Giải đáp vướng mắc thuế Cục thuế tỉnh Thái Bình – Ngày 14/10/2017

730

Cục thuế tỉnh Thái Bình đã hỗ trợ giải đáp vướng mắc thuế ngày 14/10 về rất nhiều điểm mới cần quan tâm của chính sách thuế. Tham khảo bản tin dưới đây

Câu 1: Doanh nghiệp tổ chức cho cán bộ học tập lý luận chính trị tại Trường chính trị tỉnh Thái Bình. Tuy nhiên khi cá nhân nộp học phí cho nhà truờng chỉ được cấp phiếu thu, không có hóa đơn. Vậy đơn vị có được hạch toán vào chi phí dựa trên phiếu thu tiền được không?

          Trả lời:

Tại Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính (đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 2 Điều 6 Thông tư số 119/2014/TT-BTC; Điều 1 Thông tư số 151/2014/TT-BTC và Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính), quy định:

1. Trừ các khoản chi không được trừ nêu tại Khoản 2 Điều này, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:

a) Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

b) Khoản chi có đủ hoá đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.

c) Khoản chi nếu có hoá đơn mua hàng hoá, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.

Chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt thực hiện theo quy định của các văn bản pháp luật về thuế giá trị gia tăng.

2. Các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế bao gồm:

2.30. Các khoản chi không tương ứng với doanh thu tính thuế, trừ các khoản chi sau:

– Khoản chi có tính chất phúc lợi chi trực tiếp cho người lao động như: chi đám hiếu, hỷ của bản thân và gia đình người lao động; chi nghỉ mát, chi hỗ trợ điều trị; chi hỗ trợ bổ sung kiến thức học tập tại cơ sở đào tạo; chi hỗ trợ gia đình người lao động bị ảnh hưởng bởi thiên tai, địch họa, tai nạn, ốm đau; chi khen thưởng con  của người lao động có thành tích tốt trong học tập; chi hỗ trợ chi phí đi lại ngày lễ, tết cho người lao động; chi bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm tự nguyện khác cho người lao động (trừ khoản chi mua bảo hiểm nhân thọ cho người lao động hướng dẫn tại điểm 2.6, bảo hiểm hưu trí tự nguyện cho người lao động hướng dẫn tại điểm 2.11 Điều này) và những khoản chi có tính chất phúc lợi khác. Tổng số chi có tính chất phúc lợi nêu trên không quá 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế của doanh nghiệp.

…”

Tại Khoản 13 Điều 4 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Luật Thuế giá trị gia tăng và Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Thuế giá trị gia tăng quy định về đối tượng không chịu thuế GTGT như sau:

13. Dạy học, dạy nghề theo quy định của pháp luật bao gồm cả dạy ngoại ngữ, tin học; dạy múa, hát, hội họa, nhạc, kịch, xiếc, thể dục, thể thao; nuôi dạy trẻ và dạy các nghề khác nhằm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ văn hoá, kiến thức chuyên môn nghề nghiệp.

…”

Tại Điểm a, Khoản 7, Điều 3 Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/02/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế giá trị gia tăng và quản lý thuế tại Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12  tháng 2 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, quy định:

“a) Sửa đổi, bổ sung điểm b Khoản 1 Điều 16 (đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 3 Điều 5 Thông tư số 119/2014/TT-BTC) như sau:

“b) Người bán phải lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ, bao gồm cả các trường hợp hàng hoá, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hoá, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động (trừ hàng hoá luân chuyển nội bộ, tiêu dùng nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất).

Nội dung trên hóa đơn phải đúng nội dung nghiệp vụ kinh tế phát sinh; không được tẩy xóa, sửa chữa; phải dùng cùng màu mực, loại mực không phai, không sử dụng mực đỏ; chữ số và chữ viết phải liên tục, không ngắt quãng, không viết hoặc in đè lên chữ in sẵn và gạch chéo phần còn trống (nếu có). Trường hợp hoá đơn tự in hoặc hoá đơn đặt in được lập bằng máy tính nếu có phần còn trống trên hoá đơn thì không phải gạch chéo.”

Tại Tiết 2.1, Điểm 2, Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính, quy định:

2.1. Tổ chức nộp thuế theo phương pháp khấu trừ thuế bán hàng hoá, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT, đối tượng được miễn thuế GTGT thì sử dụng hóa đơn GTGT, trên hoá đơn GTGT chỉ ghi dòng giá bán là giá thanh toán, dòng thuế suất, số thuế GTGT không ghi và gạch bỏ.

…”

Căn cứ các quy định trên và nội dung hỏi, trường hợp đơn vị cho cán bộ công nhân viên học lý luận chính trị tại trường Chính trị Thái Bình, thì khi thu tiền học phí của học viên, trường Chính trị Thái Bình phải viết hoá đơn GTGT giao cho học viên, trên hoá đơn GTGT chỉ ghi dòng giá bán là giá thanh toán, dòng thuế suất, số thuế GTGT không ghi và gạch bỏ. Khi tính thuế TNDN, khoản tiền học phí lý luận chính trị của cán bộ công nhân viên chỉ được tính vào chi phí hợp lý, hợp lệ của doanh nghiệp nếu đáp ứng các điều kiện về hoá đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật.

