Cục thuế tỉnh Thái Bình đã hỗ trợ giải đáp vướng mắc thuế ngày 08/08 về rất nhiều điểm mới cần quan tâm của chính sách thuế. Tham khảo bản tin dưới đây
Câu hỏi 1: Hóa đơn xuất khẩu đã phát hành tháng 4/2014, đơn vị đã kê khai vào kỳ tính thuế tháng 4/2014. Đến tháng 6/2014, công ty tôi phải giảm giá hàng bán do hàng không đảm bảo chất lượng. Đề nghị cơ quan thuế hướng dẫn cách điều chỉnh doanh thu hàng bán ra?
Trả lời:
Điểm 3, Điều 20, Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính quy định việc xử lý đối với hóa đơn đã lập như sau:
“Trường hợp hóa đơn đã lập và giao cho người mua, đã giao hàng hóa, cung ứng dịch vụ, người bán và người mua đã kê khai thuế, sau đó phát hiện sai sót thì người bán và người mua phải lập biên bản hoặc có thoả thuận bằng văn bản ghi rõ sai sót, đồng thời người bán lập hoá đơn điều chỉnh sai sót. Hoá đơn ghi rõ điều chỉnh (tăng, giám) số lượng hàng hoá, giá bán, thuế suất thuế giá trị gia tăng…, tiền thuế giá trị gia tăng cho hoá đơn số…, ký hiệu… Căn cứ vào hoá đơn điều chỉnh, người bán và người mua kê khai điều chỉnh doanh số mua, bán, thuế đầu ra, đầu vào. Hoá đơn điều chỉnh không được ghi số âm (-).”
Tiết c.1, Điểm 5, Điều 10, Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính quy định các trường hợp khai bổ sung hồ sơ khai thuế như sau:
“Trường hợp người nộp thuế khai bổ sung hồ sơ khai thuế không làm thay đổi tiền thuế phải nộp, tiền thuế được khấu trừ, tiền thuế đề nghị hoàn thì chỉ lập Tờ khai thuế của kỳ tính thuế có sai sót đã được bổ sung, điều chỉnh và gửi tài liệu giải thích kèm theo, không phải lập Bản giải trình khai bổ sung, điều chỉnh mẫu số 01/KHBS.”
Căn cứ quy định trên, đơn vị bạn và khách hàng lập biên bản hoặc thỏa thuận bằng văn bản nêu rõ lý do điều chỉnh giá bán, đồng thời đơn vị lập hóa đơn xuất khẩu điều chỉnh giá bán, hóa đơn ghi rõ điều chỉnh giảm giá bán cho hóa đơn số…, ký hiệu…
Đơn vị lập Tờ khai thuế GTGT tháng 04/2014 đã được điều chỉnh lại và gửi tài liệu giải thích kèm theo, không phải lập Bản giải trình khai bổ sung, điều chỉnh mẫu số 01/KHBS.
Câu hỏi 2: Công ty tôi có xuất khẩu hàng mẫu ra nước ngoài thì có phải lập hóa đơn không?
Trả lời:
Tiết 2.4.a, Điểm 2, Thông tư số 39/2013/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính quy định việc sử dụng hoá đơn, chứng từ đối với hàng hoá, dịch vụ khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu, cho, biếu, tặng và tiêu dùng nội bộ đối với tổ chức kê khai, nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ như sau:
“Đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại theo quy định của pháp luật về thương mại thì phải lập hoá đơn, trên hoá đơn ghi tên và số lượng hàng hoá, ghi rõ là hàng khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu và thực hiện theo hướng dẫn của pháp luật về thuế GTGT.”
Tiết a, Điểm 5, Điều 7, Mục 1, Chương II, Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính quy định:
“Đối với hình thức khuyến mại đưa hàng mẫu, cung ứng dịch vụ mẫu để khách hàng dùng thử không phải trả tiền, tặng hàng hoá cho khách hàng, cung ứng dịch vụ không thu tiền thì giá tính thuế đối với hàng mẫu, dịch vụ mẫu được xác định bằng 0...”
