đất (nếu có)

Trong đó:

a) Diện tích đất phải nộp tiền sử dụng đất là diện tích đất có thu tiền sử dụng đất ghi trên quyết định giao đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

b) Giá đất tính thu tiền sử dụng đất được xác định theo quy định tại Điểm b, Điểm c Khoản 3 Điều 3 Nghị định này.

c) Tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng được trừ vào tiền sử dụng đất là tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng theo phương án được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt mà nhà đầu tư đã tự nguyện ứng cho Nhà nước.”

– Tại khoản Điều 3 Thông tư số 76/2014/TT-BTC ngày 16/6/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số điều của Nghị định số 45/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về thu tiền sử dụng đất, quy định:

Điều 3. Xác định tiền sử dụng đất khi được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất

Việc xác định tiền sử dụng đất phải nộp khi được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất được thực hiện theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 45/2014/NĐ-CP; một số nội dung tại Điều này được hướng dẫn cụ thể như sau:

1. Tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất không thông qua hình thức đấu giá thì tiền sử dụng đất phải nộp được xác định bằng giá đất tính thu tiền sử dụng đất theo mục đích sử dụng đất được giao tại thời điểm có quyết định giao đất nhân (x) với diện tích phải nộp tiền sử dụng đất, trong đó:

1.1. Về giá đất tính thu tiền sử dụng đất:

b) Trường hợp được Nhà nước giao đất mà diện tích tính thu tiền sử dụng đất của thửa đất hoặc khu đất có giá trị (tính theo giá đất trong Bảng giá đất) dưới 30 tỷ đồng đối với các thành phố trực thuộc Trung ương; dưới 10 tỷ đồng đối với các tỉnh miền núi, vùng cao; dưới 20 tỷ đồng đối với các tỉnh còn lại thì giá đất tính thu tiền sử dụng đất được xác định bằng giá đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định tại Bảng giá đất nhân (x) với hệ số điều chỉnh giá đất.

1.2. Diện tích tính thu tiền sử dụng đất là diện tích đất có thu tiền sử dụng đất được ghi tại quyết định giao đất.

Căn cứ các quy định trên, tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất không thông qua hình thức đấu giá thì tiền sử dụng đất phải nộp được xác định (bằng) = giá đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định tại Bảng giá đất nhân (x) với hệ số điều chỉnh giá đất nhân (x) diện tích phải nộp tiền sử dụng đất (trừ) – tiền sử dụng đất được giảm (nếu có) (trừ) – tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng được trừ vào tiền sử dụng đất (nếu có); Hàng năm, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định hệ số điều chỉnh giá đất để áp dụng cho các trường hợp.

Hiện nay, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành Quyết định số 31/2023/QĐ-UBND ngày 15/12/2023 về việc quy định hệ số điều chỉnh giá đất năm 2024 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2024.

Tên người hỏi: Lưu Trọng Ân, , Email: anlt158@gmail.com, Mst: 0312886XXX-Hóa-12
Trường hợp đang trong thời gian bị cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn nhưng doanh nghiệp có văn bản đề nghị được sử dụng hóa đơn để có nguồn thu trang trải các khoản chi phí thì xử lý thế nào?
Trả lời:

– Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 16 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ:

“Điều 16. Ngừng sử dụng hóa đơn điện tử

1. Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác, hộ, cá nhân kinh doanh thuộc các trường hợp sau ngừng sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế, ngừng sử dụng hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế:

a) Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác, hộ, cá nhân kinh doanh chấm dứt hiệu lực mã số thuế;

b) Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác, hộ, cá nhân kinh doanh thuộc trường hợp cơ quan thuế xác minh và thông báo không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký;

c) Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác, hộ, cá nhân kinh doanh thông báo với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền tạm ngừng kinh doanh;

d) Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác, hộ, cá nhân kinh doanh có thông báo của cơ quan thuế về việc ngừng sử dụng hóa đơn điện tử để thực hiện cưỡng chế nợ thuế;