Câu 2Công ty tôi có xuất khẩu một lô hàng cho một công ty ở Trung Quốc. Trên Tờ khai hải quan và trên Hợp đồng mua bán quy định đồng tiền thanh toán là USD, hàng hoá đã thông quan. Nhưng khi thanh toán thì bên Trung Quốc lại quy đổi ra tiền Nhân dân tệ để trả. Vậy việc thay đổi đồng tiền thanh toán từ USD sang Nhân dân tệ có hợp lý không? Bên Công ty tôi có cần bổ sung thêm chứng từ gì không?

Trả lời:

Tại Khoản 16, Điều 4, Thông tư số 32/2013/TT-NHNN ngày 26/12/2013 của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn thực hiện quy định hạn chế sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam, quy định các trường hợp được sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam:

“16. Người không cư trú thực hiện theo quy định sau:

a) Được chuyển khoản bằng ngoại tệ cho người không cư trú khác;

b) Được ghi giá trong hợp đồng bằng ngoại tệ và thanh toán tiền xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ chuyển khoản cho người cư trú. Người cư trú được báo giá, định giá bằng ngoại tệ và nhận thanh toán bằng ngoại tệ chuyển khoản khi cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho người không cư trú.

Tại Điều 385, Điều 398, Điều 403 Bộ Luật dân sự số 91/2015/QH13 của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 24 tháng 11 năm 2015 quy định:

“Điều 385. Khái niệm hợp đồng

Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự

Điều 398. Nội dung của hợp đồng

1. Các bên trong hợp đồng có quyền thỏa thuận về nội dung trong hợp đồng.

2. Hợp đồng có thể có các nội dung sau đây:

a) Đối tượng của hợp đồng;

b) Số lượng, chất lượng;

c) Giá, phương thức thanh toán;

……

Điều 403. Phụ lục hợp đồng

1. Hợp đồng có thể có phụ lục kèm theo để quy định chi tiết một số điều khoản của hợp đồng. Phụ lục hợp đồng có hiệu lực như hợp đồng. Nội dung của phụ lục hợp đồng không được trái với nội dung của hợp đồng.

2. Trường hợp phụ lục hợp đồng có điều khoản trái với nội dung của điều khoản trong hợp đồng thì điều khoản này không có hiệu lực, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Trường hợp các bên chấp nhận phụ lục hợp đồng có điều khoản trái với điều khoản trong hợp đồng thì coi như điều khoản đó trong hợp đồng đã được sửa đổi.”

Tại Khoản 1; Khoản 2 Điều 50 Luật thương mại số 36/2005/QH11 ngày 14/6/2005 của Quốc hội, quy định:

“1. Bên mua có nghĩa vụ thanh toán tiền mua hàng và nhận hàng theo thỏa thuận.

2. Bên mua phải tuân thủ các phương thức thanh toán, thực hiện việc thanh toán theo trình tự, thủ tục đã thỏa thuận và theo quy định của pháp luật.”

Tại Khoản 1; Khoản 4 Điều 29 Luật Hải quan số 54/2014/QH13 ngày 23/6/2014 của Quốc Hội, quy định về khai hải quan như sau:

“1. Người khai hải quan phải khai đầy đủ, chính xác, rõ ràng các tiêu chí thông tin tờ khai hải quan.

4. Người khai hải quan xác định có sai sót trong việc khai hải quan được thực hiện khai bổ sung trong các trường hợp sau đây:

a) Đối với hàng hóa đang làm thủ tục hải quan: trước thời điểm cơ quan hải quan thông báo việc kiểm tra trực tiếp hồ sơ hải quan;

b) Đối với hàng hóa đã được thông quan: trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày thông quan và trước thời điểm cơ quan hải quan quyết định kiểm tra sau thông quan, thanh tra, trừ trường hợp nội dung khai bổ sung liên quan đến giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu; kiểm tra chuyên ngành về chất lượng hàng hóa, y tế, văn hóa, kiểm dịch động vật, thực vật, an toàn thực phẩm.

Quá thời hạn quy định tại điểm a và điểm b khoản này, người khai hải quan mới phát hiện sai sót trong việc khai hải quan thì thực hiện khai bổ sung và xử lý theo quy định của pháp luật về thuế, pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.”

Căn cứ các quy định trên và nội dung hỏi, trường hợp Công ty bạn ký hợp đồng kinh tế bán hàng hoá với khách hàng nước ngoài, trong hợp đồng quy định đồng tiền thanh toán là USD, đơn vị đã thực hiện khai hải quan với đồng tiền thanh toán như hợp đồng, lô hàng xuất khẩu  đã được thông quan, khách hàng nước ngoài đã thanh toán cho đơn vị bằng đồng Nhân dân tệ, thì việc thanh toán này phải được được quy định tại phụ lục hợp đồng và đơn vị phải thực hiện khai bổ sung Tờ khai hải quan theo quy định của pháp luật.

