Giải đáp vướng mắc thuế Cục thuế tỉnh Thái Bình – Ngày 18/12/2020

119

Cục thuế tỉnh Thái Bình đã hỗ trợ giải đáp vướng mắc thuế ngày 18/12 về rất nhiều điểm mới cần quan tâm của chính sách thuế. Tham khảo bản tin dưới đây

Câu 1: Công ty tôi chuyên sản xuất về hàng may mặc nên số lượng người lao động rất lớn. Trong tháng 11/2020, có rất nhiều người lao động thay đổi về giấy tờ tùy thân (chuyển từ chứng minh thư nhân dân sang thẻ căn cước). Vậy xin hỏi Công ty tôi có thực hiện đăng ký thay đổi thông tin trên ứng dụng HTKK và gửi qua mạng được không?

Trả lời:

Tại khoản 3, Điều 36; điểm c, khoản 2, Điều 41 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13/6/2019 quy định:

Điều 36. Thông báo thay đổi thông tin đăng ký thuế

3. Trường hợp cá nhân có ủy quyền cho tổ chức, cá nhân chi trả thu nhập thực hiện đăng ký thay đổi thông tin đăng ký thuế cho cá nhân và người phụ thuộc thì phải thông báo cho tổ chức, cá nhân chi trả thu nhập chậm nhất là 10 ngày làm việc kể từ ngày phát sinh thông tin thay đổi; tổ chức, cá nhân chi trả thu nhập có trách nhiệm thông báo cho cơ quan quản lý thuế chậm nhất là 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được ủy quyền của cá nhân.

Điều 41. Trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Tài chính, cơ quan thuế trong việc đăng ký thuế

2. Cơ quan thuế tiếp nhận hồ sơ đăng ký thuế của người nộp thuế qua các hình thức sau:

c) Nhận hồ sơ điện tử qua cổng giao dịch điện tử của cơ quan thuế và từ hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hợp tác xã, đăng ký kinh doanh.

…”

Căn cứ các quy định trên và nội dung hỏi của Công ty bạn thì, trường hợp người lao động ủy quyền cho Công ty bạn thay đổi thông tin về giấy tờ tùy thân cho người lao động thì Công ty bạn thực hiện kê khai thay đổi vào Tờ khai đăng ký thuế qua cơ quan chi trả mẫu 05-ĐK-TH-TCT ban hành kèm theo Thông tư 95/2016/TT-BTC và gửi đến Cơ quan thuế quản lý trực tiếp bằng phương thức điện tử (Thực hiện kê khai trên ứng dụng HTKK tại mục: Thuế Thu nhập cá nhân \05-ĐK-TH-TCT Tờ khai đăng ký thuế qua cơ quan chi trả, tích ô “Thay đổi thông tin đăng ký thuế” và gửi qua website: www.thuedientu.gdt.gov.vn).

Câu 2: Công ty tôi là Công ty gia công hàng may mặc, khi xuất hàng lập hóa đơn điện tử, tại mục “Tên hàng hóa, dịch vụ”, Công ty tôi ghi “Áo khoác” mà không ghi là “Phí gia công áo khoác”; còn các nội dung khác ghi đúng. Công ty tôi đã gửi hóa đơn cho người mua và hai bên chưa kê khai thuế. Vậy xin hỏi Công ty tôi thực hiện hủy hóa đơn hay lập hóa đơn điều chỉnh?

Trả lời:

Tại điểm d, khoản 1 Điều 6; khoản 1 Điều 9 Thông tư số 32/2011/TT-BTC ngày 14/3/2011 của Bộ Tài chính quy định:

Điều 6. Nội dung của hoá đơn điện tử

1. Hóa đơn điện tử phải có các nội dung sau:

d) Tên hàng hóa, dịch vụ; đơn vị tính, số lượng, đơn giá hàng hoá, dịch vụ; thành tiền ghi bằng số và bằng chữ.