Căn cứ quy định trên, trường hợp đơn vị bạn khi xuất khẩu hàng mẫu thì phải lập hóa đơn, trên hóa đơn ghi tên, số lượng hàng hóa và ghi rõ là hàng mẫu không thu tiền.
Câu hỏi 3: Hóa đơn GTGT tiền điện thoại ghi tên khách hàng là cá nhân (giám đốc doanh nghiệp) thì công ty tôi có được khấu trừ thuế GTGT của hóa đơn này không?
Trả lời:
Điểm 15, Điều 14, Mục 1, Chương III, Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính quy định cơ sở kinh doanh không được tính khấu trừ thuế GTGT đầu vào đối với trường hợp sau:
“…-Hoá đơn không ghi hoặc ghi không đúng một trong các chỉ tiêu như tên, địa chỉ, mã số thuế của người mua nên không xác định được người mua (trừ trường hợp hướng dẫn tại khoản 12 Điều này);…”
Căn cứ quy định trên, hóa đơn ghi không đúng tên doanh nghiệp thì không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào.
Câu hỏi 4: Doanh nghiệp mới thành lập phải báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn theo tháng trong bao lâu thì được chuyển sang báo cáo theo quý?
Trả lời:
Điều 27, Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính quy định báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn như sau:
“…Riêng doanh nghiệp mới thành lập, doanh nghiệp sử dụng hóa đơn tự in, đặt in có hành vi vi phạm không được sử dụng hóa đơn tự in, đặt in, doanh nghiệp thuộc loại rủi ro cao về thuế thuộc diện mua hoá đơn của cơ quan thuế theo hướng dẫn tại Điều 11 Thông tư này thực hiện nộp Báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn theo tháng.
Thời hạn nộp Báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn theo tháng chậm nhất là ngày 20 của tháng tiếp theo. Việc nộp Báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn theo tháng được thực hiện trong thời gian 12 tháng kể từ ngày thành lập hoặc kể từ ngày chuyển sang diện mua hóa đơn của cơ quan thuế. Hết thời hạn trên, cơ quan thuế kiểm tra việc báo cáo tình hình sử dụng hoá đơn và tình hình kê khai, nộp thuế để thông báo doanh nghiệp chuyển sang Báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn theo quý. Trường hợp chưa có thông báo của cơ quan thuế, doanh nghiệp tiếp tục báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn theo tháng...”
Căn cứ quy định trên, doanh nghiệp mới thành lập phải nộp Báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn theo tháng trong vòng 12 tháng kể từ ngày thành lập. Hết thời hạn trên, cơ quan thuế kiểm tra việc báo cáo tình hình sử dụng hoá đơn và tình hình kê khai, nộp thuế để thông báo doanh nghiệp chuyển sang Báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn theo quý. Trường hợp chưa có thông báo của cơ quan thuế, doanh nghiệp tiếp tục báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn theo tháng.
Câu hỏi 5: Hóa đơn đầu vào của hàng hóa khi mua về đơn vị có được phép thanh toán một phần giá trị của hóa đơn đó hay không?
Trả lời:
Trường hợp hợp đồng ký kết giữa người mua, người bán có quy định thanh toán theo tiến độ, theo từng đợt thì người mua được thanh toán theo từng đợt, tổng số tiền thanh toán theo đợt bằng với số tiền người mua phải thanh toán ghi trên hóa đơn mua hàng.
Câu hỏi 6: Doanh nghiệp thành lập từ tháng 9/2013 có phải nộp báo cáo sử dụng hóa đơn theo tháng không?
Trả lời:
Điều 25, Thông tư số 64/2013/TT-BTC ngày 15/5/2013 của Bộ Tài chính quy định về báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn như sau:
“Hàng quý, tổ chức, hộ, cá nhân bán hàng hoá, dịch vụ (trừ đối tượng được cơ quan thuế cấp hóa đơn) có trách nhiệm nộp báo cáo tình hình sử dụng hoá đơn cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp...”
Căn cứ quy định trên, doanh nghiệp thành lập từ tháng 9/2013 thì nộp báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn theo quý.