Câu 3: Công ty A sản xuất bán lô hàng cho Công ty B năm 2016. Công ty A đã xuất hóa đơn, kê khai thuế GTGT và thuế TNDN năm 2016. Đến năm 2017, Công ty B lâm vào tình trạng phá sản, khả năng Công ty A sẽ không thu được tiền hàng là rất lớn. Vậy khoản công nợ từ Công ty B xử lý như thế nào?(Trước năm 2017, công ty A không phát sinh khoản dự phòng nợ phải thu khó đòi)

Trả lời:

Tại Điều 6 Thông tư số 228/2009/TT-BTC ngày 7/12/2009 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ trích lập và sử dụng các khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho, tổn thất các khoản đầu tư tài chính, nợ phải thu khó đòi và bảo hành sản phẩm, hàng hóa, công trình xây lắp tại doanh nghiệp, quy định:

Điều 6. Dự phòng nợ phải thu khó đòi.

1. Điều kiện: là các khoản nợ phải thu khó đòi đảm bảo các điều kiện sau:

 Khoản nợ phải có chứng từ gốc, có đối chiếu xác nhận của khách nợ về số tiền còn nợ, bao gồm: hợp đồng kinh tế, khế ước vay nợ, bản thanh lý hợp đồng, cam kết nợ, đối chiếu công nợ và các chứng từ khác.

Các khoản không đủ căn cứ xác định là nợ phải thu theo quy định này phải xử lý như một khoản tổn thất.

– Có đủ căn cứ xác định là khoản nợ phải thu khó đòi:

+ Nợ phải thu đã quá hạn thanh toán ghi trên hợp đồng kinh tế, các khế ước vay nợ hoặc các cam kết nợ khác.

+ Nợ phải thu chưa đến thời hạn thanh toán nhưng tổ chức kinh tế (các công ty, doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã, tổ chức tín dụng..) đã lâm vào tình trạng phá sản hoặc đang làm thủ tục giải thể; người nợ mất tích, bỏ trốn, đang bị các cơ quan pháp luật truy tố, giam giữ, xét xử, đang thi hành án hoặc đã chết.

2. Phương pháp lập dự phòng:

– Đối với nợ phải thu chưa đến hạn thanh toán nhưng tổ chức kinh tế đã lâm vào tình trạng phá sản hoặc đang làm thủ tục giải thể; người nợ mất tích, bỏ trốn, đang bị các cơ quan pháp luật truy tố, giam giữ, xét xử hoặc đang thi hành án hoặc đã chết… thì doanh nghiệp dự kiến mức tổn thất không thu hồi được để trích lập dự phòng.

– Sau khi lập dự phòng cho từng khoản nợ phải thu khó đòi, doanh nghiệp tổng hợp toàn bộ khoản dự phòng các khoản nợ vào bảng kê chi tiết để làm căn cứ hạch toán vào chi phí quản lý của doanh nghiệp.

3. Xử lý khoản dự phòng:

– Khi các khoản nợ phải thu được xác định khó đòi, doanh nghiệp phải trích lập dự phòng theo các quy định tại điểm 2 Điều này; nếu số dự phòng phải trích lập bằng số dư dự phòng nợ phải thu khó, thì doanh nghiệp không phải trích lập;

– Nếu số dự phòng phải trích lập cao hơn số dư khoản dự phòng nợ phải thu khó đòi, thì doanh nghiệp phải trích thêm vào chi phí quản lý doanh nghiệp phần chênh lệch;

– Nếu số dự phòng phải trích lập thấp hơn số dư khoản dự phòng nợ phải thu khó đòi, thì doanh nghiệp phải hoàn nhập phần chênh lệch ghi giảm chi phí quản lý doanh nghiệp.

4. Xử lý tài chính các khoản nợ không có khả năng thu hồi:

a) Nợ phải thu không có khả năng thu hồi bao gồm các khoản nợ sau:

– Đối với tổ chức kinh tế:

+ Khách nợ đã giải thể, phá sản: Quyết định của Tòa án tuyên bố phá sản doanh nghiệp theo Luật phá sản hoặc quyết định của người có thẩm quyền về giải thể đối với doanh nghiệp nợ, trường hợp tự giải thể thì có thông báo của đơn vị hoặc xác nhận của cơ quan quyết định thành lập đơn vị, tổ chức.

+ Khách nợ đã ngừng hoạt động và không có khả năng chi trả: Xác nhận của cơ quan quyết định thành lập doanh nghiệp hoặc tổ chức đăng ký kinh doanh về việc doanh nghiệp, tổ chức đã ngừng hoạt động không có khả năng thanh toán.

b) Xử lý tài chính:

Tổn thất thực tế của từng khoản nợ không thu hồi được là khoản chênh lệch giữa nợ phải thu ghi trên sổ kế toán và số tiền đã thu hồi được (do người gây ra thiệt hại đền bù, do phát mại tài sản của đơn vị nợ hoặc người nợ, do được chia tài sản theo quyết định của tòa án hoặc các cơ quan có thẩm quyền khác…).

Giá trị tổn thất thực tế của khoản nợ không có khả năng thu hồi, doanh nghiệp sử dụng nguồn dự phòng nợ phải thu khó đòi, quỹ dự phòng tài chính (nếu có) để bù đắp, phần chênh lệch thiếu hạch toán vào chi phí quản lý của doanh nghiệp.