đ) Trường hợp có hành vi sử dụng hóa đơn điện tử để bán hàng nhập lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bị cơ quan chức năng phát hiện và thông báo cho cơ quan thuế;

e) Trường hợp có hành vi lập hóa đơn điện tử phục vụ mục đích bán khống hàng hóa, cung cấp dịch vụ để chiếm đoạt tiền của tổ chức, cá nhân bị cơ quan chức năng phát hiện và thông báo cho cơ quan thuế;

g) Trường hợp cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện khi phát hiện doanh nghiệp không có đủ điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Căn cứ kết quả thanh tra, kiểm tra, nếu cơ quan thuế xác định doanh nghiệp được thành lập để thực hiện mua bán, sử dụng hóa đơn điện tử không hợp pháp hoặc sử dụng không hợp pháp hóa đơn điện tử để trốn thuế theo quy định thì cơ quan thuế ban hành quyết định ngừng sử dụng hóa đơn điện tử; doanh nghiệp bị xử lý theo quy định của pháp luật.”

Căn cứ quy định tại điểm d khoản 4 Điều 34 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ:

Điều 34. Cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn

4…

d) Trường hợp đang áp dụng biện pháp cưỡng chế ngừng sử dụng hóa đơn mà người nộp thuế có văn bản đề nghị sử dụng hóa đơn để có nguồn thanh toán tiền lương công nhân, thanh toán các khoản chi phí đảm bảo sản xuất kinh doanh được liên tục thì cơ quan thuế tiếp tục cho người nộp thuế sử dụng hóa đơn theo từng lần phát sinh với điều kiện người nộp thuế phải nộp ngay ít nhất 18% doanh thu trên hóa đơn được sử dụng vào ngân sách nhà nước.”

 Căn cứ các quy định trên, trường hợp công ty đang áp dụng biện pháp cưỡng chế ngừng sử dụng, hóa đơn mà công ty có văn bản đề nghị sử dụng hóa đơn để có nguồn thanh toán tiền lương công nhân, thanh toán các khoản chi phí đảm bảo sản xuất kinh doanh được liên tục thì Cục Thuế tiếp tục cho công ty sử dụng hóa đơn theo từng lần phát sinh với điều kiện công ty phải nộp ngay ít nhất 18% doanh thu trên hóa đơn được sử dụng vào ngân sách nhà nước theo quy định tại khoản 4 Điều 34 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ. Cục Thuế căn cứ hồ sơ thực tế của công ty để cấp hóa đơn theo từng lần phát sinh theo đúng quy định.

Tên người hỏi: Trương Thị Vy, , Email: anyen@gmail.com, Mst: 42004698XX-Hướ-13
Hướng dẫn xuất hóa đơn GTGT trường hợp doanh nghiệp cung cấp hàng hóa, dịch vụ trong đó có loại được hưởng chính sách giảm thuế GTGT theo Nghị quyết số 101/2023/QH15, có loại giữ nguyên mức thuế suất?
Trả lời:

– Căn cứ Điều 1 Nghị định số 44/2023/NĐ-CP ngày 30/6/2023 của Chính phủ quy định chính sách giảm thuế GTGT theo Nghị quyết số 101/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội như sau:

“Điều 1. Giảm thuế GTGT

1. Giảm thuế GTGT đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%, trừ nhóm hàng hóa, dịch vụ sau:

a) Viễn thông, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại và sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hóa chất. Chi tiết tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.

3. Trình tự, thủ tục thực hiện

a) Đối với cơ sở kinh doanh quy định tại điểm a khoản 2 Điều này, khi lập hóa đơn GTGT cung cấp hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng giảm thuế GTGT, tại dòng thuế suất thuế GTGT ghi “8%” tiền thuế GTGT; tổng số tiền người mua phải thanh toán. Căn cứ hóa đơn GTGT, cơ sở kinh doanh bán hàng hóa, dịch vụ kê khai thuế GTGT đầu ra, cơ sở kinh doanh mua hàng hóa, dịch vụ kê khai khấu trừ thuế GTGT đầu vào theo số thuế đã giảm ghi trên hóa đơn GTGT.