Các nội dung quy định từ điểm b đến điểm d khoản 1 Điều này phải phản ánh đúng tính chất, đặc điểm của ngành nghề kinh doanh, xác định được nội dung hoạt động kinh tế phát sinh, số tiền thu được, xác định được người mua hàng (hoặc người nộp tiền, người thụ hưởng dịch vụ…), người bán hàng (hoặc người cung cấp dịch vụ…), tên hàng hóa dịch vụ – hoặc nội dung thu tiền.

Điều 9. Xử lý đối với hóa đơn điện tử đã lập

1. Trường hợp hóa đơn điện tử đã lập và gửi cho người mua nhưng chưa giao hàng hóa, cung ứng dịch vụ hoặc hóa đơn điện tử đã lập và gửi cho người mua, người bán và người mua chưa kê khai thuế, nếu phát hiện sai thì chỉ được hủy khi có sự đồng ý và xác nhận của người bán và người mua. Việc huỷ hóa đơn điện tử có hiệu lực theo đúng thời hạn do các bên tham gia đã thoả thuận. Hóa đơn điện tử đã hủy phải được lưu trữ phục vụ việc tra cứu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Người bán thực hiện lập hóa đơn điện tử mới theo quy định tại Thông tư này để gửi cho người mua, trên hóa đơn điên tử mới phải có dòng chữ “hóa đơn này thay thế hóa đơn số…, ký hiệu, gửi ngày tháng năm.

2. Trường hợp hóa đơn đã lập và gửi cho người mua, đã giao hàng hóa, cung ứng dịch vụ, người bán và người mua đã kê khai thuế, sau đó phát hiện sai sót thì người bán và người mua phải lập văn bản thỏa thuận có chữ ký điện tử của cả hai bên ghi rõ sai sót, đồng thời người bán lập hoá đơn điện tử điều chỉnh sai sót. Hoá đơn điện tử lập sau ghi rõ điều chỉnh (tăng, giảm) số lượng hàng hoá, giá bán, thuế suất thuế giá trị gia tăng, tiền thuế giá trị gia tăng cho hoá đơn điện tử số…, ký hiệu… Căn cứ vào hoá đơn điện tử điều chỉnh, người bán và người mua thực hiện kê khai điều chỉnh theo quy định của pháp luật về quản lý thuế và hóa đơn hiện hành. Hoá đơn điều chỉnh không được ghi số âm (-).

Căn cứ các quy định trên và nội dung hỏi, trường hợp Công ty bạn xuất hàng hóa lập hóa đơn điện tử có ghi sai tên hàng hóa (ghi “phí gia công áo khoác” thành “áo khoác”) thì Công ty bạn và bên mua hàng phải lập văn bản thỏa thuận có chữ ký điện tử của cả hai bên ghi rõ sai sót, đồng thời Công ty bạn lập hoá đơn điện tử điều chỉnh sai sót theo quy định tại Điều 9 Thông tư số 32/2011/TT-BTC.

Câu 3: Khi thực hiện áp dụng hóa đơn điện tử, Công ty tôi có phải chuyển đổi sang hóa đơn giấy để lưu chứng từ không?

Trả lời:

Tại khoản 1 Điều 3; Điều 12 Thông tư số 32/2011/TT-BTC ngày 14/3/2011 của Bộ Tài chính quy định:

Điều 3. Hóa đơn điện tử

1. Hoá đơn điện tử là tập hợp các thông điệp dữ liệu điện tử về bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, được khởi tạo, lập, gửi, nhận, lưu trữ và quản lý bằng phương tiện điện tử. Hóa đơn điện tử phải đáp ứng các nội dung quy định tại Điều 6 Thông tư này.

Hoá đơn điện tử được khởi tạo, lập, xử lý trên hệ thống máy tính của tổ chức đã được cấp mã số thuế khi bán hàng hoá, dịch vụ và được lưu trữ trên máy tính của các bên theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.