Các khoản nợ phải thu sau khi đã có quyết định xử lý, doanh nghiệp vẫn phải theo dõi riêng trên sổ kế toán và được phản ánh ở ngoài bảng cân đối kế toán trong thời hạn tối thiểu là 10 năm, tối đa là 15 năm kể từ ngày thực hiện xử lý và tiếp tục có các biện pháp để thu hồi nợ. Nếu thu hồi được nợ thì số tiền thu hồi sau khi trừ các chi phí có liên quan đến việc thu hồi nợ, doanh nghiệp hạch toán vào thu nhập khác.

c) Khi xử lý khoản nợ phải thu không có khả năng thu hồi doanh nghiệp phải lập hồ sơ sau:

– Biên bản của Hội đồng xử lý nợ của doanh nghiệp. Trong đó ghi rõ giá trị của từng khoản nợ phải thu, giá trị nợ đã thu hồi được, giá trị thiệt hại thực tế (sau khi đã trừ đi các khoản thu hồi được).

– Bảng kê chi tiết các khoản nợ phải thu đã xóa để làm căn cứ hạch toán, biên bản đối chiếu nợ được chủ nợ và khách nợ xác nhận hoặc Bản thanh lý hợp đồng kinh tế hoặc xác nhận của cơ quan quyết định thành lập doanh nghiệp, tổ chức hoặc các tài liệu khách quan khác chứng minh được số nợ tồn đọng và các giấy tờ tài liệu liên quan.

– Sổ kế toán, chứng từ, tài liệu chứng minh khoản nợ chưa thu hồi được, đến thời điểm xử lý nợ doanh nghiệp đang hạch toán nợ phải thu trên sổ kế toán của doanh nghiệp.

d) Thẩm quyền xử lý nợ:

Hội đồng quản trị (đối với doanh nghiệp có Hội đồng quản trị) hoặc Hội đồng thành viên (đối với doanh nghiệp có Hội đồng thành viên); Tổng giám đốc, Giám đốc (đối với doanh nghiệp không có Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên) hoặc chủ doanh nghiệp căn cứ vào Biên bản của Hội đồng xử lý, các bằng chứng liên quan đến các khoản nợ để quyết định xử lý những khoản nợ phải thu không thu hồi được và chịu trách nhiệm về quyết định của mình trước pháp luật, đồng thời thực hiện các biện pháp xử lý trách nhiệm theo chế độ hiện hành.

Tại Điều 36 Thông tư số Thông tư số 133/2016/TT-BTC ngày 26/8/2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp nhỏ và vừa, quy định:

“Điều 36. Tài khoản 229 – Dự phòng tổn thất tài sản

1. Nguyên tắc kế toán

1.1. Tài khoản này dùng để phản ánh số hiện có và tình hình biến động tăng, giảm các khoản dự phòng tổn thất tài sản, gồm:

c) Dự phòng phải thu khó đòi: Là khoản dự phòng phần giá trị các khoản nợ phải thu và các khoản có tính chất tương tự các khoản phải thu mà khó có khả năng thu hồi.

1.4. Nguyên tắc kế toán dự phòng nợ phải thu khó đòi:

a) Khi lập Báo cáo tài chính, doanh nghiệp xác định các khoản nợ phải thu khó đòi và các khoản khác có bản chất tương tự các khoản phải thu mà có khả năng không đòi được để trích lập hoặc hoàn nhập khoản dự phòng phải thu khó đòi.

b) Doanh nghiệp trích lập dự phòng phải thu khó đòi khi:

– Nợ phải thu quá hạn thanh toán ghi trong hợp đồng kinh tế, các khế ước vay nợ, bản cam kết hợp đồng hoặc cam kết nợ, doanh nghiệp đã đòi nhiều lần nhưng vẫn chưa thu được, kể cả trường hợp không có biên bản đối chiếu công nợ hoặc đối tượng nợ không ký xác nhận công nợ hoặc bỏ trốn, mất tích. Việc xác định thời gian quá hạn của khoản nợ phải thu được xác định là khó đòi phải trích lập dự phòng được căn cứ vào thời gian trả nợ gốc theo hợp đồng mua, bán ban đầu, không tính đến việc gia hạn nợ giữa các bên.

– Nợ phải thu chưa đến thời hạn thanh toán nhưng đối tượng nợ đã lâm vào tình trạng phá sản hoặc đang làm thủ tục giải thể, mất tích, bỏ trốn.

2. Kết cấu và nội dung phản ánh của Tài khoản 229 – Dự phòng tổn thất tài sản

Bên Nợ:

– Hoàn nhập chênh lệch giữa số dự phòng tổn thất tài sản phải lập kỳ này nhỏ hơn số dự phòng đã trích lập kỳ trước chưa sử dụng hết;

– Bù đắp phần giá trị tổn thất của tài sản từ số dự phòng đã trích lập.

Bên Có:

Trích lập các khoản dự phòng tổn thất tài sản tại thời điểm lập Báo cáo tài chính.