Câu hỏi 7: Năm 2013, doanh nghiệp đã đặt in hóa đơn với số lượng lớn, đơn vị đã Thông báo phát hành với cơ quan thuế. Đến tháng 6/2014, đơn vị chưa sử dụng hết thì có được tiếp tục sử dụng không hay phải điều chỉnh Thông báo phát hành?
Trả lời:
Khoản 2, Điều 32, Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính quy định:
“…Đối với hóa đơn đặt in, tự in doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh đã thực hiện Thông báo phát hành theo hướng dẫn tại Thông tư số 153/2010/TT-BTC ngày 28/9/2010, Thông tư số 64/2013/TT-BTC ngày 15/5/2013 của Bộ Tài chính thì được tiếp tục sử dụng.”
Căn cứ hướng dẫn trên, các hóa đơn đã Thông báo phát hành năm 2013 chưa sử dụng hết thì được tiếp tục sử dụng.
Câu hỏi 8: Từ ngày 01/6/2014 bỏ quy định về hóa đơn xuất khẩu thì thủ tục như thế nào để tránh gây lãng phí cho doanh nghiệp?
Trả lời:
Khoản 3, Điều 32, Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính quy định:
“Từ ngày 1/6/2014, cơ quan thuế không tiếp nhận Thông báo phát hành hóa đơn xuất khẩu.
Trường hợp các doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh chưa sử dụng hết các số hóa đơn xuất khẩu đã đặt in và thực hiện Thông báo phát hành theo hướng dẫn tại Thông tư số 153/2010/TT-BTC ngày 28/9/2010, Thông tư số 64/2013/TT-BTC ngày 15/5/2013 của Bộ Tài chính và vẫn có nhu cầu tiếp tục sử dụng thì đăng ký số lượng hóa đơn xuất khẩu còn tồn và gửi đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp chậm nhất là ngày 31/7/2014 (Mẫu số 3.12 Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư này). Từ ngày 01/8/2014, các số hóa đơn xuất khẩu còn tồn đã đăng ký theo quy định tại Khoản này được tiếp tục sử dụng. Các số hóa đơn xuất khẩu chưa đăng ký hoặc đăng ký sau ngày 31/7/2014 không có giá trị sử dụng. Doanh nghiệp thực hiện huỷ hoá đơn xuất khẩu theo hướng dẫn tại Điều 29 Thông tư này và sử dụng hóa đơn GTGT, hóa đơn bán hàng cho hoạt động xuất khẩu hàng hóa, cung ứng dịch vụ ra nước ngoài theo hướng dẫn tại Thông tư này.”
Căn cứ hướng dẫn trên, từ ngày 01/6/2014 cơ quan thuế không tiếp nhận Thông báo phát hành hóa đơn xuất khẩu. Đơn vị còn số lượng hóa đơn xuất khẩu đã Thông báo phát hành chưa sử dụng hết mà vẫn có nhu cầu sử dụng thì đăng ký số lượng hóa đơn xuất khẩu còn tồn và gửi cơ quan thuế chậm nhất ngày 31/7/2014.
Đối với các số hóa đơn xuất khẩu chưa đăng ký hoặc đăng ký sau ngày 31/7/2014 đều không có giá trị sử dụng. Đơn vị thực hiện hủy hóa đơn theo hướng dẫn tại Điều 29, Thông tư số 39/2014/TT-BTC.
Câu hỏi 9: Từ tháng 01/2014 đến tháng 5/2014, người bán là doanh nghiệp nộp thuế theo phương pháp khấu trừ thuế GTGT đã kê khai, nộp thuế đối với mặt hàng trồng trọt, chăn nuôi với thuế suất là 5% thì người mua có được kê khai, khấu trừ số thuế GTGT đầu vào của các hóa đơn đó không? Nếu không thì phải điều chỉnh như thế nào?
Trả lời:
Khoản 5, Điều 5, Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính quy định các trường hợp không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT như sau:
“…Trường hợp sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường bán cho doanh nghiệp, hợp tác xã đã lập hoá đơn, kê khai, tính thuế GTGT thì người bán và người mua phải điều chỉnh hoá đơn để không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT theo hướng dẫn tại khoản này.”