4. Trường hợp cơ sở kinh doanh theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều này khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ áp dụng các mức thuế suất khác nhau thì trên hóa đơn GTGT phải ghi rõ thuế suất của từng hàng hóa dịch vụ theo quy định tại khoản 3 Điều này.

…”

Theo đó, trường hợp công ty cung cấp hàng hóa, dịch vụ áp dụng các mức thuế suất khác nhau thì trên hóa đơn GTGT phải ghi rõ thuế suất của từng hàng hóa, dịch vụ theo quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 1 Nghị định số 44/2023/NĐ-CP của Chính phủ.

Tên người hỏi: Công ty TNHH Sơn Hà, , Email: sonha@gmail.com, Mst: 42004518XX-Hóa-14
Xử lý thế nào khi doanh nghiệp phát hiện hóa đơn điện tử đã xuất bị sai sót về địa chỉ của người mua
Trả lời:

Căn cứ điểm a, khoản 2, Điều 19 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 về xử lý hóa đơn có sai sót.
“Điều 19. Xử lý hóa đơn có sai sót
2…
a) Trường hợp có sai sót về tên, địa chỉ của người mua nhưng không sai mã số thuế, các nội dung khác không sai sót thì người bán thông báo cho người mua về việc hóa đơn có sai sót và không phải lập lại hóa đơn. Người bán thực hiện thông báo với cơ quan thuế về hóa đơn điện tử có sai sót theo Mẫu số 04/SS-HĐĐT Phụ lục IA ban hành kèm theo Nghị định này, trừ trường hợp hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế có sai sót nêu trên chưa gửi dữ liệu hóa đơn cho cơ quan thuế.

…”
Căn cứ quy định trên, trường hợp hóa đơn có sai sót về địa chỉ của người mua nhưng các nội dung khác không sai sót thì người bán thực hiện thông báo với cơ quan thuế về hóa đơn điện tử có sai sót theo Mẫu Số 04/SS-HĐĐT Phụ lục IA ban hành kèm theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP của Chính phủ.

Tên người hỏi: Trần Thanh Tâm, , Email: thanhtam2511@gmail.com, Mst: 8074346582-8-H-15
Đơn vị nào phải lập hóa đơn khi doanh nghiệp mua đã nhận hàng, doanh nghiệp bán đã xuất hóa đơn nhưng sau đó phát hiện hàng hóa không đúng quy cách, chất lượng và thỏa thuận hoàn trả lại hàng hóa?
Trả lời:

– Căn cứ Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13/6/2019 của Quốc hội.
– Căn cứ Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ:
+ Tại Điều 4 quy định về nguyên tắc lập, quản lý, sử dụng hóa đơn, chứng từ:
“1. Khi bán hàng hóa, cung câp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn đê giao cho người mua (bao gôm cả các trường hợp hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hóa, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động và tiêu dùng nội bộ (trừ hàng hóa luân chuyển nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất); xuất hàng hóa dưới các hình thức cho vay, cho mượn hoặc hoàn trả hàng hóa) và phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định tại Điều 10 Nghị định này, trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử thì phải theo định dạng chuẩn dữ liệu của cơ quan thuế theo quy định tại Điều 12 Nghị định này…”
– Căn cứ Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính:
+ Tại Điều 8 quy định thời điểm xác định thuế GTGT:
“Điều 8. Thời điểm xác định thuế GTGT
1. Đối với bán hàng hóa là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền…”

Căn cứ các quy định trên, trường hợp công ty là người mua hàng, thực hiện mua hàng hóa từ nhà cung câp (người bán), người bán đã xuât hóa đơn, người mua đã nhận hàng, nhưng sau đó người mua phát hiện hàng hóa không đúng quy cách, chất lượng phải trả lại hàng hóa thì người bán lập hóa đơn hoàn trả hàng hóa theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ, người bán và người mua có thỏa thuận ghi rõ việc hoàn trả hàng hóa (người mua không phải thực hiện lập hóa đơn khi hoàn trả hàng).