Số dư bên Có: Số dự phòng tổn thất tài sản hiện có cuối kỳ.

Tài khoản 229 – Dự phòng tổn thất tài sản có 4 tài khoản cấp 2

Tài khoản 2293 – Dự phòng phải thu khó đòi: Tài khoản này phản ánh tình hình trích lập hoặc hoàn nhập khoản dự phòng các khoản phải thu và các khoản có bản chất tương tự các khoản phải thu mà có khả năng không thu hồi được.

…”

Căn cứ quy định trên và nội dung câu hỏi, trường hợp Công ty A bán hàng cho Công ty B trong năm 2016, năm 2017 Công ty B lâm vào tình trạng phá sản, công ty A không thu được công nợ phải thu đối với lô hàng đã xuất bán cho Công ty B, trước năm 2017 Công ty A chưa phát sinh dự phòng nợ phải thu khó đòi, thì:

– Khi lập báo cáo tài chính năm 2017, Công ty A căn cứ hồ sơ về khoản nợ phải thu khó đòi đối với Công ty B, xác định số dự phòng nợ phải thu khó đòi cần trích lập ở kỳ kế toán, thực hiện trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi theo quy định tại Khoản 1, Khảon 2, Khoản 3 Điều 6 Thông tư số 228/2009/TT-BTC và hạch toán

Nợ TK 642

     Có TK 2293: Số trích lập dự phòng (số dự kiến không thu hồi được từ công ty B.)

– Khi Công ty B có quyết định tuyên bố phá sản của toà án (hoặc quyết định của người có thẩm quyền về giải thể, hoặc thông báo tự giải thể, hoặc xác nhận của cơ quan quyết định thành lập), Công ty A thực hiện xử lý tài chính đối với khoản Công ty B nợ không có khả năng thu hồi, lập hồ sơ xử lý tài chính đối với số nợ không có khả năng thu hồi theo quy định tại Khoản 4 Điều 6 Thông tư số 228/2009/TT-BTC. Căn cứ quyết định xoá nợ, kế toán hạch toán

Nợ TK 2293: Số đã trích lập dự phòng

Nợ TK 111, 112, 331, …: Số bồi thường từ tổ chức, cá nhân

Nợ TK 642: Số được tính vào chi phí

Có TK 131

– Sau khi có quyết định xử lý số nợ phải thu của Công ty B, Công ty A vẫn phải theo dõi riêng trên sổ kế toán trong thời hạn tối thiểu là 10 năm, tối đa là 15 năm kể từ ngày thực hiện xử lý và tiếp tục có các biện pháp để thu hồi nợ. Nếu thu hồi được nợ thì số tiền thu hồi sau khi trừ các chi phí có liên quan đến việc thu hồi nợ, doanh nghiệp hạch toán vào thu nhập khác.

Câu 4.

1. Công ty có dự án sản xuất sợi (sợi dệt kim, sợi dệt thoi) tại xã Minh Khai – Vũ Thư – Thái Bình vừa đang đầu tư giai đoạn 2 vừa sản xuất kinh doanh thì có được hưởng ưu đãi thuế TNDN không? Thủ tục phải làm những gì?

2. Công ty mua lẻ tre cây của người nông dân trực tiếp trồng bán ra để phục vụ sản xuất kinh doanh thì phải làm thủ tục gì để tính vào chi phí hợp lý?

3. Thông báo đăng ký tài sản cố định trước khi đưa vào sử dụng có theo mẫu nào không?

Trả lời:

1. Tại Điều 18, Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/06/2014 của Bộ Tài Chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 của Chính Phủ quy định và hướng dẫn thi hành Luật thuế TNDN (được sửa đổi, bổ sung tại Điều 5 Thông tư số 151/2014/TT-BTC ngày 10/10/2014 và Điều 10 Thông tư 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của Bộ Tài chính), quy định điều kiện áp dụng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp.

Tại Khoản 3, Mục I, Phần A, Phụ lục I Ban hành kèm theo Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ quy định Danh mục ngành nghề ưu đãi đầu tư, quy định ngành nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư:

“3. Sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Tại Mục I Phụ lục danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển ban hành kèm theo Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 03 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ, quy định:

I. NGÀNH DỆT – MAY:

– Xơ thiên nhiên: Bông, đay, gai, tơ tằm;

– Xơ tổng hợp: PE, Viscose;

– Sợi dệt kim, sợi dệt thoi; sợi Polyester có độ bền cao, sợi Spandex, nylon có độ bền cao;

– Vải: Vải kỹ thuật, vải không dệt, vải dệt kim, vải dệt thoi;

– Chỉ may trong ngành dệt may;

– Hóa chất, chất trợ, thuốc nhuộm phục vụ ngành nhuộm hoàn tất vải;

– Phụ liệu ngành may: Cúc, mex, khóa kéo, băng chun.”

Tại Khoản 1 và Điểm a, Khoản 2 Điều 11; Khoản a, Điểm 1, Điều 12 Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 03 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ, quy định:

“1. Đối tượng ưu đãi:

Dự án sản xuất sn phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc Danh mục sn phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển: Bao gồm dự án đầu tư mới, dự án mở rộng và đổi mới công nghệ có ứng dụng thiết bị mới, quy trình sản xuất mới, sản xuất sản phẩm với năng lực sản xuất tăng ít nhất 20%.