Điều 12. Chuyển từ hoá đơn điện tử sang hoá đơn giấy

1. Nguyên tắc chuyển đổi

Người bán hàng hóa được chuyển đổi hóa đơn điện tử sang hóa đơn giấy để chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hoá hữu hình trong quá trình lưu thông và chỉ được chuyển đổi một (01) lần. Hóa đơn điện tử chuyển đổi sang hóa đơn giấy để chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa phải đáp ứng các quy định nêu tại Khoản 2, 3, 4 Điều này và phải có chữ ký người đại diện theo pháp luật của người bán, dấu của người bán.

Người mua, người bán được chuyển đổi hóa đơn điện tử sang hóa đơn giấy để phục vụ việc lưu trữ chứng từ kế toán theo quy định của Luật Kế toán. Hóa đơn điện tử chuyển đổi sang hóa đơn giấy phục vụ lưu trữ chứng từ kế toán phải đáp ứng các quy định nêu tại Khoản 2, 3, 4 Điều này.

2. Điều kiện

Hóa đơn điện tử chuyển sang hóa đơn giấy phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:

a) Phản ánh toàn vẹn nội dung của hóa đơn điện tử gốc;

b) Có ký hiệu riêng xác nhận đã được chuyển đổi từ hóa đơn điện tử sang hóa đơn giấy;

c) Có chữ ký và họ tên của người thực hiện chuyển từ hóa đơn điện tử sang hóa đơn giấy.

3. Giá trị pháp lý của các hoá đơn điện tử chuyển đổi

Hóa đơn điện tử chuyển đổi có giá trị pháp lý khi bảo đảm các yêu cầu về tính toàn vẹn của thông tin trên hóa đơn nguồn, ký hiệu riêng xác nhận đã được chuyển đổi và chữ ký, họ tên của người thực hiện chuyển đổi được thực hiện theo quy định của pháp luật về chuyển đổi chứng từ điện tử.

4. Ký hiệu riêng trên hoá đơn chuyển đổi

Ký hiệu riêng trên hoá đơn chuyển đổi từ hoá đơn điện tử sang hoá đơn dạng giấy bao gồm đầy đủ các thông tin sau: dòng chữ phân biệt giữa hoá đơn chuyển đổi và hoá đơn điện tử gốc – hóa đơn nguồn (ghi rõ “HOÁ ĐƠN CHUYỂN ĐỔI TỪ HOÁ ĐƠN ĐIỆN TỬ”); họ và tên, chữ ký của người được thực hiện chuyển đổi; thời gian thực hiện chuyển đổi.

Căn cứ quy định trên và nội dung câu hỏi, về nguyên tắc thì hóa đơn điện tử được lưu trữ và quản lý bằng phương tiện điện tử. Công ty bạn được chuyển đổi hóa đơn điện tử sang hóa đơn giấy để phục vụ lưu trữ chứng từ kế toán theo quy định tại Điều 12 Thông tư số 32/2011/TT-BTC.

Câu 4:

          Công ty tôi thuộc diện được giảm 30% thuế TNDN theo Nghị quyết số 116/2020/QH14 và đã nộp tiền thuế TNDN tạm tính quý I/2020 và quý II/2020 mà chưa thực hiện giảm 30%. Vậy xin hỏi số thuế TNDN tạm nộp quý I/2020 và quý II/2020 được tính lại như thế nào, có được bù trừ với số thuế tạm nộp quý IV/2020 không?

          Trả lời:

          Tại Nghị quyết số 116/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam quy định:

          Điều 1. Đối tượng áp dụng

Nghị quyết này áp dụng đối với người nộp thuế thu nhập doanh nghiệp là tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thu nhập chịu thuế theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sau đây gọi là doanh nghiệp), bao gồm:

1. Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam;

Điều 2. Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp

1. Giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với trường hợp doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2020 không quá 200 tỷ đồng.

2. Doanh nghiệp căn cứ quy định tại khoản 1 Điều này để tự xác định số thuế được giảm khi tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo quý và quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020.

Điều 3. Điều khoản thi hành

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký và áp dụng cho kỳ tính thuế năm 2020.