Khoản 3, Điều 20, Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính quy định việc xử lý đối với hóa đơn đã lập như sau:
“Trường hợp hóa đơn đã lập và giao cho người mua, đã giao hàng hóa, cung ứng dịch vụ, người bán và người mua đã kê khai thuế, sau đó phát hiện sai sót thì người bán và người mua phải lập biên bản hoặc có thoả thuận bằng văn bản ghi rõ sai sót, đồng thời người bán lập hoá đơn điều chỉnh sai sót. Hoá đơn ghi rõ điều chỉnh (tăng, giám) số lượng hàng hoá, giá bán, thuế suất thuế giá trị gia tăng…, tiền thuế giá trị gia tăng cho hoá đơn số…, ký hiệu… Căn cứ vào hoá đơn điều chỉnh, người bán và người mua kê khai điều chỉnh doanh số mua, bán, thuế đầu ra, đầu vào. Hoá đơn điều chỉnh không được ghi số âm (-).”
Căn cứ quy định trên, trường hợp người bán đã lập hóa đơn và kê khai, nộp thuế với thuế suất là 5% khi bán các sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi cho doanh nghiệp bạn thì người bán và người mua phải điều chỉnh hoá đơn theo hướng dẫn tại Khoản 3, Điều 20, Thông tư số 39/2014/TT-BTC nêu trên để không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT.
Câu hỏi 10: Hóa đơn đầu vào ghi sai mã số thuế, đơn vị có được kê khai, khấu trừ thuế GTGT của hóa đơn đó không?
Trả lời:
Khoản 2, Điều 20, Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính quy định việc xử lý đối với hóa đơn đã lập như sau:
“Trường hợp hóa đơn đã lập và giao cho người mua nhưng chưa giao hàng hóa, cung ứng dịch vụ hoặc hoá đơn đã lập và giao cho người mua, người người bán và người mua chưa kê khai thuế nếu phát hiện sai phải hủy bỏ, người bán và người mua lập biên bản thu hồi các liên của số hoá đơn đã lập sai. Biên bản thu hồi hoá đơn phải thể hiện được lý do thu hồi hoá đơn. Người bán gạch chéo các liên, lưu giữ số hoá đơn lập sai và lập lại hóa đơn mới theo quy định.”
Căn cứ quy định trên, người bán và người mua lập biên bản thu hồi hóa đơn, biên bản ghi rõ lý do thu hồi hóa đơn. Người bán gạch chéo các liên, lưu giữ số hoá đơn lập sai và lập lại hóa đơn mới theo quy định, trên hóa đơn lập lại ghi rõ thay thế hóa đơn số…ngày…tháng…năm. Hóa đơn này được dùng để kê khai, khấu trừ thuế GTGT nếu đáp ứng được các điều kiện về khấu trừ thuế GTGT theo quy định của pháp luật.
Câu hỏi 11: Công ty tôi chuyên về xuất nhập khẩu nên lượng tiền USD phát sinh lớn. Đến cuối năm đánh giá lại tỷ giá hối đoái thì phần chênh lệch tỷ giá hối đoái có được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN không?
Trả lời:
Tiết l, Khoản 2, Điều 9, Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 của Chính phủ quy định một số trường hợp về khoản chi không được trừ như sau:
“Chênh lệch tỷ giá hối đoái do đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ cuối kỳ tính thuế, trừ chênh lệch tỷ giá hối đoái do đánh giá lại các khoản nợ phải trả có gốc ngoại tệ cuối kỳ tính thuế, chênh lệch tỷ giá phát sinh trong quá trình đầu tư xây dựng cơ bản để hình thành tài sản cố định của doanh nghiệp mới thành lập mà tài sản cố định này chưa đưa vào sản xuất kinh doanh thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính…”
Căn cứ quy định trên thì phần chênh lệch tỷ giá hối đoái do đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ cuối kỳ tính thuế không được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN.