2. Thủ tục xác nhận ưu đãi:

a) Các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể nộp hồ sơ đề nghị xác nhận tại cơ quan có thẩm quyền của địa phương nơi đặt dự án hoặc Bộ Công Thương để được xác nhận. Cơ quan có thẩm quyn của địa phương gửi Quyết định xác nhận ưu đãi tới Bộ Công Thương;

Điều 12. Chính sách ưu đãi đối với Dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển

1. Ưu đãi chung:

a) Thuế thu nhập doanh nghiệp:

Được áp dụng ưu đãi thuế theo quy định của Luật số 71/2014/QH13 ngày 26 tháng 11 năm 2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế.

Tại Khoản 1, Điều 13; Khoản 1 Điều 14 Luật thuế thu nhập doanh nghiệp số 14/2008/QH12 (đã được sửa đổi, bổ sung tại Luật số 32/2013/QH13 và Luật số 71/2014/QH13 ngày 26/11/2014 của Quốc hội) quy định:

“1. Áp dụng thuế suất 10% trong thời gian mười lăm năm đối với:

đ) Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới sản xuất sản phẩm thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển đáp ứng một trong các tiêu chí sau:

– Sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho công nghệ cao theo quy định của Luật Công nghệ cao;

– Sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất sản phẩm các ngành: dệt – may; da – giầy; điện tử – tin học; sản xuất lắp ráp ô tô; cơ khí chế tạo mà các sản phẩm này tính đến ngày 01 tháng 01 năm 2015 trong nước chưa sản xuất được hoặc sản xuất được nhưng phải đáp ứng được tiêu chuẩn kỹ thuật của Liên minh Châu Âu (EU) hoặc tương đương.

…”

 “Điều 14. Ưu đãi về thời gian miễn thuế, giảm thuế

1. Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới quy định tại khoản 1, điểm a khoản 2 Điều 13 của Luật này và doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được miễn thuế tối đa không quá bốn năm và giảm 50% số thuế phải nộp tối đa không quá chín năm tiếp theo.”

Căn cứ các quy định nêu trên và nội dung câu hỏi, Dự án sản xuất sợi (sợi dệt kim, sợi dệt thoi) tại xã Minh Khai – Vũ Thư – Thái Bình là dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển, nếu dự án đáp ứng điều kiện về ưu đãi thuế TNDN (sản phẩm sợi sản xuất ra tính đến ngày 01 tháng 01 năm 2015 trong nước chưa sản xuất được hoặc sản xuất được nhưng phải đáp ứng được tiêu chuẩn kỹ thuật của Liên minh Châu Âu (EU) hoặc tương đương; các điều kiện khác …) thì được hưởng ưu đãi về thuế TNDN theo quy định tại Điều 13, Điều 14 Luật thuế thu nhập doanh nghiệp.

2. Tại Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/06/2014 của Bộ Tài Chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 của Chính Phủ quy định và hướng dẫn thi hành Luật thuế TNDN (đã được sửa đổi, bổ sung tại  Điều 4, Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của Bộ Tài chính), quy định các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế:

1. Trừ các khoản chi không được trừ nêu tại Khoản 2 Điều này, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:

a) Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

b) Khoản chi có đủ hoá đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.

c) Khoản chi nếu có hoá đơn mua hàng hoá, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.

Chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt thực hiện theo quy định của các văn bản pháp luật về thuế giá trị gia tăng.

….

2. Các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế bao gồm:

2.1. Khoản chi không đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều này.

2.4. Chi phí của doanh nghiệp mua hàng hóa, dịch vụ (không có hóa đơn, được phép lập Bảng kê thu mua hàng hóa, dịch vụ mua vào theo mẫu số 01/TNDN kèm theo Thông tư số 78/2014/TT-BTC) nhưng không lập Bảng kê kèm theo chứng từ thanh toán cho người bán hàng, cung cấp dịch vụ trong các trường hợp:

….

– Mua hàng hóa là nông, lâm, thủy sản của người sản xuất, đánh bắt trực tiếp bán ra;

….

Bảng kê thu mua hàng hóa, dịch vụ do người đại diện theo pháp luật hoặc người được ủy quyền của doanh nghiệp ký và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực. Doanh nghiệp mua hàng hóa, dịch vụ được phép lập Bảng kê và được tính vào chi phí được trừ. Các khoản chi phí này không bắt buộc phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt. Trường hợp giá mua hàng hóa, dịch vụ trên bảng kê cao hơn giá thị trường tại thời điểm mua hàng thì cơ quan thuế căn cứ vào giá thị trường tại thời điểm mua hàng, dịch vụ cùng loại hoặc tương tự trên thị trường xác định lại mức giá để tính lại chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.

