Giải đáp vướng mắc thuế Cục thuế tỉnh Thái Bình – Ngày 27/06/2016

327

Cục thuế tỉnh Thái Bình đã hỗ trợ giải đáp vướng mắc thuế ngày 27/06 về rất nhiều điểm mới cần quan tâm của chính sách thuế. Tham khảo bản tin dưới đây

Câu 1:  Công ty tôi mua máy móc phục vụ cho sản xuất nông nghiệp (đối tượng không chịu thuế GTGT) giá trị trên 20 triệu đồng có bắt buộc phải chuyển khoản cho người bán không?

          Trả lời:

          Tại Điều 4, Thông tư số 96/2015/TT-BTC  ngày 22/6/2015 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC (đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 2 Điều 6 Thông tư số 119/2014/TT-BTC và Điều 1 Thông tư số 151/2014/TT-BTC) như sau:

Điều 6. Các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế

1. Trừ các khoản chi không được trừ nêu tại Khoản 2 Điều này, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:

a) Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

b) Khoản chi có đủ hoá đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.

c) Khoản chi nếu có hoá đơn mua hàng hoá, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt…”

Căn cứ quy định trên và nội dung câu hỏi của bạn, trường hợp đơn vị bạn mua máy móc phục vụ cho sản xuất nông nghiệp có giá trị trên 20 triệu đồng thì bắt buộc khi thanh toán phải có chứng từ không dùng tiền mặt để xác định là chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.

          Câu 2: Công ty tôi thuê xe của cá nhân để vận chuyển, không có hóa đơn chỉ có hợp đồng và giấy biên nhận tiền có được ghi nhận là chi phí hợp lý không?

          Trả lời:

          Tại Điều 4, Thông tư số 96/2015/TT-BTC  ngày 22/6/2015 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC (đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 2 Điều 6 Thông tư số 119/2014/TT-BTC và Điều 1 Thông tư số 151/2014/TT-BTC) như sau:

          “…

2. Các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế bao gồm:

2.4. Chi phí của doanh nghiệp mua hàng hóa, dịch vụ (không có hóa đơn, được phép lập Bảng kê thu mua hàng hóa, dịch vụ mua vào theo mẫu số 01/TNDN kèm theo Thông tư số 78/2014/TT-BTC) nhưng không lập Bảng kê kèm theo chứng từ thanh toán cho người bán hàng, cung cấp dịch vụ trong các trường hợp:

– Mua hàng hóa, dịch vụ của cá nhân, hộ kinh doanh (không bao gồm các trường hợp nêu trên) có mức doanh thu dưới ngưỡng doanh thu chịu thuế giá trị gia tăng (100 triệu đồng/năm).

Bảng kê thu mua hàng hóa, dịch vụ do người đại diện theo pháp luật hoặc người được ủy quyền của doanh nghiệp ký và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực. Doanh nghiệp mua hàng hóa, dịch vụ được phép lập Bảng kê và được tính vào chi phí được trừ. Các khoản chi phí này không bắt buộc phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt…

Căn cứ quy định trên, đơn vị bạn thuê xe của cá nhân có mức doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm để vận chuyển thì đơn vị được lập Bảng kê thu mua hàng hóa, dịch vụ (mẫu số 01/TNDN kèm theo Thông tư số 78/2014/TT-BTC) kèm theo chứng từ thanh toán cho người cho thuê xe để tính vào chi phí được trừ. Trường hợp đơn vị thuê xe của cá nhân có mức doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở lên thì cá nhân này phải đến chi cục thuế nơi cá nhân cư trú xin cấp hóa đơn lẻ để giao cho đơn vị bạn làm chứng từ tính vào chi phí được trừ.

Câu 3: Hóa đơn tiền internet không ghi mã số thuế của người mua, chỉ có đầy đủ tên, địa chỉ có được coi là hóa đơn hợp lệ không?