Câu hỏi 12: Chỉ tiêu “Họ tên người mua hàng” trên hóa đơn GTGT có bắt buộc phải ghi rõ họ tên người mua không? (Công ty TNHH Thăng Long Vina)
Trả lời:
Điểm 1, Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính quy định:
“Tổ chức nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ thuế khi bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ phải sử dụng hoá đơn GTGT. Khi lập hoá đơn, tổ chức phải ghi đầy đủ, đúng các yếu tố quy định trên hoá đơn. Trên hoá đơn GTGT phải ghi rõ giá bán chưa có thuế GTGT, phụ thu và phí tính ngoài giá bán (nếu có), thuế GTGT, tổng giá thanh toán đã có thuế…”
Căn cứ quy định trên, khi lập hóa đơn, người bán phải ghi đầy đủ các chỉ tiêu trên hóa đơn. Do đó, khi mua hàng thì chỉ tiêu “Họ tên người mua hàng” và “Tên đơn vị” trên hóa đơn phải được ghi đầy đủ.
Câu hỏi 13: Khi bán hàng đơn vị có hỗ trợ cước vận chuyển hàng hóa cho người mua, vậy khoản hỗ trợ này đơn vị trừ trực tiếp trên hóa đơn có được không? (Công ty CP gạch men sứ Long Hầu)
Trả lời:
Khoản 1, Điều 5, Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính quy định các trường hợp không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT như sau:
“Tổ chức, cá nhân nhận các khoản thu về bồi thường bằng tiền (bao gồm cả tiền bồi thường về đất và tài sản trên đất khi bị thu hồi đất theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền), tiền thưởng, tiền hỗ trợ, tiền chuyển nhượng quyền phát thải và các khoản thu tài chính khác.
Cơ sở kinh doanh khi nhận khoản tiền thu về bồi thường, tiền thưởng, tiền hỗ trợ nhận được, tiền chuyển nhượng quyền phát thải và các khoản thu tài chính khác thì lập chứng từ thu theo quy định. Đối với cơ sở kinh doanh chi tiền, căn cứ mục đích chi để lập chứng từ chi tiền...”
Căn cứ hướng dẫn trên, đơn vị bạn có hỗ trợ cước vận chuyển hàng hóa cho người mua thì khi chi tiền, đơn vị lập chứng từ chi tiền, không được trừ trên hóa đơn bán hàng.
Câu hỏi 14: Công ty tôi ký hợp đồng thuê xe với một cá nhân, cá nhân này được cơ quan thuế cấp hóa đơn lẻ để giao cho chúng tôi. Khi thanh toán tiền, đơn vị phải chuyển khoản hay thanh toán bằng tiền mặt để được tính vào chi phí được trừ (giá trị hóa đơn trên 20 triệu đồng)? (Công ty CP đầu tư XNK Thăng Long)
Trả lời:
Khoản 1, Điều 9, Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 của Chính phủ quy định doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
“…c) Đối với hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ hai mươi triệu đồng trở lên phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt…”
Khoản 3, Điều 15, Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính quy định:
“Chứng từ thanh toán qua ngân hàng được hiểu là có chứng từ chứng minh việc chuyển tiền từ tài khoản của bên mua sang tài khoản của bên bán (tài khoản của bên mua và tài khoản của bên bán phải là tài khoản đã đăng ký hoặc thông báo với cơ quan thuế) mở tại các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán theo các hình thức thanh toán phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành như séc, uỷ nhiệm chi hoặc lệnh chi, uỷ nhiệm thu, nhờ thu, thẻ ngân hàng, thẻ tín dụng, sim điện thoại (ví điện tử) và các hình thức thanh toán khác theo quy định (bao gồm cả trường hợp bên mua thanh toán từ tài khoản của bên mua sang tài khoản bên bán mang tên chủ doanh nghiệp tư nhân hoặc bên mua thanh toán từ tài khoản của bên mua mang tên chủ doanh nghiệp tư nhân sang tài khoản bên bán nếu tài khoản này đã được đăng ký giao dịch với cơ quan thuế)...”