Căn cứ vào các quy định nêu trên, trường hợp mua lẻ tre cây của nông dân trực tiếp trồng, bán ra để phục vụ sản xuất kinh doanh, thì Công ty cần có: Chứng từ thanh toán cho người bán hàng; Bảng kê thu mua hàng hóa, dịch vụ mua vào theo mẫu số 01/TNDN kèm theo Thông tư số 78/2014/TT-BTC; Hợp đồng mua bán hàng hoá và một số tài liệu khác liên quan (nếu cần) để được tính vào chi phí hợp lý khi tính thuế TNDN.

          3. Tại Khoản 3, Điều 13 Thông tư số 45/2013/TT-BTC ngày 25/4/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao TSCĐ quy định  Phương pháp trích khấu hao tài sản cố định:

“3. Doanh nghiệp tự quyết định phương pháp trích khấu hao, thời gian trích khấu hao TSCĐ theo quy định tại Thông tư này và thông báo với cơ quan thuế trực tiếp quản lý trước khi bắt đầu thực hiện.”

Căn cứ quy định trên, doanh nghiệp phải Thông báo với cơ quan thuế trực tiếp quản lý về phương pháp trích khấu hao và thời gian trích khấu hao TSCĐ. Thông tư số 45/2013/TT-BTC  của Bộ Tài chính, không quy định về mẫu biểu  đối với “Thông báo phương pháp trích khấu hao, thời gian trích khấu hao TSCĐ”.

Câu 5Công ty tôi mua cọc tre để thi công công trình chịu thuế GTGT, Doanh nghiệp bán hàng (nộp thuế theo phương pháp khấu trừ, không trực tiếp trồng tre) xuất hóa đơn GTGT thuế suất 10% cho Công ty tôi. Hỏi:

1. Việc áp dụng thuế suất GTGT 10% như đã nêu đúng hay sai theo Luật thuế?

2. Nếu sai thì điều chỉnh lại như thế nào? Điều kiện để tính vào chi phí hợp lý khi quyết toán thuế TNDN?

Trả lời:

Tại Khoản 5, Điều 5, Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính, quy định về các trường hợp không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT:

“ Doanh nghiệp, hợp tác xã nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ bán sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, hải sản chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường cho doanh nghiệp, hợp tác xã ở khâu kinh doanh thương mại không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT. Trên hóa đơn GTGT, ghi dòng giá bán là giá không có thuế GTGT, dòng thuế suất và thuế GTGT không ghi, gạch bỏ.

Trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ bán sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường cho các đối tượng khác như hộ, cá nhân kinh doanh và các tổ chức, cá nhân khác thì phải kê khai, tính nộp thuế GTGT theo mức thuế suất 5% hướng dẫn tại khoản 5 Điều 10 Thông tư này.

Hộ, cá nhân kinh doanh, doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức kinh tế khác nộp thuế GTGT theo phương pháp tính trực tiếp trên GTGT khi bán sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường ở khâu kinh doanh thương mại thì kê khai, tính nộp thuế GTGT theo tỷ lệ 1% trên doanh thu.

Trường hợp sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường bán cho doanh nghiệp, hợp tác xã đã lập hoá đơn, kê khai, tính thuế GTGT thì người bán và người mua phải điều chỉnh hoá đơn để không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT theo hướng dẫn tại khoản này.

Tại Khoản 3, Điều 20, Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 và Nghị định số 04/2014/NĐ-CP ngày 17/01/2014 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ quy định xử lý đối với hóa đơn đã lập:

“3. Trường hợp hóa đơn đã lập và giao cho người mua, đã giao hàng hóa, cung ứng dịch vụ, người bán và người mua đã kê khai thuế, sau đó phát hiện sai sót thì người bán và người mua phải lập biên bản hoặc có thỏa thuận bằng văn bản ghi rõ sai sót, đồng thời người bán lập hóa đơn điều chỉnh sai sót. Hóa đơn ghi rõ điều chỉnh (tăng, giám) số lượng hàng hóa, giá bán, thuế suất thuế giá trị gia tăng…, tiền thuế giá trị gia tăng cho hóa đơn số…, ký hiệu… Căn cứ vào hóa đơn điều chỉnh, người bán và người mua kê khai điều chỉnh doanh số mua, bán, thuế đầu ra, đầu vào. Hóa đơn điều chỉnh không được ghi số âm (-).”

Tại Điều 4, Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính (đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 2 Điều 6 Thông tư số 119/2014/TT-BTC; Điều 1 Thông tư số 151/2014/TT-BTC) như sau:

“1. Trừ các khoản chi không được trừ nêu tại Khoản 2 Điều này, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:

a) Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

b) Khoản chi có đủ hoá đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.

c) Khoản chi nếu có hoá đơn mua hàng hoá, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.

Chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt thực hiện theo quy định của các văn bản pháp luật về thuế giá trị gia tăng.

….”

Căn cứ vào các quy định trên và nội dung hỏi, trường hợp Doanh nghiệp nộp thuế theo phương pháp khấu trừ (không trực tiếp trồng tre) bán cọc tre cho công ty bạn, thì cọc tre thuộc diện không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT. Việc Doanh nghiệp bán cọc tre lập hóa đơn GTGT bán cọc tre với thuế suất 10% cho công ty bạn là không đúng quy định của Luật.