          Trả lời:

Tại Điều 25, Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2010 và Nghị định số 04/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ quy định về hoá đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ quy định việc sử dụng hóa đơn của người mua hàng như sau:

1. Người mua được sử dụng hóa đơn hợp pháp theo quy định pháp luật để chứng minh quyền sử dụng, quyền sở hữu hàng hóa, dịch vụ; hưởng chế độ khuyến mãi, chế độ hậu mãi, xổ số hoặc được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật; được dùng để hạch toán kế toán hoạt động mua hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật về kế toán; kê khai các loại thuế; đăng ký quyền sử dụng, quyền sở hữu và để kê khai thanh toán vốn ngân sách nhà nước theo các quy định của pháp luật.

2. Hóa đơn được sử dụng trong các trường hợp tại khoản 1 phải là: 

– Hóa đơn mua hàng hoá, dịch vụ bản gốc, liên 2 (liên giao khách hàng), trừ các trường hợp nêu tại khoản 1 Điều 4 và Điều 24 Thông tư này.

– Hóa đơn ghi đầy đủ các chỉ tiêu, nội dung theo quy định và phải nguyên vẹn.

– Số liệu, chữ viết, đánh máy hoặc in trên hóa đơn phải rõ ràng, đầy đủ, chính xác theo đúng quy định, không bị tẩy xóa, sửa chữa.

– Hóa đơn không thuộc các trường hợp nêu tại Điều 22 và Điều 23 Thông tư này.

Căn cứ quy định trên, hóa đơn tiền internet không ghi mã số thuế của người mua không được coi là chứng từ hợp lệ để ghi nhận chi phí. Đề nghị đơn vị bạn bổ sung đầy đủ mã số thuế người mua trên hóa đơn theo đúng quy định của pháp luật.

Câu 4: Thuế suất thuế GTGT của mặt hàng mùn cưa, phế liệu gỗ, trấu ép, củi cấu (đây là phế liệu của sản phẩm trồng trọt, rừng trồng) do doanh nghiệp nộp thuế theo phương pháp khấu trừ bán cho doanh nghiệp là bao nhiêu %?

          Trả lời:

Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Luật Thuế giá trị gia tăng và Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Thuế giá trị gia tăng;

Tại Khoản 5, Điều 5 quy định các trường hợp không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT như sau:

Doanh nghiệp, hợp tác xã nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ bán sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản, hải sản chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường cho doanh nghiệp, hợp tác xã ở khâu kinh doanh thương mại không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT. Trên hoá đơn GTGT, ghi dòng giá bán là giá không có thuế GTGT, dòng thuế suất và thuế GTGT không ghi, gạch bỏ…

Tại Khoản 7, Điều 10 quy định mức thuế suất 5% đối với:

Thực phẩm tươi sống ở khâu kinh doanh thương mại; lâm sản chưa qua chế biến ở khâu kinh doanh thương mại, trừ gỗ, măng và các sản phẩm quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư này.

Tại Điều 11 quy định mức thuế suất 10% đối với:

Thuế suất 10% áp dụng đối với hàng hoá, dịch vụ không được quy định tại Điều 4, Điều 9 và Điều 10 Thông tư này.

Các mức thuế suất thuế GTGT nêu tại Điều 10, Điều 11 được áp dụng thống nhất cho từng loại hàng hóa, dịch vụ ở các khâu nhập khẩu, sản xuất, gia công hay kinh doanh thương mại.

… Phế liệu, phế phẩm được thu hồi để tái chế, sử dụng lại khi bán ra áp dụng mức thuế suất thuế GTGT theo thuế suất của mặt hàng phế liệu, phế phẩm bán ra…

Tại Công văn số 3393/TCT-CS ngày 20/8/2014 của Tổng cục Thuế về thuế GTGT hướng dẫn: Từ ngày 01/01/2014, đối với sản phẩm trấu, bột trấu, trấu ép thành viên do tổ chức, cá nhân tự sản xuất bán ra thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT; trường hợp doanh nghiệp, HTX nộp thuế theo phương pháp khấu trừ bán cho doanh nghiệp, HTX ở khâu kinh doanh thương mại thuộc đối tượng không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT.

Tại Công văn số 1254/BTC-TCT ngày 08/9/2014 của Bộ Tài chính về thuế GTGT đối với sản phẩm gỗ hướng dẫn: Sản phẩm gỗ đã qua chế biến như gỗ ván, gỗ tấm, dăm gỗ áp dụng thuế suất thuế GTGT là 10%.