Căn cứ quy định trên, trường hợp đơn vị ký hợp đồng thuê xe với cá nhân với giá trị trên 20 triệu đồng thì khi công ty thanh toán cho cá nhân này theo hóa đơn phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt (chứng từ thanh toán qua ngân hàng, …) để làm căn cứ kê khai khấu trừ thuế GTGT đầu vào và tính vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN.
Câu hỏi 15: Công ty tôi có phải thông báo đăng ký tài khoản ngân hàng với cơ quan thuế không. Thông báo này chỉ làm một lần hay phải đăng ký hàng tháng? (Công ty CP đầu tư XNK Thăng Long)
Trả lời:
Điều 9, Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính quy định việc thay đổi, bổ sung thông tin đăng ký thuế như sau:
“Đối với người nộp thuế đã được cấp đăng ký thuế nhưng chưa thông báo thông tin về các tài khoản của người nộp thuế đã mở tại các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng với cơ quan thuế trước thời điểm Nghị định 83/2013/NĐ-CP có hiệu lực thi hành thì phải thông báo bổ sung tại Tờ khai điều chỉnh, bổ sung thông tin đăng ký thuế theo mẫu số 08-MST ban hành kèm theo Thông tư này, thời hạn chậm nhất ngày 31 tháng 12 năm 2013.
Người nộp thuế trong quá trình sản xuất kinh doanh, khi có thay đổi, bổ sung số tài khoản tại các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng thì phải thông báo cho cơ quan Thuế trực tiếp quản lý trong thời hạn 10 (mười) ngày kể từ ngày phát sinh sự thay đổi tại Tờ khai điều chỉnh, bổ sung thông tin đăng ký thuế theo mẫu số 08-MST ban hành kèm theo Thông tư này (thay thế Tờ khai điều chỉnh đăng ký thuế mẫu số 08-MST ban hành kèm theo Thông tư số 80/2012/TT-BTC ngày 22/5/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Luật Quản lý thuế về đăng ký thuế).”
Căn cứ hướng dẫn trên, trường hợp đơn vị bạn chưa thông báo thông tin về các tài khoản của người nộp thuế đã mở tại các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng với cơ quan thuế thì phải lậpTờ khai điều chỉnh, bổ sung thông tin đăng ký thuế (Mẫu số 08-MST ban hành kèm theo Thông tư số 156/2013/TT-BTC). Khi có sự thay đổi, bổ sung số tài khoản tại các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng thì phải thông báo cho cơ quan Thuế trực tiếp quản lý trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày phát sinh sự thay đổi.
Câu hỏi 16: Năm 2014, dịch vụ thoát nước chịu thuế suất thuế GTGT là bao nhiêu %? (Trung tâm dịch vụ Khu công nghiệp)
Trả lời:
Điều 11, Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính quy định mức thuế suất 10% bao gồm:
“Thuế suất 10% áp dụng đối với hàng hoá, dịch vụ không được quy định tại Điều 4, Điều 9 và Điều 10 Thông tư này.”
Căn cứ hướng dẫn trên, kể từ ngày 01/1/2014 Thông tư số 219/2013/TT-BTC có hiệu lực thi hành thì dịch vụ thoát nước chịu thuế suất thuế GTGT là 10%.
Câu hỏi 17: Trung tâm ký hợp đồng với cá nhân X về việc vệ sinh tại Trạm xử lý nước với số tiền 100.000đ/ngày công x 26 ngày công/tháng (Hợp đồng có thời hạn dưới 3 tháng). Vậy đơn vị có phải khấu trừ thuế TNCN của cá nhân trước khi chi trả không? (Trung tâm dịch vụ Khu công nghiệp)
Trả lời:
Tiết i, Khoản 1, Điều 25, Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính quy định việc khấu trừ thuế đối với một số trường hợp khác như sau:
“Các tổ chức, cá nhân trả tiền công, tiền thù lao, tiền chi khác cho cá nhân cư trú không ký hợp đồng lao động (theo hướng dẫn tại điểm c, d, khoản 2, Điều 2 Thông tư này) hoặc ký hợp đồng lao động dưới ba (03) tháng có tổng mức trả thu nhập từ hai triệu (2.000.000) đồng/lần trở lên thì phải khấu trừ thuế theo mức 10% trên thu nhập trước khi trả cho cá nhân.