– Doanh nghiệp bán cọc tre phải lập hoá đơn điều chỉnh theo quy định tại Khoản 3, Điều 20, Thông tư số 39/2014/TT-BTC nêu trên. Đồng thời, Công ty bạn và doanh nghiệp bán cọc tre kê khai điều chỉnh doanh số mua, bán, thuế đầu ra, đầu vào theo quy định của Pháp luật.

– Chi phí mua cọc tre chỉ được tính vào chi phí hợp lý khi tính thuế TNDN khi đáp ứng quy định tại Điều 4, Thông tư số 96/2015/TT-BTC.

Câu 6Doanh nghiệp hạch toán theo Thông tư 133. Hiện nay doanh nghiệp đang thực hiện đầu tư xây dựng lò xử lý rác thải phục vụ SXKD của đơn vị (đồng thời là thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học & phát triển công nghệ cấp tỉnh do sở Khoa học và công nghệ chủ trì). Đơn vị được NSNN (sở Khoa học và công nghệ) hỗ trợ 50% kinh phí cho đề tài. Đề nghị Cơ quan thuế giải đáp cụ thể về hạch toán kế toán đối với:

1. Tiền NSNN hỗ trợ về tài khoản của doanh nghiệp.

2. Khi thanh toán tiền mua hàng hoá, dịch vụ cho người bán (UNC từ tài khoản) và khoản chi khác phục vụ đề tài?

Trả lời:

          Tại Khoản 15; Khoản 23, Điều 7, Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18 tháng 06 năm 2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật thuế TNDN quy định về thu nhập khác:

“15. Quà biếu, quà tặng bằng tiền, bằng hiện vật; thu nhập nhận được bằng tiền, bằng hiện vật từ các nguồn tài trợ; thu nhập nhận được từ các khoản hỗ trợ tiếp thị, hỗ trợ chi phí, chiết khấu thanh toán, thưởng khuyến mại và các khoản hỗ trợ khác. Các khoản thu nhập nhận được bằng hiện vật thì giá trị của hiện vật được xác định bằng giá trị của hàng hóa, dịch vụ tương đương tại thời điểm nhận.

23. Các khoản thu nhập khác theo quy định của pháp luật.”

          Tại Khoản 1; Khoản 2 Điều 65 Thông tư số 133/2016/TT-BTC ngày 26/8/2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp nhỏ và vừa quy định Tài khoản 711 – Thu nhập khác:

“1. Nguyên tắc kế toán

a) Tài khoản này dùng để phản ánh các khoản thu nhập khác ngoài hoạt động sản xuất, kinh doanh thông thường của doanh nghiệp, gồm:

– Các khoản thu nhập khác ngoài các khoản nêu trên.

2. Kết cấu và nội dung phản ánh của Tài khoản 711 – Thu nhập khác

Bên Nợ:

– Số thuế GTGT phải nộp (nếu có) đối với các khoản thu nhập khác ở doanh nghiệp nộp thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp.

– Cuối kỳ kế toán, kết chuyển các khoản thu nhập khác phát sinh trong kỳ sang tài khoản 911 “Xác định kết quả kinh doanh”.

Bên Có: Các khoản thu nhập khác phát sinh trong kỳ.

Tài khoản 711 – Thu nhập khác không có số dư cuối kỳ.”

          Căn cứ các quy định trên và nội dung hỏi, trường hợp doanh nghiệp thực hiện đầu tư xây dựng lò xử lý rác thải nhằm phục vụ SXKD của đơn vị (đồng thời là đề tài Nghiên cứu khoa học của sở Khoa học và công nghệ đã được UBND tỉnh phê duyệt), được sở Khoa học và công nghệ hỗ trợ 50% kinh phí dự án, thì:

– Khi nhận được khoản tiền NSNN hỗ trợ về tài khoản, căn cứ chứng từ báo có, đơn vị hạch toán Nợ TK 112/Có TK 711: Số tiền nhận được.

– Khi chi mua hàng hoá, dịch vụ, chi khác … phục vụ đề tài bằng khoản tiền NSNN hỗ trợ, căn cứ vào chứng từ kế toán, hạch toán

Nợ Tài khoản liên quan (152, 153, 154, 334, 642 …)

Nợ TK 133

       Có TK 112,111: Số tiền thực tế chi

Bản tin này chỉ mang tính chất tham khảo, không phải ý kiến tư vấn cụ thể cho bất kì trường hợp nào.

Đăng kí để nhận bản tin từ Gonnapass


Liên hệ tư vấn dịch vụ Kế toán – Thuế – Đào tạo: Ms Huyền – 094 719 2091
Mọi thông tin xin liên hệ:
Công ty TNHH Gonnapass
Phòng 701, tầng 7, toà nhà 3D Center, số 3 Duy Tân, P Dịch Vọng Hậu, Q Cầu Giấy, TP Hà Nội
Email: hotro@gonnapass.com
Website: https://gonnapass.com
Hotline/ Zalo : 0888 942 040
avatar
admin

Nếu bạn thích bài viết, hãy thả tim và đăng ký nhận bản tin của chúng tôi

Ý kiến bình luận

You cannot copy content of this page