…”

Tại Điều 17 Thông tư số 151/2014/TT-BTC ngày 10/10/2014 của Bộ Tài chính quy định:

          Điều 17. Bổ sung Điều 12a, Thông tư số 156/2013/TT-BTC như sau:

“Điều 12aTạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo quý và quyết toán thuế năm

Căn cứ kết quả sản xuất, kinh doanh, người nộp thuế thực hiện tạm nộp số thuế thu nhập doanh nghiệp của quý chậm nhất vào ngày thứ ba mươi của quý tiếp theo quý phát sinh nghĩa vụ thuế; doanh nghiệp không phải nộp tờ khai thuế thu nhập doanh nghiệp tạm tính hàng quý.

…”

Tại điểm b, khoản 6 Điều 8; khoản 1 Điều 42 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định:

Điều 8. Các loại thuế khai theo tháng, khai theo quý, khai theo năm, khai theo từng lần phát sinh nghĩa vụ thuế và khai quyết toán thuế

6. Các loại thuế, khoản thu khai quyết toán năm và quyết toán đến thời điểm giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động, chấm dứt hợp đồng hoặc tổ chức lại doanh nghiệp. Trường hợp chuyển đổi loại hình doanh nghiệp (không bao gồm doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa) mà doanh nghiệp chuyển đổi kế thừa toàn bộ nghĩa vụ về thuế của doanh nghiệp được chuyển đổi thì không phải khai quyết toán thuế đến thời điểm có quyết định về việc chuyển đổi doanh nghiệp, doanh nghiệp khai quyết toán khi kết thúc năm. Cụ thể như sau:

b) Thuế thu nhập doanh nghiệp (trừ thuế thu nhập doanh nghiệp từ chuyển nhượng vốn của nhà thầu nước ngoài; thuế thu nhập doanh nghiệp kê khai theo phương pháp tỷ lệ trên doanh thu theo từng lần phát sinh hoặc theo tháng theo quy định tại điểm đ khoản 4 Điều này). Người nộp thuế phải tự xác định số thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp quý (bao gồm cả tạm phân bổ số thuế thu nhập doanh nghiệp cho địa bàn cấp tỉnh nơi có đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh, nơi có bất động sản chuyển nhượng khác với nơi người nộp thuế đóng trụ sở chính) và được trừ số thuế đã tạm nộp với số phải nộp theo quyết toán thuế năm.

Điều 42. Hiệu lực thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 05 tháng 12 năm 2020.

…”

          Căn cứ các quy định trên và nội dung câu hỏi, trường hợp Công ty bạn thuộc trường hợp được giảm thuế TNDN theo Nghị quyết số 116/2020/QH14, nhưng đã tạm nộp thuế TNDN quý I/2020 và quý II/2020 vào Ngân sách nhà nước khi chưa tính giảm 30%, thì Công ty bạn được trừ số thuế thu nhập doanh nghiệp đã nộp vào số thuế TNDN tạm nộp của quý III/2020, quý IV/2020 và được trừ số thuế đã tạm nộp hàng quý với số phải nộp theo quyết toán năm 2020.

Câu 5: Công ty tôi thuộc đối tượng được giảm tiền thuê đất của năm 2020 theo quy định tại Quyết định số 22/2020/QĐ-TTg. Công ty đã nộp đủ số tiền thuê đất của năm 2020 bao gồm cả phần được giảm 15%. Vậy xin hỏi Công ty tôi có thể bù trừ số tiền thuê đất nộp thừa với số tiền nộp các loại thuế khác phát sinh trong quý IV/2020 hay không? Hồ sơ gồm những gì?

          Trả lời:

  Tại khoản 1, Điều 60 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13/6/2019 của Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định:

“Điều 60. Xử lý số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa

1. Người nộp thuế có số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đã nộp lớn hơn số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt phải nộp thì được bù trừ số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa với số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt còn nợ hoặc trừ vào số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt phải nộp của lần nộp thuế tiếp theo hoặc được hoàn trả số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa khi người nộp thuế không còn nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt.