Trường hợp cá nhân chỉ có duy nhất thu nhập thuộc đối tượng phải khấu trừ thuế theo tỷ lệ nêu trên nhưng ước tính tổng mức thu nhập chịu thuế của cá nhân sau khi trừ gia cảnh chưa đến mức phải nộp thuế thì cá nhân có thu nhập làm cam kết (theo mẫu ban hành kèm theo văn bản hướng dẫn về quản lý thuế) gửi tổ chức trả thu nhập để tổ chức trả thu nhập làm căn cứ tạm thời chưa khấu trừ thuế thu nhập cá nhân.
Căn cứ vào cam kết của người nhận thu nhập, tổ chức trả thu nhập không khấu trừ thuế. Kết thúc năm tính thuế, tổ chức trả thu nhập vẫn phải tổng hợp danh sách và thu nhập của những cá nhân chưa đến mức khấu trừ thuế (vào mẫu ban hành kèm theo văn bản hướng dẫn về quản lý thuế) và nộp cho cơ quan thuế. Cá nhân làm cam kết phải chịu trách nhiệm về bản cam kết của mình, trường hợp phát hiện có sự gian lận sẽ bị xử lý theo quy định của Luật quản lý thuế.
Cá nhân làm cam kết theo hướng dẫn tại điểm này phải đăng ký thuế và có mã số thuế tại thời điểm cam kết.”
Căn cứ quy định trên, đơn vị bạn ký hợp đồng lao động dưới 03 tháng với cá nhân X với mức chi trả 2.600.000 đồng/tháng (100.000đ/ngày công x 26 ngày công/tháng) thì phải khấu trừ thuế TNCN theo mức 10% trên thu nhập trước khi chi trả cho cá nhân X.
Trường hợp cá nhân X chỉ có duy nhất thu nhập từ việc vệ sinh tại Trạm xử lý nước chưa đến mức phải nộp thuế thì cá nhân X (cá nhân này phải đăng ký thuế và có mã số thuế) làm cam kết (theo mẫu quy định tại Thông tư số 156/2013/TT-BTC) gửi đơn vị bạn làm căn cứ tạm thời chưa khấu trừ thuế TNCN. Kết thúc kỳ tính thuế năm, đơn vị bạn vẫn phải tổng hợp danh sách và thu nhập của những cá nhân chưa đến mức khấu trừ thuế để nộp cho cơ quan thuế.
Câu hỏi 18: Dịch vụ nạo vét, hút bùn tại các bể và đường ống nước chịu thuế suất thuế GTGT là bao nhiêu %? (Trung tâm dịch vụ Khu công nghiệp)
Trả lời:
Điều 11, Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính quy định mức thuế suất 10% bao gồm:
“Thuế suất 10% áp dụng đối với hàng hoá, dịch vụ không được quy định tại Điều 4, Điều 9 và Điều 10 Thông tư này.”
Căn cứ quy định trên, dịch vụ nạo vét, hút bùn tại các bể và đường ống nước thuộc đối tượng chịu thuế suất thuế GTGT là 10%.
Câu hỏi 19: Theo Thông tư 219/2013/TT-BTC, đơn vị mới thành lập phải có tài sản trên 01 tỷ đồng trở lên mới được tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ. Đơn vị tôi là văn phòng công chứng thành lập tháng 4/2014, Giấy phép kinh doanh do Sở tư pháp cấp, không có số vốn kinh doanh, không có tài sản có giá trị trên 01 tỷ đồng. Vậy đơn vị có nhu cầu sử dụng hóa đơn GTGT có được không? (Văn phòng công chứng Vũ Thư)
Trả lời:
Điểm 3, Điều 12, Mục 2, Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính quy định cơ sở kinh doanh đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế, bao gồm:
“a) Doanh nghiệp, hợp tác xã đang hoạt động có doanh thu hàng năm từ bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ chịu thuế GTGT dưới một tỷ đồng đã thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, sổ sách, hoá đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật về kế toán, hoá đơn, chứng từ.