Căn cứ các quy định trên:

  • Doanh nghiệp nộp thuế theo phương pháp khấu trừ bán trấu ép, củi trấu cho doanh nghiệp thuộc đối tượng không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT. Trên hoá đơn GTGT, ghi dòng giá bán là giá không có thuế GTGT, dòng thuế suất và thuế GTGT không ghi, gạch bỏ.
  • Mặt hàng mùn cưa, phế liệu gỗ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất thuế GTGT là 10%.

          Câu 5: Công ty tôi hàng năm đều đặt in hóa đơn tại Công ty CP in đường sắt. Vậy công ty tôi có phải gửi thông báo cho cơ quan thuế về đơn vị nhận in hóa đơn cho mỗi lần đặt in hóa đơn hay không?

          Trả lời:

Tại Khoản 1, Điều 9, Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 hướng dẫn thi hành Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2010 và Nghị định số 04/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ quy định về hoá đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ quy định việc phát hành hóa đơn của tổ chức kinh doanh như sau:

Tổ chức kinh doanh trước khi sử dụng hoá đơn cho việc bán hàng hoá, dịch vụ, trừ hóa đơn được mua, cấp tại cơ quan thuếphải lập và gửi Thông báo phát hành hoá đơn (mẫu số 3.5 Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư này), hoá đơn mẫu cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp.

Tại Khoản 5, Điều 3 Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/02/2015 của Bộ Tài chính sửa đổi Khoản 2, Điều 9 Thông tư số 39/2014/TT-BTC như sau:

2. Nội dung Thông báo phát hành hóa đơn gồm: tên đơn vị phát hành hoá đơn, mã số thuế, địa chỉ, điện thoại, các loại hoá đơn phát hành (tên loại hóa đơn, ký hiệu hóa đơn, ký hiệu mẫu số hóa đơn, ngày bắt đầu sử dụng, số lượng hóa đơn thông báo phát hành (từ số… đến số…)), tên và mã số thuế của doanh nghiệp in hoá đơn (đối với hoá đơn đặt in), tên và mã số thuế (nếu có) của tổ chức cung ứng phần mềm tự in hoá đơn (đối với hoá đơn tự in), tên và mã số thuế (nếu có) của tổ chức trung gian cung cấp giải pháp hoá đơn điện tử (đối với hoá đơn điện tử); ngày lập Thông báo phát hành, tên, chữ ký của người đại diện theo pháp luật và dấu của đơn vị…

Căn cứ quy định trên, đơn vị trước khi sử dụng hóa đơn cho việc bán hàng hóa, dịch vụ phải lập và gửi Thông báo phát hành hóa đơn, hóa đơn mẫu (đối với trường hợp đăng ký lần đầu hoặc khi có sự thay đổi nội dung trên hóa đơn) cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp. Nội dung trên Thông báo phát hành hóa đơn có cả tên và mã số thuế của doanh nghiệp in hoá đơn. Do đó, mỗi lần lập và gửi Thông báo phát hành hóa đơn, đơn vị phải khai báo đầy đủ.

          Câu 6: Năm 2016, Công ty tôi ký hợp đồng mua hàng hóa với doanh nghiệp A. Hợp đồng quy định công ty tôi phải đặt cọc 10% giá trị hợp đồng, nếu đơn vị tôi không mua hàng thì không lấy lại được tiền đặt cọc (đây được coi là khoản tiền phạt vi phạm hợp đồng). Công ty tôi đã chuyển khoản 10% giá trị hợp đồng cho bên A nhưng sau đó không mua hàng nữa. Vậy khoản chi phí đặt cọc này có được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế không?

          Trả lời:

          Tại Điều 4, Thông tư số 96/2015/TT-BTC  ngày 22/6/2015 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC (đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 2 Điều 6 Thông tư số 119/2014/TT-BTC và Điều 1 Thông tư số 151/2014/TT-BTC) như sau:

          “…

2. Các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế bao gồm:

2.36. Các khoản tiền phạt về vi phạm hành chính bao gồm: vi phạm luật giao thông, vi phạm chế độ đăng ký kinh doanh, vi phạm chế độ kế toán thống kê, vi phạm pháp luật về thuế bao gồm cả tiền chậm nộp thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế và các khoản phạt về vi phạm hành chính khác theo quy định của pháp luật…

Căn cứ quy định trên, đơn vị bạn có phát sinh khoản chi phí đặt cọc do vi phạm hợp đồng kinh tế thì khoản tiền đặt cọc này được tính vào chi phí được trừ nếu có đầy đủ hồ sơ: hợp đồng; chứng từ thanh toán tiền đặt cọc cho người bán.