Trường hợp người nộp thuế đề nghị bù trừ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa với số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt còn nợ thì không tính tiền chậm nộp tương ứng với khoản tiền bù trừ trong khoảng thời gian từ ngày phát sinh khoản nộp thừa đến ngày cơ quan quản lý thuế thực hiện bù trừ.

…”

          Tại khoản 2, Điều 17 Thông tư số 84/2016/TT-BTC ngày 17/6/2016 của Bộ Tài chính quy định:

          Điều 17. Xử lý sai sót, tra soát, Điều chỉnh thông tin thu nộp thuế

2. Thực hiện tra soát và Điều chỉnh thông tin hạch toán thu ngân sách nhà nước

a) Đối với người nộp thuế

Trường hợp người nộp thuế phát hiện khai không chính xác các thông tin trên chứng từ nộp thuế, người nộp thuế phối hợp với ngân hàng/ cơ quan kho bạc nhà nước phục vụ người nộp thuế để xử lý sai sót trong việc nộp tiền vào ngân sách.

Trường hợp người nộp thuế phát hiện sai sót liên quan đến Khoản nộp ngân sách nhà nước đã được cơ quan thuế hạch toán và thông báo, người nộp thuế lập thư tra soát (mẫu số C111/NS ban hành kèm theo Thông tư này) kèm theo chứng từ nộp thuế hoặc thông tin liên quan đến nội dung đề nghị Điều chỉnh sai sót gửi cơ quan thuế.

…”

          Căn cứ các quy định trên và nội dung câu hỏi, trường hợp trong năm 2020 Công ty bạn nộp thừa tiền thuê đất thì lập thư tra soát mẫu số C1-11/NS ban hành kèm theo Thông tư số 84/2016/TT-BTC để bù trừ số tiền thuê đất nộp thừa với các loại thuế phải nộp khác trước ngày 31/12/2020.

          Câu 6: Trong năm 2020, Công ty tôi và Công ty B có phát sinh giao dịch mua bán. Tại Công ty tôi, ông C là Chủ tịch Hội đồng quản trị và trực tiếp tham gia điều hành. Tại Công ty B, ông C góp 30% vốn và không tham gia điều hành. Vậy xin hỏi, Công ty tôi và Công ty B có quan hệ liên kết hay không?

          Trả lời:

          Tại Điều 5, Điều 22 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP ngày 05/11/2020 của Chính phủ quy định:

Điều 5. Các bên có quan hệ liên kết

1. Các bên có quan hệ liên kết (sau đây viết tắt là “bên liên kết”) là các bên có mối quan hệ thuộc một trong các trường hợp:

a) Một bên tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào việc điều hành, kiểm soát, góp vốn hoặc đầu tư vào bên kia;

2. Các bên liên kết tại khoản 1 điều này được quy định cụ thể như sau:

i) Các doanh nghiệp chịu sự kiểm soát của một cá nhân thông qua vốn góp của cá nhân này vào doanh nghiệp đó hoặc trực tiếp tham gia điều hành doanh nghiệp;

…”

Điều 22. Hiệu lực thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 20 tháng 12 năm 2020 và áp dụng từ kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020.

…”

          Căn cứ các quy định trên và nội dung hỏi thì Công ty bạn và Công ty B là các bên có mối quan hệ liên kết.

Bản tin này chỉ mang tính chất tham khảo, không phải ý kiến tư vấn cụ thể cho bất kì trường hợp nào.

Đăng kí để nhận bản tin từ Gonnapass


Liên hệ tư vấn dịch vụ Kế toán – Thuế – Đào tạo: Ms Huyền – 094 719 2091
Mọi thông tin xin liên hệ:
Công ty TNHH Gonnapass
Phòng 701, tầng 7, toà nhà 3D Center, số 3 Duy Tân, P Dịch Vọng Hậu, Q Cầu Giấy, TP Hà Nội
Email: hotro@gonnapass.com
Website: https://gonnapass.com
Hotline/ Zalo : 0888 942 040
avatar
admin

Nếu bạn thích bài viết, hãy thả tim và đăng ký nhận bản tin của chúng tôi

Ý kiến bình luận

You cannot copy content of this page