- b) Doanh nghiệp mới thành lập từ dự án đầu tư của cơ sở kinh doanh đang hoạt động nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ.
- c) Doanh nghiệp, hợp tác xã mới thành lập có thực hiện đầu tư, mua sắm tài sản cố định, máy móc, thiết bị có giá trị từ 1 tỷ đồng trở lên ghi trên hoá đơn mua tài sản cố định, máy móc, thiết bị, kể cả hoá đơn mua tài sản cố định, máy móc, thiết bị trước khi thành lập (không bao gồm ô tô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống của cơ sở kinh doanh không hoạt động vận tải, du lịch, khách sạn); tổ chức nước ngoài,cá nhân nước ngoàikinh doanh tại Việt Nam theo hợp đồng nhà thầu, hợp đồng nhà thầu phụ...”
Tiết b, Điểm 2, Điều 3, Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính quy định hoá đơn bán hàng dùng cho các đối tượng sau đây:
“– Tổ chức, cá nhân khai, tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp khi bán hàng hoá, dịch vụ trong nội địa, xuất vào khu phi thuế quan và các trường hợp được coi như xuất khẩu, xuất khẩu hàng hóa, cung ứng dịch vụ ra nước ngoài (mẫu số 3.2 Phụ lục 3 và mẫu số 5.2 Phụ lục 5 ban hành kèm theo Thông tư này)...”
Căn cứ hướng dẫn trên, Văn phòng công chứng thành lập tháng 04/2014, không có tài sản có giá trị từ 01 tỷ đồng trở lên thuộc đối tượng kê khai thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp. Loại hóa đơn sử dụng là hóa đơn bán hàng.
Câu hỏi 20: Khoản tiền bảo hiểm nhân thọ doanh nghiệp nộp cho người lao động có được tính vào chi phí hợp lý không? Số tiền nhận được khi kết thúc hợp đồng đóng bảo hiểm nhân thọ, doanh nghiệp chi trả cho người lao động một phần thì doanh nghiệp có phải tính vào thu nhập khác không, người lao động có bị khấu trừ thuế TNCN khi nhận khoản tiền này không? (Công ty Tùng Chi)
Trả lời:
Tiết o, Khoản 2, Điều 9, Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 của Chính phủ hướng dẫn một số trường hợp về khoản chi không được trừ được quy định như sau:
“Phần chi vượt mức 01 triệu đồng/tháng/người để: Trích nộp quỹ hưu trí tự nguyện, mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện, bảo hiểm nhân thọ cho người lao động; phần vượt mức quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế để trích nộp các quỹ có tính chất an sinh xã hội (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm hưu trí bổ sung bắt buộc), quỹ bảo hiểm y tế và quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.
Khoản chi trích nộp quỹ hưu trí tự nguyện, quỹ có tính chất an sinh xã hội, mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện, bảo hiểm nhân thọ cho người lao động được tính vào chi phí được trừ ngoài việc không vượt mức quy định tại khoản này còn phải được ghi cụ thể điều kiện hưởng và mức hưởng tại một trong các hồ sơ sau: Hợp đồng lao động; Thỏa ước lao động tập thể; Quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty, Tập đoàn; Quy chế thưởng do Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc quy định theo quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty;”
Căn cứ hướng dẫn trên, đơn vị bạn được tính vào chi phí được trừ khoản tiền mua bảo hiểm cho người lao động tối đa 01 triệu đồng/tháng/người nếu Hợp đồng lao động, Thỏa ước lao động tập thể quy định việc mua bảo hiểm nhân thọ cho người lao động, có ghi cụ thể điều kiện hưởng và mức được hưởng.
Bản tin này chỉ mang tính chất tham khảo, không phải ý kiến tư vấn cụ thể cho bất kì trường hợp nào.
Đăng kí để nhận bản tin từ Gonnapass