          Câu 7:  Doanh nghiệp nhận thầu xây dựng công trình đường nông thôn mới bằng nguồn vốn Ngân sách Nhà nước. Sau khi hoàn thành, nghiệm thu, bàn giao công trình, đơn vị lập hóa đơn với thuế suất là bao nhiêu %?

          Trả lời:

          Tại Khoản 12, Điều 4, Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Luật Thuế giá trị gia tăng và Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Thuế giá trị gia tăng quy định đối tượng không chịu thuế GTGT như sau:

“Duy tu, sửa chữa, xây dựng bằng nguồn vốn đóng góp của nhân dân (bao gồm cả vốn đóng góp, tài trợ của tổ chức, cá nhân), vốn viện trợ nhân đạo đối với các công trình văn hóa, nghệ thuật, công trình phục vụ công cộng, cơ sở hạ tầng và nhà ở cho đối tượng chính sách xã hội.

Trường hợp có sử dụng nguồn vốn khác ngoài vốn đóng góp của nhân dân, vốn viện trợ nhân đạo mà nguồn vốn khác không vượt quá 50% tổng số nguồn vốn sử dụng cho công trình thì đối tượng không chịu thuế là toàn bộ giá trị công trình.

Trường hợp có sử dụng nguồn vốn khác ngoài vốn đóng góp của nhân dân, vốn viện trợ nhân đạo mà nguồn vốn khác vượt quá 50% tổng số nguồn vốn sử dụng cho công trình thì toàn bộ giá trị công trình thuộc đối tượng chịu thuế GTGT…”

Tại Điều 11, Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính quy định mức thuế suất 10% đối với:

“Thuế suất 10% áp dụng đối với hàng hoá, dịch vụ không được quy định tại Điều 4, Điều 9 và Điều 10 Thông tư này…”

Căn cứ quy định trên, doanh nghiệp xây dựng công trình đường nông thôn mới bằng nguồn vốn Ngân sách Nhà nước. Khi công trình hoàn thành, nghiệm thu, bàn giao, đơn vị lập hóa đơn với thuế suất thuế GTGT là 10%.

          Câu 8: Điều kiện hoàn thuế GTGT đối với chi nhánh khác tỉnh, thành phố với Công ty mẹ là gì? (Chi nhánh hạch toán phụ thuộc, kê khai thuế GTGT riêng, Công ty mẹ còn nợ thuế).

          Trả lời:

  • Điều 18, Mục 2, Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính quy định các trường hợp hoàn thuế GTGT;
  • Khoản 12, Điều 1, Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/02/2015 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Điều 18, Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính về hoàn thuế GTGT;
  • Công văn số 10492/BTC-TCT ngày 30/7/2015 của Bộ Tài chính về việc tăng cường công tác quản lý hoàn thuế GTGT;
  • Công văn số 18832/BTC-TCT ngày 17/12/2015 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn sửa đổi, bổ sung công văn số 10492/BTC-TCT và công văn số 13822/BTC-TC.

            Đề nghị đơn vị bạn đối chiếu với các điều kiện về hoàn thuế GTGT, lập hồ sơ hoàn thuế theo quy định của Luật quản lý thuế và gửi kèm theo Bảng kê số thuế còn phải nộp, còn nợ của doanh nghiệp trụ sở chính; các chi nhánh và đề nghị bù trừ giữa các đơn vị với số thuế GTGT đề nghị hoàn (có đóng dấu xác nhận của doanh nghiệp trụ sở chính) theo mẫu 01/NTĐNBTNT ban hành kèm theo Công văn số 18832/BTC-TCT  để thực hiện bù trừ đối với toàn bộ số thuế còn phải nộp, còn nợ của doanh nghiệp trụ sở chính và các chi nhánh khác với số thuế GTGT đủ điều kiện hoàn thuế.