Tên người hỏi: Truơng Khánh, , Email: khanhanh247@gmail.com, Mst: 80080438XX-Hóa-16
Người nộp thuế hiện đang sử dụng hóa đơn điện tử theo quy định tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP và Thông tư số 78/2021/TT-BTC phát hiện hóa đơn đã lập theo quy định tại Nghị định số 51/2010/NĐ-CP, Nghị định số 04/2014/NĐ-CP có sai sót thì xử lý thế nào?
Trả lời:

Căn cứ Điều 12 Thông tư số 78/2021/TT-BTC ngày 17/9/2021 của Bộ Tài chính quy định xử lý chuyển tiếp:

      “6. Kể từ thời điểm doanh nghiệp, tổ chức, hộ, cá nhân kinh doanh sử dụng hóa đơn điện tử theo quy định tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP và quy định tại Thông tư này, nếu phát hiện hóa đơn đã lập theo quy định tại Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010, Nghị định số 04/2014/NĐ-CP ngày 17/1/2014 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính mà hóa đơn này có sai sót thì người bán và người mua phải lập văn bản thỏa thuận ghi rõ sai sót, người bán thực hiện thông báo với cơ quan thuế theo Mẫu số 04/SS-HĐĐT ban hành kèm theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP và lập hóa đơn hóa đơn điện tử mới (hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế hoặc hóa đơn điện tử không có mã) thay thề cho hóa đơn đã lập có sai sót.

       Hóa đơn điện tử thay thế hóa đơn đã lập có sai sót phải có dòng chữ “Thay thế cho hóa đơn Mẫu số…. ký hiệu… số… ngày… tháng… năm”. Người bán ký số trên hóa đơn điện tử mới thay thế hóa đơn đã lập có sai sót (hóa đơn lập theo Nghị định số 51/2010/NĐ-CP, Nghị định số 04/2014/NĐ-CP của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính) để gửi cho người mua (đối với trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử không có mã) hoặc người bán gửi cơ quan thuế để được cấp mã cho hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế).”

     Căn cứ các quy định trên, trường hợp phát hiện hóa đơn đã lập theo quy định tại Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010, Nghị định số 04/2014/NĐ-CP ngày 17/1/2014 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính mà hóa đơn này có sai sót, công ty thực hiện điều chỉnh theo quy định tại Khoản 6 Điều 12 Thông tư số 78/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính.

Tên người hỏi: Công ty DV TM Khánh Ngân, , Email: khanhngan1@gmail.com, Mst: 4200461XXX-Hóa-17
Hóa đơn điện tử của cơ quan thuế được khởi tạo từ máy tính tiền kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế có bắt buộc phải có thông tin địa chỉ người mua không?
Trả lời:

Căn cứ quy định tại Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13/6/2019 của Quốc hội; Thông tư số 78/2021/TT-BTC ngày 17/9/2021 của Bộ Tài chính; Thông báo số 547/TB-TCT ngày 3/8/2023 của Tổng cục Thuế.

    Theo đó, người nộp thuế có kinh doanh nhiều ngành nghề, nhiều mô hình kinh doanh có thể sử dụng nhiều hình thức hóa đơn điện tử nếu đáp ứng điều kiện về đăng ký sử dụng hóa đơn theo quy định.

     Đối với hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế không bắt buộc phải có thông tin địa chỉ người mua. Tuy nhiên, người bán có trách nhiệm thực hiện kê khai đầy đủ thông tin người mua (tên, địa chỉ, mã số định danh cá nhân/mã số thuế) trên hóa đơn nếu người mua yêu cầu. Tổng cục Thuế đã ban hành Thông báo số 547/TB -TCT ngày 3/8/2023 về việc đính chính quy định về thành phần chứa dữ liệu nghiệp vụ hóa đơn điện tử và phương thức truyền nhận với cơ quan thuế ban hành theo Quyết định số 1510/QĐ-TCT ngày 21/9/2022, theo đó đã bổ sung chỉ tiêu địa chỉ trên hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền.