          Câu 9: Tiền lương của giám đốc Công ty TNHH một thành viên do một cá nhân làm chủ có được tính vào chi phí được trừ không?

          Trả lời:

          Tại Điều 4, Thông tư số 96/2015/TT-BTC  ngày 22/6/2015 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC (đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 2 Điều 6 Thông tư số 119/2014/TT-BTC và Điều 1 Thông tư số 151/2014/TT-BTC) như sau:

          “…

2. Các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế bao gồm:

2.6. Chi tiền lương, tiền công, tiền thưởng cho người lao động thuộc một trong các trường hợp sau:

 d) Tiền lương, tiền công của chủ doanh nghiệp tư nhân, chủ công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (do một cá nhân làm chủ); thù lao trả cho các sáng lập viên, thành viên của hội đồng thành viên, hội đồng quản trị mà những người này không trực tiếp tham gia điều hành sản xuất, kinh doanh…

Căn cứ quy định trên, khoản tiền lương của giám đốc Công ty TNHH một thành viên do một cá nhân làm chủ không được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.

          Câu 10: Các khoản chi phúc lợi phục vụ cho đời sống cán bộ công nhân viên của doanh nghiệp ( lễ, tết, nghỉ mát…) có được tính vào chi phí được trừ không? Cách hạch toán như thế nào?

          Trả lời:

          Tại Điều 4, Thông tư số 96/2015/TT-BTC  ngày 22/6/2015 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC (đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 2 Điều 6 Thông tư số 119/2014/TT-BTC và Điều 1 Thông tư số 151/2014/TT-BTC) như sau:

          “…

2. Các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế bao gồm:

2.30. Các khoản chi không tương ứng với doanh thu tính thuế, trừ các khoản chi sau:

– Khoản chi có tính chất phúc lợi chi trực tiếp cho người lao động như: chi đám hiếu, hỷ của bản thân và gia đình người lao động; chi nghỉ mát, chi hỗ trợ điều trị; chi hỗ trợ bổ sung kiến thức học tập tại cơ sở đào tạo; chi hỗ trợ gia đình người lao động bị ảnh hưởng bởi thiên tai, địch họa, tai nạn, ốm đau; chi khen thưởng con  của người lao động có thành tích tốt trong học tập; chi hỗ trợ chi phí đi lại ngày lễ, tết cho người lao động; chi bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm tự nguyện khác cho người lao động (trừ khoản chi mua bảo hiểm nhân thọ cho người lao động hướng dẫn tại điểm 2.6, bảo hiểm hưu trí tự nguyện cho người lao động hướng dẫn tại điểm 2.11 Điều này) và những khoản chi có tính chất phúc lợi khác. Tổng số chi có tính chất phúc lợi nêu trên không quá 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế của doanh nghiệp…”

          Căn cứ quy định trên, các khoản chi có tính chất phúc lợi chi trực tiếp cho người lao động (lễ, tết, nghỉ mát…) được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế nhưng tổng số khoản chi này không quá 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế của doanh nghiệp.

          Cách hạch toán:

          Khi đơn vị chi các khoản chi phúc lợi cho người lao động, kế toán ghi:

                                      Nợ TK 642

                                                Có TK 111, 112, 156…

Bản tin này chỉ mang tính chất tham khảo, không phải ý kiến tư vấn cụ thể cho bất kì trường hợp nào.

Đăng kí để nhận bản tin từ Gonnapass


Liên hệ tư vấn dịch vụ Kế toán – Thuế – Đào tạo: Ms Huyền – 094 719 2091
Mọi thông tin xin liên hệ:
Công ty TNHH Gonnapass
Phòng 701, tầng 7, toà nhà 3D Center, số 3 Duy Tân, P Dịch Vọng Hậu, Q Cầu Giấy, TP Hà Nội
Email: hotro@gonnapass.com
Website: https://gonnapass.com
Hotline/ Zalo : 0888 942 040
avatar
admin

Nếu bạn thích bài viết, hãy thả tim và đăng ký nhận bản tin của chúng tôi

Ý kiến bình luận

You cannot copy content of this page