Tên người hỏi: Công ty TNHH Toàn Cầu, , Email: toancau@gmail.com, Mst: 4200237XXX-Hóa-18
Đối tượng nào được đăng ký áp dụng hóa đơn khởi tạo từ máy tính tiền kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế?
Trả lời:

Căn cứ Khoản 2, Điều 8 Thông tư số 78/2021/TT-BTC ngày 17/9/2021 của Bộ Tài chính quy định về hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế hướng dẫn đối tượng được đăng ký áp dụng hóa đơn khởi tạo từ máy tính tiền kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế, gồm: doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai có hoạt động cung câp hàng hóa, dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng theo mô hình kinh doanh (trung tâm thương mại; siêu thị; bán lẻ hàng tiêu dùng; ăn uống; nhà hàng; khách sạn; bán lẻ thuốc tân dược; dịch vụ vui chơi, giải trí và các dịch vụ khác) được lựa chọn sử dụng hóá đơn điện tử được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế.

Tên người hỏi: Trần Thị Vân Anh, , Email: anhttv3@gmail.com, Mst: 85142255XX-2-H-19
Công ty muốn tra cứu hóa đơn đầu vào, đề nghị cơ quan thuế hướng dẫn sử dụng?
Trả lời:

Người nộp thuế có quyền khai thác dữ liệu hóa đơn đầu vào và đầu ra của đơn vị mình trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan thuế theo các bước sau:

Bước 1: Đăng nhập vào trang: https://hoadondientu.gdt.gov.vn/

Bước 2: Vào chức năng “Tra cứu/Tra cứu hóa đơn”

Bước 3: Chọn tab “Tra cứu hóa đơn điện tử mua vào” rồi nhập giá trị tìm kiếm hợp lệ ở ô mã số thuế người mua, ký hiệu mẫu số hóa đơn, số hóa đơn, ký hiệu hóa đơn, … và tiến hành tìm kiếm

Tên người hỏi: Nguyễn Văn An, , Email: nva8397123@gmail.com, Mst: 8372913269-Hóa-20
Trường hợp gửi hóa đơn đi để được cấp mã xác thực mà chờ không thấy được cấp mã, gửi tiếp 1 hóa đơn khác thì lại được cấp mã còn hóa đơn trước vẫn treo. Vậy trường hợp này xử lý thế nào?
Trả lời:

Căn cứ Điều 45 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về tra cứu, cung cấp, sử dụng thông tin hóa đơn điện tử thì người nộp thuế có thể sử dụng chức năng “Tra cứu/Tra cứu hóa đơn” trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế để tìm kiếm hóa đơn đã gửi cơ quan thuế. Theo đó:

– Trường hợp “Kết quả kiểm tra hóa đơn” là “Đã cấp mã hóa đơn” (tức là hóa đơn đã được cơ quan thuế tiếp nhận và cấp mã) hoặc

“Hóa đơn không đủ điều kiện cấp mã” thì người nộp thuế phối hợp với tổ chức cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử để kiểm tra nguyên nhân không nhận được hóa đơn đã cấp mã của cơ quan thuế hoặc thông báo kiểm tra dữ liệu Mẫu số 01/TB-KTDL phản hồi về việc hóa đơn không đủ điều kiện cấp mã.

– Trường hợp không có kết quả hiển thị thông tin đối với hóa đơn cần tra cứu (tức là hóa đơn chưa được cơ quan thuế tiếp nhận) thì người nộp thuế phối hợp với tổ chức cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử để kiểm tra nguyên nhân chưa gửi được hóa đơn đến cơ quan thuế.

Bản tin này chỉ mang tính chất tham khảo, không phải ý kiến tư vấn cụ thể cho bất kì trường hợp nào.

Đăng kí để nhận bản tin từ Gonnapass


Liên hệ tư vấn dịch vụ Kế toán – Thuế – Đào tạo: Ms Huyền – 094 719 2091
Mọi thông tin xin liên hệ:
Công ty TNHH Gonnapass
Phòng 701, tầng 7, toà nhà 3D Center, số 3 Duy Tân, P Dịch Vọng Hậu, Q Cầu Giấy, TP Hà Nội
Email: hotro@gonnapass.com
Website: https://gonnapass.com
Hotline/ Zalo : 0888 942 040
avatar
admin

Nếu bạn thích bài viết, hãy thả tim và đăng ký nhận bản tin của chúng tôi

Ý kiến bình luận

You cannot copy content of this page